26/06/2017 -

Tản mạn, giải trí

1699
Tác giả người Belarus Alexievich cho rằng, cho dù chế độ chuyên chế Cộng sản đã lụi tàn cùng Liên Bang Xô-viết, “con người đỏ” (Red Man) – lối sống và tư duy Cộng sản – vẫn bám trụ trong mỗi con người là công dân các nước đã từng có lịch sử Xô-viết.
Tác giả Svetlana Alexandrovna Alexievich (sinh năm 1948) là nhà báo người Belarus đoạt giải Nobel Văn Chương năm 2015.

Khi tên của Alexievich được nêu trong danh sách đề cử giải Nobel Văn chương, nhiều người đã ngạc nhiên vì bà là một nhà báo điều tra chứ không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Giải Nobel giành cho Alexievich (cạnh những ứng cử viên nặng ký khác như Haruki Murakami) được xem là một bất ngờ. Bà là nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên được nhận giải Nobel Văn chương trong lịch sử.

Các tác phẩm của Alexievich rất khó phân định là hư cấu hay phi hư cấu. Chất liệu văn chương của bà là những lời tự thuật, tâm sự, kể chuyện,… rất tự nhiên và không rào đón của những con người bình thường bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ, đàn ông và đàn bà, những con người mà bà có dịp phỏng vấn hay chuyện trò.

Đề tài lớn nhất với Alexievich chính là lịch sử, không phải của sự kiện, mà là lịch sử của cảm xúc con người, xuyên suốt từ thời Liên bang Xô-viết còn tồn tại, cho đến sự sụp đổ của nó, và giai đoạn tiếp theo sau đó. Trong quá trình khắc họa lịch sử đó, Alexievich đã chưa bao giờ ngại ngần những mảng tăm tối đau thương. Bà đã phỏng vấn những người dân hứng chịu thảm họa hạt nhân Chernobyl, và cả những người cựu binh đã tham gia cuộc chiến Afghanistan tàn khốc trong thập niên 80.

Alexievich cho rằng cho dù chế độ chuyên chế Cộng sản đã lụi tàn cùng Liên Bang Xô-viết, “con người đỏ” (Red Man) – lối sống và tư duy Cộng sản – vẫn bám trụ trong mỗi con người là công dân các nước đã từng có lịch sử Xô-viết.

Đó có lẽ là tư tưởng xuyên suốt trong tác phẩm mới nhất của Alexievich, ‘Thời Sống-Lại: Những Con Người Xô-viết Cuối Cùng’ (Secondhand Time: The Last of the Soviets).

Trong đoạn trích ngắn sau đây từ một trong những trang đầu tiên của Thời Sống-Lại, chúng ta được thấy phần nào những cảm xúc và day dứt của người Nga trong thời hậu Xô-viết, hậu Cộng sản, khi những giá trị bấy lâu của họ bị những cơn sóng tư bản làm đảo lộn. Một trong những day dứt đó là về sự Tự do.

Có lẽ nhiều người Việt Nam có thể thấy được chính mình và thời đại của mình, trong những cảm xúc và niềm day dứt đó.
Trích đoạn “Thời Sống-Lại: Những Con Người Xô-viết Cuối Cùng” (Secondhand Time: The Last of the Soviets) – Svetlana Alexievich (Fitzcarraldo 2016):

“ … Nền văn minh Xô-viết… Tôi đang gấp gáp tạo lại ấn tượng về những dấu vết của nó, những khuôn mặt thân quen của nó. Tôi không hỏi ai về chủ nghĩa xã hội, tôi muốn biết về tình yêu, về ghen tuông, về tuổi thơ, về tuổi già. Ca nhạc, múa may, tóc tai. Hằng sa số những chi tiết tạp nhạp của một phong cách sống đã tan biến.

Đó là cách duy nhất để bám theo một tai ương đến tận những đường viền của sự tầm thường, và cố gắng kể một câu chuyện. Tìm ra những khám phá nhỏ bé. Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên về sự thú vị thực thụ của cuộc sống thường nhật. Có vô số những chân-lý của riêng loài người. Lịch sử chỉ quan tâm duy nhất với các chi tiết hiện thực, cảm xúc nằm ngoài phạm vi quan tâm của nó. Thực tế rằng người ta xem việc thú nhận cảm xúc trong lịch sử là không thích hợp. Nhưng tôi nhìn thế giới như một nhà văn chứ không phải một nhà sử học. Tôi mê đắm con người.

Cha tôi không còn sống, thế nên chúng tôi chẳng thể bao giờ kết thúc những cuộc chuyện trò của mình… Ông kể rằng trong thời ông người ta dễ chết vì chiến tranh hơn là thời nay đối với những thanh niên ở Chechnya vốn chưa bao giờ được thử thách. Những năm 40, họ đi hết từ địa ngục này sang địa ngục khác. Trước chiến tranh, cha tôi học tại Viện Báo Chí Minsk. Ông nhớ lại nhiều lần ông trở lại trường sau kỳ nghỉ và các sinh viên không thể tìm ra bất kỳ người nào trong các giáo sư cũ của họ bởi vì các vị này đều đã bị bắt giữ trong thời gian nghỉ. Cha tôi và bạn bè ông không hiểu chuyện gì đã xảy ra, cho dù nó là gì đi nữa, nó cũng thật kinh hoàng. Cũng kinh hoàng như thể chiến tranh.

Tôi không có nhiều những cuộc chuyện trò trung thực và cởi mở với cha mình. Ông cảm thấy thương xót cho tôi. Tôi có thấy thương xót cho ông không? Thật khó để trả lời câu hỏi đó… Chúng tôi đã luôn tỏ ra bất dung thứ với cha mẹ mình. Chúng tôi đã nghĩ rằng tự do là một thứ giản đơn. Một thời gian ngắn trôi qua và sớm thôi chúng tôi quỳ mọp dưới cái ách của nó. Chẳng ai dạy chúng tôi làm cách nào để sống tự do. Chúng tôi đã chỉ được dạy làm cách nào để chết vì tự do.


Và nó đây rồi, tự do! Nó có là tất cả những gì chúng tôi đã hy vọng? Chúng tôi đều đã sẵn sàng để chết vì lý tưởng. Sẵn sàng chứng tỏ bản thân trong chiến trận. Nhưng nay, chúng tôi tự dẫn mình vào một cuộc sống nhuốm màu văn chương Chekhov. Chẳng có lịch sử. Chẳng có giá trị nào ngoài mạng người – cuộc sống nói chung. Bây giờ chúng tôi có những ước mơ: xây một ngôi nhà, mua một chiếc xe đàng hoàng, trồng những hàng cây lý gai…

Tự do hóa ra có nghĩa là khôi phục một sự tồn tại theo lối tiểu tư sản, vốn theo truyền thống đã luôn bị đàn áp tại Nga. Tự do của Nữ Hoàng Tiêu Dùng. Bóng tối thẫm lại. Bóng tối của ham muốn và bản năng – những bí ẩn của cuộc sống con người mà chúng tôi chỉ có những khái niệm xấp xỉ.

Suốt lịch sử của mình, chúng tôi đã chỉ tồn tại chứ không sống. Ngày nay, kinh nghiệm chiến tranh của chúng tôi chả còn tác dụng gì, thực tế là những kinh nghiệm ấy tốt nhất là phải quên đi. Bây giờ có hàng ngàn những cảm xúc, tâm trạng và phản ứng mới cho chúng tôi chọn lựa. Mọi thứ xung quanh chúng tôi đã đổi thay: những biển quảng cáo, quần áo, tiền bạc, màu cờ… và cả bản thân con người. Họ bây giờ màu mè hơn, cá nhân hơn, khối chỉnh thể (monolith) đã tan tành và cuộc sống vụn vỡ ra thành hàng triệu mảnh nhỏ, những tế bào, và những nguyên tử. Giống như trong cuốn từ điển của nhà từ điển học Vladimir Dal: ý chí tự do… sự không ràng buộc… những khoảng không rộng rãi.

Cái Ác Vĩ Đại chẳng còn gì ngoài một thần thoại xa xăm, một câu chuyện trinh thám chính trị. Sau Cải Tổ (perestroika), chẳng ai thèm nói chuyện về các ý tưởng nữa – bây giờ người ta nói về tiền cho vay, về lãi suất, và đơn hứa trả tiền; người ta không còn kiếm tiền nữa, bây giờ người ta ‘làm’ tiền, hoặc ‘ăn’ tiền. Những điều này sẽ mãi như vậy? ‘Thực tế rằng tiền là một thứ hư cấu sẽ mãi không bao giờ có thể được gột rửa khỏi tâm hồn Nga,’ nhà thơ Marina Tsevetaeva viết. Nhưng dường như những nhân vật tiểu tư sản và quan lại trong các tác phẩm của Ostrovsky và Saltykov-Schedrin đang sống lại và đi bách bộ trên đường phố chúng tôi.

Tôi đã hỏi tất cả những ai tôi gặp ‘tự do’ là gì. Những người cha và những đứa con có những câu trả lời rất khác nhau. Những ai sinh ra trong Liên Bang Xô-viết và những ai sinh ra sau khi nó sụp đổ không có chung kinh nghiệm – cứ như thể họ chẳng đến từ cùng một hành tinh.

Với những người cha, tự do là sự vắng bóng nỗi sợ hãi; là ba ngày tháng Tám năm 1991 khi chúng tôi đánh bại cuộc đảo chính [chống lại Gorbachev]. Một người đàn ông có thể chọn giữa hàng trăm loại xúc xích thì tự do hơn một người chỉ được chọn giữa mười loại. Tự do là không bao giờ bị đánh đập, cho dù chưa có thế hệ người Nga nào mà không bị đánh. Người Nga không thể hiểu tự do, họ cần đám kỵ binh Cossack và chiếc roi da.

Cho những đứa con: tự do là tình yêu, tự do nội tại là một giá trị tuyệt đối. Tự do là khi bạn không sợ hãi chính những dục vọng của mình, là có nhiều, thật nhiều tiền để bạn có được tất cả mọi thứ, là khi bạn có thể sống mà không phải nghĩ về tự do. Tự do là bình thường…”

Cafe Luật Khoa
114.864864865135.135135135250