24/06/2021 -

Tản mạn, giải trí

2074

Chút gì để nhớ


“Tối qua cha nhắc em đó!” Đó là lời đầu tiên của Fr. H. nói với tôi khi hai anh em vừa gặp mặt trong những giờ phút cuối cùng trước khi tẩn liệm cha Giuse Lê Hoàng Thụy. Câu nói ấy gợi về cho tôi tin nhắn mấy ngày trước cũng của chính Fr. H: “Q ơi, cha Thụy nhắc sao không thấy em sang thăm. Anh có nói là dịch bệnh nên anh em học viện chưa qua được.” Vâng, chúng con chỉ “chưa” sang thăm Cha được thôi… nhưng nào ngờ cái “chưa” ấy sẽ mãi mãi là một lời hứa. Dẫu biết thế nào thời khắc đặc biệt này rồi cũng xảy đến, vì Cha đã bệnh khá lâu, nhưng sao lòng vẫn không khỏi ngậm ngùi.

Nhớ lại cách đây khoảng một tháng, tôi và vài anh em học viện có sang thăm ngài, lúc ấy ngài vừa được chích morphine nên tỉnh táo. Cha nói với chúng tôi rất nhiều thứ, từ những cơn đau đang hành hạ thể xác, cái mà ngày xưa khi đi xức dầu cho các bệnh nhân ung thư cha đã được nghe nói, nhưng bây giờ mới cảm nhận rõ nét như thế nào. Cơn đau xé da xé thịt không gì diễn tả nỗi. Tôi nhớ có người anh em nhắc ngài về câu hỏi mà trước kia ngài đã từng hỏi một bệnh nhân ung thư khi đi xức dầu: “Cha có muốn xin ơn chết lẹ như cha đã từng hỏi không?” Ngài cười. Anh em kể cho ngài biết xã hội đang tái bùng dịch Covid-19, ngài nói: “Phải mình bị covid cho chết lẹ chút, chứ như vầy đau quá”. Tôi hỏi ngài: “Cha ngủ được không?”, ngài trả lời: “Không, thức cả đêm, nhìn đồng hồ quay.” Lúc đó, tôi không biết nói gì, chỉ thấy xót xa trong lòng. Tôi ngồi bóp hai chân cho ngài đỡ mỏi. Tôi thiết nghĩ cuộc đời một người tu sĩ cho đến lúc này, mười tấm bằng tiến sĩ hay các chức vụ giám đốc thỉnh viện, giám sư anh em tu huynh, cha giáo… cũng không bằng một liều morphine giảm đau. Khi chúng tôi chào ngài ra về, ngài nói với từng anh em: “Thôi, có gì thì bỏ qua cho mình nhé!”. Rồi ngài ban bình an cho chúng tôi. Ai nào ngờ đó là cái bình an cuối cùng mà chúng tôi nhận được từ ngài.

Nhớ về cha Giuse, những kỷ niệm thời chúng tôi sống ở Thỉnh viện dưới sự hướng dẫn của ngài là những điều ấn tượng nhất. Ngài có lối giáo dục và cách ứng xử rất đặc biệt, để sau này, ngay lúc này đây, biết bao thế hệ qua tay ngài đào luyện đều nhớ về ngài và cố gắng đến chào tiễn ngài lần cuối.

Nhà đào tạo đầy tinh tế

Kỷ niệm lớn nhất của tôi với cha là các lời hứa, vì qua lời hứa cha nhắc nhở anh em nhiều điều thật sâu sắc. Có lần, ngài nói với tôi: “Khi nào ông Q. linh mục cho mình ban phép lành Tòa thánh ké với nhé, vì hồi xưa mình chịu chức bên nước ngoài chưa làm lễ mở tay nên phép lành vẫn còn”. Lời hứa ấy của cha không đơn thuần chỉ là một lời hứa, mà còn là lời khích lệ động viên. Quả vậy, thời Cha làm Giám đốc thỉnh viện, chắc không ai bướng bỉnh bằng tôi: đi tu dăm ba bữa lại đòi về nhà, học hành thì chả đâu vào đâu, tính khí thất thường… Vì thế, trong thâm tâm tôi, lời hứa kia còn là lời nhắc nhở bền đỗ trong ơn gọi tu trì, và nó vẫn theo tôi cho đến ngày hôm nay. Với tôi, ngài là nhà đào tạo luôn mở ra cho anh em những viễn cảnh trong tương lai, để khích lệ anh em phấn đấu đạt tới.

Có lần, một anh em ở Thỉnh viện không được đi Nhà tập năm ấy vì bệnh tật. Vậy là ngài lặn lội ra tận miền Trung quê nhà của anh ấy để thông báo. Tôi hỏi ngài sao không đi máy bay cho nhanh mà lại đi xe đò, ngài trả lời: “Chuyện quan trọng, đi xe đò để có thời gian suy nghĩ lựa lời mà nói.” Sau này, tôi được chính người anh em đó cho biết, ngài ra tận gia đình nhưng cũng ngại ngùng không biết mở lời làm sao. Phải đến cái ngày cuối cùng ngài mới rủ người anh em ấy ra bãi biển… và rồi cũng chính người anh em ấy mở lời trước.

Có lẽ cái kỷ niệm lớn nhất của anh em khi ở giai đoạn Thỉnh viện là khoảng thời gian thi lên Học viện: học hết sức mình, căng thẳng, lo lắng, cầu nguyện,… Tôi nhớ khi tôi mới ở năm dự bị, có một đêm ngài hút rất nhiều thuốc lá ở ngoài sân bóng chuyền. Một anh lớp tiền tập kêu tôi ra xem ngài thế nào vì từ chiều tới giờ thấy ngài căng thẳng lắm. Vậy tôi đi ra, thì được biết đã có kết quả thi lên Học viện, và khá nhiều anh em không đạt. Thì ra ngài buồn lòng và đang tìm cách để nói chuyện với anh em, hầu nâng đỡ và giữ anh em lại.

Cha Thụy là vậy đó, quý mến từng ơn gọi tuy ít bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài. Ngài cũng rất đắn đo khi phải quyết định ơn gọi của một anh em nào đó. Ngài hay nói với chúng tôi: “Ơn gọi là của Chúa chứ không phải của mình.”


Người tu sĩ đơn hèn

Anh em nào đã từng biết đến cha sẽ cảm nhận rất rõ sự đơn sơ và khó nghèo của cha, từ chuyện ăn uống, cách ăn mặc cho đến các phương tiện sử dụng bên ngoài. Có lẽ trong chính sự đơn hèn ấy mà ngài dễ gần gũi với người khác, đặc biệt người nghèo. Đó cũng chính là một trong những bài học lớn mà chúng tôi học được nơi ngài.

Nhớ có đợt tết, tôi về quê muộn nên có dịp chở ngài ra công viên Gia định xem hoa kiểng. Đi vài vòng thì lại gặp người cùng quê của tôi. Khi người ta biết ngài là linh mục thì tặng hẳn vài cây kiểng lá. Ngài thích lắm, đặc biệt là những cây bon-sai có hình thù lạ, nhỏ nhỏ để trên bàn làm việc được. Nhưng có vẻ ngài cũng rất ngại ngùng. Sáng hôm sau, ngài nói với tôi: “Tối nay ông Q. chở tôi ra đó chuyến nữa nha, kiếm cái gì mua cho người ta chứ để người ta cho mình không tôi ngại lắm.” Cha là vậy đó, đơn sơ chân thành, không muốn để ai bị thiệt thòi điều gì.

Năm ngoái, khi biết tin mình được nhận Khấn trọng, tôi viết thư cho ngài để cảm ơn và cũng để chúc mừng ngài vừa được chọn làm quản lý Tu viện thánh Albertô. Ngài trả lời như sau:
Alô, chào ông Q.. Cám ơn ông Q. gửi lời hỏi thăm. Nhờ ơn Chúa ban, vẫn khoẻ bình thường.

Cám ơn ông Q. trải lòng tâm sự về hành trình theo Chúa. Dù gian nan, đầy thử thách bên trong bên ngoài, sau cùng thì mọi sự khó cũng đã qua. Tạ ơn Chúa! Đây cũng là dịp quan trọng để dừng chân và nhìn lại về ơn Chúa ban cho ông Q., cho gia đình và người thân.

Đại dịch covid cũng là thời gian quan trọng để mọi người suy nghĩ, nhìn ra dấu chỉ Chúa muốn nói, nhờ đó biết sửa đổi nhiều thứ. Nhiều dự định ở cấp quốc tế, quốc gia và kể cả Tỉnh dòng, mỗi cá nhân... cũng bị ảnh hưởng do đại dịch tác động.

Nhân sự kiện khấn nội bộ, ông Q. và anh em sắp có cảm nghiệm về sự “không hoành tráng” khi theo Chúa. Đó cũng là điều khá hay, miễn là ông Q. nhìn theo hướng tích cực trong ơn Chúa. Còn nếu ngồi nhớ nhung “củ hành củ tỏi” hồi còn ở bên Ai-cập, còn ngồi nhớ sự nguy nga của tường thành Giêrusalem... thì tay gảy đàn sẽ thành tê bại, dự định bao điều ngày ấy tiêu tan thôi.

Nói cho vui thôi. Bữa nào ông Q. về quê tạ ơn, làm hoành tráng cho bà Cụ vui. Nghĩ lớn mới ra biển lớn được. Còn nếu ông về quê làm nồi cá bống kho khô, thì cho tôi đi tạ ơn với nhé.

Tôi kiêm thêm chức quản lý thì chẳng khác nào ôm thêm quả bom, có gì đâu mà ăn mừng. Vả lại, trúng ngay vào thời kỳ covid, chi nhiều hơn thu, ngày đêm lo ngay ngáy. Được phục vụ anh em là niềm vui, nhưng chắc chắn cũng sẽ có thiếu xót. Ông thêm lời cầu nguyện cho tôi với nhé.

Cầu chúc ông Q. và anh em nhiều ơn Chúa nhé.

Thân mến,
LHThuy.

Trong cái vui của anh em, cha chúc mừng nhưng cũng không quên nhắc nhở về sự đơn hèn, mà lại là một lời nhắc đầy tinh tế. Chỉ tiếc là “nồi cá bống kho khô” kia mãi mãi cũng chỉ dừng lại ở một lời hứa.

Sự đơn hèn của cha cũng hàm chứa một tinh thần dấn thân phục vụ. “Được phục vụ anh em là niềm vui”, câu nói ấy làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhiều người thường nói, trong dòng Đa Minh chả có ai thích làm bề trên cả, phần vì chức vụ có nhiệm kỳ, phần vì áp lực đủ mọi thứ. Tuy nhiên, chính niềm vui trong sự phục vụ anh em mới là chất xúc tác mạnh mẽ nhất cho các chức vụ. Trong dòng Đa Minh, chẳng ai nhận lãnh các chức vụ vì bản thân mình, nhưng hướng tới thiện ích chung của cộng đoàn và muốn được phục vụ anh em. Cha Thụy là một người như thế.

Nhưng ngài cũng ý thức mình có nhiều thiếu xót nên cần được anh em tha thứ và cầu nguyện cho. Có lẽ đó cũng là tâm tình mà vào những ngày cuối đời ngài, khi có anh em đến thăm, ngài thường nói: “Có gì thì bỏ qua cho mình nhé.” Lời xin lỗi ấy có thể là lời xin lỗi vì những thiếu xót, nhưng chắc hẳn cũng là lời xin lỗi vì một cuộc đời đã đi đến gần cuối, không còn cơ hội phục vụ anh em được nữa.

Sáng thứ tư, khi tôi sang với ngài, ngài vẫn nằm đó. Chỉ có điều lần này khác hơn những lần trước: ngài không nói, không cười, không còn “có gì thì bỏ qua cho mình nhé”. Lần này, tôi nói nhiều hơn, thậm chí chỉ nói thầm trong bụng, nhưng tin chắc ngài nghe hiểu tất cả. Sự bất động của thân xác là câu trả lời thâm sâu nhất cho mọi thắc mắc của phận người. Sự bất động ấy cũng có nghĩa là ngài sẽ đón nhận mọi tâm tình của anh em khi ngài về bên Chúa, giống như thánh Tổ phụ Đa Minh đã trối lúc cuối đời vậy: “Cha ra đi thì có lợi cho anh em”.

Có lẽ sẽ có người thầm trách cha sao không báo cho anh em biết bệnh tình sớm hơn để còn tìm cách chạy chữa… Nhưng tôi thiết nghĩ, từ lâu nay cha đã biết rõ bệnh tình của mình. Cha không báo sớm cho anh em không phải vì sợ phiền anh em, cho bằng có một thông điệp gì đó nằm ở phía sau mà cha muốn truyền đạt. Tôi biết cha Thụy không bao giờ làm việc gì mà không có lý do, và lý do đó sẽ luôn hướng đến thiện ích chung của anh em trước tiên. Tôi tin rằng cha cũng đã tìm cách để chạy chữa cho chính mình và luôn tin tưởng vào ơn quan phòng của Thiên Chúa.

Cơn bệnh quái ác gây đau đớn cho cha trong khoảng 6 tháng. Tuy nó bào mòn sức khỏe thể xác nhưng không hề làm suy giảm tinh thần dấn thân phục vụ của người môn đệ Chúa Kitô. Cha đã giữ đức tin của mình cho đến cùng, trong linh đạo Đa Minh mà cha tận hiến. Sáng thứ 6 này, thân xác cha sẽ trở về lòng đất trong sự bằng yên. Thánh lễ chỉ cử hành nội bộ vì dịch bệnh, nhưng xem ra điều đó lại phù hợp với tính cách đơn sơ, không ồn ào, không khoa trương của cha. Chặng đường cuối cùng của cha cũng êm ái như cách cha đối xử với anh em vậy.


Cha kính mến, 52 năm sống trên cõi dương gian không phải là quá dài, nhưng con nghĩ bấy nhiêu cũng đã đủ người ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện nơi Cha, qua các việc làm và đời sống chứng tá của Cha. Cách riêng trong 24 năm sống ơn gọi Đa Minh, Cha lại càng là chứng nhân về “lòng thương xót” của Thiên Chúa và của Dòng. Hôm nay Cha về với Chúa, để lại nơi anh em rất nhiều nỗi tiếc thương. Nhưng Cha đừng bận tâm về sự tiếc thương ấy vì đó là biểu hiện của tình huynh đệ Đa Minh, ơn gọi mà Cha và chúng con muốn theo trọn cuộc đời. Nơi sự tiếc thương ấy, xin Cha nhớ đến chúng con trên quê trời; nơi sự tiếc thương ấy, xin Cha bình an nghỉ ngơi. Mọi sự còn lại Cha hãy để anh em lo liệu trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
 
Duy-ân, OP.
 
 
114.864864865135.135135135250