30/06/2016 -

Tản mạn, giải trí

1887
Thánh Phaolô thuộc mẫu người đòi hỏi quyết liệt – nếu bạn thuộc dạng lừng khừng, thì bạn nên đọc kỹ Kinh Thánh hơn.

“Anh không ưa nổi thánh Phaolô”.
Đang đi dạo cùng với cậu bạn trong một nhà thờ, bất chợt cậu ấy thốt lên như thế, thú nhận như thế với tôi. Thật là may, cậu bạn này đã nói với tôi như thể trước khi tôi gia nhập hội dòng Nữ tử thánh Phaolô, bởi vậy tôi ngần ngừ không thụi cho hắn một cú trời giáng, nhưng nhìn thẳng vào hắn và nói: “Cái gì? Chúng ta đứng ở đây ngay lúc này, chẳng phải cũng là nhờ thánh Phaolô đó sao!”

Nói như thế có vẻ hơi lên gân, nhưng rõ ràng vị trí của thánh Phaolô trong Giáo hội thuở ban đầu rất lớn. Ngài hực hừng lửa nhiệt tình, năng động, và là sứ giả rao truyền Tin Mừng không biết mệt mỏi. Ngài tự tín là sứ mệnh của ngài đến từ Chúa, là do Chúa trao, và không chút ngại ngùng nghiêm cẩn trình bày, bày tỏ ra những gì mà ngài nghiệm thấy đó là ý Chúa, ngay cả khi điều đó đụng chạm tới vị giáo hoàng tiên khởi là thánh Phêrô.

Tuần này, Giáo hội mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô vào ngày 29 Tháng Sáu.

Dù rằng như vậy thật tuyệt và các Nữ tử của thánh Phaolô yêu mến thánh Phêrô, chúng tôi vẫn không muốn san sẻ ngày mừng lễ “cha của chúng tôi” (ND: ám chỉ thánh Phaolô) với bất kỳ ai, ngay cả với vị giáo hoàng tiên khởi. Do vậy, chúng tôi tổ chức một ngày mừng lễ thánh Phaolô riêng, một ngày sau đó, tức ngày 30 Tháng Sáu.

Đúng thế, hội dòng Nữ tử của thánh Phaolô mừng lễ thánh Phaolô ba lần (chính thức) theo lịch phụng vụ, bao gồm cả lễ thánh Phaolô trở lại (25 Tháng Giêng). Chúng tôi thiệt khác người!

Dầu sao đi nữa, hãy cùng tìm hiểu về một số lý do khiến chúng ta nên yêu mến thánh Phaolô nếu bạn cảm thấy chưa đủ thuyết phục.

1. Dù yêu hay ghét ngài, thánh Phaolô luôn đòi hỏi một lời đáp: Cơ hội luôn có, dù bạn yêu hay không ưa thánh Phaolô. (Nếu bạn thuộc dạng lừng khừng chẳng yêu mà cũng chẳng ghét, thì bạn hơi lơ đãng đấy, bạn nên cầm lấy cuốn Kinh thánh và đọc.) Thánh Phaolô thuộc mẫu người đòi hỏi, quyết liệt, bất luận là yêu hay ghét, đấy là một trong những lý do ngài là vị thánh tôi yêu thích. Nếu người Kitô hữu không cho thấy điều gì khác ngoài một cái nhún vai trước người anh em đồng loại, thì rõ ràng người ấy không có thứ lửa Tin Mừng nơi mình.

2. Thánh Phaolô sử dụng ngôn từ một cách điêu luyện: Ngài là một người làm truyền thông có nghề. Khi chắp búp viết lách, ngôn từ của thánh nhân không bao giờ là tẻ nhạt, đơn điệu. Các lá thư của ngài luôn hừng hực lửa nhiệt tình, và chúng vẫn tiếp tục khích động nơi độc giả bao nhiêu là bức xúc, tức tối, bao nhiêu là kính trọng, sửng sốt và hứng khởi. Các tác giả thánh hiếm khi sử dụng ngôi nhân xưng thứ nhất, vậy mà thánh Phaolô không hề e dè khi nói về chính mình, không do bởi ngài muốn “tự sướng” nhưng vì ngài nhận thấy sức mạnh từ những câu chuyện và những tường thuật mang tính tự sự, kể chuyện. Với thánh nhân, không chỉ là chuyện “tự sướng”, ngài không thấy có chi ngại ngần khi kể lại những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời của mình, vì biết rằng tất cả là do bởi quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải là chính ngài.

3. Thánh Phaolô có một quá khứ: Tôi thích các thánh nhân gai góc; tôi có thể kể ra một loạt: thánh Âu-tinh, thánh I-nhã, bậc đáng kính Matt Talbot và rất nhiều vị khác nữa, tôi thích các vị thánh với quá khứ nham nhở, sắc cạnh vì các vị cho tôi hy vọng rằng, tôi cũng có thể làm thánh. Thánh Phaolô một mực ném đá thánh Stêphanô và nhiệt tình bách hại các Kitô hữu, truy lùng, lùng sục vào tận nhà để bắt họ. Về cơ bản, thánh Phaolô là một tên sát nhân và là một kẻ ỷ mạnh hiếp yếu! Và Thiên Chúa nhìn vào Phaolô và tự nhủ, “Ái chà, ta đã tìm được một con người hoàn hảo để loan truyền Tin Mừng.” Thật không thể tin nổi! Thế nhưng sự kiện này giúp cho chúng ta vững niềm trông cậy. Nếu Thiên Chúa đã có thể, chẳng những tận dụng được Phaolô, nhưng còn làm cho ngài trở nên một trong những vị thánh lớn nhất trong Giáo hội, thì chắc chắn Người cũng có thể thực hiện được những điều tương tự với chính chúng ta.

4. Thánh Phaolô con người hăng say ra đi, ra đi “chuyên nghiệp”: Trong các hành trình của ngài, thánh Phaolô đã di chuyển 10.000 dặm. Thật đáng nể! Để mường tượng được quãng đường này, thế này: nếu bạn nhân đôi con số này, thì nó xấp xỉ chu vi của trái đất! Thánh nhân hầu như đã đi vòng quanh trái đất! Và đây là trước khi có những phương tiện di chuyển, phương tiện giao thông hiện đại. Chỉ nguyên sự kiện này thôi cũng đủ chứng tỏ sự kiên gan, bền bỉ của ngài. Và xem ra, thánh Phaolô chẳng phải lúc nào cũng được chào đón tại những nơi ngài đến. Chính ngài thú nhận, 5 lần ngài bị đánh đòn 40 roi thiếu 1 (thứ hình phạt ngài phải chịu tại các hội đường). Ngài bị đánh bằng gậy 3 lần, bị ném đá và bị bỏ đói cho chết 1 lần, 3 lần bị đắm tàu (2 Cr 11:24-25). Thánh Phaolô không đi đây đó để ung dung thăm thú; ngài bước vào một hành trình nghiêm túc. Dù ưa hay không ưa ngài, thì hẳn bạn cũng thấy nể vì sự kiên gan của ngài.

5. Thánh Phaolô là con người khiêm tốn: Thoáng nhìn thì thánh Phaolô có vẻ rất tự tin, đầy nhiệt huyết, nhưng ngài cũng là con người khiêm tốn thực sự. Ngài biết, dù nắm giữ một vai trò rất quan trọng mang tính quyết định, trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng, sức mạnh của ngài chỉ có được, khi ngài ý thực được sự yếu đuối của bản thân, và để cho Đức Kitô chiếm trọn, đến nỗi ngài thốt lên, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Rõ ràng, chính sự kết hợp lạ lùng giữa một bên là sự khiêm tốn với bên kia là sự nhiệt tình dễ thấy nơi thánh Phaolô đã khiến ngài trở nên một Kitô hữu làm được những công chuyện to lớn, trở nên “một Đức Kitô khác” một cách thực thụ. Người giáo dân thiên lệch, chú trọng đến sự nhiệt tình của ngài mà quên mất sức chinh phục, sức thuyết phục mạnh mẽ do đời sống khiêm tốn. Hoặc là, vướng vào thái cực đối nghịch, sự khiêm tốn lệch lạc khiến chúng ta co mình lại, khiến chúng ta không thể rao truyền chân lý một cách quả cảm nhiệt tình được. Thánh Phaolô là gương mẫu thích hợp cho các Kitô hữu trong thời đại nhiễu nhương nhiều vấn đề hiện nay. Thánh nhân cho chúng ta biết thế nào là rao giảng Tin Mừng không chút e dè, một trật cũng sống một đời khiêm tốn thẳm sâu để chúng ta chỉ tìm kiếm Đức Kitô như đối tượng duy nhất của lòng mình.

Lạy thánh Phaolô Tông Đồ, xin cầu cùng Chúa cho chúng tôi.

Nữ tu Theresa Aletheia Noble
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://aleteia.org
114.864864865135.135135135250