19/11/2016 -

Tản mạn, giải trí

2092
Ba tháng làm giáo sinh dạy văn ở trường THPT Bùi Thị Xuân, Đà Lạt là một trải nghiệm thú vị đối với tôi, một sinh viên sư phạm chính quy nhưng thâm tâm không nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với nghề thầy.
Điều đó có thể giải thích cho việc trước buổi dạy có một anh thầy cravat nhét trong túi quần, đến cổng trường mới rút ra vuốt vuốt rồi tròng vào cổ, siết lại, đeo bảng tên, tiến vào lớp. Lùi xùi chỉ hơn thằng học sinh cá biệt ngồi cuối lớp một chút.
Điều đó cũng giải thích cho việc một lần đi coi thi, quên không thu phiếu báo danh, khiến suýt nữa thì cái hội đồng thi nọ phải tổ chức cho sinh viên thi lại.
Và nữa, cũng giải thích luôn cho việc học trò nữ bây giờ gặp lại cứ nhắc: “Công nhận thầy tội như một bác xe ôm. Thầy chở tụi em, chất bốn, đến nhà bạn T. để làm bánh bột lọc ăn với nhau rồi hát hò tưng bừng. Em chưa từng thấy thầy nào vui vậy!”
Tôi làm sao có thể làm thầy nổi, khi mà những buổi dạy cứ muốn xuống ngồi ghế của học sinh để nghe các em nói được gần hơn, được tò mò đọc mấy lá thư tình tụi nó chuyền tay nhau dưới ngăn bàn mà không bắt quả tang phạt trước lớp, được nghe tụi nó chê thơ trong sách giáo khoa chán òm.
Cũng không thể làm thầy nổi, khi mà một bài văn chỉ cần một ý tưởng bất ngờ đã thẳng thừng cho 9 điểm còn những bài rậm chữ mà nói điều ai cũng biết thì chỉ chiếu cố cho 5 điểm để trò không nuôi hận.
Thầy bà gì tôi, khi mà ngày kết thúc buổi thực tập, bọn trò nữ kêu: “Thầy hát bài Tình thơ của Minh Thuận (hồi đó bài này khá nổi) tặng tụi em đi thầy”, đứa thì kêu: “Thầy đọc thơ tình mà thầy đăng báo tặng cô X. đi thầy”. Đáp ứng, ở mức tương đối. Tụi nó khoái chí quá, viết nguyên một cuốn lưu bút, trong đó toàn nói chuyện “em thấy thầy chở cô gì đó đi ngoài đường”, “sinh nhật em thầy nhớ tặng quà, ngày sinh là... địa chỉ...”.
Học trò học triếc gì, như quỷ. Thầy của tụi mày có phải là ma đâu!
Bỏ dạy đi viết báo, vì ảo tưởng làm nghề báo thì được tự do, nhất quán được cái điều mình nghĩ - mình viết với mình sống. Đâu có ngờ làm bất cứ cái nghề gì trong cuộc đời này, chừng nào còn tự vấn hay giữ nguyên tắc về cái sự nhất quán ấy, thì chừng ấy còn khổ nạn và trôi lăn.
Lòng vòng thế nào đó, rồi nghề báo, nghề viết một hôm lại đưa tôi quẹo trở lại với nghề thầy. Một vài lần đứng lớp nói chuyện thực tế đời sống viết lách, xuất bản các thứ với sinh viên, ông thầy nọ bảo, thôi về dạy luôn đi, cái kiểu của ông có vẻ hợp với đi dạy. Ủa, kỳ vậy ta, lùi xùi, láo ngáo như mình mà lại hợp với nghề thầy?
Nhiều năm qua mình sai, hay tới giờ môi trường dạy học mới chịu sai?
Nhận lời và quay trở lại công việc 15 năm trước. Lại giáo án (lần đầu tiên biết soạn thứ này trên Powerpoint), lục tục sắp xếp sách vở đồ nghề rồi tới cổng trường Đại học đứng lóng ngóng chờ người ra rước vô dạy buổi đầu tiên. Trở về với nghề thầy, tuy là thỉnh giảng, nhưng cảm giác hồi hộp khó tả. Nếu có cravat thì lần này chắc không tròng vô cổ siết lại nữa mà dùng để thấm mồ hôi hột vì... có những buổi dạy trò triếc gì mà xinh đẹp dã man, lại hỏi khó như quỷ!
Haiz,
Người mời dạy kêu, sinh viên nó thích kiểu dạy của ông. Nghe cũng mừng trong bụng. Nhưng lại nghĩ, sao lại vậy nhỉ? Mình đã nói gì khi mình nói về nghề báo - khi mà mình cũng không muốn nói về nghề báo ở thời điểm mạt nghệ này; khi mà mình sắp vẫy tay từ giã cái nghề mình từng ảo tưởng là “nhất quán nghĩ - viết - sống” - này? Mình sẽ dạy tụi nó cái ảo tưởng ấy hay tiêm nhiễm vào tụi nó về sự vỡ mộng ở thì hiện tại?
Đảm bảo mỗi đứa sẽ được tặng 5 điểm qua môn. Khỏi cần ngồi nghe, thích về cứ tự nhiên đứng dậy bỏ về, đói bụng cứ lấy xôi hay bánh mì ra ăn trước mặt thầy, buồn ngủ cứ ngủ nhưng nhớ để ý để tứ, sao cho tư thếkhông quá nhạy cảm khiến thầy mất bình tĩnh.
Thầy hỏi Ok?. Trò cũng đồng ý, Ok.
Vài hôm trước, có đứa học trò Bùi Thị Xuân năm xưa tìm thầy trên FB, kêu: “Hí hí. Em nhớ rồi, hồi đó có nhuận bút viết báo, thầy từng chở nhóm tụi em đi ăn chè. Lần đó em đã ước gì trở lại dạy, đừng có đi viết báo nữa.”
Lặng người một lúc, bảo: - Ê, trò, mà bọn mình ăn chè chỗ nào, sao còn nhớ hay vậy?
 
Nguyễn Vĩnh Nguyên
114.864864865135.135135135250