Đức Gioan Phaolô II
Đức Thánh Cha giới thiệu trình thuật dâng tiến Đức Giêsu trong đền thờ (Lc 2,22-38). Bài hôm nay chỉ mới gợi lên vài nét chính: việc trung thành tuân giữ lề luật; thái độ của người nghèo biểu lộ qua lễ phẩm; niềm trông đợi ơn cứu độ của dân Israel được mãn nguyện.
1.- Trong câu chuyện tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ, thánh Luca đã nêu bật số phận Đức Giêsu như là Mêsia. Theo bản văn của Luca, mục đích trực tiếp của việc Thánh gia hành hương từ Bêlem về Giêrusalem là để chu toàn lề luật: “Khi đã đến kỳ thanh tẩy của các ngài theo luật Môisen, bà Maria và ông Giuse đem hài nhi lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng: mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa; và cũng để dâng hy lễ theo luật Chúa truyền là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2,22-24).
Với cử chỉ này, bà Maria và ông Giuse bày tỏ ý định muốn trung thành vâng phục ý Chúa, khước từ hết mọi hình thức đặc ân. Việc hai ngài lên đền thờ Giêrusalem mang ý nghĩa của một sự hiến dâng cho Thiên Chúa, ngay tại nơi hiện diện của Ngài. Đức Maria vì nghèo khó nên chỉ dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu, nhưng, trên thực tế Người đã hiến dâng Chiên thật sẽ cứu chuộc nhân loại. Như vậy, bằng cử chỉ này, Người đã thực hiện trước thời gian hy lễ đích thực, mà Luật Cũ đã tiên báo qua các lễ tế.
2.- Tuy dù lề luật chỉ đòi buộc bà mẹ phải thanh tẩy sau khi sinh con, nhưng thánh Luca nói tới “kỳ thanh tẩy của các ngài” (2,22), có lẽ bởi vì muốn ám chỉ những lề luật chi phối cả người mẹ và người con đầu lòng.
Hạn từ “thanh tẩy” có thể gây ngạc nhiên cho chúng ta, bởi vì đang bàn đến một bà Mẹ mà do ơn thánh đặc biệt, đã được vô nhiễm thanh tịnh ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, và một Hài nhi hoàn toàn thánh thiện. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng ở đây không phải là chuyện thanh tẩy lương tâm cho khỏi tội lỗi, nhưng chỉ là phục hồi sự thanh khiết về nghi thức, điều mà, theo não trạng thời đó, đã bị hoen ố do việc sinh đẻ tuy dù không có mắc lỗi lầm nào về luân lý.
Thánh sử Luca đã lợi dụng cơ hội để nhấn mạnh một mối dây liên kết đặc biệt giữa Đức Giêsu, xét vì là “Trưởng nam” (Lc 2,7 và 23), và sự thánh thiện của Thiên Chúa, đồng thời cũng muốn ám chỉ tinh thần hiến dâng khiêm tốn của Đức Maria và ông Giuse (xc. Lc 2,24). Thực vậy, cặp chim gáy hay cặp bồ câu non là “hiến lễ của những người nghèo” (Lv 12,8).
3.- Trong đền thờ, ông Giuse và bà Maria đã gặp gỡ ông Simêon, một người công chính và sùng đạo mong chờ niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25).
Trình thuật của Luca không nói gì đến quá khứ cũng như chức vụ của ông Simêon ở trong đền thờ, mà chỉ nói đến một con người hết sức sùng đạo đang nuôi dưỡng trong lòng sự khát khao mãnh liệt chờ đợi Đấng Mêsia, kẻ an ủi dân tộc Israel. Thực vậy “Thánh Thần… ngự trên ông” và “đã báo cho ông biết rằng ông sẽ không chết trước khi được thấy Đấng Mêsia của Chúa” (Lc 2,26).
Ông Simêon mời gọi chúng ta hãy nhìn ngắm hành vi lân tuất của Thiên Chúa, Đấng đã đổ tràn Thánh Thần trên các tín hữu của mình ngõ hầu hoàn tất dự án huyền nhiệm của tình yêu của Ngài. Ông Simêon, mẫu gương của con người mở rộng lòng tới tác động của Thiên Chúa, “do Thánh Thần thúc đẩy” (Lc 2,27), ông lên đền thờ, nơi mà ông gặp Đức Giêsu, ông Giuse và bà Maria. Ông ẵm lấy Hài nhi trên tay và chúc tụng Chúa rằng: ”Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2,29).
Là một nhân vật biểu trưng cho Cựu ước, ông Simêon đã cảm nhận được niềm vui vì được gặp gỡ Đấng Mêsia và ông cảm thấy đã đạt tới mục tiêu cuộc đời; do đó ông đã có thể xin Đấng Tối Cao để về nơi an bình của thế giới bên kia.
Trong biến cố hiến dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, chúng ta có thể nhận ra sự gặp gỡ của niềm hy vọng dân Israel với Đấng Mêsia. Chúng ta cũng có thể nhận ra một dấu hiệu tiên báo sự gặp gỡ giữa con người với Đức Kitô. Sở dĩ cuộc gặp gỡ này có thể thực hiện được là bởi vì Chúa Thánh Thần gợi lên trong con tim nỗi khát khao được tìm gặp Đấng Cứu Thế, và Chúa Thánh Thần cũng tạo điều kiện để cho niềm trông mong đó được toại nguyện[1].
Chúng ta cũng không nên bỏ qua vai trò của Đức Maria khi trao Hài nhi cho ông cụ Simêon. Do ý muốn của Thiên Chúa, chính là bà Mẹ đã ban Chúa Giêsu cho nhân loại.
4.- Khi mặc khải tương lai của Đấng Cứu Thế, ông già Simêon đã nhắc tới lời tiên tri của “người Tôi tớ” được sai tới Dân ưu tuyển và các dân tộc. Thiên Chúa đã nói với ông ta như sau: “Ta đã nhào nặn nên ngươi và đã đặt ngươi làm giao ước của dân tộc và ánh sáng cho muôn dân” (Is 42,6). Và còn thêm: “Thật là chẳng thấm thía gì việc ngươi là tôi tớ của Ta để chấn hưng lại các bộ lạc Giacóp và đưa những đồng bào Israel còn sống sót được hồi cư. Ta sẽ biến ngươi thành ánh sáng của muôn dân ngõ hầu ngươi mang ơn cứu độ của Ta cho tới tận cùng trái đất” (Is 49,6).
Trong bài ca, ông Simêon đã lật ngược lại viễn ảnh, vì đã đặt chiều kích phổ quát của sứ mạng Đức Giêsu lên hàng đầu: “Chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân, ánh sáng soi đường cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người” (Lc 2,30-32).
Làm sao không khỏi ngạc nhiên đứng trước những lời đó? “Cha mẹ Hài nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người” (Lc 2,33). Dĩ nhiên ông Giuse và bà Maria, với cảm nghiệm vừa rồi, đã hiểu rõ ràng hơn tầm quan trọng của việc hiến dâng của mình. Trong đền Giêrusalem họ đã hiến dâng Đấng là vinh quang của dân tộc mình và cũng là sự cứu độ của toàn thể nhân loại.
(Trích từ Những bài giáo huấn về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của Cha Giuse Phan Tấn Thánh, OP.)
[1] Đoạn văn này chứa đựng cả một nền thần học về ơn cứu rỗi của người ngoại đạo. Chúa Thánh Thần đã dàn xếp để cho ông Simêon (tín đồ Do thái) được gặp gỡ Chúa Cứu Thế, nghĩa là được cứu rỗi. Đức Thánh Cha muốn mở rộng nhãn giới họat động của Chúa Thánh Thần: Ngài đã khơi lên trong tâm hồn của biết bao nhiêu người lòng khao khát được cứu rỗi, nghĩa là lòng khao khát được gặp gỡ Chúa Cứu Thế. Cũng chính Chúa Thánh Thần tạo điều kiện để cho lòng khao khát ấy được toại nguyện. Xc. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 22; GLCG số 851-852.