29/06/2013 -

Tài liệu

1853

 


 


altDưới đây là các số được trích nguyên văn từ Tông huấn MARIALIS CULTUS của Đức giáo hoàng Phaolô VI ban hành 02/02/1974.


Số 42. Chư Huynh khả kính, giờ đây chúng tôi muốn tập trung chốc lát vào việc canh tân của việc thực hành đạo đức đã từng được gọi là “tổng lược toàn thể Phúc Âm”, đó là Kinh Mân Côi. Về kinh nguyện này, các vị tiền nhiệm của chúng tôi đã hết sức chú trọng và chăm sóc. Trong nhiều dịp, các vị đã kêu gọi lần hạt thường xuyên, đã khuyến khích phổ biến kinh nguyện này, đã giải thích bản chất của nó, đã công nhận tính chất thuận hợp của nó trong việc nuôi dưỡng việc cầu nguyện chiêm niệm – việc cầu nguyện vừa ca ngợi vừa thỉnh nguyện – và đã nhắc lại tính chất hiệu nghiệm nội tại của nó trong việc cổ võ sống đời Kitô hữu và dấn thân làm việc tông đồ.


Cả chúng tôi nữa, từ buổi triều kiến chung đầu tiên trong giáo triều của mình vào ngày 13/07/1963, đã cho thấy việc chúng tôi rất trân trọng đối với việc thực hành đạo đức đối với Kinh Mân Côi này. Từ đó, chúng tôi đã đề cao giá trị của nó ở nhiều dịp khác nhau, một số dịp bình thường, một số dịp trọng đại. Bởi thế, ở vào một thời điểm của thống khổ và bất ổn, chúng tôi đã ban hành Tông thư Christi Matri (15/09/1966), để xin nguyện cầu cùng Đức Mẹ Mân Côi và van nài cùng Thiên Chúa tặng ân hòa bình cao cả. “Chúng tôi lập lại lời kêu gọi này trong Tông huấn Recurrens mensis October (07/10/1969), trong đó chúng tôi cũng tưởng niệm 400 năm Tông sắc Consueverunt Romani pontifices được ban hành bởi vị tiền nhiệm của chúng tôi là thánh Piô V, vị đã giải thích trong văn kiện này và ở một nghĩa nào đó đã thiết lập hình thức truyền thống của Kinh Mân Côi.


Số 43. Việc chúng tôi ân cần và thiết tha chú ý tới Kinh Mân Côi đã khiến chúng tôi theo dõi rất đặc biệt tới nhiều cuộc hộp họp trong các năm gần đây được tổ chức cho vai trò mục vụ của Kinh Mân Côi trong thế giới tân tiến, những cuộc hội họp được phát động bởi các Hội Mân Côi và cá nhân hết sức gắn bó với Kinh Mân Côi và được tham dự bởi các vị giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đầy kinh nghiệm và có tiếng trong Giáo Hội. Trong số thành phần này cần phải đặc biệt đề cập tới những người con cái của thánh Đa Minh, thành phần theo truyền thống là những người bảo quản và cổ võ việc thực hành rất ích lợi này. Song song với các cuộc hội họp như thế còn có cả việc nghiên cứu của các sử gia, hoạt động không phải để xác định hình thức nguyên sơ của Kinh Mân Côi theo kiểu cách khảo cổ học, mà là để khám phá ra cái cảm hứng ngay từ ban đầu và nguyên động lực của kinh này cùng với cấu trúc thiết yếu của nó. Các đặc tính căn bản của Kinh Mân Côi, những yếu tố thiết yếu của nó và mối liên hệ hỗ tương của chúng, tất cả đều được sáng tỏ qua những hội nghị này cũng như nhờ ở việc thực hiện việc nghiên cứu ấy.


Số 44. Bởi thế, cảm hứng Phúc Âm của Kinh Mân Côi chẳng hạn đã hiện lên một cách rõ ràng hơn, ở chỗ, Kinh Mân Côi rút tỉa từ Phúc Âm việc trình bày về các mầu nhiệm cùng với những công thức chính yếu của kinh này. Vì xuất phát từ lời hân hoan chào mừng của thiên thần cùng với việc ngoan ngoãn đồng ý của vị Trinh Nữ mà Kinh Mân Côi lấy cảm hứng từ Phúc Âm để thấy được thái độ tín hữu cần phải có khi đọc kinh này. Nơi cái liên tục hòa điệu Kinh Kính Mừng, Kinh Mân Côi cho chúng ta thấy một lần nữa một mầu nhiệm căn bản của Phúc Âm, đó là mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, một mầu nhiệm được chiêm ngưỡng ở vào giây phút Truyền Tin quyết liệt cho Mẹ Maria. Kinh Mân Côi, bởi thế, có lẽ ngày nay còn hơn cả trong quá khứ nữa, là một kinh nguyện của Phúc Âm, như các vị mục tử và các học giả thích định nghĩa như thế.


Số 45. Lại càng dễ dàng hơn nữa khi thấy việc mở ra một cách thứ tự và từ từ của Kinh Mân Côi là những gì phản ảnh chính đường lối Lời Thiên Chúa thực hiện việc Cứu Chuộc khi Người nhân ái bắt tay vào những sứ vụ nhân loại. Kinh Mân Côi chú ý một cách hòa hợp liên tục các biến cố cứu độ chính yếu được hoàn thành nơi Chúa Kitô, từ khi Người được thụ thai một cách trinh nguyên và các mầu nhiệm thời niên thiếu của Người, tới những giây phút tột đỉnh của Cuộc Vượt Qua – cuộc khổ nạn hồng phúc và cuộc phục sinh vinh hiển – và tới các hiệu quả của Cuộc Vượt Qua này nơi Giáo Hội sơ khai trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, cũng như nơi Trinh Nữ Maria vào cuối cuộc sống trần gian của mình được lên trời cả hồn lẫn xác về quê hương thiên đình. Cũng thấy được việc phân chia các mầu nhiệm Mân Côi làm 3 phần là những gì chẳng những hết sức gắn liền với những sự kiện thứ tự về Chúa Kitô mà nhất là phản ảnh dự án của việc khởi sự loan truyền Đức Tin và nêu lên một lần nữa mầu nhiệm về Chúa Kitô theo chính cách thức được Thánh Phaolô diễn tả trong bài “thánh ca” nổi tiếng ở Bức Thư gửi giáo đoàn Philiphê – hủy thân, tử nạn và tuyên tôn (xc. 2,6-11).


Số 46. Là một kinh nguyện Phúc Âm, tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc, Kinh Mân Côi bởi thế là một kinh nguyện có chiều hướng Kitô học rõ ràng. Thật vậy, yếu tố nổi nhất của nó là tính cách liên tục như là kinh cầu của Kinh Kính Mừng tự nó trở thành một lời chúc tụng Chúa Kitô không ngừng, Đấng là đối tượng tối hậu của cả lời loan báo của thiên thần lẫn lời chào kính của mẹ thánh Gioan Tẩy Giả: “Phúc thay quả phúc của lòng em” (Lc 1,42). Chúng ta có thể đi xa hơn để có thể nói rằng việc liên tục của Kinh Kính Mừng tạo nên một tấm vải dệt đan kết việc chiêm ngắm các mầu nhiệm. Chúa Giêsu được mỗi Kinh Kính Mừng nhắc lại cũng là Chúa Giêsu được các mầu nhiệm liên tục gợi lên cho chúng ta – bấy giờ là Con Thiên Chúa giờ đây là Người Con của Trinh Nữ - khi Người hạ sinh trong máng cỏ ở Bêlem, khi Người được Mẹ của mình dâng hiến trong Đền Thờ, như là một thiếu niên nhiệt tình với các sứ vụ của Cha mình, như Đấng Cứu Chuộc buồn khổ trong khu vườn ấy, bị hành hạ và đội mạo gai, vác thập giá và chết trên Đồi Canvê, sống lại từ cõi chết và hiển vinh về cùng Cha để thông ban tặng ân Thần Linh. Như quá rõ, đã từng có tập tục, vẫn còn được tồn tại ở một số nơi, thêm vào tên của Chúa Giêsu ở mỗi Kinh Kính Mừng chi tiết về mầu nhiệm đang được suy ngắm. Và điều này được thực hiện chính vì để giúp vào việc chiêm ngắm cũng như để làm cho tâm trí cùng môi miệng cùng tác hành một cách hợp nhất.


Số 47. Cũng thấy rằng rất cần thiết để vạch ra một lần nữa tầm quan trọng của một yếu tố thiết yếu nơi Kinh Mân Côi, ngoài giá trị của những yếu tố ca ngợi và thỉnh nguyện, đó là yếu tố chiêm niệm. Không có yếu tố chiêm niệm này thì Kinh Mân Côi là một cái xác vô hồn, và việc lần hạt của nó có cơ nguy trở thành một thứ lập đi lập lại một cách máy móc những công thức và đi tới chỗ đối diện với lời cảnh giác của Chúa Kitô: “Trong khi cầu nguyện đừng có lải nhải nhiều lời trống rỗng như Dân Ngoại vốn làm; vì họ nghĩ rằng họ có nhiều lời mới được đáp ứng” (Mt 6,7). Tự bản chất, việc lần hạt Mân Côi cần một nhịp điệu bình lặng và một tốc độ khoan thai, để giúp cho cá nhân suy niệm các mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa bằng cặp mắt của Mẹ là vị gần Chúa nhất. Có thế những phong phú khôn lường của những mầu nhiệm này mới được tuôn trào ra.


Số 48. Sau hết, như thành quả của việc suy nghĩ mới mẻ, những mối liên hệ giữa Phụng Vụ và Kinh Mân Côi đã được hiểu rõ hơn nữa. Một đàng cần phải nhấn mạnh rằng Kinh Mân Côi thực sự là một nhánh xuất phát từ một thân cây cổ của Phụng Vụ Kitô giáo, đó là Thánh Thi ca về Đức Trinh Nữ, nhờ đó thành phần bình dân được liên kết với thánh ca chúc tụng và việc chuyển cầu phổ quát của Giáo Hội. Đàng khác, cũng thấy rằng việc phát triển này đã xẩy ra vào một thời điểm – giai đoạn cuối cùng của Thời Trung Cổ – khi mà tinh thần Phụng Vụ đã bị suy thoái và tín hữu bấy giờ đang hướng từ Phụng Vụ sang việc tôn thờ nhân tính của Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria, một việc tôn sùng hợp với một cảm tình đạo đức bề ngoài nào đó. Cách đây không nhiều năm có một số người bắt đầu bày tỏ ước muốn thấy Kinh Mân Côi được bao gồm vào các lễ nghi của Phụng Vụ, trong khi đó, cũng có những người khác, rất muốn tránh đi vết xe của những lầm lỗi về mục vụ trước đó, tỏ ra coi thường Kinh Mân Côi một cách bất chính đáng. Ngày nay vấn đề này có thể được dễ dàng giải quyết theo chiều hướng của Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh). Những việc cử hành Phụng Vụ và việc thực hành đạo đức của Kinh Mân Côi không được đối nghịch nhau cũng không được coi như nhau. Việc bày tỏ của kinh nguyện càng giữ được bản chất thực sự riêng cùng với những đặc tính cá biệt của mình thì càng sinh hiệu quả. Một khi tái khẳng định giá trị đệ nhất của các lễ nghi Phụng Vụ thì không khó khăn gì trong việc cảm nhận thấy sự kiện là Kinh Mân Côi là một việc thực hành đạo đức dễ hòa hợp với Phụng Vụ. Thật vậy, như Phụng Vụ, Kinh Mân Côi cũng có một bản chất cộng đồng, rút được cảm hứng của mình từ Thánh Kinh và hướng về mầu nhiệm Chúa Kitô. Việc tưởng niệm trong Phụng Vụ và việc tưởng nhớ một cách chiêm niệm hợp với Kinh Mân Côi, mặc dù thực sự khác nhau về thực tại, cũng có cùng chung đối tượng là những biến cố cứu độ được Chúa Kitô hoàn thành. Việc tưởng niệm trong Phụng Vụ, dưới tấm màn của các dấu hiệu và tác động một cách kín đáo, cho thấy một cách mới mẻ những mầu nhiệm cao cả nơi việc Cứu Chuộc của chúng ta. Việc tưởng niệm nơi Kinh Mân Côi, bằng việc sốt sắng chiêm niệm, nhắc lại cũng những mầu nhiệm ấy cho tâm trí của con người cầu nguyện và phấn khích ý muốn rút tỉa từ chúng những tiêu chuẩn sống. Một khi nắm được cái khác biệt chính yếu này thì không khó khăn để hiểu rằng Kinh Mân Côi là một việc thực hành đạo đức có được sinh động lực từ Phụng Vụ và dẫn về lại Phụng Vụ một cách tự nhiên, nếu được thi hành am hợp với cảm hứng nguyên tuyền của kinh nguyện này. Tuy nhiên, nó vẫn không trở thành một phần của Phụng Vụ. Thật vậy, việc suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi, bằng cách tâm trí của tín hữu cảm thấy thân thương với các mầu nhiệm của Chúa Kitô, có thể là một việc dọn mình tuyệt hảo cho việc kiến tạo nên cũng những mầu nhiệm ấy nơi tác động Phụng Vụ và còn trở thành một âm vang liên tục từ đó nữa. Tuy nhiên, thật là sai lầm khi lần hạt Mân Côi trong khi cử hành Phụng Vụ, nhưng tiếc thay việc thực hành này vẫn còn xẩy ra đây đó.


Số 49. Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, theo truyền thống, đã được chấp nhận bởi vị tiền nhiệm chúng tôi là thánh Piô V và được ngài chỉ dạy theo thẩm quyền của mình, bao gồm một số yếu tố được sắp xếp một cách thứ tự như sau:


a) Việc hợp với Mẹ Maria chiêm ngắm về một chuỗi mầu nhiệm cứu độ được khéo léo phân chia thành 3 đoạn. Những mầu nhiệm này diễn tả niềm vui của thời điểm thiên sai, của khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô và của vinh quang của Chúa Phục Sinh tràn đầy Giáo Hội. Tự chính bản chất của mình, việc chiêm ngưỡng này là những gì phấn khích việc suy niệm cụ thể và cống hiến những tiêu chuẩn sống hứng khởi.


b) Kinh Chúa Dạy, hay Kinh Lạy Cha, bởi giá trị vô biên của mình, là nền tảng của kinh nguyện của Kitô giáo và làm tăng thêm giá trị cho kinh nguyện này qua những bày tỏ khác nhau của nó.


c) Việc liên tục như kinh cầu của Kinh Kính Mừng là kinh được làm nên bởi lời chào của thiên thần (xc. Lc 1,28) và của bà Isave (xc. Lc 1,42) ngỏ cùng vị Trinh Nữ, kèm theo sau đó lời nguyện cầu Thánh Maria của Giáo Hội. Những chuỗi liên tục của Kinh Kính Mừng là đặc điểm của Kinh Mân Côi, và con số của kinh này, một con số đầy đủ và tiêu biểu 150 cho thấy sự tương tự như Sách Thánh Vịnh và là một yếu tố trở về với chính nguồn gốc của việc thực hành lòng đạo đức này. Thế nhưng, con số này, theo một tập tục đầy thử nghiệm, được chia thành các chục kinh gắn liền với các mầu nhiệm riêng biệt, được phân phối thành ba giai đoạn như đã nói tới, bởi đó Kinh Mân Côi mới có 50 Kinh Kính Mừng như chúng ta thấy. Kiểu 50 Kinh Kính Mừng này được sử dụng như là một thứ đo đếm bình thường của việc thực hành đạo đức này và đã được lòng đạo đức phổ thông thi hành cũng như được thẩm quyền giáo hoàng chuẩn nhận, một thẩm quyền cũng phong phú hóa kinh này bằng nhiều ân xá.


d) Kinh Sáng Danh, một kinh, hợp với chiều hướng chung đối với lòng đạo đức Kitô giáo, kết thúc kinh nguyện này bằng việc tôn vinh Thiên Chúa, Đấng duy nhất ba ngôi, từ Ngài, nhờ Ngài và trong Ngài mà tất cả mọi sự hiện hữu (xc. Rm 11,36).


Số 50. Đó là những yếu tố của Kinh Mân Côi. Mỗi yếu tố  đặc tính riêng của mình, những đặc tính mà, nếu được hiểu biết và cảm nhận một cách khôn ngoan, cần phải phản ảnh nơi việc lần hạt để Kinh Mân Côi có thể thể hiện tất cả những gì phong phú và đa dạng của mình. Như thế, việc lần hạt này sẽ trân trọng và van nài trong khi đọc Kinh Lạy Cha, say mê và tràn đầy chúc tụng qua việc tuần tự một cách bình lặng của Kinh Kính Mừng, chiêm ngắm nơi việc chuyên chú suy niệm các mầu nhiệm và hết lòng tôn thờ trong khi đọc Kinh Sáng Danh. Điều này áp dụng cho tất cả mọi cách thức được sử dụng để lần hạt Mân Côi: tư riêng, trong thâm trầm suy niệm với Chúa; với cộng đồng, trong gia đình hay với các nhóm tín hữu qui tụ lại để  được sự hiện diện của Chúa hơn (xc. Mt 18,20); hoặc công khai, nơi những cuộc nghị hội mà cộng đồng Giáo Hội được mời.


Số 51. Trong thời gian gần đây có một số việc thực hành đạo đức đã được tạo nên xuất phát từ cảm hứng nơi Kinh Mân Côi. Trong số những việc thực hành này, chúng tôi muốn lưu ý tới và phấn khích những ai đưa vào việc cử hành bình thường Lời Chúa một vài yếu tố của Kinh Mân Côi, chẳng hạn như việc suy niệm về những mầu nhiệm và việc lập lại như kiểu kinh cầu lời thiên thần chào Mẹ Maria. Làm như thế, những yếu tố ấy trở nên quan trọng hơn, vì chúng được liên hệ với các bài đọc Thánh Kinh, được dẫn giải bằng một bài giảng, được kèm theo bằng những lúc thinh lặng và được nhấn mạnh bằng những bài hát. Chúng tôi cảm thấy hân hoan khi biết rằng những việc thực hành này đã giúp gia tăng việc hiểu biết trọn vẹn hơn nữa kho tàng thiêng liêng của chính Kinh Mân Côi và giúp vào việc phục hồi niềm trân trọng đối với việc lần hạt Mân Côi nơi các Hội Mân Côi và phong trào giới trẻ.


Số 52. Giờ đây, chúng tôi muốn, như là những gì liên tục ý nghĩ từ các vị tiền nhiệm của chúng tôi, mạnh mẽ khuyên dụ việc lần hạt Mân Côi trong gia đình. Công đồng chung Vaticanô II đã vạch ra cho thấy làm thế nào gia đình là tế bào căn bản và sống còn của xã hội “chứng tỏ mình là một cung thánh tại gia của Giáo Hội qua việc cảm mến nhau nơi các phần tử trong gia đình cùng với việc cầu nguyện chung được họ dâng lên Thiên Chúa”. Nhờ thế, gia đình Kitô giáo được coi như là một Giáo Hội tại gia, nếu các phần tử của nó, mỗi người tùy theo vị thế và công việc thích hợp của mình, tất cả đều cổ võ công lý, thực hành các việc xót thương nhân ái, dấn thân giúp đỡ anh chị em của mình, tham gia vào hoạt động tông đồ của cộng đồng địa phương và thực hiện phần vụ của mình trong việc tôn thờ phụng vụ của cộng đồng địa phương ấy. Càng hay hơn nữa nếu họ cùng nhau dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu. Nếu yếu tố cầu nguyện chung này bị hụt hẫng thì gia đình thiếu đi chính tính chất của nó như là một Giáo Hội tại gia. Bởi thế, cần phải thực hiện một cách hợp tình hợp lý một nỗ lực cụ thể trong việc tái lập việc cầu nguyện chung trong đời sống gia đình nếu muốn phục hồi quan niệm thần học về gia đình như là một Giáo Hội tại gia.


Số 53. Theo những chỉ thị của Công đồng, bản Hướng Dẫn Tổng Quan về Giờ Kinh Phụng Vụ - Institutio Generulis de Liturgia Horarum đã có lý để liệt kê gia đình vào số những nhóm thích hợp trong việc cử hành Kinh Thần Vụ chung: “Thật là xứng đáng... gia đình, là cung thánh tại gia của Giáo Hội, chẳng những cần phải dâng kinh nguyện chung lên Thiên Chúa, mà còn, tùy theo hoàn cảnh, phải đọc những phần nào đó của Phụng Vụ Giờ Kinh, để liên kết sâu xa hơn nữa với Giáo Hội”. Không được bỏ qua một cố gắng nào để bảo đảm là lời khuyến dụ rõ ràng và cụ thể này được tăng tiến và hân hoan chấp nhận nơi các gia đình Kitô hữu. 


Số 54. Thế nhưng, chắc chắn một điều là, sau việc cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh, cao điểm nơi việc cầu nguyện chung gia đình có thể đạt tới, thì Kinh Mân Côi phải được coi như là một trong những kinh nguyện chung tuyệt hảo nhất và hiệu nghiệm nhất mà gia đình Kitô hữu được mời gọi để đọc. Chúng tôi thích nghĩ, và thành thực hy vọng rằng, khi việc qui tụ gia đình trở thành một thời gian cầu nguyện, thì Kinh Mân Côi là một cách thức thường xuyên và hâm mộ của việc cầu nguyện. Chúng tôi quá biết rằng những điều kiện thay đổi trong cuộc sống ngày nay không giúp cho gia đình có thể dễ dàng qui tụ lại với nhau, và ngay cả khi việc qui tụ như thế có thể xẩy ra thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho nó khó biến nó thành dịp để nguyện cầu. Không thể chối cãi được vấn đề khó khăn này. Thế nhưng đặc tính của Kitô hữu trong lối sống của mình đó là không chiều theo hoàn cảnh mà là thắng vượt hoàn cảnh, không chịu thua mà là cố gắng. Bởi thế những gia đình muốn sống trọn vẹn tầm vóc ơn gọi và linh đạo thích hợp với gia đình Kitô giáo cần phải dốc toàn lực trong việc thắng vượt những áp đảo ngăn cản những cuộc qui tụ gia đình và cầu nguyện chung.


Số 55. Nơi những nhận định đúc kết này, những nhận định cho thấy mối quan tâm và niềm trân trọng của Tòa Thánh đối với Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ, chúng tôi đồng thời cũng muốn khuyến dụ rằng chính việc tôn sùng rất xứng đáng này không được truyền bá một cách quá một chiều hay độc đoán. Kinh Mân Côi là một kinh nguyện tuyệt vời, thế nhưng tín hữu cần phải cảm thấy tự do thanh thản đối với kinh ấy. Họ cần phải được sức hấp dẫn nội tại của kinh này lôi kéo tới chỗ họ đọc kinh ấy một cách trầm lắng. 

114.864864865135.135135135250