11/01/2010 -

Tài liệu

584

 


Những Bài Giáo Huấn Về Đức Maria


BÀI 12


ĐỨC MARIA TRONG “PHÚC ÂM TIÊN KHỞI


 


Việc trình bày đạo lý về Đức Maria cần phải dựa trên mặc khải, được biểu lộ qua Thánh kinh và Thánh truyền. Khởi đầu việc khảo sát các bản văn Kinh thánh nói về Đức Maria từ Cựu ước, bài hôm nay bàn về đoạn Sáng thế (3,15) được đặt tên là “Phúc âm tiên khởi”.  Đức Thánh Cha sẽ còn trở lại đoạn văn này trong bài 21, khi bàn về tín điều “Vô nhiễm nguyên tội”.


 


1.- “Các sách của Cựu ước đã mô tả lịch sử cứu độ, trong đó việc xuất hiện của Đức Kitô vào thế giới đã được chuẩn bị một cách tiệm tiến. Những tài liệu nguyên khởi này, khi được đọc trong Hội thánh và được hiểu dưới ánh sáng của mặc khải trọn vẹn, đã từ từ cho thấy khuôn mặt của một người nữ: Thân mẫu Đấng Cứu thế” (HT 55).


Qua những lời trên đây, Công đồng Vaticano II nhắc cho chúng ta nhớ rằng khuôn mặt của Đức Maria đã được phác họa ngay từ buổi khởi nguyên của lịch sử cứu độ. Khuôn mặt ấy đã thoáng hiện ngay từ những bản văn của Cựu ước, nhưng chỉ được hiểu rõ tường tận khi được “đọc trong Hội thánh” và được giải thích dưới ánh sáng của Tân ước.


Thực vậy, Chúa Thánh Thần khi linh ứng cho các tác giả khác nhau của Thánh Kinh,  đã định hướng mặc khải Cựu ước về Đức Kitô, Đấng sẽ đến thế gian từ cung lòng của Trinh nữ Maria.


2.- Trong số những lời Kinh thánh tiên báo Thân mẫu Đấng Cứu thế, trước hết Công đồng đã trưng dẫn  những lời mà Thiên Chúa mặc khải chương trình cứu độ sau khi ông Ađam và bà Evà sa ngã.  Thiên Chúa nói với con rắn, tiêu biểu của thần dữ, như sau: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng dõi của mi và dòng dõi của người nữ; người này sẽ đạp dập đầu mi và mi sẽ rình để cắn gót chân của người”(St 3, 15).


Những lời vừa nói, được truyền thống Kitô giáo từ thế kỷ thứ XIV đặt tên là “Phúc âm tiên khởi” (Protoevangelium), đã hé mở cho chúng ta thấy ý định cứu độ của Thiên Chúa ngay từ buổi khai nguyên của nhân loại. Thực vậy,  đứng trước tội lỗi, theo như trình thuật của tác giả sách thánh,  thì phản ứng đầu tiên của Thiên Chúa không phải là trừng phạt những tội nhân, nhưng là mở ra cho họ một nhãn giới cứu độ và kêu gọi họ tham gia trực tiếp vào công trình cứu chuộc. Như  vậy Chúa đã tỏ ra lòng quảng đại bao la ngay cả đối những kẻ xúc phạm đến Người.


Ngoài ra, những lời của Phúc âm tiên khởi còn cho thấy sứ mạng đặc biệt của người phụ nữ, dù đã đi trước người nam trong việc chiều theo sự cám dỗ của con rắn, nhưng theo chương trình của Thiên Chúa, lại trở thành người đồng minh thứ nhất của Chúa. Trước đây bà Evà đã trở thành đồng minh của con rắn lôi kéo con người vào vòng tội lỗi. Thiên Chúa lật ngược lại tình hình, loan báo rằng Người sẽ biến người đàn bà trở thành thù địch của con rắn.


3.- Các nhà chú giải Kinh thánh đều đồng ý rằng bản văn của sách Sáng thế, dựa theo nguyên bản Hipri, đã gán tác động kháng cự con rắn không phải là trực tiếp cho người nữ, nhưng là cho dòng dõi của bà. Tuy vậy bản văn cũng nêu bật vai trò của người nữ trong việc chiến đấu chống lại kẻ cám dỗ: thực vậy, kẻ chiến thắng con rắn sẽ là hậu duệ của bà.


Người nữ đó là ai? Bản văn Kinh thánh không cho biết danh tánh của người đó, nhưng hé mở cho thấy một phụ nữ mới, đã được Chúa định để sửa chữa sự sa ngã của bà Evà: thực vậy bà ấy đã được gọi để chấn hưng chức vụ và phẩm giá của phụ nữ và góp phần vào việc thay đổi vận mạng nhân loại, bằng việc hợp tác vào cuộc chiến thắng của Thiên Chúa đối với thần dữ qua sứ mạng làm mẹ.


4.- Dưới ánh sáng của Tân ước và của truyền thống Hội thánh, chúng ta biết rằng người “nữ mới”[1] được Phúc âm tiên khởi loan báo là chính Đức Maria, và chúng ta nhìn nhận ở nơi “dòng dõi” của bà (St 3,15), người con, Đức Giêsu, kẻ chiến thắng quyền năng của Satan nhờ mầu nhiệm Vượt qua.


 Đồng thời, chúng ta nhận thấy rằng mối thù địch mà Chúa đã đặt giữa con rắn và người nữ, đã được thể hiện nơi Đức Maria bằng hai cách. Là đồng minh của Thiên Chúa và thù địch của ma quỷ, Đức Maria đã được thoát khỏi vòng thống trị của Satan nhờ việc thụ thai vô nhiễm, khi mà Người được nhào nặn trong ân huệ của Thánh Thần và được gìn giữ khỏi mọi tì vết của tội lỗi. Ngoài ra, khi liên kết với công trình cứu chuộc của Con mình, Đức Maria đã được lôi kéo vào vòng chiến đấu chống lại thần dữ.


Như thế, hai tước hiệu Vô nhiễm nguyên tội và Đồng công cứu chuộc, được đức tin Hội thánh gán cho Đức Maria  để tuyên dương vẻ đẹp tinh thần và sự thông dự sâu xa vào công trình tuyệt diệu của sự cứu chuộc, đã bày tỏ sự đối kháng không đội trời chung  giữa con rắn và bà  Evà mới.


5.- Các nhà chú giải sách thánh và các nhà thần học nhận định rằng ánh sáng của bà Evà mới, tức là Đức Maria,  từ những trang sách Sáng thế đã được phóng rọi lên toàn thể chương trình Cứu độ, và họ đã nhìn thấy trong bản văn đó mối dây liên kết giữa Đức Maria và Hội thánh. Ở đây chúng ta hân hoan ghi nhận rằng danh từ “người nữ”, được dùng một cách tổng quát trong bản văn của sách Sáng thế, thúc đẩy chúng ta đặc biệt liên kết các phụ nữ với Đức Trinh nữ Nazarét và với nhiệm vụ của  Người trong công trình cứu chuộc. Các phụ nữ cũng được Thiên Chúa kêu gọi dấn thân vào cuộc chiến đấu chống lại thần dữ.


Giống như bà Evà, các phụ nữ cũng có thể nhượng bộ trước những sự quyến rũ của Satan; nhưng nhờ sự liên đới với Đức Maria, họ nhận được một sức mạnh cao cấp hơn để chiến đấu với thù địch, và như vậy họ  trở thành những đồng minh đầu tiên của Thiên Chúa trên con đường cứu rỗi.


Sự liên  minh huyền diệu giữa Thiên Chúa với người nữ đã được biểu lộ qua nhiều hình dạng khác nhau ngay cả vào thời đại của chúng ta: qua việc các phụ nữ chuyên cần  cầu nguyện cá nhân vào cử hành phụng tự, qua việc phục vụ cuộc huấn giáo và chứng tá của lòng bác ái, qua vô vàn ơn gọi phụ nữ vào đời thánh hiến, qua việc giáo dục đạo đức trong gia đình...


Tất cả những dấu hiệu này tạo nên sự hiện thực cụ thể của lời tiên báo trong Phúc âm tiên khởi. Thực vậy, bản văn này, khi gợi ý mở rộng tầm áp dụng danh từ “người nữ” đến mức phổ quát, ở trong và ở ngoài biên cương hữu hình của Hội thánh, cho thấy rằng ơn gọi độc nhất của Đức Maria không thể nào tách rời khỏi ơn gọi của toàn thể nhân loại, và cách riêng ơn gọi của mỗi người phụ nữ. Ơn gọi của họ được soi sáng nhờ sứ mạng của Đức Maria, được tuyên dương là người đồng minh đầu tiên của Thiên Chúa trong cuộc chống lại Satan và sự dữ.


 


*** 


BÀI 13


LỜI TIÊN BÁO VỀ BÀ MẸ ĐẤNG MÊSIA


 


Tiếp tục khảo sát những đoạn Cựu ước tiên báo về Đức Maria, lần này Đức Thánh Cha tìm hiểu đoạn văn của Isaia 7,1 (được trích dẫn ở Mt 1,23), và Mikha 5,1 (được trích dẫn ở Mt 2,6). Đó là những lời tiên báo về bà mẹ của Đấng Mêsia, và mẹ đồng trinh.


 


1.- Khi bàn về hình bóng của Đức Maria  trong Cựu ước, công đồng Vaticano II nhắc tới bản văn nổi tiếng của Isaia (HT 55), bản văn này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các Kitô hữu tiên khởi: “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một  người con được đặt tên là Emmanuel”(Is 7,14).


Trong cảnh Thiên sứ truyền tin mời ông Giuse hãy đón nhận Maria làm bạn của mình, “bởi vì Người được sinh ra là do Thánh thần”, thánh Matthêu đã gán cho bản văn nói trên một ý nghĩa hướng về Đức Kitô và về Đức Maria. Thực vậy, thánh sử  chú thích rằng: “tất cả điều này xảy ra hầu ứng nghiệm điều đã được Chúa nói qua miệng ngôn sứ rằng: này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một người con được đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa  ở cùng chúng ta” (Mt 1, 22-23).


2.- Trong bản văn tiếng Hipri, lời tiên báo không có nói tới việc sinh hạ trinh khiết của Đấng Emmanuel: danh từ trong tiếng Do thái (almah) chỉ có nghĩa là “một thiếu nữ”, chứ không hẳn là một trinh nữ. Ngoài ra, chúng ta biết rằng truyền thống Dothái  không có đề cao lý tưởng  trinh khiết trọn đời, cũng không hề trình bày tư  tưởng  một người mẹ đồng trinh.


Tuy nhiên, trong bản dịch Hy lạp, danh từ Hipri đã được dịch ra là “parthenos”, “trinh nữ”. Sự kiện này bề ngoài xem ra chỉ là một chi tiết của việc chuyển dịch, nhưng cần phải nhìn nhận rằng đây là một sự định hướng nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần cho đoạn văn ông Isaia, nhằm chuẩn bị cho chúng ta hiểu sự sinh hạ lạ thường của Đấng Messia. Việc chuyển dịch sang từ ngữ “trinh nữ” có thể được giải thích bằng sự kiện là bản văn của Isaia đã chuẩn bị một cách trang trọng cho việc loan báo việc thụ thai như là một dấu chỉ đặc biệt của Thiên Chúa (Is 7, 10-11),  và gợi lên niềm trông đợi một việc thụ thai lạ kỳ. Thế nhưng chuyện một  thiếu nữ thụ thai một đứa con sau khi đã giao hợp với chồng mình thì đâu phải là một  sự kiện khác thường. Mặt khác, sấm ngôn không hề đả động tí nào tới một người chồng.  Sự kiện  này đã gợi lên nơi người dịch ra tiếng Hy-lạp  sự giải thích theo chiều hướng đã nói.


3.- Trong văn mạch nguyên thủy, sấm ngôn Is 7,14 là lời đáp lại của Thiên Chúa đối với sự thiếu niềm tin của vua Acap. Trước mối đe dọa của quân đội đối phương xâm lăng, vua Acap đi tìm sự cứu thoát cho mình  bằng cách đi tìm sự che chở nơi nhà vua Assyria. Khi khuyên nhủ nhà vua hãy đặt tín thác vào một mình Thiên Chúa, khước từ sự can thiệp đáng e ngại của nước Assyria, ngôn sứ Isaia đứng về phía Thiên Chúa để kêu gọi vua hãy tin tưởng vào quyền năng của Người : “Nhà  vua hãy xin Chúa một điềm lạ”. Trước sự từ chối của nhà vua,  bởi vì ông muốn đi  tìm sự cứu thoát bằng các phương tiện thế trần, ngôn sứ đã tuyên bố sấm ngôn nổi tiếng như sau: “ Hỡi nhà Đavít hãy nghe đây! ngươi đã quấy rầy sự kiên nhẫn của loài người chưa đủ hay sao, bây giờ ngươi lại còn muốn quấy rầy sự kiên nhẫn của Chúa ta nữa? Vì thế Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi một dấu chỉ. Này đây người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một người con được đặt tên là Emmanuel”(Is 7, 13-14).


Việc loan báo dấu chỉ Emmanuel, “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, hàm ngụ rằng lời hứa Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử sẽ được hiện thực đầy đủ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể.


4.- Khi loan báo sự  sinh hạ diệu kỳ của Đấng Emmanuel, việc nhắc tới một người nữ thụ thai và sinh con đã có ý liên kết số phận người mẹ với số phận người con, - một hoàng tử mang sứ mạng thiết lập vương quốc lý tưởng, vương quốc của Đấng Mêsia- và cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa muốn làm nổi bật vai trò của người nữ.


Thực vậy, dấu hiệu không chỉ áp dụng cho hài nhi mà thôi, nhưng sự thụ thai kỳ diệu được bày tỏ qua việc sinh hạ, là một biến cố đầy hy vọng làm nổi bật vai trò chính yếu của người mẹ.


Ngoài ra, sấm ngôn của Đấng Emmanuel cần được hiểu qua viễn tượng đã được mở ra bởi lời hứa dành cho nhà Đavit gặp thấy trong quyển II sách Samuel. Ngôn sứ Nathan đã hứa với nhà vua về hồng ân Thiên Chúa  dành cho hậu  duệ của ông: “Người sẽ xây một nhà cho Danh Ta và Ta sẽ cho ngôi báu nước người tồn tại mãi mãi. Ta sẽ là cha của người và người sẽ là con của Ta”(2Sm 7, 13-14).


 Đối với dòng dõi Đavit, Thiên Chúa muốn đảm nhận vai trò của người cha; điều này được thực hiện  cách trọn vẹn trong Tân ước với việc Con Thiên Chúa nhập thể trong nhà Đavit (xc. Rm 1, 3).


5.- Ngôn sứ Isaia, trong một đoạn văn nổi tiếng, đã nhấn mạnh tính cách khác thường  của việc sinh hạ Đấng Emmanuel. Những lời đó như sau: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một trẻ thơ được ban cho chúng ta. Dấu hiệu của quyền bá chủ được đặt lên vai của Người; tên của Người: Cố vấn diệu kỳ. Thiên Chúa hùng mạnh, Cha vạn đại, Thái tử hòa bình”(9, 5). Qua chuỗi những danh hiệu của hài nhi, ngôn sứ muốn diễn tả những đặc trưng của vương quyền của ông: cao minh, quyền thế, nhân hậu như người cha, công tác trị an.


 Đoạn văn này không  nói tới bà mẹ, nhưng việc tuyên dương người con mang lại cho nhân dân tất cả những gì mà họ trông mong ở triều đại của Đấng Mêsia, cũng được tràn sang bà mẹ đã cưu mang và sinh hạ Đấng Mêsia.


6.- Một sấm ngôn thời danh của ngôn sứ Mikêa cũng nói tới việc sinh hạ Đấng Emmanuel. Ngôn sứ nói như sau: “Còn ngươi, hỡi Betlem Ephrata, ngươi quá nhỏ nên không đáng được kể vào số thủ phủ Giuđa; nhưng từ ngươi sẽ nảy ra Vị Thống lĩnh Israel; nguồn gốc của Người đã bắt đầu từ thuở xa xưa. Vì thế Thiên Chúa sẽ đặt quyền năng của người khác nơi ngươi cho đến khi Kẻ sinh sẽ sinh”(5, 1-2). Những lời này ta thấy vang lên sự trông mong một  cuộc sinh hạ tràn đầy hy vọng của thời Mêsia, trong đó một lần nữa ta thấy nổi bật vai trò của bà mẹ, được nhắc tới qua biến cố trọng đại mang lại vui mừng và cứu thoát.


7.- Chức làm mẹ đồng trinh của Đức Maria đã được chuẩn bị một cách phổ quát hơn nữa qua hồng ân mà Chúa ban cho những người  khiêm tốn khó nghèo (xc. HT 55).


Những người này chỉ biết đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa, và qua thái độ của ho, họ đã nêu  bật trước ý nghĩa sâu xa của sự trinh khiết của Đức Maria. Người đã khước từ sự phú quý của chức làm mẹ theo lối thường tình, và chờ mong sự phong nhiêu từ nơi Thiên Chúa.


Do đó, Cựu ước không chứa đựng một lời loan báo rõ rệt về một người mẹ đồng trinh như sẽ được mặc khải trong Tân ước. Tuy vậy, sấm ngôn của Isaia(7,14) đã chuẩn bị cho sự mặc khải  mầu nhiệm này và đã được xác định qua bản dịch Hylạp ở Cựu Ước. Khi trích dẫn lời sấm ngôn theo bản dịch Hylạp, Phúc âm của Matthêu đã công bố sự hoàn tất trọn vẹn  của nó qua việc thụ thai Đức Giêsu trong cung lòng trinh khiết  của Đức Maria.


 


***


BÀI 14


THIÊN CHỨC LÀM MẸ LÀ DO ƠN CHÚA


 


Bên cạnh những đoạn văn Cựu ước đã được Tân ước áp dụng cho Đức Maria, Đức Thánh Cha suy nghĩ đến những trường hợp Thiên Chúa can thiệp vào việc cho những bà mẹ son sẻ được có con, đặc biệt là vào những giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc Israel ( ông Isaac, ông Giuse, ông Samson, ông Samuel). Những trường hợp này chuẩn bị sự can thiệp của Thiên Chúa cho Trinh nữ Maria làm mẹ Đấng Cứu thế.


 


1.- Thiên chức làm mẹ là một hồng ân của Thiên Chúa.


“Tôi đã được Chúa ban cho một con người”(St 4,1),  đó là lời bà Evà thốt lên sau khi đã thụ thai Cain người con đầu lòng. Qua những lời này, sách Sáng thế trình bày cho thấy thiên chức làm mẹ  tiên khởi trong lịch sử nhân loại như là một hồng ân  và là một niền vui bắt nguồn từ lòng lân tuất của Đấng Tạo hóa.


2.- Vào lúc khởi nguyên của Dân được tuyển chọn, Sách thánh cũng mô tả cách tương tự như vậy về sự sinh hạ ông Isaac.


Ông Abraham không có con cái và đã cao niên. Thiên Chúa hứa cho ông một dòng tộc đông đúc như sao trên trời (xc. St 15, 5). Lời hứa đó đã được vị tổ phụ đón nhận trong đức tin, mở cho con người thấy chương trình Thiên Chúa: “ông đã tin vào Thiên Chúa, và ông đã được coi là người công chính” (xc. St 15, 6).


Lời hứa trên đây được xác nhận bằng những lời Chúa phán nhân dịp ký kết giao ước với ông Abraham: “Này đây: giao ước của Ta sẽ ở với ngươi và ngươi sẽ trở thành cha của một đoàn dân đông đúc”(St 17,4).


Những biến  cố phi thường và nhiệm mầu đã nêu bật rằng thiên chức làm mẹ của bà Sara là  kết qủa  của lòng lân tuất của Thiên Chúa, Đấng đã ban sự sống vượt quá tầm tính toán của con người: “Ta sẽ chúc phúc cho bà và  Ta sẽ ban cho ngươi một người con do bà; Ta sẽ chúc phúc cho nó và nó sẽ trở thành những dân tộc; vua chúa các dân nước sẽ sinh ra bởi bà”(St 17, 15-16).


Thiên chức làm mẹ được trình bày như là một hồng ân của Thiên Chúa: tổ phụ Abraham và bà vợ sẽ nhận một tên  mới nhằm nói lên sự thay đổi lạ thường mà Thiên Chúa tác động trong cuộc đời của họ.


3.- Việc ba nhân vật  huyền bí, mà các Giáo  phụ coi như là tiên báo Chúa Ba Ngôi đã loan báo cách cụ thể hơn cho ông Abraham sự hoàn tất lời hứa: “Chúa hiện tới ông Abraham tại Mambrê, khi ông ta ngồi ở cửa lều vào giờ nóng nhất trong ngày. Ông ta ngước mắt nhìn và ông thấy ba người đứng trước mặt ông” (St 18, 1-2).


Ông Abraham liền hỏi: “Một người đã trăm tuổi còn có thể sinh con được không? Bà Sara 90 tuổi còn có thể sinh con được không?” (St 17, 17; 18, 11-13). Vị thượng khách trả lời: “Có điều gì mà Thiên Chúa không thể làm được? Vào thời  đã định Ta sẽ trở lại với ngươi và bà Sara sẽ có  con” (St 18,14; xc. Lc 1,37).


Trình thuật này cho thấy hiệu quả việc Thiên Chúa  đến thăm viếng là ban cho một đôi vợ chồng son sẻ trở thành phong nhiêu. Tin vào lời hứa, ông Abraham trở thành người cha bất chấp mọi hy vọng, và “người cha trong đức tin” bởi vì do đức tin của ông  “truyền thụ” đức tin của dân tuyển chọn.


4.- Kinh thánh còn thuật lại nhiều trình thuật về những người phụ nữ đã được cứu thoát khỏi cảnh son sẻ và được Chúa ban cho niềm vui làm mẹ. Đó là những hoàn cảnh bứt rứt mà sự can thiệp của Chúa biến đổi thành những dịp hân hoan khi Người chấp nhận lời cầu nguyện thống thiết của những kẻ đã hết hy vọng nếu xét theo sự tính toán loài người. Chẳng hạn như bà Rakhel, “thấy  rằng mình không thể nào sinh con cho ông Giacóp được, bà trở thành ghen tương với bà chị Lia và nói với ông Giacóp rằng: hãy cho tôi con cái, nếu không thì tôi chết mất! Ông Giacóp tức giận và nói: phải chăng ta có quyền như Chúa, Đấng đã khước từ hoa trái của lòng bà hay sao?” (St 30, 1-2).


Tuy nhiên liền đó bản văn Kinh thánh thêm rằng “Thiên Chúa nhớ lại bà Rakhel; Thiên Chúa nhận lời bà và ban cho bà có con. Bà đã thụ thai và sinh ra một người con” (St 30, 22-23). Người con đó, ông Giuse, đã thi hành một chức vụ rất quan trọng đối với Dân Israel vào lúc di cư sang nước Ai cập.


Trong trình thuật vừa rồi cũng như trong trình thuật khác, khi nêu bật điều kiện son sẻ của người phụ nữ, Kinh thánh muốn nêu bật  sự can thiệp kỳ diêu của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đồng thời cũng cho thấy chiều kích ơn huệ  trong hết mọi trường hợp làm mẹ.


5.- Điều tương tự cũng xảy ra trong trình thuật về việc sinh ông Samson. Bà vợ  của ông Manoac chưa bao giờ có thể sinh con,  thì đã nhận được lời loan báo của thiên sứ như thế này: “Kìa, bà son sẻ và không  con, nhưng bà sẽ thụ thai và sinh một người con” (Tl 13, 3). Việc thụ thai bất ngờ và lạ lùng đã loan báo những kỳ công mà Chúa sẽ thực hiện qua ông Samson.


Trong trường hợp bà Anna mẹ của ông Samuel, vai  trò đặc biệt của sự cầu nguyện đã được nhấn mạnh. Bà Anna sống trong sự tủi nhục vì son sẻ, nhưng bà luôn luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa; bà liên lỉ cầu khẩn xin Chúa giúp bà vượt qua cơn thử thách. Một ngày kia, khi lên Đền thờ bà đã khấn hứa: “Lạy Chúa các cơ binh, nếu Chúa không quên người nữ tì này và nếu  Chúa ban cho  nữ tì một người con trai, thì con sẽ dâng cho Chúa hết mọi ngày đời nó” (1Sm 1,11).


Lời  cầu của bà đã được chấp nhận: “Thiên Chúa nhớ tới  bà và bà thụ thai sinh một người con trai đặt tên là Samuel”(1Sm 1, 19-20).


Thực hiện lời khấn, bà Anna đã dâng con cho Thiên Chúa: “vì đứa con này mà con đã khẩn cầu và Thiên Chúa đã ban cho con hồng ân mà con xin. Vì thế con cũng xin dâng lại cho Chúa: nó sẽ được nhượng lại cho Chúa trong hết mọi ngày đời nó” (1Sm 1, 27-28). Bé Samuel được Chúa ban cho bà Anna và rồi bà Anna đã dâng lại cho Chúa, và người thiếu niên đó đã trở thành  mối dây liên kết khắng khít giữa bà Anna với Thiên Chúa .   


Do đó, việc sinh hạ bé Samuel trở thành kinh nghiệm của niềm hân hoan và cơ hội để tạ ơn. Sách 1 Samuel còn thuật lại một thánh thi, được gọi là “Magnificat” của bà Anna, và xem ra đã đi trước kinh Magnificat của Đức Maria : “tâm hồn tôi hớn hở trong Thiên Chúa, nhờ ơn Chúa mà trán tôi  ngẩng lên ” (1Sm 2, 1).


Hồng ân làm mẹ được  Thiên Chúa ban cho bà Anna, do lời cầu nguyện liên lỉ của bà, đã gợi lên nơi bà một lòng quảng đại mới. Việc dâng hiến Samuel chính là sự đền đáp biết ơn của một người mẹ, khi thấy rằng người con của mình là hoa trái của lòng Chúa lân tuất của Chúa; bà đã đáp lại hồng ân bằng cách ký thác người con thân yêu của mình cho Chúa.


6.- Khi thuật lại những cảnh làm mẹ khác thường được nhắc trên đây, chúng ta thấy rằng Kinh thánh đã trao cho các bà mẹ một chỗ đứng quan trọng nơi sứ mạng của con mình. Trong trường hợp Samuel, bà Anna đã giữ một vai trò quyết định khi dâng hiến con mình cho Chúa. Một sứ mạng cũng quan trọng như vậy đã được thực hiên do một bà mẹ khác, bà Rêbecca, khi đi tìm kẻ kế nghiệp cho ông Giacóp (St 27). Trong sự can thiệp của bà mẹ chúng ta thấy dấu hiệu của một việc Chúa tuyển chọn làm dụng cụ cho chương trình của Người.


Chính Chúa đã chọn đứa em, ông Giacóp, như là người chuyển ban lời chúc phúc và gia tài của  người cha, và như thế ông được chọn làm người chăn dắt và  hướng dẫn dân mình. Chính Thiên Chúa là Đấng khoan dung và thượng trí đã ấn định và điều khiển vận mạng của từng người (Kn 10, 10-12).


Sứ điệp Kinh thánh về chức làm mẹ cho chúng ta thấy rất nhiều khía cạnh quan trọng vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay: thực vậy, nó làm nêu bật tính cách ân huệ, được bày tỏ cách riêng trong trường hợp những bà son sẻ; giao ước đặc biệt giữa Thiên Chúa với người phụ nữ và mối dây liên kết giữa số phận của người mẹ và số phận của người con.


Đồng thời sự can thiệp của Thiên Chúa, vào những giai đoạn quan trọng của lịch sử Dân Người, đã ban cho những bà mẹ son sẻ được có con, đã chuẩn bị đức tin cho sự can thiệp của Thiên Chúa vào thời kỳ viên mãn, để làm cho một Trinh nữ mang thai để thực hiện việc Con Chúa nhập thể.


 


BÀI 15

NHỮNG PHỤ NỮ

THAM GIA VÀO VIỆC CỨU THOÁT DÂN TỘC

 


Trong lịch sử dân Do thái, Thiên Chúa đã gợi lên nhiều phụ nữ để giải thoát dân tộc khỏi cơn nguy biến: bà Đêbôra, bà Giuđitha, bà Ester. Thiên Chúa đã thực hiện những kỳ công qua những con người yếu ớt. Ngoài ra, không nên bỏ qua vai trò chuyển cầu của họ. Những đặc trưng này sẽ nổi bật nơi Đức Maria.


 


1.- Cựu ước đã khiến chúng ta khâm phục một người phụ nữ phi thường, những người dưới sự thôi thúc của Thần khí Chúa, đã tham gia vào những cuộc chiến đấu và chiến thắng của Dân Israel hoặc là đã góp phần vào cuộc cứu thoát dân tộc. Sự hiện diện của các bà vào các biến cố của dân tộc không phải chỉ ở bên lề hoặc thụ động: các bà xuất hiện như là những nhân vật chủ chốt của lịch sử cứu độ. Sau đây là một vài thí dụ điển hình.


Sau cuộc vượt qua biển Đỏ, sách thánh đã nhắc tới sáng kiến của  một phụ nữ được linh ứng để ca ngợi biến cố trọng đại này: “bà ngôn sứ Maria , em ông Aharon, đã cầm lấy trống:  nhiều phụ nữ  theo bà cũng cầm trống họp thành nên ca đoàn nhảy múa. Bà Maria cùng với họ ca lên điệp khúc: Hãy ca ngợi Chúa vì Người đã chiến thắng lạ lùng: Người đã đẩy xuống vực sâu chiến binh với kỵ mã” (Xh 15, 20-21).


Việc nhắc tới sáng kiến của phụ nữ trong một khung cảnh cử hành lễ hội đã làm nêu bật không những là sự đóng góp của phụ nữ mà còn nói tới thái độ đặc biệt của họ trong việc ca ngợi tạ ơn Chúa.


2.- Vào thời các Thủ lãnh, bà ngôn sứ Đêbôra còn thi hành một công cuộc  quan trọng hơn.  Sau khi đã ra lệnh cho vị chỉ huy đạo quân hãy chiêu mộ các người nam và xuất trận, bà đã xác quyết sự thành công của quân đội Israel, khi báo trước rằng một phụ nữ khác tên là Giael sẽ giết tướng giặc.


Ngoài ra, để ca mừng cuộc chiến thắng vĩ đại, bà Đêbôra xướng lên một bài thánh thi  tuyên dương hành vi của bà Giael : “Bà đáng chúc tụng giữa hàng phụ nữ, … bà được chúc tụng giữa các phụ nữ trong lều trại!” (Tl.5,24). Lời khen ấy vang vọng lên trong Tân ước qua những lời bà Isave đã ngỏ với Đức Maria : “Em đáng chúc tụng hơn mọi phụ nữ” (Lc 1,42).


Vai trò quan trọng của các người phụ nữ trong việc giải phóng dân tộc, đã được gợi lên qua những khuôn mặt của bà Đêbôra và bà Giael, lại được trưng bày một lần nữa trong tiểu sử của một bà ngôn sứ khác tên là Culda, sống vào thời vua Giosia.


Được tư tế Chelkia thỉnh vấn, bà Culda đã tuyên sấm loan báo một thời kỳ ân xá cho nhà vua đang lo sợ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Như vậy bà Culda đã trở thành sứ giả của tình thương xót và hòa bình (xc. 2V 22, 14-20).


3.- Các sách bà Giuđitha và bà Esther, với mục đích  tuyên dương cách lý tưởng sự đóng góp của phụ nữ vào lịch sử của dân ưu tuyển, đã trình bày hai khuôn mẫu của phụ nữ đã mang lại chiến thắng và cứu thoát cho Dân Israel.  Sách Giuđitha kể lại một quân đội hùng cường do vua Nabucôđônôso gửi đến chiếm đóng nước Israel. Đạo quân địch, dưới sự hướng dẫn của tướng Holophernê, chuẩn bị xâm chiếm thành Bêtulia vào lúc nhân dân đang bị hoảng hốt, vì họ cho rằng mọi sự kháng cự đều vô ích, và họ yêu cầu các nhà lãnh đạo hãy đầu hàng.


Trong khi những vị bô lão của thành phố, khi thấy không còn sự trợ lực nào nữa, đang chuẩn bị trao nộp thành Bêtulia cho địch quân, thì bà Giuđitha đã khiển trách sự thiếu đức tin, và bà tuyên xưng sự tín thác vào ơn cứu thoát mà Chúa sẽ ban.


Bà Giuđitha, - biểu tượng của lòng trung thành với Chúa, của lời cầu nguyện khiêm tốn và của ý chí muốn giữ khiết tịnh -, sau khi đã khẩn cầu Thiên Chúa, bà đã đi tới dinh tướng địch Holopherne, tính khí kiêu căng,  thờ tà thần và sống phóng đãng.


Khi ở riêng một mình với ông, bà Giuđitha đã khẩn cầu với Thiên Chúa trước khi hạ ông ta  rằng: “Lạy Chúa dân Israel, xin ban cho con sức mạnh trong giây phút này” (Gđt 13,7). Thế rồi bà đã dùng chính gươm của ông Holopherne mà chặt đầu ông ta.


Ở đây cũng như trong trường hợp của ông Đavit khi đối diện với Goliat, Thiên Chúa đã dùng sự yếu đuối để chiến thắng vũ lực. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mang lại chiến thắng là một phụ nữ: bà Giuđitha, không bị lung lạc do sự hèn nhát và thiếu tin tưởng của các thủ lãnh nhân dân, bà đã dám tiến tới và giết Holopherne, và đã đáng được Thượng tế và các bô lão Giêrusalem cảm tạ và ngợi khen. Hướng về người phụ nữ đã chiến thắng địch quân, họ đã thốt lên: “Bà là vinh quang của Giêrusalem, bà là danh dự của Israel, bà là huy hoàng xán lạn của Dân tộc. Bà đã tự tay làm được những việc này, bà đã thực hiện được những việc vĩ đại cho dân tộc Israel, Thiên Chúa đã vui lòng với những chuyện đó. Bà đáng được Chúa toàn năng chúc lành” (Gđt 15, 9-10).


4.-  Vào một hoàn cảnh khác khá bi đát đối với dân tộc Israel chúng ta thấy xuất hiện bà Ester. Trong nước Ba-tư, ông Aman một tể tướng của nhà vua đã quyết định tru diệt dân Do thái. Để tránh khỏi cơn hoạn nạn, ông Marđôkêô, một người Do thái sống tại thành Susa, đã chạy tới người cháu Ester, đang sống trong cung điện nhà vua nơi mà bà đã được phong hoàng hậu. Bà dám đi ngược lại luật pháp, đã đến trình diện với nhà vua tuy dù không được triệu đến, liều mình lãnh án tử hình, để yêu cầu nhà vua thu hồi lệnh tru diệt.


Ông Aman đã bị xử tử, ông Marđôkêô đã được chức vụ, và người Do-thái được giải thoát khỏi sự đe dọa và đã thắng được đối thủ của mình.


Hai bà Giuđitha và Ester đã dám liều mạng sống để mang lại sự cứu thoát cho dân tộc mình. Tuy nhiên, hai lần can thiệp có những điều khác nhau: bà Ester không giết đối thủ của mình, nhưng bà đóng vai trò một người trung gian để cầu bàu cho những người đang bị đe dọa phải bị tru diệt.


5.- Vai trò chuyển cầu cũng xuất hiện nơi chân dung của một phụ nữ khác tên là Abigain, vợ của ông Napan được nói tới trong sách Samuel. Ở  đây cũng vậy, nhờ sự can thiệp của bà mà diễn ra một cuộc cứu thoát.


Bà ta đã đi gặp vua Đavit khi ông đã quyết tâm tiêu hủy gia đình ông Napan. Bà ta đã xin tha tội phạm của chồng mình và như vậy bà đã cứu thoát gia đình bà khỏi cảnh tan nát (1Sm 25).


Như chúng ta nhận thấy, truyền thống Cựu ước, đặc biệt là những tác phẩm viết vào thời gần kề Đức Kitô, đã nhiều lần nêu cao hành động của người phụ nữ mang lại ơn giải thoát cho Israel. Như  vậy Chúa Thánh Thần, qua những sự tích của các phụ nữ Cựu ước, đã dần dần họa ra nét rõ rệt những đặc trưng của sứ mạng Đức Maria trong công cuộc cứu thoát toàn thể nhân loại[2].



Lm Giuse Phan Tấn Thành, op

 






[1] Xc. dưới đây: bà “Evà mới” (bài 33); và “thiếu nữ Sion mới” (bài 18).




[2] Xem thêm GLCG số 64; 489


 


114.864864865135.135135135250