Đức Gioan Phaolô II
Đức Thánh Cha bình giảng chương VIII của Hiến chế Ánh sáng muôn dân, với những lời dẫn nhập đề cao mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi: “Thân mẫu của Con, ái nữ của Chúa Cha, đền thờ Thánh Thần”. Chính mối tương quan này là nguồn gốc sự cao sang của Đức Maria. Tuy nhiên, những tước vị ấy nằm trong kế hoạch mặc khải tình thương của Thiên Chúa đối với loài người, vì thế nên cũng đặt Đức Maria gần gũi với chúng ta.
1.- Chương VIII của Hiến chế về Hội thánh đã chỉ mầu nhiệm Đức Kitô như là điểm quy chiếu cần thiết cho Thánh-mẫu-học. Những lời mở đầu của chương này thật là đầy ý nghĩa: “Vì Thiên Chúa rất mực khoan dung và thượng trí đã muốn thực hiện việc cứu chuộc nhân loại, nên vào thời viên mãn Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ… ngõ hầu chúng ta lãnh nhận ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5) (HT 52). Con của Chúa chính là Đấng Mêsia mà dân Cựu ước ngóng trông, được Chúa Cha sai đến vào lúc quyết liệt của lịch sử, tức là “tới thời viên mãn” (Gl 4,4), trùng với việc Con Chúa giáng sinh vào thế giới chúng ta do một người phụ nữ. Đấng đã đưa Con hằng hữu của Thiên Chúa vào thế giới loài người không thể nào tách rời khỏi Vị được đặt vào trung tâm của kế hoạch mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.
Chức thủ lãnh của Đức Kitô đã được biểu lộ trong Hội thánh, nhiệm thể của Người: thực vậy trong Giáo hội “các tín hữu gắn bó với Đức Kitô là nguyên thủ và hiệp thông với tất cả các thánh của Người” (xc. HT 52). Chính Đức Kitô đã thu hút hết mọi người đến với mình. Do chức phận làm mẹ hằng kết hiệp khắng khít với Con mình, Đức Maria đã góp phần vào việc quy hướng cặp mắt và con tim của các tín hữu tới Đức Kitô.
Đức Maria là con đường dẫn tới Đức Kitô: thực vậy, Đấng mà lúc thiên sứ Truyền tin “đã đón nhận Lời của Thiên Chúa vào con tim và thân thể của mình” (HT 53) thì cũng chỉ tỏ cho chúng ta thấy cách đón nhận vào cuộc đời chúng ta Chúa Con từ trời xuống, dạy cho chúng ta biết đặt Chúa Giêsu làm trung tâm và là “quy luật” tối cao trong cuộc sống của chúng ta.
2.- Đồng thời Đức Maria cũng giúp cho chúng ta khám phá ra ở cội nguồn của toàn thể công trình cứu độ là tác động chủ tể của Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi tất cả mọi người trở thành dưỡng tử trong Con Một của Người. Khi nhắc đến những lời tuyệt tác của thư gởi Êphêsô: “Thiên Chúa giàu lòng lân tuất, do tình yêu vô biên mà Người đã yêu chúng ta, đang lúc chúng ta còn chết cho tội lỗi, thì Người đã cho chúng ta sống lại với Đức Kitô”(Ep 2,4), Công đồng đã gán cho Thiên Chúa tước hiệu là “Đấng rất mực khoan dung”: như vậy Người Con “được sinh bởi người nữ” đã xuất hiện như là hoa trái của lòng khoan dung của Chúa Cha và cho hiểu rõ hơn rằng người Nữ đó là “mẹ của lòng khoan dung”.
Cùng trong mạch văn đó, Công đồng đã gọi Thiên Chúa là Đấng “rất mực thượng trí”, ra như gợi lên cho chúng ta mối dây khắng khít giữa Đức Maria và sự cao minh của Thiên Chúa đã muốn cho Đức Trinh nữ làm mẹ theo chương trình huyền diệu của Người.
3.- Bản văn của Công đồng cũng nhắc tới mối dây đặc biệt liên kết Đức Maria và Chúa Thánh Thần, khi dùng những lời của tín biểu Nixêa Constantinôpôlis mà chúng ta đọc trong phụng vụ Thánh lễ: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria”.
Khi phát biểu đức tin hằng cửu của Hội thánh, Công đồng nhắc nhở cho chúng ta biết cuộc Nhập thể kỳ diệu của Chúa Con đã diễn ra trong cung lòng của Trinh nữ Maria không do sự hợp tác của người nam nhưng là do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Như vậy, những lời mở đầu của chương VIII Hiến chế về Hội thánh đã cho thấy chiều kích Chúa Ba Ngôi là một nét căn bản của Thánh mẫu học. Thực vậy, tất cả đã diễn ra do ý định của Chúa Cha, Đấng đã sai Con mình vào thế gian, bày tỏ Người cho nhân loại và đặt Người làm đầu của Hội thánh và trung tâm của lịch sử. Đây là một kế hoạch được hoàn tất trong cuộc Nhập thể, công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng do sự cộng tác tất yếu của một người nữ, Đức Trinh nữ Maria, và như thế Người đã trở nên một thành phần của kế hoạch thông ban Chúa Ba Ngôi cho nhân loại.
4.- Tương quan của Đức Maria với Ba Ngôi còn được lặp lại qua những lời chính xác khi mô tả mối tương quan của Thân mẫu Chúa với Hội thánh: “Người đã được trao tặng chức vụ và phẩm giá là Thân mẫu của Con Thiên Chúa, và vì thế trở thành ái nữ của Chúa Cha và Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (HT 53).
Tước phẩm căn bản của Đức Maria là “Thân mẫu Con Thiên Chúa”, được đạo lý và phụng tự Kitô giáo diễn đạt với tước hiệu là “Thân mẫu Thiên Chúa”.
Đây là một tước hiệu phi thường, bày tỏ sự hạ mình của Con một Thiên Chúa trong cuộc Nhập thể của Người, và gắn liền với sự tự hạ là đặc ân cao quý trao tặng cho một thụ tạo được gọi sinh ra Ngôi Lời về xác thịt.
Là Mẹ của Chúa Con, Đức Maria là “ái nữ của Chúa Cha” một cách độc nhất vô nhị. Mối tình mẹ của Người có thể so sánh phần nào với tình Cha của Thiên Chúa.
Ngoài ra, tuy dù mỗi Kitô hữu là “Đền thờ Chúa Thánh Thần” theo như lời tông đồ Phaolô đã nói (1Cr 6,19), nhưng lời khẳng định đó mang một ý nghĩa khác thường nơi Đức Maria: thực vậy, ở nơi Người mối tương quan với Chúa Thánh Thần đã được tô điểm với chiều kích hôn ước. Tôi đã nhắc lại điểm này trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế: “Chúa Thánh Thần đã ngự xuống ở trên Người, và Người đã trở thành hiền thê trung tín vào lúc truyền tin, khi đón tiếp Lời của Thiên Chúa thật” (số 26)[1].
5.- Mối tương quan đặc biệt của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi đã mang lại cho Người một tước phẩm vượt xa trên mối tương quan của các thụ tạo khác. Công đồng đã nói tới điều đó một cách minh thị như sau: do “hồng ân siêu việt” Đức Maria đã vượt xa hết mọi loài thụ tạo” (HT 53). Tuy vậy, phẩm tước cao vời đã không ngăn cản Đức Maria trở thành liên đới với từng người chúng ta, thực vậy, Hiến chế Ánh sáng muôn dân nói tiếp như sau: “Người đã liên kết, trong dòng dõi Ađam, với tất cả những người cần được ơn cứu rỗi” và Người “đã được cứu chuộc một cách tuyệt vời nhờ vào công trạng của Con mình”.
Chúng ta thấy rõ ý nghĩa chính xác của những đặc ân ban cho Đức Maria và của những mối tương quan đặc biệt với Chúa Ba Ngôi: những đặc ân đó nhằm biến Người trở nên xứng đáng cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại. Vì thế sự cao cả vô biên của Thân mẫu Chúa là một hồng ân của tình thương mà Chúa dành cho tất cả mọi người. Khi tuyên xưng Người là “kẻ có phúc” (Lc 1,48), mọi thế hệ tuyên dương những “kỳ công” (Lc 1,49) mà Đấng Toàn năng đã thực hiện nơi Người nhằm tới toàn thể nhân loại khi Chúa “nhớ lại lòng khoan dung” (Lc 1,54).
(Trích từ Những bài huấn giáo về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của Cha Giuse Phan Tấn Thành, OP.).
[1] Mối liên hệ của Đức Maria với Chúa Thánh Thần được bàn rộng ở Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 721-726.