Jos. Hải Đăng, O.P.
Trong bài này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu tín điều Đức Maria trọn đời trinh khiết. Đây là một trong hai tín điều đầu tiên về Đức Maria.
Tại sao Giáo hội lại tuyên bố tín điều Đức Maria trọn đời trinh khiết?
Trong những thế kỷ đầu tiên của Ki-tô giáo, đặc biệt là trong các tác phẩm cổ điển của các Giáo phụ, chúng ta nhận thấy hai tước hiệu “Mẹ” và “đồng trinh” gắn liền với nhau. Cả hai tước hiệu này đều nhắm đến việc bảo vệ chân lý Đức Giêsu vừa là con người vừa là Con Thiên Chúa trước những lạc thuyết thời bấy giờ. Chính vì lẽ đó, tín điều Đức Maria trọn đời trinh khiết đã được Công Đồng Latêranô tuyên tín năm 649 như sau: “Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Maria, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ”.
Khi bàn về sự trinh khiết “trọn đời” của Đức Maria, các giáo phụ đã phân biệt ba giai đoạn: Trinh khiết khi mang thai, trinh khiết trong khi sinh và trinh khiết sau khi sinh.
Trinh khiết khi mang thai
Với việc Đức Maria trinh khiết trước khi sinh con, Thiên Chúa muốn bày tỏ một số chân lý của kế hoạch cứu độ: Thứ nhất với việc Ngôi Lời nhập thể, một kỷ nguyên tạo dựng mới được bắt đầu. Trong cuộc tạo dựng mới này, Thiên Chúa đã chọn lựa những kẻ nghèo hèn, những công cụ bình thường (với tâm thức thời bấy giờ, sự trinh khiết và son sẻ là điều bỉ ổi) để làm nổi bật khía cạnh hồng ân của ơn cứu chuộc. Thứ hai, việc thụ thai cũng làm nổi bật sự hiện hữu của Đức Giê-su. Người là một tạo vật mới, một Ađam mới. Vì thế, cách Người ra đời cũng phải mới. Đức Giêsu không phải chỉ bắt đầu sự hiện hữu từ khi thụ thai hay lọt lòng mẹ, nhưng còn nơi Ngôi Lời Ngài đã hiện hữu từ muôn thuở. Vì thế, Đức Giêsu nhờ Đức Maria trinh khiết sinh ra để trở thành con người như chúng ta. Cuối cùng, Đức Giêsu không có cha tự nhiên, bởi vì muốn làm nổi bật mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa là Cha của Ngài.
Niềm tin vào Đức Maria trọn đời đồng trinh cần được nhìn một cách tích cực về phía tinh thần, như là sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa: trao hiến toàn thể ước mơ, những hy vọng và những toan tính của mình cho Thiên Chúa. Đây là một cái nhìn trong đức tin. Vì thế, Đức Maria đã trở thành mẫu gương cho Giáo hội hết lòng gắn bó với Đức Ki-tô với con tim không chia sẻ, cách riêng cho những ai đã tuyên giữ khiết tịnh vì Nước Trời.
Trinh khiết trong khi sinh
Trước hết, đối với sự trinh khiết “lúc sinh con”, chúng ta cần phân biệt giữa nội dung của niềm tin và cách giải thích. Nội dung niềm tin bao gồm sự trinh khiết trọn đời. Việc giải thích là chuyện khác: sinh đẻ không đau đớn, không làm rách màng trinh… Theo thánh Tôma Aquinanô, người con mà Đức Maria sinh ra là Lời của Chúa; cho nên, sự sinh ra bởi một phụ nữ tinh tuyền bắt chước sự sinh ra tinh tuyền từ muôn thuở bởi Chúa Cha. Mặt khác, việc sinh ra trinh khiết còn là dấu chỉ của ơn cứu chuộc tương lai: không những bởi vì Đức Giêsu chữa lành nhân loại khỏi mọi đau đớn bệnh tật, mà còn biến đổi thánh hoá thân xác con người.
Niềm tin của Giáo hội vào sự trinh khiết của Đức Maria trong lúc sinh Con là vì hai lý do sau: Trước tiên, Đức Maria đã được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, nghĩa là không mắc tội tổ tông; cho nên, Mẹ cũng không phải gánh chịu lời chúc dữ cho Evà là sinh con cách đau đớn. Sau cùng, vì Đức Maria đã thụ thai Đức Giêsu mà không cần giao hợp vợ chồng, nên khi sinh hạ Người Con, Đức Maria không những không đau đớn, mà còn được thánh hiến sự trinh khiết của người.
Trinh khiết sau khi sinh
Trinh khiết sau khi sinh Con, có nghĩa là sau khi sinh hạ Đức Giê-su, Con đầu lòng, Đức Maria vẫn giữ mình trinh khiết toàn vẹn cho đến cuối đời; không hề có chung đụng xác thịt, không hề có đứa con nào khác ngoài Chúa Giêsu Kitô. Chẳng những trinh khiết về thể lý mà còn khiết trinh toàn vẹn cả luân lý nữa.
Tạm kết
Sự khiết trinh của Đức Maria là hình ảnh của Hội thánh. Đức Maria không những là mẫu gương cho những người tận hiến cho Chúa mà còn cho toàn thể Hội thánh. Hội thánh cần học hỏi nơi Đức Maria về vai trò làm mẹ và trinh nữ.
Tài liệu tham khảo
Phan Tấn Thành, O.P., Magnificat, Học viện Đaminh, 2010.
Nguyễn Văn Trinh, Thánh Mẫu Học, ĐCV thánh Giuse, 2005.