16/01/2014 -

Tài liệu

3641

 


Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu đã cầu khẩn Đức Maria dưới tước hiệu “Theotokos”, Đức Mẹ Chúa Trời. Tước hiệu này được công đồng Êphêsô long trọng tuyên bố năm 431. Tín điều này tiên vàn tuyên xưng rằng Đức Kitô chỉ có một ngôi vị duy nhất. Đức Maria, tuy chỉ là mẹ của Đức Kitô xét theo nhân tính, nhưng chức làm mẹ có liên quan đến ngôi vị. Dù sao, khi tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Hội thánh cũng khẳng định rằng Ngôi Lời đã thực sự trở thành con người, do một bà mẹ sinh ra.


1.- Việc chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Cứu Thế giáng sinh đã đưa các tín hữu không những gọi Đức Trinh Nữ rất thánh là Mẹ của Đức Giêsu, mà còn nhìn nhận Người là Mẹ của Thiên Chúa.


Chân lý này đã được đào sâu và cảm nhận như là một điều thuộc về gia sản đức tin của Hội thánh ngay từ những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo, và công đồng Êphêsô tuyên bố long trọng năm 431.


Trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khi các môn đệ càng ý thức rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì họ cũng càng thâm tín rằng Đức Maria là Theotokos, Mẹ của Thiên Chúa[1]. Tước hiệu này không xuất hiện rõ ràng trong các bản văn Phúc âm, tuy rằng ở đây ta thấy nói tới “Mẹ của Đức Giêsu” và Đức Giêsu là Thiên Chúa (Ga 20,28; xc. 5,18; 10,30.33). Dù sao Đức Maria được giới thiệu như là Mẹ của Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1,22-23).


Từ thế kỷ III, như có thể suy diễn từ một chứng tá cổ điển, các Kitô hữu ở Ai cập đã hướng tới Đức Maria với lời cầu nguyện như sau: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin Mẹ đừng chê bỏ, nhưng xin hằng giải thoát, khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diệu ai bì, Trinh nữ đầy ơn phúc!” (xc. Giờ Kinh Phụng Vụ). Trong chứng tá cổ kính này, lần đầu tiên từ ngữ Theotokos “Đức Mẹ Chúa Trời” đã được sử dụng một cách minh thị.


Trong các huyền thoại của dân ngoại, thường thường có trường hợp một nữ thần được trình bày như là bà mẹ của một vị thần. Chẳng hạn như vị chủ tể Jupiter chúa tể có bà mẹ tên là nữ thần Rea.


Bối cảnh này có lẽ đã giúp cho các Kitô hữu tạo ra tước hiệu “Theotokos”, “Thánh Mẫu” dành cho bà mẹ của Đức Giêsu. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng tước hiệu này chưa hề được sử dụng, nhưng là do các Kitô hữu đặt ra để diễn tả một lòng tin hoàn toàn khác với thần thoại của dân ngoại: đức tin vào việc thụ thai trinh khiết, trong lòng Đức Maria, của Đấng vốn là Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa.


2.- Đầu thế kỷ thứ IV, tước hiệu Théotokos đã trở thành thông dụng bên Đông phương và bên Tây phương. Kinh nguyện cũng như thần học sử dụng thường xuyên tước hiệu này, đã đi vào gia sản đức tin của Hội thánh.


Vì thế người ta hiểu được rằng cả một phong trào chống đối đã nổi lên vào thế kỷ thứ V, khi ông Nestoriô đặt ra nghi vấn về sự hợp thức của danh hiệu “Thân mẫu Chúa Trời”.


Thực vậy, ông ta có khuynh hướng muốn nhìn nhận Đức Maria chỉ là mẹ của con người Giêsu, và ông cho rằng tước hiệu duy nhất phù hợp với đạo lý là “Thân mẫu của Đức Kitô”. Ông Nestoriô đã rơi vào sự sai lầm như vậy bởi vì ông gặp thấy khó khăn khi chấp nhận một ngôi vị duy nhất của Đức Kitô, và do việc giải thích sai lầm về sự phân biệt giữa nhân tính và thiên tính hiện diện trong Đức Kitô[2].


Công đồng Ephêsô (năm 431) đã phi bác thuyết của ông Nestôriô, và khẳng định rằng thiên tính và nhân tính đồng hiện hữu nơi một ngôi vị duy nhất của Chúa Con. Công đồng tuyên bố Đức Maria là Đức Mẹ Chúa Trời.


3.- Những khó khăn và vấn nạn do ông Nestôriô nêu lên đã cống hiến cơ hội cho chúng ta suy nghĩ chín chắn, ngõ hầu hiểu biết và giải thích tước hiệu này một cách đứng đắn. Thành ngữ Theotokos, theo nguyên văn có nghĩa là “Kẻ đã sinh ra Thiên Chúa”[3], thoạt tiên xem ra kỳ dị. Thực vậy, nó gợi lên câu hỏi: làm thế nào một thụ tạo có thể sinh ra Thiên Chúa? Câu trả lời của đức tin Hội thánh thì đã quá rõ: chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria chỉ áp dụng vào việc sinh ra Con Thiên Chúa theo tính loài người mà thôi, chứ không áp dụng vào việc sinh ra bản tính Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã được sinh ra từ thuở đời đời bởi Chúa Cha và đồng bản tính với Chúa Cha. Trong sự sinh ra hằng hữu này, dĩ nhiên là Đức Maria không có vai trò nào hết. Tuy nhiên Con Thiên Chúa, cách đây 2000 năm, đã lãnh nhận bản tính loài người của chúng ta, và do đó đã được thụ thai và sinh ra bởi Đức Maria.


Khi tuyên xưng Đức Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời”, Hội thánh muốn khẳng định rằng Đức Maria là “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng là Thiên Chúa. Do đó chức làm mẹ của Người không áp dụng cho tất cả Ba ngôi Thiên Chúa nhưng chỉ liên can đến Ngôi Hai, tức là Chúa Con Đấng mà khi nhập thể, đã lãnh nhận bản tính loài người từ nơi Đức Maria.


Việc làm mẹ là một mối tương quan giữa hai bản vị: một bà mẹ không phải chỉ là mẹ của thân xác hay là của chất thể sinh ra từ lòng mình, nhưng là mẹ của ngôi vị mà mình sinh ra.


Vì thế, Đức Maria đã sinh ra Đức Giêsu, một bản vị xét về nhân tính mà cũng là một ngôi vị Thiên Chúa, cho nên Người thực sự là Mẹ của Thiên Chúa.


Khi công bố Đức Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời”, Hội thánh đã tuyên xưng đức tin về người Con và người Mẹ trong cùng một biểu thức duy nhất. Sự kết hợp này đã được nổi bật ngay tại công đồng Ephêsô: qua việc định tín chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, các nghị phụ đã muốn bày tỏ đức tin vào thiên tính của Đức Kitô. Mặc dù đã có nhiều vấn nạn xưa nay được trưng lên để chống lại việc sử dụng tước hiệu Đức Mẹ Chúa Trời, nhưng các Kitô hữu thuộc mọi thời đại, khi giải thích đứng đắn ý nghĩa của chức làm mẹ đó, họ đã tìm thấy một biểu thức đặc biệt để diễn tả niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô và của lòng yêu mến đối với Đức Trinh nữ Maria.


Nơi Đức Theotokos, một đàng Hội thánh bảo đảm rằng việc Nhập thể đã xảy ra thực sự, bởi vì - như Thánh Augustino đã nói - “giả như bà Mẹ mà giả thì thân xác của Đức Kitô cũng giả,… những vết thương còn mang sau khi Phục sinh cũng giả tuốt” (Tractatus in evangelium Ioannis, 8, 6-7). Đàng khác, Hội thánh sững sờ chiêm ngắm và cung kính cử hành sự cao cả được ban cho Đức Maria bởi Đấng đã muốn làm Con của Người. Tước hiệu “Đức Mẹ Chúa Trời” cũng hướng tới Lời của Thiên Chúa, Đấng mà qua mầu nhiệm Nhập Thể đã mặc lấy sự khiêm tốn của thân phận con người chúng ta, ngõ hầu nâng con người lên hàng nghĩa tử của Thiên Chúa. Ngoài ra, tước hiệu đó, dưới ánh sáng của chức phẩm cao vời dành cho thiếu nữ Nazarét, cũng tuyên dương sự cao quý của phụ nữ và thiên chức của họ. Thực vậy, Thiên Chúa đã đối xử với Đức Maria như là một bản vị tự do và có trách nhiệm, và chỉ có thể thực hiện việc Nhập thể của Con Ngài sau khi nhận được sự thỏa thuận của Đức Maria.


Theo gương các Kitô hữu tại Ai cập thời xưa, các tín hữu ký thác mình cho Người, vì là Đức Mẹ Chúa Trời, nên có thể xin Con mình cho họ ơn giải thoát khỏi mọi nỗi nguy nan và ơn được cứu rỗi đời đời.


(Trích từ “Những bài giáo huấn về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của cha Giuse Phan Tấn Thành, OP.).






[1] Như đã nói trước đây, danh hiệu này có thể dịch nhiều kiểu: Mẹ của Thiên Chúa, Thân mẫu Thiên Chúa, Đức Mẹ Chúa Trời.




[2] Xc. GLCG số 466.




[3] Tương đương với Dei Genitrix trong tiếng latinh.



114.864864865135.135135135250