20/01/2014 -

Tài liệu

3852

Nguyễn Giới, OP.


Frank Mihalic, SVD, cho rằng Đức Maria là một trong những hình ảnh trung tâm nhất của Kinh Thánh. Tuy nhiên, lược lại toàn bộ  Thánh Kinh, ta thấy Đức Maria diện diện không nhiều trong đó. Tin Mừng Gioan chỉ nhắc tới Đức Maria hai lần, một lần ở Cana, lúc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ[1] và một lần dưới chân thập giá khi Chúa Giêsu hoàn tất sứ vụ.[2] Tin Mừng nhất lãm phản ánh rõ hơn khuôn mặt Đức Maria, nhưng người viết không có tham vọng triển khai ở đây. Nói Đức Maria không hiện diện nhiều trong Tin Mừng như vậy, không có nghĩa là Người không có một vị trí quan trọng. Trái lại, sự quan trọng của Đức Maria lại thể hiện ở mọi cung bậc của Tin Mừng. Sự quan trọng của Người thể hiện trong cung cách sống đức tin,[3] trong sự khiêm nhường, trong việc tín thác [4]… Trong bài viết này, người viết muốn tìm hiểu một cung cách sống khác của Đức Maria; đó là cung cách sống sứ vụ, ngang qua bữa tiệc cưới Cana.[5]


Mặc dù, theo thánh Gioan, Đức Maria chỉ hiện diện một cách công khai trong sứ vụ của Đức Giêsu lúc khởi đầu và kết thúc, nhưng đó là hai thời khắc quan trong nhất của Mẹ trong cương vị làm Mẹ đồng hành với con sứ vụ. Hai thời điểm đầu và cuối của Đức Maria đã làm nên sự trọn vẹn của Người. Chỉ hai thời điểm đó thôi, ta thấy Đức Maria đã liên kết mật thiết với toàn bộ sứ vụ của Người. Nhìn vào Tin mừng, ta thấy Đức Mẹ luôn có mặt vào những biến cố quan trọng của cuộc đời Người.


Sứ vụ của Đức Maria thể hiện trong biến cố Truyền tin. Mặc dù Maria đã bối rối khi nghe sứ thần truyền tin,[6] một tin ngoài sự tưởng tượng, khiến Mẹ không thể tin nổi vào tai mình, đó là được làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Nhưng Người đã bỏ lại sự hoài nghi, ngờ vực, để vâng phục thánh ý Thiên Chúa bằng lòng tin, trong Thánh Ý Thiên Chúa và đáp lại: “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói".[7] Chính nhờ tin vào Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, nên Đức Maria được gọi là Mẹ của niềm tin, hay là người thể hiện lòng vâng phục cách hoàn hảo nhất.[8] Kết nới với sứ vụ của chúng ta, khi thi hành sứ vụ có nhiều điều khiến chúng ta phải chọn lựa, noi gương mẹ, chúng ta cũng phải biết dẹp bỏ ý riêng, những dự tính cá nhân của mình, để đáp lại sự mời gọi cộng tác với Chúa như Đức Maria đã cộng tác.


Trong biến cố viếng thăm chị Elisabeth, sứ vụ của Đức Maria thể hiện ở việc thấy được nhu cầu của người chị, thể hiện ở lòng yêu người, và ở thái độ mau mắn. Khi vừa nghe tin chị họ mình có thai, Đức Maria đã vội vã lên đường, không quan ngại đường sá xa xôi, hiểm trở, đến vùng núi, để ở lại giúp đỡ chị họ.[9] Khi làm sứ vụ, có những khi gặp phải những người chúng ta không ưa, thậm chí chống đồi chúng ta, thì khi ấy chúng ta  “xin cho được lòng yêu người” như chúng ta vẫn thường xin trong khi suy gẫm Mầu nhiệm thứ hai trong 5 Mầu nhiệm Vui của Kinh  Mân Côi, đồng thời, noi gương Mẹ, ta hãy xin cho được thái độ mau mắn đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của họ.


Nơi tiệc cưới Cana, sứ vụ của Đức Maria là quan tâm đến người khác và đáp ứng nhu cầu cho họ ngay khi họ chưa thấy nhu cầu. Lòng mẫn cảm của Mẹ đã giải gỡ khó khăn cho gia chủ và đôi tân hôn trong ngày vui trọng đại. Người giúp đỡ họ không phải bằng quyền năng của mình, mà nhờ vào sự quan tâm và xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu. Khi thi hành sứ vụ, có những lúc, ta nhìn nhận ra nhu cầu của người khác, nhưng với giới hạn bản thân, ta không thể đáp ứng nhu cầu cho họ. Vậy ta hãy lương thiện nhìn nhận giới hạn của mình và can đảm hỏi ý kiến, xin sự trợ giúp của người có chuyên môn hơn. Hay khi làm việc chung, tuy ta có khả năng, nhưng cũng nên quan tâm đến cộng tác viên của ta và đối tượng phục vụ của ta nữa. Bởi lẽ, mỗi công việc ta làm là một lời chứng với tha nhân.


Trong suốt cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Đức Maria đã nghe về những công việc đầy quyền năng của Chúa Giêsu và cả những lời phê phán chống đối. Không chỉ vậy, Người còn trải nghiệm những cảnh đau khổ, chia ly, như lưỡi gươm đâm thâm qua lòng.[10] Cứ theo lẽ thường, Đức Maria sẽ phải đặt lại câu hỏi cho mình về thánh ý Chúa, trước toàn đau khổ ngang trái trong cuộc đời, nhưng không, Người đón nhận tất cả với một lòng vững tin, một niềm phó thác vào tình thương của Thiên Chúa và xem đó là thánh ý Chúa. Soi rọi bản thân vào Đức Maria, mỗi người chúng ta khi nghe về người khác được tán dương, hoặc bị chống đối, hay khi họ gặp những ngang trái trong khi thi hành sứ vụ, ta chớ nên vội xét đoán, chỉ trích, thay vì hiệp thông và tin thác vào tình thương của Thiên Chúa.


Trên đồi Golgotha, Đức Maria đứng dưới chân thập giá lặng nhìn con yêu chết chịu treo. Trước cái chết khổ nhục của người con, lòng Mẹ đau như cắt, Thánh Kinh diễn tả đau như lưỡi gươm đâm thâu qua lòng Mẹ. Người chỉ biết lặng im và tín thác. Trong khi thi hành sứ vụ, đôi khi chúng ta cũng cần biết lặng im trước những giới hạn của bản thân, lặng im trước những khổ đau của mình, và đôi khi lặng im trước thất bại, khổ đau của người khác, trong sự thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể.


Tóm lại, mỗi người trong chúng ta là những người đang thực thi sứ vụ nào đó mà Chúa trao cho như sứ vụ với gia đình,  sứ vụ với hội đoàn, sứ vụ với Giáo hội, sứ vụ với xã hội,… Nhưng thiết nghĩ, việc làm của chúng ta giống như việc làm của các gia nhân trong tiệc cưới Cana. Chúng ta chỉ là những người thừa hành của Đức Giêsu, thực thi Lời và phục vụ Lời của Người, như Đức Maria nói với gia nhân "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."[11]. Như các gia nhân, những người đã nghe Lời Chúa, múc nước lã đổ vào chum và kín múc nước đã hóa thành rượu đem cho ông quản tiệc đãi khách, mỗi người chúng ta ngước nhìn lên Mẹ, là người Mẹ của sứ vụ, là Đấng cưu mang Lời và phục vụ Lời cách trọn hảo, hãy nhiệt thành kín múc Ơn Chúa và kín múc Lời Chúa từ nguồn sung mãn của Người, để chia sẻ cho mọi người hưởng niềm vui viên mãn và tràn đầy của Bàn Tiệc Nước Trời.






[1] X. Ga 2,1




[2] X. Ga 19,25




[3] X. Lc 1,38




[4] X. Lc 1,47




[5] X. Ga 2,1-12




[6] X. Lc 1,34




[7] Lc 1,38




[8] X . Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 144




[9] X. Lc 1, 39




[10] X.  Lc 2,35.48




[11] Lc 2,5



114.864864865135.135135135250