21/08/2013 -

Tài liệu

1920

Jos. Hải Đăng, OP.


altTrong bài viết này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu tín điều cuối cùng trong bốn tín điều liên quan đến Đức Maria: Tín điều Đức Maria hồn xác lên trời.


Lịch sử


Ngay từ thời kỳ đầu của Ki-tô giáo, người ta đã tin rằng cuộc đời thánh thiện của Đức Maria đã kết liễu một cách tốt đẹp. Tiếp đến là sự phát triển những suy tư chung quanh số phận của Đức Maria ở bên kia thế giới. Điều này dẫn đưa các tín hữu tới đức tin Đức Maria được cất nhắc hồn xác và đưa tới việc thiết lập những nghi lễ phụng vụ kính Đức Maria tạ thế hay được đưa lên trời. Các Hội thánh bên Đông cũng như bên Tây đã dành ngày 15 tháng 8 cử hành ngày tạ thế hay của Đức Maria với nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chưa có ai quả quyết rằng đây là điều phải tin.


Sang thời Trung cổ, lập trường chung của các nhà thần học là Đức Maria thật sự đã chết, nhưng thân xác của người không thể bị rữa nát trong mồ, được sống lại và lên trời. Đến công đồng Vaticano I, 204 nghị phụ đã thỉnh nguyện xin tuyên bố tín điều Đức Maria lên trời. Từ đó, đơn thỉnh nguyện tăng lên mãi.  Ngày 1/11/1950, Đức Pi-ô XII đã tiến hành việc tuyên bố tín điều này, sau khi đã hội ý hàng giám mục thế giới.


Nội dung tín điều


“Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng… chúng tôi tuyên bố như là tín điều được Chúa mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đấng Vô Nhiễm Thai, trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống ở trần gian, đã được nâng lên, cả hồn cả xác, về hưởng vinh quang thiên quốc”(x. Foi Catholique số 410; Hiến chế Giáo Hội số 59). Việc xác định tín điều dựa trên niềm tin phổ quát của dân Chúa, đã loại trừ hoàn toàn mọi nghi vấn và đòi hiểu sự tin nhận của mọi tín hữu.


Nền tảng Kinh Thánh của tín điều


Tuy Kinh Thánh không diễn tả một cách minh nhiên việc Đức Maria lên trời, nhưng đã cung cấp nền tảng để nêu bật sự kết hiệp mật thiết giữa Đức Maria và Chúa Giêsu trong mọi sự, từ giây phút truyền tin (Lc 1,26-38) cho đến lúc Chúa chết trên Thập Giá (Ga 19,25). Đức Maria đã kết hiệp khăng khít với Chúa Giêsu bằng một đức tin tuyệt vời qua lời “xin vâng” (Lc 1,38), và trong thể xác bằng sự cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng Chúa Giêsu và bằng sự hiệp thông trong đau khổ. Chính vì thế, Hội thánh vững tin rằng Đức Maria, cả trong tâm hồn và trong thể xác, đã được tham dự trọn vẹn vào vinh quang Phục sinh của Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Người.


Ý nghĩa của tín điều


Trước tiên, tín điều Đức Maria hồn xác lên trời nói đến việc thông dự vào hồng ân cứu chuộc của Mẹ, qua việc Mẹ là người đi theo Đức Ki-tô trong cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết. Mặt khác, sự thông dự vào sự sống lại của Đức Ki-tô là cao điểm của một chuỗi dài liên kết giữa Đức Maria và Đức Ki-tô, khởi đầu từ khi nhận lời sứ thần cho đến khi dâng trót cả đời mình. Chính nhờ sự thông dự khắng khít này mà thân xác của Mẹ không bị tan rữa ra tro bụi. Nhưng dù sao ta không quên rằng Đức Giêsu phục sinh và lên trời là do bởi thiên tính của Ngài; còn Đức Maria sống lại và lên trời là do bởi hồng ân của Thiên Chúa.


Đức Maria được sống lại như là con người đầu tiên lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Giê-su. Nơi Đức Maria, Hội thánh chiêm ngắm phần tử đầu tiên của mình được cứu rỗi và tiên báo số phận mà một ngày kia tất cả các phần tử đều được lãnh nhận. Cho nên, tín điều Đức Maria hồn xác lên trời là một dấu chỉ  hy vọng cũng sẽ được hưởng vinh quang như Đức Maria cho toàn thể dân Chúa.


Qua tín điều Đức Maria hồn xác lên trời, Hội thánh nhận ra rằng Đức Maria đã phải trải qua cái chết không phải như hình phạt vì tội của mình, nhưng là để nên giống Đức Ki-tô hơn. Cho nên, nơi cái chết của Đức Giêsu và của Đức Maria, chúng ta nhận được ánh sáng mới cho thấy một giá trị mới của cái chết.


Sau cùng, việc Đức Maria hồn xác lên trời mặc khải phẩm giá cao quý của thân xác con người, được Thiên Chúa gọi làm dụng cụ của sự thánh thiện và thông phần vào vinh quang thiên quốc. Cho nên, khi nhìn lên Đức Maria, người tín hữu học cách khám phá ra giá trị của thân xác mình và gìn giữ nó như đền thờ của Thiên Chúa, trong khi chờ đợi ngày sống lại.


 


Tài liệu tham khảo


1. Gioan Phaolô II, La Catechesi Mariana Di Giovanni Phaolo II. Bản Việt Ngữ “Những bài huấn giáo về Đức Maria” do Phan Tấn Thành dịch. 1999.


2. Phan Tấn Thành, O.P.. Magnificat. Học viện Đaminh. 2010.


3. Nguyễn Văn Trinh. Thánh Mẫu Học. ĐCV thánh Giuse. 2005.

114.864864865135.135135135250