03/10/2020 -

Tài liệu Kinh Mân Côi

4618
Tông huấn “Recurrens Mensis October” được ban hành để kỷ niệm 400 năm công bố tông sắc “Consueverunt Romani”, một tông thư của Đức giáo hoàng Piô V.

Trong tông thư này, Đức giáo hoàng Piô V đã giải thích và ấn định hình thức truyền thống của Kinh Mân Côi. 


 
Mục tiêu chính của tông huấn “Recurrens Mensis Obtober” là để làm mới và khuyến khích lòng sùng kính Kinh Mân Côi. Ba phần thảo luận về sự chuyển cầu của Mẹ Maria như là một cách để trở về với Chúa. Phần thứ nhất mời gọi tất cả mọi người trở nên người xây dựng hòa bình. Phần thứ hai được dành cho các nghĩa vụ của mọi Kitô hữu là phải cầu nguyện. Và phần thứ ba liệt kê những ý cầu nguyện.
 
Xét tự bản chất, tông huấn này mang tính cách mục vụ và đạo đức, do đó tông huấn không sử dụng những khái niệm mang tính tín lý. Điều được đề cập trong bản nghiên cứu này là giải thích sự liên tục trong tư tưởng của Đức giáo hoàng Phaolô VI về sự chuyển cầu của Đức Maria và lòng sùng kính Đức Mẹ, đặc biệt là Kinh Mân Côi.
 
Tất cả mọi ân sủng đều được trao ban qua Chúa Kitô (Rm 8,32). Đồng thời, "làm thế nào chúng ta có thể làm gì khác hơn là phụ thuộc đầy yêu thương vào sự chuyển cầu không thể so sánh được của Đức Maria, Mẹ của Chúa, vì từ nơi Mẹ, Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Mẹ được ân nghĩa cùng Thiên Chúa?” (xc. Lc 1,30). Số 5 của tông huấn đề cập: Sự can thiệp của Đức Maria được giải thích trong khung cảnh của tiệc cưới tại Cana theo sách Tin Mừng Gioan (Ga 2,5). Số 62 của hiến chế “Lumen Gentium” dạy rằng: “Đức Maria tiếp tục can thiệp cùng Chúa Con cho lợi ích của con cái mình đang còn ở trần gian” (RMO 8). Theo cách nói của Đức giáo hoàng Gioan XXIII, Kinh Mân Côi là “lời cầu nguyện mang tính công cộng và hoàn vũ rất tuyệt vời để cầu nguyện cho những nhu cầu thông thường và bất thường của Giáo Hội, của các dân tộc và của toàn thế thế giới”, bởi vì Kinh Mân Côi là là ‘Bản Tin Mừng thu nhỏ’, xét đúng là như thế, và ‘từ nay về sau, là một phương cách sùng kính của Giáo Hội’ (RMO 15).
********

 
 
LẦN HẠT MÂN CÔI CẦU NGUYỆN CHO HOÀ BÌNH
 
Tông Huấn “Recurrens Mensis October” của Đức giáo hoàng Phaolô VI gửi cho các Giám mục, Giáo sĩ và Cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo Hội Công Giáo: KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG KINH MÂN CÔI TRONG SUỐT THÁNG MƯỜI ĐỂ CẦU XIN ĐỨC TRINH NỮ MARIA PHÙ TRỢ TRONG VIỆC GIAO HOÀ TÂM TRÍ VÀ CON TIM, ĐỂ NỀN HOÀ BÌNH THỰC SỰ CÓ THỂ CHIẾU SOI XUỐNG TRÊN THẾ GIỚI.

 
Tháng Mười lại đến cho Ta một cơ hội mời gọi toàn thể Dân Kitô giáo một lần nữa thực hành hình thức cầu nguyện rất quen thuộc với nền đạo đức Công giáo, và lời kinh này không hề mất đi tầm quan trọng của nó trong những hoàn cảnh khó khăn của thời đại hiện nay. Ta đang nói về Kinh Mân của Đức Trinh Nữ Maria.

 
Hiểu lầm phổ biến

 
Ý tưởng mà Ta muốn đề nghị trong năm nay cho tất cả con cái trong Giáo Hội, bởi vì đối với Ta có vẻ như nghiêm trọng và khẩn cấp hơn bao giờ hết, là nền hoà bình giữa con người và giữa các dân tộc với nhau. Mặc dù có một số tiến bộ và những hy vọng hợp pháp, nhưng các cuộc xung đột đẫm máu đang vẫn tiếp tục diễn ra, một số điểm căng thẳng mới bắt đầu xuất hiện, và thậm chí cả các Kitô hữu là những người được mời gọi sống Tin Mừng yêu thương, hình như đang ở trong tình trạng đối đầu với nhau. Ngay trong lòng Giáo Hội, sự hiểu lầm nảy sinh giữa những người anh em với nhau, anh em tố cáo nhau và kết án lẫn nhau. Vì vậy, thật là khẩn thiết hơn bao giờ hết để làm việc và cầu nguyện cho hoà bình.


Một năm kỷ niệm làm gia tăng niềm tin tưởng của Ta vào sự cố gắng này, cụ thể là kỷ niệm 400 năm Tông sắc “Consueverunt Romani Pontifices” (1), qua văn kiện này, Đức giáo hoàng Piô V đã ấn định cấu trúc Kinh Mân Côi phù hợp cho mọi thời đại, trong lúc có nhiều khó khăn cho cả Giáo Hội và cả thế giới. Trung thành với di sản thiêng liêng này, mà từ di sản này, dân Kitô giáo đã luôn luôn tìm được sức mạnh và lòng can đảm, Ta khuyên nhủ hàng giáo sĩ và tín hữu cầu xin tha thiết cùng Thiên Chúa, qua sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, ban ơn hoà bình và hoà giải giữa tất cả mọi người với nhau và giữa tất cả các dân tộc.
 
I. SỰ BẦU CỬ CỦA MẸ MARIA

 
Chắc chắn rằng hoà bình là mối bận tâm của con người và là mối thiện hảo chung cho tất cả mọi người. Như thế, hoà bình phải là một mối quan tâm liên tục của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là của những người mang trọng trách của các quốc gia và của cộng đồng các dân tộc. Nhưng thực tế, ai mà chẳng chia sẻ trách nhiệm trong đời sống và hạnh phúc của một gia đình, một công ty hay một hiệp đoàn? Mặc dù có nhiều thiện chí, nhưng cũng có nhiều lợi lộc đối nghịch; nhiều tính ích kỷ được phơi bày; nhiều tranh dành gia tăng; nhiều kình địch xung đột với nhau. Vì thế, ai mà chẳng thấy hành động không mệt mỏi đòi hỏi từ mỗi người và tất cả mọi người để tình yêu thương có thể vượt thắng bất hoà, để hoà bình có thể được thiết lập cho thành phố của loài người?

 
Không thể có hòa bình nếu không có Thiên Chúa

 
Nhưng hoà bình cũng là mối bận tâm của Thiên Chúa. Ngài đã đặt vào trong trái tim chúng ta lòng mong muốn mãnh liệt ơn bình an. Ngài thúc giục chúng ta làm việc để có ơn bình an, mỗi người làm theo phần mình, và để đạt được mục đích đó, Ngài tăng cường năng lực yếu ớt và ý chí do dự của chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta một tâm hồn bình an, và chấp nhận những nỗ lực của chúng ta cho hoà bình.

 
Chúng ta chỉ có thể xin được quà tặng hoà bình bằng cầu nguyện; vì thế, cầu nguyện là một đóng góp không thể thay thế được cho việc kiến tạo hoà bình. Chính nhờ qua Chúa Kitô, trong Người tất cả ân sủng được ban tặng cho chúng ta (2), mà chúng ta sẵn sàng đón nhận quà tặng bình an. Và khi thực hiện điều đó, làm thế nào chúng ta có thể làm gì khác hơn là phụ thuộc đầy yêu thương vào sự can thiệp không thể sánh ví được của Mẹ Maria, Mẹ của Chúa, vì từ nơi Mẹ mà Tin Mừng nói cho chúng ta biết rằng Mẹ “đã được ân nghĩa cùng Thiên Chúa?” (3).

 
Những lý do để tin tưởng

 
Chính Trinh Nữ khiêm tốn của làng Nadarét đã trở thành mẹ của “Thái Tử Hoà Bình” (4), Chúa đã sinh ra dưới dấu chỉ hoà bình (5), và đã công bố cho toàn thể thế giới: “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (6). Tin Mừng dạy chúng ta biết rằng Mẹ Maria rất nhạy bén với những nhu cầu của con người. Tại Cana, Mẹ đã không ngần ngại can thiệp cho niềm vui của những người dân làng được mời tới dự tiệc cưới (7). Vì thế, nếu chúng ta cầu xin Mẹ với một tấm lòng chân thành, thì làm sao Mẹ lại không can thiệp để có được ơn bình an, một ân sủng cao quý như thế?
 
Công đồng chung Vatican II nhắc nhở rất kịp thời cho chúng ta biết rằng Mẹ Maria tiếp tục cầu bầu cùng Con chí thánh của Mẹ cho thiện ích của con cái Mẹ trên trần gian (8). Khi Mẹ nói rất đơn giản với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”, thì Chúa đã đáp trả một cách quảng đại nhất. Vì thế, làm sao Chúa lại không bày tỏ cùng một lòng quảng đại cho Mẹ khi Mẹ nói: “Họ không có hoà bình”?

 
II. BỔN PHẬN CỦA TẤT CẢ MỌI KITÔ HỮU

 
Nếu mọi người, “ai cũng làm hết sức mình nếu có thể” (9), phải làm việc cho công lý và hoà bình trên thế giới, rồi mỗi một Kitô hữu cũng phải có nỗ lực tha thiết cầu xin Mẹ Maria cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta, để ơn hoà bình đó, mà chỉ có Chúa mới có thể ban tặng, được trao ban cho chúng ta (10). Tuy nhiên, bằng việc suy niệm về những mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta học, qua mẫu gương của Mẹ Maria, để trở thành những người có tâm hồn hoà bình, qua việc yêu mến và hiệp thông liên lỉ với Chúa Giêsu và với các mầu nhiệm trong cuộc đời cứu độ của Chúa. 

 
Tất cả đều phải cầu nguyện

 
Hỡi con cái trong Giáo Hội hãy cầu nguyện:

* Các thiếu nhi và giới trẻ, tương lai của chúng bị đe doạ trong bối cảnh những sự thay đổi đang làm thế giới run rẩy. Hỡi những người làm cha làm mẹ, hỡi các thầy cô giáo và hỡi tất cả mọi linh mục, hãy cố gắng làm cho chúng trở thành những con người say mê cầu nguyện.
 
* Những người bệnh và già cả, những người đôi khi rơi vào thất vọng chán nản do họ có cảm tưởng như vô dụng. Họ cần tái khám phá ra sức mạnh quyền năng của lời cầu nguyện, để trở nên những người có tâm hồn yêu thương, lôi kéo con người một cách hoà bình hướng về nguồn mạch của hoà bình.

 
* Người lớn là những người làm việc vất vả cả ngày. Họ sẽ tìm thấy những nỗ lực của họ mang lại nhiều hoa quả hơn khi những hoa trái này nảy sinh từ đời sống cầu nguyện (11). Khi nhận biết Mẹ Maria, họ sẽ biết rõ hơn và yêu mến Chúa Giêsu hơn. Nhiều người thuộc tổ tiên chúng ta trong đức tin đã có kinh nghiệm mang lại sự sống này.

 
* Những người sống đời thánh hiến, đời sống của họ, giống như đời sống của Mẹ Maria, phải luôn luôn gắn bó mật thiết với đời sống của Chúa Kitô, để nhờ vậy mà phản chiếu sứ điệp yêu thương và bình an của Người.

 
* Các giám mục và những cộng sự viên hàng linh mục, những người có sứ vụ đặc biệt là cầu nguyện “nhân danh Hội Thánh thay mặt cho toàn thể dân thánh được ký thác cho họ và như thế cho toàn thể thế giới” (12). Trong lời cầu nguyện từ thâm tâm của các ngài, các ngài sẽ liên kết mật thiết với lời cầu khẩn của Mẹ Maria.

 
Trong sự mong muốn tha thiết cho hoà bình, là “hoa quả của Thánh Thần” (13), tất cả chúng ta đều sẽ phải dấn thân như các Tông đồ trên lầu trên “cùng nhau cầu nguyện với... Mẹ Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu” (14).


 
III. Ý CẦU NGUYỆN

 
Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho tất cả những người thực hiện nhiệm vụ kiến tạo hoà bình trên thế giới, từ ngôi làng khiêm tốn nhất cho tới những tổ chức quốc tế lớn nhất. Cùng với sự khích lệ và lòng biết ơn của chúng ta, các vị ấy cũng có quyền được hưởng những lời cầu nguyện của chúng ta. “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ.” (15).

 
Chúng ta hãy cầu nguyện để khắp mọi nơi đều có những lời mời gọi trở thành những người kiến tạo hoà bình, những người làm việc cho sự hoà hợp và hoà giải giữa con người với nhau và giữa các dân tộc với nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện để trong mọi trái tim, khởi đi từ tâm hồn chúng ta, cái chủ nghĩa bè phái và phân biệt chủng tộc, sự thù hận và tội ác có thể được nhổ đi, bởi vì chúng là nguồn gốc vốn gây ra chiến tranh và chia rẽ. Vì thế, nếu sự dữ càng mạnh, thì ân sủng lại càng phải mạnh hơn. 

 
Chúng ta hãy cầu nguyện với Đấng đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta “để quy tụ con cái của Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (16). Chúng ta hãy cầu nguyện để ở giữa tất cả con cái của Giáo Hội có một bầu khí của tương trợ và tin tưởng lẫn nhau, của đối thoại và đối xử nhân ái với nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi người, trong khi nhận ra những khác biệt của mình, thì có thể nhận thức rằng họ bổ túc lẫn cho nhau, trong chân lý và tình yêu của Chúa Kitô, theo như gợi ý của thánh Tông đồ Phaolô: “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người… Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa… Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần… Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (17).

 
Tất cả mọi người phải là những người xây dựng hoà bình

 
Hỡi anh em đáng kính, hỡi con cái dấu yêu, chính Ta không bao giờ ngừng làm việc và cầu nguyện cho hoà bình, xét như là đại diện của Chúa, “Đấng là bình an của chúng ta... khi kiến tạo hoà bình... là đưa sự thù ghét đến chỗ huỷ diệt” (18). Với thánh Tông đồ Phaolô, dưới danh nghĩa của ngài, Ta cất dấu sự nhỏ bé của Ta, Ta khuyên nhủ anh chị em “hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (19).

 
Ước mong sao việc suy gẫm thường xuyên về các mầu nhiệm cứu độ làm cho anh chị em trở thành những người xây dựng hoà bình, giống như Chúa Kitô, theo mẫu gương của Mẹ Maria. Ước gì Kinh Mân Côi, trong hình thức được thánh giáo hoàng Piô V ấn định, -cũng như những hình thức được bổ sung thêm gần đây, với sự chấp thuận của thẩm quyền hợp pháp, đáp ứng những nhu cầu của thời đại ngày hôm nay,- như vị tiền nhiệm đáng kính của Ta là Đức giáo hoàng Gioan XXIII mong muốn: Kinh Mân Côi thực sự là “một lời cầu nguyện mang tính cách công cộng và hoàn vũ tuyệt với cho những nhu cầu thông thường và khác thường của Giáo Hội, của các dân tộc và của toàn thể thế giới” (20), bởi vì Kinh Mân Côi, như tự bản thân nó, là “Bản Tin Mừng tóm gọn” (21) và “từ nay về sau, là một cách thức sùng kính của Giáo Hội” (22).

 
Bằng hình thức cầu nguyện Kinh Mân Côi với Mẹ Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta, Ta giúp anh chị em nhận biết mong muốn của Công đồng: “Hãy để cho tất cả mọi người tín hữu Kitô cầu nguyện tha thiết với Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của loài người, để nhờ Mẹ cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh, cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia” (23).

 
Thưa anh em đáng kính, hỡi con cái yêu dấu, với ý tưởng này mà Ta tha thiết ban phép lành tông toà cho anh chị em, đồng thời mời gọi anh chị em lần hạt Mân Côi sốt sắng trong suốt tháng 10 này.
 
Làm tại đền thánh Phêrô – Rôma, ngày 07/10/1969, năm thứ bảy triều đại giáo hoàng của Ta.

 
Giáo hoàng Phaolô VI

 
(Chuyển ngữ: Lm. FX. Trần Kim Ngọc, OP.)
Acta Apostolicae Sedis, Vol LXI, 10 November 1969, 649-654.
 
Chú thích:
1     Bull.Ord. Praed., Sept. 17, 1569, vol. V, p. 223
2     See Rom 8,32
3     Lk 1,30
4     Is 9,5
5     See Lk 2,14
6     Mt 5,9
7     See Jn 2,15
8     See Dogmatic Constitution on the Church, no. 62: AAS 57 (1965), 63 [TPS X, 397-398]
9     See encyc. Populorum Progressio, no. 75: AAS  59 (1967), 294 [TPS XII, 168]
10    See Collect of the Mass for Peace
11    See Dogmatic Constitution on the Church, no. 34: AAS 57 (1965), 39-40 [TPS X, 382]
12    Decree on the Priestly Ministry and Life, no. 5: AAS 58 (1966), 998.
13    Gal 5,22
14    Acts 1,14
15    Is 52,7
16    See Jn 11,52
17    Rom 12,18 and 14,13,17,19
18    Eph 2,14-16
19    Ibid., 4,1-3
20    Apost. Letter Il religioso convegno, Sept. 29, 1961: AAS 53 (1961), 646
21    Cardinal J. G. Saliege, Voila ta Mere (Marian pages assembled and presented by Mgr. Garrone), Toulouse: Apostolat de la priere (1958, p. 40) 
22    Paul VI, allocution to participants in 3
rd International Dominican Rosary Congress, July  13, 1963: Insegnamenti di Paolo VI, I (1963), 464
23    See Dogmatic Constitution on the Church, no. 69: AAS   57 (1965),  66-67 [TPS X, 399-400] 

Bản tiếng Anh:

http://www.vatican.va/holy_father/paul_vi/apost_exhortations/documents/hf_p-vi_exh_19691007_recurrens-mensis-october_lt.html
114.864864865135.135135135250