Bước sang thời phục hưng, giáo hội đối diện với các biến chuyển sâu xa của xã hội : phong trào chinh phục đất mới, sự xuất hiện các nhà Cải Cách (Tin Lành), thời những nhà tư bản mới, phong trào nhân bản, văn hóa và nghệ thuật. Kinh nghiệm chia rẽ trong quá khứ đã góp phần hình thành một giáo hội thời Trentô : tập trung và đồng nhất.
Trong tình hình ấy sinh hoạt dòng đôi khi bị Tòa thánh can thiệp. Ba tổng quyền Auribelli, Sixtô Fabri và Ridolfi bị các giáo hoàng truất chức (1462, 1589, 1643). Hồng y bảo trợ Carafa thì giành quyền điều hành (1485-1490); hồng y Bonelli với chức tổng đại diện, đã đưa ra danh sách ứng viên. Các tổng hội phải nỗ lực nhiều để bảo vệ sự độc lập của dòng, và yêu cầu tòa thánh phục hồi danh dự cho các vị tổng quyền trên.
Cũng trong thế kỷ XV, xuất hiện "huy hiệu áo choàng" trên trang nhất các sách của Dòng. Huy hiệu hình khiên mầu bạc với hai vạt đen, giống áo dòng đen trắng. Huy hiệu này tồn tại đến thế kỷ XX, mới xuất hiện "huy hiệu bông huệ". Việc sử dụng một huy hiệu tương tự như các hiệp sĩ và dòng tộc đương thời, là chỉ dấu cho thấy Dòng ý thức về vị trí và sức mạnh tập thể của mình. Năm 1656, tổng hội Roma xác định khẩu hiệu chính thức của dòng là Ngợi Khen - Chúc Tụng - Rao Giảng (Laudare, benedicere, praedicare).
Thời phục hưng ghi dấu với thánh Vinhsơn Ferrier (+1419), nhà giảng thuyết sám hối được ví với thiên thần trong sách Khải Huyền, rong ruổi khắp Tây Âu, hoạt động tận lực đến độ không có giờ ăn uống ngủ nghỉ, phải soạn bài giảng cả trong lúc di chuyển. Với thánh giám mục Antônino (+1459) vị bảo vệ giáo hội độc lập với thế quyền, ưu tư tổ chức việc cứu tế xã hội, vị bề trên tu viện đã yểm trợ cho chân phước họa sĩ Fra Angelico, diễn giảng các mầu nhiệm đạo lý bằng những họa phẩm sống động, mà thiên tài Michel Angelo sẽ khen ngợi : "Không ai vẽ nổi như thế, nếu chưa được chiêm ngưỡng trước trên trời". [1] Tại Florencia, cha Savonarola (+1498) và các tu sĩ Đaminh đã can đảm lên tiếng khẩn nài việc canh tân giáo hội dù phải lên giàn lửa thiêu.
Sang thế kỷ XVI, lịch sử Dòng được tô đậm nét thêm với thánh Piô V (+1572), vị giáo hoàng Lễ Mân Côi, người đã góp phần quan trọng biến thành hiện thực những quyết định của công đồng Trentô, đã cải tổ phụng vụ, giáo lý, đề cao việc truyền giáo khắp hoàn cầu ; với thánh nữ Catharina Ricci (+1590) đã truyền lại cho hậu thế những vần thơ Kinh Thánh và những tài liệu thiêng liêng giá trị, giúp nhiều người đến kín múc nơi biển cả Tình yêu của Thiên Chúa; và thánh Louis Bertrand (+1590) đã đem về cho giáo hội hàng trăm ngàn dân bản xứ Mỹ Châu.
Vì mục tiêu Dòng là "Loan tin mừng danh thánh Chúa Giêsu Kitô khắp hoàn cầu", anh em Đaminh đã có mặt bên những nhà thám hiểm đầu tiên của Châu Mỹ. Chính cha Diego Deja đã góp lời để vua Tây Ban Nha cung cấp tàu bè và đã đồng hành với Christophe Colomb đến San Salvador. Từ nay bản đồ lãnh thổ của dòng sẽ ghi thêm nhiều tu viện và 9 tân tỉnh dòng tại Tân Thế Giới, nâng số tỉnh dòng từ 22 lên 35.
Dòng Đaminh tại Tân thế giới đã nở tặng cho Giáo hội những bông hoa đầu mùa thánh thiện. Đó là thánh nữ Rosa Lima (+1617) mẫu gương sống thánh giữa đời và đôi bạn thân, đó là thánh Martinô Porres (+1639) và thánh Gioan Maisan (+1645), hai tu huynh, một đen một trắng nổi tiếng về lòng bác ái thương người. Bên cạnh đó là tập thể các tu sĩ Đaminh đấu tranh cho nhân quyền của thổ dân. Đó là cha Montesinos cùng với tu viện phản đối các nhà chinh phục tại quần đảo Antilles; là cha Vitoria ở đại học Salamanca, người khởi xướng công pháp quốc tế, và nhất là giám mục Bartolomeo de Las Casas, người đã vượt đại dương 13 chuyến, đến triều đình Tây Ban Nha để yêu cầu xóa bỏ chính sách Encomienda.
Trong thế kỷ XVII, cũng như giáo hội, Dòng đã phải cố gắng nhiều để độc lập được với thế quyền, và phải đối phó với cuộc khủng hoảng lương tâm do các học thuyết Jansenisme, Quietisme, Pháp giáo và Josephisme… đặc biệt là cuộc tranh chấp “lễ phép nước Ngô” về việc thờ kính tổ tiên.
Thế nhưng, trang sử của dòng thời này rực sáng lên tại miền Á Châu, bằng những dòng chữ nổi viết bằng máu đào. Nếu tại Trung hoa có sáu hiển thánh, trong đó có cha Capillas tử đạo tiên khởi [2]. Thì trên mảnh đất Phù Tang Nhật Bản, Dòng đã đóng góp 16 hiển thánh [3] và hàng trăm chân phước tử đạo. Và tại quê hương Việt Nam, Dòng đã cộng tác với hội Thừa Sai Paris để viết lên ba thế kỷ lịch sử giáo hội, trong đó nổi bật lên chân dung 38 Thánh Tử Đạo tại Việt Nam (từ 1745 đến 1861) đã được đức Gioan Phaolô II suy tôn hiển thánh ngày 19.6.1988.
Trong giai đoạn độc tài chuyên chế và thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ XVIII) Dòng bị tòa thánh và các chính quyền chi phối về nhiều mặt. Số tỉnh dòng gia tăng vì nhiều tỉnh dòng sự bị phân chia. Tổng hội họp thưa thớt, suốt hai thế kỷ (1629-1832) chỉ có 15 tổng hội, trong đó hai tổng hội cuối cách nhau đến 55 năm. Từ nay vai trò của Tổng quyền ngày càng được gia tăng.
Ảnh hưởng thời đại, nhiều tác giả trong Dòng có những tư tưởng xa lạ với thần học thánh Tôma, khiến các tổng quyền phải lo lắng. Nhiều anh em rơi vào những cuộc tranh luận vô bổ với các nhóm Tin Lành. Tuy nhiên ngành nghiên cứu sử dòng lại phát triển, với nhiều công trình giá trị như cuốn Các tác giả Dòng Thuyết Giáo, và bộ Anné Dominicaine.