“Mừng kỷ niệm 800 năm hiện diện của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, không phải là nhớ đến một kỷ niệm cho bằng là hướng chúng ta, tất cả cùng nhau với niềm hăng hái, hướng về tương lai của đặc sủng chúng ta. Chúng ta tin rằng, tác vụ loan báo Tin Mừng vẫn luôn là điều cần thiết để Giáo hội phục vụ thế giới. Đúng thế, “đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo bình an, những người loan báo Tin Mừng !” (Rm 10,15). Chúng ta tin rằng Thiên Chúa có một kế hoạch diệu kỳ cho cộng đoàn nhân loại và Người đã chọn chúng ta, dù chúng ta yếu đuối, để trở thành những chứng nhân đầy vui tươi về kế hoạch ấy”. (Tổng hội Trogir số 49)
Khái quát, chúng ta có thể phân chia 800 năm lịch sử Dòng Đa Minh thành bốn giai đoạn :
- Thời phát triển trong thế kỷ XIII
- Thời cải tổ : thế kỷ XIV - XV
- Thời phục hưng : thế kỷ XV đến cách mạng 1789
- Mùa xuân mới : giữa thế kỷ XIX đến nay.
I . Thời phát triển (thế kỷ XIII)
1.1. Dòng Giảng Thuyết
Tháng 4-1215 tại Toulouse, hai thanh niên Thomas và Seila tuyên hứa trong tay cha Đa Minh . Sau đó có thêm bốn anh em nữa. Họ được đức cha Foulques tặng cho một nhà thờ. Tại đây anh em cử hành phụng vụ chung, sống nghèo khó, và tuân phục… Đó mới là một dạng huynh đoàn giáo phận.
Ngay lúc này, cha Đa Minh đã thêm một yếu tố mới vào cộng đoàn là việc học hành, chính ngài dẫn 6 anh em tiên khởi đến học với cha Alexandre Stavenby tại Toulouse. Dựa vào kinh nghiệm sống tại kinh sĩ đoàn Osma, cha Đa Minh và anh em chọn tu luật thánh Augustinô, và xin Tòa thánh châu phê cộng đoàn mới với danh xưng “Anh em thuyết giáo”.
Ngày 22-12-1216, Đức Honorio III đã ban hai sắc lệnh thành lập Dòng, và gọi họ là chiến sĩ Đức tin và ánh sáng thế gian. Ngày 21-01-1217, Đức Honorio III chính thức tuyên bố danh xưng Dòng Anh em Thuyết Giáo, ủy thác cho Dòng trách vụ truyền giảng Lời Chúa.
Các Tổng hội họp hàng năm từ 1220 đến 1228, đã hoàn thành bản Hiến Pháp tiên khởi. Bản văn đề ra một tổ chức hoàn hảo và dân chủ theo nguyên tắc tập thể, bổ sung và đại biểu ; đã trù liệu việc tu chỉnh thường xuyên cho phù hợp với sự phát triển nhân sự và địa giới, phù hợp với nhu cầu của thời đại. Tuy nhiên, để trở thành hiến pháp, các chỉ thị phải được ba tổng hội liền chấp thuận. Để anh em sống trong tinh thần tự do của con cái Chúa, cha Đa Minh xác định luật không buộc thành tội.
Tổng hội 1259 đã phổ biến quy chế về việc học hành. Quy định các cấp học viện, vị lector tu viện, luật chuẩn miễn và kiểm tra khi kinh lý. Hai thánh Anbêtô và Tôma vẫn được coi như đã rửa tội cho học thuyết Aristote. Nhiều tác phẩm giá trị được phổ biến như : Đối chiếu Kinh Thánh của hồng y Huges, Toàn cảnh của Vincent de Beauvais, Chỉ nam cho nhà Vua của Laurenso Orleans, Truyền kỳ vàng son của Jacques de Voragine, và Hạnh các thánh của Thomas de Cantipré.
1.2. Thuở ban đầu tràn sức sống
Theo gương cha Đa Minh tay cầm gậy, bị trên vai, luôn cất bước đăng trình, và lời căn dặn khi phân tán 16 anh em tiên khởi vào ngày 15-8-1217 (quen gọi là Lễ Hiện Xuống của Dòng) : "Hạt giống phải gieo xuống mới sinh hoa kết trái, còn để trong bao nó sẽ hư mục"... Tất cả, như lời vẫy gọi con cái ngài đi từ Paris, Toulouse, Tây Ban Nha và Roma, đến khắp các lãnh thổ địa cầu, để “học, rao giảng và lập tu viện”.
Lời vẫy gọi đó đưa con cái cha Đa Minh vào nhiều biên cương khác nhau. Chỉ 15 năm sau khi Thánh phụ qua đời, dưới tài điều khiển của chân phước Jordano de Saxe, Dòng đã phát triển lên đến 12 tỉnh dòng với ngót 400 tu viện.
Năm 1253, đức Innocentê IV ghi nhận các địa chỉ của Dòng Đa Minh như sau : "Gửi lời chào thăm và phép lành Tòa thánh cho các Anh em giảng thuyết đang giảng tại Sarrasin (Ả Rập), Hy Lạp, Bulgarie, Cuman (Bắc Âu), Ethiopie, Syrie, Goths (Đức), Anh Quốc, Arménie, Ấn Độ, Nga, Hungarie và các dân ngoại khác ở Đông phương".
Trong lá thư cha Raymundo gửi cho vua nước Pháp, ta thấy năm 1256, Dòng có 10.000 linh mục, 3.000 tập sinh, chưa kể số sinh viên và trợ sĩ. Trong một thế kỷ, dòng đã cung cấp cho giáo hội 300 giám mục, 13 hồng y (1). Dòng cũng phụ trách chức tôn sư thánh điện, tức thần học gia của giáo triều (2). Nhiều tu sĩ Đa Minh nằm trong danh sách các pháp quan, đặc sứ, sứ giả, trọng tài hoặc người hòa giải.
Năm 1276, hồng y Tarentaise đắc cử giáo hoàng, đó là chân phước Inôcentê V. Tuy chỉ cai trị hội thánh có năm tháng, ngài nỗ lực cho việc hòa giải giáo hội Đông-Tây tại công đồng Lyon II, và mở rộng sứ vụ truyền giáo qua Trung Hoa.
Hoạt động của Dòng ngay từ đầu đã được ướp nồng trong lời cầu nguyện của chị em đan sĩ các đan viện, như Prouille ở Pháp, Saint Agnes ở Bologne, Saint-Sixto ở Roma. Năm 1259, cha Humberto ban hành bản hiến pháp đan viện(3) , được sử dụng cho đến năm 1929. Năm 1267, đức Clêmentê IV đặt các đan viện Đa Minh dưới quyền tài phán của bề trên tổng quyền. Dòng có bổn phận thiêng liêng với các nữ đan viện, còn chị em tự túc về đời sống vật chất.
Nguồn gốc Dòng Ba khởi từ phong trào hãm mình trong giáo dân. Họ thường nhờ các cha dòng ở gần làm linh hướng. Năm 1285, tổng quyền Munio đã công bố bản Quy luật Dòng Ba Đa Minh . Dù mãi đến năm 1405 quy luật này mới được đức Innocentê VII châu phê, thì ngay năm 1286, đức Honorio IV đã mặc nhiên phê chuẩn văn kiện này, khi ban các đặc ân cho các anh chị em Hãm mình thánh Đa Minh .
Thế kỷ XIII được ghi đậm nét với những dấu chân dặm ngàn của thánh Gia Thịnh (1185-1257), rong ruổi khắp miền Bắc Âu, và cùng người anh ruột, chân phước Ceslao, đem tinh thần Dòng về quê hương Ba Lan. Trang sử giai đoạn này còn được điểm tô thêm bằng máu đào của thánh Phêrô Vêrona (1205-52), dũng cảm bênh vực đạo lý đức tin, ngã gục dưới mũi kiếm của đối phương mà vẫn cương quyết lấy máu mình viết trên mặt đất "Tôi tin..." Sau đó chân phước Sađoc và 48 anh em Đa Minh lãnh ngành vạn tuế tại Bolonia (1260), trong âm vang lời ca đầy tin tưởng “Lạy Nữ Vương…”.
Dòng Đa Minh ghi dấu ấn trong thế kỷ này với các danh sư tại đại học : đó là thánh Anbêtô Cả (+1280), mà đại học không đủ chỗ cho sinh viên, phải đứng lớp ngoài quảng trường nay còn ghi danh ngài. Giáo hội suy tôn ngài là Tiến sĩ Bách khoa, và đặt làm bổn mạng các nhà khoa học tự nhiên. Thánh nhân đã thu thập vật tư để người môn sinh là thánh Tôma Aquinô (1225-74) vị Tiến sĩ Thiên thần, xây cất một cung điện thần học tráng lệ với bộ Tổng luận Thần học. Đức Phaolô VI ca tụng ngài là : "thánh thiện nhất trong những nhà thông thái và thông thái nhất trong hàng ngũ các thánh".
Ngoài ra còn phải kể đến thánh nữ Magarita nước Hungary (+1270), giã từ hoàng cung giàu sang để nên giống Vua các anh hùng tử đạo, sống khiêm hạ nhưng mạnh dạn tố cáo những bất công của xã hội; phải nhớ đến thánh Raymundo (+1274), người san định bộ Giáo luật 1234, và là vị tổng quyền luôn "sẵn sàng yểm trợ anh em trong mọi gian truân và cùng anh em uống cạn những gì Chúa đã trao".
Đào Trung Hiệu
(còn nữa)
1. Khởi đầu là hồng y Hugues de Saint-cher (1244-1263)
2. Hồng y Georges Cottier OP là thần học gia giáo triều (1990-2005), sau đó đến cha Wojciech Giertych người Ba Lan.
3. Số nữ đan viện Đaminh năm 1277 là 58 ; năm 1303 là 141 và năm 1358 là 157. Chân phước Cecila và Dianna được kính ngày 8-6.