25/03/2015 -

Tài Liệu Jubile

7064
LTS: Để chuẩn bị cho Tỉnh Hội sắp được diễn ra trong thời gian tới, cũng như cho biến cố mừng 800 năm thành lập Dòng, Ban Tổ Chức và Ban Truyền Thông xin gửi những suy tư của các Anh Em trong Tỉnh Dòng với những chủ đề khác nhau. Mở đầu, xin gửi đến những suy tư về "Đời Sống Thánh Hiến".
 
***

DẪN NHẬP

Tỉnh Hội 2015 của chúng ta sẽ diễn ra trong bối cảnh Gia đình Đa Minh chuẩn bị cử hành Năm Thánh kỉ niệm 800 năm Dòng Anh Em Giảng Thuyết được thành lập, do Sắc lệnh châu phê của Đức thánh cha Hônôriô III (22.12.1216 – 22.12.2016). Hồng ân lịch sử của Dòng Anh Em Giảng Thuyết lại được hoà quyện vào sức sống của Giáo Hội trong Năm phụng vụ cầu nguyện đặc biệt cho các anh chị em bước theo Chúa Kitô, sống đời thánh hiến để yêu thương và phục vụ.

Qua Tông thư về Năm đời sống thánh hiến, Đức thánh cha Phanxicô đã nhắn gửi đến tất cả các vị mục tử và nam nữ tu sĩ những lời khích lệ và khuyên nhủ chân tình, để mời gọi anh chị em luôn ý thức và trân trọng hồng ân thánh hiến mà Thiên Chúa quảng đại trao tặng anh chị em, lôi cuốn anh chị em đến với lòng thương xót và sự sống vô biên của Thiên Chúa, để anh chị em hân hoan tận hiến cuộc đời mà phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong đời sống đức tin và trong mọi hoàn cảnh đời người:

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi chúng ta đi theo Đức Giêsu trong việc gắn bó trọn vẹn với Tin mừng và trong việc phục vụ Giáo hội, Đấng đã đổ xuống tâm hồn chúng ta Thánh Linh mang lại niềm vui và biến chúng ta thành những chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa trước mặt thế giới. (NTH, Lời mở đầu)

Tỉnh hội 2015 của chúng ta vinh dự được hiệp thông với những tâm tình thánh thiện của toàn thể Giáo Hội và cách riêng của anh chị em Gia đình Đa Minh trên toàn thế giới, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về những ý nghĩa của đời sống thánh hiến, những thực tại vui buồn, những thuận lợi và khó khăn, để hồi tâm nhìn nhận những giới hạn và yếu đuối phận người trước lời mời gọi tuyệt hảo của Thiên Chúa. Từ đó, nhờ tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp, chúng ta tiếp tục mở rộng tâm hồn cho ánh sáng, tình yêu và sức sống của Tin Mừng Chúa Kitô chiếu giọi và nung đốt, hầu chúng ta có thể luôn can đảm và tín thác, hăng hái bước đi giữa những thách đố của thời hiện đại, với lòng say mê Chân lý, với nhiệt tâm chăm lo cho ơn cứu độ của tha nhân.

Đồng hành trong ơn gọi chứng nhân, chúng ta cùng nhau miệt mài gieo niềm vui Tin Mừng ở mỗi nơi chúng ta hiện diện và sống linh đạo giảng thuyết. Chúng ta mong ước được chung sức với các anh chị em sống đời thánh hiến hôm nay, góp phần đánh thức thế giới trong những cảm thức về đức tin, về Thiên Chúa, về Đức Giêsu là Đấng Cứu độ nhân loại: “Phải làm sao cho chính cuộc đời của anh chị em trở thành tiếng nói, cuộc đời chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Tin mừng và của việc đi theo Đức Kitô.” (NTH, II.1).


I. ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG GIÁO HỘI

1. Giữa những thực tại của thế giới hôm nay

Ngày nay, khoa học kĩ thuật, đời sống kinh tế xã hội là một tiến trình không ngừng đi lên, nhanh chóng đạt tới những tiến bộ tinh tế về cấu trúc và hiệu năng trong hoạt động:

Ở thời đại chúng ta, nhân loại đang trải qua một bước ngoặt trong lịch sử của mình, như chúng ta có thể thấy từ các tiến bộ đang được thực hiện trong rất nhiều lãnh vực. Chúng ta không thể không ca ngợi các bước đi đang được thực hiện để cải thiện phúc lợi của dân chúng trong các lãnh vực như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và truyền thông. (EG 52).

Những người sống đời thánh hiến nhờ đó mà có được nhiều điều kiện về tri thức, về phương tiện kĩ thuật, về cơ sở vật chất, để phát triển các cộng đoàn và phục vụ một cách hữu hiệu hơn cho con người trong các nhu cầu chính đáng về tâm linh, tinh thần và thể lí. Các linh mục và tu sĩ có nhiều cơ hội để chú tâm trau dồi kiến thức chuyên môn theo sứ vụ của mình, yên tâm để chuyên lo các lãnh vực hoạt động tông đồ và mục vụ, không còn phải vất vả chật vật để tìm kiếm và sáng chế những phương tiện căn bản cho cuộc sống và sinh hoạt thường ngày như thời xa xưa.

Tuy nhiên, khi cuộc sống đem lại cho con người nhiều điều kiện vật chất phong phú và thuận lợi, thì con người lại dễ rơi vào tình trạng sống ỉ lại, trì trệ và yếu nhược. Khi không còn phải vật lộn xoay sở với những khó khăn của cuộc sống, thì con người có thể giảm bớt tính sáng tạo, hao mòn sức chịu đựng, ít khả năng can đảm đối diện và vượt thắng những thử thách không thể tránh khỏi trong thân phận con người:

…Đa số dân chúng bây giờ sống ngày nào biết ngày ấy, với những viễn tượng đáng sợ. Một số dịch bệnh đang lan rộng. Tâm hồn nhiều người bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi và thất vọng, ngay cả ở những nước được cho là giàu có. Niềm vui sống thường xuyên phai nhạt, thiếu tôn trọng người khác, và nạn bạo lực ngày càng nhiều, tình trạng bất bình đẳng cũng gia tăng. Người ta đấu tranh để sống, và thường là sống với phẩm giá tối thiểu. Thay đổi của thời đại đã được khởi động bởi những tiến bộ khổng lồ, mau chóng và tích luỹ về phẩm và lượng trong các khoa học và kỹ thuật và được đem áp dụng ngay vào các lãnh vực khác nhau của tự nhiên và đời sống. Chúng ta đang ở một thời đại tri thức và thông tin, dẫn tới các hình thức quyền lực mới và thường là không được gọi tên. (EG 52).

Những sợ hãi và thất vọng của con người hiện nay vì “những hình thức quyền lực mới” vô hình và khó nhận diện, đã khiến cho cả những người sống đời thánh hiến đôi khi cũng rơi vào tình trạng bi quan, không còn thấy và quí trọng những ý nghĩa cao đẹp và sự hấp dẫn thiêng thánh của đời dâng hiến. Tình trạng này tạo nên nguy cơ sống đời dâng hiến như “một nghề nghiệp” chứ không phải như là lý tưởng siêu nhiên, người dâng hiến dễ trở thành “công chức tôn giáo” hơn là người đóng vai trò của Đức Kitô mục tử cho thế giới hôm nay.


2. Tìm lại niềm vui đích thực nơi Tin Mừng của Đức Giêsu

Người môn đệ chính danh của Thầy Giêsu, trước tiên phải là người sống trong chính sự sống của Tin Mừng ân sủng của Đức Giêsu. Căn tính của đời sống thánh hiến chính là tình yêu và niềm vui. Khi kết hiệp liên lỉ với Lời Tin Mừng trong đời dâng hiến, các tu sĩ luôn khám phá thấy suối nguồn của niềm vui không hề vơi cạn và luôn luôn mới mẻ, luôn luôn dâng trào: “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (EG 1).

Những người sống đời thánh hiến dám để cho đời mình lặn sâu vào những thực tại đầy sôi động của thế giới hiện đại, để có khả năng thấu cảm và chia sẻ gánh nặng phận người với tha nhân; nhưng mặt khác, người sống đời thánh hiến luôn phải tỉnh thức để khám phá và chia sẻ niềm vui của Đức Kitô không ngừng tái hiện nơi sự nhập thể của Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Chính những người được thánh hiến cho Thiên Chúa sẽ tiếp tục là chứng tá Tin Mừng bình an cho nhân loại trong thế giới hiện tại đang đong đầy lo âu khắc khoải và cháy bỏng khát vọng được giải thoát. Vì thế, người theo Chúa Kitô trong đời thánh hiến phải thấm đẫm “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt... Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô.” (Đức Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, 74-75).


3. Đi vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm để công bố niềm vui Tin Mừng

Cuộc sống hiện nay càng ngày càng thể hiện đặc tính “phiêu lưu” thật sôi động: phiêu lưu trong các chuyến đi “phượt” nội địa và quốc tế của các bạn trẻ nhằm khám phá sự kì diệu của thế giới tự nhiên, tích luỹ những trải nghiệm về văn hoá xã hội ở những vùng miền mới; phiêu lưu trong kinh tế để khẳng định sự năng động và sức cạnh tranh không ngừng lớn mạnh nhằm đạt được những khoản lợi tức khổng lồ hơn; phiêu lưu trong chính trường để phô trương uy lực chính trị và quân sự với tham vọng bá chủ thế giới, v.v.. Hành trình đời sống thánh hiến đã, đang và sẽ mãi mãi là một cuộc phiêu lưu, như Đức Kitô đã xác quyết một cách hào hùng: “Con người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,20). Tin Mừng là một dòng chảy bất tận, hoà nhịp với từng bước chân sứ vụ thăng trầm của những người sống đời thánh hiến, như Đức Kitô đã không để mình bị “vướng chân” hoặc bị quyến luyến bởi những tình cảm thế tục và nặng tính vật chất, Người cương quyết ra đi với tinh thần tự do, để Tin Mừng cứu độ mãi vang xa: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38).

Đặc tính của Giáo Hội vốn dĩ là truyền giáo lữ hành. Niềm vui Tin Mừng mà Giáo Hội cưu mang trong tâm lòng mình, không miễn chuẩn cho những chứng nhân đức tin của Hội Thánh khỏi những nguy hiểm, cạm bẫy và thách đố mỗi ngày càng nghiệt ngã hơn của đời người. Nhưng thử thách càng lớn lao, tinh thần dấn thân của người môn đệ Đức Kitô càng phải quyết liệt, để tiến bước như những dũng sĩ xông vào “những cuộc chiến đấu gay go” (1Tx 2,2), đem niềm vui Tin Mừng biến đổi thế giới và dẫn đưa mọi tạo thành tiến đến sự thành toàn, theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa:

Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; cộng đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác... Người môn đệ sẵn sàng mạo hiểm đời mình, thậm chí chấp nhận tử đạo, để làm chứng cho Đức Giêsu, nhưng mục tiêu không phải là muốn có kẻ thù, mà là để thấy Lời của Thiên Chúa được chấp nhận và sức mạnh giải thoát và đổi mới của Lời được tỏ lộ. (EG 24)


II. ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN THEO LINH ĐẠO ĐA MINH

1. Di sản linh đạo Đa Minh giữa lòng Giáo Hội

Trong Năm thánh hoá đời sống các linh mục 2010, Đức thánh cha Bênêđíctô XVI đã gợi nhớ lại chân dung của thánh Đa Minh và linh đạo của Người, trong buổi yết kiến chung ngày Thứ Tư, 03.02.2010, như là một tấm gương sống động và thiết thực cho cuộc đời linh mục trong Giáo Hội. Đức thánh cha trưng dẫn chứng từ của chân phước Giođanô Saxônia, OP, như là tóm lược rõ nét và súc tích nhất về thánh Đa Minh: “được thiêu đốt bởi nhiệt huyết yêu mến Thiên Chúa và một nhiệt tâm siêu nhiên, một đức ái vô bờ, và niềm đam mê mãnh liệt trong tâm hồn, nên Cha Đa Minh, qua lời khấn, suốt đời khó nghèo, kỷ luật tông đồ và rao giảng Tin Mừng”. Đức thánh cha Bênêđíctô XVI ca ngợi sự thánh thiện của thánh Đa Minh khi giải thích lại châm ngôn sống mà thánh Đa Minh đã trung thành tuân giữ và tha thiết trao lại cho anh em của Người, như một di sản thiêng liêng làm nên căn tính của người anh em Đa Minh: luôn luôn nói với Chúa và về Chúa. Đức thánh cha khẳng định: “Trong cuộc sống các thánh, tình yêu đối với Thiên Chúa và với tha nhân, việc tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn luôn đi đôi với nhau.” (Buổi yết kiến chung Thứ Tư, 02.03.2010).

Những tâm tư chia sẻ của Đức thánh cha Bênêđíctô XVI chứng tỏ rằng Giáo Hội đã ưu ái chuẩn nhận và luôn trân trọng khích lệ việc giữ gìn và phát huy linh đạo Đa Minh suốt gần 800 năm:

Vị thánh lớn này nhắc nhở chúng ta rằng trong trái tim của Giáo Hội luôn luôn phải bừng cháy ngọn lửa truyền giáo, ngọn lửa không bao giờ ngừng thúc đẩy chúng ta công bố Tin Mừng; và nơi nào cần thiết, thì phải tái loan báo Tin Mừng: Thực vậy, Chúa Kitô là điều quí giá nhất mà con người nam cũng như nữ, mọi thời và mọi nơi, đều có quyền nhận biết và yêu mến! (Buổi yết kiến chung Thứ Tư, 02.03.2010).

Quả vậy, chiêm niệm và rao giảng Chân lý Tin Mừng là đôi cánh thiêng liêng hữu ích, không chỉ cho tu sĩ giảng thuyết, nhưng còn là sức mạnh và ơn gọi của những ai tin theo Chúa Kitô, để sống đức tin mạnh mẽ, đức hy vọng vững vàng, đức mến yêu tha thiết. Nhờ ân sủng của bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô đều được mời gọi kết hiệp và kín múc sự sống thần thiêng của Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, đồng thời cũng nhận lãnh sứ mạnh loan báo Tin Mừng cho muôn dân, tuỳ theo hoàn cảnh và những điều kiện đặc thù của mỗi cá nhân. Do vậy, dù người anh em Đa Minh đã từng được Giáo Hội ưu ái mời gọi và cắt đặt vào những nhiệm vụ quan trọng trong đời sống Giáo Hội ngay từ thời thánh Đa Minh
[1], nhưng người anh em Đa Minh không chọn cho mình vị trí nổi bật trong lòng Giáo Hội, chỉ mong muốn đồng cảm với Giáo Hội trong cuộc lữ hành đức tin, để miệt mài truy tầm Chân lý, để không ngừng cổ võ công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, đúng theo bản chất của Giáo Hội:
Thánh Đa Minh, người muốn thiết lập một Dòng tu gồm những nhà giảng thuyết thần học, nhắc nhở chúng ta rằng, thần học có một chiều kích tâm linh và mục vụ, làm phong phú linh hồn và cuộc sống. Các linh mục, những người tận hiến, cũng như mọi người tín hữu, đều có thể tìm thấy một “niềm vui nội tâm” sâu xa trong việc chiêm ngắm vẻ đẹp của chân lý đến từ Thiên Chúa, một chân lý luôn luôn hiện thực và luôn luôn sống động. Phương châm của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, “trao cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm” (Contemplata aliis tradere) giúp chúng ta khám phá ra một sức mạnh mục vụ trong việc học hành chiêm niệm chân lý này, là vì nhu cầu phải chuyển giao cho tha nhân hoa trái do chính việc chúng ta chiêm niệm. (Đức Bênêđíctô, Ibid.)


2. Những người lữ hành trong thế giới hôm nay

Người anh em Đa Minh được mời gọi để trở nên bạn đồng hành của các anh chị em Kitô hữu và các anh chị em trong cộng đồng nhân loại. Tin Mừng của Đức Giêsu chính là sợi dây nối kết người anh em Đa Minh với Giáo Hội và với thế giới. Do vậy, khi hoàn toàn hiến thân cho việc loan báo Lời Chúa”, đời sống và chứng tá của người anh em Đa Minh phải chuyên chú vào việc: nói cho người khác biết Lời đang đến gặp gỡ nhân loại và đối thoại với nhân loại, mặc khải chính Người là đường, là sự thật và là sự sống…” (B. Cadoré, Rôma 2010).

Đời sống Đa Minh là một cuộc gặp gỡ và đối thoại không ngừng với Thiên Chúa và với tha nhân. Chúng ta gặp gỡ trong đời sống cầu nguyện và suy niệm để “liên lỉ kín múc sức mạnh riêng của chúng ta từ nguồn ân sủng là Tin Mừng.” (B. Cadoré, Rôma 2010). Cuộc gặp gỡ siêu nhiên này được nhấn mạnh lại trong Tổng hội Trogir, Croatia, 22.07 - 08.08.2013. Trọng tâm đời sống của anh em Đa Minh là:

Lắng nghe Lời Chúa, qua đời sống chiêm niệm và cử hành phụng vụ, qua việc học hành và đời sống huynh đệ, qua việc đối thoại với thế giới và giảng thuyết. Nhờ việc lắng nghe Lời Chúa nơi mỗi cá nhân cũng như nơi cộng đoàn, chúng ta khẳng định ước nguyện của chúng ta là để cho Chúa Thánh Thần càng ngày càng biến cộng đoàn chúng ta thành những cộng đoàn của lòng tin, biến đời sống chúng ta nên giống đời sống của Chúa Kitô. (B. Cadoré, Trogir 2013).

Chúng ta gặp gỡ nhau trong đời sống huynh đệ cộng đoàn, khi anh em hiệp thông để truy tầm Chân lý bằng mọi cách thế của những người môn sinh của Đức Kitô, và hiệp thông để chia sẻ sứ vụ phục vụ Lời Chân lý với tất cả niềm xác tín của cộng đoàn chứng nhân: những mái ấm sống động của tình huynh đệ, nghiên cứu học hỏi và cầu nguyện; đồng thời cũng là nguồn trợ lực giúp chúng ta đứng lên trong niềm tin và hy vọng, và là khung cảnh đón tiếp và đối thoại với thế giới.” (B. Cadoré, Roma 2010).

Cộng đoàn Đa Minh sẵn sàng mở ra cho cuộc gặp gỡ giữa những anh em đến từ nhiều vùng miền, nhiều bản sắc văn hoá và ngôn ngữ, nhiều lãnh vực tri thức và tư tưởng, nhiều trải nghiệm tâm linh khác nhau. Cuộc gặp gỡ này xây dựng cộng đoàn mỗi ngày mỗi phong phú và sung mãn hơn, nhờ ân ban của Thiên Chúa trao gửi cho cộng đoàn qua từng nét đặc thù của mỗi anh em từ các thời đại và môi trường khác nhau đến góp mặt với cộng đoàn. Sự đa dạng này luôn là cơ may để cộng đoàn được sống động và không ngừng thăng tiến trong đời sống dâng hiến và trong sứ vụ đến với muôn dân:

Sự kiện đa dạng về nhân sự là thế mạnh của Dòng chúng ta, và cũng là niềm vui của Dòng. Trong Dòng, chúng ta đến từ nhiều nguồn gốc và nhiều nền văn hóa khác nhau, kể cả những quan điểm giáo hội và thần học khác nhau. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho sự đa dạng này trở thành nơi để cho Tin Mừng được nổi bật và được chia sẻ giữa chúng ta, trong sự tôn trọng sự khác biệt và đặc thù của nhau, một cách vô điều kiện, đón nhận tất cả mọi anh em như là ân huệ, và cùng nhau gánh vác sứ vụ chung. Qua sự đa dạng này, ánh sáng Tin Mừng sự thật luôn sống động hơn và được khẳng định như là hồng ân của sự tự do vui tươi, nhờ đó chúng ta trở nên con người tự do, và được dẫn đưa tới sự đồng thuận. Chính việc chúng ta mong muốn trở thành những người giảng thuyết ân sủng cho toàn thể nhân loại sẽ dẫn chúng ta đến ước muốn sống ân sủng của tình huynh đệ. (B. Cadoré, Rôma 2010).


3. Hồng ân lịch sử: Cơ hội và thách đố

Khi chuẩn bị cử hành Năm Thánh kỉ niệm 800 năm Dòng được thiết lập trong Giáo Hội, anh em Đa Minh có cơ hội để ôn lại chặng đường lịch sử hồng phúc của Dòng, với tâm tình tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa, để tiếp tục khẳng định căn tính ơn gọi của người anh em Đa Minh giữa lòng Giáo Hội và thế giới, để không ngừng hồi tâm hoán cải và canh tân bản thân phù hợp với hứng khởi hiến dâng phục vụ ban đầu mà Thiên Chúa đã khơi dậy nơi thánh phụ Đa Minh:

Là những tu sĩ nam nữ Dòng Giảng thuyết thân mến, chúng tôi là những người đang thừa hưởng cùng một di sản lịch sử chung và phong phú, nhưng cũng có phần phức tạp, gia sản này hướng dẫn chúng tôi đi loan báo Tin Mừng qua sứ vụ rao giảng của các tông đồ, sứ vụ ad gentes. Ngày hôm nay, lịch sử đó cũng đang hun đúc các thành viên trong gia đình Đa Minh. Dòng đã cống hiến rất nhiều cho nhân loại trên khắp các châu lục: hiểu biết đức tin, nghiên cứu triết học, cổ võ và suy tư về quyền con người, các tác phẩm nghệ thuật, các công trình học thuật, công tác từ thiện… (Trogir 2013, số 55)

Lịch sử 800 năm đã dẫn đưa bước chân giảng thuyết lữ hành của anh em Đa Minh đến khắp thế giới. Trong cuộc ra đi theo mệnh lệnh của Đức Kitô: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28,19), đối diện với những thách đố cam go trên đường sứ vụ, người anh em Đa Minh chắc chắn đã trải nghiệm sâu xa và dễ dàng đồng cảm với ưu tư của Vị Chủ chăn trong Giáo Hội khi nói về sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay:

Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời. Tôi mong rằng, thay vì sợ đi lạc, chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những qui tắc biến chúng ta thành những quan toà tàn nhẫn, với những thói quen làm chúng ta cảm thấy an thân, trong khi ở ngoài cửa người ta đang chết đói và Đức Giêsu không ngừng nói với chúng ta: ‘Anh em hãy cho họ ăn đi!’ (Mc 6,37). (EG 49).

Thế giới hiện đại mở ra ngày càng nhiều môi trường thuận lợi cho việc loan báo Tin Mừng cứu độ: giáo dục, hoạt động xã hội, y tế, phát triển cộng đồng, giao lưu văn hóa, sinh hoạt nhóm, v.v.. Mặt khác, thế giới hiện đại cũng đưa ra những thách thức ngày càng lớn lao hơn, đòi hỏi người anh em Đa Minh phải năng động hơn, không ngừng canh tân đời sống và cách thức thi hành sứ vụ, để có thể đáp ứng những nhu cầu ngày càng phức tạp về tâm linh của con người thời đại: “‘Thế Giới Mới’ của ngày hôm nay cũng đòi chúng ta phải có một cách thức giảng thuyết mang tính ngôn sứ và sáng tạo, được đời sống cộng đoàn hậu thuẫn một cách chặt chẽ.”(Rôma 2010, số 62.1). Muốn vậy, đời sống Đa Minh cũng cần được thể hiện theo những chiến lược hiện đại:

Phân tích thực tế nội tại và khách quan, theo lược đồ “SWOT” (Strenghts, Weaknesses, Opportunities, Threats - điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, nguy cơ), với mục đích xác định những phương diện chúng ta phải cải thiện, cũng như những gì chúng ta phải kiện toàn. Cần lưu ý đến những yếu tố mang tính hàm hồ của thế giới, và cả những cơ hội mà thế giới đem lại cho chúng ta để chúng ta sống đoàn sủng của mình (x. Bogota 2007, ch. II Say mê thế giới). (Rôma 2010, số 62.1).

Dù phải mang trong thân mình những giới hạn và yếu đuối của con người, người anh em Đa Minh luôn để cho mình bị thôi thúc bởi sức mạnh của Chân lý Tin Mừng, và uốn nắn đời mình theo hồn sống tông đồ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2,20). Khi nhìn lại hành trình 800 năm, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng vì nhận ra sự gìn giữ và dẫn dắt kì diệu của Thiên Chúa dành cho những người Anh Em Giảng Thuyết trong quá khứ và hiện tại: “Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về những cộng đoàn dấn thân trong tiến trình đối thoại với những con người của ngày hôm nay, đặc biệt là với những người bị loại trừ, ngay cả khi phải trả giá bằng sự hiểu lầm, đe dọa và có thể đến mất mạng.” (Rôma 2010, số 60).


4. Hồi tâm và hoán cải để hướng tới tương lai

800 năm lịch sử là một hành trình dài, đường xa lắm lúc gập ghềnh trắc trở, tinh thần và thể lí con người cũng nhiều khi ra nặng nề u tối. Do đó, mỗi bước ngoặt lịch sử phải được xem là cơ hội để chúng ta dừng lại “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31). Điểm dừng chân này giúp cho chúng ta lượng giá cuộc sống hiện tại để nhận diện và “tìm lại đoàn sủng đích thực của anh em chúng ta, cũng như đoàn sủng của cộng đoàn được coi là ‘domus praedicationis’ đích thực” (Rôma 2010, số 62).

Chúng ta cần hồi tâm để lắng nghe tiếng nói thầm lặng và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, Đấng đã khơi mở linh đạo chiêm niệm và giảng thuyết nơi thánh phụ Đa Minh, và hằng liên lỉ thôi thúc những anh em hậu duệ của Cha thánh tiếp bước theo linh đạo này hầu mưu cầu ơn cứu rỗi cho chính mình và cho tha nhân. Như thế, người anh em Đa Minh phải luôn đặt mình trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần khi sống theo những Lời Khuyên Tin Mừng.

Lời Khuyên Tin Mừng là những phương thế để đạt đến việc thể hiện con người của chúng ta, qua mối tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác, và với của cải vật chất; những Lời Khuyên Tin Mừng này cũng là dấu chỉ cho thế giới đương đại, vốn giàu về khoái cảm nhưng nghèo về ý nghĩa, thấy rằng còn có những con đường khác dẫn đến hạnh phúc và giá trị của cuộc sống. Hứng khởi Tin Mừng của những Lời Khấn Dòng làm cho chúng ta tự do để thi hành sứ vụ trong thế giới này. Chính chiều kích ngôn sứ và cánh chung của Lời Khấn Dòng làm cho chúng ta gần gũi với những người thiếu tự do vì bị anh em đồng loại hiếp đáp, những người sống trong cô đơn vì chẳng ai đoái hoài đến, những người lâm cảnh bần cùng với tất cả mọi hệ lụy thảm thương của nó.” (Rôma 2010, số 69).

Mỗi anh em Đa Minh luôn được khích lệ dấn thân mạnh mẽ hơn nhờ gương sáng của các bậc tiền bối như thánh sư tiến sĩ Thomas Aquinas, như vị giảng thuyết lừng danh Batôlômêô de Las Casas nổi tiếng trong công cuộc bênh vực nhân quyền của người nghèo, chống lại nạn buôn bán nô lệ Châu Phi và kì thị thổ dân, như vị tông đồ của lòng thương xót Máctinô Porét, v.v.. Tuy nhiên, người anh em Đa Minh trong cuộc sống hiện tại không thể chỉ dựa vào hào quang và bóng mát của các bậc tiền bối để tự mãn hão huyền, để ù lì trong mơ mộng về quá khứ, nhưng phải luôn tự vấn lương tâm để:

Xét lại kiểu sống của chúng ta bằng cách đối chiếu với Tin Mừng, với Hiến Pháp, và với những chọn lựa nền tảng mà Dòng đã chọn qua những Tổng hội gần đây. Việc duyệt xét này phải xác định đâu là những trách nhiệm và hoạt động ưu tiên của mỗi cộng đoàn trong những năm sắp tới. (Rôma 2010, số 62.2).

Những ảnh hưởng tiêu cực của lối sống thực dụng và ích kỉ trong xã hội hiện đại cũng ít nhiều tác động đến lối sống và cung cách ứng xử của người anh em Đa Minh, nên thái độ chân thành và khiếm tốn tự vấn lương tâm mỗi ngày cũng sẽ giúp cho người anh em Đa Minh “loại trừ khỏi đời sống chúng ta những yếu tố tư nhân hoá, tương đối hoá, giáo-sĩ-trị” (Rôma 2010, số 62).

Những khủng hoảng về kinh tế, xã hội, chính trị và giáo dục đã gây nên những nguy cơ khủng hoảng và rối nhiễu tâm lí, mất kiểm soát và không tự chủ về bản thân nơi nhiều người trong xã hội hiện đại, đáng tiếc là cả những tu sĩ cũng dễ liên lụy vào những cơn khủng hoảng thời đại này, làm cho đời sống dâng hiến nhiều khi bị nhiễu động và thậm chí vẩn đục. Do đó, ở phạm vi cộng đoàn, tinh thần hồi tâm đòi buộc các vị hữu trách và từng anh em thành viên của cộng đoàn: “hãy đồng hành với những anh em đang bị khủng hoảng, chẳng hạn như cảm thấy cô đơn, cô lập, buồn chán, ‘chân trong chân ngoài’, tình dục bất chính, v.v., nhằm giúp đỡ những anh em này vượt qua khó khăn và tái hội nhập vào đời sống cộng đoàn.” (Rôma 2010, số 70). Sự đồng hành nâng đỡ này chắc chắn được thể hiện một cách hữu dụng và thiết thực khi anh em tha thiết trung thành giữ các thời khắc phụng vụ cộng đoàn, nhiệt tình đóng góp trong các cuộc hội họp cộng đoàn, hiệp thông trong bữa ăn huynh đệ thường ngày. (x. Rôma 2010, số 79,80-81).

Sự hồi tâm và hoán cải từng bước và tận căn, trong sức mạnh tái sinh của Chúa Thánh Thần, sẽ giúp cho chúng ta mặc lấy “con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” (Ep 4,24). Khi đó, người tu sĩ Đa Minh luôn tự nhắc nhớ mình phải ý thức sống triệt để với đoàn sủng giảng thuyết, bởi lẽ: “Tác vụ giảng thuyết mà chúng ta chia sẻ với Giáo Hội, ngay cả hôm nay nữa, vẫn luôn sống động và khẩn thiết, ngõ hầu Tin Mừng được vang lên từ đầu này đến đầu kia của thế giới.” (Trogir 2013, số 41).

Khi người anh em Đa Minh thành tâm và khiêm nhường hoán cải theo ánh sáng Tin Mừng và tinh thần linh đạo của Dòng, người anh em Đa Minh lại được khích lệ trong niềm tin yêu và hy vọng hướng về tương lai. Hối cải không phải là một tâm trạng bi lụy và bế tắc, nhưng là nhịp cầu để anh em vững bước tiến tới tương lai:

Nhìn về tương lai, chúng ta nhận ra rằng chúng ta phải học hỏi nhiều điều từ lịch sử, từ những bóng tối và ánh sáng, từ các anh chị em đi trước chúng ta, mà trong số đó, rất nhiều người là chứng nhân đích thực về Vương Quốc. Lịch sử của chúng ta là trường dạy chân lý và khiêm nhường; lịch sử ấy là nguồn mạch canh tân đổi mới và hy vọng cho sứ vụ của các người giảng thuyết. (Trogir 2013, số 41).


ĐỂ KẾT LUẬN

Tổng hội Trogir năm 2013 của chúng ta đã nhắc lại những điểm trọng tâm thật ngắn gọn, sáng tỏ và sống động về đời sống của những anh em Đa Minh. Đây chính là những đúc kết thật xác đáng về đời sống thánh hiến theo linh đạo Đa Minh, cho thấy đời sống của chúng ta luôn hòa nhịp với sức sống không ngừng vươn cao của vô số các đặc sủng khác nhau về đời sống thánh hiến trong Giáo Hội. Người viết xin được trích dẫn toàn bộ nội dung số 45 của Công vụ Tổng hội Trogir năm 2013, như một kết luận mang đậm tính chất cộng đoàn, để chúng ta cùng nhau xác tín và sống mạnh mẽ hơn trong linh đạo Đa Minh:

Như thế, cung cách sống của chúng ta phát xuất từ sự quân bình cá nhân và cộng đoàn, giữa việc học hỏi, chiêm niệm và cầu nguyện phụng vụ; mỗi chiều kích lại được làm sống động nhờ những chiều kích khác.  Thiên tài của Đấng sáng lập đã đem lại cho chúng ta những cơ cấu linh hoạt và dân chủ trong quản trị để Dòng có thể hoàn toàn tận hiến cho việc loan báo Tin Mừng và đáp trả cho những niềm vui và lo âu, những hy vọng và sợ hãi nơi con người mỗi thời đại. Hiến pháp của chúng ta là một nguồn suối giải thoát chứ không phải tiên vàn là sự ràng buộc. Nhờ được thường xuyên tu chính và canh tân theo những nhu cầu mới, Hiến pháp tìm ra được rằng nền tảng và hứng khởi của mình chính là việc đi theo Đức Kitô. Các lề luật nhắc nhở chúng ta rằng đời sống Đa Minh diễn ra trong một cộng đoàn; ý nghĩa đó của lề luật sẽ được trọn vẹn qua việc chúng ta thi hành cách cụ thể ước muốn hiệp thông huynh đệ, như việc chia sẻ của cải và những ân phúc của chúng ta. Như thánh Anbêtô Cả đã viết xưa kia: ‘tìm kiếm chân lý trong sự dịu ngọt của đời sống cộng đoàn’ (in dulcedine societatis, quaerere veritatem). Thật vậy, chính khi chia sẻ cho nhau sự dịu ngọt của nếp sống huynh đệ, niềm vui và ơn tha thứ sẽ hình thành nên việc loan báo Tin Mừng tuyệt hảo nhất, giữa một thế giới bị tổn thương vì bạo lực, xung đột và khai trừ; các cộng đoàn đầu tiên của chúng ta lại không được gọi là ‘thánh thuyết cục’ đó sao?

 
Chúa Nhật I Mùa Chay, 22.02.2015 – Fr. Vincent Lương Hồng Phong, OP.

[1] Kinh sĩ nhà thờ chánh toà Giáo phận Osma, tháp tùng đức giám mục Diego trong đoàn ngoại giao của vua Castille  cử sang Bắc Âu, rao giảng Tin Mừng cho anh em lạc thuyết Nhị Nguyên Albigense, v.v.
114.864864865135.135135135250