01/03/2014 -

Suy tư, nghiên cứu

11527

Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP.


Mùa Chay đang trở về. Khởi đầu mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy sám hối trở về và hãy nhìn nhận thân phận tro bụi của mình. Noi gương Đức Kitô trong mầu nhiệm tự huỷ.


Chiêm ngắm cuộc dương thế của Chúa Giêsu, chúng ta thấy cả một chuỗi tháng ngày dài “bỏ mình” của Người: sinh ra nơi hang bò lừa, nằm trong máng cỏ hôi tanh (x.Lc 2,12); sinh sống và lớn khôn ở ngôi làng Nazarét, một địa danh bị coi khinh là “chẳng có chi tốt đẹp” (x.Ga 1,46); hạ mình cho Gioan dìm mình xuống nước sông Giođan như một tội nhân (x.Lc 3,21); bằng lòng trở nên bằng hữu của mười hai môn đệ còn rất nặng tính phàm trần, và thậm chí còn vui lòng quỳ gối rửa chân cho các ông như một đầy tớ; cả đến lúc cuối đời cũng vẫn còn cam lòng chịu chết nhục nhã giữa hai tên gian phi và để cho người ta an táng xác mình nhờ nơi mộ phần của Giuse Arimathia (x.Mt 27,60)…


Như thế, toàn bộ Tin Mừng cho ta hay: Chúa Giêsu khiêm hạ và tự hủy suốt trọn cuộc đời để hoàn tất chương trình cứu độ lớn lao mà Chúa Cha ủy thác cho Người vì yêu ta.




I. HÌNH ẢNH HẠT LÚA CHỊU CHÔN VÙI


1. Nhìn vào hình ảnh mục nát của hạt lúa mì


“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chết đi, mà thối đi, thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt” (Ga 12,24) - Kinh nghiệm gieo trồng lúa là kinh nghiệm rất thường thức đối với những nông dân. Người Do thái thời xưa và người làm ruộng thời nay, ai cũng biết rằng hạt lúa khô, trước khi phát triển thành cây lúa trĩu hạt, nó phải chịu trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn đau đớn và cuối cùng phải bị mục nát đi.


Trước hết, hạt lúa phải được người ta ngâm nước cho thấm ướt, phải ủ kín dưới sức hâm nóng của tấm ni lông trong vài ngày, rồi phải chịu xé mình cho mọng lúa đâm ra bên ngoài. Tiếp theo, người nông dân mang đi quăng lên trên ruộng bùn, phơi mình ra giữa trời nắng nóng, bị lún sâu xuống nước và bùn đất. Sau nữa, nó phải rút hết chất dinh dưỡng của mình để nuôi dưỡng mầm lúa còn yếu ớt. Để rồi cuối cùng, khi mầm lúa phát triển thành cây lúa non thì cũng chính là lúc nó phải mục nát đi, bị phân hủy tan tành. Nhờ một hạt lúa bị mục nát, bị tiêu hủy mà người nông dân mới có được vựa lúa vàng ươm.


2. Nhìn ngắm mẫu gương “tự hủy” của Chúa Giêsu:


Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh rất thường thức và đơn sơ dễ hiểu trong qui trình phát triển của cây lúa mì để diễn tả một chân lý vô cùng quan trọng, đó là quá trình kết tinh những thành quả trong cuộc đời mỗi người, nhất là cuộc đời của chính Ngài, từ khi Ngài rời bỏ Ngai Trời vinh hiển để sinh xuống làm thân phận con người cho đến lúc chịu treo trên Thập Giá, chết đi và sống lại.


Qua hình ảnh mục nát của hạt lúa mì, Chúa Giêsu mời gọi mọi người bước vào khám phá “mầu nhiệm tự hủy” (kenosis) đến tột cùng của Ngài. Thánh Phaolô đã trình bày mầu nhiệm này trong thánh thi Pl 2,6-8. Chính nhờ sự tự hủy mình ra không của Chúa Giêsu mà kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa trong thời sau hết đã được thực hiện. Từ đó, nhân loại liên tục được hưởng nhờ hoa trái ân sủng từ trời cao, được ban xuống nhờ công nghiệp Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.


II. ĐỨC KITÔ TRONG MẦU NHIỆM TỰ HUỶ


1. Tình yêu thương dành cho con người:


Một trong những tuyên bố rõ ràng nhất liên quan tới Đức Giêsu Nazreth chính là “Thiên Chúa trọn vẹn, đồng thời Người cũng là con người trọn vẹn” (Kinh Tin Kinh TK V). Những lời này thì dễ nói, nhưng nó gồm tóm một mầu nhiệm thật lớn lao. Bản tính Thiên Chúa và bản tính con người cùng tồn tại trong một ngôi vị. Chính biến cố Ngôi Lời Nhập Thể để cứu độ con người chỉ có thể hiểu được qua chiều kích tự hạ của Con Thiên Chúa làm người. Qua biến cố tự hạ, Con Thiên Chúa đã đi đến tận cùng của kiếp nhân sinh để cùng chung chia những vui buồn của kiếp người.


Đức Kitô “tự hạ” là một chủ đề lớn trong Kitô học. “Tự hủy” không phải chỉ được hiểu trong cuộc Thương Khó và Cái Chết của Đức Kitô, nhưng về căn bản phải được hiểu qua chính biến cố Nhập Thể. Vì tự bản chất, con người chỉ là thụ tạo, chỉ là hư vô, mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy kiếp người. Ngài đã tự hạ mình để nâng con người lên “thần hóa con người”. Và khi tự hạ, Đức Giêsu cũng chấp nhận mang nơi mình sự hư vô đó, để chia sẻ với chúng ta sự thấp hèn, đau khổ phát sinh tự bản tính hư vô ấy để trở nên nguồn ơn Cứu Độ cho nhân loại. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá sự tự hạ của Người qua bài Thánh thi của thánh Phaolô gửi tín hữu Pl 2,6-11.


2. Giải thích bản văn


a. Đức Ki tô là Thiên Chúa từ thuở đời đời (Pl 2,6)


Đức Kitô từ tiền hữu trước khi Nhập Thể, sống đời sống con người, Ngài đã sống trong địa vị Thiên Chúa, nghĩa là trong bản tính Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa nhưng đã chấp từ khước địa vị tôn quý đó, chấp nhận hòa mình với thụ tạo. Qua hành động Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã trút bỏ mọi uy quyền, mang lấy xác phàm như chúng ta. Ngôi Lời Nhập Thể đã tự hiến “cái tôi” uy quyền của một vị Thiên Chúa để mặc lấy “cái tôi” hèn hạ tột cùng của kiếp người. Nhưng Ngài như chưa lấy đó làm đủ, Ngài lại còn hạ mình tới tận cùng “kiếp nô lệ…vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết như một tử tội”. Quả thực, đây là một hành động khó hiểu đến mức kỳ diệu. Huyền nhiệm này chúng ta không thể lý giải bằng lý trí, mà chỉ dùng con tim để cảm nghiệm. Thiên Chúa luôn tỏ lộ cho chúng ta biết Ngài yêu con người qua công trình sáng tạo, qua lịch sử dân Itrael…nhưng dường như đó vẫn còn là một tình yêu chưa rõ nét, và khiến cho con người ít nhiều khó hình dung về Ngài. Giờ đây, bằng một sáng kiến độc đáo, Chúa Cha đã sai Con của Ngài tự hạ mình đến ở với con người, đồng cam cộng khổ với kiếp người...trong Ngôi Lời Nhập Thể con người được tham dự vào sự sống và vinh quang của Thiên Chúa và được kêu lên “Abba, Cha ơi” (Gl 4,6).


b. Đưa chúng ta chiêm ngắm thân phận “nô lệ” của Đức Kitô (Pl 2,7)


Sự tự hạ và lựa chọn của Đức Kitô là đi tới cùng đích của thân phận thụ tạo. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7). Đây là hành vi đối lập lại với “sự bất tuân phục” của Ađam xưa đã mở lối cho tội lỗi và sự chết xâm nhập vào thế giới nhân loại. Ở đây ta có thể diễn tả toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu Kitô đó là “vâng phục”: Người đã vâng phục Chúa Cha, bằng lòng chịu chết…đây chính là hành vi nói không với tội lỗi và sự chết. Tình yêu và sự vâng phục, dâng hiến luôn song hành với nhau. Sự vâng phục hoàn hảo nhất là vâng phục vì tình yêu. Ngôi Lời đã tự huỷ chính mình để có thể sống hoàn toàn cho Chúa Cha và cho loài người chúng ta.


Tình yêu của Ngài đối với con người không thể diễn tả bằng lời nên Người đã thể hiện bằng hành động, chết cho người yêu.


c. Thiên Chúa Cha tôn vinh Con (Pl 2, 9-11)


Trên đây chúng ta đã khám phá chiều xuống của biến cố tự hạ, giờ đây ta tiếp tục khám phá chiều lên bằng sự tôn vinh Đức Kitô từ Cha của Ngài. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9). Không phải danh Giêsu một cái tên khá phổ biến trong xã hội Do Thái, đó cũng là lý do tại sao đám đông thường nhắc tới “Ông Giêsu thành Nazareth” (Ga 1,51), nhưng vì danh đó đồng nhất với danh của Đức Chúa vì chính Người là Thiên Chúa.


Sau cùng, Thiên Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu quyền tối thượng trên hoàn vũ, nghĩa là tước vị “Chúa”. Những Kitô hữu tiên khởi, họ đã không ngần ngại xưng tụng Đức Giêsu là Chúa, một danh hiệu mà Cựu Ước chỉ dành riêng cho một mình Đức Chúa. Đây cũng là lời tuyên xưng đặc trưng của Giáo hội tiên khởi, cũng như nhiều lần thánh Phaolô nhấn mạnh tới thần tính của Đức Giêsu.


III. NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊSU KITÔ TRONG MẦU NHIỆM TỰ HUỶ


1. Nhận thức và áp dụng


Qui trình phát triển của cây lúa mì cũng chính là tiến trình cần có, để mỗi người trở nên hoàn thiện và hữu ích cho tha nhân. Thật vậy, trong cuộc  sống, muốn thành công ở bất cứ lãnh vực nào, người ta phải chấp nhận chịu trui rèn trong gian khó, chịu trải qua khổ luyện, chịu kinh qua rất nhiều thử thách. Nhờ đó, họ mới đạt được những thành quả hữu dụng, giúp ích cho chính mình và cho xã hội.


Cũng thế, hành trình tự hủy của Chúa Giêsu phải là mẫu gương chuẩn mực để người tín hữu, nhất là những người sống đời thánh hiến cần soi mình học hỏi mỗi ngày và cố gắng noi theo. Bởi lẽ, trong đời sống Đạo, muốn trở nên trọn lành, người tín hữu phải chấp nhận hy sinh để chiến đấu chống lại sự cám dỗ, phải chấp nhận chịu thiệt thòi để tuân giữ cho trọn Luật Chúa dạy, phải can đảm coi nhẹ mạng sống của mình để giữ vững niềm tin. Nhờ đó, Giáo Hội có được những con người thánh thiện, là hoa thơm trái tốt, hằng nuôi dưỡng và điểm tô cho cuộc đời.


2. Đức Kitô đã tự hạ


Mầu nhiệm kenosis không chỉ được diễn tả nơi cái chết thập giá, nhưng đúng hơn là sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời Đức Giêsu từ khi nhập thể đến khi chịu chết.


Trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa trở nên giống hẳn người phàm, giống chúng ta trong mọi sự chỉ trừ tội lỗi. Đấng Thiên Chúa làm người ấy đã được sinh ra trong cảnh khó nghèo, lớn lên trong một làng quê nhỏ bé và sinh sống bằng nghề thợ mộc. Khi rao giảng, Người sống đời sống nghèo hơn mọi người :”chồn có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu” (Lc 9, 58). Cuối cùng cái chết thập giá cũng là cái chết dành cho những phạm nhân khét tiếng.


3. Động lực lớn nhất là tình yêu


Tin Mừng Ga 13,1-11 vận dụng một hình ảnh khác để diễn tả mầu nhiệm kenosis, đó là trình thuật Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. (Để thấy nội dung này, nên lưu ý những động từ được Thánh Gioan sử dụng và đối chiếu với Pl 2, 6-11).


Đứng dậy,                                     Đấng vốn là Thiên Chúa


Rời bàn ăn,          nhưng không gắn chặt với địa vị Thiên Chúa


Cởi áo ngoài,                                  Người đã huỷ mình ra không


Lấy khăn, thắt lưng,                                    ( trút bỏ vinh quang)


Rửa chân các môn đệ,                                mặc lấy thân nô lệ


Lấy khăn mà lau                                       Người lại còn hạ mình


So sánh trên làm nổi bật ý nghĩa của mầu nhiệm kenosis trong trình thuật Rửa chân, và trình thuật ấy bắt đầu bằng câu: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” ( Ga13,1). Như thế, động lực của kenosis là tình yêu và lòng thương xót, tình yêu đi đến tận cùng, tận cùng sự sống, tận cùng thời gian.


4. Đời sống khiêm nhu tự hạ


Nếu kenosis là điều cốt lõi trong mầu nhiệm Đức Kitô thì Hội Thánh, Thân Thể Đức Kitô, không thể không sống mầu nhiệm ấy. Vì thế, tiếng gọi “huỷ mình ra không” cũng là đòi hỏi chính yếu trong linh đạo Kitô giáo.


Trong linh thao, thánh Inhaxio nói đến 2 chuẩn mực, 2 con đường khác nhau giữa Đức Kitô và Lucifer.


Con đường Lucifer đề nghị là sự giàu có- vinh dự thế gian- kiêu căng, từ đó sinh ra đủ thứ tội lỗi.


Còn con đường của Chúa Kitô mời gọi sự nghèo khó- chịu sỉ nhục- khiêm tốn, và đây mới là con đường giải thoát. Có thể thấy rõ sự đối nghịch của 2 con đường này khi suy niệm về những cơn cám dỗ của Chúa Giêsu phải trải qua, để áp dụng cho chính chúng ta. Đồng thời thấy được sự nghèo khó là đòi hỏi nội tại của sự thánh thiện, theo nghĩa là được hoàn toàn thuộc về Chúa.


Nên nhớ các truyền thống tôn giáo Á Châu cũng đề cao sự từ bỏ và chiêm niệm. Đối với nhà tu hành Phật giáo, việc đầu tiên là phải xuống tóc và qui y Phật pháp, ngày ngày đi khất thực độ nhật qua ngày. Họ đề cao sự ăn chay cầu nguyện (ăn chay trường). Ngay cả Hồi giáo cũng là tấm gương lớn về truyền thống cầu nguyện và đề cao tính siêu việt của Thiên Chúa.


Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về “tân phúc âm hoá để thông truyền đức tin Kitô giáo”, một tiếng nói từ Châu Á, Đức Hồng Y Tagle có lý khi nhấn mạnh rằng: nếu Hội Thánh muốn khơi dậy tinh thần truyền giáo trong thế kỷ XXI, Hội Thánh cần có 3 phẩm chất: khiêm tốn, đơn giản, khả năng thinh lặng.


Thay lời kết: Chỉ mong tôi chẳng còn gì!


Chỉ mong tôi chẳng còn gì,


Nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi.


Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,


Nhờ thế cảm thấy Người ở mọi nơi mọi chốn,


Đến với Người trong mọi thứ mọi điều,


Và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được.


Chỉ mong tôi chẳng còn gì,


Nhờ thế chẳng bao giờ lẩn tránh được Người.


Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,


Nhờ thế trói buộc thân mình vào ý muốn của Người,


Và nhờ thế thực hiện ý Người trong suốt đời tôi,


Ý ấy là: Tình Yêu Người ràng buộc thân tôi.


(R.Tagore. Lời dâng 34)

114.864864865135.135135135250