11/10/2014 -

Suy tư, nghiên cứu

1190
“Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui
Lung linh lung linh hai tiếng gia đình.”[1]

Gia đình là hai tiếng thật thân thương và gần gũi, đã gợi hứng cho biết bao người qua những vần thơ, điệu nhạc. Bởi lẽ, gia đình không chỉ là nơi vun xới tài năng, là trường đào tạo nhân cách, mà còn là nơi nghỉ chân những khi mỏi mệt. Gia đình là mái ấm yêu thương, nơi có sự đáp ứng nhu cầu về tình yêu đôi lứa, cũng như chứa đựng tình thương của cha mẹ đối với con cái, vốn dĩ là điều kiện không thể thiếu cho sự hình thành nhân cách lành mạnh, sung mãn. Hai tiếng “gia đình” cứ lung linh như những vì sao sáng chói, soi đường để mỗi người có thể tiếp bước trên những chặng đường tương lai. 
Thế nhưng, ngày nay, cấu trúc gia đình đang đứng trước thách đố lớn lao của chủ nghĩa tục hóa như đang chi phối mọi lãnh vực của cuộc sống, khiến không ít người phải ngỡ ngàng tự hỏi:

Gia đình có còn là mái ấm hạnh phúc?

            Ở một Giáo xứ nọ, một giáo lý viên đang cố gắng giúp các em thiếu nhi hiểu Thiên Đàng là nơi như thế nào. Kết luận bài học, cô nói: “Cô muốn so sánh Thiên Đàng với gia đình của cô - một nơi tràn đầy tình yêu thương, nơi mà cô có thể tìm thấy được sự bình an, được đón nhận và thông cảm. Đúng vậy, Thiên Đàng giống như tại gia đình của chúng ta vậy đó các em”. Một em thiếu nhi nhìn cô với đôi mắt mở to và nghiêm túc, đáp lời: “Thưa cô, nếu Thiên Đàng giống như gia đình của em, thì em chẳng muốn đi đến nơi đó đâu!”... Có lẽ, những câu trả lời như của em nhỏ này có lẽ không phải là hiếm, khi chúng ta nhìn lướt qua một vài số liệu về việc đổ vỡ gia đình ngày nay. Theo  Cuộc điều tra do Bộ VH-TT&DL, phối hợp với Tổng cục Thống kê, với sự hỗ trợ của UNICEF , vào năm 2006, riêng ở Việt Nam có tới 65.929 vụ ly hôn, tăng 14.568 vụ so với năm 2000. Cũng theo kết quả nghiên cứu khác về xã hội học đã được công bố của tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa thì tỷ lệ ly hôn cả nước từ 31- 40%, như vậy thì có khoảng 3 cặp kết hôn thì có 1 cặp chia tay. Đây quả thật là một con số đáng kinh ngạc. Mặt khác, nếu như trước đây việc ly hôn chủ yếu xẩy ra ở đô thị thì nay cũng đã xẩy ra nhiều ở nông thôn, trước đây rất hiếm gặp ở người theo đạo Công giáo thì nay cũng không ít trường hợp đưa nhau ra tòa ly dị.[2] 

Vậy, đâu là nguyên nhân cho sự đổ vỡ hôn nhân ngày càng nhiều?

Cũng theo thống kê trên thì có 4 nguyên nhân thường xảy ra nhiều là: Mâu thuẫn về lối sống (chiếm 27,7%), ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%).  Đó là những nguyên nhân chủ quan, ngoài ra có nhiều nguyên nhân khách quan như: sự chấp nhận của xã hội về ly hôn như một chuyện bình thường, dư luận xã hội không còn khe khắt trong việc đánh giá về đạo đức với những người phụ nữ theo kiểu “Gái bị chồng bỏ, không chứng nọ cũng tật kia”;  luật pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc ly hôn; người phụ nữ ngày càng độc lập hơn về kinh tế, họ không còn phải phụ thuộc vào chồng như trước đây nếu ly hôn thì không biết sống thế nào? ....
Dĩ nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc vợ chồng dắt nhau ra tòa. Nhưng chúng ta có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng các gia đình bị đổ vỡ là do thiếu tình yêu. Một thực tế rằng gần đây ít còn cảnh “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, và người ta đến với nhau vì yêu nhau. Tuy nhiên, việc đổ vỡ hạnh phúc gia đình ngày càng nhiều có thể lý giải là do người ta không sống đúng với ý nghĩa đích thực của tình yêu trong hôn nhân. Người ta yêu nhau với một tình yêu ích kỷ, chóng vánh. Người ta được thu hút đến với nhau bởi những vẻ bề ngoài như sắc đẹp, tài năng, danh vọng hoặc cùng sở thích... Và khi những thứ thu hút ấy phai tàn đi, hoặc những sở thích dần nhường chỗ cho những khác biệt dần nảy sinh trong quá trình chung sống, những xung đột bắt đầu xuất hiện. Đến khi không thể dung nạp nhau nữa, người ta dễ nói với nhau lời chia tay, với những lý do như: lối sống không hợp nhau, ngoại tình, bạo lực gia đình..... 

Vậy đâu là ý nghĩa đích thực của tình yêu trong hôn nhân?

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phao-lô đã diễn tả tình yêu vợ chồng như tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội (x. Eph, 5, 22 – 32) - Một tình yêu bền vững không biến dạng, không thề phân chia; một tình yêu trao tặng, hiến dâng. Tình yêu ấy là chết đi đối với chính mình, nhưng muốn người mình yêu được sống và sống dồi đào, chứ không phải là lấn lướt để người đó thua kém đi. Và đỉnh điểm của tình yêu ấy là phải sẵn sàng trao hiến mạng sống mình vì người mình yêu như Chúa Giê-su đã hy sinh tính mạng vì Giáo hội. Theo đó, khi người phối ngẫu ốm đau tàn tật, hoặc sa đoạ đến độ không xứng đáng nữa, thì người phối ngẫu kia được mời gọi theo gương Đức Kitô để yêu bằng một tình yêu tự hiến, đó là hy sinh đón nhận suốt đời theo như lời cam kết thủa ban đầu. Tình yêu ích kỷ theo kiểu của con người sẽ tìm cách loại bỏ gánh nặng với nhiều lý do. Nhưng tình yêu trong hôn nhân Công giáo không hề trốn tránh nhưng ôm lấy trách nhiệm, để chu toàn lời Chúa: “anh em hãy mang lấy gánh nặng cho nhau. Như vậy anh em đã chu toàn luật Chúa Kitô” (Gl 6,2).

Dưỡng nuôi tình yêu - Để gia đình mãi mãi lung linh hai tiếng thân thương.

Gia đình có tình yêu thương thì mới thật sự vững mạnh. Tình yêu thương ấy xét theo chiều kích giữa cha mẹ với nhau và giữa cha mẹ với con cái. Trong đó, tình yêu giữa cha mẹ với nhau phải là yếu tố đầu tiên. Các nhà tâm lý học đã cho biết rằng có đến khoảng 68% những gia đình mà cha mẹ không hòa thuận thì có con cái hư hỏng. Bởi vì, khi cha mẹ không hòa thuận với nhau thì con cái thường phải sống trong tình trạng lo lắng và điều ấy làm cho các em dễ trở thành bướng bỉnh và thường muốn tách ra khỏi sự ràng buộc của cha mẹ. Nhưng nếu cha mẹ sống hòa thuận, nhường nhịn nhau, thì con cái cũng sẽ ngoan ngoãn và dễ dạy hơn nhiều.
Thứ nữa, là cha mẹ cùng yêu thương chăm lo cho con. Một thực tế còn tồn tại trong các gia đình Việt Nam là nhiều cha mẹ thì vì quá bận rộn với công ăn việc làm mà ít dành thời gian chăm sóc dạy dỗ cho con cái, điều ấy ảnh hưởng đến sự phát triển của các em. Có bậc cha mẹ thì ít khi ăn nói tử tế với con nhưng lại hay sai bảo, la mắng chúng. Ngược lại, trong nhiều gia đình khác thì cha mẹ lại tôn trọng, cưng chiều con một cách thái quá, xem con là trung tâm của đời sống. Con cái đòi hỏi điều gì cũng được, cha mẹ luôn chiều ý chúng vì sợ chúng khóc... Những kiểu thương con như thế là làm hại cho con.  Trái lại, bậc cha mẹ phải thương con với lòng nhân từ, nhịn nhục, kiên nhẫn, tha thứ mọi lỗi lầm của con, chấp nhận ưu điểm lẫn khuyết điểm của chúng. Tình yêu ấy được biểu lộ qua sự nuôi dưỡng, chăm sóc ân cần chu đáo, dạy dỗ con cái theo đường lối Chúa, khích lệ, động viên con cái khi chúng gặp thất bại, buồn rầu; khen ngợi khi con làm được điều tốt...
.....................................
      Ngày nay, xã hội phát triển, nhiều thứ đổi thay nhưng gia đình vẫn mãi luôn đóng một vai trò quan trọng, mà không có tổ chức xã hội nào có thể thay thế được. Đúng như Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói: “gia đình làm nền tảng cho xã hội và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống: chính giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân đức xã hội, là linh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển của xã hội”[3]
Nhờ có tổ ấm gia đình mà con người mới có thể phát triển quân bình về mọi mặt và chỉ khi gia đình được hạnh phúc, phát triển mọi mặt thì giáo xứ mới thăng tiến, Giáo hội và xã hội mới vững mạnh. Tuy thế, hạnh phúc gia đình ngày nay đang đứng trước nhiều thử thách và sự bền vững của hôn nhân đang có nhiều bóng tối đe dọa. Mặc dù có nhiều trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân & gia đình và không thiếu những chương trình tư vấn tâm lý trên truyền thanh, truyền hình nhưng tình hình cũng không khả quan hơn. Bởi vì  thực ra, xét cho cùng, đó chỉ là những kỹ năng giải quyết, chứ không hướng người ta đủ đến đi đến ý nghĩa đích thực của tình yêu trong hôn nhân. Chỉ khi vợ chồng biết trao nhau tình yêu tự hiến - tình yêu ấy là không sống cho mình nhưng sống cho người mình yêu - thì hôn nhân mới thật hạnh phúc, bền vững.
            Đình Nguyễn

[1] Phương Thảo &Ngọc Lễ, Ba ngọn nến lung linh.
[2] Theo aFamily / http://suyniemloichua.blogspot.com/2011/12/giat-minh-vi-con-so-thong-ke-cua-gia.html
[3] Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn về Những Bổn phận của Gia Đình Kitô hữu, số 42
114.864864865135.135135135250