18/05/2015 -

Suy tư, nghiên cứu

3672

Tháng năm đã tới, mọi người luôn nghĩ về một tháng dành để dâng kính Đức Mẹ. Nhưng phụng vụ Giáo hội lại đặt ngày đầu tiên trong tháng năm để nhớ về một vị thánh luôn âm thầm: Thánh Giuse thợ – bổn mạng giới lao động. Chắc hẳn phải có lý do nào đó để Giáo hội mời gọi các tín hữu nhìn lại về lao động. Chắc chắn việc lao động của chúng ta phải được bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì nếu không như vậy thì những kết quả của chúng ta làm ra chẳng đem lại lợi ích gì. Để có thể nhìn lại vấn đề này, chúng ta cần liên kết việc làm của chúng ta với công việc của Thiên Chúa: sáng tạo...

1. Thiên Chúa tạo dựng trời đất

a. Thiên Chúa sáng tạo trời đất trong sáu ngày

Câu chuyện Thiên Chúa tạo dựng trời đất trong sáu ngày luôn là đề tài thú vị cho các học giả cũng như mỗi người chúng ta, câu chuyện đó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng. câu chuyện này là những suy tư thần học về vũ trụ và con người được diễn tả trong nền văn hoá của thời đại dân Ítraen xưa kia.

Việc Thiên Chúa sáng tạo thế giới trong sáu ngày nhằm đề cao ngày thứ bảy. Ý tưởng về ngày thứ bảy là để đề cao việc phụng thờ Thiên Chúa, Đáng Sáng Tạo vũ trụ này. Thiên Chúa là mẫu gương cho công việc của con người, lao động để nhằm tôn vinh Thiên Chúa.

b. Ý nghĩa của giáo lý về công trình Sáng tạo

Khi nói về ý nghĩa của công trình sáng tạo, các nhà thần học đưa ra rất nhiều quan điểm, nhưng một quan điểm nổi bật lên đó là việc Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác vào công trình tạo dựng của Ngài một cách trực tiếp.

Theo kế hoạch của Thiên Chúa, chúng ta là “những người đồng sáng tạo” với Ngài, cùng Ngài làm thế giới này phát triển. Thiên Chúa phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Rõ ràng là Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã kết giao chúng ta với chính Ngài và với các công việc của Ngài. Qua các hoạt động làm cho thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta làm “dưới sự hiện diện của Thiên Chúa” để thực hiện kế hoạch hoàn thành mọi sự mà Thiên Chúa đã giao cho chúng ta.

2. Con người cộng tác vào công trình sáng tạo qua lao động

a. Lao động là sự lành hay sự dữ?

Một số người cho rằng việc con người phải lao động chính là hình phạt, là sự dữ đến với con người sau khi Tổ tông loài người phạm tội: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra”. (St 3,19)

Phải chăng đó là đau khổ dành cho con người sau khi con người phạm tội?

b. Lao động là cộng tác với Thiên Chúa

Khác với loài vật, con người được Thiên Chúa ban cho linh hồn. Đó chính là lý trí, tinh thần, khát vọng, cảm xúc... Cùng là việc ăn uống, nhưng con người lại biết chế biến, biết trang trí món ăn, và ăn uống lịch sự, còn loài vật thì không. Trong một thí nghiệm, người ta huấn luyện một con khỉ dùng cái xô, lấy nước từ một cái hồ để chữa lửa; rồi người ta đưa nó đến bãi biển để thí nghiệm: con khỉ cứ chạy tới chạy lui với cái xô mà không biết múc nước từ biển để dập lửa. Sự khác biệt đó chính là khả năng sáng tạo mà Thiên Chúa ban cho con người. Con người có thể làm ra những vật chưa hề có để phục vụ nhu cầu của mình nhờ lao động. Như vậy, lao động là một hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.

Hơn nữa, chính Đức Giêsu còn nói về Thiên Chúa Cha như là một Đấng luôn làm việc không ngừng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Vậy thì việc lao động lại là hình phạt dành cho con người sao?

3. Mẫu gương sáng tạo

a. Làm việc theo gương mẫu Thiên Chúa

Thiên Chúa sáng tạo trong sáu ngày, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi chính là việc thể hiện quyền làm chủ. Nghỉ ngơi để trao quyền lại cho con người. Nghỉ ngơi để hoàn tất công việc của mình. Con người được mời gọi theo mẫu gương của Thiên Chúa, lao động là điều cần thiết, nhưng trên hết là để thờ phượng Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng muôn loài vì yêu thương.

b. Làm việc theo gương mẫu tuyệt hảo là Đức Giêsu

Thiên Chúa đã gửi Con Yêu Dấu của Ngài là Đức Giêsu đến với loài người. Chắc chắn Đức Giêsu chẳng dựa vào quyền năng của mình để “biến đá thành bánh” mà không cần phải lao động. Chính Ngài đã làm việc miệt mài, đến nỗi mọi người gọi Ngài là “con bác thợ mộc”. Rồi suốt ba năm sứ vụ, Ngài làm việc liên lỉ để mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha, để mọi người biết ơn cứu độ đã tới...

Bạn và tôi cũng được mời gọi để sáng tạo cùng Thiên Chúa. Sáng tạo không phải để hủy diệt, nhưng sáng tạo là để nảy mầm: nảy mầy yêu thương. Vì thế, chúng ta được mời gọi xây dựng cộng đoàn, “sáng tạo” một cộng đoàn biết yêu thương nhau: mỗi người có một ơn gọi để cộng tác với nhau trong việc xây dựng “nền văn minh tình thương”, xây dựng một “Nước Trời tại thế”.

 

Giuse Vũ Hải Vương, OP.

114.864864865135.135135135250