06/12/2016 -

Suy tư, nghiên cứu

1078
Đứng trên quan điểm đạo đức học, lương tâm luôn luôn là thẩm quyền cuối cùng để soi sáng và hướng dẫn hành vi của con người. Nếu nhân loại vẫn tiến bước, bất chấp những thất bại và sự lộng hành của tội ác, cũng như các sức mạnh phi nhân bản, là nhờ một số người vẫn can đảm nói lên tiếng nói của lương tâm và trong một số trường hợp dám đi ngược dòng đời.

Nhưng nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Nhờ sức mạnh của khoa học kỹ thuật, con người đang chế ngự thiên nhiên và triệt để khai thác nó hầu làm cho cuộc sống được tiện nghi, sung túc, thoải mải hơn. Tuy nhiên, với sự trợ lực của khoa học kỹ thuật và dựa trên tiêu chuẩn lợi nhuận của kinh tế thị trường, con người cũng đang tàn phá thiên nhiên và hủy hoại chính môi trường sống của mình. Vì vậy, một mình tiêu chuẩn đạo đức cổ truyền dựa trên lương tâm và phán đoán cá nhân mà thôi thì không đủ để giải quyết những vấn đề đương đại. Có những trường hợp, chỉ duy đạo đức cá nhân mà thôi không những khiếm khuyết, không tưởng, phi lịch sử, phi chính trị, mà rất có thể nguy hiểm nữa.

Nhân loại đang cần đến đạo đức trách nhiệm. Tuy nhiên, một đạo đức trách nhiệm thuần túy, hoàn toàn vắng bóng xác tín đạo đức, có thể dẫn đến một thứ kỹ trị khủng khiếp hay một thứ machiavellisme ghê rợn. Nhân danh chủ nghĩa thực dụng chính trị phải chăng người ta đã chẳng chọn lựa những giải pháp mang lại hiệu năng nhất, theo đó giải pháp tốt là giải pháp vận hành trơn tru và mang lại nhiều lợi tức? Hơn bao giờ hết, cần có sự đồng hành của đạo đức trách nhiệm và đạo đức xã hội[1].

1. Đạo đức trách nhiệm

Con người đức hạnh theo đạo đức cổ truyền cảm thấy có nhiệm vụ bảo vệ đến cùng nguyên lý đạo đức, và chấp nhận trả giá cho chọn lựa tự do nhân danh lý tưởng đạo đức. Họ cũng có ý thức trách nhiệm đối với những sai lầm, khuyết điểm hay hậu quả trực tiếp từ những hành động của chính mình. Nhưng thường khi họ lại không cảm thấy trách nhiệm đối với những hiệu quả xấu do những hành động hay chọn lựa mà họ đã thực hiện nhân danh lương tâm hay xác tín đạo đức. Họ cũng mơ hồ nghĩ rằng từ cái tốt chỉ có thể phát sinh cái tốt và từ cái xấu chỉ sinh ra cái xấu mà thôi. Đạo đức truyền thống cũng ít khi để ý đến những hiệu quả mang chiều kích xã hội và môi trường của một hành động hay một chọn lựa tự do.

Ngày xửa ngày xưa, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nhân loại đã khoác cho thiên nhiên một “sức mạnh thần thiêng” hay một thứ “ma lực” nào đó, mà con người phải van xin và chấp nhận như một thứ “định mệnh”. Nhờ tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, nhân loại đã bước từ tình trạng phục tùng thiên nhiên sang giai đoạn khai thác và bá chủ nó để phục vụ lợi ích của mình. Không ai có thể phủ nhận những thành quả tích cực mà khoa học kỹ thuật đã đạt được trong mấy thập niên vừa qua. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, con người nắm trong tay khả năng phá hủy, một cách bất khả phục hồi, chính sự sống và môi trường sống của mình. H. Jonas đã tóm lược cái nghịch lý - bi thảm của một thời đại, mà những hứa hẹn về một tương lai tươi sáng dựa trên “sức mạnh vạn năng” của khoa học lại trở thành mối đe dọa ghê sợ nhất cho sự sinh tồn của chính nhân loại: “Lời hứa hẹn của kỹ thuật đương đại đã đảo lộn thành mối đe dọa (…). Nó vượt xa trạng thái của một đe dọa thể lý. Do những thành công vượt qui chuẩn, hành động bá chủ thiên nhiên để phục vụ hạnh phúc của con người đã trở nên một thách đố lớn lao, chưa từng thấy cho con người”[2].

Đối diện tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cuộc cách mạng tin học, toàn cầu hóa, kinh tế thị trường… người ta nhận thấy những bất cập của một nền đạo đức chỉ dựa trên xác tín cá nhân và phán xét chủ quan của lương tâm, bởi vì nó thường co cụm ở bình diện nội tâm, mãn nguyện với những chọn lựa theo tiêu chuẩn cá nhân, với cái nhìn khá ngây thơ và đơn giản về thế giới đương đại. Đạo đức truyền thống cũng thường quay về quá khứ hơn là hướng tới tương lai, lấy con người làm trung tâm, đặt nặng mối tương quan giữa người với người, nhấn mạnh đến luật hỗ tương giữa các tác nhân, nhất là bị đặt trong một không gian gần gũi và thời gian tức thời. Trong bối cảnh xã hội trước đây, những hậu quả tiêu cực của hành động con người trên thiên nhiên hay trên môi trường sinh thái, nếu có, cũng chỉ mang tính cách giới hạn, ở một không gian và thời gian nhỏ hẹp. Do đó, chính thiên nhiên sẽ có khả năng từ từ tái lập thế quân bình.

Nhưng lịch sử đã sang trang, chúng ta đang ở vào một khúc quanh quan trọng nhất của lịch sử nhân loại. Dưới con mắt của H. Jonas, đạo đức cổ truyền, được định hướng theo “đạo đức hướng đích” (éthique téléologique) của Aristote hay “đạo đức nghề nghiệp” (déontologique) của Kant không đủ khả năng để nhận diện tính trầm trọng, sâu thẳm, lớn lao và đột biến của những vấn đề thời đại. Để có thể trả lời cho những yêu sách lớn lao đó, cần được bổ túc bởi đạo đức trách nhiệm[3].

Theo quan di?m c?a E. Levinas[4], P. Ricoeur[5] và Hans Jonas, đạo đức trách nhiệm xây dựng trên nghĩa cử của con người đối với tha nhân, cũng như nhiệm vụ liên đới của mỗi người trước tất cả những gì dễ đổ vỡ, dễ tổn thương, đang bị đe dọa và có nguy cơ diệt vong cao nhất. Nói theo ngôn ngữ của Levinas, chúng ta “đã bị bắt làm con tin” cho những gì mỏng dòn, dễ đổ vỡ và bị đe dọa nhất. Chính vì vậy, đạo đức trách nhiệm gắn liền với sứ vụ làm người, cũng như nghĩa vụ của chúng ta đối với tương lai nhân loại nói chung và những gì đang bị đe dọa nhất nói riêng. Trách nhiệm này có tính cách tiên thiên, nối kết với ơn gọi làm người và tình liên đới. Nó luôn đi trước tự do lựa chọn của chúng ta, và luôn trăn trở về tương lai của xã hội, cũng như của chính nhân loại.

Nếu đạo đức truyền thống theo mô hình của Kant khởi sự từ bổn phận để đi đến khả năng: “Anh có trách nhiệm, do đó anh có thể” (tu dois, donc tu peux), thì đạo đức trách nhiệm lại khởi đi từ khả năng của con người để đi đến bổn phận: “Anh có thể, do đó anh phải” (tu peux, donc tu dois). Đối với H. Jonas, “trách nhiệm nối kết chặt chẽ với khả năng, đến nỗi trương độ và mô hình của khả năng sẽ quy định trương độ và mô hình của bổn phận”[6]. Trong thực tiễn xã hội, trương độ và mô hình của bổn phận được quy định bởi trương độ và mô hình khả năng kỹ thuật của mỗi giai đoạn lịch sử, bởi vì nếu phó mặc cho cái lo-gích của nó, kỹ thuật hiện đại có khả năng tận diệt một cách bất khả phục hồi tất cả sự sống trên trái đất. Đạo đức trách nhiệm vì vậy được đặt ra một cách khẩn thiết.

Từ viễn tượng đạo đức học, trách nhiệm đối với thiên nhiên, cũng như đối với tương lai, nói cho cùng chỉ là hệ luận của trách nhiệm đối với con người. Đúng như Bernard Sève đã nhận định, chúng ta có trách nhiệm trực tiếp đối với con người hôm nay cũng như con người tương lai, và gián tiếp đối với thiên nhiên, được coi là điều kiện và khả năng cải thiện cuộc sống nhân loại[7].

Hans Jonas diễn tả nét độc đáo và đỉnh cao của đạo đức trách nhiệm nơi trách nhiệm của cha mẹ. Theo ông, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái chính là “kiểu mẫu gốc của mỗi một trách nhiệm… Đứa trẻ là đối tượng của trách nhiệm không những trong các nhu cầu thiết yếu, mà trong trọn vẹn cuộc sống và trong mỗi một khả thể… Nói tóm lại, việc chăm sóc của cha mẹ bao hàm trách nhiệm về tất cả sự hiện hữu và sự phát triển toàn diện của đứa trẻ”.

Trách nhiệm của nhà cầm quyền đối với cộng đồng chính trị, ít nhất theo định nghĩa của Aristote, cũng tương tự với trách nhiệm của cha mẹ nói trên: “Nhà nước được thành lập để phục vụ cuộc sống nhân loại và tiếp tục hiện hữu để làm cho cuộc sống được tốt đẹp hơn. Đó cũng là mối bận tâm của nhà cầm quyền đích thực”. Đối với Hans Jonas, “nhà chính trị, trong ý nghĩa viên mãn của hạn từ, phải trách nhiệm về cuộc sống của cộng đồng cũng như về cái gọi là của công (…). Vai trò của họ tương tự như vai trò của cha mẹ: nó bao gồm cả một lãnh vực rộng lớn đi từ sự hiện hữu thể lý cho đến nhu cầu cao, từ ứng xử tốt cho đến việc kiến tạo hạnh phúc”[8].

Đạo đức trách nhiệm ra đời trong giai đoạn phát triển của khoa học kỹ thuật và nhấn mạnh đến trách nhiệm của chúng ta đối với tha nhân, cũng như đối với một tương lai đầy bất trắc. Đây là thái độ tự do đảm nhận trách nhiệm của chủ thể về những hành động và những hiệu quả chưa thể lường được trong tương lai, ngay cả trong trường hợp chúng ta không nhắm đến và cũng chẳng chọn lựa những hiệu quả này.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, bên cạnh Nhà nước, xã hội dân sự đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cổ võ đạo đức trách nhiệm. Dưới đây là một vài suy nghĩ thô thiển chung quanh vấn đề này.

2. Xã hội dân sự

Thuật ngữ “xã hội dân sự” (Societas civilis, Civil Society, Société civile, Sociedad civil) có một tiến trình hình thành phức tạp và bao hàm nhiều nghĩa khác nhau trong tư tưởng chính trị ở mấy thế kỷ gần đây. Theo nguyên nghĩa, “xã hội dân sự” (societas civilis) đối lập với “xã hội tự nhiên” (societas naturalis) và hầu như đồng nghĩa với “xã hội chính trị”, nghĩa là với “Nhà nước”. Quan niệm nguyên thủy về luật tự nhiên cho rằng xã hội dân sự hoặc Nhà nước được khai sinh để đối kháng với tình trạng sơ khai của nhân loại, trong đó con người chẳng có một luật lệ nào khác, ngoại trừ luật tự nhiên hoặc tệ hơn nữa “luật rừng”. Xã hội dân sự ra đời cùng với cơ chế pháp lý và quyền bính hợp pháp nhằm đảm bảo cho các thành viên những quyền lợi căn bản như hòa bình, yên ổn, trật tự, tự do, tư hữu…, chống lại sự hỗn loạn, tranh chấp, bạo động… trong tình trạng tự nhiên.

Triết gia E. Kant biện minh cho sự cần thiết và hữu ích của xã hội dân sự như sau: “Con người cần phải ra khỏi tình trạng tự nhiên, nơi mà mỗi cá nhân theo đuổi những sở thích ngông cuồng của mình, để nối kết với những người khác (…), tự đặt mình một cách công khai dưới sự chế tài ngoại tại hợp pháp (…): Nên nói rằng, trên hết mọi sự, mỗi người cần gia nhập vào xã hội dân sự”[9].

John Locke giới thiệu xã hội chính trị và xã hội dân sự bằng những dụng ngữ chuyên môn hơn: “Những người được kết hợp trong một cơ thể xã hội và có một luật lệ thiết định chung cũng như có cơ quan tư pháp để giải quyết các khiếu kiện, với thẩm quyền quyết định những tranh cãi giữa họ, là những người cùng chung sống trong một xã hội dân sự. Còn những người không có nơi khiếu kiện chung như thế (…), thì vẫn luôn luôn ở trong trạng thái tự nhiên”[10].

Kể từ đầu thế kỷ XIX, thuật ngữ “xã hội dân sự” được sử dụng để phân biệt và đối lập với Nhà nước. Kể từ đây, Nhà nước không còn đồng hóa với xã hội dân sự, mà chỉ là một bộ phận của cơ cấu xã hội rộng lớn và phức tạp. Xã hội dân sự bao gồm nhiều mối tương quan giữa các cá nhân, các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể, các hiệp hội, các giai cấp xã hội…, được phát triển và nối kết với nhau bên ngoài những tương quan quyền lực, nghĩa là bên ngoài các cơ cấu đặc thù của Nhà nước. Nói cách khác, xã hội dân sự được coi là một vùng đất rộng lớn, phong phú, năng động và phức tạp của những mối tương quan cũng như của các cuộc tranh chấp và xung đột về kinh tế, xã hội, ý thức hệ, văn hóa, tôn giáo…, mà Nhà nước có nhiệm vụ giải quyết.

Xử dụng tiêu chuẩn biện phân của Max Weber giữa quyền lực hiện thực và quyền lực pháp lý, nhiều chuyên viên cho rằng xã hội dân sự là mảnh đất của những tương quan có “quyền lực hiện thực”, trong khi Nhà nước là cơ quan nắm giữ “quyền lực pháp lý”, do xã hội dân sự ủy thác. Theo ý nghĩa chuyên môn của thuật ngữ, Max Weber đã diễn tả Nhà nước như cơ quan “độc quyền sử dụng quyền lực hợp pháp”[11].

Xã hội dân sự có nhiều sáng tạo, đầy năng động, gần gũi với nhu cầu cuộc sống và đổi mới nhanh hơn Nhà nước. Thông thường, Nhà nước không những không đủ khả năng để nắm bắt tất cả những canh tân, biến đổi, phát triển và sức sống mới nẩy sinh trong lòng xã hội dân sự. Trái lại, Nhà nước luôn có nguy cơ quan liêu hóa, bị sơ cứng, bảo thủ và lạc hậu trước những biến chuyển của thời đại. Chính vì vậy, từ xã hội dân sự thường xuất hiện những phê bình, chỉ trích, phản biện và đề nghị đổi mới mà Nhà nước thường khi không muốn chấp nhận hay không thể đáp ứng. Đó là một trong những lý do tạo nên sự căng thẳng và xung đột, nhưng đồng thời cũng nguồn gốc của những sáng kiến, canh tân, đổi mới, tiến bộ.

Jacque Maritain đưa thêm một phân biệt khá thú vị: Xã hội dân sự hay “cơ thể chính trị” được quan niệm là một xã hội hoàn bị, có mục đích là “công thiện công ích”, trong khi đó Nhà nước chỉ là một phần của “cơ thể chính trị”, được trao phó trách nhiệm quản trị quyền bính để phục vụ công thiện công ích và kiến tạo lợi ích cho các thành viên của xã hội chính trị. Đối với J. Maritain, chính nhân dân mới là bản thể đích thực, sống động và tự do của “cơ thể chính trị”. Theo ông, dân chúng lãnh nhận từ Tạo Hóa trọn vẹn quyền bính, rồi trao nó cho Nhà nước. Do đó, Nhà nước không nắm quyền “tối cao” theo nghĩa chặt, mà thực ra chỉ là thành phần và công cụ của xã hội chính trị. Nói rõ hơn, quyền bính thuộc về nhân dân và Nhà nước được dân chúng trao phó quyền bính đó để phục vụ công ích[12].

Hiện nay, thuật ngữ “xã hội dân sự” ám chỉ tất cả lãnh vực xã hội rộng lớn nằm ngoài guồng máy Nhà nước và không thuộc thị trường theo nghĩa chặt. Nói rõ hơn, xã hội dân sự bao gồm các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể, các hiệp hội, các nghiệp đoàn, các câu lạc bộ, các hội ái hữu, các cơ quan truyền thông đại chúng, các trung tâm học vấn, các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức văn hóa, các tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan từ thiện, v.v… Ở các nước phát triển, “Xã hội dân sự” lớn mạnh và đóng vai trò kiểm soát Nhà nước, cũng như hướng dẫn thị trường. Tại nhiều nước đang phát triển, “Xã hội dân sự” đang đòi lại khung trời tự do, độc lập và sáng tạo trong lãnh vực nghệ thuật, văn hóa, kinh tế, tư tưởng, tâm linh… mà một thời Nhà nước đã lấy mất.

3. Mô hình ba bàn tay

Với tiến trình toàn cầu hóa và việc hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường ngày một rõ nét và lớn mạnh hơn trong xã hội Việt Nam. Kinh tế tư nhân và sáng kiến cá nhân bắt đầu có những đóng góp thật ý nghĩa cho đất nước. Nhưng thị trường không những không phải là thuốc thần trị bách bệnh, trái lại, với tiêu chuẩn kiếm tìm lợi nhuận, thị trường nhiều lần đã đẩy nhân loại vào tình cảnh “thập tử nhất sinh”. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là một thí dụ gần gũi nhất. Cũng chẳng có thể trông chờ nơi thị trường những trận mưa lợi nhuận đồng đều xuống trên mọi tầng lớp trong xã hội. Trái lại, tăng trưởng kinh tế và phát triển khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ mũi nhọn, sẽ gia tăng hiện tượng tập trung tài sản trong tay những người giàu và có chuyên môn cao. Bất quân bình xã hội nói chung và chênh lệch giàu nghèo nói riêng, sẽ ngày một sâu thẳm hơn.

Để thị trường có thể làm tốt vai trò của nó, Nhà nước phải đóng trọn vai trò quản lý và đưa ra định hướng hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người. Chúng ta cần một Nhà nước tân tiến, hữu hiệu, năng động, có khả năng nắm bắt thị trường, hoạch định kế hoạch phát triển dài hạn, thiết lập hệ thống luật pháp công minh, nền giáo dục hiện đại, tư bản nhân văn cao, tiền tệ ổn định, hạ tầng cơ sở tốt, v.v. Nhà nước không những có nhiệm vụ kiến tạo những điều kiện cần thiết nói trên, mà còn đóng vai trò sửa sai những khuyết điểm của thị trường và tạo cơ hội để những người kém may mắn có thể hội nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, Nhà nước không được bao cấp hay có tham vọng làm thay những gì mà tư nhân làm được và làm tốt hơn, đặc biệt trong lãnh vực sản xuất và giáo dục.

Trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy Ngân hàng Thế giới coi “hành động hỗ tương giữa Nhà nước và thị trường” như một yếu tố quan trọng cho phát triển. Thật sai lầm khi cho rằng giữa Nhà nước và thị trường phải chọn một bỏ một. Vấn đề đích thực không nằm ở chỗ phải lựa chọn Nhà nước hay thị trường, bởi vì cả hai đều đóng vai trò quan trọng và không thể thay thế trong phát triển kinh tế”[13].

Hơn thế nữa, ở thời đại toàn cầu hóa, đa dạng, đa cực, hết sức phức tạp và biến đổi khôn lường như thời đại chúng ta, không còn giải pháp đơn thuần hay đơn giản cho những vấn đề to lớn. Và cũng chẳng có nước nào có thể tự mình giải quyết những vấn đề kinh tế của thế giới. Chính vì vậy thiết tưởng cần phải xét lại mối xung đột cũ giữa Nhà nước với thị trường.

Tuy nhiên, để “bàn tay pháp lý” của Nhà nước có thể hoạt động đắc lực với “bàn tay vô hình” của thị trường, nhất là để tăng trưởng kinh tế đi song song với phát triển xã hội, thiết tưởng cần thêm một bàn tay thứ ba: “bàn tay liên đới” của xã hội dân sự. Michel Camdessus, cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, coi việc kết hợp mật thiết giữa “ba bàn tay” này như một đòi hỏi khẩn thiết của thời đại, hầu tạo thành một thế chân vạc trong phát triển kinh tế và phát triển con người[14]. Ông cho rằng một chính phủ tốt là một chính phủ “không những tôn trọng nhân quyền mà còn tích cực tạo điều kiện và cơ cấu thích hợp để mọi thành phần trong xã hội có cơ hội tham gia, giảm thiểu việc tập trung quyền bính ở trung ương và thúc đẩy tự do đầu tư trong các hoạt động sản xuất, với sự hỗ trợ của một Nhà nước đã được điều chỉnh một cách hợp lý”[15].

Chính xã hội dân sự sẽ là sức mạnh nối kết Nhà nước với thị trường, hai thế lực từng đối kháng kịch liệt trong quá khứ. Phải “làm sao để dân chúng hướng dẫn Nhà nước cũng như thị trường ngõ hầu cả hai phải làm việc chung và phải làm sao dân chúng có đủ sức mạnh để có ảnh hưởng hữu hiệu trên cả hai”[16]. Đây là một mô hình phát triển tương đối mới, nhưng tiềm năng của nó rất lớn trong việc đưa ra một giải pháp toàn diện hơn. Ít nhất, xã hội dân sự sẽ góp phần sửa sai “tính bao cấp” và “quan liêu” của Nhà nước, cũng như bộ mặt “rừng rú” của thị trường, đồng thời đặt nổi vai trò quan trọng của giáo dục và tư bản nhân văn, cũng như kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và phát triển con người toàn diện[17].

4. Ước mơ nào cho Việt Nam?

Nhờ chính sách Đổi mới, nền kinh tế phá sản của thời bao cấp được vực dậy và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh suốt hai thập niên vừa qua. Bất chấp những tác động tiêu cực do thiên tai trong nước và do tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2007 lên tới 8,5% và năm 2008, bất chấp mọi khó khăn, vẫn đạt được mức tăng trưởng 6,23%. Căn cứ vào kết quả tăng trưởng kinh tế nói trên, một số người nghĩ rằng người Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mười năm (2001-2010) nhằm đưa đất nước ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp vào năm 2010.

Trên nguyên tắc, phát triển kinh tế phải được thể hiện qua việc cải thiện mức sống và phẩm chất cuộc sống của người dân. Rất tiếc, xem ra tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện nay chưa đồng hành với phát triển xã hội và nhất là phát triển con người! Có người sợ rằng chúng ta đang trải qua một một cuộc “khủng hoảng về giá trị”: Gia đình và xã hội ngày một rệu rã, rạn nứt; giáo dục xuống dốc; bất quân bình xã hội tăng cao; tham nhũng trở thành quốc nạn; đạo lý cương thường đảo điên; nhiều người trẻ mất định hướng, quay cuồng, sống vội, chụp dựt, buông thả!..

Tại sao có hiện tượng phi lý nói trên? Tại sao kinh tế tăng, nhưng chất lượng cuộc sống của đại đa số dân chúng không những không tăng mà đang giảm sút? Tại sao trái ngọt và quả đắng do tăng trưởng kinh tế không được chia đồng đều cho các thành phần khác nhau trong xã hội? Tại sao hố phân cách giàu nghèo ngày càng sâu thẳm hơn trong một nước được mệnh danh là Nhà Nước của giai cấp công-nông? Xã hội dân sự có thể và phải làm gì? Chúng ta thử nhìn vấn đề khởi đi từ kinh nghiệm của Trung Quốc.

a. Từ câu chuyện Trung Quốc

Theo nhiều chuyên viên, nhờ đi tắt và đón đầu, Trung Quốc đã thành công trong bước nhảy vọt thần kỳ từ thời hồng hoang của Cách mạng Văn hóa sang giai đoạn gia nhập WTO, trở nên thành viên của G8... Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cái khoảng cách vời vợi giữa hai thời đại ấy, mà Âu châu đã phải kinh qua trong 400 năm, người Trung Quốc đã rút gọn lại chỉ vỏn vẹn trong khoảng 40 năm.

Với chính sách “tứ hiện đại hóa” của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã thực sự đạt được sự bùng nổ kinh tế trong một thời gian kỷ lục. Thâm Quyển, chẳng hạn, trước năm 1979 chỉ là một làng chài nghèo nàn, cô quạnh với 11.000 dân, thế mà vào năm 2005 đã trở thành một thành phố công nghệ hiện đại với 11 triệu dân và một cảng container đứng hàng thứ tư trên thế giới. Từ năm 1980 đến năm 2004, kinh tế Thâm Quyến tăng trưởng theo mức độ bình quân khoảng 28% mỗi năm, với tổng thu nhập nội địa tăng vọt từ 32,5 triệu lên 41 tỉ USD.

Không ai phủ nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong mấy thập niên vừa qua là một kỷ lục thế giới. Theo ông Kishore Mahbubani, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc và hiện nay là hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, sở dĩ Trung Quốc đạt được kỷ lục về tăng trưởng kinh tế là nhờ đã vận hành tốt kinh tế thị trường, trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài, trọng dụng nhân tài, đầu tư mạnh mẽ vào khoa học - công nghệ…[18].

Nhưng hoa hồng nào mà chẳng có gai và mề đay nào mà chẳng có mặt trái khó thương của nó! Đọc tác phẩm của một số nhà văn Trung Quốc đương đại như Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn, Du Hoa, Vệ Tuệ[19]… chúng ta nhìn thấy những nét phác thảo của xã hội Trung Quốc trong buổi giao thời. Đặc biệt, qua cu?n ti?u thuy?t “Huynh Ð?”, m?t cu?n ti?u thuy?t du?c vi?t sau cu?c g?p gỡ giữa hai th?i d?i, Dư Hoa đã diễn tả những “cú xốc” của xã hội Trung Quốc trải dài suốt bốn mươi năm qua, từ cuộc “Cách mạng Văn hóa” đẫm máu cho đến giai đoạn “phát triển quay cuồng” hiện nay. Thị trấn Lưu bé nhỏ cứ điên cuồng chạy trên đường ray tăng trưởng kinh tế, bất chấp bao phận người tả tơi, bao gia đình rạn nứt và đổ vỡ, bao giá trị truyền thống bị chà đạp. Những khốn khổ, quay cuồng và đột biến trong cuộc đời của Lâm Hồng có thể nói là một thứ âm bản của thị trấn Lưu: “Một thiếu nữ ngây thơ trong trắng, dễ xấu hổ. Một cô gái ngọt ngào khi tình yêu chớm nở. Một người vợ hiền nết na trong tim chỉ có Tống Cương. Một người tình điên cuồng làm tình ba tháng với Lý Trọc (em chồng). Một bà góa sống buồn rười rượi. Một người đàn bà độc thân nét mặt thờ ơ, ở ẩn trong nhà rất hiếm ra ngoài”[20]. Thế mà, bỗng dưng trở thành một bà chủ nhà chứa hiện đại, sang trọng, lạnh lùng và rất chuyên nghiệp!

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Văn học Trung Quốc về cuốn tiểu thuyết này, Dư Hoa tuyên bố: “Phần một là câu chuyện xảy ra trong Cách mạng văn hóa, đó là thời đại của tinh thần cuồng nhiệt, bản năng bị kìm nén và những số phận vô cùng thê thảm, không khác gì thời Trung cổ ở Châu Âu. Phần hai là câu chuyện đang diễn ra hiện nay, đó là một thời đại luân lý đảo điên, nôn nóng, buông thả, sống gấp và chúng sinh bày ra muôn hình muôn vẻ, còn hơn cả Châu Âu hiện nay. Một người phương Tây phải sống bốn trăm năm mới trải qua hai thời đại khác nhau một trời một vực này, nhưng một người Trung Quốc chỉ cần 40 năm là đã trải qua. Vô vàn những biến động trong bốn trăm năm được cô đúc, dồn nén trong bốn mươi năm”[21] .

Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể áp dụng cho Trung Quốc cái nhận định mỉa mai của Ralf Dahrendorf: “Vĩ mô thành công, nhưng vi mô khốn cùng”. Thật vậy, nếu nhìn vào toàn cục, vào cả dân tộc, đúng là một thành công hiển nhiên, nhưng nếu nhìn vào từng gia đình, từng cá nhân, từng phận người cụ thể chưa được chuẩn bị đầy đủ trong văn hóa, trong lịch sử và trong cách thế làm người thì quả thật, cũng như hai anh em họ Lý trong cuốn tiểu thuyết, đầy dẫy rạn nứt và đổ vỡ đau thương! Nhận định về cuộc đời của hai anh em họ Lý này, Dư Hoa giải thích: “Đầu mối liên kết giữa hai thời đại là hai anh em, cuộc đời họ rạn nứt trong sự rạn nứt, buồn vui của họ bùng nổ trong sự bùng nổ, số phận của họ long trời lở đất như hai thời đại này, cuối cùng họ tất nhiên phải tự gánh chịu hậu quả từ những ân oán đan xen chồng chéo”[22] .

Suy nghĩ về nguyên nhân nẩy sinh cái xã hội rạn nứt, giả dối, lừa lọc, đảo điên, tàn nhẫn… này, nhà văn Nguyễn Khải nhìn thấy cốt lõi vấn đề nằm ở sự thiếu hụt về giáo dục và tình trạng thiếu quân bình giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người toàn diện: “Các cá nhân ấy sẽ rất dễ bị GÃY khi gặp phải sóng to gió lớn. Vì cái lõi của nó chưa đủ cứng, chưa đủ bền, chưa đủ những tố chất về di truyền, về giáo dục (rất cần có thời gian) để ứng phó hữu hiệu với những thay đổi quá nhanh của môi trường sống”[23].

Tại sao một dân tộc có truyền thống văn hóa ngàn đời và một quốc gia luôn tự hào với các giá trị tinh thần và đạo đức mà bỗng chốc bị rơi vào tình trạng phi chuẩn mực thê thảm như vậy? Phải chăng đây là cái giá của những bước nhảy vọt hay đốt giai đoạn duy ý chí? Có cách nào tránh hay ít nhất giảm thiểu hiểm họa này không?

b. Cho đến hiện thực Việt Nam

Việt Nam hầu như đã dõi bước Trung Quốc, tuy rằng chậm hơn hàng chục năm. Cũng như đàn anh Trung Quốc, con đường phát triển nghiệt ngã mà Âu Châu phải vất vả phấn đấu đằng đẵng suốt 4 thế kỷ, thì Việt Nam đang rút ngắn khoảng cách vời vợi ấy trong khoảng 30 - 40 năm. Nhưng chúng ta cũng đang trả giá. Cuốn tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” của Dương Hướng cho thấy cái nghiệt ngã, na ná như một thứ định mệnh, của vòng xoáy lịch sử và sức áp đảo khủng khiếp của “cái thời khốn khó ấy”[24]. Có người cho rằng “Dưới chín tầng trời” không có nhân vật chính hay nói đúng hơn lịch sử trở thành nhân vật chính và được hóa thân vào các nhân vật cụ thể.

Thật vậy, trong chế độ “Nho giáo-làng xã” ở Việt Nam ngày xưa, mỗi người chỉ là một thành phần phải dựa dẫm và lệ thuộc vào tập thể để sống. Chưa hề xuất hiện mô hình nhân cách và hình ảnh con người tự do, tự lập, sáng tạo. Con người Việt Nam lúc ấy là “con người của gia đình, của họ, của làng, nước. Bản thân họ kh

ông có gì là của mình: thân thể là của cha mẹ cho, phận vị là của vua cho, số mệnh là của Trời cho. Có được cái gì cũng là nhờ ơn vua, ơn Trời. Giá trị của nó được tính theo chỗ nó là con ai, thuộc họ nào, làng nào, có chức sắc gì, chứ không theo chỗ bản thân nó là gì. Trong xã hội tất cả là thần dân của vua, đều được xếp vào bậc thang tước vị, rồi lại chia thành hạng cha chú hay con cháu. Con người phải nhìn xuống, nhìn lên trong cái thang trật tự trên dưới đó, tự xác định vị trí của mình mà ăn mặc, nói năng, đi đứng cho phải phép. Đó là con người chức năng trong xã hội luân thường chứ không có nhân cách độc lập”[25].

Nhìn trong tổng thể, văn hóa truyền thống của Việt Nam xây dựng trên cơ sở xã hội nông nghiệp. Vì thế, nếp nghĩ, cách sống và đường lối xử thế mang nhiều nét đặc trưng của môi trường và sinh hoạt nông nghiệp: gắn bó với thiên nhiên, nhấn mạnh đến nếp sống hài hòa, lấy tình làm gốc, tình nặng hơn lý, dĩ hòa vi quí, đại khái, du di linh động, xề xòa dễ dãi, chín bỏ làm mười, một sự nhịn chín sự lành, trên kính dưới nhường, không vạch áo cho người xem lưng, lá lành đùm lá rách, giấy rách giữ lấy lề, cố gắng đóng cửa bảo nhau... Nhưng nhược điểm của nó là óc gia trưởng, thói gia đình chủ nghĩa, bệnh ỷ lại, tùy tiện, xuề xòa, đại khái, lờ mờ, thiếu khách quan, không công bằng và cũng chẳng chính xác. Hễ thương ai thì “thương cả đường đi”, mà một khi đã ghét thì “ghét cả tông ti họ hàng”, hoặc “thương thì trái ấu cũng tròn”, mà đã ghét thì “trái bồ hòn cũng méo”.

Tính cộng đồng khép kín sau lũy tre làng nhiều lần cũng dẫn đến thói “đố kị cào bằng”, với chủ trương tai hại “xấu đều hơn tốt lỏi” hay “khôn độc không bằng ngốc đàn”. Nguy cơ của nó thường biểu lộ qua tâm thức dựa dẫm, chủ quan, hẹp hòi, ít tự lập, nghèo nàn về nhận thức, thiếu nhất quán, không khách quan, kém hiệu năng và sáng tạo.

Dưới thời bao cấp, vai trò của Nhà nước, tổ chức, đoàn thể được triệt để đề cao, trong khi đó vị trí của gia đình và cá nhân bị thu hẹp quá đáng. Con người xã hội chủ nghĩa chủ yếu sống cho đoàn thể, có thói quen hành xử như một thành viên của tổ chức, một bộ phận phụ thuộc và triệt để phục tùng tổ chức. Đây là con người quen sống trong đám đông, trong tập thể, tổ chức, chứ không phải là một nhân vị tự tại, tự lập, có trách nhiệm, có sáng kiến và phẩm giá bất khả xâm phạm.

Về mặt kinh tế, không những Cải cách ruộng đất có nhiều bất cập, mà mô hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp đã nghèo nàn hóa nông thôn: phương tiện sản xuất lạc hậu, đời sống nông dân tụt hậu, sản lượng nông nghiệp giảm rõ rệt. Kết quả tất nhiên của nó là Đất nước hoàn toàn bị khánh kiệt. Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng lương thực đã đẩy Việt Nam đến bờ vực thẳm. Hàng năm phải nhập khẩu một khối lượng lớn lương thực, thế mà người dân vẫn phải ăn bo bo hay ăn khoai sắn thay cơm![26]

Đứng trên phương diện phát triển, chủ trương “trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ” là một “sai lầm lịch sử” đánh mất cả một tầng lớp doanh nhân và nhân tài cần thiết cho công cuộc phát triển đất nước. Hơn nữa, điều kiện nghiệt ngã của một cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần đã bó buộc Việt Nam phải tiêu thổ kháng chiến, lấy nông thôn bao vây thành thị. Kết cục, chúng ta đã nông thôn hóa đất nước, thay vì thành thị hóa hay hiện đại hóa nông thôn. Có lẽ vì vậy mà ở đầu thế kỷ XXI, Việt Nam vẫn còn là một nước nông nghiệp và bị tụt hậu quá xa, so với các nước láng giềng[27].

Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập WTO và trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực. Đất nước đang đi lên và cuộc sống của một bộ phận dân tộc đã sung túc, giàu có hơn. Vào năm 2007, Việt Nam đã chi hơn 10 tỉ USD để mua xe hơi và có doanh nhân đã bỏ ra 1,5 triệu USD để mua một chiếc Rolls Royce chở thẳng từ London đến Tp HCM... làm quà Tết Mậu Tý cho chính mình. Một doanh nhân khác đã tậu máy bay riêng.

Tuy nhiên, ngay tại vào đầu năm 2009 này, vẫn “có những người nghèo không biết Tết” (Nguyễn Bính) và đang chịu đói rét trầm trọng. Nhiều công nhân nhập cư bị mất việc làm, không có đủ tiền về quê ăn Tết, đành sống vất vưởng tại các thành phố lớn. Hàng năm vẫn còn hàng trăm ngàn trẻ em phải bỏ học vì đói rét và ĐBSCL, mặc dù là vựa lúa của Việt Nam, lại có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất nước. Có những lớp học hầu như trống vắng, vì số học sinh bỏ học lên tới 60 hay 70%.

Đối diện với hiện trạng chênh lệch giàu nghèo hiện nay, nhiều người vẫn tâm đắc với nhận xét dí dỏm và thông minh về “bình quân được... nửa con gà” của một nông dân Trà Vinh nào đó. Cuối năm 2007, “trong đợt thị sát đời sống xã hội ở tỉnh Trà Vinh, một vị lãnh đạo có gặp gỡ người dân và ông nói lên niềm vui khi thấy con số thu nhập bình quân trên đầu người của tỉnh đạt 800 USD/năm. Nói xong, vị lãnh đạo muốn nghe ý kiến của người dân. Một nông dân phát biểu: “Một người ăn nguyên con gà, một người chỉ đứng nhìn, tính bình quân mỗi người ăn được... nửa con gà!”

Thật vậy, nông dân là những người đã đưa đất nước thoát khỏi vực thẳm phá sản vào thập niên 80’, nhưng hiện nay họ lại là thành phần bị thiệt thòi nhất. Trước những khó khăn chồng chất mà người nông dân đang gánh chịu, Ông Lê Văn Lam, một nông dân Đồng Tháp, đã mạo muội viết cho Thủ tướng Chính phủ như sau: “Giá cả vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng đến trên 200%. Chi phí sản xuất tăng là thêm một gánh nặng trên vai người nông dân(...). Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp nhưng hầu như không mang lại hiệu quả, cũng vì người nông dân thiếu kiến thức về thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất(...).

Hạt gạo được tạo ra bằng chính mồ hôi, công sức và đôi khi cả nước mắt của những người nông dân nghèo khó như chúng tôi. Hằng ngày chúng tôi luôn phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dãi nắng dầm mưa để chăm sóc cho cây lúa, nhưng chúng tôi không mong gì hơn, chỉ hi vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận. Chỉ mong người tiêu dùng hằng ngày ăn cơm hãy nghĩ đến giá trị của hạt gạo”[28].

Trong một bài báo mang tựa đề “Đừng để người nghèo bị gạt ra lên lề”, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói lên những lời tâm huyết thật sâu sắc: “Có lẽ chưa có một quốc gia nào bày tỏ sự quan tâm đến người nghèo một cách thường xuyên như ta. Thậm chí với nhiều người, nó đã dần trở thành một thứ khẩu hiệu. Sự quan tâm đến người nghèo bằng các phương tiện truyền thông, qua các bài phát biểu, cuộc nói chuyện hay bài viết, tôi nghĩ là đã quá đủ. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào các số liệu điều tra sau đây của UNDP để thấy chúng ta đã thật sự làm được những gì: nhóm 20% những người giàu nhất ở Việt Nam hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này”[29] .

5. Thay lời kết

Trong một tùy bút viết vào cuối đời, một nhà văn quá cố đã bộc lộ những trải nghiệm của đời mình như sau: “Trong suốt ba chục năm chiến tranh, mỗi người Việt Nam đã quên hẳn những nhu cầu vật chất và tinh thần của riêng mình để được cùng sống như mọi người, cùng cảm nghĩ như mọi người, sống cùng sống chết cùng chết(...). Nhưng cả mấy thế hệ cùng tham gia chiến tranh, sống trong một môi trường xã hội, chính trị của một đất nước đang có chiến tranh cũng là một tai hoạ khôn lường. Trong chiến tranh tập thể gạt phắt cá thể sang một bên, có thể giẫm đạp lên nó cũng chả mất mát gì, vì chiến tranh đòi hỏi sự nhất trí, cần sự ra lệnh đúng lúc của nhiều cái đầu chứ không có thời gian bàn luận”.

Vấn đề đặt ra là khi hòa bình trở lại và nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO để hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, thì chúng ta phải tổ chức và hành động như thế nào? Những cái riêng tư trong một thời gian dài tạm quên đi, tạm gác lại để lo việc lớn, lúc này nhất loạt trỗi dậy, đòi hỏi mãnh liệt. Chúng ta phải giải quyết như thế nào? Đối diện với thời đại toàn cầu hóa và một thế giới đa chủng tộc, đa tôn giáo, đa văn hoá, đa chính trị, rất khác biệt về quan niệm, cũng như điều kiện sống…, thiết tưởng cần tạo cơ hội để phát triển xã hội dân sự và phát huy sáng tạo trong cộng đồng.

Có nhà nghiên cứu cho rằng những gì đang trở thành nhược điểm của người Việt Nam hiện nay chủ yếu được hình thành ở thế kỷ XX. “Ở miền Bắc hình thành cơ chế bao cấp – không có cơ chế đó chúng ta không thắng Mỹ được. Nhưng bao cấp, nhất là bao cấp kéo dài sau 1975, làm nẩy sinh hai đứa con tệ hại là thói đạo đức giả và thói vô trách nhiệm”. Thế rồi, khi Đông Au sụp đổ và cơ chế “thị trường hoang dã” được du nhập vào đất nước ta, một giai đoạn “tranh tối tranh sáng” đã xuất hiện. Nhiều người trẻ chao đảo, hoang mang, mất định hướng. Hai đứa con hư nữa đã hình thành, đó là: nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ. Phải chăng nhiều nhược điểm và tệ nạn đang phát xuất từ “bốn đứa con hư” này?

Suốt một thời gian dài trong quá khứ, thị trường tự do và chế độ bao cấp không những là hai mô hình kinh tế khác biệt, mà còn là hai chế độ chính trị đối kháng và triệt tiêu nhau. Không dễ gì lúc này cả hai có thể cộng tác với nhau để phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Muốn đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nghèo đói và lạc hậu để trở thành một nước phát triển bậc trung, nhất là muốn kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, cũng như giữa hiện đại hóa đất nước và bảo vệ giá trị truyền thống, cần biết nối kết bàn tay vô hình của thị trường với bàn tay pháp lý của nhà nước và bàn tay liên đới của xã hội dân sự. Sự có mặt của “bàn tay liên đới” sẽ giúp chúng ta tạo được một thế chân vạc trong phát triển kinh tế, trả lời cho những yêu sách sáng tạo của thời đại và giảm thiểu bất quân bình xã hội. Thiết nghĩ đây là một mô hình phát triển phù hợp hơn cho Việt Nam, bởi vì thị trường “được giám sát bởi các lực lượng xã hội và Nhà nước, nhằm thỏa mãn những đòi hỏi căn bản của tất cả xã hội”[30].

Nguyên tắc bổ trợ của Giáo Hội Công giáo đề nghị tôn trọng sự hiện hữu, tính tự lập và thẩm quyền của các tổ chức trung gian: “Một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp, làm mất thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết và giúp nó phối hợp hành động của mình với những hoạt động của tập thể khác, để mưu cầu công ích”[31]. Chúng ta đang cần một mô hình tăng trưởng bền vững biết đặt ưu tiên cho tư bản nhân văn, giáo dục, y tế, tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đây là một mô hình tăng trưởng đồng bộ, chú trọng đến khả năng tạo thêm giá trị gia tăng, khai thác hiệu quả đồng vốn, tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm, giảm tham nhũng, cũng như ô nhiễm môi trường. Nhưng khó có thể thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững và cũng chẳng có thể xây dựng một xã hội lành mạnh, nếu vắng bóng xã hội dân sự. Vì vậy, Nhà nước không nên tiếp tục bao cấp, mà cần tạo cơ hội để “xã hội dân sự” đóng góp sở trường của mình cho dân tộc.

Nhìn lại những đau thương, sóng gió và xung đột trong quá khứ, chúng ta có thể coi nguyên tắc bổ trợ như một mô hình vừa hiện đại, vừa hài hòa trong tương quan giữa Nhà nước, thị trường và xã hội dân sự, cũng như giữa cộng đồng quốc tế và cộng đồng địa phương. Nguyên tắc này không hề phủ nhận quyền bính và trách nhiệm can thiệp của thẩm quyền cấp trên, nhưng đề nghị một “hình thức can thiệp tích cực” trong đó luôn luôn nhìn nhận giá trị của thẩm quyền cấp dưới, cũng như tính tự lập và sáng kiến của mỗi tổ chức. Đây là một mô hình quân bình và hài hoà, nằm giữa mô hình “Nhà Nước bao cấp” với “Nhà Nước từ nhiệm” hay “thị trường hoang dã”, phó mặc cho các cá nhân tự do cạnh tranh, tự do bóc lột, cá lớn nuốt cá bé.

[1] Cf. F. Lenoir, Le Temps de la responsabilité. Entretiens sur l’éthique, Paris, 1991; H. Kung, Projet d’éthique planétaire. La paix mondiale par la paix entre les religions, Paris, 1991.

[2] Hans Jonas, Le principe responsabilité. Une éthique pour la civilisation tecnologique, Paris, Ed. du Cerf, 1990, 13. Voir B. Sève, « Hans Jonas et l’éthique de la responsabilité », Esprit, ocobre 1990.

[3] Dĩ nhiên, không ai chủ trương loại bỏ hay giảm giá đạo đức cổ truyên, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến việc được cần bổ bởi đạo đức trách nhiệm. Max Weber diễn tả khá rõ nét mối tương quan sinh tử này: “Chúng ta phải ý thức rõ ràng rằng mỗi hành động được thực hiện theo định hướng đạo đức có thể chao đảo giữa hai phương châm hoàn toàn khác biệt và triệt để đối lập nhau: có thể được định hướng theo “đạo đức xác tín” hoặc theo “đạo đức trách nhiệm”. Điều đó không có ý nói rằng đạo đức xác tín đồng nghĩa với việc thiếu trách nhiệm và đạo đức trách nhiệm đồng nghĩa với việc vắng bóng xác tín. Chắc chắn không ai muốn nói như thế. Điều muốn nói là có sự khác biệt sâu xa giữa hành động theo định hướng của đạo đức xác tín và hành động theo định hướng của đạo đức trách nhiệm, trong đó cần phải trả lời cho những hiệu quả có thể dự phóng của chính hành động” ( I lavoro intellettuale come professione, Einaudi Ed., Torino, 19807, 109..

[4] E. Levinas, Totalité et infini. Essai sur l’ext ériorité, La Haye, 1961.

[5] Paul Ricoeur, Soi-même comme un autre, Paris, Ed. Du Seuil, 1990 ; Postfazione, in Fr. Lenoir, Il tempo della responsabilità, Torino, 1994.

[6] Principe de responsabilité, 177.

[7] Cf. Bernard Sève, “Hans Jonas et l’éthique de la responsabilité », Esprit, octobre 1990.

[8] Sđd., 128-129.

[9] E. Kant, The Science of Right - Second part. Public Right - No 44.

[10] J. Locke, Khảo luận thứ hai về chính quyền, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007, & 87.

[11] M. Weber, Economia e società, Milano, 1980, 9.

[12] Xem J. Maritain, La personne et le bien commun và L’Homme et l’État, in Oeuvres complètes, t. IX, Ed. Univ. Fribourg, Suisse, 1989.

[13] Ngân hàng quốc tế, Informe sobre el Desarrollo mundial 1991 : La tarea acuciante de desarrollo, Washington, D.C.,1991, tr. 1-2.

[14] M. Camdessus, “El mercado y el Reino. La doble pertenencia”, in Criterio (Mexico), 10-9-1992, tr. 480.

[15] BID-UNDP, Reforma social y pobreza. Hacia una agenda integrada de desarrollo, Washington, D.C., 1993, tr. 66.

[16] UNDP, Informe sobre el desarrollo humano 1993, Madrid, 1993, tr.4; xem CEPAL, Equidad y transformación productiva : un enfoque integrado, Santiago de Chile, 1992.

[17] N. Bobbio, N. Matteucci, G. Pasquino (a cura di), Dizionario di politica, Tea, Torino, 1990; E. Berti & G. Campanini, Dizionario delle idee politiche, AVE, Roma, 1993; N. Matteucci, Stato, in Enciclopedia del Novecento, Istituto della Enciclopedia italiana, Roma, 1984; N. Bobbio & M. Bovero, Societ e Stato nella filosofia moderna, Milano, 1979; P. Fameti, Sistema politico e societ civile, Roma, 1971; J. Maritain, La persona e il bene comune, Morcelliana, Brescia, 1976; J.L. Cohen & A. Anato, Civil Society and Political Theory, London, 1990.

[18] Cf. Kishore Mahbubani, The New Asian Hemisphere: The irresistible shift of global power to the East, Kindle Edition, 2008.

[19] Xem chẳng hạn Cao Hành Kiện, “Kinh thánh của một người”, “Linh sơn”, “Không có chủ nghĩa”; Mặc Ngôn, “Báu vật của đời”, “Rừng xanh lá đỏ”… và Vệ Tuệ, Điên cuồng như Vệ Tuệ, Thiền của tôi…

[20] Du Hoa, Huynh d?, T. II, b?n d?ch c?a Vu Cơng Hoan, NXB Cơng an Nhn dn, 2006, 665.

[21] Sđd., T.I, 430.

[22] Ibidem, 431.

[23] Nguy?n Kh?i, Ði tìm ci tơi d m?t. Ty bt chính tr?, 2006, s? 8.

[24] Dương Hướng, Dưới chín tầng trời, Hội Nhà Văn, 2007. Chúng ta gặp thấy nhiều nét tương đồng nơi Nguyễn Tuân, Chiều chiều và Ba người khác (2007) hay Tạ Duy Anh, Lão khổ , Hoàng Minh Tường, Thời của Thánh Thần, 2008…

[25] Tr?n Ðình Hu?u, Ð?n hi?n d?i t? truy?n th?ng, NXB Van Hĩa, 1996, tr. 394-395.

[26] Xem Nguyễn Khắc Viện, Vietnam, une longue histoire, Thế Giới, Hà Nội, 1993, tr. 431-436; Nhi?u tác gi?, Đêm trước đổi mới, NXB Trẻ, Tp. HCM, 2006; Chuy?n th?i bao c?p, NXB Thơng T?n, H N?i, 2007).

[27] Theo Báo cáo phát triển 2009 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tụt hậu về kinh tế tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Các chuyên gia của ngân hàng Thế giới đưa ra bảng xếp hạng này căn cứ vào hai tiêu chí. Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2007 của Việt Nam là 836 USD so với 1.918 USD của Indonesia, 3.850 USD của Thái Lan, và 35.163 USD của Singapore. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người tính theo giá cố định trong giai đoạn 2001 – 2007 ở bốn nước theo thứ tự trên là 6,5%, 4,8%, 4,8% và 4,0% một năm.

Những tính toán này hoàn toàn là giả thuyết,… nhưng cân nhắc các tốc độ này thì thực tế Việt Nam sẽ phải rất lâu mới theo kịp các nước láng giềng.

[28] Trích thu c?a ơng L Van Lam g?i Th? tu?ng Nguy?n T?n Dung qua C?ng thơng tin di?n t? Chính ph? ngy 4-5-2008.

[29] V Van Ki?t, Ð?ng d? ngu?i ngho b? g?t ra bn l?, Tu?i Tr?, 12-4-2008, tr.3.

[30] Giáo chủ Gioan Phaolô II, Centensimus annus, số 35.

[31] TĐ Bách Chu niên, số 48; Xc. Thập Tứ niên, số 184-186.


GM. P. Nguyễn Thái Hợp, op.
114.864864865135.135135135250