ĐIỀU GÌ ĐÃ ĐÓNG ĐINH ĐỨC GIÊSU ?
(vụ án Đức Giêsu dưới cái nhìn của một thần học gia Do Thái)
Ellis Rivkin
Thế Hanh, OP chuyển ngữ
(tiếp theo)
HỌ KHÔNG BIẾT PHẢI KÊU CẦU TỪ ĐÂU
Bức tranh tôn giáo Do Thái không bị vỡ do những thách thức từ phía những nhà lãnh đạo chính quyền. Tuy nhiên, nhiều người Do Thái cảm thấy rằng đó là những thách thức quá đau đớn đến nỗi họ không quy phục một cách thụ động. Đối với họ, tình huống này buộc phải chọn giáo thuyết hai lãnh vực. Họ không thể nào hiểu được tại sao Thiên Chúa lại có thể nhúng tay vào một sự bất công quá khắc nghiệt đến như vậy. Họ tin rằng Thiên Chúa sẽ không giữ mãi thái độ yên lặng. Dù cho nhóm Pharisêu, Xađốc và Étxen đã vạch ra một ranh giới giữa lãnh vực tôn giáo và thế tục, nhưng họ xác tín rằng Thiên Chúa không vẽ lên con đường như thế. Người ta bắt đầu gào thét rằng Thiên Chúa không ở thế trung lập và lãnh thổ của Xêza chẳng bao giờ có được sự an ninh và hẳn rằng mãi mãi vấn thế. Họ tin rằng con đường viễn mơ do người phàm vẽ lên đó không thể ngăn cản được sự công thẳng của Thiên Chúa. Họ xác tín mãnh liệt rồi đây Thiên Chúa sẽ hạ bệ những hoàng đế kiêu căng và trả thù những sự bất công tàn bạo cho dân Chúa. Như những người theo Fourth Philosophy đã làm, có những người tin rằng sự phẫn nộ của Thiên Chúa sẽ giáng xuống qua những cuộc bạo động cách mạng. Những người khác lại quan tâm đặc biệt trước những bài giảng của những thày dạy rất có sức thuyết phục về việc chính Thiên Chúa sẽ quét sạch mọi tàn tích của luật lệ Roma và thay vào đó một Vương Quốc vinh quang của Ngài.
Đối với cấp lãnh đạo chính quyền Roma và thượng tế, những cuộc cách mạng xuất hiện không phải là vấn đề chính. Tuy nhiên, họ lại bối rối không biết đối xử như thế nào với những thầy dạy có sức lôi quấn đang rao giảng về việc bất bạo động. Những bậc thầy đó không thành lập những tổ chức cách mạng nhưng chỉ gọi mời người ta ăn năn sám hối và mong đợi Vương Quốc Thiên Chúa đang đến. Như vậy họ là những bậc thầy vô hại hay họ là những kẻ phá rối ? Những lời giảng, viễn cảnh và mục đích của họ đối với sự công chính cá nhân có phi chính trị ? Hoặc họ là những nguyên cớ gây nên nỗi bất mãn, bất hạnh trong một thế giới như thế ?
Những thầy dạy hấp dẫn mang dáng dấp ngôn sứ này chỉ là những nhà giảng thuyết chứ không phải là những nhà cách mạng. Họ giống như những ngôn sứ xưa. Họ không kêu gọi người ta chống lại Roma, nhưng là trông mong Thiên Chúa, nơi các vị này có năng lực thực hiện các dấu lạ và chuyển núi dời non. Tuy thế, khi Gioan Baotixita rao giảng sám hối chứ không phải kêu gọi nổi dậy thì ông đã bị Hêrôđê Antipas (4 tcn-39cn) giết chết chỉ vì vị ngôn sứ có tài hùng biện lôi kéo đám đông mà đám đông thì luôn nguy hiểm.
Sử gia Josephus vẽ lên chân dung Gioan : quả thật Gioan là một thầy dạy hấp dẫn, bài giảng của thầy không hề mang hơi hướng chính trị nhưng lại gợi lên nỗi sợ hãi trong tâm hồn những người lãnh đạo chính quyền. Họ bị bận tâm chỉ do một suy nghĩ duy nhất : đám đông tụ họp quanh Gioan ngoài sự kiểm soát của họ và có thể dẫn đến một cuộc bạo động. Chính vì vậy, Hêrôđê Antipas cho rằng : “tốt hơn hết là giết”.
Rõ ràng giới lãnh đạo chính quyền Rôma không bận tâm đến việc phân biệt thế nào là những nhà cách mạng và thế nào là những người được linh ứng. Cả hai đều được xếp vào trọng tội chính trị nguy hiểm.
HÌNH ẢNH CON THIÊN CHÚA
Giữa những sự giao động tinh thần trong thời buổi hỗn loạn này và việc những nhà giảng thuyết giống như ngôn sứ và những người được linh hứng rao giảng tin mừng chẳng bao lâu Thiên Chúa sẽ cứu dân Người thoát khỏi cảnh nô lệ, chúng ta tìm hiểu kỹ hơn những bài viết của sử gia Joshephus về một người được linh hứng mà trước đây chúng ta đã đề cập tới. Đó là một người có tâm hồn quá trắc ẩn, quá yêu thương và quá hấp dẫn và đầy tràn Thần Khí của Thiên Chúa đến nỗi các môn đệ của Người không chấp nhận cái chết của Người như thực tế. Thế nhưng Josephus chỉ chia sẻ cho chúng ta hình ảnh của Gioan thôi. Chúng ta sẽ tiếp tục thế nào đây ? Ta nhận thấy rằng Gioan thật hấp dẫn và thu hút, tuy nhiên, sức thu hút của Gioan không gợi lên trong tâm hồn các môn đệ của ông một tình yêu và một niềm xác tín mãnh liệt rằng cái chết của ông khai mở một cuộc sống mới. Đối với môn đệ của Gioan, thầy của họ đã bị chôn vùi trong nỗi đau buồn. Họ không nhìn thấy Gioan sống lại dù các Kinh Sư Pharisêu hằng ngày vẫn giảng dạy về sự phục sinh. Họ và những người Do Thái khác đều xác tín chắc chắn quan niệm này khi họ đọc kinh Tefillah (Mười Tám Phúc). Dù cho lời loan giảng của Gioan rất ấn tượng và lôi cuốn nhưng không đủ sức mạnh bảo đảm cho sự sống của ông ở bên dưới mộ phần.
Trong thời buổi nhiễu nhương hỗn loạn này, dân chúng khẩn cầu để có được một vị linh hứng. Josephus không cho chúng ta một hình ảnh cá nhân duy nhất như thế. Ông chuẩn bị cho chúng ta một Giêsu, nhưng chỉ cho chúng ta hình ảnh một Gioan Tẩy Giả. Hình ảnh thoáng qua của Đức Giêsu là người anh em của Giacôbê đã gợi ý mờ nhạt dần khi ông tập trung vào số phận của Giacôbê chứ không phải là sự phục sinh của Đức Giêsu. Cảm nhận của Josephus về việc Đức Giêsu được gọi là Kitô mà Giacôbê đã loan giảng Người đã phục sinh từ cõi chết lưu lại không thành tiếng. Vì bất chấp mọi lý lẽ, Josephus cho biết Gioan là Đấng Kitô chứ không phải là Đức Giêsu.
Sự yên lặng của Josephus khích lệ chúng ta cố gắng khởi công vẽ lên bức chân dung của một Đấng được linh hứng từ trong ram màu của thời đại mà Josephus đã lưu giữ trong bảng màu của ông. Chúng ta tự hỏi : Dáng vẻ của Người như thế nào đây ? Tính cách của Ngài như thế nào mà quá hấp dẫn và thu hút các môn đệ đến nỗi ngay cả cái chết cũng không thể đẩy họ xa Ngài ? Chân dung của Người như thế nào mà quá mê hoặc các môn đệ đến độ họ vẫn nhìn thấy chân dung đó đang sống động sau khi Ngài đã chết ? Tắt một lời : những tính chất nào đã làm cho cá thể duy nhất này mạnh mẽ và lôi thu hút hơn cả Gioan ?
Đức Giêsu là một cá thể mang chân dung của ngôn sứ Êlia và Isaia : cư sử giống như Êlia và ước mơ giống như Isaia, một ngôn sứ tuyệt diệu và một ngôn sứ biết nhìn xa trông rộng. Đức Giêsu sống trà trộn với những người khổ đau hèn mọn và phục hồi tinh thần của họ bằng tinh thần của Người. Người khơi gợi trong họ niềm hy vọng, niềm tin khi Người loan giảng Vương Quốc Thiên Chúa đang đến. Trông Người rất giống một ngôn sứ thuở xưa nhưng Người lại mang hình ảnh của Con Thiên Chúa, Đấng được xức dầu, Đấng Mêsia và khai mở thời đại của Chúa. Nét mặt của Người in đậm hình ảnh của Êlia, hình ảnh của Isaia đồng thời lại hợp với khuân mặt của Con Thiên Chúa cả về hình ảnh của ngôn sứ lẫn hình ảnh Mêsia.
Bên cạnh đó, nơi Ngài toát ra hình ảnh một vị Kinh Sư Pharisêu mẫu mực. Đó là một hình ảnh thật riêng biệt (sui generis), hình ảnh một tôn sư dạy Lời Thiên Chúa chứ không phải là một ngôn sứ nói Lời Thiên Chúa. Không giống như những ngôn sứ khác, vị Kinh Sư Pharisêu này không bao giờ mở đầu bằng câu nói như các ngôn sứ thường dùng “Thus saith Yahweh” (như Giavê nói), thậm chí ngay cả những điều mà các ngôn sứ dạy – Halakha (Luật truyền miệng) và Haggdah (tri thức truyền khẩu) – đều được Đức Giêsu trình bày như là một mệnh lệnh chứ không giống như những gì ngôn sứ hân hoan loan báo, ngay cả Luật Môsê cũng được trình bày theo cách đó trong khi những giới luật Thiên Chúa ban hành và những điều Môsê ghi lại trong cuốn Ngũ Thư từ lâu đã bị lệ thuộc vào Khẩu Luật của nhóm Kinh Sư Pharisêu, thậm chí ngay cả những huấn giáo đạo đức và luân lý do Chúa mạc khải cho Môsê và các ngôn sứ cũng phụ thuộc vào ý nghĩa mà nhóm Kinh Sư Pharisêu ấn định.
Nếu một bậc thầy như Đức Giêsu đã dạy dỗ và giảng thuyết trong suốt những năm Phongxiô Philatô làm tổng trấn và Caipha làm thượng tế thì số phận của Người sẽ như thế nào ? Chắc chắn rằng số phận đó không thể nào khác hơn là số phận của Gioan. Nếu như Người đã được xem như ngôn sứ Êlia khi Người chữa bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, khử trừ ma quỷ thì những việc tuyệt diệu Người đã thực hiện sẽ lôi cuốn đám đông, mà đám đông thì luôn nguy hiểm và không thể kiểm soát. Nếu như Người đã được xem là người nhìn xa trông rộng như ngôn sứ Êlia, loan truyền Triều đại Thiên Chúa đã đến gần thì niềm hy vọng mãnh liệt của Người sẽ lôi cuốn đám đông mà đám đông thì luôn nguy hiểm và không thể kiểm soát. Nếu như nơi Người phát ra hình ảnh Con Thiên Chúa, Vị Vua Mêsia thì hình ảnh của Người sẽ hấp dẫn đám đông mà đám đông thì luôn nguy hiểm và không thể kiểm soát. Nếu như lòng trắc ẩn và tình yêu của Người vực dậy những con người khốn khổ, trao tặng niềm hy vọng cho những người bị ruồng bỏ, làm vững lòng những trái tim yếu nhược thì lòng trắc ẩn và tình thương yêu như thế sẽ hấp dẫn đám đông mà đám đông thì luôn nguy hiểm và không thể kiểm soát.
Quả thật đám đông nguy hiểm ! Quá nguy hiểm đến nỗi Hêrôđê Antipas đã đưa Giona đến cái chết - không phải vì Gioan đã kêu gọi người ta sám hối, sống đời sống đạo hạnh và làm phép rửa cho họ nhưng bởi vì ông có sức lôi cuốn đám đông mà đám đông là điều không thể lường trước được và dễ dẫn đến bạo động. Kể từ khi những tay bạo động trẻ nhân danh Thiên Chúa lật đổ chính quyền Roma thì bạo động đã xảy ra như cơm bữa do sự trả đũa từ phía Roma. Thậm chí ngay cả khi lính lê dương Rôma quanh quẩn xung quanh khu vực thành của Đền Thờ cũng chẳng thể ngăn chặn đám đông khỏi nổi cáu.
Làm thế nào để một bậc thầy có sức lôi cuốn, thực hiện những việc tuyệt diệu, nhiệt tâm tôn giáo, đầy lòng trắc ẩn, khát khao cứu độ và tràn đầy ân sủng này có thể tồn tại nếu như tự bản chất của Người quá hấp dẫn và lôi cuốn dân chúng tại Giêrusalem, nơi mà Phongxiô Philatô và thượng tế Caipha đang trong tâm trạng run rẩy và giật thót người mỗi khi nghe thấy những thanh âm kêu gào bạo động ? Đành bó tay thôi ! Vì đây chẳng phải cùng một Philatô đã dám rước hình ảnh của hoàng đế diễu hành qua thành phố sao ? Đây không phải là Philatô khoác thường phục cho những người lính của ông để trà trộn vào đám đông khiêu khích đám đông nổi loạn để ông có lý do khử trừ đám đông sao ? Đồng thời không phải cặp mắt tinh xảo, đôi tai bén nhạy của Caipha đã giúp ông giữ được chức tư tế trong suốt thời gian Philatô làm tổng trấn sao ?
Phongxiô Philatô và Caipha có chút quan tâm nào đến những lời chỉ dạy và loan giảng của vị thầy này không ? Nếu như Người lôi cuốn dân chúng vì nơi Người có nhiều điểm tương đồng với Con Thiên Chúa, Đấng Mêsia về việc khai mở Triều Đại Thiên Chúa thì hà cớ gì mà họ không nhanh bắt Người ngay và vội vã đưa Người lên khổ giá vì mục đích của Rôma là ngăn chặn bạo động bằng việc bắt giữ những nhà cách mạng và những ai mang dáng dấp Mêsia ? Đối với Phongxiô và Caipha, mối nguy hiểm của Rôma ẩn nấp nhiều dưới những nhãn giới của một Êlia, những lời tiên tri của một Ezekiel, tấm áo choàng của một Êlija hoặc hình ảnh của Con Thiên Chúa. Mối nguy hiểm của Rôma cũng ẩn nấp nhiều dưới một thanh gươm được bao bọc nơi một người Giuđa miền Galilê.
Như vậy, Người chẳng có một cơ hội nào để sống sót cả. Việc Người bày tỏ chính mình là một người được linh hứng bằng hành động chữa bệnh tật, xua đuổi ma quỷ, cho người chết sống lại và toả lan niềm hy vọng qua việc loan truyền Triều Đại Chúa đang đến là hành động Người lôi cuốn dân chúng. Nếu như Người trắc nghiệm niềm tin của mình cũng như niềm tin các môn sinh của Người bằng việc diễu hành qua Giêrusalem giữa dân chúng và họ tung hô Người : “Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa đang ngự giữa chúng ta - Hosana…” và bằng việc Ngài xuất hiện ở thành Thánh như là một chiến sĩ đầy lòng xót thương và chính trực. Hành động này khỏi sao không làm Caipha điên tiết lên và quyết định hành động vì sợ rằng sự thất bại của ông sẽ gây nên lầm lỗi như là dấu hiệu của sự dễ dãi cũng như sợ sệt. Chức vụ thượng tế của ông đang chao đảo, ông ra sức dò tìm những đốm sáng gây nên bạo động trước khi chúng bốc cháy thành ngọn lửa. Caipha chẳng tốn thì giờ lo nghĩ và chẳng quá lo ngại trước mối đe doạ đối với luật pháp và trật tự.
Thế rồi những sự kiện này mờ nhạt một cách mau lẹ. Caipha đã bắt được Người, mang đến trước hội đồng bí mật của ông, toà án thượng hội đồng của thượng tế. Nơi đây ông buộc tội Người ngầm phá hoại chính quyền Rôma trong những lời giảng dạy, trong việc thuyết giảng và trong hành động của Người. Vì Người đã dạy, đã loan giảng Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần. Triều Đại đang đến gần này sẽ hất cẳng triều đại Rôma. Qua việc tạo cho người khác cảm tưởng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, Người khai mở Triều Đại của Thiên Chúa và như thế Người sẽ thống trị đất nước thay vì Xêza. Bằng việc kích động đân chúng khi Người diễu hành qua Giêrusalem và là nguyên cớ gây lộn xộn xung quanh khu vực Đền Thờ, Người đã chuẩn bị cho dân chúng một thái độ hỗn loạn. Lời giảng dạy và hành động của Ngài chắc chắn có ảnh hưởng đến những người Do Thái trung thành : Thiên Chúa chê trách hoàng đế, chê trách tổng trấn và cũng chê trách cả vị thượng tế do tổng trấn bổ nhiệm. Trọng tội mà Người giảng dạy không bạo động, loan giảng không cách mạng và cũng chẳng thiết lập quân đội chống lại chính quyền Rôma thì hoàn toàn chẳng có liên hệ gì cả. Thực ra Thượng Tế Caipha cũng như Tổng Trấn Philatô chẳng có chút mảy may quan tâm đến việc Triều Đại Thiên Chúa sẽ do ai khai mở và nó như thế nào nhưng chỉ quan tâm đến hoàng đế và những “dụng cụ” của hoàng đế sẽ bị hạ bệ.
Với những trọng tội như vậy, Người bị mang đến xét xử trước những thành viên thuộc hội đồng bí mật của Caipha, số mệnh của Người đã được định đoạt. Qua lời giảng và hành động, Người đã hủy hoại luật lệ và trật tự. Người đã gieo những mầm mống chống đối và bạo động trong tâm tưởng quần chúng. Chỉ có những vấn đề như thế. Người ta xét xử Ngài không phải vì những bài giảng tôn giáo cũng không phải bởi niềm tin của Ngài nhưng do những hậu quả chính trị tiềm ẩn trong những lời giảng đó, vì toà án thượng hội đồng là hội đồng của thượng tế và hội đồng này chẳng có chức năng gì khác hơn là việc báo cho thượng tế biết những vấn đề chính trị. Tất cả những ai có chân trong toà án thượng hội đồng này đều thấm nhuần đạo lý hai lãnh vực – một đạo lý mà những thành phần Xađốc Pharisêu và Étxen phải quán triệt. Vì là một hội đồng được bổ nhiệm hay được triệu tập không hợp với tôn giáo nên toà án thượng hội đồng của thượng tế chẳng có quyền hành gì trên những vấn đề tôn giáo. Xađốc ngồi bên cạnh Pharisêu chỉ là những cá nhân có liên hệ đến hiệp ước với Rôma, một hiệp ước chấp nhận cho người Do Thái quyền tự quản về phương diện tôn giáo với điều kiện họ phải chấp nhận chủ quyền của Rôma. Như vậy, toà án thượng hội đồng của thượng tế không phải là một bet din, vì những tổ chức này được ban hành bởi những nhà lãnh đạo chính trị chứ không phải từ phía tôn giáo.
Tiếp theo là những vấn nạn họ phải tự hỏi chính mình : Ơn đặc sủng và những lời giảng dạy của Người đang lôi cuốn đám đông là gì ? Nguyên nhân nào đã thúc đẩy dân chúng nổi cáu và khiêu khích tổng trấn qua việc tập hợp đoàn lũ ? Vị Thầy đó là một con người của hoà bình chứ không phải là người bạo động. Người là người mang nhãn giới nhìn xa trông rộng chứ không phải là một nhà cách mạng. Người là vị thầy thuốc hiền lành đầy lòng trắc ẩn và là một người thầy chứ không là người kích động quần chúng. Người có khả năng dẹp yên bão tố. Sự cảm thương đối với cảnh khốn khổ của Người có thể sánh bằng với sự cảm thương cả hàng trăm nếu không phải là hàng ngàn người bị quân đội Rôma giết hại, nếu như đám đông nghe lầm, hiểu lầm hoặc phớt lờ trước lời biện hộ rằng điều Người loan giảng chẳng có hơi hướng gì là bạo động cả - Chính Thiên Chúa sẽ khai mở Triều Đại của Người chứ không phải sự bạo động của con người.
Như vậy, kết cuộc một cuộc xét xử như thế đã bị cắt đứt và làm cạn kiệt. Thượng tế xét như con mắt lỗ tai của tổng trấn là một kẻ không có tự do. Những thành viên của thượng hội đồng do ông triệu tập cũng không có tự do. Đức Giêsu lôi cuốn đám đông bằng chính lời giảng dạy, những việc làm kỳ diệu và bằng đặc sủng của Người. Như vậy, Người nguy hiểm một cách tự nội tại. Có một vài ý kiến lưỡng lự hoặc làm giảm nhẹ. Nếu như Đức Giêsu hoặc là loan giảng hoặc là được dân chúng tin tưởng là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, là Vua Do Thái và nếu như Người loan giảng một Triều Đại Thiên Chúa đang đến, vương quốc sẽ thay thế cho thể chế Rôma thì vụ kiện đã được khai mở và chấm dứt. Làm gì có chuyện thượng tế Caipha sẽ bênh vực. Thượng hội đồng chỉ là một cách chính thức báo cho tổng trấn biết rằng Đức Giêsu coi thường hoàng đế và mang mầm mống tự nội nhằm xâu xé và gây bạo động, dù những lời giảng dạy của Người khắc hoạ đậm nét hình ảnh ngôn sứ và Người nhấn mạnh rằng Thiên Chúa sẽ khai mở Triều Đại của Ngài chứ không phải con người.
Vị thượng tế và thượng hội đồng của ông sẽ báo cáo cho tổng trấn những sự kiện đơn giản như : Đây là một vị được linh hứng, người đã lôi kéo dân chúng, người gây nên rối loạn những khu vực quanh Đền Thờ, làm cho những người hành hương tụ tập trong những ngày hội dễ bị kích động. Người này được tôn vinh là Đấng Mêsia, là Vua Do Thái khi Người đi qua đường phố Giêrusalem và Người đã kêu mời dân chúng chuẩn bị tâm hồn đón mừng Triều Đại Thiêu Chúa đang đến – không phải là thời gian trong tương lai như những Kinh Sư Pharisêu thường dạy nhưng là trong bất kỳ khoảnh khắc nào đó - chỉ trong một nháy mắt thôi.
Sau cùng là phần phân xử của tổng trấn. Ông có nhất trí với những sự kiện thượng hội đồng đã đưa ra ? Ông tuyên án : Người này có quá nguy hiểm đến độ phải đóng đinh thập tự để răn dạy những người được linh hứng khác rằng việc giảng dạy mang tính tôn giáo của họ cũng sẽ bị xét xử theo những hệ quả chính trị, những hệ quả sẽ dẫn đến từ những lời dạy của họ? Đóng đinh thập tự là hình phạt dành cho những nhà cách mạng và những vị được linh hứng tương tự.
Như vậy, số phận của những người được linh hứng đã được định đoạt bằng một quá trình : khởi đầu là việc xét xử trước thượng tế và toà án thượng hội đồng, sau cùng là việc tổng trấn tuyên án tử hình thập tự. Đây là một quá trình hoàn toàn mang tính chính trị. Trọng tội của Người là lèse majesté – được công bố ở tấm bảng treo trên thập giá với nội dung “Vua dân Do Thái” để chế nhạo Người. Đức Giêsu đã đưa ra một ranh giới nhằm tách biệt lãnh thổ của Xêza khỏi lãnh thổ của Thiên Chúa. Người đã vượt qua chiến tuyến, nơi mà mọi cuộc sống sẽ bị tước đoạt. Có thể Người đơn sơ, tuy nhiên, người ta lại chẳng miễn thứ cho Người sự vô can trong phương diện chính trị. Trận chiến đang xảy ra như cơm bữa ở Galilêa, trên những đường phố Giêrusalem và trong những khu vực sân Đền Thờ. Hàng ngàn con người đang sửa soạn bị giết chết, bị làm cho tàn phế, bị thiêu đốt và bị đóng đinh. Ngàn ngàn những con người đang chuẩn bị đón nhận những số phận tương tự như thế. Những con người này đã trở nên hung dữ. Ngày này qua ngày khác, Phongxiô Philatô nơm nớp lo âu không biết rằng mình còn có thể giữ được chức tổng trấn đến sáng mai nữa không. Caipha cũng không biết khi hoàng hôn về và khi bình minh ló rạng ông có còn là một thượng tế. Chính vì vậy, một hành động khiêu khích, một khoảng khắc lơi lỏng, một thanh âm rất nhỏ về việc loan giảng Triều Đại Thiên Chúa cũng có thể dẫn người ta đến vùng hoang vu bằng một sự cuồng điên không bao giờ có được mảy may bình yên cho đến khi từng đoàn từng lũ đến mổ bụng cắt da hàng trăm hàng ngàn người Do Thái. Số phận của họ tựa chỉ mành treo chuông như thế làm họ dễ cáu gắt trước một lời phán quyết. Phongxiô Philatô và Caipha khó có thể tha thứ cho Đức Giêsu vì sự đơn sơ và vô tội nơi Người đã dẫn Người chạm đến bức tường tách rời lãnh thổ Thiên Chúa khỏi lãnh thổ Xêza.
Thập giá là món quà dành sẵn cho Ngài chứ không phải là số phận của Ngài. Vì nếu các môn đệ của Ngài đã tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa và nếu như bằng đặc sủng của mình, Ngài đã liên kết chặt chẽ các môn đệ với mình thì hệ quả kéo theo là niềm tin tưởng họ đặt để nơi Ngài sẽ không bao giờ lay chuyển, thậm chí ngay cả khi họ đã nghe Ngài trút hơi thở cuối cùng : “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con ?”. Điểm cốt lõi trong lời Ngài giảng dạy cũng chính là niềm tin kiên vững của Ngài nơi tin mừng của Kinh Sư Pharisêu. Tin Mừng đó khẳng định rằng linh hồn của những người chính trực sẽ bay lên Thiên Chúa Cha, nơi đó họ sẽ đợi chờ ngày phục sinh thân xác. Đối với các môn đệ chẳng có gì chắc chắn hơn ngoài lời hứa của Ngài. Sự phục sinh, một khả năng xa vời – đã trở nên quen thuộc. Nếu đã trở thành quen thuộc như thế làm sao các môn đệ có thể phủ nhận được một khi họ đã nhìn thấy Thầy của mình sống lại từ cõi chết ? Đối với họ, đây là bằng chứng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia. Đây là một sự kiện xảy ra chống lại nhóm Kinh Sư Pharisêu : Đức Giêsu phải là Đấng Mêsia vì Người đã sống lại từ cõi chết.
Có bịa đặt chút nào không khi chúng ta phân biệt giữa Đức Giêsu với Gioan Tẩy giả thế này : Ngay khi Gioan kết thúc bằng cái chết thì tận cùng cái chết của Đức Giêsu lại khai mở Sự Sống?
ĐỨC GIÊSU, VUA DO THÁI
Như vậy chúng ta phần nào đã phác hoạ chân dung của vị được linh hứng, cuộc sống của Người đã chấm dứt trong Sự Sống. Chúng ta đã vẽ lên bức chân dung đó ngay từ đầu dựa vào những bài viết của sử gia Do Thái Josephus. Josephus không vẽ cho chúng ta chân dung ấy, chân dung của Đấng đã sống, đã chết và đã phục sinh. Tuy nhiên, Josephus cho chúng ta bối cảnh lịch sử, nơi chốn và những tình huống để bức chân dung chúng ta vẽ lên thể hiện được nét thật như cuộc sống của Đấng được linh hứng.
Bên cạnh đó một số những tác giả khác cũng đã vẽ chân dung của vị được linh hứng, Người thực sự đã sống - những chân dung mà họ xác tín rằng chúng diễn tả rất giống với hình ảnh của một con người đặc biệt, Người đã sống, chết và đã phục sinh vào thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn và Caipha làm thượng tế. Hình ảnh của Đấng được linh hứng họ đã diễn tả chính là “Đức Giêsu, Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa, Đấng đã phục sinh”. Những hình ảnh họ đã vẽ lên cùng một nhân vật. Những hình ảnh đó rất khác nhau làm cho chúng ta khó có thể nhận ra đâu là hình ảnh trung thực hơn cả.
Chính vì vậy, chúng ta tìm kiếm trong tâm trạng phân vân. Một đàng chúng ta vẽ lên chân dung của Ngài, Đấng đã sống, đã chết và đã được chứng thực rằng Ngài phục sinh theo sử gia Josephus. Đàng khác chúng ta lại có những bức chân dung của Ngài trong bốn Tin Mừng Maccô, Matthêu, Luca và Gioan. Tuy nhiên, những hình ảnh trong các Tin Mừng lại quá khác biệt làm chúng ta khó xác định đâu là bức tranh diễn tả trung thực hình ảnh của Ngài nhất. Có lẽ chúng ta tự thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan này bằng cách đối chiếu bức chân dung mình mới vẽ xong với những bức chân dung của Đức Giêsu trong các Tin Mừng.
Trước tiên, chúng ta cùng lướt qua Tin Mừng Gioan xem bức chân dung Đức Giêsu ông diễn tả khác với bức chân dung của Đấng được linh hứng chúng ta đã vẽ lên theo Josephus thế nào.
Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta nhận thấy một Đức Giêsu vượt thời gian, vượt không gian và vượt qua mọi giới hạn khuôn khổ. Gioan tách Đức Giêsu ra khỏi Người Do Thái mặc dù Đức Giêsu là người Do Thái. Dường như ông không biết rằng không phải mọi người Do Thái đều là Pharisêu và ông cũng không nhận thấy những cuộc tranh luận của Đức Giêsu với nhóm Pharisêu về việc bó buộc những Truyền Thống của các bậc Tiền Bối. Cũng vậy, có thể nói rằng Gioan không hiểu nhiều nhóm Kinh Sư nên ông chỉ đề cập đến những người Pharisêu. Đó là những điểm nổi bật giúp ta hiểu nguyên do tại sao Gioan có vẻ ít biết hoặc nói cách khác là ít quan tâm đến bối cảnh lịch sử trong những bài giảng của Đức Giêsu.
Chân dung Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan không giống bức chân dung chúng ta đã phác hoạ theo sử gia Josephus lắm, vì chân dung của vị được linh hứng chúng ta đã phác hoạ liên hệ chặt chẽ đến tính thời gian, sự kiện, quá trình và nguyên nhân.
Chân dung của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan cũng không đồng nhất lắm với các Tin Mừng nhất lãm. Tin Mừng Maccô, Matthêu, Luca diễn tả hình ảnh một Giêsu tuy cũng vượt ra khỏi “thế giới này”, nhưng Ngài lại giữ được vai trò chính yếu trong phận vụ của Ngài. Ngài được diễn tả như hình ảnh của một ngôn sứ, một vị được linh hứng, Con Thiên Chúa có mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa Cha. Như chúng ta đã biết, Máccô đã thuật lại : Có những người tin rằng Đức Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả đã sống lại nên nơi Người toát ra những quyền lực rất phi thường ; những người khác cho rằng Ngài là ngôn sứ Êlia ; những người khác nữa lại cho rằng Ngài là một trong những ngôn sứ thuở xưa. Tất cả những hình ảnh như thế đều nói rằng chính Thiên Chúa đã phú bẩm cho Người những sức mạnh siêu nhiên (Mc 6, 14-16). Thậm chí lúc Đức Giêsu biến hình cũng được trình thuật với sự hiện diện của ngôn sứ Êlia và Môsê. Giống như ngôn sứ Êlia và Môsê, Đức Giêsu có mối tương quan đặc biệt với Thiên Chúa (Mt 7, 13 ; Mc 9,4 ; Lc 9, 30). Ở đây, Đức Giêsu đã được nhân tính hoá, cá nhân hoá và lịch sử hoá. Đức Giêsu trở nên đáng tin vì Ngài đã gợi nhớ một Êlia và Môsê. Người chính là một vị thần linh khởi thủy của Kinh Thánh.
Hình ảnh Đức Giêsu trong những Tin Mừng nhất lãm mang những sắc thái tương phản rõ nét với hình ảnh thánh Gioan diễn tả. Hình ảnh Đức Giêsu trong các Tin Mừng nhất lãm có sự tương đồng với hình ảnh của vị được linh hứng chúng ta đã phác hoạ theo sử gia Josephus. Bởi vì những lời nói và hành động của vị được linh hứng chúng ta phác hoạ khá giống với những hình ảnh của Đức Giêsu mà những Tin Mừng nhất lãm đã diễn tả : hình ảnh của Người gợi lên hình ảnh Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ Êlia, Môsê và những tiên tri thuở xưa nơi tâm trí những ai nghe và dõi theo năng lực nơi những công việc diệu kỳ Người đã thực hiện. Vì vậy, hành trình của Đức Giêsu từ cuộc sống đi vào Sự Sống (life to Life) được diễn tả trong những Tin Mừng nhất lãm cũng là hành trình của vị được linh hứng chúng ta phác hoạ– nẻo đường của Ngài gồm có xác thịt và máu huyết, Thánh Linh Chúa hiện diện trong Ngài, vì vậy, Ngài xứng đáng được phục sinh.
Các Tin Mừng nhất lãm diễn tả cuộc sống trần thế của Đức Giêsu rất đúng bối cảnh lịch sử trong thời đại của Người. Gioan Tẩy Giả, một vị được linh hứng đúng nghĩa, được diễn tả là một vị tiền hô. Vị Tiền Hô trong các Tin Mừng nhất lãm cũng chính là nhân vật tốt Josephus đã ghi lại. Người chính là tiếng hô trong vùng hoang địa loan giảng phép rửa sám hối và Triều Đại Thiên Chúa đang đến - không phải ngài mở ra triều đại đó nhưng là một người đến sau ngài, một người được chúc phúc và cao trọng hơn ngài. Ngay khi Gioan thanh tẩy bằng nước thì Người sẽ đến và thanh tẩy bằng Thánh Linh (Mc 1, 2-4.7-8 ; Mt 3,2.11-12 ; Lc 3,4.15-18). Máccô và những tác giả Tin Mừng nhất lãm đang nói với đọc giả rằng Gioan Tẩy Giả chỉ là một vị được linh hứng còn Đức Giêsu chính là Vị được linh hứng của mọi vị được linh hứng.
Hình ảnh của Caipha và Phongxiô Philatô trong các Tin Mừng nhất lãm cũng tương đồng với hình ảnh chúng ta diễn tả khi nói đến số phận bi thảm của Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi biết Caipha gây kích động chống lại Đức Giêsu vì ông lặng thinh để đám đông giận dữ tụ tập lại hầu ông có cơ hội bắt Ngài như chúng ta đã diễn tả, trước thượng hội đồng gồm những hội viên bí mật do ông tuyển lựa, những hội viên này phải trung thành với học thuyết hai lãnh vực và hết sức khôn khéo trong việc liên hệ tới sự đáp trả của Roma độc ác trước bất kỳ một thái độ hỗn loạn nào của đám đông cũng như bất kể những nguồn mạch gây nên bạo động (Mt 26, 3-5.57-68).
Những môn đệ Đức Giêsu cũng đã nói đến thể chế chính trị rất đúng trong việc xét xử Đức Giêsu. Đức Giêsu bị mang đến một thể chế duy nhất có quyền xét xử đối với những ai có manh nha tạo thành bạo động trước thượng hội đồng của thượng tế do chính ông triệu tập và chủ trì. Dù thù địch chăng nữa, họ vẫn bao che cho những Kinh Sư Pharisêu. Các môn đệ Đức Giêsu không hề nói đến việc Đức Giêsu bị xét xử tại một bet din, một toà xét xử do một thầy thông Luật đôi (twofold Law) để kết án Người đã xúc phạm đến Luật Thiên Chúa. Họ đã không thuật lại như thế vì vào thời Đức Giêsu sống, tất cả những ai sống ở Giuđa và Gallilê đều biết rằng một vị được linh hứng không bao giờ bị mang đến xét xử tại một thể chế tôn giáo dù cho vị ấy có rao giảng những điều sai lạc thuộc lãnh vực tôn giáo.
Thật vậy, những trình thuật trong Tin Mừng nhất lãm mang tính lịch sử đáng tin cậy vì những tác giả miễn cho toà bet din vai trò xét xử và đóng đinh Đức Giêsu. Các tác giả Tin Mừng đã đưa ra những chứng cớ đúng với thể chế hoàng đế và những quyền hành của thể chế đó trên phương diện chính trị cũng như những chứng cứ rất đúng về học thuyết hai lãnh vực – lãnh vực chính trị và tôn giáo - mà các Kinh Sư Pharisêu đã trân trọng tán thành. Bên cạnh đó các tác giả Tin Mừng cũng xác minh rất đúng học thuyết sống-và-để-cho-sống với sự tôn trọng những hình thức bất đồng của đạo Do Thái.
Cũng vậy, các Tin Mừng chứng thực những mong mỏi của chúng ta khi nói với chúng ta rằng Đức Giêsu đã bị buộc tội với trọng tội là Con Thiên Chúa, là Mêsia và là Vua Do Thái. Vì vấn đề này không phải là một vấn đề tôn giáo dù cho những viễn tượng ấy có cơ sở vững chắc nơi những bản văn Kinh Thánh Do Thái. Những ngôn sứ đã mường tượng đến viễn cảnh một ngày kia bao sầu đau uốt hận, bao tang tóc chết chóc chia li sẽ không còn. Ngôn sứ Isaia đã hình dung một vị Vua-Mêsia xuất phát từ gốc Jesse, Người sẽ trị vì trong vinh quang. Ngôn sứ Ezekiel đã được Thiên Chúa gởi cho hình ảnh Con Thiên Chúa.
Những lời giảng của Đức Giêsu về Vương Quốc Thiên Chúa không thể nào thoát khỏi được những yếu tố chính trị. Thượng tế, toà thượng hội đồng của thượng tế, tổng trấn liên kết với nhau tố cáo những bài giảng của Đức Giêsu là một mối nguy hiểm chính trị, dù tự do cách mấy đi nữa thì những bài giảng đó cũng mang ý định chính trị công khai. Việc Đức Giêsu loan giảng Triều Đại Thiên Chúa đang đến là điều phản nghịch trong mắt họ bao lâu Triều đại đó chưa có chỗ cho hoàng đế Rôma, thủ lĩnh của ông và thượng tế do tổng trấn của ông bổ nhiệm. Thật vậy, chỉ khi nào Đức Giêsu được thừa nhận là Con Thiên Chúa và là Vua-Mêsia thì lời hứa ngôn sứ về một triều đại mêsia nơi Ngài mới được viên mãn. Nhưng điều đó phụ thuộc vào việc Người đưa ra Vương Quốc đó bất chấp mọi nỗ lực cản ngăn của con người. Tắt một lời, Đức Giêsu sẽ minh chứng lời loan giảng của mình bằng cuộc sống chứ không phải bằng cái chết.
Các Tin Mừng Nhất Lãm khẳng định rằng Đức Giêsu trải qua định mệnh như định mệnh Đấng được linh hứng của tất cả các vị được linh hứng đã trải qua mà chúng ta đã khắc hoạ dựa vào Josephus. Vì các Tin Mừng Nhất Lãm cho chúng ta biết Đức Giêsu đã bị điệu đến trước Caipha, người đại diện do hoàng đế bổ nhiệm, và bị điệu đến trước toà thượng hội đồng của thượng tế – toà này không phải là một bet din của Kinh Sư Pharisêu – và bị kết tội vì việc tự cho mình là Đấng Mêsia, là Vua Do Thái. Nhưng dù cho các Tin Mừng chứng tỏ rõ ràng Đức Giêsu bị xét xử do bộ máy chính trị, những người theo Đức Giêsu vẫn xác tín Người bị xét xử trên những phương diện tôn giáo. Vì trong mắt họ, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng được Xức Dầu – một nhân vật siêu phàm chứ không phải là một Đế Vương nhân loại. Người thật là hiện thân của lời Thiên Chúa hứa. Chính vì vậy, ipso facto, Người là một nhân vật tôn giáo chứ không phải chính trị.
Tuy nhiên, thượng tế và toà thượng hội đồng của ông đã không tin như vậy. Đối với họ, Đức Giêsu bị đánh lừa và các môn đệ của Ngài cũng bị đánh lừa. Mặt khác đúng là Ngài thích làm ra vẻ mêsia và những ảo tưởng ngờ nghệch của Người rất có thể gây ra một cuộc nổi dậy. Tuy nhiên, sẽ không ngạc nhiên trước việc các môn đệ của Đức Giêsu tin tưởng Người là Đấng Kitô và trước việc quy gán động lực tôn giáo cho thượng tế và toà thượng hội đồng của ông bởi vì đối với các môn đệ, Đức Giêsu là công cụ dành riêng cho Thiên Chúa chứ không phải là một khuôn mặc chính trị. Đàng khác, cũng không ngạc nhiên trước việc các Tin Mừng không phân biệt rõ những động cơ chính trị và tôn giáo, những động cơ mà thượng tế cùng toà thượng hội đồng luôn luôn biết tỏng.
Chúng ta cũng không ngạc nhiên trong những tường thuật về cuộc tử nạn và những chứng cứ Đức Giêsu phục sinh trong các Tin Mừng. Sau cùng, titulus về thập giá giải thích rõ lý do tại sao Đức Giêsu bị đóng đinh : Ngài đã bị kết án vì đã loan giảng “chính Người là Vua Do Thái” (Mt 27,37 ; Mc 15,26 ; Lc 23,38). Đã có chứng cớ tội phản quốc ở đây, vậy không phải Đức Giêsu đã bị kết án đóng đinh thập tự, một hình phạt dành cho những ai dám cả gan chống lại chính quyền Rôma sao ? Như vậy, titulus bảo tồn trong những Tin Mừng giúp chúng ta không còn nghi ngờ trước vấn nạn tại sao Đức Giêsu bị đóng đinh và ai đã đóng đinh Ngài. Dù sao số phận của Đức Giêsu cũng không thể khác hơn, vì chính sách của Rôma là nhổ tận gốc rễ bất kỳ một ai dám cả gan thách thức luật lệ của họ. Họ chẳng cần quan tâm đến việc người đó thực sự là một nhà cách mạng hay chỉ mang nhãn giới ngôn sứ.
Cũng vậy, những lời cuối của Đức Giêsu mà Tin Mừng đã thuật lại (Mc 15,34) cũng không làm chúng ta ngạc nhiên. Đó là những lời bật ra từ cửa môi của một vị được linh hứng khi đối diện với cái chết. Chia sẻ niềm tin với tất cả những người Do Thái rằng Đấng Mêsia sẽ khai mở Vương Quốc của Thiên Chúa trong suốt thời gian Người hiện diện trên trái đất. Thế nhưng khi phải đối diện với cái chết, vị được linh hứng nhận ra rằng những hy vọng mang tính mêsia của ông đã bị giao động. Bất kỳ ai mang dáng dấp mêsia đều biết rằng sự thử thách duy nhất đối với những lời ông loan giảng : Ông có khai mở Vương Quốc của Thiên Chúa trong suốt cuộc đời ông ? Cái chết hoặc bằng gươm hay bằng việc đóng đinh thập tự sẽ cắt đứt mọi ước muốn mêsia của Người. Chính vì thế, khi Người đứng trước ngưỡng cửa của cái chết, ý nghĩ khủng khiếp rằng Thiên Chúa lừa dối Người bao trùm trong tâm trí Người. Quặn thắt với nỗi đau vượt quá khả năng chịu đựng, nỗi khốn khổ bi thảm gợi lên những lời kêu cầu của tác giả Thánh Vịnh, những lời kêu cầu thống thiết ấy mang cảm tưởng đầy bất hạnh của Người : “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao Người bỏ con ?”.
Ngay cả bằng chứng Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, ý nghĩa mới mẻ về Đấng Mêsia như vậy cũng chẳng lạ lẫm gì vì quan niệm này đã khai sinh từ lâu và nằm sâu trong tâm trí của Pharisêu. Thật vậy, Kinh Sư Pharisêu hằng ngày vẫn dạy rằng linh hồn người công chính một ngày nào đó sẽ được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Sự phục sinh không chỉ là điều có thể nhưng là lẽ đương nhiên. Phục sinh là niềm tin mà Tin Mừng đã dạy chúng ta. Đó cũng là nội dung Đức Giêsu đã loan giảng suốt cuộc sống của Người. Hẳn rằng các tác giả Tin Mừng rất phấn khởi và hãnh diện khi Đức Giêsu sử dụng một đoạn nguyên văn Thánh Kinh làm chứng cớ để đối lại với nhóm Xađốc vì họ không tin có sự sống lại (Lc 20,39). Đức Giêsu lịch sử đã gieo vào tâm tưởng các tông đồ một niềm xác tín mạnh mẽ rằng rồi đây con người sẽ được phục sinh. Vì lẽ đó, khi các tông đồ nhìn thấy Thầy của họ sống lại từ cõi chết, mắt họ đã mở rộng để sẵn sàng tin vào những gì họ đã nhìn thấy : Đức Giêsu hoàn toàn đang sống, Người là Đấng Kitô.
Như thế, chúng ta đã tìm thấy trong Tin Mừng một Đức Giêsu lịch sử, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào Ngài có phải là Đức Giêsu Kitô phục sinh, Đức Giêsu mà những nét đặc trưng của Ngài đồng nhất với những nét đặc trưng của Đấng được linh hứng chúng ta đã vẽ lên từ sử liệu của Josephus. Hiểu theo cách thông thường, Đức Giêsu là một vị thần linh hiếm hoi, Người đã vào thế giới này trong những khoảng khắc hiếm hoi nào đó để gặp gỡ những con người bình thường với một cuộc sống vượt khỏi thế giới này, bằng một tình yêu vượt khỏi thế giới này và một niềm hy vọng cũng vượt khỏi thế giới này. Hiếm có ai có thể nỗ lực đạt tới một đời sống và tình yêu như vậy. Thế giới này tới gần và phủ tấm mạng của sự mỏng dòn yếu đuối mong manh của nhân loại lên Người và thế giới này đã lưu lại những dấu tích của Người, tuy nhiên đó chỉ là những hình bóng đời sống của Người còn lưu lại trong thế giới này mà thôi. Như thế, Đức Giêsu không phải là một vị thần linh quá hiếm hoi khi Người đã đi giữa mọi người và sự sống của Người đã không kết thúc với cái chết nhưng kết thúc với Sự Sống sao ?
(còn tiếp)