15/06/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

1080

 


 


Lời Nguyền


bao_lucTừ “lời nguyền” trong tiếng Do thái rất giàu nghĩa; nó diễn tả những phản ứng dữ dội của những người mê hung hăng: người ta tức giận nguyền rủa (z’m), vừa sỉ nhục (‘rr), mỉa mai (qll), ghê tởm (qbb), báng bổ (‘lh). Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp phần lớn nhắc đến từ gốc ara, nó mô tả sự cầu xin, thỉnh nguyện, chúc dữ, và đúng hơn gợi lên việc sử dụng một sức mạnh vô địch chống lại điều người ta nguyền rủa.


Lời nguyền sử dụng những sức mạnh tột bậc chúng vượt khỏi tầm với của con người; qua uy lực của lời được phát ra nó dường như phát sinh những hậu quả tai hại tất yếu, lời nguyền gợi lên quyền năng đáng sợ của cái ác và tội lỗi, gợi lên cái luận lý không thương tiếc nó dẫn đi từ cái ác đến cái khổ. Cũng thế, trong hình thức đầy đủ của lời nguyền có mang hai nội dung liên kết cách chặt chẽ, đó là nguyên nhân hay điều kiện và dẫn đến hậu quả: “Vì anh đã làm điều đó (nếu anh làm điều đó)… thì cái khổ ấy sẽ dành cho anh”.


Người ta không thể rủa vả cách bồng bột mà không tránh khỏi hậu quả là lời nguyền họ nói ra đổ lên chính con người họ (x. Tv 109,17). Để nguyền rủa ai thì phải có một thứ quyền nào đó trên con người sâu thẳm của kẻ ấy, đó là thứ quyền của giới lãnh đạo hợp pháp hay cha truyền con nối, quyền khốn khổ và chịu áp bức bất công (Tv 137,8; x G 31,20.38; Gc 5,4), quyền của Thiên Chúa.


I. THỜI TIỀN SỬ: LỜI NGUYỀN RƠI XUỐNG THẾ GIAN


Từ nguyên thủy, sự nguyền rủa đã có đó (St 3,14.17), nhưng đối lại, âm vang trước hết là lời chúc phúc (1,22.28). Lời nguyền ví như tiếng vọng trở lại của Lời Chúa hiện diện trong thế giới. Khi Lời, ánh sáng, chân lý, sự sống, tác động đến Thủ Lĩnh của bóng tối, cha của sự dối trá và sự chết, thì lời chúc phúc mà Lời ấy mang đến cho cuộc gặp gỡ này bị biến thành lời nguyền rủa. Tội lỗi là một sự dữ mà Lời không tạo ra nhưng tỏ bày, và Lời ấy mang lấy hậu quả của tội: lời nguyền đã là một sự trừng phạt rồi.


Thiên Chúa chúc phúc bởi vì Ngài là Thiên Chúa sống động, nguồn sự sống (Gr 2,13). Kẻ cám dỗ tìm cách dụ dỗ (St 3,4) và dẫn con người vào tội lỗi thì cũng dẫn con người vào sự nguyền rủa của nó: thay cho sự hiện diện của Thiên Chúa thì đó là sự lưu đày xa khỏi Thiên Chúa (St 3,23) và vinh quang của Ngài (Rm 3,23); thay vì là sự sống thì lại là sự chết (St 3,19). Tuy nhiên, chỉ có kẻ cầm đầu tức quỷ dữ (Kn 2,24) là bị nguyền rủa “muôn đời” (St 3,14); lời nguyền rủa đem đau khổ, công việc khó nhọc nặng nề đổ xuống người đàn bà, đàn bà tiếp tục sinh con, đổ xuống trái đất, đất tiếp tục sản sinh, đổ xuống tất cả sự sinh sôi nảy nở, nhưng không phá bỏ lời chúc phúc ban đầu (3,16-20). Với cái giá phải trả cho sự lao động không ngừng và cái giá phải chết, sự sống vẫn luôn mạnh nhất, là điềm báo sự thất bại hoàn toàn của kẻ bị nguyền rủa (3,15).


Từ Ađam đến Abraham, lời nguyền rủa lan rộng: sự chết mà con người sẽ phải gánh chịu (St 4,11; dựa trên mối liên hệ giữa sự nguyền rủa và máu, x, 4,23; 9,4; Mt 27,25); sự sa đọa nó dẫn đến hủy diệt (St 6,5-12) của trận hồng thủy, nơi mà nước, sự sống hàng đầu, biến thành nguồn nước chết. Tuy nhiên, trọng tâm của lời nguyền, Thiên Chúa gửi Noé, kẻ làm đẹp lòng Ngài, gửi những hạt giống của một nhân loại mới cho kẻ được hứa ban lời chúc phúc mãi mãi (8,17-23;9,1-17; 1 Pr 3,20).


II. CÁC TỔ PHỤ: LỜI NGUYỀN RƠI XUỐNG KẺ THÙ CỦA ISRAEL


Trong khi lời nguyền rủa phá hủy Babel và phân tán loài người liên kết chống lại Thiên Chúa (St 11,7), thì Thiên Chúa chọn Abraham để quy tụ muôn dân quanh ông và dòng dõi ông, để chúc phúc hay nguyền rủa những ai chúc phúc hay nguyền rủa họ (12,1). Trong khi lời chúc phúc kéo dòng dõi được tuyển chọn ra khỏi tai họa kép là không có con nối dõi (15,5; 30,1) và mảnh đất thù nghịch (27,27; 49,1; 22-26), thì lời nguyền rủa mà các kẻ thù của dòng giống được tuyển chọn gán cho sẽ ném chúng “xa mảnh đất màu mỡ….và không có sương từ trời cao rơi xuống” (27,39); lời nguyền rủa biến thành hình phạt, loại khỏi lời chúc phúc duy nhất. “Nguyền thay kẻ nguyền rủa ngươi!”: Pharaon (Xh 12,29-32), kế tiếp là Balaq (Ds 24,9) đã trải qua kinh nghiệm này. Thật đầy mỉa mai, Pharaon buộc phải van xin con cái Israel “cầu phúc” Thiên Chúa của họ “cho (ông)” (Xh 12,32).


III. LỀ LUẬT: LỜI NGUYỀN RƠI XUỐNG ISRAEL TỘI LỖI.


Lời chúc phúc càng lan rộng, lời nguyền càng được biểu lộ.


1) Lề Luật dần dần vạch trần tội lỗi (Rm 7,7-13) đồng thời nêu ra, bên cạnh những đòi hỏi cũng như cấm đoán, những hậu quả tất nhiên khi vi phạm chúng. Từ Luật Giao Ước đến các nghi lễ quy mô của Đệ Nhị luật, mỗi lần như thế các mối đe dọa nguyền rủa đều gây thiệt hại rõ ràng và rộng rãi (Xh 23,21; Gs 24,20; Đnl 28; x. Lv 26,14-39). Lời chúc phúc là một mầu nhiệm tuyển chọn, còn lời nguyền là một mầu nhiệm loại bỏ và sa thải những người được chọn không xứng đáng (1 Sm 15,23; 2 V 17,17-23; 21,10-15) với sự chọn lựa tuy nó luôn liên quan đến họ (Am 3,2).


2) Các tiên tri, những chứng nhân của Israel cứng lòng (Am 6,1…; Khb 2,6-20), mù quáng trước tai ương sắp xảy đến (Am 9,10; Is 28,15; Mi 3,11; x.Mt 3,8…) đã buộc lòng phải kêu lên “bạo tàn và phá hủy” (Gr 20,9), buộc lòng quay về với thứ ngôn ngữ chúc dữ (Am 2,1-16; Hs 4,6; Is 9,7-10,4; Gr 23,13…; Ed 11,1-12.13-21), và thấy sự chúc dữ đó ập xuống toàn cõi Israel không chừa thứ gì hay bất cứ ai: các tư tế (Is 28,7-13), các tiên tri giả (Ed 13), các mục tử xấu xa (Ed 34,1-10), miền đất (Mi 1,8-16), Đô Thành (Is 29,1-10), Đền Thờ (Gr 7,1-15), cung điện (22,5), các vua (25,18).


Tuy nhiên lời nguyền rủa không bao giờ trọn vẹn cả. Đôi khi, không phải do vẻ bề ngoài cũng không phải do thay đổi trong lúc bộc phát ân tình mà lời hứa cứu độ thế chỗ mối đe dọa (Hs 2, 8.11.16; Is 6,13), nhưng rất thường thì, ngay giữa lòng sự chúc dữ xuất hiện sự chúc phúc, giống như luận lý tâm điểm vậy (Is 1,25…; 28,16…; Ed 34,1-16; 36,2-12.13-38).


IV. LỜI KÊU GỌI CHÚC DỮ CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH.


Từ một số ít người còn sót lại mà qua họ Thiên Chúa truyền lời chúc phúc Abraham, có lúc tăng những tiếng kêu chúc dữ, như tiếng kêu của Giêrêmia (Gr 11,20; 12,3; 20,12) và của các tác giả thánh vịnh (Tv 5,11; 35,4…; 83,10-19; 109,6-20; 137,7…). Rõ ràng những lời kêu gọi sự bạo lực này chúng làm ta bị sốc như thể ta đã biết tha thứ, chứa đựng một phần nào đó lòng hận thù của cá nhân hay dân tộc. Thế nhưng, sau khi được thanh tẩy, những lời kêu gọi ấy có thể sẽ được dùng lại trong Tân Ước, vì chúng diễn tả không chỉ cảnh khốn cùng của nhân loại bị buộc theo lời nguyền của tội lỗi, nhưng còn là lời kêu gọi công lý của Thiên Chúa, công lý ấy tất yếu chứa đựng sự tiêu diệt tỗi lỗi. Khi lời kêu gọi ấy thốt ra từ một tâm hồn thú nhận lỗi phạm của mình (Ba 3,8; Đn 9,11-15) thì Thiên Chúa không thể bỏ rơi tiếng kêu này; khi tiếng kêu ấy lặng lẽ cất lên từ đôi môi vô cảm của một người vô tội bị giết “không hề mở miệng ra” (Is 53,7), người gánh chịu lời nguyền rủa vì tội lỗi chúng ta (53,3…), sự can thiệp này đúng là hiệu nghiệm: nó bảo đảm cho chúng ta ơn cứu độ của những người tội lỗi và sự chấm dứt tội lỗi: “sẽ không còn lời nguyền nữa” (Da 14,11).


IV. ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG CHIẾN THẮNG LỜI NGUYỀN


“Đối với những ai thuộc về Đức Giêsu Kitô thì không còn kết án” (Rm 8,1) cũng không có chúc dữ. Vì chúng ta, Đức Kitô đã trở nên “tội lỗi” (2 Cr 5,21) và “bị nguyền rủa” để “cứu chuộc chúng ta khỏi sự nguyền rủa của Lề Luật” (Ga 3,13) và cho chúng ta lãnh nhận chúc phúc và Thánh Thần của Thiên Chúa. Do vậy Lời mở ra một thời đại mới về phúc thật (Mt 5,3-11): từ nay trở đi Lời không loại bỏ nhưng lôi kéo (Ga 12,32); Lời không chia rẽ nhưng hiệp nhất (Ep 2,16). Lời giải phóng con người khỏi xiềng xích của sự dữ là Satan, Tội Lỗi, Giận Dữ, Tử Thần, và làm cho con người biết yêu thương. Cha là Đấng đã tha thứ tất cả nơi Con Ngài có thể dạy cho con cái Ngài làm thế nào chiến thắng sự dữ bằng tha thứ (Rm 12,14; 1 Cr 13,5) và bằng tình yêu (Mt 5,44; Cl 3,13); người Kitô hữu không thể nguyền rủa nữa (1 Pr 3,9), trái hẳn với “Nguyền thay kẻ nguyền rủa ngươi!” của Cựu Ước, và noi gương Thầy, người Kitô hữu phải “chúc phúc những ai nguyền rủa mình” (Lc 6,28).


Sự dữ tuy bị Đức Kitô chiến thắng, nó vẫn còn tồn tại như một thực tế, một số mệnh dẫu không còn nguy hại như nó đã từng là khi không có Ngài nhưng vẫn có thể xảy ra. Biểu hiện cao nhất của sự chúc phúc cũng là đỉnh điểm của sự chúc dữ nó kiên trì theo đuổi những dấu vết của chúc phúc kể từ thời ban đầu. Sự dữ, trong khi tận dụng những ngày cuối cùng tồn tại của nó (Kh 12,12), sẽ nổi loạn vào giờ mà ơn cứu độ được hoàn thành (8,13). Do đó mà Tân Ước vẫn còn mang nhiều hình thức chúc dữ; sách Khải Huyền có thể vừa loan báo: “sẽ không còn lời nguyền nào nữa” (22,3) lại vừa thốt ra lời chúc dữ sau hết: “Hãy xéo ra ngoài…. tất cả bọn người thích làm điều ác!” (22,15), Con Mãng Xà (12), Con Thú và tiên tri giả (13), các nước như Gog (Gốc) và Magog (Ma-gốc) (20,7), gái điếm (17), Babel (18), Tử Thần và Địa Ngục (20,14), đêm tối (22,5), thế gian (Ga 16,33) và các Quyền Lực của thế gian này (1 Cr 2,6). Lời nguyền rủa sau hết, “Xéo ra ngoài!” không được trở lại, được Đức Giêsu Kitô cất lớn tiếng. Điều làm cho lời nguyền này đáng sợ đó là lời ấy không phát xuất từ Ngài, không phải là lời trừng phạt, cũng không phải là lời hạch hỏi lý lẽ trừng phạt; lời ấy rất thuần khiết mà cũng rất khủng khiếp, vì nó để dành sự lựa chọn cho những ai muốn tự loại mình khỏi tình yêu.


Không phải Đức Giêsu đến để nguyền rủa và kết án (Ga 3,17; 12,47), nhưng trái lại Ngài mang đến sự chúc phúc. Trong suốt cuộc đời của Ngài, chưa bao giờ Ngài kết án một ai cả; dĩ nhiên Ngài đã không chừa những đe dọa rất ác hại dành cho những kẻ thỏa thuê với thế gian này (Lc 6,24…), những thành miền Galilê không tin (Mt 11,21), những kinh sư và người Pharisiêu (Mt 23,13-31), tất cả những tội lỗi của Israel đổ xuống đầu “thế hệ này” (23,33-36), “kẻ đã nộp Con Người (26,24), nhưng đó luôn là những lời cảnh báo, những tiên báo khổ đau, chứ không bao giờ là lời khích động do giận dữ. Riêng từ ngữ nguyền rủa chỉ xuất hiện trên môi Con Người vào ngày vinh quang sau hết của Người: “Hãy xa khỏi ta, hỡi những kẻ bị nguyền rủa!” (Mt 25,41). Ngài còn báo trước cho chúng ta biết rằng, vào ngày ấy, Ngài sẽ không thay đổi cách xử sự: “Nếu ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ những lời ấy thì không phải tôi sẽ kết án người đó… chính Lời tôi đã nói sẽ xét sử người ấy vào ngày sau hết” (Ga 12,47…).

114.864864865135.135135135250