22/03/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

178

 


 


 


Hiệp Thông




Hiệp thông thánh lễ là một trong những cử chỉ mà ở đó người Kitô hữu bày tỏ cội nguồn đức tin của mình, bày tỏ niềm xác tín về một sự tiếp xúc thân mật và có thực với Đức Chúa vốn vượt qua mọi diễn tả thành lời. Sự thể hiện kinh nghiệm duy nhất này thấy có trong từ vựng: từ ngữ hiệp thông (tiếng Hy lạp, koinônia) hầu như hoàn toàn vắng bóng trong Cựu ước và chưa bao giờ thấy chỉ rõ trong Cựu ước mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Trái lại trong Tân ước, từ này lại nêu bật những mối tương quan của người Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa.


Việc tìm kiếm sự hiệp thông với Thiên Chúa không xa lạ gì với con người; tôn giáo thường có vẻ được dành cho sự gắn kết con người với Thiên Chúa; chính chủ đề tôn giáo căn bản này mà sự kiếm tìm của cộng đoàn bằng những hiến sinh nằm ở giữa vị thần và những người theo vị thần ấy. Ở một số những bữa tiệc thánh, người La mã thường bố trí xen giữa họ những bức tượng các vị thần của khách mời: ước muốn sâu thẳm của con người được diễn tả qua quan niệm huyền thoại.


Nếu chỉ Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian duy nhất của chúng ta, mới có thể lấp đầy nỗi khao khát này, thì Cựu ước, trong khi còn bo bo duy trì những khoảng cách không thể vượt qua được trước sự Nhập Thể, cũng đã chuẩn bị cho sự hoàn thành của Ngài.


Cựu ước


1. Tín ngưỡng của người Israel phản ánh nhu cầu đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Điều này được diễn tả trong những hiến tế nhất là khi nói đến “hòa bình”, nghĩa là hạnh phúc, nơi ấy một phần các vật hiến sinh lại trở về với người hiến dâng: trong khi ăn thịt con vật, người ấy được dự phần vào bàn tiệc của Chúa. Cũng vậy nhiều bản dịch đặt tên cho tục thờ kính này là “hiến tế hiệp thông” (x. Lv 3). Thật ra, chưa bao giờ Cựu ước nói về sự hiệp thông với Thiên Chúa, mà chỉ nói về việc dùng bữa “trước nhan Thiên Chúa” (Xh 18,12; x. 24,11).


2. Giao ước. Nhu cầu này có lẽ vẫn còn là giấc mơ vô ích nếu như Thiên Chúa không đề nghị với dân Ngài một hình thức trao đổi cuộc sống chung thật sự: bằng Giao ước, Giavê đã nhận lãnh trách nhiệm về sự tồn vong của Israel, Ngài luôn sát cánh với lợi ích của họ (Xh 23,22), Ngài muốn một cuộc gặp mặt (Am 3,2) và tìm cách chiếm hữu trái tim của họ (Hs 2,16). Kế hoạch hiệp thông này, vốn là động lực của Giao ước, được biểu lộ trong bộ máy mà Thiên Chúa đặt xung quanh nó sáng kiến của Ngài: cuộc đối thoại lâu dài giữa Ngài với Môisen (Xh 19,20; 24,12-18), danh xưng “Lều hội ngộ” là nơi Ngài gặp gỡ ông (33,7-11).


3. Lề Luật. Hiến chương của Giao ước, tức Lề Luật có mục đích dạy cho Israel biết những phản ứng của Thiên Chúa (Đnl 24,18; Lv 19,2). Tuân phục Lề Luật, tức để được dạy dỗ bởi những giới luật, như thế là nhận ra Thiên Chúa và kết hiệp với Ngài (Tv 110); ngược lại, yêu mến Thiên Chúa và tìm kiếm Ngài, đó là tuân giữ các giới răn của ngài.


4. Cầu nguyện. Người Israel vốn sống trong sự trung thành với Giao ước thì còn gặp gỡ Thiên Chúa theo lối thân mật nhất, qua hai hình thức căn bản của cầu nguyện: qua sự kinh ngạc và niềm vui tự dâng trào trước những kỳ công của Thiên Chúa, gợi nên sự chúc phúc, ngợi khen và tạ ơn; và qua sự tha thiết cầu xin việc tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa (Tv 42,2-5’ 63,2-6), sự gặp gỡ mà ngay cả cái chết cũng không thể chia cách. (Tv 16,9; 49,16; 73,24).


5. Sự hiệp thông của những tâm hồn trong dân là hoa quả của Giao ước: tình liên đới tự nhiên trong gia đình, trong thị tộc, bộ tộc, trở nên cộng đoàn biết suy tư và sống nhằm phục vụ Thiên Chúa Đấng quy tụ Israel. Để trung thành với Thiên Chúa Đấng cứu độ, người Israel phải xem những người đồng hương như “anh em” mình (Đnl 22,1-4; 23,20) và không tiếc sự chia sẻ cho những người bị thua thiệt nhất (24,19…). Hội đồng phụng tự của truyền thống tư tế thì cũng là một cộng đồng quốc gia đang trên đường hướng về đích Thiên Chúa của họ (Ds 1,16; 20,6-11; 1 Sb 13,2), “cộng đồng của Giavê” và “toàn thể Israel” (1 Sb 15,3).


Tân ước


Trong Đức Kitô, sự hiệp thông với Thiên Chúa trở nên một thực tại; ngay trong sự yếu đuối, Đức Giêsu Kitô đã chia sẻ bản tính chung với tất cả mọi người (Dt 2,14) và ban cho họ được thông phần vào bản tính Thiên Chúa của Ngài (1Pr 1,4).


1. Sự hiệp thông với Chúa tồn tại trong Giáo hội


Kể từ khi bắt đầu cuộc đời công khai, Đức Giêsu luôn gắn bó với nhóm mười hai mà Ngài muốn thắt chặt sự liên đới bằng sứ mạng rao giảng và bằng lòng thương xót của Ngài (Mc 3,14; 6,7-13). Ngài khẳng định rằng những ai thuộc về Ngài phải thông phần với những đau khổ của Ngài để xứng đáng với Ngài (Mc 8,34-37; Mt 20,22; Ga 12,24; 15,18). Ngài thật sự là Đấng Mêsia, là Vua đã gắn kết với dân Ngài. Cùng lúc Ngài nhấn mạnh đến sự thống nhất căn bản của hai giới răn của tình yêu (Mt 22,37…).


Tình đoàn kết anh em chặt chẽ của những Kitô hữu đầu tiên vốn được làm nên từ đức tin, đức mến, sự noi gương, trong sự gắn bó với Thầy Giêsu, tình anh em ấy đã được thực hiện bằng việc “bẻ bánh” ở nơi đầu tiên (Cv 2,42). Từ rất sớm, việc xem những tài sản là của chung (4, 32…) và tiền quyên góp được tổ chức tùy theo nhu cầu của những anh em (Rm 12,13; Ga 6,6; 2 Cr 8,4; Dt 13,16) đã là biểu hiện của tình anh em ấy. Những cuộc bắt hại phải chịu đựng chung đã làm nên tình đoàn kết của những tâm hồn (2 Cr 1,7; Dt 10,33; 1 Pr 4,13) như là sự góp phần rao truyền Tin Mừng (Pl 1,5).


2. Chiều sâu của sự hiệp thông


a) Đối với thánh Phaolô, người trung thành vốn gắn chặt vào Đức Kitô bằng đức tin và phép rửa thì tham dự vào những mầu nhiệm của Ngài. Chết đi tội lỗi với Đức Kitô, người tín hữu được phục sinh với Ngài ở một cuộc sống mới (Rm 6,3; Ep 2,5); những nỗi đau khổ và cái chết của họ đồng hóa với cuộc vượt qua, cái chết và sự phục sinh của Chúa (2 Cr 4,14; Rm 8,17; Pl 3,10; 1 Tx 4,14). Sự “hiệp thông với Con” (1 Cr 1,9) được thực hiện mỗi ngày bằng việc tham dự vào Thân Thể của Đức Kitô (10,16) và hoạt động của Thánh Thần (2 Cr 13,13; Pl 2,1).


b) Đối với thánh Gioan, hiệp thông với Đức Giêsu Kitô cùng lúc đem lại cho chúng ta sự hiệp thông với Cha và hiệp tình huynh đệ giữa các Kitô hữu (1 Ga 1,3). Sự hiệp thông này làm cho người này “ở” trong người khác. Như Cha ở trong Con và chỉ làm nên một, thì các Kitô hữu cũng phải ở lại trong tình yêu của Cha và của Con như vậy, đồng thời tuân giữ các giới răn của các Ngài (Ga 14,20; 15,4.7; 17,20-13; 1 Ga 2,24; 4,12), bởi quyền năng của Thánh Thần (Ga 14,17; 1 Ga 2,27; 3,24; 4,13). Bánh Thánh là nguồn lương thực cần thiết cho sự hiệp thông vĩnh cửu này (Ga 6,56).


Người Kitô hữu cũng hãy nếm thử trước niềm vui vĩnh cửu nó là giấc mơ của mọi tâm hồn con người, là hy vọng của Israel: “ở với Chúa mãi mãi” (1 Tx 4,17; Ga 17,24).


 





114.864864865135.135135135250