22/03/2017 -

Suy tư, nghiên cứu

3239
Lịch sử thường tái diễn, có lẽ vì thế mà giới nghiên cứu không mấy khó khăn để có thể tìm ra những điểm tương đồng của các hệ thống xã hội có cùng khuôn mẫu tổ chức. Qua liên tưởng so sánh giữa hai thể chế độc tài trong lịch sử loài người: Đế chế La Mã (27 tr.CN – 1453) cổ đại và đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thời hiện đại, điểm chung nổi bật nhất có thể kể là kết cục số phận bất thường luôn lặp lại qua các đời lãnh đạo.
Thời gian qua, tại nhiều đô thị Trung Quốc Đại Lục, trong khi giá nhà đất đô thị tuyến 3, 4 bị tồn kho thì tại các đô thị lớn tuyến 1 và 2 giá nhà đất lại tăng vọt. Để ứng phó nguy cơ tiềm ẩn, giới chức ĐCSTQ lại đưa ra đợt điều chỉnh mới trên các địa bàn Bắc Kinh, Thạch Gia Trang, Trịnh Châu và Quảng Châu; Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thì tiếp tục thể hiện thái độ kiên quyết ủng hộ nhằm ngăn chặn nguy cơ. Qua sự việc, nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã bất lực trong ứng phó với các loại hiểm họa mang tính hệ thống. Một áp lực khác diễn ra trong ngày 17/3 vừa qua sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thể hiện thái độ cứng rắn trong buổi họp báo rằng, chính sách kiềm chế đối với Bắc Triều Tiên đã đến giới hạn. Ngoài ra còn vấn đề tội ác mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc cũng đang đặc biệt gây chú ý trên cộng đồng quốc tế… Có thể nói, áp lực từ tứ phía đang từng bước đẩy chính quyền Bắc Kinh vào ngã tư đường lịch sử, trước lựa chọn sinh tử.
 

Bức hoạ “Ngọn đuốc của Nero” (Nero’s torches) kể lại câu chuyện Hoàng đế La Mã Nero (37 – 68) bức hại các Kitô hữu.
Lịch sử thường tái diễn lại, sự tàn bạo của chính quyền độc tài Trung Quốc ngày nay có gì đó tương đồng với Đế quốc La Mã ngày xưa. Năm 49 tr.CN (trước Công nguyên), Julius Caesar của Cộng hòa La Mã đã trở thành nhà độc tài trọn đời, ông ta đã bị ám sát chết vào năm 44 tr. CN.Augustus, người được công nhận rộng rãi là hoàng đế La Mã đầu tiên, lên cầm quyền sau một cuộc chiến đẫm máu. Đế quốc La Mã bắt đầu thời kỳ thống trị độc tài gần 1500 năm trong cảnh đấu tranh, chém giết và dịch bệnh suốt quá trình tồn tại của nó, đa số các Hoàng đế La Mã không được chết trong an lành. Bức tranh tương tự cũng đã và đang xảy ra với chính quyền độc tài ĐCSTQ ngày nay, bản thân các thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ và người thân của họ đều phải trải qua quá trình đấu tranh chính trị khốc liệt trong Đảng, tình cảnh đấu đá khốc liệt này đã trở thành nguyên tắc tồn tại trong ĐCSTQ.

Theo sử liệu ghi chép lại, trong thời kỳ hùng mạnh nhất, lãnh thổ của Đế quốc La Mã trải rộng 6,5 triệu km2 với dân số khoảng 65 – 88 triệu người, chiếm khoảng 20% dân số thế giới thời đó, tương tự Trung Quốc ngày nay. Giữa hai chính quyền độc tài này cũng có nhiều điểm tương đồng.

Thứ nhất là về quá trình đấu tranh khởi nghiệp của chính quyền độc tài và người sáng lập. Theo sử sách ghi lại, sau khi Augustus và Marcus Antonius kết thành đồng minh đã giết chết Gaius Julius Caesar, Augustus đã tước đoạt quân quyền của Marcus Aemilius Lepidus và đánh bại Marcus Antonius. Năm 30 tr. CN, Augustus xác lập ngôi vị trọn đời, độc tôn cai trị La Mã suốt 43 năm. Lãnh tụ khai mở ĐCSTQ là ông Mao Trạch Đông cũng có quá trình tương tự, ban đầu ông Mao Trạch Đông bị Vương Minh áp đảo, buộc phải kết đồng minh với Trương Văn Thiên và Chu Ân Lai. Sau khi chiến thắng Mao đã chiếm quyền lực cao nhất, bắt đầu thời kỳ độc tài kéo dài 41 năm, tự xương là “đại cứu tinh”, “mặt trời đỏ”“bậc thầy cách mạng”, được hưởng quyền lực tối cao trọn đời. Năm 1974 khi Mao gặp phó tổng thống Ai Cập Shafie đã tự ví mình tương ứng “Marx và Tần Thủy Hoàng cộng lại”.

ĐCSTQ và Đế quốc La Mã đều do hai kẻ độc tài sáng lập bằng thủ đoạn đấu tranh bạo lực nên đã ấn định số phận đẫm máu của đế chế độc tài.

Thứ nhì, lãnh tụ tối cao thứ năm của hai đế quốc này đều khởi đầu bằng tội ác bức hại tự do tín ngưỡng. Nero, Hoàng đế thứ năm của Đế quốc La Mã đã phát động bức hại Cơ Đốc giáo trên quy mô lớn. Tình cảnh tương tự của ĐCSTQ là ông Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư thứ năm này cũng đã bức hại Pháp Luân Công tàn độc. Thủ đoạn của họ cũng giống nhau, dùng tuyên truyền dối trá để cổ vũ toàn cỗ máy nhà nước tham gia vào cuộc bức hại mang tính hủy diệt.

Nero đã điều khiển bộ máy tuyên truyền ngụy tạo nhiều tin giả mạo nhắm vào tín đồ Cơ Đốc, ví dụ như tuyên truyền rằng tín đồ Cơ Đốc giết hài nhi uống máu và ăn thịt khi làm lễ bái, rằng tất cả tín đồ Cơ Đốc đều điên khùng và loạn luân, nhiều tội ác trong xã hội Lã Mã theo đó bị trút vào tín đồ Cơ Đốc giáo. Ngoài ra, Nero còn ép nhiều tín đồ Cơ Đốc vào sàn đấu cho thú dữ ăn thịt. Còn ông Giang Trạch Dân cũng dựng lên vụ tự thiêu giả để vu cáo Pháp Luân Công, làm mọi người dân thù hận Pháp Luân Công, qua đó thực hiện thủ đoạn mổ cướp nội tạng những người theo Pháp Luân Công. Nero đã kết thúc cuộc đời tàn ác của mình bằng cách tự sát, còn ông Giang Trạch Dân hiện đã bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người.

Thứ ba, đa số kẻ nắm quyền lực tối cao của hai đế quốc phải chịu cái chết với kết cục không tốt đẹp, tỷ lệ này đối với Đế chế La Mã là trên 60%, còn của ĐCSTQ cao đến 90%. Theo thống kê, tính từ Hoàng đế La Mã đầu tiên là Augustus cho đến Constantine I Đại đế (người thừa nhận Cơ Đốc giáo hợp pháp) có tổng số 90 Hoàng đế, trong đó 57 trường hợp chết không bình thường, chiếm 63,33%. Thống kê còn cho thấy, đa số Hoàng đế La Mã chết theo bốn kiểu: bị giết, tự sát, khi chiến đấu, và dịch bệnh. Với ĐCSTQ, trong số 15 đại diện (gồm hai người nước ngoài), tỷ lệ trường hợp chết không bình thường cao đến 86,67%, chỉ có Mao Trạch Đông và Đổng Tất Vũ (1886 – 1975) là may mắn thoát khỏi. Nhưng thi thể của ông Mao Trạch Đông hiện vẫn nằm tại quảng trường Thiên An Môn chứ chưa được về với đất mẹ an lành, vì thế cũng có thể xem là biến tướng của cái chết không bình thường. Còn với ông Đổng Tất Vũ, tuy được chết yên lành nhưng cũng phải trả giá qua việc người con trưởng bị chết yểu, con thứ nhiều lần ly hôn, con út hai lần vào tù.

Tính từ đời ông Trần Độc Tú (1897 – 1942) đến nay có 12 người từng đảm nhận chức Tổng Bí thư ĐCSTQ, trong đó cả 9 người đã qua đời đều có cái chết không bình thường, tỷ lệ là 100%. Ngày 27/5/1942, Trần Độc Tú chết trong bệnh tật và nghèo đói tại tỉnh Tứ Xuyên; ngày 24/6/1931, Hướng Trung Phát bị chính quyền Quốc dân đảng hành quyết; ngày 27/3/1974, Vương Minh chết tha hương tại Moskva cùng quá trình giao chiến cam go với Mao Trạch Đông; ngày 8/4/1946, máy bay chở Tần Bang Hiến lao vào vách núi; ngày 1/7/1967, Trương Vấn Thiên phát bệnh tim qua đời tại Giang Tô khi đang phải chịu áp lực bức hại trong Đảng; ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông qua đời tại Bắc Kinh, tuy nhiên đến nay thi thể vẫn chưa được an táng (không đất chôn thân); ngày 20/8/2008, Hoa Quốc Phong sau khi bị phê đấu phạm năm sai lầm đã bị bạo bệnh qua đời tại Bắc Kinh; ngày 15/4/1989, sau một thời gian bị ép từ chức, Hồ Diệu Bang đã bị phát bệnh tim qua đời tại Bắc Kinh; ngày 17/1/2005, ông Triệu Tử Dương qua đời sau thời gian hơn chục năm bị quản thúc.

Thử suy ngẫm, những kết cục bi thảm này là do vấn đề cá nhân hay thể chế? Những người lãnh đạo hiện vẫn còn đang sống của ĐCSTQ cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy đấu tranh giành quyền lực. Bản thân Tổng Bí thư đương nhiệm Tập Cận Bình phải liên tục đối phó với trình trạng bị chính biến và ám sát. Liệu họ có thể thoát khỏi số phận kết thúc bi thảm như các tiền nhân?

Nhìn lại lịch sử, Đế quốc La Mã tưởng như sức mạnh vô địch một thời, những Hoàng đế của nó vì độc tài quyền lực mà xã hội bất ổn, chính biến liên miên, các Hoàng đế của nó cũng phải thích ứng với tình trạng đe dọa ám sát có thể xảy ra bất cứ khi nào, cuộc sống luôn trong nơm nớp lo sợ mạng sống và quyền lực có thể bị kẻ khác tước đoạt mất. Các Tổng Bí thư trong lịch sử ĐCSTQ cũng đã phải chịu cảnh như thế. Như vậy, ở đâu có độc tài quyền lực thì ở đó xu hướng đấu tranh một mất một còn là tất yếu, vì thế mà số phận những cái chết của kẻ độc tài quyền lực thường không tốt đẹp!

Cố Tổng thống Đài Loan Tưởng Kinh Quốc (1910 – 1988) từng nói: “Vì sao mà tôi dám buông bỏ quyền lực để thực hiện dân chủ? Bởi vì tôi cảm nhận sâu sắc tác hại của quyền lực mang đến cho dân tộc Trung Hoa, chính Quốc dân đảng từng được trải nghiệm với bao nhiêu sinh mạng bị mất vì quyền lực, đó cũng là thực trạng của trận đại thảm sát trong thời nội chiến… Trao quyền và lợi cho mọi người dân thì mọi thứ sẽ hài hòa, nhân họa sẽ được giảm thiểu. Đánh nhau tranh giành thiên hạ là logic của xã hội phong kiến, còn xã hội ngày nay chủ quyền thuộc về nhân dân, quốc gia không còn thuộc về sở hữu của một Đảng hay một dòng họ mà do nhân dân chọn ra”.

FB Xuyên Nhân (Nguyễn Đoàn dịch)
114.864864865135.135135135250