03/02/2017 -

Suy tư, nghiên cứu

2816

1.      Dẫn nhập

Nhà thơ trẻ Alfred de Musset đã từng tâm sự rằng “Cả người tôi run bắn lên khi nàng xuất hiện”. Đó là cảm xúc về lần gặp gỡ đầu tiên của thi nhân với người tình thơ của mình, nàng George Sand. Và kể từ “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”, có thể chỉ cần một cử chỉ, giọng nói, mùi nước hoa, hay một ánh mắt của nàng là có thể khiến cho Musset, và bất cứ người nào trong chúng ta cũng có thể như vậy, trở nên ngây ngô không cưỡng lại được khi gặp được đúng “một nửa yêu thương” của đời mình. Có lẽ đó chính là quy luật từ ngàn xưa đến nay đã thế! Người nữ hấp dẫn người nam và ngược lại. Theo quan điểm sinh học thì đó là vì lợi ích cúa sự duy trì giống loài, sự thèm muốn lẫn nhau xuất hiện như một động lực thúc đẩy bản năng con người hướng đến hành vi sinh sản để lưu truyền nói giống. Nhưng có phải người nam và người nữ hấp dẫn nhau chỉ vì nhu cầu của tính dục không hay còn vì những giá trị gì khác nữa? Người ta thường bảo rằng con tim có lý lẽ riêng mà lý trí không biết. Tại sao người ta hồi hộp rung động trước người này mà trơ lỳ trước người khác? Khoa học lâu nay vẫn luôn đi tìm những vẫn chưa có được những câu trả lời nào thuyết phục nhất và người ta vẫn đang đi tìm đâu là giá trị đích thực của tình yêu và tính dục. Quan điểm của Giáo Hội ra sao về vấn đề tình yêu và tính dục trong đời sống hôn nhân Kitô giáo?

2.      Tình yêu và sự thân mật của đôi bạn

Đời sống hôn nhân, không chỉ dừng lại ở mối quan hệ thể lý của đôi vợ chồng mà phải hướng đến một giá trị cao hơn, nghĩa là sự kết hợp tinh thần. Nếu trong sinh hoạt vợ chồng mà chỉ nhắm đến tính dục và tách khỏi khía cạnh của tình yêu, thì không thể nào nói đến sự khiết tịnh được.

Tính dục và tình yêu theo luân lý Kitô giáo không có sự tách rời, không thể cô lập và tách rời đời sống tính dục trong toàn bộ đời sống hôn nhân và khỏi những sự quan tâm quý giá và lớn lao mà hai vợ chồng dành trao cho nhau.

Thánh Phaolô Tông đồ dạy rằng: “Chồng phải nhìn nhận quyền vợ chồng của mình; ngược lại vợ cũng phải thế. Vì vợ không làm chủ thân xác mình mà là chồng. Chồng cũng không làm chủ thân xác mình mà là vợ. Đừng từ chối nhau, trừ khi đã có thoả thuận vì một lý do gì đó, như để cầu nguyện. Nhưng sau đó, hãy trở lại với nhau, kẻo bị Satan cám dỗ vì không tự chủ nổi” (1Cr 7,3 - 5).

Trong đời sống chung, người chồng cần phải khéo léo để đọc ra được những lời yêu cầu thầm kín của vợ mình, nên giải thích những dấu hiệu muốn tỏ bày trong sự riêng tư của đời sống chung đó là những ý kiến và yêu cầu của vợ. Người chồng khôn ngoan như vậy, hẳn rằng tình yêu của hai người sẽ mỗi ngày một nhiều hơn để hai bên bắt đầu gặp nhau trong sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ.

Sự thân mật và âu yếm của đôi bạn không chỉ là việc nằm trong chính đời sống hôn nhân, mà nó đi liền với việc kết hiệp vợ chồng. Sự kết liên trong một của vợ chồng phải được diễn tả qua những cử chỉ của một tình yêu dịu dàng, thân ái. Những sự thân mật của đôi vợ chồng, sẽ nuôi dưỡng một tình yêu bền chặt.

Các quan hệ vợ chồng phải được hướng dẫn và cảm hứng từ sự quan tâm lo lắng cho nhau một cách vô vị lợi như thế. Tình yêu của họ cũng phải luôn luôn là tình yêu nhằm phục vụ Chúa và kế hoạch sáng tạo, cứu độ của Ngài.

Làm chủ dục vọng là nhiệm vụ của hai vợ chồng cùng chung vai sát cánh, cùng đồng thuận với nhau trong tính thống nhất, để bảo vệ tình yêu hôn nhân gia đình được mãi mãi sắt son. Đôi vợ chồng cần có lương tâm tinh tế, đôi khi cũng có thể thái quá trong việc kiềm chế các biểu hiện của tình cảm vợ chồng. Nếu nghiêm nhặt quá trong sự khát mong có thể dẫn đến mất niềm vui trong tình yêu đối với nhau và làm cho ước vọng yêu thương bị gián đoạn, dở dang và tan biến dần. Những cử chỉ thân mật, yêu thương nhằm nuôi dưỡng tình yêu vợ chồng, để an ủi và nâng đỡ nhau trong mọi nỗi ưu sầu phiền muộn, nỗi lo lắng hay buồn bã, để cho người bạn đời của mình cảm nhận được một sự nâng niu, yêu thương và quý mến. Thánh Phaolô dạy rằng: “Vợ chồng phải yêu thương nhau cũng bền lâu và nồng nàn như Đức Kitô yêu Giáo hội và như Giáo hội tận hiến cho Đức Kitô” (Ep 5,21-33).

Trong đời sống hôn nhân, người đàn ông và người đàn bà sẽ cần phải giúp đỡ nhau và phục vụ nhau bằng cách kết hiệp mật thiết với nhau trong con người và trong việc làm. Kinh Thánh nói về vườn địa đàng, việc Thiên Chúa trao ban cho người đàn ông một người bạn đồng hành để hai bên tương trợ và giúp đỡ nhau và làm bạn với nhau. Đàn ông ở một mình không tốt, ta sẽ làm cho nó một người trợ giúp, thích hợp với nó (St 2, 18). Thế là Thiên Chúa đã tạo ra người phụ nữ, khi người phụ nữ xuất hiện, thì Adam đã thốt lên rằng: “Ôi! Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Và rồi, sách thánh kết luận: “Bởi đó, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ của mình, cả hai sẽ nên một xương một thịt (St 2, 23). Đây là kiểu nói ngụ ý rằng hôn nhân không phải chỉ là một ràng buộc trong thân xác mà còn tạo nên một cuộc sống mới, một cuộc sống với nhau và cho nhau, một thực tại mà không bao giờ có thể loại bỏ được.

Một tình yêu lý tưởng và trọn vẹn là tình yêu không chia sẻ cho bất kỳ một ai khác, điều này được các Ngôn sứ trong Cựu Ước diễn tả mối tình giữa Giavê với dân Israel của Ngài (Gr 2 – 4; 31). Trong Tân Ước, Thánh Phaolô cũng diễn tả hôn nhân giống với sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Đức Kitô yêu thương Giáo hội, và phó mình cho Giáo hội, để thánh hoá Giáo hội… Người chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình (Ep 5, 25).

Chúng ta nên hiểu sự tương trợ mà hai vợ chồng phải có trong tình yêu hôn nhân, không dừng lại ở chỗ tương trợ lẫn nhau khi vui vẻ hạnh phúc, thịnh vượng, nhưng mà còn cần hơn nữa, là phải gắn bó với nhau khi gặp hoạn nạn, lúc khổ đau, khi âu sầu lúc gian truân…

Đời sống hôn nhân cũng thường được xem như là cách thế để làm dịu bớt dục vọng, ngăn cản tính dục đi lệch đường, đặt nó dưới sự kiểm soát chặt chẽ của tình yêu hôn nhân. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ những người còn độc thân hay những quả phụ nên ở như vậy tiếp tục: “Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này, họ cứ ở vậy, theo như tôi thì tốt cho họ hơn” (1Cr 7,8). Nhưng ngài lại thêm rằng: “Nếu họ không làm chủ được thì nên lập gia đình, vì thà kết hôn còn hơn là nung nấu lửa dục vọng (1Cr 7,9).

Tuy nhiên, không nên coi việc làm dịu các dục vọng là một mục tiêu để tách rời các mục tiêu khác, như để chỉ thoả mãn bản năng tính dục. Đôi vợ chồng nên tỏ ra quan tâm đến nhu cầu và sự cám dỗ tính dục của bạn mình. Bằng cách này, họ sẽ vượt lên trên sự thoả mãn thuần tuý để tiến tới chỗ yêu thương, quan tâm và lo lắng cho nhau. Sau hết, muốn thực hiện bản năng tính dục cho có ý nghĩa thì phải đặt bản năng ấy phục vụ các mục tiêu khác của hôn nhân, như tạo hoá đã sắp đặt. Chỉ có tình yêu vợ chồng mới có sức chữa lành.

3.     Trách nhiệm trong tình yêu hôn nhân

Trong thời gian chuẩn bị cho việc kết hôn, các đôi bạn trẻ thanh niên nam nữ thường có một thời gian chuẩn bị, hay còn gọi là thời kỳ đính hôn. Động cơ để đưa hai người đến với nhau và xích lại gần nhau hơn thường là do hai người đã có một cảm tình về tình yêu với nhau, hay nói cách thông thường bình dân, là đã “hợp nhãn” với nhau rồi. Chỉ có duy nhất hai người khám phá ra những cái riêng của nhau từ sự cùng rung một nhịp đập của trái tim, điều đó khiến cho hai người thuộc về nhau.

Thời gian tìm hiểu và chuẩn bị cho cuộc hành trình hôn nhân mãi mãi và trọn đời chung thuỷ là vấn đề cần thiết và quan trọng, do vậy, đôi bạn trẻ cần có một sự chuẩn bị cho việc xây dựng một nền tảng vững chắc, cần có một lưu ý đến giáo lý tiền hôn nhân, có những sự tìm hiểu về tình yêu và những cung cách sống cho phù hợp. Tuy nhiên, thời gian này dù chỉ là giai đoạn tìm hiều nhưng cũng cần phải biểu lộ một tình thương, lòng chung thành và thẳng thắn đối với nhau.

Tính dục, hiểu theo một nghĩa rộng, đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong giai đoạn chuẩn bị, nó liên quan đến tâm linh và thể lý, nên không thể trao hiến cho nhau cách trọn vẹn ngay từ lúc ban đầu vừa mới quen biết nhau, nguy hiểm cho cả một quá trình sống trọn đời với nhau sau này. Đừng bao giờ nghĩ chúng mình sẽ là của nhau, rồi mãi là của nhau để tự cho nhau một sự thoả mãn, một cách tự do dễ dàng, nó gây đến một hậu quả thiếu lành mạnh, chán trường và nghi ngờ trong sự dại khờ và non dạ của thưở ban đầu.

4.      Trách nhiệm luân lý của tình yêu tính dục trong hôn nhân

Mục đích của đời sống hôn nhân có một liên hệ chặt chẽ với các mục tiêu của tình yêu tính dục. Nhưng không phải chỉ là việc sinh sản con cái mà còn là việc giáo dục con người trưởng thành. Đồng thời, cùng hỗ trợ nhau trong mọi công việc tinh thần lẫn thể chất.

Mục tiêu truyền sinh của tình yêu tính dục là một mục tiêu căn bản của hôn nhân. Hiến chế Mục Vụ số 50 khẳng định: “Tự bản chất hôn nhân và tình yêu vợ chồng được tổ chức nhằm sinh sản và giáo dục con cái. Con cái đúng là một món quà cao quý nhất của hôn nhân, góp phần rất căn bản vào hạnh phúc của cha mẹ… Vì thế, tuy không coi nhẹ các mục tiêu khác của hôn nhân, nhưng sống tình yêu vợ chồng cách đích thực và tìm được ý nghĩa cho đời sống gia đình, tất cả đều nhằm mục tiêu ấy: vợ chồng phải sẵn sàng can đảm và cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa tạo hoá và cứu độ, đã dùng họ để ngày ngày mở rộng và làm giàu thêm cho gia đình của Ngài. Cha mẹ phải coi việc truyền sinh và giáo dục những người đã được mình truyền sự sống cho như sứ mạng của riêng mình”.

Quan hệ tính dục chỉ có giá trị hợp pháp trong khuôn khổ hôn nhân. Kinh Thánh đã giải thích ý định của Đấng Tạo Hoá một cách đúng đắn khi coi truyền sinh là một mục tiêu thiết yếu của hôn nhân. Hôn nhân thời nào cũng được bảo đảm là đưa tới sinh sản, vì chính Chúa đã chúc phúc cho cặp vợ chồng nhân loại đầu tiên rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1, 28) như trình thuật sáu ngày sáng tạo cho thấy.

{C}5.      {C}Trưởng thành trong tình yêu nhân loại

Theo một quy luật tự nhiên, sự thu hút nhau do bản năng tính dục của hai người nam nữ khi gặp gỡ nhau. Nhưng nếu việc kết hợp tính dục chỉ dựa theo bản năng này thì chưa phải là tình yêu nhân loại đúng nghĩa. Bên cạnh hay thậm chí trước cả khi có những biểu hiện của tình yêu tính dục ấy, quan hệ giữa các phái tính phải là một sự giao tiếp cá nhân, biết kính trọng, yêu thương và quan tâm đến nhau.

Tình yêu tính dục và đức ái Kitô giáo hoàn toàn liên kết chặt chẽ không tách rời. Tính dục nơi con người có xu hướng nội tại là tỏ lòng yêu mến người khác, luôn muốn chăm sóc, phục vụ và bảo bọc người kia. Khuynh hướng đó ngày càng được tăng trưởng nơi các thanh niên nam nữ từ khi mới bắt đầu quen nhau cho đến ngày trở thành bạn đời trăm năm của nhau.

Đôi bạn nam nữ phải trưởng thành theo cách riêng của mỗi bên để dần dần trở thành đàn ông và đàn bà thực sự. Cho nên, việc hướng dẫn, giáo dục cho các bạn trẻ khi còn là thiếu niên và ở tuổi dạy thì là điều cần thiết, nhất là phải giáo dục về trưởng thành giới tính và ý thức về mối quan hệ lứa đôi, biết trân trọng, lịch sự khi tiếp xúc với nhau.

6.      Kết luận

Thánh Gioan Phaolô II, trong bài Huấn giáo ngày 24.12.1980, đã nói rằng nhân vị con người được “mời gọi hướng đến tính cách tự nhiên đầy đủ và trưởng thành trong các mối tương quan của mình”, điều đó “là hoa trái trổ sinh dần dần từ một sự phân định các xung năng trong lòng mình. Tính dục không phải là một phương tiện để thỏa mãn hay để giải trí, vì nó là một ngôn ngữ liên vị trong đó tha nhân được nghiêm túc trân trọng, trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của người ấy”. Như thế, “tâm hồn con người dần tham dự vào, có thể nói, một tính cách tự phát khác”. Trong bối cảnh này, ái tình xuất hiện như một sự thể hiện tính dục chuyên biệt của con người. Trong đó, người ta có thể tìm thấy lại “ý nghĩa hợp hôn của thân xác và phẩm giá đích thực của tặng phẩm trao hiến”. Trong các bài giáo lí về thần học thân xác khác, Thánh giáo hoàng còn dạy rằng thân xác với tính dục dị biệt không những là “nguồn của sự phong nhiêu và sinh sản”, mà nó còn sở hữu “khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu mà chính ở đó con người – nhân vị trở thành một quà tặng”. Một khao khát tình dục lành mạnh, cho dù gắn với một mưu cầu lạc thú, đều giả thiết có một cảm thức cảm thán, và chính bởi đó mà nó có thể làm cho các xung năng có tính nhân văn.

Vì thế, chúng ta phải xem chiều kích nhục dục của tình yêu như là một tặng phẩm của Thiên Chúa, nhằm làm đẹp cho mối hạnh ngộ vợ chồng. Tình yêu và tính dục trong quan hệ vợ chồng là điều đáng trân trọng, bởi vì cùng cộng tác vào trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, để tạo ra những mầm sống mới. Đó là một giá trị cao quý, một tặng phẩm vô giá mà Thiên Chúa yêu thương ân ban cho con người, một mối quan hệ khởi đi từ sự yêu thương, chung thuỷ, quan tâm lo lắng cho nhau cách vô vị lợi. Tình yêu của họ luôn cần phải biểu hiện một tình yêu chân chính, phục vụ nhu cầu của nhân loại, phục vụ trong thánh ý Chúa để kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Ngài được thực hiện cách hữu hiệu và trọn hảo. Xét như một đam mê được thăng hoa bởi một tình yêu đầy kính trọng phẩm giá của người kia, đam mê trở thành một “khẳng định tinh tuyền và trọn vẹn” của tình yêu thể hiện những điều kì diệu có thể ẩn chứa trong trái tim con người, và như thế, ngay bây giờ đây, ta có thể nhận thấy rằng “cuộc sống con người đã là một thành công”. Tính dục luôn phải được thi hành trong mục đích và giá trị mà Thiên Chúa đã hướng đến cho việc truyền sinh và giáo dục con người mới, nhằm mang đến lợi ích tốt đẹp và cao quý cho con người qua mọi thời đại, và nâng cao phẩm giá của con người cách đích thực và ý nghĩa.

Phong Trần.

114.864864865135.135135135250