Tình Bạn Trong Tu Luật Thánh Augustino - p2
3. TÌNH BẠN TRONG TU LUẬT THÁNH AUGUSTINÔ
Thánh Augustinô có lẽ đã viết bản Tu Luật (Regula ad servos Dei) sau khi ngài thành lập đan viện Híppô (năm 391) hoặc ít ngày trước khi rời khỏi đan viện để đến cư trú tại toà giám mục (năm 397), như muốn bù lại cho các đan sĩ sự vắng mặt thể lý của mình[1]. Đây là bản Tu Luật đầu tiên bên Tây Phương[2], đi trước bản luật của thánh Biển Đức (+ khoảng năm 547), và đã gây ảnh hưởng trên các bản luật về sau[3]. Chúng ta sẽ tìm hiểu tình bạn trong Tu Luật của thánh Augustinô khởi đi từ kinh nghiệm của ngài với tư cách là tu sĩ, Đấng sáng lập đan viện và nhà lập Luật. Sau khi cảm nghiệm được ý nghĩa của tình bạn đích thực, Ngài đã thiết định tình bạn như mục đích và những yếu tố nền tảng của đời tu. Tuy nhiên tình bạn ấy phải có chiều kích thần học Kitô giáo và những đòi hỏi cụ thể trong cuộc sống huynh đệ cộng đoàn, để rộng mở và vươn tới tình yêu trọn hảo đối với Chúa.
a) Kinh nghiệm tình bạn trong đan viện Tagaste và Híppô
Năm 388 Augustinô trở về Tagaste nơi sinh trưởng của mình. Ngài thu xếp cuộc sống với con trai mình Ađêođatô, với người bạn Alipiô và một số người khác trong một ngôi nhà ở đồng quê. Ở đó trong ba năm, họ sống đời đan tu rất chặt chẽ, dành trót thời gian cho việc chay tịnh, cầu nguyện và học hành, trong đối thoại và tỏa gương sáng cho nhau[4]. Nhưng dân chúng thấy được sự thánh thiện và tài năng thiên phú của ngài, họ đã chạy đến với ngài để xin được huấn dụ, tham khảo ý kiến về mọi việc. Để tránh tình trạng xáo trộn, ngài liền tìm một nơi yên tĩnh hơn trong khu vườn cạnh nhà thờ thành Híppô và lập một đan viện mới. Nhưng trước nhu cầu mục vụ, bấy giờ ngài mới hiểu rằng cần phải mở rộng cái vòng bạn hữu, phải vượt ra khỏi nhóm nhỏ có học thức và thân thiết như hiện tại. Ngài mở rộng cánh cửa đón nhận mọi thành viên muốn đi theo nếp sống tu trì, chứ không thu hẹp vào một nhóm bạn bè, thân hữu. Ngài nhận thức rằng cho dù có những khác biệt, tinh thần bằng hữu và đức ái phải ngự trị ở giữa họ. Sau đó ngài phải chịu chức linh mục theo yêu cầu của dân chúng. Dù là một linh mục, Augustinô vẫn tiếp tục sống như một tu sĩ. Cha lập một cộng đoàn gồm các "giáo dân" (391) theo lý tưởng của cộng đoàn tiên khởi Giêrusalem như sách Công Vụ thuật lại: để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Đây giấc mơ mãnh liệt của Augustinô muốn tái lập một Giáo Hội hiệp nhất và yêu thương từ thuở ban đầu.
Đời sống đan viện đối với ngài là một tình bạn siêu nhiên, trong đó anh em sống với nhau để cùng tiến tới sự đồng lòng đồng thuận ở trong Thiên Chúa, thành một cộng đoàn những bạn hữu đi tìm kiếm Chúa và hướng về Ngài. Ngài say mê với lý tưởng sống tình bạn trong cộng đoàn tu trì, cả sau khi ngài được chọn làm giám mục (395/396). Thật vậy, sau khi được tấn phong, người bắt đầu lập một cộng đoàn dành cho các giáo sĩ.
Trong số những “người bạn trung thành” của ngài có nhiều giám mục. Trước hết là Valêriô thành Híppô, người đã truyền chức linh mục cho ngài và thánh hiến ngài trong chức giám mục, rồi đặt ngài làm người kế nhiệm cai quản giáo phận Híppô. Anh bạn Alipiô cũng trở thành giám mục Tagaste. Augustinô viết về người bạn giám mục này như sau:
“Ai biết, có lẽ sẽ nói rằng nếu tôi và anh ấy là hai người xét về thân xác, thì tình cảm của chúng tôi dành cho nhau […] làm cho chúng tôi nên một tinh thần duy nhất mà thôi” (Lá thư 85,1).
Về Severô Milevi, nhiều người đã biết đến tình bạn giữa họ trong những lá thư viết cho nhau với hy vọng gặp được Augustinô cùng đi với Severô:
“Tôi đã thấy một nửa của anh, một phần của linh hồn anh, Severô người yêu dấu của anh, và tôi cũng vui mừng với nó” (Lá Thư 270). Anh biết tôi như tôi biết chính tôi… anh là một linh hồn khác của tôi; còn hơn thế nữa, linh hồn anh và linh hồn tôi không gì khác hơn là chỉ có một" (Lá Thư 110, 2-4).
Augustinô cũng có một người bạn khác là Possidiô, giám mục Calama, người viết tiểu sử của ngài và gần gũi với ngài trong lúc ngài đau bệnh và qua đời. Có lần thánh nhân nói về người bạn ấy với ông Memoriô: “Trong anh ấy, bạn sẽ thấy nhiều phần của chính tôi” (Lá Thư 101,1). Ngoài ra Augustinô còn có các bạn hữu khác nữa là Êvôđiô miền Uzali, Aurêlia miền Cartagine, Paolinô miền Nôla.
b) Tình bạn làm nên những yếu tố nền tảng của đời tu
Khi viết Tu luật cho các tu sĩ của mình, tổ phụ Augustinô cũng đặt tình yêu là điểm khởi đầu, nền tảng, trung gian và cùng đích của cuộc hành trình tiến về với Chúa và hướng đến anh chị em. Ngài mở đầu như sau: "(Anh) chị em rất thân yêu, trên hết mọi sự hãy yêu mến Thiên Chúa và rồi yêu thương tha nhân vì đó là những lệnh truyền được ban cho làm nền tảng" (số 1; ch. I)[5]. Xác định căn tính của đời tu như vậy là chính xác. Thật vậy, Tu Luật thánh Biển Đức phát biểu vắn tắt mục đích của đời tu là nhắm tới “phụng sự Chúa” (prol. 45). Thánh Phanxicô cũng mở đầu Bản Luật của ngài thế này: “Luật và đời sống của các anh em hèn mọn là tuân giữ luật thánh Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (I, 2). Hội Thánh trong mọi thời đại đều khẳng định như thế như Công đồng Vaticanô II viết: “Theo Chúa Kitô là luật tối hậu của dòng tu” (Perfectae Caritatis, số 2). Tuy lối phát biểu có khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một xác tín rằng tình yêu là điểm trọng yếu nhất của đời sống Kitô hữu, cách riêng là đời sống tu trì.
Không chỉ có lời mở đầu, mà toàn bộ Tu Luật của thánh Augustinô đều mang dấu nhấn của tình yêu, và tình yêu là ý tưởng chủ đạo của toàn bộ Tu Luật: người luôn nhắc nhở chị em hãy đặt tình yêu lên vị trí hàng đầu, nhất là trong trường hợp sửa lỗi (số 26; ch. IV), khi phải ra hình phạt (số 27-28; ch. IV), hay khi thi hành quyền bính (số 43-46; ch. VI-VII). Trước khi kết thúc, nhà lập luật lại khuyên nhủ chị em phải giữ luật vì lòng yêu mến (số 48; ch. VIII).
Bên cạnh vị trí trung tâm của tình yêu trong bản Luật, chúng ta cũng ghi nhận sự “đồng tâm nhất trí” và “một lòng một ý” là mục đích và yếu tố thiết yếu hình thành nên đời sống “đan tu”, xét theo từ ngữ và nội dung.
Về từ ngữ, “đan tu” được dịch từ tiếng Latinh là monacus, có gốc trong tiếng Hy Lạp là monachos. Từ này xuất phát từ tính từ monos có nghĩa là một, một mình, duy nhất, độc nhất (có lẽ vì thế mà ngay từ đầu “đan tu” gắn liền với “sa mạc”). Sang thế kỷ IV, giáo phụ Eusêbiô Xêdaria đã giải thích danh từ monacus theo ba nghĩa: 1/ người sống một thân một mình nơi cô tịch (monozonous); họ được đồng hóa với các ẩn sĩ; 2/ người sống độc thân (monêreis) khước từ hôn nhân, gia đình, tài sản; 3/ người chọn một lẽ sống duy nhất, đó là chỉ sống cho một mình Thiên Chúa, muốn trở nên một với Chúa (monogeneis) mà thôi [6]. Nhưng thánh Augustinô đã bổ sung thêm một ý nghĩa mới của từ ngữ monacus: từ chỗ quan niệm như người ẩn sĩ đi tìm một mình Chúa, ngài hiểu đó là những người quy tụ làm một với nhau để sống “một lòng một ý” trong một monasterium (In Ps. 132,6). Monasterium (đan viện) vừa chỉ nơi ở của các monacus, vừa có nghĩa là cộng đoàn các đan sĩ. Bản Tu Luật cũng xác nhận ý tưởng độc đáo này.
“Vậy đây là những chỉ thị chúng tôi truyền cho chị em sống trong đan viện. Lý do chính yếu mà chị em đoàn tụ làm một trước hết là để sống đồng tâm nhất trí trong một nhà, và để chị em chỉ có một lòng một ý hướng về Thiên Chúa” (số 2-3; ch. I).
Bản văn tiếng Latinh:
“Haec sunt quae ut observetis praecipimus in monasterio constituti. Primum, propter quod in unum estis congregati, ut unanimes habitetis in domo et sit vobis anima una et cor unum in Deum” (ch. I)
Xét về nội dung, một lòng một ý, đồng tâm nhất trí, hòa thuận với nhau, hay để mọi sự làm của chung… đó là những thành ngữ nói lên những đặc tính tiêu biểu của tình bạn (Tự Thuật IV,8,13). Nói cách khác, thánh Augustinô đã thấy tình bạn cũng làm nên những yếu tố nền tảng của đời tu:
Tình bạn như là khởi hứng cho sự hiệp thông tròn đầy như mục đích nền tảng của đời tu để hướng tới mục đích cứu cánh là ở trong Chúa.
“Lý do chính yếu mà chị em đoàn tụ làm một trước hết là để sống đồng tâm nhất trí trong một nhà, và để chị em chỉ có một lòng một ý hướng về Thiên Chúa (in Deum)” (số 3; ch. I)
Tình bạn khiến cho mọi người để tất cả mọi sự làm của chung; đó là nền móng vật chất của đời tu:
“Chị em đừng nói : “cái này của tôi”, nhưng tất cả đều là của chung cho chị em. Bề trên sẽ phân phát của ăn áo mặc cho mỗi người, nhưng không phải ai cũng như nhau, vì không phải tất cả chị em đều khoẻ mạnh như nhau, nhưng ai cần bao nhiêu sẽ cho bấy nhiêu. Thật vậy, chị em đọc thấy trong sách Công vụ Tông đồ: “Họ để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của mình” (Cv 4, 32.-35)” (số 4; ch. I).
Tình bạn là trung tâm của đức mến đối với Chúa và đối với nhau:
“Vậy hết thảy chị em hãy sống đồng tâm nhất trí, hoà thuận với nhau; hãy tôn kính Thiên Chúa ở chị em, vì chị em là đền thờ của Người” (số 9; ch. I).
c) Chiều kích Kitô học của tình bạn trong đời tu
Bản luật mà chúng ta đang phân tích kể tên “Chúa” và đại từ chỉ về Ngài 16 lần, khi đề cập đến:
yêu mến Chúa là mệnh lệnh nền tảng của đời tu (số 2; ch. I);
hướng về Chúa là mục đích của đời tu (số 3; ch. I);
hãy “tôn kính Thiên Chúa ở trong chị em” (số 9; ch. I);
cầu nguyện với Thiên Chúa bằng Thánh vịnh và Thánh ca (số 12; ch. II);
lắng nghe đọc sách khi vào bàn ăn, “đừng để tai đói Lời Thiên Chúa” (số 15; ch. III);
sống thanh đạm và khổ chế để “xứng hợp với tôi tớ Chúa” (số 18; ch. III);
chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho “tôi tớ Chúa” (số 35; ch. V);
về đức khiết tịnh, bản thân chị em “hãy sợ mất lòng Chúa hơn là làm đẹp lòng người nam cách bất chính” và phải nghĩ rằng Người trông thấy hết mọi sự (số 23: 4 lần; ch. IV);
hãy gìn giữ đức khiết tịnh cho nhau vì Thiên Chúa ở trong chị em (số 24; ch. IV);
chị em vâng lời bề trên vì Chúa ở trong con người của bề trên (số 44; ch. VII);
đối lại, bề trên khi thi hành quyền bính cũng phải ý thức mình sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa (số 46: 2 lần; ch. VII);
lời nguyện ước xin Chúa ban cho chị em giữ luật vì lòng yêu mến (số 48; ch. VIII).
Điều đáng chú ý và rất ngạc nhiên đó là toàn bộ Tu luật, chỉ nhắc đến tên “Đức Kitô” có một lần duy nhất mà thôi:
"Xin Thiên Chúa ban cho chị em biết tuân giữ những quy tắc trên đây vì yêu mến, như những người mê say vẻ đẹp thiêng liêng và toả ngát hương thơm Đức Kitô qua cuộc sống tốt lành, không như những nô lệ dưới ách lề luật, nhưng như những con người tự do trong ân sủng" (số 48; ch. VIII)
Toàn bộ cuộc đời và thần học của Augustinô đều mang tính quy Kitô. Ví dụ trong cuốn Tự Thuật, Augustinô cho biết lúc còn thanh niên, tâm hồn mình đã say mê sự Khôn ngoan nhờ cuốn sách Hortensius của Cicerone, tuy nhiên chỉ có một điều làm suy giảm lòng hăng say ấy, đó là tác phẩm ấy thiếu danh thánh Đức Kitô” (Tự Thuật III, 4, 8). Một yếu tố quyết định sự chuyển hướng cuộc đời đó là ngài khám phá ra Đức Kitô như là Đấng Trung Gian và Con Đường. Đức Kitô không những vạch cho nhân loại thấy đích điểm phải đạt tới, nhưng còn chỉ cho con người biết con đường để đạt tới đích điểm đó (Tự Thuật VII, 18-21; 24-27).
Như thế phải giải thích thế nào sự “vắng mặt” của Đức Kitô trong toàn bộ Tu luật? Câu trả lời đó là Tu luật thiếu từ vựng “Đức Kitô” chứ không phải thiếu nội dung; thiếu văn tự chữ nghĩa chứ không thiếu tinh thần. Thât vậy, dù chỉ được viết duy nhất một lần, nhưng Đức Kitô vẫn hiện diện như ánh mặt trời, soi chiếu toàn thể giá trị của Tu Luật. Ai đã biết rõ con người và thần học của thánh Augustinô thì không thể phủ nhận sự thật này. Đức Kitô trong Tu luật thật là sống động và vô hình giống như không khí chúng ta hít thở hàng ngày. Thay vì nói về “Đức Kitô”, Tu Luật ao ước cho chị em toả hương thơm của Người[7].
Tu luật nói gì về yếu tố Kitô học của tình bạn? Tình bạn chân thực phải xây dựng trên nền tảng Kitô học, tức là dựa vào sức mạnh, nguồn cội và khuôn mẫu của Đức Kitô. Tình bạn sẽ không trở nên chân thực nếu không phát xuất từ lòng quý mến Đức Kitô và sẽ không bền vững nếu không ở trong Người. Để quảng diễn ý tưởng này, nhà thần học Augustinô thích nhấn mạnh đến hình ảnh “Thân mình của Đức Kitô”, trong đó Đầu (chính Đức Kitô) và các chi thể (các tín hữu) gắn kết với nhau thật hữu cơ:
"Nếu bạn yêu Đầu thì bạn cũng sẽ yêu các chi thể, bởi vì nếu bạn không yêu các chi thể thì bạn cũng sẽ không yêu được Đầu" (In Jo. 10, 3).
Trong Tu Luật, thánh nhân lại dùng một hình ảnh khác không kém phần sâu sắc để liên kết với tình bạn (sự đồng tâm nhất trí), đó là “đền thờ của Chúa”:
“Vậy hết thảy chị em hãy sống đồng tâm nhất trí, hoà thuận với nhau; hãy tôn kính Thiên Chúa ở chị em, vì chị em là đền thờ của Người” (số 9; ch. I).
Chắn chắn tác giả Tu Luật đã biết đến lời của thánh Phaolô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16). Chữ “đền thờ” chỉ đến cung thánh, phần thâm nghiêm nhất của đền thờ Giêrusalem, nơi có Chúa ngự. Thánh Phaolô có ý nói chính cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi là Đền thờ đích thực của giao ước mới, nối tiếp với đền thờ Giêrusalem. Đồng thời "đền thờ" chỉ đến thân xác cao quý của từng tín hữu đã được Đức Kitô chuộc lại bằng giá rất đắt (1Cr 6,19).
Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng chạm tới yếu tố trọng tâm của thần học thánh Augustinô về đời thánh hiến: Tu Luật viết "vì chị em là đền thờ của Người" là cố ý nhấn mạnh rằng Chúa không những ngự trong nơi nào có sự đồng tâm nhất trí, mà còn trong từng chi thể của Đức Kitô sống hiệp nhất với nhau. Như vậy, cá nhân là đền thờ của Chúa và cộng đoàn tu trì (gồm mọi cá nhân quy tụ lại) cũng tạo nên một đền thờ. Dù trên bình diện cá nhân hay tập thể, thì Chúa vẫn mong muốn cư ngụ trong sự kết hiệp với tất cả mọi người và với mỗi người (De civitate Dei 10,3).
Ý tưởng này cũng được phản ánh ở một chỗ khác trong Tu luật, khi nói về sự gìn giữ đức khiết tịnh cho nhau: "Vì Thiên Chúa ngự trong chị em, thì cũng theo cách này, Người dùng chị em để gìn giữ chị em" (số 24; ch. IV). Chúa sống trong cộng đoàn chị em tụ họp lại với nhau bằng tình yêu, và khi ấy, cộng đoàn và từng chị em trở thành trung gian của Chúa, để thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm đối với nhau.
Chúng ta đang nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa và của Đức Kitô trong tình bạn đời đan tu. Cộng đoàn này chắc chắn cũng là hình ảnh của sự hiệp thông Ba Ngôi (Lá Thư 238,16). Thật vậy, đối với thánh Augustinô, Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con thế nào, thì Thánh Thần của ngày lễ Ngũ Tuần cũng luôn luôn quy tụ các tín hữu tiên khởi sống hiệp nhất một lòng một ý (Contra Maximinum, 12). Trong bản Tu Luật, ý tưởng thành lập đan viện theo gương mẫu của các tông đồ và cộng đoàn Kitô tiên khởi thì rất rõ ràng (số 4; ch. I). Tuy không nói cách trực tiếp đến tình yêu của Thiên Chúa nối kết chị em trong cộng đoàn dưới tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng nhà lập luật lại mong ước tình thương (dilectio) giữa chị em với nhau cần phải được đo lường theo “Thần Khí” (số 43; ch. VI).
d) Những đòi hỏi của tình bạn trong đời tu
1/ Một tình bạn để trở nên đúng đắn và sống động trong đời tu thì phải đặt nền tảng trên sự thật. Không thể xây dựng một tình bạn vững chắc trên sự giả dối; tình bạn không thể thực hiện xung quanh sự bất chính. Thánh Augustinô đã khẳng định rất rõ điều này: "Để làm bạn của ai đó thì trước hết cần phải là bạn của sự thật" (Lá Thư 155,1). Thật đúng như vậy, nền tảng sự thật sẽ cho phép chị em sửa lỗi cho nhau, như được viết trong Tu luật:
"Khi tố giác như thế chị em đừng nghĩ mình ác tâm. Trái lại chị em sẽ không phải là người nhân ái, nếu như có thể trình báo để sửa chữa người chị em của mình mà lại im lặng để họ hư đi" (Số 26b; ch. IV).
Đối với Augustinô, sửa lỗi cho người khác dù làm họ đau khổ cũng là cử chỉ yêu thương. Càng phải trình báo lỗi lầm của chị em, thì càng giúp chị em thoát khỏi bệnh hoại thư tâm hồn. Quý mến người chị em là muốn điều tốt cho người ấy, dù cho điều đó thật đắt giá. Đây chính là tình bạn chân thực.
2/ Tình bạn chân thực trong đời tu là một tình bạn mở ra với người khác, chứ không đóng kín hay loại trừ người khác. Tu Luật viết:
“Khi đi tắm hay cần đi bất cứ nơi nào thì phải cho ít nhất hai hay ba người cùng đi. Và ai cần đi đâu, phải đi với những người bề trên chỉ định chứ không phải người mình thích” (số 36; ch. V).
Khi nhắc đến “luật đồng hành” (lex socii)[8] tác giả Tu Luật muốn nói đến tình hiệp nhất của chị em trong tất cả mọi sự, khi ở trong nhà cũng như lúc ra ngoài, để trở nên chứng từ cho người khác như đã được đề cập ở chỗ khác: "Khi ra khỏi nhà, chị em hãy đi với nhau" (số 20; ch. IV) và “đừng có điều gì gây khó coi cho người khác” (số 21; ch. IV). Chị em phải có tinh thần trách nhiệm lẫn nhau không phải chỉ trong lãnh vực giữ đức khiết tịnh, nhưng còn cả trong cách cư xử của người tu sĩ nói chung. Trong khi họ đi với người bạn đồng hành, thánh Augustinô cũng nhắc họ phải rất cởi mở và có trách nhiệm với nhau, thể hiện qua việc “phải đi với những người bề trên chỉ định chứ không phải người mình thích". Bề trên sắp xếp người chị em ra ngoài là để củng cố tương quan giữa chị em, tránh tạo nên các nhóm nhỏ đóng kín, phe phái, chọn lọc hay phân biệt đối xử gây phương hại cho sự an bình của cộng đoàn. Dĩ nhiên những mối tương quan đặc biệt hoặc tình bạn trong cộng đoàn vẫn được trân trọng, bởi vì nó sẽ giúp đỡ chứ không ngăn cản tình huynh đệ với những người khác: khi yêu một người bạn, ta học cách yêu mến tất cả người khác (E. Mounier).
3/ Tình bạn trong đời tu không có chỗ cho tình yêu xác thịt (dilectio carnalis). Thánh Augustinô đã nhắc nhở điều đó khi viết: “Nơi chị em, lòng yêu thương không phải theo tính xác thịt, nhưng là theo Thần Khí” (số 43; ch. VI). Tình yêu xác thịt phải hiểu theo nghĩa nào? Phải chăng đó là thứ cảm tình riêng tư và thiếu biện phân trong Thánh Thần, giữa hai người chị em ngang hàng nhau, hoặc huấn luyên viên và huấn sinh? Hay đó là thứ tình cảm lệch lạc có thể xảy ra, giữa một vài chị em quá thân tín, gần gũi, xuề xòa đi đến chỗ suồng sã “theo tính xác thịt”? Vị sáng lập dòng Augustinô đã có lần cảnh cáo chị em:
"Một vài thói ăn ở suồng sã, dù là giữa đàn bà với nhau, chẳng hạn như đùa giỡn không đoan trang và các trò chơi khác thiếu đứng đắn (jocando turpiter et ludendo), thì không phù hợp chút nào với những người lập gia đình hoặc sống độc thân, và lại càng không được phép với những người sống đời thánh hiến" (Lá thư 211, 14).
Điều Tu luật mong muốn là tất cả những quan hệ giữa các tu sĩ (dù nam hay nữ) với nhau phải được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần chứ không do bản năng thúc đẩy, hoặc yêu không đúng lối, hoặc đi quá đà. Như vậy “yêu theo xác thịt” là tình yêu không chính đáng, còn “yêu theo Thần Khí” là tình yêu trung thực, chân chính và được chúc phúc.
e) Tương quan giữa tình yêu và tình bạn
Kinh nghiệm về tình bạn đã chi phối cả cuộc đời của thánh Augustinô. Trong Tu luật, xem ra thánh Augustinô coi tình bạn là điều cốt yếu trong đời tu. Không ít người luôn nói về tình bạn như một thành ngữ căn bản và yếu tính của lý tưởng đời tu Augustinô và họ sẵn sàng bảo vệ cho luận đề này. Tuy nhiên không thể phủ nhận là tình yêu luôn chiếm vị trí trung tâm trong học thuyết của ngài. Tư tưởng của ngài về sự trổi vượt của tình yêu có mặt trong mọi lãnh vực của cuộc sống: tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân là nội dung của toàn bộ Sách Thánh, là tổng hợp của triết lý, là đích điểm của thần học, là linh hồn của giáo dục, là bí quyết của chính trị, là yếu tính và mức độ của sự hoàn thiện Kitô hữu, là tuyệt đỉnh của mọi nhân đức, là hứng khởi của ân sủng, là ơn ban xuất phát từ mọi linh ân[9].
Đến đây một câu hỏi lại nảy sinh: thánh Augustinô đã đặt tình yêu làm nền tảng, trung tâm và đích điểm của đời tu, vậy ngài có phân biệt tình yêu (caritas, agape) với tình bạn (amicitia, philia) trong đời tu hay không? Tư tưởng của ngài về tình bạn và tình yêu đan xen lẫn nhau, tưởng như không có sự phân biệt rõ ràng giữa hai ý niệm[10]. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ tìm cách bảo vệ ý kiến cho rằng thánh Augustinô đã coi tình bạn như là yếu tính của đời tu giống như tình yêu, thì ta sẽ dễ dàng rơi vào hai chủ quan: một là sẽ trình bày lẫn lộn giữa tình yêu và tình bạn và dễ sai lạc trong lối giải thích, hai là sẽ bỏ lại sau lưng nhiều điều mà giám mục thành Híppô đã cố gắng khắc ghi trong lòng các tu sĩ của ngài[11]. Vì thế chúng ta chọn cách tiếp cận thứ hai với khẳng định rằng đối với thánh Augustinô tình bạn không đồng nhất với tình yêu, cho dù nó không tách biệt khỏi tình yêu. Tình bạn không thể đứng vững nếu không có tình yêu, nhưng tình yêu không đồng nhất với tình bạn.
Theo tinh thần Tu luật, cụm từ chỉ có một lòng một ý (số 3; ch. I) thường làm cho chúng ta hiểu rằng thánh Augustinô muốn nhắm đến tình bạn, chứ không phải tình yêu. Nhưng có lẽ ngài muốn nhắn nhủ chúng ta nhiều điều khác nữa. Thật vậy, khi yêu cầu chúng ta yêu thương chị em trong cộng đoàn mình, mặc dù chị em đó không dễ thương, khi khuyên nhủ chúng ta phải chịu đựng những khuyết điểm của nhau, cho dù ta bực bội khó chịu, đôi lần cần phải làm ngơ trước những biểu hiện kỳ cục của chị em thường hằng xảy ra, thánh Augustinô không nói đó là tình bạn mà là tình yêu, tình bác ái. Cụ thể hơn, trong cộng đoàn có một số chị em được ưu đãi về đồ ăn thức uống (số 16; ch. III), áo mặc, chăn nệm… (số 17; ch. III) ngài khuyên hãy hiểu biết và thông cảm với những người yếu đuối, với hai chỉ dẫn khôn ngoan: mỗi người hãy làm những gì có thể làm được; nhưng phải tôn trọng những giới hạn của người khác. Ngài cho thấy ý nghĩa cao cả của tình người: thông cảm và chấp nhận nhau với tất cả những giới hạn luân lý: "… phải nghĩ rằng các chị em kia đã từ bỏ biết bao khi rời đời sống thế gian để vào đan viện này" (số 17; ch. III). Đây là một trong những điểm Tu Luật được đánh giá rất cao. Bản luật chất chứa sự tế nhị, tình bao dung cao cả và đầy lòng nhân ái. Thánh Augustinô được giới học giả và các nhà lập luật cho là có tinh thần cởi mở và sẵn sàng lưu tâm đến sự yếu đuối của người khác. Nguyên tắc thông cảm với những giới hạn của nhau phù hợp với cách áp dụng của thánh Phaolô khi giải quyết về việc ăn của kiêng: người yêu cầu các tín hữu phải bác ái đối với người yếu tin: "Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy" (Rm 14, 3).
Nói cách khác, trong trường hợp này, tình yêu (đức ái, tình mến) là nguyên lý để xây dựng sự hiệp thông huynh đệ, và như vậy có sự phân biệt tình mến và tình bạn: tình mến là tình yêu dâng hiến và hy sinh, còn tình bạn là tình yêu tương hỗ, và còn hơn thế nữa, là tin tưởng, tín nhiệm, cảm thấy an toàn, thích thú … Tình yêu tạo nên tình bạn tốt đẹp, nhưng không luôn luôn đồng nhất với tình bạn. Tình yêu đó có thể giúp chúng ta đạt được một tình bạn trong đời tu, nhưng không bao giờ đạt được điều đó cách viên mãn trên mặt đất này. Và dù có đạt được tình bạn hay không, thì chúng ta vẫn phải quy về những đặc tính của tình yêu như thánh Phaolô đã mô tả: đức mến là nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tị … không mừng khi thấy điều gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật … Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả (1Cr 13,4-7).
Thánh Augustinô đã biết rõ điều đó, đã sống và đã yêu cầu các môn đệ của ngài làm như vậy. Không phải tất cả mọi người bước vào đan viện đều là những Kitô hữu tốt lành và những người bạn chân thành của nhau. Sau nhiều năm kinh nghiệm cuộc sống, Augustinô cho thấy thực tế này: ngài sung sướng hạnh phúc khi đạt được tình bạn hữu (Lá thư 73,10); ngài đau khổ khi các bạn hữu của ngài phải miễn cưỡng xa lìa ngài vì sự cấp thiết của Giáo Hội (Lá thư 84,1); ngài than khóc vì những người không hiểu lý tưởng đời tu hay phản bội đời tu gây ra tai tiếng (Bài giảng 355-356); ngài tuyên bố về lối ăn nết ở của những đan sĩ làm theo những phán đoán sai lầm (Lá thư 78,9). Vì thế ngài khuyên đừng ca ngợi đời sống tu trì cách vội vàng, thiếu thận trọng, kẻo gạt gẫm những người muốn ôm ấp đời tu, rồi sau đó sinh ra thất vọng cay đắng. Trái lại, ngài cũng nhắc nhở đừng phê bình, chỉ trích đời tu cách bất công (Enarr. in ps. 99, 12-13).
Kết luận
Quan niệm về tình bạn của thánh Augustinô đã có nhiều tiến triển từ thời thơ ấu, đến thời thanh niên, từ lúc sa vào con đường lầm lạc cho đến khi hoán cải thành Kitô hữu. Cả cuộc đời của ngài không có gì khác hơn là niềm vui được sống tình bạn ở bất cứ nơi nào và với bất cứ ai, trong viễn tượng Kitô giáo.
Khi sống như một đan sĩ, các mối quan hệ của ngài dần dần vượt ra khỏi một nhóm người nhỏ bé, hạn hẹp. Nó mở rộng và chịu những điều kiện chi phối bởi sứ mạng của Giáo Hội. Bản Tu Luật của ngài đã dành nhiều khoản quan trọng để cống hiến cho tình bạn những yếu tố nền tảng của đời tu: lý do quy tụ, trung tâm của đức ái và khởi hứng cho sự hiệp thông tròn đầy giữa các tu sĩ ở trong Chúa, tức là mục đích tối hậu của đời tu. Nói khác đi, tình bạn giống như những viên đá nền móng và chất xi măng dính kết những viên gạch thành một ngôi nhà cho Thiên Chúa ngự. Tình bạn ấy sẽ mở rộng cho đến khi ôm ấp tất cả, nghĩa là trở thành tình bác ái huynh đệ với mọi người.
Quan niệm về tình bạn ấy sẽ đạt tới tột đỉnh khi ngài trở thành giám mục cai quản giáo phận Híppô. Là người mục tử tốt, Augustinô mơ ước trải rộng tình bạn của ngài tới tất cả mọi người, khám phá trong những Kitô hữu bình thường, thất học có những hấp lực và Ngài đã trở thành bạn hữu của đoàn chiên, của dân thành Híppô. Đến lúc đó, ngôn ngữ và nội dung của tình bạn có một sự chuyển dịch: ngài sử dụng không phân biệt hai từ ngữ: tình yêu mến (amor, caritas) và tình bạn (amicitia). Tuy nhiên trong thực tế, giám mục Augustinô vẫn tiếp tục gắn bó với một vài người cách riêng. Ngài không trực tiếp dành đặc ân cho tình bạn, nhưng cũng không loại trừ nó. Tình bạn ở trong tình yêu và làm cho tình yêu hy hiến thêm ngọt ngào.
Sách tham khảo
Boff, Clodovis, La Regola di San Agostino. La via della comunione dei beni, Cittadella, Assisi 1991. Nguyên tác : A via da comunhã de bens, Rio de Janeiro, 1988
Đinh Thị Sáng, Giới thiệu, bản dịch và giải thích Tu Luật thánh Augustinô, Tp Hồ Chí Minh 2004
Rovira J. cmf., Amicizia e fraternità nella vita consacrata. Sussidio per gli Alunni, Claretianum, Roma 2004
Trapé, Agostino, S. Agostino. La Regola, Ancora, Milano 1971, in : http: //www.Augustinus.it/pensiero/commento-regola.htm
--------, Introduzione, in S. Agostino, La Regola, Roma 1986.
Verheijen, Lucas, La Règle de St. Augustin: I Tradiction manuscrite, II Recherches historiques, Paris 1967.
--------., La regola di S. Agostino. Studi e ricerche, Palermo 1986.
--------., Nouvelle approche de la Règle de saint Augustin, Institut Historique Augustinien, Louvain, 1988
Walraet, Pierre-Paul O.S.C., Inspiring principles for community life in the Rule of Augustine of Hippo, Respectfully submitted for the purpose of the International Study Days 2000: “Deepening our Crosier Charism of Community” Bandung – Cisarua, 25 July – 10 August 2000
[1] Cũng có ý kiến khác cho rằng thánh Augustinô đã viết bản Luật trước tiên cho nữ giới. Họ dựa vào một số khoản trong Tu Luật xem ra thích hợp với phái nữ hơn (cách phục sức, giặt giũ, hương thơm và gương soi). Đặc biệt họ dựa vào Lá Thư 211 thánh Augustinô gửi cho nữ đan viện trong đó bà em gái của ngài làm bề trên, khoảng năm 423. Bản Luật được tìm thấy trong phần thứ hai của Lá Thư quý giá này. Sau đó Bản Luật được thích nghi và đổi sang cho nam giới. Ở đây chúng ta không đi sâu vào các giả thiết về tính xác thực và tác giả của Bản Luật (xem L. Verheijen, Nouvelle approche de la Reøgle de saint Augustin, II : Chemin vers la vie heureuse, Institut Historique Augustinien, Louvain 1988, tr. 325-326; La Reøgle de saint Augustin, II : Recherches historiques, Etudes Augustiniennes, Paris 1967, tr. 7-17). Chúng ta chỉ muốn nhắc đến một phiên bản dành cho nữ giới, vẫn tiếp tục được sử dụng trong một số hội dòng nữ, mà chúng ta sẽ trích dẫn khi phân tích (xem cước chú 20).
[2] Bên Đông Phương bản luật đầu tiên ra đời mang tên của thánh Pacômiô (292-346/347) và thánh Basiliô (330/379).
[3] Một trong những lý do vì sao các cuộc canh tân đời tu (thế kỷ IX-XI) lại dựa vào Tu luật thánh Augustinô mà không dựa vào luật của thánh Biển Đức, đó là vì họ muốn canh tân đời sống Giáo hội khởi đi từ lý tưởng của các Kitô hữu tiên khởi. Thật vậy, thánh Augustinô đã đề ra một lý tưởng sống hiệp thông với nhau trong tâm hồn và trong của cải. Xem Pierre-Paul Walraet O.S.C., Inspiring principles for community life in the Rule of Augustine of Hippo, Respectfully submitted for the purpose of the International Study Days 2000: “Deepening our Crosier Charism of Community” Bandung – Cisarua, 25 July – 10 August 2000.
[4] Trước đó, tức là sau cuộc hoán cải (tháng 8 năm 386), anh Augustinô cùng với người mẹ, con mình, người em trai và một số người họ hàng và bạn hữu, đã quy tụ tại Cassiciaco và giữ một nhịp sống hàng ngày tương tự như tại một đan viện: cầu nguyện, làm việc, học hành, đọc Thánh Kinh.
[5] Trong bài này, xuất xứ bản Tu Luật được ghi theo hai cách đánh số của hai phiên bản khác nhau. Cách thứ nhất theo phiên bản quen dùng của nhiều Hội Dòng, giúp cho việc phân tích và trình bày bản luật cách chi tiết hơn. Còn cách thứ hai theo phiên bản của cha Lucas Verheijen thực hiện năm 1969 và được gia đình Đa Minh Việt Nam dịch sang tiếng Việt và đón nhận vào năm 2007, thì thuận tiện cho việc đối chiếu với nguyên bản bằng tiếng Latinh. Về việc trích dẫn bản văn, chúng tôi xin dùng bản dịch của phiên bản thứ nhất (dành cho nữ giới), chỉ vì nhằm thuận tiện cho việc phân tích và phù hợp với đối tượng học viên là chị em nữ tu. Xin xem Maria Đinh Thị Sáng, Giới thiệu, bản dịch và giải thích Tu Luật thánh Augustinô, Tp Hồ Chí Minh 2004, tr. 25-41. 223-232.
[6] Xem Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập II: Những đường hướng linh đạo nổi bật trong lịch sử Kitô giáo, Roma 2002, tr. 99-100.
[7] Xem Clodovis Boff, La Regola di San Agostino. La via della comunione dei beni, Cittadella, Assisi 1991. Nguyên tác: A via da comunhã de bens, Rio de Janeiro 1988, tr. 190tt.
[8] Người ta đã gặp thấy quy định về “bạn đồng hành” (socius) từ các bản luật cổ: ngoài những lý do thực tiễn (chị ngã em nâng), quy tắc này còn phản ánh truyền thống các môn đệ Chúa Giêsu được sai đi từng hai người một (Lc 10,1).
[9] Xem A. Trapé, S. Agostino. La Regola, Ancora, Milano 1971, in : http : //www.Augustinus.it/pensiero/commento-regola.htm
[10] Đề tài “tình yêu” được hiểu theo hướng “tình bạn” vẫn quen thuộc trong Thánh Kinh, đặc biệt là Tin Mừng Gioan. Tác giả Tin Mừng thứ IV, một đàng dùng các từ chỉ “tình yêu” (agape, caritas) và “tình bạn” (philia, amicitia) để nói về tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Đức Giêsu, tình yêu của các môn đệ, nhưng đàng khác, cũng dùng hai từ này để nói về tình yêu của con người dành cho sự tối tăm, cho thế gian hay cho chính mình. Ai ai cũng biết câu nói lừng danh của Gioan về tình bạn: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Gioan cũng nói về các tình bằng hữu (không ngang hàng nhau) giữa Đức Giêsu và các môn đệ (Ga 15,14), giữa Ngài với Gioan Tẩy Giả (Ga 3,19); với ba chị em làng Bêtania (Ga 11), giữa tổng trấn Philatô và hoàng đế Xêdarê (Ga 19, 12). Đề tài “tình yêu” trong Tin Mừng thứ IV được hiểu theo hướng “tình bạn”, để đề cao sự tự do của con người trong quyết định đi theo Đức Giêsu (Xem Giuse Lê Minh Thông OP, Tình yêu và tình bạn trong Gioan 15,9-17, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh 2009, tr. 191-204). Có lẽ thánh Augustinô đã biết đến quan niệm về tình yêu và tình bạn trong Tin Mừng này, khi ngài viết các bài khảo luận về Tin Mừng Gioan và các thư của thánh Gioan vào những năm 406-407 và năm 414.