10/01/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

634

 


VẤN  ĐỀ SỰ DỮ

THUYẾT VÔ THẦN Ở ĐÂU  KHI CÓ SỰ DỮ XẢY RA?

"Nếu Đức Giêsu có thể chữa lành một người mù tình cờ  gặp trên đường, vậy tại sao không chữa cả  bệnh mù?" 


 

 


evilKhi nói rằng thuyết vô  thần thường bị lôi cuốn bởi các động lực thấp hèn, tôi không muốn ám chỉ rằng không có sự thành thật thiếu tin tưởng. Trong chương này, tôi để ý đến một vấn đề thường trở ngại đối với tín hữu cũng như người không có đức tin, nó là một trở ngại trầm trọng để tin vào Thiên Chúa của Kitô Giáo. Những điều khủng khiếp xảy ra trên thế giới. Hàng triệu người bị giết trong các trại tập trung. Bão và sóng thần trút cơn thịnh nộ chết người trên dân chúng có đức tin. Một người bệnh tâm thần nả đạn vào trường đại học, giết các sinh viên vô tội. Bạn tôi là Bruce Schooley, người mà tôi đề tặng cuốn sách này, đang vật lộn với bệnh ung thư. Không có điều nào có thể giải thích được. Voltaire đã xỉ vả thần linh khi để xảy ra trận động đất 1755 ở Lisbon với tất cả những tàn phá của nó. Darwin bị kinh ngạc bởi tính cách dữ dội thất thường của thiên nhiên, đó là một đề tài mà Richard Dawkins nhấn mạnh trong cuộc bút chiến mới đây. Steven Weinberg viết, "Thiên Chúa của chim chóc và cây cối cũng phải là Thiên Chúa của bệnh ung thư và khuyết tật bẩm sinh." Ông thêm rằng vì chính ông là một người Do Thái, "Việc tưởng nhớ biến cố Holocaust khiến tôi không muốn bào chữa cho các phương cách của Thiên Chúa đối với loài người." Steven Pinker đưa ra tình trạng khó xử này trong hình thức cổ điển. "Nếu thế giới này bộc lộ một kế hoạch khôn ngoan và thương xót, sao nó lại bao gồm quá nhiều đau khổ?" Weinberg và Pinker nêu lên câu hỏi thật hay: nếu Thiên Chúa hiện hữu, sao Người lại cho phép xảy ra bất cứ gì trong những điều ấy?


Vấn đề sự  dữ và đau khổ được nhiều người coi là lý luận mạnh mẽ nhất để chống với sự hiện hữu của Thiên Chúa. Họ lý luận như thế này: Nếu có Thiên Chúa, Người phải toàn năng. Nếu Người toàn năng, Người có thể chấm dứt sự dữ và đau khổ. Nhưng qua kinh nghiệm chúng ta biết rằng sự dữ và đau khổ vẫn tiếp tục, một cách kinh tởm, một cách tàn nhẫn, ngay cả không cân xứng hay không công bằng chút nào. Như vậy không thể có một chủ thể toàn năng có thể ngăn chặn tất cả những điều này đừng xảy ra, bởi vì nếu có, Người chắc chắn sẽ làm như vậy. Bởi thế Thiên Chúa không hiện hữu.


Tôi đồng ý rằng sự dữ và đau khổ đề ra một thách đố nghiêm trọng về tri thức và luân lý cho Kitô  Hữu. (Thật thú vị, trong Ấn Giáo và Phật Giáo lại không có vấn đề như vậy. Người Ấn Giáo tin rằng sự đau khổ ở đời này là  hậu quả của hành động ở kiếp trước. Phật Giáo cho rằng sự đau khổ là sản phẩm của khao khát ích kỷ và có thể vượt qua bằng cách diệt dục.) Khi những điều khủng khiếp xảy ra, dường như dễ để giải thích rằng Thiên Chúa không hiện hữu hơn là hiện hữu. Nhưng điều ít người nhận thấy là sự đau khổ và sự dữ cũng là một thách đố ghê gớm cho người vô thần. Lý do là vì sự đau khổ không chỉ là một vấn đề tri thức và luân lý; nó còn là một vấn đề cảm xúc. Sự đau khổ không làm hại tâm trí; nó phá hủy tâm can. Khi tôi bị bệnh, tôi không muốn có một lý thuyết để giải thích nó; tôi muốn điều gì đó làm cho tôi cảm thấy khỏe hơn. Thuyết vô thần có thể có một giải thích hay hơn về sự dữ và đau khổ, nhưng nó không đem lại sự an ủi. Thuyết hữu thần, tuy không có một giải thích hay ho, nhưng nó đưa ra một phương cách tốt hơn để dân chúng đối phó với những hậu quả của sự dữ và sự đau khổ.


Tôi nhận ra điều này vào tháng Tư 2007 khi một sinh viên loạn trí ở  trường Virginia Tech nổi điên giết người, gây nên một trong những thảm sát tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau vụ giết người, ngay trong khung cảnh học đường thế tục, người ta không thấy thuyết vô thần đâu. Mỗi khi có nghi thức tưởng niệm hay đám đông quy tụ, người ta nói về Thiên Chúa, lòng thương xót của Thiên Chúa, và sự hàn gắn tinh thần. Ngay cả những người không tôn giáo rõ rệt cũng bắt đầu dùng đến ngôn ngữ thấm đầy những dấu hiệu và ý nghĩa Kitô Giáo. 
Vấn đề thì không phải với người vô thần, nhưng với thuyết vô thần. Dĩ nhiên, người vô thần cũng có mặt trong số nạn nhân và người than khóc. Tôi không ám chỉ rằng họ đau khổ ít hơn ai khác. Điều tôi muốn nói là thuyết vô thần dường như không đem lại gì trong những lúc như thế. Hãy để ý bản tuyên ngôn của Richard Dawkins trong cuốn River Out of Eden: "Vũ trụ chúng ta quan sát thì có đúng những đặc tính mà chúng ta phải mong đợi nếu ở bản chất không có sự hoạch định, không có mục đích, không có sự dữ và sự thiện, không có gì khác hơn là sự dửng dưng tàn bạo mù lòa." Jacques Monod viết rằng khi gán cho đời sống một ý nghĩa hay mục đích, đó là một loại "duy linh," giống như người tiền sử tìm thấy thần linh trong các hòn đá. Theo Monod, chúng ta ở đây hoàn toàn là kết quả của sự tình cờ: "Con số của chúng ta vọt lên trong ván bài ở Monte Carlo." Tương tự, Steven Weinberg nhận xét rằng "vũ trụ càng có vẻ dễ hiểu bao nhiêu, dường như nó càng vô nghĩa bấy nhiêu."


Ở đây chúng ta thấy sự ghê rợn căn bản của thuyết duy vật: mọi thứ trở nên tối tăm và vô nghĩa. Chúng ta cũng thấy giải pháp duy vật cho vấn đề sự dữ: sự dữ không phải là vấn đề, bởi vì sự dữ không hiện hữu. Đời sống theo quan điểm này thì quả thật là một chuyện tào lao được kể bởi một thằng ngốc, ồn ào và cuồng nhiệt, chẳng có gì quan trọng. Và nếu một bà mẹ khóc lóc hỏi rằng tất cả mục đích của nó là gì, Dawkins và Weinberg không có câu trả lời nào tốt hơn là, "Xin lỗi, chẳng có mục đích nào cả. Đời sống xảy ra, và sau đó nó chấm dứt. Tất cả chỉ có vậy." Tôi có thể thấy tại sao bạn Bruce của tôi không thể chấp nhận thuyết vô thần. Chỉ có Thiên Chúa mới đem cho Bruce lời hứa về một sự sống sẽ đến, của một linh hồn tồn tại lâu hơn sự chết. Thuyết vô thần chỉ đem lại sự hủy diệt.


Khi tôi viết bài báo nhận xét về sự thiếu vắng bài thuyết pháp của người vô thần trong các nghi thức ở Virginia Tech, tôi nhận được một tràng chửi rủa từ email của những người vô thần. Tôi là một tên ngu ngốc. Tôi là một người đần độn. Tôi phải tìm cố vấn tâm thần. Tôi đang lợi dụng tấn thảm kịch trong một phương cách cay đắng thâm độc. Thật thú vị, rất ít người thắc mắc điều tôi muốn nói rằng thuyết vô thần không đem lại sự an ủi và sự hiểu biết khi đối diện với sự dữ hay thảm kịch. Một người vô thần nhìn nhận những hạn hẹp của thuyết vô thần về phương diện này, nhưng sau đó giận dữ hỏi là tôi muốn lời an ủi giả dối và chuyện thần tiên hay những sự thật khó nghe mà chúng ta phải biết cách đối phó.


Không, tôi không muốn. Nhưng điều này cho rằng sự hiện hữu của sự  dữ và sự đau khổ đã chứng minh rằng Thiên Chúa không hiện hữu. Trên thực tế, tất cả  những gì cho thấy là sự dữ và sự  đau khổ không có sự giải thích nào mà  chúng ta có thể tìm thấy. Dù vậy, vẫn có thể là chúng phục vụ một mục đích cao cả hơn nhưng chúng ta không thấy. Hậu quả là chúng ta không thể đối xử với thuyết vô thần như một chân lý được minh chứng. Ngay cả khoa học hiện đại cũng không thể xác nhận một tình trạng vững chắc như thế. Một trong những lập luận hay nhất cho khoa học hiện đại là nó hữu hiệu, điều đó có nghĩa nó đem lại những tốt lành và đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Nhưng đây cũng chính là điều tôi thừa nhận đối với tôn giáo trong lúc đau khổ và có sự dữ. Tôn giáo hữu hiệu, điều đó có nghĩa nó đáp ứng sự khao khát và nhu cầu của con người trong một phương cách mà ngôn ngữ trần tục không thể. Cũng như khoa học dường như không thể thay thế để làm cho đời sống hiện đại tốt đẹp, Thiên Chúa cũng dường như không thể thay thế khi đời sống tệ hại hoặc khi chúng ta đối diện với sự chết.


William James, người thực dụng, đặt vấn đề với nét hiện thực: Người vô  thần giống như những người sống trên một hồ  đóng băng được bao chung quanh bằng những vách đá mà  không cách chi thoát khỏi. Họ biết rằng băng đá đang tan và sẽ đến ngày họ phải nhục nhã lao mình xuống nước. Viễn ảnh này thì vô nghĩa cũng như khiếp sợ. Kitô Hữu cũng phải chịu đựng cái giá rét và cái chết không thể tránh, nhưng đức tin giúp họ chịu đựng tốt hơn. Khi đau khổ xảy đến, James viết, "Tôn giáo làm cho những gì cần thiết trở nên dễ dàng và hạnh phúc trong bất cứ trường hợp nào." Khi cái chết xảy đến, ông viết thêm, tối thiểu Kitô Giáo đem lại viễn ảnh của đời sau và cơ hội được cứu độ. "Trong bản tính con người, không có dữ kiện nào đặc thù hơn là bằng lòng sống với một cơ hội. Sự hiện hữu của cơ hội này là một khác biệt… giữa một đời sống mà nguyên tắc chỉ đạo là sự buông xuôi và một đời sống mà nguyên tắc chỉ đạo là sự hy vọng."


Trong khi lý luận về  sự dữ thường được dùng để không nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, trong một phương cách kỳ lạ chính lý luận này lại có thể  được sử dụng như một minh chứng cho sự  hiện hữu đó. Hãy suy nghĩ điều này: tại sao chúng ta lại cảm nghiệm sự đau khổ và sự dữ như một điều phi lý? Nếu chúng ta là các thực thể thuần túy vật chất thì chúng ta không chống đối việc thảm sát hàng loạt, cũng như một con sông không phản đối khi bị khô cạn vì hạn hán. Tuy nhiên chúng ta không giống như con sông. Chúng ta biết rằng sự dữ thì có thật, và chúng ta biết rằng nó sai lầm. Nhưng nếu sự dữ có thật thì sự thiện cũng phải có thật. Làm thế nào để chúng ta biết sự khác biệt giữa hai điều này? Khả năng phân biệt giữa sự dữ và sự thiện, và để nhận biết chúng có thật, có nghĩa rằng phải có một tiêu chuẩn luân lý trong vũ trụ mà nó được dùng làm căn bản cho sự phân biệt này. Và đâu là nguồn gốc của tiêu chuẩn luân lý đó nếu không phải là Thiên Chúa?


Ngay cả vậy, sự  dữ vẫn là điều không thể giải thích một cách hữu lý cho bất cứ giá trị nào của con người. Các tín hữu có thể viện dẫn sự an ủi của tôn giáo, nhưng họ vẫn lủng củng với câu hỏi hắc búa tại sao Thiên Chúa lại để sự dữ và sự đau khổ xảy ra. Trong Kinh Thánh, đây là câu hỏi mà ông Gióp đã mạnh dạn, giận dữ, và hùng hồn đặt ra cho Thiên Chúa. Ông Gióp là một người tốt lành, tại sao ông lại phải đau khổ? Tại sao của cải ông bị lấy đi? Tại sao Thiên Chúa lại đối xử với mọi người như vậy, ngay cả các tôi tớ trung thành của Người cũng không có ngoại trừ?


Thay vì trực tiếp trả lời cho ông Gióp, Thiên Chúa hỏi các tạo vật lấy quyền gì mà đặt vấn đề với Đấng tạo ra chúng. Ông Gióp có làm ra vũ trụ không? Ông có thể tự ban cho mình sự sống không? Dường như Thiên Chúa lôi ông Gióp ra khỏi  địa vị, và sau cùng ông đồng ý, phó thác cho Thiên Chúa mà không cần được trả lời các thắc mắc. Vì vậy ông Gióp trở thành một người hùng trong Kinh Thánh không bởi sự hiểu biết, nhưng bởi đức tin.


Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục vì câu hỏi của ông Gióp vẫn là một câu hỏi có giá trị: tại sao sự dữ lại xảy ra cho người tốt? Một câu trả lời là sự tự do ý muốn. Thiên Chúa không muốn cai trị một vương quốc người máy. Sự tự do lựa chọn có nghĩa chúng ta được tự do để thi hành điều tốt và chúng ta cũng có tự do để thi hành điều xấu. Người ta chỉ là thánh trong một thế giới mà họ cũng có thể trở nên một tên quỷ. Vì vậy sự hiện diện của sự xấu trong thế giới thì hoàn toàn phù hợp với Thiên Chúa là đấng khinh chê sự dữ nhưng quý trọng sự tự do.


Thiên Chúa không giết những người ở trường Virginia Tech, kẻ sát nhân đã làm điều đó. Tuy nhiên, tại sao Thiên Chúa lại không can thiệp hay ngăn chặn điều đó? Đây là một câu hỏi sâu xa về vai trò của Thiên Chúa trong thế giới. Tại sao Thiên Chúa không biểu thị chính Người, nhất là khi các thảm kịch này có thể ngăn chặn được? Sau đây có thể là một nguyên do. Hãy thử tưởng tượng nếu Thiên Chúa can thiệp để ngăn cản tên điên khùng đừng làm điều đó. Hãy bỏ qua một bên việc vi phạm sự tự do ý muốn. Chỉ chú ý đến hậu quả. Tên sát nhân sẽ bị tước vũ khí—một cách lạ lùng—việc bắn giết sẽ được ngăn cản và đời sống sẽ tiếp tục.


Nói cách khác, đời sống sẽ tiếp tục như thể Thiên Chúa không can thiệp ngay tự đầu. Như vậy, trong quan điểm này Thiên Chúa trở nên một loại chú bé chạy việc vặt của vũ trụ, là người được cho rằng phải làm công việc bổn phận thay cho chúng ta và dọn dẹp những bừa bộn của chúng ta và sau đó chúng ta chúc Người một ngày vui rồi trở về với đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng có lẽ mục đích của Thiên Chúa là muốn lôi kéo các tạo vật về với Người, và chứng cớ qua kinh nghiệm là các thảm kịch ấy, như ở Virginia Tech, giúp thực hiện điều đó.


Tại điểm này tôi có thể tưởng tượng một căm phẫn bùng nổ, "Ông muốn nói rằng Thiên Chúa gây ra những thảm sát khủng khiếp đó chỉ để người ta trở lại với Người sao?" Tôi lập lại: Thiên Chúa không tạo ra điều này. Hãy đổ lỗi cho súng đạn, hãy đổ lỗi cho hệ thống an ninh nhà trường, nhất là hãy đổ lỗi cho tên sát nhân. Đừng đổ lỗi cho Thiên Chúa. Như C. S. Lewis vạch rõ, hầu hết sự dữ và sự đau khổ trong thế giới thường được gây nên bởi con người với roi vọt, súng ống, dao găm, lò hơi ngạt, và bom đạn. Các tội ác này không do Thượng Đế gây nên nhưng do con người. Ngay cả vậy, không phải là không hợp lý để cho rằng có một mục đích quan phòng đằng sau câu chuyện, và nếu sự khủng khiếp cho thấy chúng ta cần lệ thuộc vào tình yêu và quyền năng phục hồi của Thiên Chúa, đó không phải là một điều tệ hại. Không cách chi Thiên Chúa chịu trách nhiệm cho sự dữ; Người chỉ chịu trách nhiệm khi nêu ra sự tốt lành từ sự dữ.


Kitô Hữu có thể  vạch ra tấm gương của Đức Kitô để cho thấy rằng Thiên Chúa của họ, không phải là dửng dưng với sự dữ và sự đau khổ, nhưng đã trở nên một con người chính là để gánh chịu và vượt qua sự dữ. Trong thần học Kitô Giáo, Thiên Chúa trở nên một con người để gánh lấy tội lỗi của thế giới. Đức Kitô đã chịu đau khổ một cách bất công theo cùng một phương cách như những người phải đau khổ một cách bất công, nhưng ở một mức độ cao hơn. Do đó, đối với Kitô Hữu, chịu đựng sự đau khổ và sự dữ là chia sẻ nỗi thống khổ của Đức Kitô một cách nào đó. Sau cùng Đức Kitô chiến thắng sự dữ và đây là điều mà Kitô Hữu cũng tìm cách thi hành, tối thiểu trong cuộc đời của mình.


Cho đến đây sự  giải thích này phần lớn nhắm đến sự dữ  về luân lý. Nó không giải thích cho "sự dữ tự nhiên," là sự dữ không do con người gây nên nhưng bởi chính thiên nhiên. Ở đây tôi nghĩ đến những điều tỉ như bão tố và bệnh ung thư. Do đó một lần nữa chúng ta phải hỏi: tại sao những điều xấu xảy ra cho người tốt? Câu trả lời của Kitô Giáo là không có người tốt. Không ai trong chúng ta đáng được một cuộc đời như chúng ta đang có, đó là một món quà cho không từ Thiên Chúa. Anh Bruce đang chết dần, và anh đang từ từ trả về cho Thiên Chúa một đời sống mà Người đã ban cho anh. Trong phương cách này anh không cô đơn. Như triết gia Peter Kreeft có nói trong cuốn sách Making Sense Out of Suffering (Tìm Ý Nghĩa trong Đau Khổ), tất cả chúng ta đang chết dần mòn, từ bỏ từng chút một mỗi ngày, và trong khi các kỹ thuật y khoa có thể giúp chúng ta trì hoãn đôi chút, chúng không thể ngăn cản chúng ta di chuyển một cách đều đều, không chút xót thương đến huyệt mộ của chúng ta.


Hàng ngày tôi cầu xin Thiên Chúa chữa lành cho Bruce, tuy nhiên, tôi nhận biết rằng ngay cả điều này xảy ra cho Bruce, anh cũng sẽ không thoát được cái chết. Anh sẽ sống lâu hơn, nhưng sau cùng cái chết sẽ nắm bắt anh, cũng như nó sẽ nắm bắt tôi và bạn và tất cả chúng ta. Vì lý do này, tất cả chúng ta cần đến một loại chữa lành sâu xa hơn, đó là chữa lành linh hồn. Người không có đức tin sẽ nói rằng chúng ta phải tập đối diện với cái chết, và trong một ý nghĩa tự nhiên, điều đó đúng. Cái chết là một điều chắc chắn của cuộc đời, và Bruce cũng như bạn và tôi tất cả đều phải học cách chấp nhận điều đó. Câu hỏi ở đây là có phải cái chết là chương sau cùng. Người không có đức tin quả quyết rằng sự hứa hẹn đời sống vĩnh cửu là một sự giả dối, nhưng họ không biết được điều đó.


Tất cả những gì  tôi cố chứng minh ở đây là chỉ có  một cách duy nhất để chúng ta thực sự chiến thắng được đau khổ và sự dữ là sống vĩnh viễn ở một nơi không có những điều đó. Kitô Giáo cho rằng có một chỗ như vậy và sẵn sàng cho bất cứ ai tìm kiếm. Không ai bị từ chối điều đó, và nếu sự nhìn nhận này là sự thật thì sự dữ và sự đau khổ được phơi bầy như những khó nhọc và bất công tạm thời. Chúng ngắn ngủi như cuộc đời ngắn ngủi, tạm bợ của chúng ta. Trong trường hợp đó Thiên Chúa chỉ cho chúng ta một con đường để chiến thắng sự dữ và sự đau khổ, mà sau cùng chúng bị khuất phục trong sự sống đời sau.


 


Dinesh D'Souza
(trích trong cuốn What's So Great About Christianity – Pt Giuse TV Nhật chuyển dịch)


114.864864865135.135135135250