15/11/2016 -

Suy tư, nghiên cứu

2608


Một số nữ giáo viên được phân công đi dự tiệc và phải mời rượu quan khách. “Việc này chúng tôi bức xúc lắm vì một số quan khách khi rượu vào đã có các hành động khiếm nhã với chúng tôi”, cô giáo mầm non phản ánh.
Trong các nhận định về vụ các nữ giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị buộc đi tiếp khách một cách "nhạy cảm", tôi đồng quan điểm với bạn Trần Lê Duyên khi bạn đặt câu hỏi vì sao các cô giáo đã không biết từ chối yêu cầu đó hoặc đồng loạt bỏ về nhà để thể hiện sự phản đối của mình.

Ngay khi đọc các thông tin về vụ này, tôi cũng đã suy nghĩ y như vậy! Tất nhiên, tư duy và chỉ đạo bệnh hoạn của giới quan chức chính quyền ở Hồng Lĩnh đối với các nhà giáo là điều không thể chấp nhận được, dù với bất kỳ biện minh nào. Và trong mấy ngày qua, dư luận cũng đã có nhiều tiếng nói phản đối, lên án gay gắt họ...

Nhưng tôi thấy đau hơn là tại sao các "kỹ sư tâm hồn" - những người mang sứ mệnh dạy dỗ con em chúng ta làm người, lại có thể nhẫn nhịn chịu đựng và chấp nhận làm theo những yêu cầu quái đản như vậy trong suốt một thời gian dài? Theo phát ngôn của chính Chủ tịch thị xã và phản ánh của báo chí, đây không phải lần đầu mà đã nhiều lần các nữ giáo viên "có ngoại hình" đã bị buộc phải tiếp khách cấp trên cho địa phương vào các dịp lễ lạt, hội nghị. Trong lần tiếp khách này, có đến 21 giáo viên được huy động. Và trong 21 cô giáo ấy, có ai đã dám nói "không" để từ chối yêu cầu của lãnh đạo vì cảm thấy mình bị xúc phạm và hạ nhục nhân phẩm ? Có ai dám dứt khoát từ chối và lập tức bỏ về ngay khi được yêu cầu?

Martin Luther King từng nói : "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt". Vâng, những "người tốt" trong cuộc ở đây đã nhẫn nhịn cam chịu, nhưng những "người tốt" khác ngoài cuộc là cả cộng đồng giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh chẳng lẽ cũng im lặng chấp nhận điều này? Hay là tất cả mọi người cũng coi đó là "chuyện bình thường", như ông Chủ tịch thị xã đã tuyên bố? Điều đáng nói thêm là những giáo viên được điều động từ các trường để phục vụ cho Liên hoan Dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh đã phải dành nguyên một ngày cho "nhiệm vụ chính trị". Ban ngày các cô làm công tác tiếp tân tại Liên hoan và sau khi Liên hoan kết thúc thì phải tháp tùng lãnh đạo địa phương đãi đằng khách cấp trên ăn uống, hát hò... Đó hoàn toàn không phải là những công việc của giáo viên được quy định trong hợp đồng lao động, và điều này cũng xâm phạm cả lợi ích của học sinh khi các cô giáo thay vì là giờ đứng trên bục giảng với học trò thì lại phải đi thực thi một công việc hoàn toàn không thuộc chuyên môn của mình. Tất nhiên, lãnh đạo Phòng Giáo dục thị xã có giải thích rằng sẽ đảm bảo bố trí giáo viên dạy thay các cô, nhưng xét về mặt trách nhiệm và đạo đức nhà giáo, các giáo viên vẫn có quyền từ chối thực hiện một công việc không thuộc chuyên môn của mình, và đặc biệt lại gây ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh.

Có người chắc sẽ bảo: Ôi, nói thì nghe dễ lắm! Phải thông cảm cho các nữ giáo viên. Ai dám không chấp hành lệnh của lãnh đạo? Lơ mơ là bị cho thôi việc hoặc bị ghim gút, trù dập ngay vì tội "cứng đầu"... Giáo viên cũng phải lo cơm áo gạo tiền, lo bảo vệ cuộc sống của họ chứ v.v và v.v...

Đó chính là một trong những mảng tối của bức tranh xã hội hiện nay! Tâm lý ngán ngại phản ứng trước cái xấu, chấp nhận nhẫn nhịn mọi thứ để được yên thân, sợ đấu tranh thì "tránh đâu"... đang là thái độ sống rất phổ biến của số đông chúng ta. Và nên nhớ rằng, nếu chấp nhận đây là những điều bình thường trong môi trường giáo dục thì chúng ta sẽ lại tiếp tục đào tạo ra những thế hệ... giống y chúng ta ngày hôm nay!

Tôi nhớ lại một chuyện cách đây 3 năm, khi con gái thứ hai tốt nghiệp lớp 12 ở Canada. Trong lễ tốt nghiệp, vợ chồng tôi rất vui mừng, hạnh phúc khi thấy con bước lên nhận bằng tốt nghiệp và được công bố nhận Ontario Scholar. Đây là bằng khen của Bộ GD Ontario dành cho các học sinh có điểm trung bình của 6 tín chỉ lớp 12 đạt từ 80% trở lên. Con gái đạt điểm trung bình trên 92% và khi đó đã được 3/4 trường đại học chấp nhận, trong đó có hai trường cấp học bổng. Đối với bố mẹ, thế là đã quá mãn nguyện!

Tuy nhiên, vào lúc kết thúc buổi lễ, thật bất ngờ khi thấy con rân rấn nước mắt tức tưởi nói rằng họ (nhà trường) đã không công bằng với con khi không cho con huy chương vàng (gold medal) như các bạn khác đã xứng đáng được nhận. Tôi an ủi con: "Như thế này là bố mẹ vui lắm rồi! Có lẽ cái gold medal họ chỉ trao cho học sinh địa phương chứ không cho học sinh quốc tế con ạ!". Nhưng con gái vẫn vừa khóc vừa bảo: "Không, con thấy trong lớp con có hai bạn người Ấn Độ và Trung Quốc, điểm trung bình còn thấp hơn con, mọi thứ đều thua con mà vẫn được mời lên sân khấu nhận gold medal". Nói rồi, con đột nhiên ngưng khóc và bảo: "Con nhờ bố mẹ chở con quay lại trường, con phải nói chuyện với họ để đòi lại cái huy chương vàng của con!". Tôi bối rối vì vừa phải lo đi dự một cuộc họp sắp tới, vừa nghĩ làm sao con có thể đấu tranh đòi lại huy chương vàng vào lúc mà lễ tốt nghiệp đã xong và cả trường chuẩn bị đóng cửa nghỉ hè. Vả lại cũng không biết con sẽ đi gặp ai, rồi giải quyết thế nào với trường, thế nên "bàn lùi" ngay rằng sẽ chẳng ăn thua gì đâu! Chồng cũng bảo: "Thôi con ạ, bố mẹ biết con giỏi là được rồi, và quan trọng là con đã được vào ĐH. Bỏ chuyện đó đi, vì bây giờ bố mẹ có một cuộc họp nên không thể chờ con quay lại trường để giải quyết việc ấy...". Con gái vẫn kiên quyết: "Bố mẹ chỉ cần chở con đến trường. Con sẽ vào nói chuyện với họ rồi về nhà host nghỉ chờ bố mẹ chiều quay lại đón cũng được. Con muốn sự công bằng và muốn họ phải đối xử fair với con". Chúng tôi đành chở con quay lại trường rồi lái xe lên Toronto họp. Không biết con nói gì, làm gì ở đó mà đi chưa được nửa đường đã thấy điện thoại reo vang. Nghe giọng con gái hớn hở: "Con đã đòi được gold medal! Đích thân cô Hiệu trưởng phải tới xin lỗi con về sự sai sót của trường và cô vừa trao cho con cái gold medal đây...". Rồi con gửi cho chúng tôi cái ảnh chụp tấm huy chương cùng gương mặt cười toe, nhưng vẫn còn ấm ức kèm theo một tin nhắn : "Đáng lẽ con phải được đứng trên sân khấu nhận huy chương này cùng các bạn mới đúng! Con vẫn bị thiệt!".

Tôi thầm cảm ơn các thầy cô giáo ở CIS tại Việt Nam cũng như Canada đã dạy dỗ con biết nhận thức và phát triển tính cách thật hay, đồng thời cách họ hành xử cũng thật tuyệt vời! Với tính cách như thế, tôi tin rằng con gái, hơn cả cha mẹ mình, sẽ không bao giờ chịu cúi đầu trước bất công và chấp nhận nhân nhượng với cái xấu...

Nên từ câu chuyện buồn về việc nữ giáo viên phải đi tiếp khách ở Hồng Lĩnh, thực ra có nhiều điều cần phải ngẫm nghĩ hơn... Lãnh đạo chính quyền kém cỏi thì vẫn có thể tin rằng một ngày nào đó họ sẽ bị thay thế. Nhưng nếu thái độ sống của chúng ta không thay đổi theo hướng tích cực để bảo vệ những giá trị nhân văn thì dù chính quyền có thế nào, cái xấu vẫn luôn có cơ hội thống trị. Là giáo viên mà chúng ta còn không dám lên tiếng và biết bảo vệ nhân phẩm của chính mình thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện dạy cho học sinh hình thành, phát triển được nhân cách tốt?

Oanh Nguyen Thi
(Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường quốc tế Canada - CISS)
114.864864865135.135135135250