07/03/2023 -

Đạo lý Tôma

2250


 

Thánh Tôma Aquinô: Người Tôi Tớ Phục Vụ Chân Lý
 

                                                                                Yves Congar

 

Phần trích dịch này được biên soạn từ tác phẩm Faith and Spiritual Life,
được dịch sang tiếng Anh bởi A. Manson and L. C. Sheppard, New York: Herder and Herder, 1968, tr. 67-85.

 

Có thể tìm đọc bản dịch tiếng Anh tại địa chỉ sau:

http://www.domcentral.org/preach/tasermons/4sermons2.htm

 

Bản dịch của Gs. Nguyễn Cao Luật OP. và Vs. Lê Hưng OP.

 

Dẫn Nhập



Có thể nói rằng quyết tâm trở thành người phục vụ Chân Lý đã thấm đẫm toàn bộ đời sống của thánh Tôma và tạo nên nét cốt yếu trong đời sống tinh thần người tôi tớ này.

Phục vụ chân lý chính là chủ đích trong toàn bộ đời sống thánh Tôma. Lý tưởng này được thể hiện ngay trong ơn gọi Đa Minh của ngài – tôi sẽ quay lại chủ đề này sau – qua hai tài liệu được viết ngay từ khi ngài bắt đầu công việc giảng dạy. Năm 1256, khi được đặt làm giáo sư thần học, với sự chuẩn chước vì còn quá trẻ, thánh Tôma đã có một bài diễn văn nhậm chức theo thông lệ (principium), và bản văn này vẫn còn được giữ tới nay. Bài diễn văn ca ngợi những thầy dạy Kitô giáo hay các nhà thần học, và có đoạn như sau:

 

Thứ ba, chúng ta cùng suy gẫm về khả năng thông truyền sự khôn ngoan. Thiên Chúa có thể đích thân thông truyền sự khôn ngoan, còn các thầy dạy trong Hội Thánh chỉ có thể thông truyền sự khôn ngoan thông qua khả năng của thừa tác viên… Chúng ta phải lập lại câu hỏi của thánh Phaolô: “Phaolô là gì và những người khác là gì? (1Cr 3, 4), và câu trả lời của ngài, ‘chỉ là những đầy tớ của Đấng các bạn tin.’ Nhưng chúng ta phải tiếp tục chất vấn cùng với thánh Tông đồ: “Ai là người có khả năng thực hiện những điều này?” (2Cr 2, 16): Vì Thiên Chúa đòi hỏi các thừa tác viên của Người phải trong sạch, như lời tác giả thánh vịnh: “Ai sống đời hoàn hảo, sẽ là người phục vụ con” (Tv 101, 6). Người cũng đòi hỏi sự khôn ngoan: ‘Bầy tôi mưu trí được hưởng ơn vua’ (Cn 14, 35). Sau cùng, Thiên Chúa còn đòi hỏi sự vâng phục, như lời tác giả thánh vịnh: ‘kẻ phục vụ Người là kẻ thi hành thánh ý’ (Tv 102, 21). Dĩ nhiên, chẳng ai dám khẳng định rằng tự mình và chỉ nhờ năng lực riêng của mình mà người đó có thể chu toàn một sứ vụ như thế… Nhưng để nhận được sứ vụ này từ Thiên Chúa, người ta phải cầu xin.


Hai năm sau biến cố trên, ở ngay phần mở đầu tác phẩm vĩ đại đầu tiên của mình, trong một dịp rất hiếm hoi khi nói nhân danh chính mình – và ngay cả trong dịp như vậy ngài cũng ẩn mình đằng sau uy tín của một vị thánh, thánh Tôma đã diễn tả mục đích của đời mình bằng những lời sau: ‘Về phần tôi, tôi coi nhiệm vụ chính của đời mình là thanh toán món nợ với Thiên Chúa bằng cách diễn tả Người qua mọi lời nói và thái độ của tôi’ (3). Điều này có nghĩa, thánh nhân muốn trở thành người phục vụ Thiên Chúa trong tư cách là một nhà thần học, một tôi tớ phục vụ Chân Lý; trọn cả đời ngài là lời bày tỏ Thiên Chúa.

1. 
Thánh Tôma Aquinô: Người tôi tớ nghèo khó

Quả là một hành động anh hùng khi quyết định trở thành người tôi tớ phục vụ chân lý thần linh. Ở đây, chúng ta cùng xem xét điều này qua sự phát triển tinh thần và cũng như mọi hoạt động trong cuộc đời thánh Tôma. Tôi muốn nêu lên ba đặc tính có liên hệ với nhau được thể hiện nơi đời sống bên ngoài cũng như đời sống nội tâm của thánh nhân: Sự nghèo khó, sự thanh khiết và lòng trung tín. Và tôi sẽ đi tới kết luận bằng việc chỉ ra rằng nguồn mạch ẩn giấu của ba ân điển này chính là tình yêu.

Thái độ của một người tôi tớ được đặt nền trên sự nghèo khó. Người giàu có, người chiếm hữu thì tất nhiên không thể là người tôi tớ. Việc sở hữu của cải chẳng có ý nghĩa gì đối với đời sống nội tâm nếu nó không giúp tạo ra và phát triển một thái độ kiên quyết, một thái độ tuyệt đối của người làm chủ hay người sở hữu, độc lập và tự túc. Thế nhưng, yếu tố quyết định trong việc này chính là bản thân chúng ta nghĩ mình giàu có hay khó nghèo. Một người chỉ có thể là người tôi tớ nếu anh hoàn toàn trở thành công cụ và thuộc về ông chủ. Và như vậy, người đó không thể là người tôi tớ trừ phi có tinh thần nghèo khó, từ bỏ mọi thứ riêng tư bản thân và cả quyền làm chủ cuộc đời mình, không giữ lại điều gì như của riêng và bất khả chuyển nhượng, và hiến trọn đời mình để phục vụ. Thánh Phaolô chính là minh hoạ về điều này khi ngài thường mở đầu các lá thư của mình với những lời sau: Phaolô, người tôi tớ của Đức Kitô Giêsu (Rm 1,1). Chúng tôi, Phaolô và Timôthê, là những tôi tớ của Đức Kitô Giêsu (Pl 1,1). Phaolô người tôi tớ, người phục vụ của Đức Giêsu Kitô và là kẻ thuộc về Người. Khi điều đang được bàn ở đây là công việc của Chúa, và đặc biệt, khi công việc đó hệ tại việc nói về Người, thì chỉ có một cách duy nhất để tham gia vào công việc này, đó là trở thành người tôi tớ, nghĩa là phải trở thành một người nghèo. Chỉ có ai sẵn lòng trở thành một thừa tác viên và sẵn lòng phục vụ thì mới được mời gọi. Trong bất cứ lãnh vực nào: hoạt động tông đồ, việc chiêm niệm, hay ân sủng được ban cho sự phát triển đời sống tâm linh bản thân, nếu một người cố thao túng những thứ thuộc về Thiên Chúa như thể chúng thuộc về mình, để rồi từ chối tình trạng khó nghèo và cố trở thành người sở hữu, thì ngay lập tức, người đó sẽ đánh mất sự khó nghèo bản thân vốn được Thiên Chúa làm cho trở nên giàu có (tamquam nihil habentes omnia possidentes – như thể không sở hữu gì mà lại có mọi sự), sẽ bị lột trần và bị bỏ mặc trở về tình trạng nghèo túng, bên dưới vẻ hào nhoáng của sự thành công bề ngoài, vốn là tất cả những gì còn lại của người đó.

Mặc dù xuất thân từ một gia đình quý tộc, là họ hàng với hoàng đế Frederic, trổi vượt về mặt trí năng hơn về địa vị, thánh Tôma vẫn chọn và theo đuổi nếp sống như một người nghèo với một ý thức hết sức rõ ràng về những đòi hỏi trong lời mời gọi Thiên Chúa dành cho ngài.

Thánh nhân hiểu rõ rằng công việc trí óc, và cụ thể là công việc thần học, tuỳ thuộc vào ơn Thiên Chúa ban; cũng vậy, nếu chúng ta muốn trung thành phục vụ chân lý, chúng ta cần được trợ giúp và soi sáng từ Đấng là Chủ mọi ý tưởng, dứt khoát là như thế. Và thêm nữa, ngài đã nhân đôi việc làm của mình bằng lời cầu nguyện. Chuyện kể rằng, ngài đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện. Ngài cầu nguyện trước khi làm việc, và khi gặp vấn đề nan giải, ngài lại hướng về Chúa với cường độ mãnh liệt hơn, giống như một kẻ ăn mày. Bản văn của một số trong những lời cầu nguyện như thế còn được lưu truyền đến chúng ta. Các bản văn này cho thấy thánh nhân luôn đến với Thiên Chúa như một người nghèo đang cần Thiên Chúa ban tặng mọi thứ, và ngài không ngại cầu xin mọi sự. 

 

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, con nay đến với mầu nhiệm Con Một Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Con đến với mầu nhiệm này như kẻ đau yếu đang cần được chữa lành, như kẻ ô uế tìm đến nguồn mạch xót thương, như kẻ mù loà tìm đến ánh sáng vĩnh cửu, như kẻ nghèo khó và cơ cực tìm đến cùng Chúa là Chúa Cả trời đất. Vì lạy Chúa, con hướng về lòng khoan hồng bao la của Chúa, nài xin Chúa chữa lành các bệnh tật con, tẩy con sạch mọi vết nhơ, chữa cho khỏi mù loà, làm phong phú sự túng nghèo, và che đậy sự trần trụi của con[1].

Con đến trước nhan Ngài như một kẻ tội lỗi, ôi lạy Chúa là nguồn mạch xót thương, con đây ô uế, xin tẩy sạch con. Ôi mặt trời Công Chính, xin chiếu soi kẻ mù loà. Ôi Đấng chữa lành vĩnh cửu, xin ban sức mạnh cho kẻ yếu đau. Ôi Vua các vua, xin mặc y phục cho kẻ cơ cực. Ôi Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, xin tẩy rửa con, kẻ tội lỗi.



Đó là lời cầu nguyện của kẻ nghèo, kẻ nhìn nhận rằng mình không thể làm được gì, nhưng tất cả được ban cho anh để hành động. Đó là lời cầu nguyện của người tôi tớ, là người không có khao khát nào của riêng mình mà chỉ khát khao điều chủ mình muốn mà thôi.

Thêm một yếu tố khác nữa. Sự nghèo khó và việc nài xin trong lời cầu nguyện của con người là điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ, kể cả sinh hoạt thông thường của người Kitô hữu. Nhưng có một loại khó nghèo và một hình thức tuỳ thuộc dành riêng cho một nhà thần học và có liên hệ đến hoạt động khoa học riêng biệt của ông. Vậy thần học là gì?

Đó là một hoạt động của con người nhằm tìm hiểu về những dữ kiện các mầu nhiệm đức tin; đó là một công việc nhằm khai triển, tổ chức và hệ thống hóa và cũng là công việc nhằm đạt được một sự hiểu biết thấu đáo hơn về mọi thứ mà tâm trí con người có thể đạt được nhờ đức tin soi dẫn. Đó là một môn khoa học, và vì thế, hoàn toàn có tính khoa học và suy trong các sáng kiến, phương pháp và kết luận. Tuy nhiên, nó là một môn khoa học và là một hoạt động thuộc lý trí từ cội rễ, có mối liên hệ đến toàn bộ mầu nhiệm của hành vi đức tin. Nó một sự soạn thảo tỉ mỉ mang tính khoa học các dữ liệu vốn không thuộc về khoa học và chỉ tồn tại đối với tâm trí, trong thực tế, nó chỉ được “ban tặng”, trong một hành vi đức tin mà nếu chỉ có lý trí không thôi thì chưa đủ. Đó là một khoa học, nhưng khoa học này không thoả mãn với việc lệ thuộc vào các dữ kiện, vốn là tiến trình thông thường của các môn khoa học. Môn học này khởi đầu bằng việc khước từ quyền xác minh mọi sự, và bằng cách đón nhận các dữ kiện tựa như trẻ thơ đón nhận những kiến thức cơ sở, tức là đón nhận bằng đức tin. Theo cách nhìn của con người, thần học là môn học nghèo nàn và thiếu thốn nhất trong các khoa học, và trong thực tế, môn học này không có tên trong danh mục các khoa học chính thức.

Đó là loại phục vụ đặc biệt mà thánh Tôma đã trao hiến. Ngài là người tôi tớ của Thiên Chúa trong tư thế một nhà thần học. Ngài nghèo với cái nghèo của người tôi tớ Thiên Chúa, chẳng có gì là của riêng mình; nghèo trong tư thế một nhà thần học người không sở hữu nhưng đón nhận tất cả, kể cả những nguyên tắc của môn học, đồng thời là người, trong lãnh vực của công việc riêng biệt, không xử sự như một ông thầy để khỏi phản bội quy tắc tạo nên vị thế nền tảng và ơn gọi của mình. Khi được yêu cầu giải thích, nhà thần học, sớm hay muộn, phải loại bỏ mọi ý kiến riêng; ông phải quy chiếu vào người khác và dựa vào Thiên Chúa. Vì lẽ trong ngôi nhà ông đang xây dựng, ông không phải là chủ, nhưng là người tôi tớ; ông phải luôn ghi nhớ điều này, vì ông chỉ được phong phú nhờ sự giàu có là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nếu ông chấp nhận những điều kiện của việc trở nên nghèo, và trong công việc thật sự có tính khoa học của mình, ông trở thành thành người tôi tớ và cũng là người thuộc về người khác.

 

[1] Đây chính là những lời trong Kinh Dọn Mình Chịu Lễ như chúng ta vẫn đọc xưa nay: Lạy ơn Đức Chúa Trời có phép vô cùng hằng có vậy, con bây giờ lên chịu phép Bí tính này là Đức Chúa Giêsu con thật Đức Chúa Trời. Con như kẻ liệt đến tìm thầy thuốc cho sống. Con là kẻ dơ dáy tìm đến mạch nước cả. Con là kẻ tối tăm đến cùng hằng sáng. Con là kẻ khó khăn thiếu mọi sự mà đến cùng Chúa Trời Đất. Vì vậy con cầu cùng Chúa rộng rãi vô cùng, chữa đã mọi tật linh hồn con. Rửa sạch mọi tội lỗi con, soi sáng kẻo tối, thêm phúc kẻo khó trước mặt Đức Chúa Trời; lại xin cho được lòng kính mến, cùng ở khiêm nhường ăn năn tội lỗi và giữ lòng sạch sẽ, cùng tin thật cho được chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu, là Vua cả trên hết các vua, Chúa trọng trên hết các chúa. Con lại xin Đức Chúa Cha cho được chịu phép Bí tích này, chẳng những bề ngoài, cùng được ích trong linh hồn nữa… (Trích Sách Toàn Niên.)

114.864864865135.135135135250