09/03/2023 -

Đạo lý Tôma

955


 

Thánh Tôma Aquinô: Người Tôi Tớ Phục Vụ Chân Lý
 

                                                                                Yves Congar

 

Phần trích dịch này được biên soạn từ tác phẩm Faith and Spiritual Life,
được dịch sang tiếng Anh bởi A. Manson and L. C. Sheppard, New York: Herder and Herder, 1968, tr. 67-85.

 

Có thể tìm đọc bản dịch tiếng Anh tại địa chỉ sau:

http://www.domcentral.org/preach/tasermons/4sermons2.htm

 

Bản dịch của Gs. Nguyễn Cao Luật OP. và Vs. Lê Hưng OP.

 

3. Trung Thành trong Giảng Thuyết


Trung thành là một nhân đức đặc biệt của người tôi tớ vì nó là một nhân đức giúp gắn kết với người khác: Người tôi tớ làm công việc của người khác, hiện diện vì người khác. Một người chỉ có thể là một tôi tớ trung tín khi người đó chân thành phục vụ và trung thành thi hành điều được kỳ vọng và sự tín nhiệm được giao phó. Điều này liên quan đến hai phẩm chất chính yếu: sự kiên trì và tính trung thực. Hai phẩm chất này nổi bật nơi thánh Tôma. Sự trung tín của ngài trong vai trò là người tôi tớ phục vụ chân lý tự thể hiện chủ yếu qua sự kiên trì trong đời sống bên ngoài và qua tính trung thực nơi thâm sâu tâm hồn ngài.

Việc phục vụ của thánh Tôma không hề mang tính trình diễn bề ngoài, cũng không có dấu vết của sự lười biếng. Sự sung mãn trong đời sống và cường độ làm việc của ngài thật không thể tin được. Qua đời ở tuổi 49, ngài lưu lại một công trình để đời chứa đầy ba mươi tập sách khổ lớn, mà không hề có bất cứ sơ suất nào trong quá trình suy tư hay lý luận. Nếu đọc tiểu sử của ngài hay những lời chứng trong tiến trình phong thánh, chúng ta có thể thấy rằng mọi nhân chứng đều nhấn mạnh đến cách thức ấn tượng qua đó đời sống thường nhật của ngài được hình thành từ một chuỗi liên tục không đứt đoạn giữa làm việc và cầu nguyện. Vacabat sine otio orationibus, studio et scripturae; tota vita eius fuit aut orare et contemplari, aut legere, praedicare et disputare aut scribere aut dictare – (Ngài dành thời gian rảnh rỗi để cầu nguyện, học tập và viết lách; cả cuộc đời của ngài hoặc là cầu nguyện và chiêm niệm, hoặc là đọc sách, giảng dạy và tranh luận, hoặc là viết lách hoặc đọc cho người khác viết). Mọi lời chứng đều đồng nhất trong báo cáo, cùng với chứng từ về sự thanh khiết, rằng: Ngài là người đã không dành bất cứ giây phút nào trong đời mình cho điều gì khác ngoài việc phục vụ chân lý qua việc chiêm niệm và giảng dạy đạo lý. Rõ ràng, ngay từ khi nhận ra ơn gọi của mình là trở thành nhà thần học, ngài đã không để cho mình lãng phí thời gian hay làm bất cứ việc gì khiến ngài sao lãng, không toàn tâm toàn ý phục vụ chân lý và ảnh hưởng tới sự tận hiến của ngài cho chân lý. Ngài đã viết ra những lời này trong Tổng Luận chống Lạc Giáo: “Về phần tôi, tôi coi nhiệm vụ chính của đời mình là thanh toán món nợ với Thiên Chúa bằng cách diễn tả Người qua mọi lời nói và thái độ của tôi”. Đây chính là sự khổ chế của thánh Tôma, trung tín như một tôi tớ. Ngài đã không để cho bất cứ điều nhỏ nhặt nào Chúa tin tưởng giao phó cho ngài bị gạt sang một bên. ‘Quia super pauca fuisti fidelis’- (vì anh đã trung thành trong điều nhỏ). Chúng ta sẽ sớm khám phá thấy phần thưởng thánh Tôma nhận được.

Có lẽ điều đáng cảm động nhất nơi sự trung tín của thánh Tôma trong vai trò là người tôi tớ chân lý chính là cảm thức tuyệt đối và lòng tôn trọng bao la dành cho chân lý, một chân lý mà ngài luôn mắc nợ và trung thành phục vụ; mọi thứ là tài sản của ông Chủ, chứ không phải của ngài. Sự trung tín hiểu theo nghĩa là lòng trung thực, tận tâm, vô vị lợi, chính là một nhân đức đặc biệt mang tính quyết định nơi một người tôi tớ. Nó bao hàm một thái độ vừa nghèo khó và thanh khiết và là đỉnh trọn hảo của thái độ này. Nhờ đó, thánh Tôma đạt tới một tinh thần phục vụ hoàn hảo.


Đối với toàn bộ dữ kiện về mặc khải, thánh Tôma hết lòng quý trọng và mở rộng tới những biên cương xa nhất, vì ngài hiểu rằng mình được đón nhận những điều này như những món quà nhưng không từ Thiên Chúa. Ngài quản lý tài sản cho Ông Chủ mình, chứ không phải cho bản thân, và điều được kỳ vọng nơi người quản gia, nơi người tôi tớ, là người đó phải trung tín. Vì vậy, chúng ta có thể thấy nơi thánh Tôma sự nhạy cảm đáng kinh ngạc trong việc tránh hết sức sự phản bội, dù nhỏ thế nào, đối với chân lý, không phóng đại cũng không giản lược điều đã được trao, hay đúng hơn, đã được uỷ thác cho ngài. Thêm nữa, ngài còn rất mực cẩn trọng trong suy tư, khẳng định và trong cách diễn đạt. Như mọi người đều biết rõ, toàn bộ công trình và việc giảng dạy của thánh Tôma có điểm đặc trưng nổi bật là sự kết hợp cân bằng từ mọi quan điểm; nhờ đó, tư tưởng của ngài luôn có đủ tầm, đủ sức để dung nạp và kết nối mọi thứ. Điều này không có nghĩa là thánh Tôma không phải là một trong những người có sự sắc sảo hơn những người khác, có sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự khác biệt giữa các sự vật; nhưng ngài thuộc về số những người, ở cấp độ cao, có thể thấy điều gì là phổ quát và đa dạng nơi một ý tưởng; và quan trọng hơn hết, là ngài thuộc về số những người tôi tớ luôn có một sự quan tâm kính cẩn để không đánh mất bất cứ thứ gì, đồng thời làm sáng tỏ giá trị đích thực của tất cả mọi thứ mà ông chủ đã trao phó. Ngài rõ ràng là một thiên tài Công giáo, vì ngài đã phục vụ chính nguyên lý của Công giáo tính.


Kết quả là, thánh Tôma có thể kết nối một sự cảm nhận sâu sắc nhất về tính vượt trội tuyệt đối của Thiên Chúa và về sự ưu việt hoàn toàn nơi sáng kiến của Người trong hoạt động của tâm hồn, với lòng tôn trọng vững bền và nhạy bén dành cho những bản tính khác nhau trong thế giới thụ tạo, cũng như những quy luật chi phối chúng. Vì lý do này mà thánh nhân cũng có thể nối kết ở mức độ cao nhất tính hợp lý của đức tin và chiều kích mầu nhiệm. Ngài không cho rằng mọi thứ đều có thể chứng minh được, hay hiểu được bằng trí óc, nhưng ngài cũng không đánh giá thấp hoạt động của trí óc người tin trong việc chiêm ngắm và tìm cách hiểu những hàm ý của dữ kiện được mặc khải. Chẳng hạn, khi giải thích sự so sánh của thánh Gioan: Cuius non sum dignus ut solvam corrigiam calceamenti tôi không đáng cởi dây giày cho Người, thánh Tôma cũng lưu ý rằng thánh Gregorio và vài giáo phụ khác đã cắt nghĩa điều này như một ám chỉ sự bất lực của con người không thể hiểu thấu mầu nhiệm nhập thể và cũng không thể giải thích sự kết hợp hai bản Thiên Chúa và loài người, nhưng thánh Tôma với lòng tôn trọng, cũng thêm rằng: Intelligendum est ‘plene et perfecte’, nam quoquo modo et Joaunes et alii praedictores, licet imperfecte, solvunt, corrigiam calceamenti (Trí năng thì ‘trọn vẹn và hoàn hảo’, nên một cách nào đó, cả thánh Gioan lẫn các nhà giảng thuyết, dù bất toàn, vẫn có thể tháo cởi dây giày). Thánh Tôma chỉ là một người tôi tớ, dù vậy ngài cũng không bị buộc phải nói rằng đóng góp của một nhà thần học chẳng là gì cả.


Thánh Tôma cũng hợp nhất được tính hợp lý của trí năng suy lý và những kết luận dựa trên lý trí như: giá trị tuyệt đối của kiến thức siêu hình, thực tại hiển nhiên của một sự kiện, tầm quan trọng của việc đánh giá kỹ càng các nguồn tài liệu. Trong công trình thần học của mình, thánh Tôma thể hiện lòng kính trọng đồng đều đối với chứng từ của cả truyền thống Kitô giáo Đông phương lẫn Tây phương. Trong toàn bộ công trình của mình, thánh Tôma đã kết nối ý nghĩa tuyệt vời về sự thống nhất nơi các sự vật và sự khôn ngoan tương ứng với sự thống nhất này, cùng các đòi hỏi về mặt phương pháp luận nghiêm khắc nhất, tức là hết sức trung thực khi xem xét một sự vật và theo đuổi lối khai triển phù hợp. Ngài nói rằng nếu thiếu điều này, những người tin sẽ có khuynh hướng khẳng định rằng một điều gì đó đã được chứng minh trong khi trong thực tế lại chưa, và vì vậy sẽ khơi lên sự chế giễu của những người không tin đối với họ, và quan trọng hơn nữa, là đối với đức tin của họ. Mối nguy hiểm này tác động sâu sắc tới ý thức trung thành phục vụ của thánh nhân.


Nhờ sự phục vụ tinh tuyền của mình, thánh Tôma đã không loại bỏ dù một tia sáng nhỏ nhất, hay một đốm sáng của mặt trời. Không một ước vọng nào của tâm hồn chỉ được bàn đến sơ sài hay hời hợt, hay bị xem xét quá khắt khe, hoặc bị gạt sang một bên. Không một ai đã từng tiếp xúc với ngài lại mất đi sự đơn sơ của trí óc và tâm hồn mình. Chính bản thân ngài, dù rằng thuộc hàng khôn ngoan, luôn đối diện Tin Mừng với lòng đơn sơ của thánh Phanxicô Assisi.


Hơn nữa, thánh Tôma đã sống đơn thành như một người tôi tớ trung tín đích thực, một vị ‘tiến sĩ chung’. Chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm của ngài những cụm từ như: Communis veritas, communis claritas, communis illuminatio, communis ordo et doctrina. Chắc chắn ngài là một vị tôn sư chung, một người thuộc về mọi người, vì ngài không thuộc về chính mình, nhưng thuộc về chân lý mà mọi người đều có quyền biết và thuộc về. Đây là lý do tại sao ngài được mọi người tin tưởng trên khắp hoàn vũ; không ai phải sợ ngài sẽ chộp lấy điều thuộc về họ, hay sẽ giành lấy điều gì đó cho ngài. Mọi người đều biết ngài chỉ trao ban một thứ duy nhất, đó là chân lý.


Chính nhờ lòng trung thành tuyệt đối này của người tôi tớ, mà thánh Tôma có được lòng can đảm và tinh thần mạo hiểm như được diễn tả trong công trình của ngài. Người tôi tớ này, người ủng hộ tính liên tục này, một con người theo truyền thống, một môn đệ của tất cả các nhà tư tưởng đi trước, cũng là một con người có tinh thần mạo hiểm đáng kinh ngạc. Ngài đón nhận Aristote, người mà hàng giáo phẩm vẫn đang hoài nghi; ngài viết một cụm từ có vẻ đơn giản – nhưng lại đưa đến những hệ quả mang tính bùng nổ; ngài đưa ra những nguyên tắc mà những kết luận và khả năng ảnh hưởng của nó tới nay vẫn chưa đạt đỉnh điểm, dường như vẫn còn bất tận.


Trong thực tế, ngài trở nên can đảm vì ngài đơn giản và gan dạ, cũng vì ngài là một tôi tớ. Một người không làm việc vì những cùng đích của đời mình, nhưng để phục vụ một người khác lớn hơn anh ta, khác xa với việc bị làm nô lệ, sẽ được giải thoát khỏi mọi thứ bên dưới anh ta. Không gì có thể can đảm hơn trái tim một người trẻ, không chất chứa sự giàu sang, nhưng hoàn toàn thuần khiết và trung thành, không sợ hãi hay lo mất điều gì. Một người tôi tớ như thế, hẳn sẽ hãnh diện, chắc chắn và can đảm. Đó là sự hãnh diện nối kết chặt chẽ với sự khiêm nhường của bản thân, một sự chắc chắn để rồi hoàn toàn không còn tin vào cái tôi, một sự can đảm dám chấp nhận sự giới hạn bản thân. Không có gì của bản thân mà phải lo sợ hay lo mất, nhưng luôn hết lòng canh giữ kho tàng và từ bỏ mọi thứ khác.


Thánh Tôma chính là người như thế. Cuộc đời của ngài là một thông điệp sâu sắc dành cho chúng ta. Chúng ta phải trở thành những tôi trung đích thực để có thể trở nên tự do và độc lập khỏi mọi thứ, trong việc phục vụ Ông Chủ của chúng ta, những thứ mà chỉ nên được sử dụng như những phương tiện và công cụ. Chúng ta phải trở thành những tôi tớ đích thực để trở nên khôn ngoan và ngõ hầu có thể tránh khỏi mọi lạm dụng, dù là nhỏ nhất, những thứ không thuộc về chúng ta.


Để có thể kết thúc việc suy gẫm về thánh Tôma trong vai trò là người tôi tớ phục vụ chân lý, chúng ta cần hiểu thấu đáo và khám phá ra gốc rễ đích thực và sống động của việc phục vụ này. Phẩm chất của việc phục vụ như thế, chỉ có thể đạt được qua tình yêu và trong mối liên hệ hỗ tương của tình yêu.


Thông thường, có thể do sợ hãi và sự cấp bách mà một người quy phục một người nào đó, dù không có tình yêu. Nhưng nếu không có tình yêu, thì sẽ không thể có sự quy phục tâm hồn với một người khác, hay dấn thân phục vụ trọn xác hồn. Việc phục vụ thuần khiết sẽ không thể nào có được nếu không có tình yêu. Bởi lẽ, việc phục vụ như thế ám chỉ một thái độ làm việc cho người khác mà không giữ lại bất cứ thứ gì cho mình, coi những bận tâm của người khác là của chính mình, mà đồng thời không thoả mãn một ước muốn, thú vui nào của bản thân nhưng là của Ông Chủ. Đó là một sự dâng tặng tuyệt đối, không nhiễm bẩn với cái tôi, đến nỗi coi đời sống của người khác trở thành của mình, thực hơn là chính bản thân. Chỉ tình yêu mới có thể làm được điều này, vì chỉ có tình yêu mới tạo ra niềm phấn khởi, thoát ra khỏi cái tôi; chỉ có tình yêu mới để cho Ông Chủ làm chủ tâm hồn một người.


Vì vậy, nguồn mạch của việc phục vụ tuyệt hảo chân lý mà thánh Tôma đã hiến tặng đời mình, chính là mối tương quan cá nhân ấm áp và sống động với chân lý mà chúng ta gọi là tình yêu, hay trong thuật ngữ Kitô giáo, là bác ái.


Điều này là do, đối với thánh Tôma, chân lý không chỉ là đối tượng của tri thức, không chỉ là một ý tưởng, cũng không phải là một sự vật, nhưng là một ngôi vị sống động cần được thương yêu, một ngôi vị sống động và đầy lòng thương xót, Đấng khởi đầu bằng việc trao ban chính mình cho tình yêu của chúng ta, và gieo vào trong tâm hồn băng giá của chúng ta hạt giống ấm áp và sống động của tình bạn. Chân lý này, trong thực tế, chính là ‘chân lý ban sơ’, là Thiên Chúa hằng sống của Abraham, Isaac và Giacóp, là Thiên Chúa Ba Ngôi đáng tôn thờ, là Thiên Chúa-Đấng cứu độ, quả thực là Ngôi Lời nhập thể, Chân Lý là chính Đức Giêsu Kitô.

Kết Luận

Đây là lời nguyện thánh Tôma đọc mỗi ngày trước thánh giá: “Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, xin cho con luôn khao khát điều Chúa muốn, cẩn trọng tìm kiếm, chân thành đón nhận, và đem ra thực thành cách trọn vẹn… để tôn vinh Chúa và vì vinh quang danh Ngài…” Lời cầu nguyện này còn tiếp tục thêm vài đoạn nữa như vậy. Người tôi tớ không có một khát vọng nào, dù là niềm vui thích hay sự khó chịu, ngoài khát vọng của Ông Chủ - vì lẽ anh yêu mến Ông Chủ.

Đang khi hấp hối tại Fossanova, “Thánh Tôma ao ước được rước Mình Thánh Chúa, và khi Mình Thánh được đưa đến, thánh nhân đã quỳ xuống, tung hô và thờ lạy, và thốt ra những lời tuyệt diệu này, ‘Con xin rước Ngài, giá chuộc hồn con, con xin rước Ngài, Của ăn đàng cho con, lộ phí cho cuộc lữ hành của con, để được Ngài yêu thương, con đã gắng học hỏi, đã thức tỉnh đợi chờ, đã lao động cần cù, đã giảng thuyết cùng giảng dạy…’” Thánh nhân đã nói cho chúng ta bí mật của việc phục vụ suốt đời mình, việc phục vụ mà lúc khởi đầu ngài đã nói: “Về phần tôi, tôi coi nhiệm vụ chính của đời mình là trả món nợ với Thiên Chúa bằng cách diễn tả Người qua mọi lời nói và thái độ của tôi”. Bí mật đó, động lực của đời sống ngài, là tình yêu, “pro cuius amore, vì người mình yêu”. Suốt ba mươi năm lao động miệt mài đáng thán phục mà không có phút giây nào bất tín, Thánh Tôma đã không vì bất cứ một lý do nào khác ngoài tình yêu dành cho người bạn ẩn kín của mình, Đức Giêsu Đấng mà chúng ta còn biết rất ít so với những thực tại khác, vì lẽ xác tín của chúng ta chỉ dựa vào đức tin mà thôi. Và đang khi hấp hối, thánh Tôma, một người chưa bao giờ nói một lời thừa, giải thích lý do cho tất cả những gì mình đã làm, đó là vì ngài đã yêu.

Sau cùng, một nhân chứng đã kể lại rằng, một buổi tối trong những tháng cuối đời của thánh Tôma, anh đã đi theo thánh nhân để quan sát. ‘Anh đi ra phía cuối nhà nguyện thánh Nicola, nơi thánh Tôma đang chìm sâu trong cầu nguyện. Anh thấy ngài được nâng lên khỏi mặt đất…Đột nhiên, từ phía vị tôn sư của chúng ta đang đối mặt, một tiếng nói vang lên từ cây thánh giá: “Tôma, con đã viết rất hay về ta, con muốn phần thưởng gì cho những công khó ấy?” Thánh nhân trả lời, “Lạy Chúa, con chẳng cần gì ngoài Ngài mà thôi”’. Đây là những lời sau cùng của thánh Tôma; việc phục vụ chân lý, chân lý của Thiên Chúa, đã được hoàn thành. Thánh Tôma chính là người tôi tớ trung thành; ngài đã viết rất hay và làm rất tốt. Đâu là phần thưởng ngài đáng nhận được?

Phần thưởng của người tôi tớ tốt lành, một người tôi tớ luôn sống hết mình và phục vụ vì tình yêu mà thôi, chính là tình bạn hữu thân mật của Chủ mình, chia sẻ niềm vui của Chủ. Vì phần thưởng duy nhất của tình yêu chính là tình yêu, và nếu một người chọn sống nghèo, khiết tịnh và trung tín trong việc phục vụ của mình, vì là bạn của Chàng Rể (Ga 3, 24), thì phần thưởng dành cho người đó cũng sẽ là chính niềm vui của Chàng Rể.
 

Phần một của bài viết, http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/thanh-toma-aquino-nguoi-toi-to-phuc-vu-chan-ly---phan-mot-29826.html

Phần hai của bài viết, http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/thanh-toma-aquino-nguoi-toi-to-phuc-vu-chan-ly---phan-hai-29890.html

114.864864865135.135135135250