THÁNH GIOAN-MARIA VIANNÊ,
NGƯỜI CHO THẤY CĂN TÍNH THIÊNG LIÊNG VÀ SỰ THÁNH THIỆN CỦA LINH MỤC
2. Sự thánh thiện của linh mục
Quả thế, căn tính linh mục đòi hỏi nơi người linh mục một đời sống thánh thiện phù hợp với căn tính của mình là đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Hay nói cách khác, vì được chọn riêng ra cách loại biệt, vì được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu qua bí tích Truyền chức thánh, nên người linh mục phải sống xứng đáng với những gì mà mình đã lãnh nhận. Ở đây ta có thể lấy lại một nguyên tắc luân lý từ thời Kinh viện “agere sequitur esse” (hành động đi theo hữu thể) để áp dụng cho căn tính thiêng liêng của linh mục. Căn tính này mời gọi người linh mục sống và đảm nhận một cuộc sống thánh thiện và, ngược lại, chính sự thánh thiện của linh mục sẽ củng cố hình ảnh hay căn tính của mình. Chúng ta có thể diễn tả nguyên tắc đó cách đơn giản hơn : hãy trở nên những gì chúng ta là , hãy trở nên những gì chúng ta đã lãnh nhận. Đọc hạnh thánh Gioan-Maria Viannê, chúng ta có thể thấy rõ nơi ngài “hành động đi theo hữu thể” như thế nào, và căn tính linh mục nơi ngài đã hướng ngài đến sự hoàn thiện nên thánh ra sao.
Tuy nhiên, trước khi đi vào tìm hiểu cuộc sống thánh thiện cách cụ thể của cha thánh Viannê, chúng ta dừng lại một chút ở ý niệm nên thánh của Vatican II. Quan niệm của Công đồng về sự thánh thiện là một quan niệm động, chứ không phải tĩnh. Sự thánh thiện không phải là một tình trạng tĩnh, thủ đắc một lần cho tất cả, nhưng nó là cả một quá trình, một tiến trình năng động hướng con người đến mục đích tối hậu của mình là chính Thiên Chúa. Chẳng hạn, chúng ta có thể đọc thấy quan niệm này ở số 12 của Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis) như sau : “Từ khi nắm giữ vị trí của Chúa Kitô theo cách thế của mình, mọi Linh Mục cũng nhận được một ân sủng đặc biệt ; ân sủng này cho phép họ, qua việc phục vụ những người được giao phó cho họ và toàn thể dân Thiên Chúa, vươn tới (tendre vers) sự hoàn thiện của Ðấng mà họ đại diện cách dễ dàng hơn.” Và chính Sắc lệnh này cũng cho thấy là tiến trình nên thánh này được thể hiện nơi chính những chức năng của linh mục : “Chính việc thực thi trung thành, không mệt mỏi, những chức năng của họ trong Thánh Thần của Chúa Kitô mà, đối với linh mục, là phương thế đích thực đạt tới sự thánh thiện.” (số 13). Ghi nhận điều đó để cho thấy rằng sự thánh thiện của cha sở xứ Ars là cả một nỗ lực không ngừng và mỗi lúc càng mãnh liệt, chứ không bao giờ dừng lại. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó phản ảnh nơi Viannê, người đã cho thấy việc đạt tới sự thánh thiện của bậc sống linh mục qua việc thực thi các chức năng của linh mục như thế nào. Cách cụ thể, chúng ta tự hỏi qua những hoạt động, những hình thức, nội dung và cả những nơi chốn nào đã giúp cho ngài nên thánh trong đời linh mục ? Chúng ta chỉ dừng lại ở một vài điểm mà mỗi người linh mục của chúng ta thấy mình ở trong đó : đời sống cầu nguyện biểu lộ đức tin và sự kết hợp huyền nhiệm với Thiên Chúa, cử hành thánh lễ, giải tội và khổ chế.
2.1. Đời sống cầu nguyện : kết hiệp với Thiên Chúa
Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã có thói quen cầu nguyện một mình, nơi vắng lặng. Thói quen cầu nguyện đó một phần lớn là do sự dạy dỗ của mẹ của ngài. Đến khi làm linh mục, việc cầu nguyện chiếm một chỗ quan trong nhất trong đời sống của ngài. Ngài dậy từ rất sớm để cầu nguyện, cầu nguyện trong thinh lặng và chiêm niệm, bởi vì đối với ngài, “Thiên Chúa nói trong sự cô tịch [23]». Ngài cầu nguyện lâu giờ và người ta nói muốn gặp ngài thì hãy đến nhà thờ. Nhà thờ như là nơi ở hằng ngày của ngài, nơi đó có Chúa Giêsu Thánh Thể mà ngài tâm sự. Tất cả những người làm chứng về cha thánh Viannê đều ghi nhận rằng ngài là một con người cầu nguyện sâu xa. Bernard Nodet xác nhận : “Một khi ngài đã bắt đầu quỳ gối xuống đất, thậm chí không quỳ trên bậc cấp của bàn thờ, thì ngài tìm cách gạt bỏ mọi hình ảnh, mọi ký ức, mọi tư tưởng, mà không có liên hệ đến Thiên Chúa, … ngài ở trong một sự thinh lặng hoàn toàn [24]». Chính thánh nhân cũng đã mô tả việc cầu nguyện của mình như sau : “Trong sự kết hiệp thâm sâu là việc cầu nguyện này, Thiên Chúa và linh hồn là như hai miếng sáp hòa tan cùng nhau [25]». Ngài khuyên chúng ta khi chúng ta ở trong tình trạng khô khan : “Nếu anh chị em không thể cầu nguyện được, thì hãy núp mình đằng sau thiên thần tốt lành của anh chị em, và xin ủy ngài cầu nguyện cho anh chị em” (Nodet, tr 82). Việc cầu nguyện đối với ngài đôi khi rất đơn giản : “Tôi không nói gì với Người cả. Tôi nhìn ngắm Người và Người nhìn ngắm tôi” (Nodet, tr. 86). Trong một bài giảng về cầu nguyện, ngài ví tầm quan trọng của việc cầu nguyện đối với linh hồn như là mưa đối với đất đai : “Cầu nguyện đối với linh hồn là như mưa đối với đất đai. Hãy bón phân làm đất, bao nhiêu tùy ý ; nếu thiếu mưa, thì tất cả những gì anh chị em làm sẽ không giúp ích gì” (Nodet, tr. 86).
Một trong những hệ quả và cũng là thái độ thường xuyên của việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa của thánh nhân, đó là lòng khiêm tốn vô cùng, sự khiêm tốn mà đối với ngài là “nhân đức hàng đầu của các nhân đức và là nền tảng của các nhân đức” (Nodet, tr. 205). Ngài ví sự khiêm tốn như là mắc xích nối của tràng chuỗi, mà nếu “cất bỏ sự khiêm tốn đi thì tất cả các nhân đức sẽ biến mất” (Nodet, tr. 205). Lòng khiêm tốn này phát xuất từ ý thức về sự yếu kém của mình, sự khốn khổ của bản thân[26] để từ đó ngài chỉ còn biết đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa mà thôi và trở nên “an nhiên tự tại” trước mọi lời khen chê của người đời : “Khi các thánh đạt tới một cấp độ hoàn thiện nào đó, thì các ngài trở nên vô cảm trước những lời khen ngợi cũng như chê trách” (Nodet, tr. 205). Sự khiêm tốn của ngài đôi khi làm cho ngài chấp nhận cả việc “hạ nhục” chính mình hay chính mình bị hạ nhục, và làm cho ngài e dè trước những lời khen ngợi, ca tụng : “Những người hạ nhục chúng ta là bạn của chúng ta, chứ không phải những người ca tụng chúng ta…” (Nodet, tr. 207). Đáp lại một đồng nghiệp đang hạ nhục mình, ngài nói : “Cha là người duy nhất hiểu rõ tôi. Bởi thế, hãy giúp tôi được ơn mà tôi đã xin từ rất lâu rồi : rời bỏ nhiệm sở mà tôi không xứng đáng chiếm giữ, vì sự ngu dốt của tôi và rút về một góc nhỏ để khóc cho cuộc sống nghèo nàn của tôi” (Nodet, tr. 209). Nói về Cha Sở xứ Ars, Đức cha Ancel đã nhận định rằng : “Dường như Chúa đã chăm lo cách đặc biệt để huấn luyện Cha Sở xứ Ars có lòng khiêm tốn không chỉ qua những sự nhục nhã bên ngoài xảy đến dồn dập trên ngài, nhưng nhất là qua ánh sáng đã soi sáng cho ngài về sự khốn khổ của mình[27]“.
Đặc biệt sự kết hợp thâm sâu của ngài với Thiên Chúa luôn được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, bằng sự hiện diện của Thánh Thể mà đối với ngài “không có gì cao trọng hơn Thánh Thể” (Nodet, tr.111). Cha Bernard Nodet khẳng định về vai trò trung tâm của Thánh Thể trong đời sống thiêng liêng của cha Viannê : “Nếu đường nét lớn của đời sống thiêng liêng của Cha Sở xứ Ars là Chúa Ba Ngôi, thì trọng tâm của ngài là Thánh Thể” (Nodet, tr. 24), đến nỗi, như lời chứng của cha Nodet, thánh Viannê đã nhận được từ Chúa “ân huệ thực sự đặc biệt là cảm thấy được sự hiện diện của Chúa ở nhà tạm” (Nodet, tr.25). Tất cả kinh nghiệm thần bí của ngài do đó dường như phát xuất từ cảm nghiệm thiêng liêng nội tâm này trước Thánh Thể Chúa Giêsu và tình yêu bao la của Ngài : “Ngài ở đó”, “Ngài đang hiện diện ở đó” : “Ngài ở đó, Đấng yêu thương chúng ta biết bao ! Tại sao chúng ta không yêu mến Ngài được ?” (Nodet, tr. 111) ; “Ngài ở đó trong bí tích tình yêu của Ngài mà đeo đuổi và cầu bầu không ngừng với Cha Ngài cho các tội nhân” (Nodet, tr.111) ; “Ngài ở đó với tâm hồn nhân lành của Ngài, chờ đợi chúng ta đến thổ lộ với Ngài những nhu cầu của chúng ta và lãnh nhận Ngài” (tr.112) ; “Nếu anh chị em xác tín về sự hiện diện thực sự của Chúa trong Bí Tích Rất Thánh và nếu anh chị em sốt sắng cầu xin Ngài, thì anh chị em chắc chắn sẽ đạt được sự hoán cải của mình” (tr. 113). Sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và việc tôn thờ Ngài đặc biệt được thể hiện trong thánh lễ.
2.2. Cử hành thánh lễ : kết hợp với Chúa Giêsu khổ nạn và phục sinh
Chúng ta đã thấy tầm quan trong của ngài dành cho thánh lễ như thế nào, mà việc cử hành nó cho thấy căn tính cao cả của người linh mục và là nơi mà linh mục được mời gọi và phải nên thánh. Cử hành Thánh Thể đó là kết hợp với Chúa Giêsu khổ nạn và phục sinh : “Chúa ở đó như là lễ hiến tế (victime)” (Nodet, tr. 108), và hiến dâng chính mình như là hy lễ : “Ô ! vào mọi buổi sáng, ước gì linh mục hiến dâng mình cho Thiên Chúa như là hy lễ” (Nodet, tr. 107) . Cả cuộc đời của ngài là một người say mê Thánh thể. Đối với ngài, sự sa ngã của một linh mục, trong muôn vàn lý do, luôn có lý do quan trọng này : “Nguyên nhân của sự buông lỏng của linh mục, đó là người ta đã không chú tâm đến thánh lễ ! Than ôi ! Lạy Thiên Chúa của con ! Một linh mục đáng thương biết bao khi ngài dâng thánh lễ như là một điều tầm thường !…” (Nodet, tr. 108). Cử hành thánh lễ, đối với ngài, cũng là cơ hội để ý thức đến việc cần có một tâm hồn trong sạch và giữ đức trong sạch : “Một linh mục mà vô phúc không cử hành (thánh lễ) trong tình trạng ân sủng ! Thật là quỷ quái !…Người ta không thể hiểu được sự độc dữ biết bao !” (Nodet, tr. 108). Nói cách khác, chính việc cử hành thánh lễ sẽ giúp người linh mục biết giữ tâm hồn mình trong sạch. Đối với ngài, tầm quan trọng của hy tế thánh lễ thật lớn lao, vì đó chính là hy tế của chính Thiên Chúa ban cho con người mà mọi việc làm tốt lành của con người tập hợp lại đều không tương đương, dù đó là việc tử vì đạo đi nữa (x. Nodet, tr. 108).
Bên cạnh việc cử hành thánh lễ như là nơi chốn mà cha Viannê biểu lộ căn tính và sự thánh thiện của mình, cha thánh xứ Ars còn thể hiện điều đó qua việc chiến đấu chống lại tội lỗi và ma quỷ cũng như việc ngồi tòa giải tội.
2.3. Tòa giải tội, biểu tượng cho cuộc chiến chống lại tội lỗi
Nhắc đến cha thánh xứ Ars, người ta nghĩ đến ngay “nhà quán quân” của tòa giải tội. Hình ảnh một vị linh mục gầy gò, thức dậy từ một hai giờ sáng để giải tội, kéo dài trong suốt cả ngày gần 16, 17 tiếng đồng hồ, cho cả đoàn người đứng chờ, làm mọi người kinh ngạc, thán phục và cảm thấy như là bất khả noi theo. Tuy nhiên, một lần nữa, điều quan trọng là “đưa ngài ra khỏi những củ khoai” của mình. Lòng nhiệt thành tông đồ của ngài khởi đi từ lòng say mê Thiên Chúa, vì phần rỗi các linh hồn và ý thức được phẩm giá của thiên chức linh mục. Quả thế, ngay từ khi còn nhỏ, thánh nhân đã nhiều lần nói với mẹ của ngài : “Nếu con là linh mục, con sẽ chinh phục nhiều linh hồn[28]“.
Cuộc chiến chống lại tội lỗi của thánh nhân trước tiên bắt nguồn từ ý thức về lòng nhân từ thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa và sự ghê gớm của tội lỗi xúc phạm đến lòng yêu thương nhân từ này. Ngài nói : “Tội lỗi là tên đao phủ của Thiên Chúa Nhân Lành và là kẻ sát nhân của tâm hồn. Ô, thưa anh em, chúng ta đã bội bạc biết bao ! Thiên Chúa Nhân Lành muốn làm cho ta hạnh phúc, còn chúng ta thì không muốn điều đó…”, “này bạn, hãy nói cho tôi biết, Thiên Chúa làm hại gì bạn không để bạn cư xử với Ngài như thế ?” (Nodet, tr. 143). Trên môi miệng ngài, những từ ngữ “bội bạc”, “vô ơn”, “xúc phạm” của con người luôn trở đi trở lại song song với từ ngữ “lòng thương xót”, “lòng nhân từ”, “tình yêu thương» của Thiên Chúa. Thế nhưng, ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của bản thân không làm cho thánh nhân mất lòng trông cậy, nhưng đúng hơn là càng gia tăng, bởi vì, đối với ngài, “những lỗi lầm của chúng ta là những hạt cát bên cạnh ngọn núi to lớn là lòng thương xót của Thiên Chúa” (Nodet, tr. 133) ; Trong một bài giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa, ngài cũng ví tội lỗi con người như là một hạt cải so với ngọn thái sơn là lòng thương xót của Chúa (x. Nodet, tr.133). Ngài định nghĩa “bí tích Sám Hối là nơi mà Thiên Chúa dường như quên đi công lý của mình để chỉ biểu lộ lòng thương xót của Ngài mà thôi… (Nodet, tr. 133). Vả lại, đối với thánh nhân, “không phải tội nhân trở về với Thiên Chúa để xin ngài tha thứ, nhưng chính Thiên Chúa chạy theo tội nhân và làm cho họ quay về với Ngài” (Nodet, tr. 133).
Cuộc chiến chống lại tội lỗi cũng bắt nguồn từ lòng nhiệt thành tông đồ và ý thức trách nhiệm mục tử của ngài là yêu thương tội nhân và cứu rỗi các linh hồn, đến độ có lần ngài cầu nguyện rằng : “Xin ban cho con sự hoán cải của giáo xứ này ; con bằng lòng chịu đau khổ những gì mà Chúa muốn trong suốt đời con !” (Nodet, tr. 187). Thậm chí, trong một bài giảng về các đẳng linh hồn, ngài táo bạo nói : “Lạy Cha Rất Thánh và Hằng Hữu, chúng ta hãy thực hiện một cuộc trao đổi. Cha đang nắm giữ linh hồn của người bạn của con đang ở trong luyện ngục, và con, con giữ lấy thân xác của Con Cha trong đôi bàn tay của con : Thế thì, xin Cha giải thoát cho người bạn của con, và con dâng cho Cha Con của Cha cùng với tất cả những công nghiệp của cái chết và cuộc thương khó của Ngài” (Nodet, tr. 109). Chính vì thế mà cha Philippe Caratgé, người điều hành Hội Thánh Gioan-Maria Viannê, đã nói đến một “sự ám ảnh về ơn cứu độ [29]» các linh hồn nơi Cha Sở xứ Ars, tức là muốn “chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa Nhân Lành”.
Nói về cha thánh Viannê, Đức Gioan-Phaolô II đã nhận định : “Cha sở xứ Ars đã mang lại cho các giáo hữu của mình sự xác tín nền tảng này của đức tin : sự xác tín về ơn cứu độ trong Chúa Giêsu-Kitô” (Xem bài giảng dịp hành hương xứ Ars ngày 06/10/1986)). Đặc biệt ngài cũng như Đức Bênêđictô XVI đã nói đến phương pháp “đối thoại cứu độ [30]» của Cha sở xứ Ars mà thánh nhân thực hiện ở tòa giải tội hầu giúp cho mọi hối nhân khác nhau đều có thể cảm nhận ra được lòng thương xót tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa. Và nếu cần, ngài ra việc đền tội nhẹ nhàng cho hối nhân, còn bản thân ngài chấp nhận hãm mình đền tội thay cho họ[31].
Điều quan trọng ở đây nữa, đó là làm mới lại nơi chúng ta ý thức về bí tích Hòa Giải mà cũng là ưu tư của Đức Thánh Cha khi thiết lập Năm Linh Mục, qua đó chúng ta không chỉ là thừa tác viên nhưng còn phải là những thụ nhân như Đức Gioan-Phaolô II đã nói: “Đời sống thiêng liêng và mục vụ của linh mục…chỉ giữ được phẩm chất và lòng nhiệt thành nếu bản thân linh mục biết thực hành bí tích Hòa Giải cách chuyên cần và nghiêm chỉnh” (PDV, số 26).
2.4. Hãm mình khổ chế
Việc hãm mình khổ chế của cha thánh xứ Ars (ăn uống khắc khổ, hãm mình phạt xác, từ bỏ ý riêng đến độ anh hùng, thức khuya dậy sớm, ăn chay, cầu nguyện dường như luôn trong tư thế quỳ và giang tay ra hoặc ngồi thẳng không dựa…) là điều gây kinh ngạc và không ít nhiều gây nên một thái độ “kính nhi viễn chi” đối với chúng ta hôm nay. Nói chung, chúng ta cần tránh hai thái cực : một mặt, áp dụng triệt để khuôn mẫu của ngài cách máy móc mà không cần phân định gì ; mặt khác, đó là thái độ cho rằng cuộc sống khổ chế hãm mình của ngài thuộc vào loại tu đức xưa rồi, không còn phù hợp với ngày nay nữa. Đức Gioan XXIII trong thông điệp Sacerdotii Nostri Primordia vào năm 1959 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của thánh nhân, dù ghi nhận sự khổ chế hãm mình của ngài là một “con đường ngoại lệ”, nhưng vẫn cho thấy “mẫu gương từ bỏ đầy thán phục của Cha Sở xứ Ars, ‘khiêm khắc với chính mình và hiền lành với người khác’, nhắc nhở cho hết mọi người cách hùng hồn và cấp bách vị trí hàng đầu của sự khổ chế trong đời sống của linh mục”, và đồng thời, muốn đề nghị đời sống của thánh nhân cho các linh mục trên khắp thế giới như là “khuôn mẫu khổ chế của linh mục” đặc biệt trong việc sống các lời khuyên Phúc Âm : khó nghèo, vâng lời và trong sạch. Vả lại, tìm hiểu kỹ những thực hành khổ chế hãm mình mà thánh Viannê đã làm, chúng ta nhận thấy rằng thánh nhân không phải là “type” người khổ dục, thích thú với sự đau khổ của bản thân. Cha Nodet cũng đã chứng minh cho thấy là đôi khi người ta đã phóng đại sự khổ chế của ngài quá mức, làm cho chúng ta tưởng lầm rằng Cha Sở xứ Ars, ngày nào, tháng nào, năm nào cũng hãm mình khổ chế như vậy cả[32]. Thậm chí cha Nodet còn cho thấy một sự quân bình tuyệt vời nơi những lời phát biểu của cha thánh Viannê như sau : “Thiên Chúa đã truyền cho chúng ta làm việc, nhưng người cũng đã truyền cho chúng ta nghỉ ngơi. Ngài truyền cho chúng ta cầu nguyện, nhưng Ngài cũng cấm lo lắng” (Nodet, tr. 43).
Đối với cha Viannê, khổ chế hãm mình được nối kết với thập giá Chúa Giêsu sẽ như là một phương thế trên con đường nên thánh. Ngài nói : “Tất cả những đau khổ vất vả đều là dịu ngọt khi ta chịu khổ trong sự kết hiệp với Chúa…” (Nodet, tr.186). Nơi khác, ngài nói : “Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta sẽ yêu mến thập giá” (tr.181). “Cần phải có điều gì để xứng đáng thiên đàng ? Ân sủng và thập giá” (tr.180). Đối với ngài, những thử thách không phải là những trừng phạt của Thiên Chúa nhưng là những ân sủng của Người dành cho những ai Người yêu thương (x. Nodet, tr.183).
Những khổ chế hãm mình nghiêm nhặt nhất của cha thánh xứ Ars luôn được thực hiện hoàn toàn với những mục đích siêu nhiên : vì lòng mến Chúa (“Thật an ủi biết bao chịu đau khổ dưới ánh mắt của Thiên Chúa” (Nodet, tr.181) ), vì phần rỗi và sự hoán cải của tha nhân, vì muốn chia sẻ cho người túng thiếu, vì chiến đấu chống lại tội lỗi và ma quỷ, vì không muốn cho những cám dỗ của xác thịt lướt thắng những ước muốn của tâm hồn, vì ăn năn đền tội… Ngài lập đi lập lại rằng : “Tôi chịu đau khổ ban đêm vì các linh hồn ở luyện ngục và ban ngày vì sự hoán cải của các tội nhân” (Nodet, tr. 187), “tôi sẽ ăn chay cho bà” (tr. 193) ; “lạy Chúa, con tự nguyện hy sinh cho Chúa một vài giờ ngủ vì sự hoán cải các tội nhân” (tr.194) . Đó chẳng phải là những lý do quan trọng mà ngày nay mỗi linh mục cũng được mời gọi đảm nhận cuộc sống hy sinh hãm mình trên con đường nên thánh sao ? Ngày nay, do ảnh hưởng của não trạng văn minh tiến bộ khoa học…, nhiều người đôi khi đã tỏ ra xem nhẹ khía cạnh tu đức khổ chế trong đời sống của linh mục. Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng thiếu đi chiều kích này, một chiều kích mà truyền thống tu đức bao đời của Giáo Hội hằng nhấn mạnh, thì linh mục sẽ không sống đầy đủ ơn gọi nên thánh của mình.
Kết luận
Chúng tôi vừa cố gắng đưa Cha sở xứ Ars “ra khỏi những củ khoai” của ngài để chỉ ra những điểm quan trọng trong đời sống ơn gọi linh mục của ngài như là vẫn luôn có tính thời sự cho cuộc sống linh mục chúng ta hôm nay, khi nhìn đến căn tính và ơn gọi nên thánh của linh mục. Đằng sau “những củ khoai” là lòng tôn thờ Thiên Chúa trên tất cả mọi sự ; đằng sau “những củ khoai” là một “đức ái mục tử” và lòng nhiệt thành tông đồ đối với Giáo Hội và đoàn chiên ; đằng sau đó là lòng ước ao nên nên giống Chúa Kitô mục tử. Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong bài giảng nhân dịp hành hương Ars ngày 06/10/1986 cũng đã khẳng định thánh Viannê là “một chứng nhân vô song của việc thực hiện thừa tác vụ và của sự thánh thiện của thừa tác viên”. Nơi ngài, đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ mục vụ luôn thống nhất và không bao giờ tách rời nhau. Ước gì mẫu gương của thánh Gioan-Maria Viannê được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề nghị cho chúng ta trong Năm Linh Mục này trở nên động lực cho việc canh tân đời sống thiêng liêng và mục vụ của chúng ta, để chúng ta luôn trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước.
Linh mục Võ Xuân Tiến, pss
nguồn xuanbichvietnam