15/11/2019 -

Suy tư, nghiên cứu

2446
Nhập
            Trong đời sống đạo, Kitô hữu ít khi nhớ đến Chúa Thánh Thần. Người là Đấng Ban Sự Sống, là Đấng Bảo Trợ, là Thánh Thần hay là Thần Khí. Là Nguyên lý của sự sống, Người ban phát mọi ơn lành cho thế gian, làm trở sinh và phát triển sự sống. Vậy mà, chúng ta thường ít chạy đến với Người. Chúng ta thường hay cầu nguyện với Đức Giêsu, Đức Maria và các Thánh mà lại ít khi thưa chuyện cùng Thánh Thần. Vậy nên, để góp phần cho người tín hữu nhận biết ơn ích của Thánh Thần, bài viết xin chỉ ra hồng ân của Thánh Thần trong cuộc sống Kitô hữu.
I/ Quan Điểm Của Giáo Hội Công Giáo Về Con Người
            Giáo Hội Công Giáo tin rằng: con người được Thiên Chúa tạo nên. Người đã dựng nên con người giống với hình ảnh của mình. Vì yêu thương, Người đã tạo dựng và cho con người làm chủ muôn loài Người đã dựng nên. Người dùng tay nặn nên hình hài con người từ bụi đất, sau đó Người đã thổi Thần Khí của mình vào và làm cho con người được sống.
            “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ các loài chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống bò dưới đất”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” (St 1,26-29)
            Tuy nhiên, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã bị tội lỗi làm trở nên méo mó. Con người đã nghe lời cám dỗ mà chiều theo dục vọng của chính mình nên đã phản bội lại Đấng Tạo Dựng nên mình. Bằng cách không tuân lệnh của Chúa, con người đã cắt đứt mối tương quan thân thiết ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng nên mình. Con người đã sa ngã và chịu án phạt do lỗi lầm của mình gây ra.
            Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người luôn có khát khao hướng về Người. Thế nhưng, tội lỗi đã ngăn cản con người trở về với Thiên Chúa. Đồng thời, với bản tính yếu đuối đã bị tội lỗi làm hư hoại, con người không thể nào đủ sức để có thể tự cứu mình hay là giải thoát chính mình khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết. Do vậy, Thiên Chúa đã sai Con Một của mình đến để cứ độ con người, đưa con người trở về hòa giải với Thiên Chúa.
            Đức Kitô đã đến trần gian để cứu độ con người. Người đã vâng phục Chúa Cha chịu khổ nạn và chết trên thập giá để cho muôn người được sống. Tuy nhiên, chỉ có ai tin vào Người thì ơn cứu độ mới đến với người ấy. Thêm nữa, ơn cứu độ của Đức Kitô được chứa đựng trong những chiếc bình sành mong manh, dễ vỡ là con người chúng ta. Thế nên, để ơn cứu độ của Đức Kitô có thể thành đạt nơi mỗi con người, chúng ta còn cần phải nhờ đến sự trợ lực và giúp sức của Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa.
II/ Sự Trợ Giúp Của Thần Khí
            Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hứa ban Thần Khí cho chúng ta. Thần Khí sẽ làm cho chúng ta nhớ lại những lời giáo huấn của Đức Giêsu. Những lời giáo huấn của Đức Giêsu chính là kim chỉ nam cho mọi vấn đề trong cuộc sống của Kitô hữu. Chẳng những giúp chúng ta nhớ lại mà Thần Khí còn soi sáng và hướng dẫn để chúng ta có thể hiểu Lời Chúa một cách sâu sắc mà đem áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.
Thần Khí sẽ soi dẫn để chúng ta nhận biết đâu là Thánh ý của Thiên Chúa trong các cảnh huống của cuộc đời. “Trong hành trình tiến về nhà Cha có những lúc Kitô hữu lạc hướng, mờ tối, vì thế cần sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để họ đi đúng hướng. Đó cũng chính là sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Nếu tín hữu bước theo sự hướng dẫn của Ngài thì sẽ đến được bến bờ bình yên. Dưới sự soi sáng của Thần Khí giúp, người tin nhận ra đâu là thánh ý của Thiên Chúa, đâu là ý riêng của của con người. Thánh Thần giúp Kitô hữu nhạy cảm với những giá trị thiêng liêng mà tự họ không thể nhận ra được. Ngài hướng họ đến chân lý một cách đầy đủ và toàn vẹn hơn. Thánh Thần cũng dạy người tín hữu cách cư xử với anh em mình như lòng Chúa mong muốn.”[1]
Thánh Thần là Đấng ban sức mạnh. Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho mỗi người chúng ta. Vậy mà, dường như trong cuộc sống, chúng ta không nhận thấy sự hiện diện của Người. Đã bao lần sa ngã, đã bao lần phạm tội, chúng ta nào có thấy đâu sức mạnh của Thánh Thần đến để lôi kéo chúng ta ra khỏi những cơn đam mê, cám dỗ. Và cũng biết bao lần chúng ta ngã gục trên con đường tội lỗi và buông theo những dục vọng của bản thân mà chẳng thấy đâu sức mạnh của Thiên Chúa. Kinh nghiệm này cũng được thánh Phao-lô cảm nhận rất rõ trong các lá thư của mình. Thế nhưng, thánh nhân cũng cảm nhận được sức mạnh của Thánh Thần trong cuộc đời của mình. Và thánh nhân đã quả quyết: “ Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” ( 2 Cr 12, 9) Sức mạnh của Thiên Chúa đã giúp thánh nhân vượt qua các trở ngại và sự yếu đuối của bản thân.
III/ Sống Theo Thần Khí
Thánh Thần của Đức Kitô hằng cự ngụ nơi chúng ta. Vì “thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần và Người ngự trong anh em.” (1Cr 3,16; Rm 8,9.11) Người sẽ giúp chúng ta nhận biết thánh ý của Thiên Chúa. Đồng thời, Người cũng sẽ ban sức mạnh để chúng ta có thể cải biến con người cũ của mình để trở thành thụ tạo mới. Lời hướng dẫn và sự chỉ bảo mà Người đã khơi lên cũng như thôi thúc hành động đẹp ý Thiên Chúa vẫn vang vọng trong lòng của mỗi Kitô hữu. Chúng ta có để cho Thánh Thần tác động trên con người chúng ta hay không? Đó là điều đầu tiên cần có để chúng ta có thể trở thành con người mới.
Thế nên, sống theo Thần Khí, trước tiên, chúng ta cần ngồi lại lắng nghe tiếng lòng của chính mình. Chúng ta cần phải học lắng nghe tiếng Chúa phát xuất từ sâu thẳm con người chúng ta. Trong sâu thẳm đó, Thiên Chúa vẫn không ngừng tỉ tê với chúng ta. Qua các biến cố trong cuộc đời của chúng ta, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và đưa ra những Lời cần thiết để an ủi, hướng dẫn và bảo ban giúp chúng ta có thể nhận ra đâu là Thánh ý của Người.
“Ai không sinh bởi nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5-6). Chúng ta, những Kitô hữu, đã được thanh tẩy nhờ máu thánh của Đức Kitô và đã được thánh hiến bởi Thánh Thần qua bí tích Rửa Tội. Do vậy, chúng ta thuộc về Đức Kitô nên, “những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.” (Gl 5,24-26)
KẾT
            Một trong những dấu hiệu nhận biết ơn của Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi mỗi chúng ta là sự bình an. Sự bình an không phải là sự bình an theo kiểu của thế gian, mà là sự bình an phát xuất từ tận sâu trong cõi lòng. Một sự bình mang cho chúng ta sự hạnh phúc dạt dào và êm ái. Cảm nhận được sư bình an này thì con người dường như không còn muốn tìm đâu bắt cứ nguồn vui tạm bợ của thế gian. Sự bình an mà chúng ta kín múc từ Thánh Thần đó sẽ giúp chúng ta có sức mạnh đề ra đi thi hành sứ vụ trong thế giới mà Thiên Chúa đã trao cho mỗi Kitô hữu.
Giuse Phạm


[1] Bùi Văn Đọc & Võ Đức Minh, Chúa Thánh Thần Đấng Ban Sự Sống (Tp. HCM: Tp. HCM, 1997), tr. 349.
114.864864865135.135135135250