01/07/2021 -

Suy tư, nghiên cứu

1057


Tôi hỏi lý do chịu đựng những cơn đau, bệnh nhân kể, cô và chồng hình dung virus đang bò lổm ngổm khắp bệnh viện, sợ đến nỗi không dám đi khám.

Một phụ nữ ngoài trung niên, tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh đã chịu đựng những cơn đau bụng, tự uống thuốc giảm đau và kháng sinh. Không chịu nổi, hơn tuần sau chị vào viện, tôi siêu âm thấy ruột thừa đã vỡ, những ổ áp-xe đầy mủ đang gặm nhấm thành bụng, gặm cả vào ống tiêu hoá, mạc treo và phần phụ.

Ca phẫu thuật ruột thừa đáng ra chỉ phải nằm viện vài ngày nhưng đã trở nên quá phức tạp. Bác sĩ phải sử dụng năm cái ống thông cắm sâu vào ổ bụng cùng kháng sinh mạnh để kiểm soát nhiễm trùng lan rộng.

Covid-19 đã tạo ra một trận dịch thứ cấp, đó là nỗi sợ virus, khiến nhiều người có bệnh liều lĩnh tự chữa và cố thủ trong nhà.

Theo quan sát của tôi, các bệnh viện đều vắng vẻ, rất khó để lấp đầy 50% công suất giường bệnh, trong khi số bệnh nhân nặng lại tăng lên. Đồng nghiệp chụp ảnh gửi cho tôi những buồng điều trị trống trơn. Ngược lại, những phòng chăm sóc bệnh nhân nặng, phòng cấp cứu hoặc đơn nguyên hồi sức tích cực luôn quá tải.

Hơn một năm diễn ra đại dịch Covid-19, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi hoặc tin nhắn xin tư vấn từ bệnh nhân đau tim, đột quỵ, thậm chí đơn giản như viêm ruột thừa, nhưng họ lại "biến mất" ở bệnh viện vì cố thủ trong nhà.

Những câu chuyện tương tự phụ nữ trên tôi gặp gần như mỗi ngày. Đó là những bệnh nhân ung thư, bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân đột quỵ, đủ thứ bệnh hiểm nghèo, và trong số đó không ít trẻ con phải chịu đau đớn, thậm chí tử vong tại nhà do lần lữa không đến viện.

Đồng ý rằng một năm rưỡi qua chúng ta phòng chống dịch quá tốt. Nhưng ở làn sóng dịch thứ tư, theo tôi đã có sự thay đổi lớn. Với biến thể Delta, virus đột biến lẩn tránh miễn dịch và tăng ái tính với thụ thể ACE2 của tế bào người, làm cho người nhiễm tăng tải lượng virus, dẫn đến khả năng và tốc độ lây truyền rất cao.

Biến thể Delta với 68% ca mắc không triệu chứng, nhiều ca F0 đang âm thầm lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng, đó chính là lý do tại sao TP HCM đã thực hiện giãn cách xã hội đủ bốn tuần, nhưng số ca nhiễm vẫn đang tăng.

Tôi sử dụng thuật toán thống kê ước tính hệ số lây nhiễm trong giãn cách xã hội, kết quả: TP HCM sẽ phải giãn cách xã hội hai đến ba tháng để có thể dập tắt hoàn toàn các chuỗi lây nhiễm cộng đồng. Tức, sự kỳ vọng giãn cách xã hội trong vài tuần để Thành phố vô nhiễm với virus là không thể.

Virus vẫn tồn tại, ngay cả khi phần lớn dân số thế giới được tiêm chủng. Các nhà khoa học dự báo, Covid-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu như các chủng cúm mùa, con người phải có kế hoạch sống chung với nó.

Ở TP HCM hay bất cứ địa phương nào, các làn sóng dịch sẽ tiếp tục xảy ra. Chống dịch sẽ trở nên cực đoan nếu mỗi tỉnh thành chỉ có vài chục ca mắc đã ngay lập tức giãn cách. Các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội đều dừng lại.


Tôi cho rằng, giãn cách xã hội sẽ mang lại thành tích giảm số ca bệnh, nhưng mỗi đợt giãn cách kéo dài hàng tháng, lặp đi lặp lại nhiều lần thì hệ quả sẽ khôn lường. Đó là những người cố thủ trong nhà chấp nhận ốm nặng, thậm chí tử vong, là những người yếu thế bị "tấn công", những người mất việc làm, phải gánh chịu thảm hoạ kép cả đói khổ lẫn bệnh tật. Nghiêm trọng nhất, đó là khi nền kinh tế đổ vỡ dẫn đến khủng hoảng xã hội.

Lịch sử đã chứng minh rằng, khi đại dịch đi qua, phía sau nó có thể là bệnh tật, nạn đói và trộm cướp hoành hành. Thế giới hôm nay chống dịch theo khoa học nhiều hơn chủ nghĩa kinh nghiệm. Tất cả các quốc gia đến giờ phút này đang chống dịch thành công đều ứng phó căn cứ vào "mức độ rủi ro" theo cấp độ cụ thể và màu sắc.

Ví dụ, nước Đức chọn số ca nhiễm dưới 35 trên 100 ngàn dân được coi như "an toàn". Con số "hy vọng" là từ 35 đến 50 ca, con số mức "mở cửa" có giới hạn từ 50 đến 75 ca, con số "chỉ mở cửa những lĩnh vực thiết yếu" từ 75 đến 100 ca trên 100 ngàn dân. Trên 100 ca với 100 ngàn dân được đánh dấu "nguy hiểm".

Nếu một bang nào đó đạt màu xanh - dưới 35 ca trên 100 ngàn dân - nghĩa là đang an toàn, sẽ chuyển sang "giai đoạn Covid mãn tính", được mở cửa toàn bộ, người dân được phép không đeo khẩu trang. Ngược lại, bang màu vàng đến màu đỏ sẽ bị áp các mức hạn chế, mức đỏ tía sẽ khoá chặt cả bang hay thành phố.

Các tiêu chí để định lượng cho từng cấp độ cụ thể như: số ca nhiễm mỗi ngày, hệ số lây nhiễm cơ bản R0, tỷ lệ xét nghiệm dương tính, công suất sử dụng giường hồi sức tích cực ICU, tỷ lệ tiêm chủng, chỉ số nhóm người dễ bị tổn thương...

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại Quyết định 2686 tuy có chia cấp độ dịch, nhưng chưa dễ để hiểu được và áp dụng thống nhất. Theo tôi, thay vì giãn cách theo một công thức chung áp dụng cho tất cả, nên phân ra các mức độ rủi ro theo ba hoặc năm cấp độ, với nhiều tiêu chí hơn nữa, trong đó có các tiêu chí về số ca bệnh trên số dân, an sinh xã hội, kinh tế, tâm lý cộng đồng, chất lượng sống... từ đó quy định cho phép mở cửa hoạt động bình thường, hay mở cửa có giới hạn, hoặc cách ly xã hội để thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và khoa học.

Mỗi địa phương, từ cấp tỉnh cho đến phường xã, thậm chí một khu phố, sẽ dán một màu cụ thể. Từng khu vực, ví dụ như khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, cơ quan công sở, trường học, dịch vụ kinh doanh, khu thể thao, vui chơi giải trí, du lịch... cũng sẽ được dán nhãn và ứng xử theo bối cảnh riêng như thế.

Ta đang thấy dấu hiệu rõ hơn về một tương lai mà Covid-19 không bao giờ biến mất. Chống dịch thành công không phải là đạt đến một xã hội vô nhiễm với virus, mà là làm sao để số ca nhiễm vẫn trong tầm kiểm soát, hệ thống y tế không sụp đổ, những người yếu thế không bị tổn thương quá mức hay bị đẩy vào đường cùng.

Trần Văn Phúc
Nguồn 
Sống cùng virus (vnexpress.net) 

114.864864865135.135135135250