18/06/2021 -

Suy tư, nghiên cứu

1785
Đây không phải chỉ là tên của một bài hát viết về thành phố Sài Gòn, nhưng là câu nói cảm thán để bày tỏ sự mừng vui và niềm cảm phục của nhiều người khi nói về thành phố Sài Gòn, người dân Sài Gòn.
Tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất phía Nam, không phải dân chính gốc Sài Gòn, nhưng tôi đã có nhiều tháng năm sống tại vùng đất này để chung chia, để hưởng nếm điều hay, nét đẹp cũng như những điều chưa tốt tại thành phố này. Để rồi hôm nay, tôi mừng vui, hãnh diện, và đem khoe – một lần nữa – về nét đẹp của thành phố Sài Gòn và của người dân sống tại đây sau khi xem xong bản tin của đài truyền hình Việt Nam.
Nội dung chính của bản tin phát trên kênh VTV1 sáng ngày 17/6 cho biết trong cơn đại dịch Covid-19, khi thành phố Sài Gòn đang phải chống chọi một cách khó nhọc và căng thẳng thì một lần nữa thành phố xuất hiện  những cây gạo ATM, những quán cơm 0đ, những phần cơm 2000đ của những người Sài Gòn đứng ra tổ chức để hỗ trợ và chia sẻ cho đồng bào mình trong cơn đại dịch. Và chắc chắn còn nhiều “cử chỉ đẹp” nữa mà người Sài Gòn vẫn trao tặng cho nhau để giúp nhau vượt qua trong cơn khốn khó của mùa đại dịch mà mỗi bạn đọc vẫn thấy, vẫn nghe…
Người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung là vậy… thật hào phóng, thật dễ thương, nhiều nhân ái và thật thân tình.
Và người Sài Gòn cũng đã từng thể hiện “bản tính” của mình từ lâu nay qua nhiều biến cố của đất nước của xã hội… mà bản tin từ Đài Truyền Hình Việt Nam đưa tin (6g sáng 17/6) là một lần xác nhận.
Điều này có được là do người Sài Gòn sống chữ Lễ, trọng chữ Nhân. Một khi con người sống chữ Lễ với Trời, Lễ với đời và Nhân với người thì họ sẽ cùng nhau vượt qua những biến cố khó khăn của cuộc sống. Một người thầy có Lễ, người thầy đó sẽ truyền lại cho học sinh cái Lễ mà một con người cần phải biết, phải sống, phải giữ trong cuộc đời mình… Tiên học lễ hậu học Văn là vậy. Thành quả là những người học trò của những năm xưa, nay đã là thế hệ 50, 60, 70 tuổi… và một thế hệ trẻ ngày nay làm nên vẻ đẹp của Sài Gòn. Họ đang thể hiện cái đẹp của chữ Lễ và sức mạnh của chữ Nhân trong chính cơn đại dịch này.
Vài mươi năm trở lại đây, chuyện đi lại, vấn đề di dân mang lại cho Sài Gòn một diện mạo mới. Sài Gòn trở thành nhịp cầu cho những giao thoa văn hóa giữa các vùng miền trong cả nước và với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, không vì thế mà người Sài Gòn đánh mất đi vẻ đẹp của mình, họ vẫn giữ nguyên bản chất phóng khoáng, bao dung, nhân hậu và dung dị; nếu không nói là nhiều người nhập cư sau khi đón nhận được chữ Lễ, chữ Nhân  tại thành phố này, họ cũng đã trở thành những cư dân của Sài Gòn.
Hôm nay, Sài Gòn đang phải oằn mình chống chọi với cơn đại dịch Covid-19 “tái đi tái lại” hơn một năm trời, và nay bệnh tình đã trở nặng hơn: Sài Gòn căng thẳng, Sài Gòn lo âu, Sài Gòn mệt mỏi... Chính trong hoàn cảnh đó, một lần nữa chúng ta lại nhận thấy vẻ đẹp của Sài Gòn, vì người Sài Gòn đang sống chữ Lễ, chữ Nhân. Cầu mong Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung mau vượt qua cơn đại dịch này để mọi người trở lại cuộc sống ổn định và bình an.
Lê Văn La Vinh, OP.
114.864864865135.135135135250