25/05/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

2397

 


PHÁI TÍNH


Điều Kì Diệu và Bi Kịch

I. Dẫn nhập



thanhgiaMỗi người chúng ta sinh ra trên cõi đời, ai cũng mang lấy một phái tính cho mình hoặc là nam hoặc là nữ. Đây là một hồng ân Thiên Chúa bạn tặng khi Ngài tạo dựng nên chúng ta. Khi chúng ta sống trọn vẹn với bản tính ấy chúng ta sẽ tạo lập được mối tương quan tốt đẹp với con người và với Thiên Chúa. Chính lúc đó chúng ta đã hoàn trọn được phẩm tính nhân vị của mình. Đây chính là điều kì diệu của phái tính mang lại. Nhưng bên cạnh sự tốt đẹp đó, phái tính cũng có nguy cơ đem đến bi kịch, khi con người không sống đúng với trật tự khác biệt phái tính của mình. Khi đó con người sẽ đánh mất đi mối tương quan nhân vị tốt đẹp, đánh mất đi tha nhân, Thiên Chúa và cả chính mình nữa.


II. Phái tính điều kỳ diệu



1. Phái tính – một hồng ân Thiên Chúa ban tặng



Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ (Mt 19,4 ; St 1,27), đó là điều Thiên Chúa muốn như là cơ cấu nền tảng của con người : “Phái tính là một thực tại thuộc cơ cấu hiện hữu của con người. Chính phái tính làm nên sự khác biệt hiện hữu giữa người nam và người nữ. Phái tính là một phần dệt nên toàn bộ cấu trúc của đời người”[1].



Phái tính là một ơn ban của chính Thiên Chúa. Truyền thống Kinh Thánh cho thấy vẻ đẹp độc đáo của phái tính. Tin Mừng không nhắc lại sứ điệp của St 1,28 : sinh sôi nảy nở đầy mặt đất, điều đó nói lên phái tính là do ý định của Thiên Chúa khi Ngài sáng tạo con người theo hình ảnh mình (St 1,26). Sự khác biệt về phái tính cho ta cảm nhận sự khác biệt với tha nhân và cho con người cảm nhận sự khác biệt giữa con người với Thiên Chúa : “Con người không phải là nguyên ủy của chính mình, và phái tính không là cơ hội để khẳng định tham vọng hay ước mơ toàn năng của mình, ngược lại đó là cơ hội để chấp nhận giới hạn và bất toàn của mình ; và từ đó cảm thấy vui vẻ về điều đó, cũng như nhận ra dấu vết của một tình yêu đi trước làm nền tảng cho nó. Phái tính còn được hướng dẫn vào cuộc chiến lớn lao mà Kinh Thánh chỉ cho để chống lại ngẫu thần. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng sáng tạo trời đất. Ngài là Đấng Khác, hoàn toàn khác biệt, phái tính nói lên nhân tính của chúng ta, chứ không phải là sự tham dự vào năng lực thánh trong vũ trụ”[2]. Phái tính mang vẻ đẹp mà cái nhìn con người không thể đón nhận hết được. Có thể nói rằng phái tính giống như mặt trời mà người ta không thể nhìn trực tiếp vì quá chói chang.



Như thế sự khác biệt phái tính cho chúng ta nhận thấy rõ phái tính không phải là xấu xa, bất hạnh, tội lỗi. Phái tính được uy thế Đức Kitô tái khẳng định là tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ấn định nơi con người nguyên thủy. Sự khác biệt giữa hai người nam và người nữ không hề làm cho họ trở nên xa lạ nhưng lại được mời gọi sống kết hiệp với nhau : “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà sống với vợ mình, cả hai sẽ trở nên một xương một thịt” (St 2,24). Sự kết hợp ấy được gắn kết bằng tình yêu chung thuỷ sắt son. Tình yêu ấy hẳn là đẹp và thanh cao biết mấy khi được Đức Giêsu ví tình yêu của Ngài đối với Hội Thánh như tình yêu của họ (chồng và vợ). Chính tình yêu này đem lại cho phái tính con người một ý nghĩa. Người nam và người nữ trở thành cho nhau dấu chỉ và yếu tố mang lại Lời, Lời của yêu thương, của tương giao rộng mở, đón lấy. Trong tình yêu cao ngất của tình chồng vợ, sự trao hiến trọn vẹn xác hồn của hai người nam và người nữ, đã làm phát sinh sự sống là kết quả trao ban của tình yêu Thiên Chúa. Đó cũng chính là nang lực phát sinh sự sáng tạo, đóng góp vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà đôi bạn cảm nghiệm được khi họ sống triệt để sự khác biệt phái tính của mình trong mối tương quan.



Sự khác biệt người nam người nữ bổ túc cho nhau, hổ trợ nhau. Có lẽ thế mà thánh Phaolô đã nói đàn ông ở một mình không tốt. Cái tốt của việc kết hợp nam nữ phải đưa về cái tốt của công trình sáng tạo, vì phái tính là dấu chỉ của sự khác biệt, của tha thể, qua đó Thiên Chúa mặc khải sự khác biệt của ngài. Chính vì thế, trong St 2,23, việc người đàn ông “ ngỏ lời”, chứ không phải gọi tên như đối với các vật khác (2,20), được diễn tả như kết quả của sự gặp gỡ với người nữ. Vai trò tích cực của ước muốn dục vọng, khi nó là sự nhìn nhận người khác, là kinh nghiệm về cái giới hạn, bởi vì không có người khác tôi không thể hiện hữu. Mà sự hiện hữu của tôi là một quà tặng tuyệt vời nhất Thiên Chúa ban cho tôi.



2. Phái tính thiết lập mối tương quan



Qua công trình sáng tạo Thiên Chúa đã biến đổi sự hổn mang nguyên thuỷ thành một thế giới trật tự với những sự khác biệt : Ánh sáng- bóng tối, ngày – đêm, đất- nước... với sinh vật thì “loại nào theo giống nấy” (St 1,11.12.21.24.25). Sau cùng đến lượt con người, giống hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên có nam có nữ, đánh dấu trong thân thể của mình sự khác biệt (Xc. St 1,27 ; 5,2).



Con người không những cảm nghiệm được sự khác biệt ngay trong chính hữu thể mình (có nam có nữ), nhưng qua sự cảm nghiệm khác biệt sâu xa này con người lại thấy mình càng khác biệt hơn mọi vật mọi loài trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Dẫu rằng con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài, nhưng con người cũng cảm nhận được sự khác biệt ngàn trùng giữa con người và Thiên Chúa.



Khi Thiên Chúa kí kết với con người một giao ước, Thiên Chúa đã dùng hình ảnh sự khác biệt trong chính hữu thể của họ để ký kết với Người là “giao ước cắt bì” (xc. St 17,10-14). Trong giao ước ấy, nghi thức cắt bì là một hành vi của nam tính, của sự khác biệt rõ ràng về phái tính. Thiên Chúa đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa con người với Thiên Chúa bằng sự khác biệt phái tính gữa người nam và người nữ. Sự khác biệt phái tính nói lên thân phận của con người, chúng ta không phải là Thiên Chúa. Con người có sự khác biệt nam nữ cũng là công trình sáng tạo đầu tay của Người. Thiên Chúa lấy chính sự tốt đẹp của sự khác biệt đó để ký kết với dân của Người. Con người đi vào tương quan với Thiên Chúa trong sự khác biệt. Sự tương quan trong sự khác biệt ấy là sự tương quan trong tình yêu. Vì yêu thương con người nên Thiên Chúa mới ký kết với con người một giao ước. Bởi đó, tình yêu là đón nhận sự khác biệt trong sự hoà hợp. Khi phái tính được nhìn nhận trọn vẹn, con người sẽ đón nhận người khác trong đối tác của một giao ước. Giao ước ấy là giao ước tương quan, trong đó mỗi người được nhìn nhận và yêu thương.



Trong giao ước ấy không ai bị giản lược và đánh mất chính mình[3] dẫu rằng “cả hai nên một xương một thịt” (Mt 19,5). Sự gặp gỡ của con người đặt trên sự gặp gỡ của sự khác biệt phái tính. Ước muốn (tình dục) phải và có thể đi đến cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ nhờ việc kết hiệp thân xác biểu tượng và cho phép kết hiệp hai sự hiện diện. Trong hôn nhân, tương quan của con người luôn gắn liền với tương quan với Thiên Chúa : “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Như thế phái tính là dấu chỉ ơn gọi con người buớc vào tương quan với Thiên Chúa, và đời sống tình dục được mời gọi diễn tả trong mỗi giây phút của cuộc sống đôi bạn, trong tình yêu sáng tạo của Người.



Phái tính là cánh cửa mở ra cho một Đấng hoàn toàn khác, khác hơn cả người khác phái mà tôi đang sống với. Phái tính như thế đưa tới một sự Tự Do vượt lên trên tự do của hai người đang yêu. Từ việc sống trọn vẹn trong sự khác biệt phái tính, trong sự trao ban của gặp gỡ tình yêu chúng ta sẽ đón nhận được khả năng trao ban sự sống. Dưới dấu ấn của sự trao ban này, phái tính trở thành biểu tượng cho mối liên hệ với một Thiên Chúa hoàn toàn khác, Đấng Sáng Tạo và đang liên đới với chúng ta qua việc trao ban Lời của Ngài.



3. Phái tính giúp hoàn trọn nhân cách con người



Như ở mục phái tính thiết lập mối tương quan, con người nhìn nhận tha nhân trong sự khác biệt với mình. Từ đó con người sống trong phái tính biết mở rộng vòng tay để đón nhận mọi người. Bản thân con người biết loại đi những ích kỷ hẹp hòi, khép kín. Chính điều này đã làm nên nét đẹp nhân cách của họ, con người sống thể hiện được căn tính của mình là sống yêu thương trong mối tình tương thân tương ái.



Hơn nữa nhìn lại đoạn Tin Mừng : “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ; vì thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xượng một thịt” (Mc 10,6-7 ; Xc. Mt 19,4-5 ; St 1,27 ; 2,24) ta thấy con người thành nhân phải ngang qua phái tính. Từ một chàng thanh niên, một cô thiếu nữ để tiến đến một người đàn ông và một người đàn bà là một quá trình trạng phức tạp hơn nhiều. Việc người đàn ông hướng đến người phụ nữ, và ngược lại, cho thấy để đạt tới sự trưởng thành, con người cần dứt khỏi tình trạng ấu trĩ trước kia. Nếu người nam và người nữ không ra khỏi tình trạng ấu trĩ, phái tính không thể cho phép thiết lập một tương quan đích thực. Đó là điều truyền thống Kinh Thánh muốn làm nổi bật khi liên đới đôi vợ chồng với việc họ chia sẻ hoàn toàn và thực sự đời sống của nhau. Họ phải rời khỏi sự an toàn của khung cảnh gia đình, để lập một gia đình mới với những thử thách nguy hiểm của nó. Việc hai người giúp nhau trở thành nguời, việc trưởng thành cần một cuộc dứt bỏ ban đầu đầy đau đớn mà không phải ai cũng vượt qua được. Phái tính là một khả năng, và là một kết quả của việc từ bỏ tình trạng ấu trĩ, như con đường dẫn đến trưởng thành “người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ và gắn bó với vợ mình” để “cả hai thành một xương một thịt” mà cùng chung chia trách nhiệm cuộc sống lứa đôi, gia đình và xã hội : “Phái tính đòi hỏi rất nhiều, họ chia sẻ cuộc sống của nhau, không chỉ trên giường, nhưng mọi giây phút của một ngày, khi cùng nhau đối diện với trách nhiệm và giúp nhau đạt tới trọn vẹn niềm vui sống”[4].



Sự trưởng thành nhân cách con người qua phái tính không chỉ dừng lại giữa con người với nhau. Nhưng qua việc sống tương quan phái tính con người làm nên “một xương một thịt” mà Thiên Chúa đã gắn kết “họ không bao giờ chia lìa” đã mở ra một chiều kích mới là tương quan giữa họ và Đấng Tạo Hóa. Đây là điểm hình thành nên nhân cách trởng thành trong siêu việt của con người. Họ đã sống tương quan với Đấng tạo dựng nên họ mà Thượng Đế là Đấng ngỏ lời trước tiên.




“Như thế phái tính là một yếu tố cơ bản làm nên nhân cách, là cách thế hiện hữu giúp con người thể hiện bản thân và liên lạc với tha nhân, là cách thế cảm nhận, bày tỏ và sống tình yêu nhân loại… Phái tính không chỉ làm nên người nam hay người nữ trên bình diện thể lý, nhưng còn trên bình diện tâm lý và thiêng liêng, tạo cho mỗi người có một dấu ấn riêng. Phái tính làm nên vị thế siêu hình của con người trong hiện hữu, làm nên nơn gọi độc đáo của mỗi nhân vị qua cách thức thể hiện chính mình và liên lạc với tha nhân. Và tất cả những cách thúc thể hiện trên đây đều được thực hiện qua cơ cấu thể lý đặt nền trên phái tính của mỗi người”[5].


III. Bi kịch trong phái tính



Như trên ta đã nói chiều kích kỳ diệu của phái tính. Thế nhưng bên cạnh sự kỳ diệu của phái tính ấy, nó còn có mặt trái của nó là tính bi kịch. Điều ấy xảy đến khi chủ thể phái tính không sống đúng với trật tự tốt lành Thiên Chúa đã thiết lập dựa trên sự khác biệt (Xc. St 1, 1-27 ). Điều đó có nghĩa là con người sẽ phá vỡ đi trật tự thế giới một khi họ không sống đúng với bản chất khác biệt giới tính của họ. Một trong những nguy cơ đó là con người muốn tha nhân hoá và thần thánh hoá bản thân qua hành vi dục tính. Hơn nữa nó còn biến người khác thành dụng cụ, đưa con người xuống hàng sự vật. Cũng từ đó con người đã đánh mất nhân vị, đánh mất mối tương quan, sự hiện hữu của mình cũng như người khác.



1. Đánh mất mối tương quan ngôi vị



Như trên ta đã đề cập, sự khác biệt giới tính là một hồng ân Chúa Ban tặng cho con người để thiết lập mối tương quan. Thế nhưng con người lại không đón nhận sự khác biệt ấy như một ơn ban mà là một đối tượng để thèm muốn. Hình ảnh cây trường sinh trồng giữa vườn địa đàng như nói lên một sự phân biệt giờ đây trở thành đối tượng thèm muốn của con người (St 3,6). Khi con người xâm phạm cây trường sinh, cũng chính là lúc con người mốn phá vở đi trật tự khác biệt mà Thiên Chúa đã thiết lập. Cũng từ đây người nam và người nữ xấu hổ nhau trước sự khác biệt phái tính của họ. Họ lấy lá nho che đậy sự xấu hổ của mình (St 3,7). Cái khác biệt vốn tốt đẹp và đã từng đem lại niền vui cho sự gặp gỡ, giờ đây trở thành ý thức về sự yếu đuối và mối đe doạ. Hai người không còn trong trắng và đẹp đẽ như xưa (St 2,25). Bộ phận sinh dục của người khác phái giờ đây trở thành “trái cấm” nói lên sự thèm muốn và chiếm đoạt. Thực tế trong cuộc sống cho ta thấy đã xảy ra bao cuộc ẩu đã, chiến tranh vì muốn chiếm đoạt một cô gái, một người tình sinh ra từ việc ham muốn dục vọng ấy. Theo Đức Gioan Phaolô II : “Phái tính cũng mang dấu ấn rõ nét của tội lỗi qua thực trạng chia rẽ nội tâm của ích kỷ và đòi hỏi mãnh liệt của dục vọng. Dục vọng giới hạn sức mạnh tự chủ của nội tâm và khiến cho sự trao hiến tự do trở nên bất khả. Thân xác bị biến thành nô lệ của dục vọng và trở nên phần đất của tranh chấp, của chiếm đoạt lẫn nhau”[6].



Khi sự khác biệt về phái tính trở thành mục tiêu chiếm hữu của con người, thì họ sẽ coi người bạn tình là một đối tượng đem lại sự thoả mãn cho cá nhân ích kỷ của họ. Hành vi tương hợp giữa hai người giờ đây chỉ cơ hội cho việc tìm kiếm một kinh nghiệm dục tình nào đó. Nó mang tính rất narciciste tức là yêu chính mình : đó là một sự chứng tỏ mình qua người khác, chứ không phải là một cuộc gặp gỡ đích thực. Hành vi phái tính mang tính chiếm đoạt này đã phá vở đi mối tương quan ngôi vị của hai người, nó triệt tiêu đi giá trị cá nhân của người bạn tình cùng với Lời làm nên giá trị riêng biệt của họ trong hành vi phái tính.



Trong trình thuật St 2,23 : tiếng kêu kinh ngạc “phen này đây là xương tôi, thịt bởi thịt tôi” của Ađam, thiết nghĩ rằng đây là một tiếng kêu hết sức đẹp đẽ. Bởi Ađam đã nhìn nhận thật tuyệt vời sự tương hợp của hai người trong khác biệt về phái tính. Ông đón nhận người khác là mình trong sự khác biệt. Một trong hai người sẽ bị mất đi, bị xoá sạch đi và mối tương quan ngôi vị của họ cũng chẳng còn khi lời nói của Ađam xuất phát từ lòng dục của sự thèm muốn, chiếm đoạt. Chính lúc này tai hoạ sẽ ập tới, bạo lực sẽ tung hoành. Giờ đây trình thuật St 2,23 sẽ được hiểu khác đi. Nó mang mầm mống của sự xoá sạch nhân vị. Tại sao trong trình thuật ấy chỉ một mình Ađam lên tiếng ! Evà được tạo ra chỉ để cho ông và vì ông ! từ đó ông có quyền chiếm hữu một hữu thể khác biệt làm sở hữu riêng mình. Tính hàm hồ này có lẽ cũng được cảnh báo trong truyền thống tư tế. Trong hành vi giao hợp sẽ làm cho người ta ra ô uế vì trong khoảng khắc thực hiện hành vi giao hợp, người đàn ông và người đàn bà dễ xoá bỏ đi sự khác biệt giữa người nam và người nữ, họ trở thành một hữu thể lai tạp, một hữu thể lưỡng tính không còn phân biệt nam nữ[7]. Hơn nữa, trong hành vi thèm muốn và chiếm đoạt phái tính ấy, sự thiết lập trật tự trong sự khác biệt bị phá vở. Giữa hai người không còn mối tương quan nhân vị. Người phụ nữ trở thành đối tược phục vụ cho đàn ông. không ngừng bị người đàn ông khinh miệt : “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (3,16). “Phái tính giờ đây được coi như tương quan chủ/tớ (Xc chẳng hạn Sm 13,1-15), bế tắc thê thảm trong đó người phụ nữ luôn là nạn nhân. Người đàn bà đụng chạm với bạo lực của đàn ông, và đàn ông đấu tranh với bạo lực của đất đai (3,17-19). Như thế người nam và người nữ tách rời nhau, họ tách rời nhau đến tận số phận thường nhật của mỗi người. Phụ nữ là mẹ và là đầy tớ của đàn ông, đàn ông là người sản xuất bất hạnh bị phó cho lao động cực nhọc, là nô lệ của đất đai”[8]



Phái tính là một lời hứa tương quan đích thực, nhưng chỉ có khi nào cả hai người nhìn nhận nhau, người này không thể thiếu người kia trong sự khác biệt không thể giản lược của mình. trong mối tương quan, trong hành vi phái tính, người đàn ông và nguời đàn bà không được quên vài trò của mình là một con người độc lập. Sự tôn trọng sự khác biệt trong phái tính đảm bảo tương quan ngôi vị và bảo đảm trật tự xã hội, bằng không là một sự phá đổ mối tương quan tận gốc rễ, đánh mất giá trị nhân vị và ngôi vị con người.



2. Thần thánh hóa bản thân



Trước đây trong nhiều nền văn hóa, điển hình như dân Canaan, họ coi tình dục như là một hình thức liên lạc được với thần linh. Bởi đó xuất hiện những điếm thần, họ thường hành lạc tình dục trong những nơi phụng tự. Qua những cuộc hành lạc này họ có cảm giác ngây ngất, xuất thần, vượt ra khỏi giới hạn và đạt được cõi siêu việt. Dân Ítraen sống trong vùng đất Canaan và bị nhiễn tục lệ điếm thần này. Điếm thần là một điều hết sức ghê tởm trước mặt Thiên Chúa. Bản chất hành vi đó không những xấu xa mà còn tệ hại hơn là qua hành vi đó họ đã đánh mất Thiên Chúa của họ. Họ đã phạm tội thờ ngẫu thần. Kinh Thánh Cựu ước không ngừng tố cáo hình thức phái tính ngẫu thần này[9] như một nơi để con người trực tiếp kinh nghiệm cái thần thánh mà đánh mất lời.




Con người mốn trở thành Thiên Chúa qua kinh nghiệm tính duc. Nhưng Thiên Chúa không ở nơi con người đánh mất lời, nhưng ở nơi những người nghe được Lời đang làm nên họ trong sự khác biệt. Khi con người thần thánh hoá bản thân qua hành vi tính dục con người đã biến phái tính mang tính biểu tượng chuyển tải Lời thành dụng cụ. Con người say mê chính bản thân, tôn thờ ngẫu tượng. Chính lúc này đây họ không những loại trừ Thiên Chúa, loại trừ tha nhân, mà họ còn đánh mất chính cả bản thân mình (vong thân).


IV. Kết



Đón nhận sự khác biệt giới tính và sống sự khác biệt giới tính như là hột hồng ân gởi tặng là con người đã trung thành thực thi những gì giúp con người thể hiện đúng đắn sự hiện hữu của bản thân. Khi con người sống được như vậy, họ đã hoàn trọn được ơn gọi sống hiện hữu như Thiên Chúa muốn. Khi con người không sống đúng với giá trị phái tính, thì phái tính lúc này chẳng còn là điều kỳ diệu, nhưng là một bi kịch đem đến cho con người những đau thương : phá đổ trật tự, đánh mất chính mình, đánh mất tương quan ngôi vị tốt đẹp giữa con người và Thiên Chúa. Khi nghiên cứu về chủ đề này chúng ta hiểu rõ hơn tính ưu việt của phái tính. Chúng ta cần tôn trọng và sống đúng với sự khác biệt phái tính này. Đồng thời chúng ta cũng thấy được mặt trái, sự hàm hồ phái tính mang lại. Từ đó chúng ta không tự mãn, chủ quan, mà biết thân phận yếu đuối mỏng dòn của con người. Chúng ta cần loại đi những ham muốn, chiếm đoạt, sở hữu mà hãy biết mở rộng con tim sống đón nhận những sự kác biệt của tha nhân làm nên tình huynh đệ. Qua việc sống tốt đẹp sự khác biệt phái tính ấy ta cũng tạo lập được mối thương quan thân tình, tốt đẹp với Đấng Siêu việt, Đấng tạo dựng nên ta.


Phaolô Nguyễn Văn Quý OP.







[1] Dionigi Tettamanzi & Guy Durand, Tân đạo đức sinh học Kitô, dg. Nguyễn Văn Tuyến, Đại chủng viện Huế 2003, tr. 221.




[2] Ngô Sĩ Đình, “Phái tính : Trật tự của cái khác biệt, phái tinh giữa cái sống và cái chết”, Trong tài liệu thần học về phái tính, Trung tâm học vấn Đaminh, 2005-2006, tr.16.




[3] Triết học nêu lên hai chiều kích của nhân vị : cùng hiện diện và khác biệt. Nếu không khác biệt thì không có hiệp thông, bởi tất cả sẽ tan hoà trong hỗn hợp. Càng tự do thì hiện diện càng mạnh rõ, càng yêu mến phía đối tác thì hiện diện càng sâu đậm (Felipe Gomez, Kitô học, T.2, không rõ dịch giả, Manila 2002, tr. 404).




[4] G. Crespy, OP. Trích lại của Ngô Sĩ Đình, “Phái tính : từ nguyên thủy và tha thể”, trong tài liệu môn luân lý phái tính, Học viện Đaminh, 2003-2004, Tr. 20.




[5] Dionigi Tettamanzi & Guy Durand, Sđd, tr. 220.




[6] Sđd, tr. 226.




[7] Lấy lại tư tưởng Eric Fuchs, luợc trích từ tài liệu Thần học về phái tính, do Ngô Sĩ Đình biên soạn, tr.9.




[8] Ngô Sĩ Đình, “Phái tính : kì diệu và bi kịch”, trong tài liệu thần học về phái tính, Trung tâm học vấn Đaminh, 2005-2006, tr. 25.




[9] Người Canaan thờ thần Baan tin rằng đất đai được phong nhiêu là nhờ thần Baan cho thụ tinh, và họ lấy tín điều này làm nền tảng cho đạo của họ. các tín đồ muốn hoạ lại việc giao hợp phong nhiêu đó, mong làm cho đất đai sinh mùa màng hoa trái tốt : nam nữ làm điếm ngay trong các nơi thờ phượng, và họ được xem như là một việc cử hành một việc phụng tự, là những điếm thần. Luật Môsê cấm ngặt, xem điều đó là quái dị, là điều ghe tởm (Phần , phần chú thích Đnl 23,18, Kinh Thánh Cựu ước, Ngũ thư, Nhóm Giờ kinh phụng vụ, 1999 (xc, St 38,21 ; Hs 4,14).



114.864864865135.135135135250