17/07/2021 -

Suy tư, nghiên cứu

1876

Tính từ ngày bùng phát dịch lần thứ tư đến nay đã gần 3 tháng rồi, và cũng từng ấy thời gian, người dân Việt Nam - ở hầu hết các tỉnh thành – đã vấtt vả, khó nhọc, căng thẳng, mệt mỏi, lo âu… khi đối diện, chống chọi, và phòng tránh cơn đại dịch này.
Có lẽ không cần phải nói thêm hay kể lể dài dòng với mọi người về những chuyện đã diễn ra, những điều đã trải nghiệm sống trong thời gian vừa rồi. Và cũng không dám nói về lãnh vực chuyên môn trong việc chống dịch và chữa trị; thú thật tôi cũng không dám lạm bàn đến những biện pháp, những chiến lược cần có để áp dụng trong việc phòng chống cơn đại dịch mà đất nước chúng ta đang phải đối diện.
Người viết bài này chỉ xin được “chạy vòng ngoài” của cơn đại dịch, đó chính là những việc từ thiện trong cơn đại dịch.
Trong khi phòng và chống bệnh dịch đang hoành hành, các nghành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp vi mô và vĩ mô, những việc làm đơn lẻ và phổ cập để tiêu diệt con Virus Corona quái ác này. Biện pháp mạnh cuối cùng đang được áp dụng hiện nay: không buôn bán, không tụ tập, không đi lại, không ra đường… Những xáo trộn vừa nêu đã làm cho nhiều người dân và cho cả xã hội lâm vào những tình thế khó khăn, khốn đốn.
Đây chính là điều đáng lo. Lo cho sức khỏe, lo cho túi tiền và ngân quỹ của gia đình, lo cho bữa cơm mỗi ngày, lo cho công việc và nghề nghiệp, lo cho những người thân (quen) đang bị nhiễm bệnh, lo cho có vaccine phòng ngừa.  -Chắc chắn nỗi lo này không phải là của riêng ai.
Và cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn, mệt mỏi, đầy lo âu và sợ hãi này thì đang có rất… rất… nhiều trái tim nhân ái, rất nhiều vòng tay yêu thương xuất hiện để mong bù đắp, để góp phần xoa dịu sự đau thương, mất mát mà cơn đại dịch gây ra cho đồng bào mình.

Đây là điều mừng vui giữa mùa đại dịch phải không mọi người?
Tất cả đều xuất phát từ trái tim, từ lòng trắc ẩn và sự thương cảm của mỗi người dành cho anh chị em đồng loại. Phải mừng thôi, vì tình yêu thương không dễ gì kìm nén được, lòng nhân hậu vẫn hiện diện trong tim của mỗi con người… Những việc làm thiện nguyện này (cố gắng hết sức) đáp ứng kịp thời, đi đến đúng nơi, chia sẻ và trao gởi đúng nhu cầu người nhận… điều này thật mừng. mừng  với người “cho” là vì họ được cống hiến, mừng với người “nhận” vì họ được đáp ứng nhu cầu…
Xin mượn những dòng chữ này để cùng với nhiều người nói lên lời cám ơn chân thành, và cũng bày tỏ sự quý mến và trân trọng các nhà hảo tâm, các anh chị thiện nguyện viên trong mùa đại dịch này.
Cầu mong các anh chị đừng mỏi gối chồn chân, cầu mong các bếp ăn từ thiện luôn luôn sáng lửa, mong sao các “cửa hàng 0đ” đừng đóng cửa; ước gì các chuyến xe từ thiện giải cứu cứ chạy hoài… bởi vì được như vậy thì nhiều người sẽ bớt lo và nhiều người, nhiều nhà sẽ thật mừng… mong lắm.
Huy chương nào cũng có mặt trái, và việc làm nào cũng có khiếm khuyết, bất cập. Và công việc thiện nguyện của mùa đại dịch này cũng vậy.
Có thể chăng, một số phần quà từ thiện gởi trao không đúng địa chỉ? Có thể chăng, có ai đó lợi dụng lúc này để thừa cơ trục lợi? Có thể chăng có sự thiếu sót trong việc phân phối và chia sẻ hàng hóa để rồi có những gia đình “đại gia” vẫn nhận được cơm canh mỗi ngày cùng chung với người nghèo đông con cũng nhận được phần quà tương đương?… Hay có ai đó nhận được nhiều quá với nhu cầu và để hư… rồi vất bỏ, hay đem bán lại… (cứu trợ lũ lụt miền Trung là kinh nghiệm cho chúng ta điều này).
Điều này cũng dễ hiểu thôi. Bởi lẽ có ai “tập huấn cứu trợ” cho những “tấm lòng vàng”này đâu, cũng chẳng có phương hướng kế hoạch, khảo sát rõ ràng cho từng trường hợp. Và cũng chẳng thấy có ai là “nhà điều phối” cho những chương trình cứu trợ này. Trong hoàn cảnh này, ai cũng ghi nhận rằng mỗi người, mỗi nơi đều bày tỏ tình yêu thương theo cách của mình… Đây cũng là điều mừng và cũng là điều LO.
Mừng vì tình liên đới yêu thương của đồng bào, của các gia đình, cá nhân đang được dịp để bày tỏ và phát huy. Lo là vì sợ cạn nguồn: nguồn tình yêu (kham không nổi, buông…), nguồn sức khỏe (mỏi mệt, đuối), nguồn tài chính, lương thực (hết tiền, hết đồ) … Mong sao không ai phải nghĩ đến nỗi lo này.

Trước tình hình thực tế vừa mừng, vừa lo như vừa nói, xin được có vài suy nghĩ với mong muốn gởi gắm đến với tất cả những ai đang đọc những dòng chữ này:
- Mỗi người, mỗi nhà hãy biết nhìn thấy (nhu cầu), biết quan tâm và chia sẻ với người (nhà) bên cạnh.
- Cái chia sẻ, cái quan tâm lớn nhất mà chúng ta tỏ bày và thực thi là chỉ nhận vừa đủ cho mình, để dành phần cho người khác.
- Những ai không có nhu cầu mà vẫn nhận được sự hỗ trợ, thiết nghĩ chúng ta cứ nhận; nhận rồi chia sẻ cho người cần hơn; và rồi chúng ta tìm cách trả lại những món quà này bằng cách khác: Trả lại cho các bếp ăn từ thiện, trả lại cho các “cửa hàng 0đ”, chuyển đến cho các cây “ATM GẠO”, đến những chuyến xe nghĩa tình… để trả lại món nợ ân tình với đồng bào của chúng ta.
Một trái tim biết yêu thương là một trái tim có nhiều sáng kiến, những bàn tay từ ái luôn luôn biết hành động để trao ban, để cống hiến cho đời, cho người.
Có như vậy, mọi người chúng ta sẽ bớt đi nhiều nỗi lo và có thêm được nhiều niềm vui mừng.
Kính chúc mọi người an mạnh…
Lê Văn La Vinh, OP.
114.864864865135.135135135250