LUÂN LÝ TRONG CUỘC ĐỜI
Nói đến luân lý, người ta dễ dàng nghĩ tới ngay những luật lệ, những ràng buộc, những điều cấm đoán. Chúng ta vẫn thường nghe nói đến “anh chàng này moral quá, mở miệng ra là phải thế này, phải thế khác”, hoặc “vấn đề này moral quá”... Tất cả những nổi diễn tả như thế, chúng ta vẫn gặp thấy thường ngày, hay thậm chí chính chúng ta cũng đang “moral” nữa. Có lẽ luân lý không phải là cái để nói, nhưng là cái để sống. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng công nhận những luật lệ là những quy ước có tính cách tương đối để điều hòa nhịp điệu cuộc sống hàng ngày và do đó một khoản luật đã phải trải qua biết bao thăng trầm, biết bao thời đại mới được hình thành, và điều đó cũng phản ảnh cách sống, cách suy nghĩ của một thời đại, một thế hệ. Như vậy luân lý không phải là một khoa học thuộc lãnh vực lý trí nhưng trước hết nó là một nghệ thuật sống. Nghệ thuật sống đó chịu ảnh hưởng môi trường, phát sinh bởi môi trường và tác động lên chính môi trường (coi chừng đừng nghĩ tới luân lý cảnh huống ở đây!). Nghệ thuật sống đó liên quan với mọi người, với cuộc sống. Chừng nào người ta sống luân lý, thì người ta không còn mở miệng “dạy đời” nữa, vì lúc đó người ta hiểu luân lý là gì, ý nghĩa luân lý đằng sau những khoản luật như cấm giết người, trộm cắp... Chừng nào người ta sống trọn vẹn cuộc đời mình, sống hết mình, hết tình, lúc đó người ta hiểu thế nào là yêu thương, làm lành lánh dữ.
Hơn nữa, việc mổ xẻ một khoản luật, phân tích một quy định là điều có thể, nhưng người ta không thể mổ xẻ hay phân tích tính cách luân lý của một con người, của một hành vi, bởi lẽ con người là một hữu thể nhân linh, có tự do, có lòng muốn, có suy nghĩ. Con người đó vẫn luôn tự hỏi cuộc đời có ý nghĩa gì, vận mệnh của mình sẽ ra sao, có gì để bảo chứng cho một đời sống luân lý tốt đẹp không... Có hằng ngàn câu hỏi liên quan tới con người và Thiên Chúa! Giữa Thiên Chúa và con người có một mối tương giao. Chính Thiên Chúa đảm bảo cho giá trị luân lý và con người có định mệnh là quy hướng về Người. Càng ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, người ta càng nhận thấy một đời sống luân lý cao với một lương tâm trung thực.
Lương tâm, một thứ luật nội tâm Thiên Chúa đã đặt để nơi con người. Có thể nói sự hình thành nhân cách của một người trải qua nhiều giai đọan thăng trầm cuộc đời. Cũng tương tự như vậy, lương tâm được rèn luyện trải qua những thử thách đời người. Để có thể sống một lương tâm ngay thẳng và trung thực, dường như ân sủng và tình yêu là hai điều kiện cần. Ân sủng đến từ Thiên Chúa, nhập thể trong cuộc đời mỗi người, còn tình yêu chính là sự triển nở viên mãn của ân sủng đó trong đời sống mỗi ngày. Bài này xin đề cập đến:
- Thiên Chúa - con người và luân lý
- Lương tâm, bảo đảm luân lý tính,
- Ân sủng, tính năng động luân lý,
- Luật của tình yêu.
1. THIÊN CHÚA - CON NGƯỜI VÀ LUÂN LÝ:
“Omne agens agit propter finem”. Mọi tác nhân hành động để đạt đến mục đích riêng mình. Đó là nguyên tắc căn bản của lý thuyết luân lý, nguyên lý cứu cánh của vạn vật. Tạo vật không lý trí hành động vì mục đích riêng theo từng chủng loại, còn con người có lý trí hành động, hướng về Thiên Chúa, đi đến cùng đích là hạnh phúc tuyệt đối, là chính Thiên Chúa. Tận điểm của mỗi tác nhân chính là sự thiện hảo (bonum). Và tận điểm cuối cùng là thiện hảo tuyệt đối (sumum bonum). Mọi thiện hảo trung gian đều là tham dự phần nào sự thiện hảo tuyệt đối. Con đường duy nhất dẫn đến thiện hảo tuyệt đối, hạnh phúc tuyệt đối là thực thi thánh ý Thiên Chúa. Đức Giêsu, vị Thiên Chúa nhập thể để làm cho đời sống luân lý được sung mãn trong Thiên Chúa. Hơn nữa, Thiên Chúa đã tạo dựng con người tự bản chất là hướng về sự hoàn thiện riêng mình, sự hoàn thiện trên hết là hoàn thiện của đức ái (Perfectae caritatis). Nhận thức yêu mến thờ phượng Thiên Chúa, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình. “Yêu mến Thiên Chúa phải đặt trên tất cả” (thánh Tôma Aquinô).
Con người chỉ được giải thoát khỏi những giới hạn của mình, khỏi chủ nghĩa ích kỷ cá nhân, khi họ “phó nộp” cho sự lôi kéo “từ trên cao”. Bằng sự phó nộp đó, con người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Nhờ sự lôi kéo này, lời mời gọi từ trên cao, mọi sự không còn phải là bắt buộc nữa, không phải là cưỡng bức mà chính là ân huệ tình yêu. Chính Thiên Chúa là bảo đảm cho mọi hành vi luân lý. Nhưng nếu nói như thế dễ dàng có một vấn nạn “liệu những người không có niềm tin vào Thiên Chúa hay vô thần, phải chăng họ không có một đời sống luân lý đích thực?, phải chăng Thiên Chúa sẽ luận phạt những người không có niềm tin?”.
Thực ra, để trả lời cho vấn nạn trên không có gì là khó khăn lắm. Bởi lẽ một người không có niềm tin vào Thiên Chúa nhưng có một đời sống luân lý tốt đẹp thì phải ngầm hiểu có một vị Thiên Chúa giấu ẩn trong cuộc đời họ, hay “niềm tin đang thiu thiu ngủ” và chờ một cơ hội tốt đẹp nào đó để được hình thành. Người ta vẫn thường nói đến những lối đạo đức thoe kiểu này hay kiểu khác, chẳng hạn “đạo đức cách mạng”... nhưng đối với người kitô hữu, nền tảng tối hậu của mọi bó buộc luân lý là chính Thiên Chúa, chính Người qui định cho mọi giá trị. Có thể nói chỉ có sự bó buộc “đúng” đi trước một nhận thức minh nhiên về Thiên Chúa, vì tự bên trong, “sức lôi kéo từ trên cao” tạo nên một cảm thức luân lý. Bất cứ ai đã từng trải qua một cảm thức luân lý như thế, họ sẽ nhận chân ra những giá trị đích thực. Nếu chấp nhận rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm về định mệnh thiêng liêng của mình, thì nhất thiết họ phải chấp nhận một cảm thức về giá trị mà họ phải quy thuận, phải định hướng cuộc đời mình theo đó.
Như thế, khẳng định một giá trị luân lý cũng bao hàm một khẳng định tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trước lương tâm những ai tin vào bổn phận. Một khi yêu mến những giá trị luân lý, con người đang yêu mến chính Thiên Chúa vậy. Kính trọng những giá trị luân lý hẳn là một hình thức vô thức của sự thờ phượng Thiên Chúa. Không có sự tách biệt giữa Thiên Chúa và luân lý và các giới luật không được xem là những mệnh lệnh đầy đủ, nếu những mệnh lệnh đó là bó buộc vô lý. Liệu người ta khi bị bó buộc điều nà hay điều khác, sẽ phản ứng ra sao khi không có bảo đảm cho mọi giá trị luân lý là chính Thiên Chúa. Nói cách khác, không nhận biết Thiên Chúa thì không thể có bó buộc luân lý theo nghĩa chặt. Chính Thiên Chúa đã làm ra sự thiện, đặt để ý muốn của Người nơi đó.
Khi thực hành các bó buộc luân lý, người kitô hữu phải mong yêu mến Thiên Chúa vì chính Người, Đấng yêu thương nhân loại chứ không phải Đấng thưởng phạt. Người kitô hữu sống trong ân sủng đã khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa đến tình yêu tha nhân. Thiên Chúa muốn mọi người tôn trọng những giá trị vì đó là dấu ấn Người đặt để trong tạo vật. Khi yêu mến Thiên Chúa là chúng ta yêu các giá trị luân lý đó, và yêu mến chúng không phải vì một lý do nào khác ngoài chúng. Các Thánh nhân là hình ảnh của những giá trị luân lý nhập thể. Các vị là những lời mời gọi cho một đời sống luân lý tốt đẹp. Lời mời gọi đó có khả năng khơi dậy trong chúng ta tiếng nói của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không trả lời hoặc không trả lời được, thì dường như cảm thức luân lý đã phần nào bị chai lỳ. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu các giá trị luân lý vượt trên mọi cảm giác. Như vậy, Thiên Chúa là giá trị tuyệt đối, là đối tượng của mọi cảm thức luân lý, là cùng đích tạo vật đang hướng về.
2. LƯƠNG TÂM, MỘT BẢO ĐẢM LUÂN LÝ TÍNH
Lương tâm là cách thức con người phán đoán họ phải làm gì trong một hoàn cảnh cụ thể, nếu họ muốn làm Thiên Chúa vui lòng. Đó là khả năng nhận định đúng sự thiện và các giá trị, nguyên tắc nội tại. Lương tâm nằm nơi cõi thâm sâu của tâm hồn, tuân theo mệnh lệnh của tình yêu tuyệt đối. Lương tâm là phán đoán của lý trí, được bộc lộ ra bên ngoài. “Tôi có được làm điều này không? Điều đó không bị cấm đoán chứ?” là khởi sự cho một lương tâm ngay thẳng. “Tại sao tôi lại hành động thế này chứ không thế khác?” là câu hỏi đi sau hành động theo mệnh lệnh của lương tâm. Con người tự hỏi về ý nghĩa hành động của mình làm. Họ cố để khám phá ra các giá trị, khám phá ra thiên chức làm người, và cũng khám phá ra chính Thiên Chúa là giá trị tuyệt đối đáng được yêu mến. Thật vậy, có một tương quan giữa lương tâm và Thiên Chúa. Chính nhờ lương tâm luân lý mà con người cố gắng đạt đến Thiên Chúa, thực thi ý của Người, vốn được thể hiện cụ thể qua lời Chúa, đối thoại, hiệp thông...
“Tôi phải hành động thế nào để được xem là có hành vi tốt? là một câu hỏi giả thiết, một quan điểm luân lý. Theo lương tâm là một tiêu chuẩn đánh giá hành vi tốt, tuy nhiên cũng cần phải xem xét con người là một hữu thể hình thành nhân cách mình trong thời gian, tức là con người không hoàn trọn đời mình ngay một lúc. Con người đó là thành quả của quá khứ, và có những dự phóng hướng tới tương lai. Người ta nói đến nhiều loại lương tâm: ngặt nghèo, dễ dàng, “bối rối”... nhưng dẫu sao, thì lương tâm cũng là trung tâm điểm của ngôi vị. Con người hoàn thành cuộc đời mình khi đáp trả lại lời mời gọi từ ngay chính trung tâm ngôi vị này, giữa cuộc đời hiện sinh của mình. Họ sẽ khám phá ra ý nghĩa đời sống và hành vi của mình, vốn là một công trình được Thiên Chúa trao ban cần hoàn thành với tự do, với ý thức lương tâm và với ơn gọi. Khi ý thức “tôi được kêu gọi để trở thành một ngôi vị độc đáo bằng cách đảm nhận trọng trách chính cuộc đời mình”, con người đang rèn luyện chính lương tâm của mình. Luân lý không chỉ liên quan đến một khía cạnh, một chiều kích nào đó trong đời người, nhưng liên quan đến toàn diện, toàn thể tính của đời mình.
Có thể nói lương tâm là ý thức trách nhiệm đảm nhận cuộc đời như một thiên chức, đảm nhận mọi giá trị phù hợp với thiên chức làm người đó. Có thể nói lương tâm là khả năng đáp trả lời mời gọi từ trên cao để hoàn thành đời mình trong tự do và ý thức. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi họ thừa nhận một “ai khác”, “một tha nhân khác” và ước muốn xây dựng “một chúng ta”. Như vậy, nơi con người có hai khuynh hướng, một là khuynh hướng nội tâm và khẳng định chính mình, hai là khuynh hướng hướng ngoại để chia sẻ và hiệp thông. Con người đảm nhận trách nhiệm tích cực với hai khuynh hướng này là đang thực hành luân lý vậy.
3. ÂN SỦNG, NĂNG ĐỘNG TÍNH CỦA LUÂN LÝ- LUẬT TÌNH YÊU
Theo thần học Kitô giáo, ân sủng là ân huệ hay sựt rợ giúp siêu nhiên Thiên Chúa ban cho con người vì sự cứu độ của họ và nâng đỡ họ vượt qua những thử thách. Đời sống ân sủng là đời sống tham dự trước vinh quang vĩnh cửu. Đời sống ân sủng chính là đời sống kitô giáo vậy. “Anh em không còn lệ thuộc vào lề luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng” (Rm 6,14). “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17). Khi đề cập đến ân sủng trong lãnh vực luân lý tức là muốn nói đến khía cạnh siêu nhiên. Luân lý là siêu nhiên, là hoàn tất luật của tình yêu hơn là hoàn tất lề luật. Vì con người là hình ảnh Thiên Chúa, có ân sủng của Người, nên con người mới có khả năng để tìm gặp được chính Thiên Chúa. Mục đích tối hậu của đời người là gì nếu không phải là tìm kiếm Đấng tuyệt đối? “Linh hồn con mãi khắc khoải cho tới khi nghỉ an trong Chúa” (Thánh Augustinô). Ân sủng định hướng và hoàn thiện đời sống con người, làm cho tham dự vào đời sống Thiên Chúa. Ân sủng đó là sự hiện diện Thiên Chúa nơi con người, một sự hiện diện có khả năng thúc đẩy một đời sống luân lý tốt đẹp hơn. Nơi con người diễn ra cuộc gặp gỡ của hai ý muốn, ý muốn hoàn toàn tự do của Thiên Chúa trao ban ân sủng và ý muốn tự do con người đón nhận.
Đặt vấn đề luân lý tất yếu phải đặt vấn đề tự do nhưng là tự do trong ân sủng. Nhờ ân sủng, tự do được thành toàn, bởi lẽ ân sủng kêu gọi con người cởi mở với Thiên Chúa, gặp gỡ và đối thoại với Người. Một khi ân sủng nhập thể vào cuộc đời hiện sinh, “ân sủng không phá hủy tự nhiên, nhưng kiện toàn nó”, tức là ân sủng hoàn tất và định hướng cuộc đời. Nếu ân sủng làm cho tự do trở nên viên mãn và trở nên tự do đích thực, thì tội lỗi làm cho tự do trở nên nghèo nàn, và nô lệ. Chỉ có ân sủng mới giải thoát con người khỏi ích kỷ, kiêu căng, vì ân sủng làm cho tình yêu huynh đệ, tình yêu đồng loại triển nở trong tình yêu Thiên Chúa, đồng thời hướng tới sự chọn lựa căn bản là chọn lựa Thiên Chúa.
Thiên Chúa đang hành động qua ân sủng nơi mỗi người. Người làm cho cuộc đời mỗi người đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, tuy không cưỡng bức tự do của họ. Thiên Chúa làm cho con người trở thành những người con yêu của mình khi đổ tràn ân sủng trên toàn thể con người, tư tưởng, ý muốn, tình cảm và hành động của con người. Tự do và lựa chọn căn bản nơi con người là tự do và lựa chọn của toàn thể con người hướng về Thiên Chúa. Điều này bao hàm trách nhiệm tính, và làm cho đời sống mỗi người có ý nghĩa. Ân sủng thực là năng động tính của luân lý vậy. Nhờ ân sủng, luật tình yêu được thành toàn.
Nói cho cùng, vượt trên mọi lề luật, đó chính là luật của tình yêu. Đời sống luân lý Kitô giáo là đời sống trong đức ái. Luật của tình yêu không phải là luật tổng hợp của mọi thứ luật khác, nhưng là căn bản trong mọi thứ luật khác. Khi nói đến luật cấm trộm cắp, cấm giết người, thì căn bản của những điều cấm này chính là hãy yêu thương người khác như chính mình. Luật của tình yêu làm cho con người có khả năng vươn lên, viên mãn. Chính đức Giêsu đã thể hiện điều này trong một hoàn cảnh cụ thể. Khi phải đứng trước người phụ nữ bị kết án ngoại tình, Người nói: “Tôi không ném đá chị đâu, hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đó là luật tình yêu của Tin mừng, là đỉnh cảo của lề luật Kitô giáo.
Luật tình yêu không có cấm đoán cho bằng khuyên nhủ. Khuyên nhủ chính là bản chất độc đáo của luân lý Kitô giáo. Nếu Kitô giáo chỉ là một hệ thống những điều phải làm, những cấm đoán, thì Kitô giáo sẽ biến thành một tôn giáo luân lý thực dụng. Thực ra, Kitô giáo là một lời mời gọi tới tình yêu toàn diện, tới sự biến đổi hoàn toàn trong Thiên Chúa. “Hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”. Nói cách khác, Kitô giáo không phải chỉ là cố gắng để hoàn tất những điều luật, để giới hạn ích kỷ, kiêu căng... nhưng làm sự hoàn thiện tích cực. Nhờ tích cực, mọi tiêu cực sẽ bị đẩy lui. Hơn thế nữa, các điều luật, các cấm đoán, các khuyên nhủ cần được tuân thủ vì tình yêu. Ý nghĩa cuộc đời kitô hữu là dấu chỉ hiện hữu tình yêu vô biên của Thiên Chúa, là lời mời gọi và ân huệ của tình yêu Thiên Chúa. “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm” (thánh Augustinô).
Kết luận:
Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự, lương tâm đảm bảo cho luân lý tính, ân sủng là năng động tính để cuối cùng đạt đến luật tình yêu. Sự viên mãn của luân lý Kitô giáo không phải là vâng phục lề luật cách mù quáng, nhưng là đời sống ân sủng, đời sống làm vinh danh Thiên Chúa, hiệp thông và chia sẻ với tha nhân. Luân lý là một nghệ thuật sống, một trân trọng cuộc đời. Sống trọn vẹn giây phút hiện tại, không tiếc nuối quá khứ, không than trách dĩ vãng, không mơ mộng tương lai, làm nên tính hiện sinh của cuộc đời. Thiên Chúa vẫn đang hướng dẫn cuộc đời mỗi người để giúp họ đạt được Thiên Chúa. Ân sủng Thiên Chúa triển nở trong đời sống mỗi người để làm cho mọi hành vi luân lý có giá trị siêu nhiên. Ân sủng là lời mời gọi từ trên cao nhập thể vào cuộc đời và biến đổi cuộc đời. Ân sủng chính là tình yêu Thiên Chúa vậy. Và cuối cùng, con người tìm gặp được Thiên Chúa, đó là ý nghĩa và cùng đích của luân lý Kitô giáo vậy.
Việt Nam
Nguồn : TSTH Số 19 – 3/2000