Thưa các bạn,
Trong Mùa Phục Sinh này vốn sẽ dẫn đưa chúng ta tới lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và cũng đưa đưa chúng ta tới dịp bế mạc Năm Linh Mục, theo chương trình sẽ diễn ra vào những ngày 9, 10 và 11 tháng sáu tới, tôi muốn dành thời gian này suy gẫm chủ đề linh mục, cách riêng về thực tại sinh lợi của hình ảnh người linh mục trong Đức Kitô, Đấng là đầu của Thân thể, khi thi hành ba nhiệm vụ (tria munera) mà người linh mục đón nhận, nhiệm vụ giảng dậy, nhiệm vụ thánh hóa và nhiệm vụ cai quản.
Để hiểu được ý nghĩa của cụm từ : hành động trong in persona Christi Capitis – tức là trong con người của Đức Kitô, Đấng là Đầu – của người linh mục, và để cũng hiểu đâu là những hệ quả phát sinh từ nhiệm vụ đại diện Thiên Chúa, nhất là trong khi thi hành ba tác vụ này, thì trước tiên cần phải giải thích về những gì nghe được từ hạn từ “đại diện ”. Người linh mục đại diện Đức Kitô. Điều này có nghĩa là gì ? “Đại diện ” cho một ai nghĩa làm sao ? Trong ngôn ngữ thường dùng nói chung, đại diện là muốn nói đến việc một người có mặt thay thế cho một người khác, phát biểu và hành động cho một người khác, vì người đáng lẽ ra phải hiện diện thì lại vắng mặt do một lý do cụ thể nào đó. Chúng ta tự hỏi : phải chăng người linh mục cũng đại diện cho Thiên Chúa như vậy ? Câu trả lời là không, vì trong Giáo hội, Đức Kitô không bao giờ vắng mặt, Giáo hội là thân thể sống động của Đức Kitô. Người là ông Sếp của Giáo hội, và chính Người hiện hữu và vận hành trong Giáo hội. Đức Kitô không bao giờ vắng mặt, Người hiện diện một cách rất thênh thang, không lệ thuộc vào thời gian và không gian, nhờ biến cố Phục sinh mà chúng ta chiêm ngắm cách đặc biệt trong mùa Phụs Sinh này.
Chính vì vậy, người linh mục thi hành tác vụ in persona Christi Capitis và đại diện cho Thiên Chúa không phải vì do sự vắng mặt, nhưng là trong chính Con người Đức Kitô phục sinh, Đấng tỏ mình qua những hành động hoàn toàn cụ thể của mình. Đức Kitô hành động thực sự và thực hiện những gì mà người linh mục không thể làm được, chẳng hạn việc thánh hiến rượu và bánh để bánh rượu trở nên sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa, và việc ban ơn tha tội. Thiên Chúa hiện trong hành động của mình nơi người thực thi hành động này. Ba nhiệm vụ của người linh mục, vốn khác biệt, nhưng liên hệ chặt chẽ với nhau được Truyền thống xác định qua những lời truyền của Thiên Chúa : giảng dậy, thánh hiến và cai quản là một sự chuyên môn hóa sự hiện diện cụ thể này. Thực ra, ba nhiệm vụ này là ba việc làm của Đức Kitô phục sinh, chính Người, ngày hôm nay, trong Giáo hội và trong thế giới này, đang giảng dạy, kiến tạo niềm tin, quy tụ dân của Người, làm cho công lý ngự trị và xây dựng thực sự một nền hiệp thông trong Giáo hội hoàn vũ ; và thánh hiến cũng như hướng dẫn.
Nhiệm vụ đầu tiên mà tôi muốn nói đến trong ngày hôm nay là munus docendi, tức là nhiệm vụ giảng dạy. Thời buổi bây giờ, việc giáo dục là rất cấp thiết, vì thế nhiệm vụ docendi của Giáo hội, vốn được cụ thể hoá qua sứ vụ của mỗi người linh mục, được xem như đặc biệt quan trọng. Chúng ta đang sống trong tình trạng lẫn lộn lớn về những gì liên quan đến việc lựa chọn căn bản cho đời sống chúng ta và những vấn nạn như thế giới này là gì, từ đâu nó tới, chúng ta đang đi về đâu, chúng ta phải làm gì để chu toàn việc thiện, rồi cách thức mà chúng ta phải sống, đâu là giá trị đích thực. Liên quan đến tất cả những vấn đề này, có nhiều thứ triết lý trái nghịch, đang sinh ra và đang mất đi, đã tạo ra một sự lẫn lộn liên quan đến những lựa chọn cơ bản, chẳng hạn chuyện sống, vì chúng ta không còn biết cách chung chung, do đâu và tại sao chúng ta đã được dựng nên và chúng ta sẽ đi về đâu.
Bối cảnh này ứng với lời của Thiên Chúa, Đấng có lòng thương cảm khi thấy dân chúng vì họ như là đoàn chiên không có người chăn (xc. Mc 6, 34). Thiên Chúa có cảm nhận này khi Người thấy hàng nghìn người đi theo trong xa mạc, vì đứng trước đa dạng của thời cuộc, dân chúng không còn biết đâu là ý nghĩa đích thực của Sách Thánh, Lời của Thiên Chúa. Động lòng thương, Đức Kitô đã giải thích lời Thiên Chúa, chính Người là lời Thiên Chúa, và Người đã định hướng cho họ. Đó là nhiệm vụ in persona Christi của người linh mục : làm xuất hiện, trong những hỗn loạn và mất định hướng của thời cuộc hôm nay, ánh sáng của lời Thiên Chúa, là chính Đức Kitô. Vì thế, người linh mục không giảng dạy những ý riêng của mình, một thứ triết lý tự mình nghĩ ra, thứ triết lý tự sáng tạo và cảm thấy thích thú; người linh mục cũng không nói về mình, cũng không nói cho mình hòng tạo cho mình những người hâm mộ, hay một phe phái ; người linh mục cũng không nói những chuyện của mình, những điều sáng tạo ra, mà đúng hơn, trong mớ bòng bong của các loại triết lý, người linh mục giảng dạy nhân danh Đức Kitô, giới thiệu một chân lý là chính đức Kitô, lời nói và cách sống của Người và là người đi tiên phong. Với người linh mục thật có giá trị về những gì mà chính Đức Giêsu đã nói về bản thân : «Đạo lý tôi dậy không phải là của tôi “ (Ga 7, 16) ; nghĩa là chính Đức Kitô cũng không tiến cử chính mình, mà chỉ trong tư cách là Người con, Người là tiếng nói, là lời của Chúa Cha. Người linh mục cũng luôn luôn phải như thế, cũng phát biểu và hành động như thế «Giáo thuyết tôi dậy không phải là của tôi, tôi không phát tán ý tưởng của tôi hay những gì tôi thích, nhưng tôi là môi miệng là trái tim của Đức Kitô, tôi là đại diện cho một đạo lý duy nhất, chung nhất, một đạo lý đã gầy dựng nên Giáo hội hoàn vũ và đời sống vĩnh cửu”.
Mặt khác, việc người linh mục không tạo ra, không công bố ý tưởng riêng của mình, không giải dạy đạo lý của bản thân mà là của Đức Kitô, không có nghĩa là người linh mục trở nên trung tính, chỉ là kẻ phát ngôn đọc bản văn không có chút gì là của mình. Về vấn đề này, cũng cần nói đến gương của Đức Kitô, Đấng đã nói : Tôi không thuộc về tôi, tôi không sống cho tôi, nhưng tôi đến từ Chúa Cha và tôi sống cho Chúa Cha. Chính vì vậy, trong sự đồng hóa sâu xa này, đạo lý của Đức Kitô là đạo lý của Đức Chúa Cha và chính Người là một với Chúa Cha. Người linh mục loan báo lời Đức Kitô, loan báo niềm tin của Giáo hội chứ không phải ý tưởng của mình cũng phải nói : Tôi không thuộc về tôi, tôi không sống cho tôi, nhưng tôi sống với đức Kitô và từ Đức Kitô, vì thế những gì Đức Kitô đã nói trở thành lời của tôi, dù rằng lời đó không phải là của tôi. Đời sống linh mục phải trở nên giống Đức Kitô và như vậy, tuy rằng lời không của người linh mục nhưng trở thành lời rất riêng của người linh mục. Về chuyện này, thánh Âugustin đã nói : “Và chúng tôi, chúng tôi là ai ư ? Chúng tôi là những người được Đức Kitô sai đi, là tôi tớ của Người ; vì những gì chúng tôi ban phát không phải của chúng tôi mà chúng tôi kín múc từ Đức Kitô. Và chính chúng tôi, chúng tôi cũng sống từ nguồn sống đó, vì chúng tôi là những đầy tớ của Người, cũng như các anh chị em vậy (Discours 229/E, 4).
Đạo lý mà người linh mục kêu gọi truyền ban, những chân lý đức tin phải được nội tâm hóa và được sống trên con đường tâm linh cá nhân, bằng cách này người linh mục thực sự bước vào mối liên hệ thâm sâu với chính Đức Kitô. Người linh mục tin tưởng, thu lượm và tìm cách sống, trước tiên cho chính bản thân, những gì Thiên Chúa đã giảng dạy, những gì Giáo hội đã thông ban, trong hành trình đồng hóa với với chức vụ thừa tác của mình như thánh Jean-Marie Vianney đã nêu gương (xc. Lettre pour l'indiction de l'Année sacerdotale). “Hiệp nhất trong cùng một đức ái – thánh Âugustin còn nói – chúng ta là những thính giả của Đấng là người Thầy Duy nhất của chúng ta trong nước trời” (Enarr. in Ps. 131, 1. 7).
Do vậy, tiếng nói của người linh mục như “tiếng của người kêu trong sa mạc” (Mc 1, 3) ; nhưng đúng hơn đó tiếng nói có sức tiên báo : nghĩa là không bị đồng hóa cũng không hoà tan vào bất kỳ một nền văn hóa, hay một não trạng thống trị nào nhưng là chỉ ra một chiều kích mới có sức khai phóng một cuộc canh tân sâu xa và đích thực cho con người, nghĩa là cho thấy Đức Kitô là Đấng Hằng sống, Người cũng là một Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa đang hoạt động trong sự sống và cho sự sống thế gian và ban cho chúng ta một sự thật, một cách thức để sống.
Trong khi cẩn thận chuẩn bị bài giảng cho ngày đại lễ, kể cả trong những ngày thường, trong khi nỗ lực đào tạo giáo lý cho các trường, các trung tâm học vấn và đặc biệt qua cuốn sách là chính đời sống của mình, người linh mục luôn luôn là «một người thày “ giảng dạy. Nhưng không phải là với tham vọng áp đặt chân lý riêng của mình mà là với tinh thần khiêm nhường, với một niềm vui xác tín của một con người đã bắt gặp Chân Lý, của một con người đã bị Chân Lý bắt thộp và cải hóa và do vậy không thể không loan báo Chân lý đó. Quả vậy, không ai có thể tự mình chọn chức linh mục ; chức linh mục cũng chẳng phải là cách để có một đời sống an toàn, để đạt được một địa vị trong xã hội : không ai tự ban cho mình chức linh mục, cũng chẳng ai tự mình tìm thấy. Chức linh mục là sự đáp trả lời mời gọi của Thiên, đáp trả ý thánh ý của Người, để trở nên người loan báo chân lý của Thiên Chúa chứ không phải chân lý của cá riêng mình.
Các anh em linh mục quý mến, Dân Chúa Kitô xin chúng ta được nghe đạo lý chân thật của Giáo hội trong những lời giảng của chúng ta để qua đó có thể canh tân cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng trao ban niềm vui, bình an và ơn cứu độ. Về điểm này, các Sách Thánh, các tác phẩm của các Giáo phụ, của các tiến sĩ Giáo hội, sách Giáo lý Công giáo là những điểm tham chiếu rất cần thiết cho việc thi hành nhiệm vụ giảng dạy, và là điểm cơ bản cho việc hoán cải, cho con đường tìm kiếm đức tin và ơn cứu độ cho con người. “Truyền chức thánh, muốn nói rằng: được dìm [...] trong Chân lý” (xc., bài chia sẻ trong lễ Truyền dầu, 9 tháng tư 2009), Chân lý đây không đơn thuần là một ý niệm, một tổng thể những ý tưởng cần truyền trao, cần đồng hóa mà là Con Người Đức Kitô, Đấng mà nhờ Người, với Người và trong Người chúng ta sống và tất nhiên chính vì vậy lời loan báo phải có tính hiện tại và dễ hiểu. Chỉ với ý thức rằng một Chân Lý đã làm Người trong cuộc nhập thể của Ngôi Con mới làm sáng tỏ sứ vụ sai đi : “Anh em hay đi khắp tứ phương, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Chỉ có một Chân lý duy nhất khi chân lý ấy được ban cho mọi loài thụ tạo và không mảy may áp đặt nhưng là mở con tim đón nhận điều vì đó mà nó được dựng nên.
Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã trao cho các linh mục một nhiệm vụ rất lớn : trở thành những người loan báo lời của Người, loan báo Chân lý mang lại sự sống ; trở thành tiếng nói của Người trong thế gian để chuyên trở những điều thật sự tốt đẹp cho các linh hồn và cho con đường đức tin (xc. 1 Co 6, 12). Nguyện xin thánh Jean-Marie Vianney là gương mẫu cho các linh mục. Thánh nhân là một con người khôn ngoan, có sức mãnh liệt kháng cự mọi áp lực văn hoá cũng như xã hội thời đó để dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa : đơn thành, trung tín và nhạy bén là những tính chất chính yếu trong lời giảng của thánh nhân, thêm vào đó là sự trong sáng trong đức tin và trong sự thánh thiện của ngài. Dân Kitô hữu đã được gầy dựng nên từ đó và, cũng như bao nhiêu vị thầy đích thực trong thời đại chúng ta, thánh nhân đã chân nhận từ đó ánh sáng chân lý. Tóm lại, việc thánh nhân đã chân nhận cũng phải là việc các linh mục chân nhận : mình chỉ là tiếng của Vị Mục Tử nhân lành.
Chuyển ngữ Đỗ Huy Nghĩa OP