06/03/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

494

 


Lịch Sử Mối Tương Quan
Giữa Kitô Giáo Với Các Tôn Giáo


(tiếp theo và hết)


Hòa Bình


 


IV. Thần học về các tôn giáo trong các văn kiện của Tòa thánh


Từ công đồng Vaticano II đã có  sự thay đổi chiều hướng của thần học khi bàn về các tôn giáo. Xưa kia, các tôn giáo bị coi như là đạo dối trá, thờ bụt thần ma quỷ. Từ công đồng, các tôn giáo đã được nhìn nhận như là mầm mống của Ngôi Lời (semina Verbi), chuẩn bị cho Phúc âm (praeparatio evangelica). Từ chỗ nhìn nhận rằng các người ngoài Kitô giáo có thể được cứu rỗi, có những nhà thần học đi tới chỗ các tín đồ của các tôn giáo được cứu rỗi nhờ chính tôn giáo của họ. Sự chuyển hướng thần học mang theo nhiều hệ quả thực tiễn không nhỏ. Vào thời mà người ta tin rằng ai không theo đạo Kitô thì bị trầm luân sa hỏa ngục, việc truyền giáo trở thành công cuộc khẩn trương. Thế nhưng khi biết rằng các người ngoài Kitô giáo có thể được cứu rỗi, thì thử hỏi cần chi phải vất vả đi truyền giáo nữa ? Từ nay, ai nấy an phận, đạo ai người đó giữ, cần chi phải trở lại đạo nữa ?  Để đánh tan những nghi ngờ và ngộ nhận, Tòa thánh đã xuất bản hai văn kiện:


1) Thông điệp Redemptoris Missio của đức Gioan Phaolô II, về ý nghĩa của công cuộc truyền giáo, ban hành nhân dịp kỷ niệm 25 năm bế mạc công đồng Vaticano II (7/12/1990);


2) văn kiện Đối thoại và Truyền giảng do Bộ Truyền giảng Phúc âm và Hội đồng Tòa thánh về Đối thoại tôn giáo cùng soạn và ban hành ngày 19/5/1991.


1. Thông điệp “Redemptoris Missio”


Đây là một văn kiện có vài điểm liên quan tới các tôn giáo. Chúng ta có thể nêu lên những nguyên tắc tín lý và những áp dụng thực tiễn.


A. Những nguyên tắc tín lý.


1) Nguồn gốc của chương trình cứu rỗi là tình yêu của Thiên Chúa muốn mời gọi con người vào chia sẻ đời sống thần linh của Ba ngôi (số 7). Con người được cứu rỗi khi tin nhận hồng ân tình yêu Chúa được biểu lộ nơi đức Kitô trong Thánh Thần (số 12).


2) Đức Giêsu chính là Ngôi Lời nhập thể để mặc khải Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài là Đấng Cứu thế, là con đường duy nhất qua đó con người gặp gỡ Thiên Chúa (số 5). Đành rằng những người không biết đến đức Kitô cũng có thể được cứu rỗi, nhưng họ đã được ơn cứu rỗi nhờ đức Kitô nhờ hồng ân của Thánh Thần (số 10). Không thể nào tách rời đức Giêsu khỏi đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể được (số 6). Tuy rằng Thiên Chúa có thể dùng những hình thức và cấp độ môi giới khác nhau, nhưng tất cả các hình thức đó đều thông dự vào vai trò trung gian của đức Kitô, chứ không phải là song song hay độc lập với Ngài (số 5).


3) Thánh Thần tác động vượt lên mọi biên cương của thời gian và không gian. Ngài tác động :




  • · trong con tim của mỗi người;



  • · trong các hạt giống chân lý gieo vào các nền văn hóa và tôn giáo;



  • · trong những nỗ lực của con người tìm về chân thiện mỹ (số 28).



Tuy nhiên không thể nào tách rời tác động của Thánh Thần trong vũ trụ ra khỏi tác động của Thánh Thần nơi đức Kitô và trong Giáo hội. Chỉ có một Thánh Thần duy nhất (số 29).


4) Hội thánh đã được đức Kitô đặt làm nhiệm tích, tức là dấu chỉ và dụng cụ trong công cuộc cứu rỗi. Giáo hội phục vụ Nước Chúa bằng việc rao truyền Tin mừng, bằng việc thiết lập các cộng đoàn tín hữu để sống tinh thần Phúc âm; bằng việc thăng tiến các giá trị nhân bản, chẳng hạn như : công bằng, yêu thương, giáo dục, sức khoẻ v.v... (số 20). Tuy rằng có những người ngoài Giáo hội hữu hình được Chúa ban ơn cứu rỗi, nhưng họ cũng có liên lạc phần nào với Giáo hội, ít là do lời cầu nguyện của Giáo hội (số 10).


Thông điệp muốn trình bày thần học về các tôn giáo dựa trên mầu nhiệm của Ba Ngôi. Thiên Chúa yêu thương và muốn cho mọi người hạnh phúc. Ý muốn đó được thể hiện qua việc gieo những mầm mống chân lý và thánh thiện vào con tim của mỗi người cũng như qua các nền văn hóa và tôn giáo, nhờ đó con người nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa và đáp lại qua việc tuân theo tiếng nói của lương tâm. Những gì tốt đẹp chân thật trong vũ trụ đều là hoa trái của Ngôi Lời và Thánh thần. Tuy rằng những người không biết đức Kitô và Giáo hội của Ngài có thể được cứu rỗi, nhưng không thể nói rằng họ được cứu rỗi không qua trung gian của đức Kitô và không nhờ ảnh hưởng của Giáo hội. Bằng những đường lối nhiệm mầu, Thánh Thần giúp cho họ được tiếp xúc với mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô.


B. Những áp dụng thực tiễn


Công tác truyền giáo được tiến hành bằng những đường lối khác nhau : chứng tá bác ái, rao giảng đức Kitô, sự cải hoán và gia nhập Giáo hội, việc thiết lập các cộng đoàn, đối thoại tôn giáo, hội nhập văn hóa, thăng tiến nhân phẩm. Sự đối thoại tôn giáo là một trong những con đường của việc truyền giáo (số 55-57). Sự đối thoại giúp cho nhà truyền giáo nhìn nhận  ra những mầm giống của chân lý tiềm tàng trong các nền văn hóa và các tôn giáo; đồng thời giúp cho chính mình đào sâu hơn về căn cước của mình và sống thích hợp hơn với yêu sách của sứ điệp Tin mừng. Nói cách khác, việc đối thoại tôn giáo không hề làm suy giảm nhiệt khí truyền giáo, nhưng thúc đẩy chúng ta nhiệt thành sống và thông truyền Phúc âm hơn.


2. Đối thoại và Truyền giảng


Văn kiện này tuy ra đời sau thông điệp "Redemptoris Missio" nhưng đã được soạn thảo từ mấy năm trước. Vào năm 1984, Văn phòng liên lạc với các tôn giáo đã xuất bản văn kiện mang tựa đề "Đối thoại và truyền giáo" (được thông điệp trích dẫn ở chú thích số 99). Do đó có thể coi văn kiện "Đối thoại và Truyền giảng" như là một thứ tái bản có sửa đổi. Văn kiện được chia làm ba phần :


1/ Đối thoại tôn giáo.


2/ Truyền giảng đức Kitô.


3/ Mối liên hệ giữa đối thoại và truyền giảng.


Giá trị của các tôn giáo trong lịch sử cứu độ được trình bày khá rộng trong phần thứ nhất.


Ngoài những bản văn của công đồng bàn về giá trị của các tôn giáo, văn kiện còn muốn trình bày một học thuyết mạch lạc, khởi sự từ Cựu ước (số 19-20) nói đến một lịch sử duy nhất dành cho toàn thể nhân loại; sang đến Tân ước cho thấy ơn cứu rỗi được dành cho muôn dân (số 21-23). Đặc biệt, các giáo phụ Giustinô, Irêneô, Clêmentê Alexanđria cho thấy rằng Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại dưới nhiều hình dạng và giao ước khác nhau (giao ước với Adong, với Noe, với Moisen, và với đức Kitô), đưa tới sự sung mãn nơi đức Kitô (số 24-25).


Sự hiện hữu của những yếu tố tích cực nơi các tôn giáo đòi hỏi chúng ta một thái độ kính trọng khi tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, việc nhìn nhận rằng các tôn giáo có những yếu tố của ơn thánh không có nghĩa là tất cả đều là hậu quả của ơn thánh. Cũng như bao nhiêu thực tại khác trên đời này, các tôn giáo cũng bị tội lỗi len lỏi vào. Việc đối thoại chân thành sẽ không ngần ngại vạch ra những khuyết điểm ấy.  Mặt khác, kể cả Kitô giáo, tuy chứa đựng sự sung mãn của mặc khải Thiên Chúa, nhưng cũng gồm bởi những phần tử nhân loại và chịu ảnh hưởng bởi những giới hạn của con người. Giáo hội vẫn còn cần được Thánh Thần hướng dẫn để thấu hiểu toàn thể chân lý của đức Kitô. Hơn thế nữa, những phần tử của Giáo hội mang đầy tội lỗi và luôn luôn cần cải hoán với Tin mừng. Giáo hội chưa phản ánh rạng ngời thánh thiện của hiền thê của đức Kitô; Giáo hội chưa đạt tới sự thành toàn của Nước Chúa (số 33-41).


Trong bối cảnh đó, việc đối thoại không nhằm để bươi móc xấu xa của đối phương nhưng là chia sẻ những nỗ lực tiến tới chân lý hoàn hảo. Người kitô hữu có thể thâu thái những yếu tố tốt đẹp nơi các tôn giáo khác để kiện toàn hơn sự hiểu biết về chân lý của đạo mình hay về cách thức sống đạo. Việc đối thoại cũng giúp cho mình đào sâu thêm đức tin của mình, và kiểm điểm xem lối sống của mình cho hài hòa với đạo lý Phúc âm hay không. Ngoài ra, sự đối thoại tôn giáo không chỉ giới hạn vào lãnh vực học thuyết nhưng còn bao hàm nhiều hình dạng khác nhau :




  • · đối thoại cuộc sống, nghĩa là sống tinh thần thân thiện cởi mở với láng giềng, trao đổi những chuyện vui buồn hàng ngày;



  • · đối thoại công tác, khi hợp lực với các tín đồ của các tôn giáo khác để thực hiện những công tác xã hội;



  • · đối thoại về học thuyết giữa các chuyên viên;



  • · đối thoại về cảm nghiệm tâm linh (số 42).



Sang phần áp dụng thực tiễn, văn kiện nêu ra những điều kiện cần có khi đối thoại (số 47-50) và những trở ngại cho cuộc đối thoại (số 51-54).


Hai phần còn lại của văn kiện trình bày ý nghĩa của việc truyền giảng Đức Kitô. Sự truyền giảng và sự đối thoại không đối chọi với nhau cũng chẳng thay thế cho nhau. Đó là hai con đường bổ túc cho nhau trong việc thi hành sứ mạng truyền bá Tin mừng (và còn nhiều con đường khác nữa, thí dụ như : sự cầu nguyện, việc bác ái..). Nói cho cùng, cả hai đều nhằm tới con người, những con người cụ thể : việc rao giảng Tin mừng nhằm trình bày cho con người con đường hạnh phúc mà Chúa đã mặc khải; mặt khác, việc rao giảng cần được thực hiện với tâm tình yêu mến và kính trọng phẩm giá của người mà mình tiếp xúc. Nguồn gốc và tác nhân của ơn cứu rỗi là chính Thiên Chúa, còn Giáo hội chỉ là dụng cụ.


Kết luận


Khi bàn đến thần học về các tôn giáo, chúng tôi chỉ mới xét tới những văn kiện trình bày các tôn giáo nói chung. Chúng ta cần phải bổ túc với những văn kiện bàn riêng tới từng tôn giáo (Do thái, Hồi giáo, Phật giáo) v.v..., tùy theo hoàn cảnh mỗi địa phương. Cách riêng tại Á châu, việc đối thoại tôn giáo cần phải đi đôi với những công tác giúp giải thoát con người khỏi những gì hạ giá phẩm giá của mình : nghèo đói, dốt nát, áp bức, kỳ thị v.v....        


         


Thư tịch


Jacques Dupuis, Dialogo e Annuncio in due recenti documenti, in : "Civ. Catt." 1992/22, 221-236. Joseph Masson, Le dialogue entre le religions. Deux documents récents, in : "Nouv. Rev. Théol." 114 (1992) 726-737.


 


 

114.864864865135.135135135250