11/08/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

873

 


 


Kinh Nguyện Gia Đình Đaminh


 


 


Phan Tấn Thành, OP


 


 


 


Chương VIII: Kinh Kính Các Thánh Dòng


 




Ngày 18 tháng 9


THÁNH GIO-AN MAI SAN



Tu Sĩ (+1645), Lễ Nhớ





Thánh Gio-an Mai-san là bạn thân của thánh Mác-ti-nô Po-rét, thánh nhân sinh tại Tây Ban Nha khoảng năm 1585 trong một gia đình thuộc dòng dõi quí tộc nhưng đã bị phá sản. Cậu Gio-an Mai-san mồ côi cha mẹ từ rất sớm và được người chú ở giáo phận Pa-len-xi-a nhận nuôi dưỡng. Ngay từ tấm bé, cậu Mai-san đã phải làm nghề chăn cừu. Cậu là một người đứng đắn và rất đạo đức, có lòng mộ mến và siêng năng lần chuỗi Mân côi. Người ta kể lại rằng : cậu thường lần chuỗi mỗi ngày ba lần để cầu nguyện cho chính bản thân, cho những người tội lỗi và cho các linh hồn trong luyện ngục.



Một ngày kia, cậu thanh niên Mai-san rời quê hương đáp tàu đi Nam Mỹ cùng với một thương gia để phụ giúp ông này trong việc kinh doanh. Cậu Mai-san đã đi qua nhiều nơi trên miền đất mới này và cuối cùng đến Li-ma, tại đây, cậu xin gia nhập Dòng Đa Minh theo bậc trợ sĩ. Thầy Mai-san trẻ hơn thầy Mác-ti-nô Po-rét khoảng 16 tuổi. Khi đó,



thầy Mác-ti-nô sống ở tu viện Đức Mẹ Mân Côi, còn thầy Gio-an Mai-san sống ở tu viện thánh Ma-ri-a Mác-đa-la.



Theo gương thầy Mác-ti-nô, thầy Mai-san đã sống một cuộc đời khổ hạnh bằng cách ăn chay, mặc áo nhặm, đánh tội phạt xác bằng roi sắt, và thường thức khuya để đọc kinh cầu nguyện. Thầy quả là một người khiêm nhường rất đáng mến phục, ròng rã 12 năm nâng đỡ, vấn an, chia sẻ với những người bị tù đày áp bức, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Thầy còn tỏ bày lòng yêu thương nồng nhiệt đối với các bệnh nhân và những người nghèo khổ : "Mỗi ngày, thầy nuôi dưỡng 200 người, tận tâm phục vụ họ với tất cả tấm lòng, an ủi họ khi thì bằng những phần quà, khi thì quần áo hay tiền bạc nhặt nhặn từ những cuộc lạc quyên, ân cần giúp đỡ họ bằng những công việc khiêm tốn." Thầy đã hăng hái thi hành trách vụ khuyên bảo những người đang rơi vào cơn khủng hoảng và dẫn dắt họ đến gặp gỡ Thiên Chúa. "Người anh em này tuy không có điều kiện trau dồi kiến thức nhưng vẫn có khả năng nói về Thiên Chúa như một tiến sĩ."



Cuối cùng, giống như thầy Mác-ti-nô, "sau khi đã tiên báo về ngày chết, thầy Mai-san còn tiếp tục chịu khổ chế bằng cách thắt quanh lưng mình một sợi xích sắt", thầy qua đời ngày 17-9-1645 ở tuổi 60. Đức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI đã tôn phong chân phước cho người vào năm 1837. Đức Phao-lô VI ghi tên người vào sổ các thánh 28-9-1975.



Lời nguyện nhập lễ :


Lạy Chúa, Đấng yêu thương và cứu vớt nhân loại, Chúa đã thôi thúc Thánh Gio-an Mai-san hết lòng phục vụ mọi người. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin ban cho chúng con luôn gắn bó với mầu nhiệm lòng từ bi Chúa và sẵn sàng hy sinh của cải cũng như mạng sống vì anh em. Chúng con cầu xin…


 


Ngày 28 tháng 9


THÁNH ĐA-MINH I-BA-NHÊ Ê-QUI-XI-A



VÀ GIA-CÔ-BÊ KI-U-XÊ-I TÔ-MÔ-NA-GA, Linh mục ;


LÔ-REN-XÔ RU-I, giáo dân và 13 ĐỒNG BẠN


Tử dạo, Lễ nhớ.



 


Đoàn chứng nhân gồm 16 vị này đã lãnh phúc tử đạo vào các năm 1633, 1634, 1637, góp phần xây dựng Hội Thánh ở Na-ga-xa-ki. Các vị gồm đủ thành phần tác vụ ; có hoặc không có chức thánh. Các vị chịu chết bằng nhiều cực hình rất kinh khủng : bị kẹp cổ treo trên thập giá hay bị chôn sống, xác bị thiêu đốt, hài cốt bị vứt bỏ tứ tán. Các vị tử đạo này gồm 9 người Nhật Bản, 4 người Tây Ban Nha, 1 người Pháp, và 1 người Ý. Cha Đa Minh I-ba-nhê Ê-qui-xi-a, người



được phúc tử đạo đầu tiên vào ngày 14-8-1633. Ông Lô-ren-xô Ru-i, quê tại Ma-ni-la, một giáo dân có gia đình, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Phi-líp-pin, chịu chết ngày 29-9-1637. Thuộc Gia đình Đa Minh có 13 vị, 3 vị khác có liên hệ với Dòng.



Đức Gio-an Phao-lô II đã long trọng suy tôn các vị lên bậc hiển thánh ngày 18-10-1987.



Lời nguyện nhập lễ :


Lạy Chúa, Thánh Đa-Minh I-ba-nhê và các bạn tử đạo đã lấy lời nói và máu mình rao giảng lòng thương xót vô biên, xin Chúa vì lời cầu thay nguyện giúp của các ngài, ban cho chúng con được thăng tiến trong sự hiểu biết Chúa và trung thành sống theo chân lý Phúc âm trước tôn nhan Chúa và trổ sinh hoa trái bằng mọi việc lành. Chúng con cầu xin …


 


Ngày 5 tháng 10


THÁNH RAY-MUN-ĐÔ CA-PU A


Linh mục (1399), Lễ nhớ tự do.





Chúng ta biết được chân phước Rây-mun-đô là nhờ phần lớn những tin tức từ thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na. Những cuộc liên lạc trao đổi giữa họ là nguồn thông tin xác thực nhất để chúng ta nhận biết tâm hồn và tính tình của cha Rây-mun-đô Ca-pua. Thế nhưng, sự nghiệp của cha không chỉ giới hạn trong những mối tương quan giữa cha với thánh nữ, mà còn được tỏ lộ qua những chức vụ đặc biệt ở trong Dòng.



Cha Rây-mun-đô chào đời ở Ca-pua quãng năm 1330 và gia nhập Dòng trước 20 tuổi. Sau khi mãn trường, cha nhận chức giáo sư ở Bô-lô-ni-a và Rô-ma, rồi làm linh hướng cho các nữ tu Đa Minh ở Môn-tê-pun-xi-a-nô. Tại đây, cha đã cho xuất bản cuốn tiểu sử thánh A-nê vào năm 1366. Chắc chắn vào thời kỳ này cha đã liên lạc với chị Ca-ta-ri-na.



Vào năm 1367, cha được bầu làm tu viện trưởng ở Mi-ne-vê và di chuyển đến miền Xi-ê-na năm 1370. Cha mau chóng trở thành người bạn tâm phúc và là người bảo vệ cho những lập trường của chị Ca-ta-ri-na. Ba năm sau, cha nhận chức giảng sư ở Phi-ren-xê. Tuy nhiên, tại Tổng hội diễn ra năm 1374, chị Ca-ta-ri-na được mời đến để được Dòng "xét xử" : chị đã gột rửa tất cả các tin đồn nhảm mà dư luận áp đặt giữa chị và cha Rây-mun-đô. Sau đó, Dòng đã chính thức công nhận "tất cả những quyền hạn chị có thể thi hành trong vai trò là thành viên của Dòng". Kể từ đó, cha Rây-mun-đô được chỉ định làm Giám đốc học vụ và Giáo sư Kinh thánh tại tu viện Xi-ê-na. Những liên lạc giữa chị Ca-ta-ri-na và cha Rây-mun-đô ngày càng mờ nhạt cho tới



khi chị Ca-ta-ri-na qua đời. Vì chị Ca-ta-ri-na đã nhận cha Rây-mun đô làm linh hướng, nên chắc hẳn chị đã tiếp nhận được nhiều quan điểm thần học thông thái của cha, nhưng người ta không biết ai là "lãnh đạo" của ai. Từ sự lo ngại tự nhiên, đôi khi cha hướng dẫn chị Ca-ta-ri-na trong một cung cách rất dè dặt ; cha phải theo chị gần như hụt hơi trong những cuộc xuất thần huyền nhiệm của chị. Một buổi chiều nọ, khi chị Ca-ta-ri-na đang say sưa nói chuyện với cha thì cha ngủ gục, chị liền lay người dậy và nói : "Thật là lầm lẫn, giấc ngủ đã chiếm đoạt linh hồn của cha rồi ư ? Nếu con nói về Chúa, thì đó không phải là nói cho những bức tường, nhưng là nói cho cha !" Cũng như nhiều tu sĩ khác, cha Ca-pua đã được chị Ca-ta-ri-na huấn luyện cho cách săn sóc các bệnh nhân dịch hạch ở thành Xi-ê-na, quả thực, chính cha đã thú nhận rằng nếu không có chị dẫn dắt thì có lẽ sự dấn thân của cha nơi những bệnh nhân dịch hạch đã cướp mất sinh mạng của cha rồi.



Cùng hai tu sĩ khác, cha Rây-mun-đô đã đồng hành với chị Ca-ta-ri-na trong chuyến đi đầu tiên đến Pi-xa : đức giáo hoàng đã ủy thác cho họ tất cả quyền hành như các giám mục và các giám chức để tha thứ cho tất cả những ai nhờ sự khuyến khích của chị Ca-ta-ri-na mà quyết tâm xưng thú tội lỗi của mình. Chị đã cử cha Rây-mun-đô đi A-vi-nhông trước khi đích thân đến đó để khuyến khích đức Ghê-gô-ri-ô XI trở về giáo đô. Khi đức giáo hoàng về đến Rô-ma, chị đã nhờ cha Rây-mun-đô đứng ra hậu thuẫn cho đức thánh cha. Một lần nữa, cha Rây-mun-đô được tái cử làm tu viện trưởng tại Mi-ne-vê năm 1377. Họ cùng nhau xiết chặt hàng ngũ bên cạnh đức thánh cha U-ban-nô VI khi cuộc ly giáo lan rộng ; chị đã thuyết phục đức giáo hoàng cử cha Rây-mun-đô làm sứ giả đến với vua nước Pháp để can gián vua đừng xen vào cuộc ly giáo. Cha Rây-mun-đô ra đi, nhưng để tránh những cuộc bạo động từ phía quân đội của giáo hoàng ở A-vi-nhông nên cha đành phải lưu lại Giê-nét. Quả thực, cha không thích những cuộc mạo hiểm vô ích. Nghe biết chuyện này, chị Ca-ta-ri-na không thể kìm hãm nổi cơn giận : "Nếu cha không thể đứng thẳng để đi đến đó, thì xin cha hãy bò đến đó ; nếu cha không thể đến như một tu sĩ thì hãy đến như một khách hành hương ; nếu cha không có tiền, thì hãy xin cha cứ đi quyên góp. Bằng bất cứ cách nào, cha cần phải đến đó !" Thế nhưng, cha Rây-mun-đô vẫn ở lại Giê-nét, tại đây, cha đã rao giảng một cách hùng hồn để thu hút sự ủng hộ về phía đức thánh cha U-ban-nô VI. Năm 1379, cha trở thành giám tỉnh tỉnh dòng Lom-bác-đi-a. Chị Ca-ta-ri-na viết cho người lá thư cuối cùng và qua đời ngày 29 tháng 4 năm sau. Mười ba ngày sau, tổng hội tuyên bố bãi chức bề trên tổng quyền của tu sĩ Ê-li-ơ ở Tu-lu-dơ, bởi lẽ vị này đã ủng hộ đức giáo hoàng ở A-vi-nhông đồng thời chọn cha Rây-mun-đô lên kế vị. Từ đó, cha cống hiến phần lớn hoạt động của mình cho việc tái thiết Dòng đang bị nạn dịch hạch và cuộc chia rẽ trong Giáo hội làm tê liệt. Cha từng bước làm cho Dòng thích ứng với hoàn cảnh mới, và nhờ vào sự ủng hộ tự nguyện của những anh em có tâm huyết, cha đã thiết lập các tu viện có nếp sống kỷ cương để cổ võ cuộc canh tân rộng rãi trong các tỉnh dòng. Trong chuyến viếng thăm tỉnh dòng Đức, sau khi chủ tọa tổng hội Phơ-răng-pho, cha qua đời tại Nu-rem-bơ năm 1399. Vài năm trước đó, cha đã hoàn tất cuốn "Cuộc đời thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na" với chủ đích muốn được chia sẻ niềm hân hoan với Giáo hội trong cuộc phong thánh cho chị nữ tu.



Lời nguyện nhập lễ :


Lạy Chúa,


Chúa đã kêu gọi Chân Phước Ray-mun-đô dùng đời sống tận trung với đức ái hoàn hảo mà giành lấy vương quốc của Chúa. Xin vì lời cầu của chân phước ban cho chúng con được luôn luôn hân hoan tiến bước trên con đường yêu mến. Chúng con cầu xin …



 


Ngày 9 tháng 10


THÁNH LU-I BÊ-TRAN


Linh mục (1526-1581), lễ nhớ




Thánh Lu-i sinh ngày 1-1-1526 tại Va-len-xi-a, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý phái và đạo đức. Năm 16 tuổi, vì muốn vào tu viện thánh Gia-cô-bê, người đã trốn khỏi nhà trái ý thân phụ. Bị bắt trở về và cấm không được lui tới với Dòng Anh em Thuyết giáo, người vẫn kín đáo đến công hội tu viện để nghe huấn đức. Sau cùng, ngày 26-8-1544, người được lãnh tu phục, mặc dầu song thân vẫn chống đối. Người cố hết tâm lực đạt tới hình ảnh trọn hảo của một tu sĩ Thuyết giáo, và đã thực sự trở thành một "lý tưởng" của Dòng, và là gương mẫu cho các tập sinh được người huấn luyện. Kết hợp cuộc sống nhiệm nhặt với nhiệt tâm tông đồ để truyền bá đức tin, năm 1562, người đã xin đến tận một vùng xa xôi của châu Mỹ, nay là nước Cô-lôm-bi-a.



Bảy năm sống tại nơi đó, thánh Lu-i tận tụy phục vụ dân bản xứ, và đã đưa nhiều người về với ánh sáng Tin Mừng. Nhờ ơn lạ, họ hiểu được người, mặc dầu người chỉ nói tiếng bản quốc (tiếng Tây-ban-nha). Người dạy cho họ biết văn hóa nhân bản và bênh vực họ chống lại những kẻ áp bức. Được đức giám mục Ba-tô-lô-mê-ô Lát Ca-xát cổ võ, người can đảm đương đầu với những quan chức thực dân. Hồi hương năm 1569, người hoàn toàn dấn thân vào tác vụ canh tân đời sống ki-tô hữu và tu trì, hăng say học tập nên thánh, với đặc điểm là lòng kính sợ Chúa.



Người từ trần tại Va-len-xi-a ngày 9-10-1581. Đức Cơ-lê-men-tê X tôn người lên bậc hiển thánh ngày 12-4-1671. Năm 1936, trong cuộc nội chiến tàn khốc, thi hài ngươì đã bị hỏa thiêu.



Lời Nguyện :


Lạy Chúa là đấng toàn năng và thương xót,Chúa đã phú ban cho Thánh Lu-I lòng kính sợ thánh danh Chúa; Xin đốt lên trong tâm hồn chúng con ngọn lửa thần linh ấy, để chúng con trung thành phục vụ Chúa bằng cả lòng yêu mến lẫn lòng kính sợ. Chúng con cầu xin…



 


Ngày 3 tháng 11


THÁNH MÁC-TI-NÔ PO-RÉT


Tu sĩ, lễ kính




Thánh Mác-ti-nô sinh năm 1579 tại Li-ma, nước Pê-ru. Người là con một hiệp sĩ Tây Ban Nha tên là Gio-an và một phụ nữ da đen được giải phóng tên là An-na Vê-lát-khê. Giữa hàng chư thánh, thánh Mác-ti-nô là một chứng tá của người da đen bị khinh miệt một cách bi thảm ở Tân Thế giới. Đang giúp việc một người thợ hớt tóc, thánh Mác-ti-nô xin gia nhập Dòng Đa Minh trong bậc trợ sĩ tại tu viện Đức Mẹ Mân Côi ở Li-ma. Cũng tại tu viện này, thánh Mác-ti-nô được tuyên khấn trọng thể năm 1603.



Thánh Mác-ti-nô có lòng đơn sơ, thanh bạch và đức tin phi thường. Được cắt đặt làm những việc thường hèn, nhưng người lại được Chúa cất nhắc lên, với nhiều hồng ân và đoàn sủng cao siêu. Người rất nhiệt thành sùng kính mầu nhiệm thánh Thể và cuộc Thương Khó của Chúa Cứu Chuộc. Người hiến cả cuộc đời để làm việc bác ái nơi người nghèo, nhất là những người đau yếu, và còn chăm sóc cả loài vật nữa. Người được phong làm bổn mạng anh em trợ sĩ quả là xứng đáng. Theo gương Chúa Giê-su, người quý trọng việc ăn chay, hãm mình và cầu nguyện, nhất là cầu nguyện ban đêm. Từ việc cầu nguyện đó, người đã kín múc được nguồn sáng soi dẫn người cách lạ lùng trong trong cách thức giảng dạy giáo lý.



Thánh Mác-ti-nô qua đời ngày 3-11-1639 tại Li-ma. Đức Ghê-gô-ri-ô XVI tôn người lên bậc chân phước năm 1837. Thánh Mác-ti-nô được mọi người dân Bắc Mỹ và Nam Mỹ sùng mộ không những vì đức khiêm tốn phi thường của người, mà còn vì chính bản thân người đã là một dấu chỉ. Ngày 6-5-1962, Đức Gio-an XXIII ghi tên người vào sổ các hiển thánh.



Lời nguyện :


Lạy Chúa, Chúa đã dẫn đưa Thánh Mác-ti-nô qua con đường khiêm nhu ẩn dật đến vinh quang thiên quốc. Xin cho chúng con ngày nay biết noi gương người để mai sau được cùng người hưởng nhan thánh Chúa. Chúng con cầu xin


 


Ngày 6 tháng 11


THÁNH PHAN-XI-CÔ CA-PI-LA,



AN-PHONG NA-VA-RÊ-TÊ, Linh mục.



VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO tại VIỄN ĐÔNG.


Lễ nhớ





Đức giám mục Phan Sinh Ca-pi-la là vị tử đạo tiên khởi ở Trung Quốc.



Chân phước Phan-xi-cô Ca-pi-la là người Tây Ban Nha sinh năm 1608 ở Ban-kê-rin, Cam-pô, thuộc giáo phận Pa-len-xi-a. Người đã lãnh tu phục và học ở tu viện thánh Phao-lô nổi tiếng ở Van-la-đô-líc. Ở đây, người nghe nói nhiều về những sứ vụ truyền giáo mới ở vùng Viễn Đông. Sau khi lãnh nhận chức phó tế, người xin được sang Phi-líp-pin để hoàn tất chương trình đào tạo và lãnh tác vụ linh mục tại Ma-ni-la. Người đã rao giảng lời Chúa suốt 10 năm tại giáo phận Ca-da-gan. Điểm nổi bật trong cuộc đời của người là việc ăn chay trường kết hợp với tinh thần sám hối, vì lòng thương yêu những bệnh nhân nên người xin phục vụ trong bệnh viện do các tu sĩ đảm trách.



Vào năm 1642, cùng với cha Phan Sinh Đi-át, người được cử đi truyền giáo tại Trung quốc. Sau khi cấp tốc học tiếng Hoa, người đi rao giảng Phúc Âm ở tỉnh Phúc Kiến và đã thu hút được nhiều tâm hồn hoán cải. Trước sự việc đó, quan lại ở vùng Phô-gan bị kích động và bắt đầu hãm hại các ki-tô hữu. Hoàng đế Trung Quốc đã điều một sứ giả đến Phô-gan để nghe ngóng dư luận của những người ngoại giáo và bảo vệ các ki-tô hữu. Vụ việc được giàn xếp theo chiều hướng có lợi cho các ki-tô hữu, điều này đã kích động cơn giận dữ của giới cầm quyền địa phương.



Thế là một cuộc thảm sát tàn bạo xảy ra sau đó. Bị bắt giữ và giải đi từ tòa án này đến tòa án khác, song chân phước Phan Sinh với lòng trung kiên đã chịu những khổ hình tàn bạo, khổ hình kẹp chân mà trong đó hai mắt cá chân bị xiết giữa hai tấm ván cho đến khi xương bị trật ra, khổ hình tra tấn bằng roi. Sau đó, dù bị giam trong tù, người vẫn tiếp tục sứ vụ tông đồ của mình bên các bạn tù, người đã hoán cải những giáo dân bị án tử và những người ngoại giáo phạm pháp, đưa họ trở về với Chúa Ki-tô Giê-su. Khi người ta đến tìm bắt người để đưa đi hành hình, họ thấy người đang cầu nguyện và suy gẫm những mầu nhiệm Thương Khó qua việc lần chuỗi kinh Mân côi. Người bị xử trảm vào ngày 15 tháng giêng năm 1648.



Các ki-tô hữu đã chôn táng người với lòng ngậm ngùi thương nhớ, nhưng trong một cuộc bách hại về sau, những kẻ ngoại giáo đã khai quật và quăng hài cốt của người tứ tán. Các anh em tu sĩ chỉ có thể bảo toàn được cái sọ của người. Đầu tiên họ mang chiếc sọ ấy đến Ma-ni-la, sau đó đến tu viện thánh Phao-lô ở Van-la-đô-líc để bảo quản. Đức Pi-ô X đã tuyên phong người vào hàng ngũ các thánh tử đạo năm 1909.



Năm 1867, Đức Pi-ô IX suy tôn lên bậc chân phước cho 205 vị chứng nhân được lãnh phúc tử đạo trong cuộc bách hại khủng khiếp ở Nhật Bản suốt một phần tư đầu thế kỷ XVII và hầu như hoàn toàn giải trừ đạo Công giáo trong suốt hai thế kỷ. Một số tu sĩ thuộc dòng Tên, dòng Phan Sinh, dòng Âu Tinh và Dòng Đa Minh cũng đã lãnh phúc tử đạo tại đây, trong số này, hơn một nửa là tu sĩ Đa Minh cùng các linh mục và các giáo dân thuộc dòng Ba Đa Minh.



Năm 1617, người đầu tiên chịu phúc tử đạo là tu sĩ An Phong Na-va-rết người thành Cát-ti-nê thuộc Tây-ban-nha. Khi ấy người đang giữ chức bề trên phụ tỉnh, vì giàu lòng bác ái nên người được tặng một một biệt danh là "Vinh Sơn Phao Lô" của Nhật Bản. Thật vậy, cùng với một tu sĩ dòng Âu Tinh, người thành lập ở Na-ga-xa-ki những hội từ thiện để săn sóc các bệnh nhân và những trẻ em bị bỏ rơi. Người bị bắt và bị xử trảm ở Ô-mua-ra, nơi đây các ngài đã rao giảng và củng cố lòng can đảm cho các ki-tô hữu đang chịu bách hại.



Tháng 12 năm 1618, chính phủ thành phố Na-ga-xa-ki chặn bắt nhiều nhà truyền giáo, trong số đó có cha An-giê Ô-xu-xi người Ý, và cha An-giê Đa Minh, người Tây Ban Nha, cả hai đều thuộc tỉnh dòng Phi-líp-pin. Các ngài vừa mới đến Nhật vào tháng 8 thì đã bị bắt ; đồng thời chính phủ còn bắt cả những người chủ nhà và những người phụ giúp các ngài. Cha An-giê đã chết rũ tù vào tháng 3 năm sau.



Tháng 5 năm 1619, đến lượt cha Phan Sinh Mô-ra-lê, bề trên giám tỉnh và cha An Phong Mê-na, người sáng lập nên những hội truyền giáo năng nổ ở Nhật, hai vị là người thành Cát-ti-lê thuộc Tây-ban-nha đã làm việc ở Nhật từ năm 1602 đều bị bắt giữ. Cùng một số ki-tô hữu đã cho các ngài ẩn náu, họ bị giải đến nhà tù Ô-mua-ra. Kiểu nhà tù này là một chiếc lồng bằng tre đặt ở trên đỉnh một ngọn đồi và phơi ra giữa trời, chiếc lồng quá chật đến nỗi nhiều tù nhân không thể tìm được chỗ ngả lưng vào ban đêm.



Tháng 8 năm 1620, những tên cướp biển người Anh chiếm một chiếc tàu. Trên tàu này có một tu sĩ dòng Âu Tinh và một tu Dòng Đa Minh là cha Lu-y Phơ-lo-rết, người vùng Phơ-la-man, đã lãnh tu phục ở Mê-hi-cô, thuộc tỉnh dòng Phi-líp-pin. Những tên cướp giao nộp các ngài cho người Hà Lan. Các ngài bị tra tấn và bị giao cho giới cầm quyền thành phố Na-ga-xa-ki. Ý định vượt ngục của cha Phơ-lo-rết đã không thành. Một năm sau, hai cha và thuyền trưởng Fi-ra-gia-ma đã bị thiêu sống ; cùng thông chia phúc tử đạo với các ngài, 10 thủy thủ của tàu vốn đều là thành viên hội Mân côi cũng đã bị xử trảm. Trong đám đông dân chúng chứng kiến cuộc hành quyết, ba tu sĩ Dòng Đa Minh và vô số ki-tô hữu đã cất lên bài thánh thi Ngợi Khen (Magnificat) và thánh thi Lạy Thiên Chúa (Te Deum).



Tháng 4-1621, trong một túp lều neo đơn, cảnh sát bắt được cha Gia Thịnh Óoc-pha-nen người thành Va-len-xi-a thuộc Tây-ban-nha, một thầy giảng và một thầy giúp lễ của người. Họ bị bỏ tù ở Na-ga-xa-ki rồi ở Ô-mua-ra. Ngày 17-8, đến lượt cha Giu-se thuộc tu viện thánh Gia Thịnh, người thành Tê-lê-đan, bị bắt cùng với một thầy giảng và những ki-tô hữu đã che giấu người.



Nhiều người khác đã nối gót họ, trong số đó có tu sĩ Phê-rô Va-két, tu sĩ Lu-i Bê-tran - vị này là cháu của thánh Lu-i Bê-tran- và tu sĩ Đa Minh Cát-ten-lét, họ được mệnh danh là "những người giàu đức hạnh, siêng năng nguyện gẫm và nhiệt tâm với công việc nhà Đức Chúa Trời." Một trăm người Nhật đã bị bắt ở những thời điểm khác nhau và thuộc các dòng khác nhau. Chín vị đã lãnh tu phục ở bậc tư giáo và ở bậc trợ sĩ theo giúp các linh mục trong việc dạy giáo lý ; những vị khác và con cái của họ đều thuộc Dòng Ba Đa Minh hoặc thành viên của hội Mân Côi.



Ngày 10-9-1622 là ngày diễn ra một cuộc đại hành quyết ở thành phố Na-ga-xa-ki, những vị tử đạo bị bắt năm 1597 đã chịu đóng đinh trên một ngọn đồi. Các tu sĩ, thầy dạy giáo lý và một số vị khác bị quy kết là những tội phạm nguy hiểm, nên họ bị thiêu sống hoặc xử trảm.



Hai ngày sau, tức ngày 12 tháng 9, chính phủ Na-ga-xa-ki chuyển giao tất cả những người còn bị giam giữ cho giới cầm quyền ở Ô-mua-ra để thiêu sống họ. Trong đó có cha Tô-ma Giu-ma-ra-ga, một tu sĩ Đa Minh người Tây Ban Nha, đã làm việc ở Nhật từ năm 1602, người đã tổ chức những buổi rước long trọng ở Na-ga-xa-ki vào năm 1614 để gia tăng lòng tin cho những tín hữu bị bách hại. Người bị bắt vào năm 1617 cùng với hai thầy dạy giáo lý người Nhật, hai vị này đã lãnh tu phục Dòng Đa Minh và cùng chịu khổ hình với cha Tô-ma Giu-ma-ra-ga.



Đến thế kỷ XIX, khi những nhà truyền giáo tái lập công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Nhật bản, các ngài nhận thấy các cộng đoàn ki-tô hữu vẫn nhiệt thành sống niềm tin của họ cách vẹn toàn, mặc dù không có sự trợ giúp của một linh mục nào cả. Trong hoàn cảnh như vậy, chính nhờ việc cầu nguyện bằng chuỗi kinh Mân côi mà họ đã duy trì được đời sống thiêng liêng và củng cố niềm tin thêm lớn mạnh.



Lời nguyện :


Lạy Thiên Chúa toàn năng giàu lòng thương xót, cũng như Chúa đã dùng lời giảng của các Thánh Phanxicô Capila,An-phong, và các bạn tử đạo, mà ban cho các dân tộc Viễn Đông được nhận biết Con Một Chúa, chúng con cũng tha thiết nài xin Chúa, nhờ lời các ngài cầu thay nguyện giúp, thương ban cho các dân tộc ấy được can trường giữ vững đức tin. Chúng con cầu xin …


 


Ngày 15 tháng 11


THÁNH AN-BÊ-TÔ CẢ


Giám mục(+1280), tiến sĩ hội thánh, lễ kính





Thánh An-be-tô sinh tại La-vin-gi-a, xứ Xơ-vê-vi-a nước Đức, vào cuối thế kỷ XII hay đầu thế kỷ XIII. Tốt nghiệp đại học Pa-ta-vi-a, thánh An-be-tô lãnh tu phục Dòng Đa Minh do chính chân phước Giô-đa-nô-nô Xa-xô-ni-a trao.



Từ năm 1242-1248, thánh An-be-tô làm giáo sư tại Pa-ri. Trong số các môn sinh của người, có thánh Tô-ma A-quy-nô là xuất sắc nhất. Với trí óc quảng bác, thánh An-be-tô đã dạy cho các sinh viên, từ khắp nơi quy tụ về Pa-ri, một khoa học mới, là khoa triết lý của A-rít-tốt, dựa theo bản dịch của người Do Thái và Ả-rập. Năm 1248, thánh An-be-tô làm viện trưởng học viện mới được thành lập tại Cô-lô-ni-a, và thánh Tô-ma A-quy-nô cũng theo người về đây. Sau khi đã đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, người được bầu làm giám tỉnh tỉnh dòng Đức. Người đã cùng với thánh Bô-na-ven-tu-ra quyết liệt biện hộ cho các dòng hành khất được quyền giảng dạy trong các đại học.



Năm 1260, người được tấn phong làm giám mục thành Ra-tít-bon, nhưng hai năm sau, vì nghĩ mình bất xứng, người xin từ nhiệm để trở về với công việc nghiên cứu. Người đã tài tình liên kết đức khôn ngoan của chư thánh với kiến thức nhân loại. Vốn lừng danh vì các tác phẩm đã biên soạn và tài sư phạm, người còn lẫy lừng hơn nữa bởi đức độ vẹn toàn và đức ái mục vụ. Người cũng nổi tiếng về lòng tôn



sùng bí tích Thánh Thể và kính mến Đức Trinh nữ, Đấng đã củng cố người trong chí hướng tu trì. Người để lại nhiều tác phẩm thánh khoa cũng như khoa học đặc sắc. Người được xứng đáng mệnh danh là "Tiến sĩ bách khoa" và "Tôn sư". Người qua đời ngày 15-11-1280 tại Cô-lô-ni-a.



Năm 1459, Đức Pi-ô II tôn phong người vào hàng những tiến sĩ thánh thiện của Hội Thánh. Ngày 16-12-1931, Đức Pi-ô XI tuyên dương người là hiển thánh. Đức Pi-ô XII đặt người làm bổn mạng các khoa học tự nhiên.



Lời nguyện :


Lạy Chúa, Chúa đã cho vị thánh chúng con mừng kính hôm nay xứng danh là An-bê-tô Cả, vì đã tìm phối hợp kiến thức loài người với chân lý mạc khải. Xin cho chúng con biết thụ giáo với thánh nhân để càng tiến bộ về khoa học, chúng con càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chúng con cầu xin…



 


Ngày 24 Tháng 11



THÁNH I-NHA-XI-Ô ĐEN-GA-ĐÔ



THÁNH VINH SƠN LIÊM



Và các anh em tử đạo tại Việt Nam




Lời nguyện :


Lạy Thiên Chúa toàn năng giàu lòng thương xót, cũng như Chúa đã dùng lời giảng của các Thánh I-nha-xi-ô Đen-ga-đô, Vinh-sơn Liêm và các bạn tử đạo mà ban cho các dân tộc Việt Nam được nhận biết Con Một Chúa, chúng con cũng tha thiết nài xin Chúa, nhờ lời các ngài cầu thay nguyện giúp, thương ban cho chúng con được can trường giữ vững đức tin. Chúng con cầu xin …


 


Kinh cầu các thánh dòng




Nguồn gốc của Kinh cầu các thánh là các ý chỉ lời nguyện giáo dân (từ thế kỷ III). Vào thời Trung Cổ, danh sách các thánh được xen vào trước các lời cầu ấy. Trước khi có mẫu thức chung cho toàn thể Giáo hội Rôma, các giáo phận lớn và các dòng tu đã có các mẫu thức riêng gồm các thánh của địa phương. Dòng Đa Minh cũng có kinh cầu riêng, gồm bởi các vị thánh trong Kinh cầu của Giáo hội thêm vào những vị thánh riêng của Dòng (tên in nghiêng)[1].


Xin Chúa thương xót chúng con,
Xin Chúa thương xót chúng con.


Xin Chúa Kitô thương xót chúng con,
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.


Xin Chúa thương xót chúng con,
Xin Chúa thương xót chúng con.


Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời,
Cầu cho chúng con.
Các thánh Thiên thần của Thiên Chúa,
Thánh Gioan Tẩy Giả,
Thánh Giuse,
Thánh Phêrô và thánh Phaolô,
Thánh Anrê,
Thánh Gioan,
Các thánh Tông đồ và môn đệ của Đức Giêsu,
Thánh nữ Maria Mađalêna,
Thánh Têphanô,
Thánh Inhaxiô (Antiôkia)
Thánh Pôlicarpô,
Thánh Giustinô,
Thánh Laurensô,
Thánh Síprianô,
Thánh Bônifaciô,
Thánh Stanislao,
Thánh Phêrô (Vêrôna),
Thánh Gioan (Côlônia),
Thánh Đa Minh Ibanhê và các thánh tử đạo Nhật Bản,
Thánh Phanxicô Capillas và các thánh tử đạo Trung Hoa,
Thánh Vinhsơn Liêm và các thánh tử đạo Việt Nam,
Thánh nữ Anê,
Thánh nữ Cecilia,
Các thánh tử đạo của Thiên Chúa,
Thánh Clêmente,
Thánh Lêô Cả,
Thánh Grêgôriô Cả,
Thánh Ambrôxiô,
Thánh Augustinô,
Thánh Baxiliô và Grêgôriô Nadien,
Thánh Gioan Kim Khẩu,
Thánh Martinô,
Thánh Pátrixiô,
Thánh Xirilô và Mêtôđiô,
Thánh Antôninô,
Thánh Piô (V),
Các thánh giáo hoàng và giám mục,
Thánh Antôn,
Thánh Biển Đức và thánh Bênađô,
Thánh Đa Minh,
Thánh Phan Sinh,
Thánh Tôma Aquinô,
Thánh Raymonđô,
Thánh Giaxintô,
Thánh Vinh-sơn Phêriô
Thánh Lui Bêtran,
Thánh Martinô (Porres),
Thánh Gioan Maisan,
Thánh Vinh Sơn Phaolô,
Thánh Gioan Vianê,
Thánh nữ Magarita (Hungari),
Thánh nữ Anê (Môntêpunxanô)
Thánh nữ Catarina Xiêna,
Thánh nữ Catarina Rixi,
Thánh nữ Rosa Lima,
Thánh nữ Têrêsa Giêsu,
Các thánh mục tử và tu sĩ của Thiên Chúa,
Thánh Lu-y,
Thánh nữ Zedislava, (viết thế nào ?)
Thánh Roccô,
Thánh Biển Đức Giuse Labre,
Các thánh giáo dân.
Lạy Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống,
Xin thương xót chúng con,


Chúa đã đến trần gian này,
Xin thương xót chúng con,


Chúa đã chịu treo trên thập giá,
Xin thương xót chúng con,


Chúa đã chịu chết vì chúng con,
Xin thương xót chúng con,


Chúa đã chịu mai táng trong mồ,
Xin thương xót chúng con,


Chúa đã sống lại từ cõi chết,
Xin thương xót chúng con,


Chúa đã lên trời,
Xin thương xót chúng con,


Chúa đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ,
Xin thương xót chúng con,


Chúa ngự bên hữu Chúa Cha,
Xin thương xót chúng con,


Chúa sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Xin thương xót chúng con,


Chúng con là kẻ có tội,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin Chúa tỏ lòng khoan dung, tha thứ tội lỗi chúng con,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin Chúa đổi mới chúng con để chúng con đi theo đường lối của Chúa,


Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin Chúa hướng lòng chúng con ước ao những sự trên trời,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin cứu linh hồn chúng con và anh em họ hàng và thân nhân chúng con khỏi án phạt đời đời.
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin ban cho tất cả các linh hồn được an nghỉ,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin gìn giữ thế giới khỏi ôn dịch, đói khát và giặc giã,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin Chúa ban cho các dân tộc được bình an hoà thuận,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin Chúa cai quản Hội Thánh Chúa,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin Chúa gìn giữ đức thánh cha, cùng với các giám mục, linh mục và phó tế trong đức mến,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin Chúa cho tất cả cả các Kitô hữu được hiệp nhất,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Xin Chúa dẫn đưa hết mọi người về với ánh sáng Phúc Âm,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria và của các thánh, xin Chúa đoái thương nhậm lời chúng con,
Xin Chúa nghe lời chúng con,


Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian,
Xin tha thứ cho chúng con,


Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian,
Xin nhậm lời chúng con,


Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian,
Xin thương xót chúng con.




Chúng ta hãy cầu nguyện :


Lạy Chúa là gương mẫu mọi sự toàn thiện, Chúa đã ban cho Giáo hội đủ mọi thánh ân nhằm xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô. Xin cho chúng con ngày nay theo sát chân các thánh trong gia đình Đa Minh để mai sau cùng được chung hưởng vinh quang với các vị ấy. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.


Kinh các thánh tử đạo việt nam


Trong danh sách 117 thánh Tử đạo tại Việt Nam, Dòng Đaminh có 6 giám mục và 5 linh mục thừa sai Tây-ban-nha, 11 linh mục, 13 giáo dân và thầy giảng, đó là chưa kể những linh mục và giáo dân thuộc vùng truyền giáo của Dòng.


Lạy các thánh Tử đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là thành phần trung kiên của Hội thánh. Nay chúng con xin hợp với các ngài và với Đức Trinh nữ Maria là Nữ vương các thánh Tử đạo, mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả.


Xưa Chúa đã ban cho các ngài được vững tin vào lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường thập giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng.


Các ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất để Hội thánh Việt Nam thu lượm được mùa lúa dồi dào. Nay Hội thánh lại dâng các ngài lên Chúa như hoa quả đầu mùa để cảm tạ tri ân.


Các ngài đã yêu mến quê hương, xin cầu cho đất nước được an vui hạnh phúc và góp phần xây dựng một thế giới hoà bình. Các ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, xin cầu cho đồng bào mọi giới biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Các ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin, xin cầu cho mọi Kitô hữu biết sống và chia sẻ niềm tin của mình.


Lạy các thánh Tử đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên Thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.


 







[1] Thứ tự của các thánh là : Đức Mẹ, các thiên thần, các thánh tổ phụ và ngôn sứ, các thánh tông đồ và môn đệ của Chúa, các thánh tử đạo, các thánh giám mục và tiến sĩ, các thánh linh mục và tu sĩ, các thánh giáo dân.



114.864864865135.135135135250