24/07/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

3876

 


 


KHỐN CHO TÔI NẾU TÔI KHÔNG RAO GIẢNG TIN MỪNG!


(1 Cr 9:16)


Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền



Sau khi tìm về nguồn cội của sứ vụ là Thiên Chúa để ở lại trong tình yêu của Người rồi về lại với thế giới để yêu thương và phục vụ, chúng ta muốn nhìn lại – trong những ngày còn lại của tuần tĩnh tâm này – thái độ và cách thức phục vụ của chúng ta qua việc thực thi sứ vụ rao giảng. Cụ thể, chúng ta nghĩ đến việc “tân phúc âm hóa” công cuộc rao giảng của chúng ta bao gồm việc canh tân nhiệt huyết tông đồ, đổi mới phương pháp và cách diễn tả của chúng ta trong việc rao giảng.  Hôm nay, chúng ta chỉ giới hạn trong vấn đề canh tân nhiệt huyết tông đồ của người rao giảng mà thôi.




Có thời Phúc âm hóa được hiểu như nỗ lực truyền bá Phúc âm của những nhà truyền giáo ở tận những nơi xa xôi, hẻo lánh. Nói đến Phúc âm hóa là chúng ta nghĩ ngay đến anh chị em lương dân, đến việc rửa tội và thâu nạp họ vào trong Giáo Hội. Người ta không tìm thấy thuật ngữ Phúc âm hóa (evangelize hay evangelization) trong văn kiện của CĐ Vatican I nhưng tìm được tất cả 49 lần (evangelize 18 lần và evangelization 31 lần) trong các văn kiện của CĐ Vaticanô II. ĐGH Phaolô VI coi Phúc âm hóa như là ân sủng và ơn gọi riêng của Giáo Hội. Nó là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội vì Giáo Hội hiện hữu là để phúc âm hóa. ĐGH Gioan Phaolô II mở rộng khái niệm này qua hai thuật ngữ “tái phúc âm hóa” và “tân phúc âm hóa.” Từ nay Phúc âm hóa không chỉ dành cho dân ngoại, nhưng dành cho cả người kitô hữu vì lý do nào đó không còn thực hành đức tin hoặc dửng dưng và lạnh nhạt với đức tin của mình; không chỉ giới hạn trong việc loan báo Tin Mừng lần đầu tiên, nhưng bao gồm cả giảng thuyết, giáo lý và thần học; không chỉ nhằm rửa tội, nhưng còn giúp cho mọi người gặp gỡ Chúa; không chỉ là đem người ngoài vào Giáo Hội, nhưng còn là đem người trong Giáo Hội ra với thế giới; không chỉ là quảng bá mà còn là thăng tiến, là làm cho các giá trị Tin Mừng thấm nhập vào đời sống kitô hữu, các hoạt động của Giáo Hội và Xã Hội. Trong ý hướng ấy, người ta nói đến phúc âm hóa phụng vụ (evangelizing liturgy), giảng lễ (evangelizing homily), giáo lý (evangelizing catechism), nhân sự và cơ cấu tổ chức của cộng đoàn đức tin (evangelizing community) vv…




Cũng như mọi hoạt động khác, giảng thuyết phải được thực hiện trong viễn tượng Phúc âm hóa và phục vụ cho công cuộc Phúc âm hóa của cả Giáo Hội. Muốn thế, giảng thuyết cần được phúc âm hóa và phúc âm hóa giảng thuyết trước tiên là phúc âm hóa nhân sự và phương thức giảng thuyết.




Như đã xác định từ đầu, chúng ta dành việc đổi mới phương thức rao giảng vào những buổi sau. Để canh tân nhiệt huyết tông đồ, thiết tưởng không gì bằng tìm đến và học hỏi nơi thánh Phaolô – vị Tông đồ Dân ngoại –  đặc biệt trong những ngày mở đầu Năm thánh Phaolô của cả Giáo Hội nhân kỷ niệm 2000 năm ngày sinh của ngài. Có thể nói phương thức mà thánh Phaolô sử dụng để nuôi dưỡng và canh tân lòng nhiệt thành tông đồ của ngài không khác bao nhiêu với phương pháp sử dụng hiện nay; đó là hành trình nhìn lại quá khứ rồi hướng về tương lai để hiểu và sống giây phút hiện tại. Lòng nhiệt thành tông đồ của thánh Phaolô bắt nguồn từ kinh nghiệm hoán cải và niềm tin vào Tin Mừng để sống tràn đầy hiện tại của mình.




NHÌN LẠI QUÁ KHỨ


ĐỂ Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA




Thánh Phaolô đã trải qua cuộc hoán cải và đổi mới cách lạ lùng: từ một kẻ hung hăng bắt bớ trở nên người tông đồ nhiệt thành, từ một kẻ hận thù và sát hại trở nên người chan hòa và phục vụ. Kinh nghiệm hoán cải nào, tự bản chất, cũng là kinh nghiệm tin tưởng và phó thác cho tình yêu và quyền năng của Đức Kitô Phục sinh. Nó bao hàm một sự từ bỏ và chọn lựa, đúng hơn, từ bỏ để chọn lựa. Hoán cải có thể được hình dung như những bước đi đầu tiên trong đời một con người: em bé lo lắng và run rẩy khi phải rời tay cha, để tập tễnh bước đi cho đến khi gieo vào lòng của mẹ. Cú “ngã ngựa” trên đường Damas, đối với Phaolô, là một kinh nghiệm đau thương do lỗi lầm ngài đã phạm, nhưng đồng thời cũng là một kinh nghiệm khai mở: mở mắt để thánh nhân khám phá ra sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, để nhận ra ai là anh em của mình và phải làm gì để trở nên anh em của họ; mở lòng để thánh nhân cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu và quyền năng của Chúa, về hoạt động của tội lỗi và tác động của ân sủng nơi con người; và mở miệng ngài rao giảng về lòng thương xót của Chúa cho thế giới hư mất và tội lỗi.




Giờ thì Phaolô đã biết mình tin vào ai (x. 2Tim 1:2) và niềm tin ấy làm cho ngài trở nên mạnh mẽ như thế nào. Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng làm cho tôi được mạnh mẽ” (Phil 4:13). Giờ thì Phaolô không còn nặng lòng hận thù, nhưng nặng tình với Chúa: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (2 Cor 5:14); còn hơn thế nữa, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là chính Chúa sống trong tôi” (Gal 2:20). Kinh nghiệm này có thể ví như một thứ “linh địa” hay “đất thánh,” nơi mà Phaolô luôn hành hương và tìm về để hun đúc lòng nhiệt thành tông đồ của mình. Thánh nhân thường nhắc lại cuộc hoán cải và đổi mới này, không phải để ân hận và nuối tiếc những lầm lỗi đã qua, nhưng để dìm mình sâu hơn trong tình yêu của Chúa hầu lấy sức lao về phía trước trong công cuộc rao giảng và làm chứng không biết mệt mỏi cho lòng thương xót của Chúa, giống như vận động viên thể thao lùi lại phía sau lấy đà để tung mình lên cao hay phóng mình về phía trước vậy.




Để giúp chúng tôi nhiệt thành hơn trong cuộc sống, đạo cũng như đời, cha giáo Mai Văn Hùng thường bảo: “Nếu cần, anh em cứ xin Chúa cho mình một lần trong đời được chạm trán với Chúa như Phaolô vậy, để rồi nóng cho ra nóng, lạnh cho ra lạnh, ương ương dở dở thì rốt cuộc chẳng được tích sự gì.” Tôi đã được gặp rất nhiều bạn trẻ tích cực dấn thân cho các phong trào đặc sủng ở Pháp, phần đông họ là những người đã thực hiện cuộc trở lại lần thứ hai trong cuộc sống đức tin của mình. Tôi đã thấy họ lãnh nhận bí tích hòa giải trong cả nước mắt và nụ cười, cũng như phục vụ trong niềm hăng say và vui vẻ. Như thế, cuộc trở lại lần thứ hai (thậm chí thứ ba, thứ tư...) vẫn là cần thiết cho sự canh tân trong đời sống và sứ vụ của người linh mục và tu sĩ.




HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI


ĐỂ HIỂU VÀ SỐNG TRỌN VẸN HIỆN TẠI




Thánh Phaolô không chỉ nhìn lại quá khứ nhưng còn nhìn về tương lai mở ra nhờ sự chiến thắng của Đức Kitô trên mọi sự dữ cũng như trên mọi ác thần. Là thầy dạy Israel, Phaolô hiểu rõ thế nào là GIỜ của Thiên Chúa, là KAIROS của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Kitô từ cuộc nhập thể cho đến cuộc trở lại của Người trong vinh quang. Sứ vụ của thánh nhân được đặt trong viễn tượng tương lai tất thắng ấy, cho nên tất cả đều mang một ý nghĩa mới: thời gian – hoàn cảnh – nghịch cảnh – những lời mình nói và hiệu quả của việc mình làm. Một ngày hay một năm, thuận lợi hay bất thuận lợi, nói hay làm, thành công hay thất bại vv... tất cả đều có thể được chấp nhận cách dễ dàng và tận dụng cách triệt để, miễn là Chúa Kitô được rao giảng.




Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy thánh nhân theo Chúa mà không nề hà chuyện gì, không có gian nan và thử thách nào làm cho ngài nản chí, không có thất bại nào làm cho ngài chùn bước, kết cuộc là không gì có thể tách ngài khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Thập giá từ nay thành vinh dự “ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (Gal 6,14), thành niềm vui được thông phần vào cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu “những gì còn thiếu sót trong các nỗi gian nan của Đức Kitô, tôi hoàn tất nơi thân xác tôi, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Col 1:24), thành Tin Mừng cần phải được rao giảng “tôi sẽ không nói về một điều nào khác ngoài Chúa Giêsu và Đấng Chịu Đóng Đinh” (1 Cor 2:2), và rao giảng trở thành nghĩa vụ phải thi hành “nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không có lý do gì để tôi tự hào, mà đó là một nhiệm vụ tôi phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor 9:16)




Lạy Chúa Thánh Thần,




Xin ban sức sống cho chúng con.




Xin cho cuộc đời kitô hữu của chúng con




đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,




vào những lối mòn quen thuộc,




nhưng xin canh tân




và tái tạo chúng con mỗi ngày.




Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,




cho chúng con khám phá ra




những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô




và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng. Amen




(Trích Rabbouni)





Gợi ý suy tư:




Tôi làm gì để củng cố và canh tân lòng nhiệt thành tông đồ của mình ?




Kinh nghiệm của thánh Phaolô giúp tôi những gì trong nỗ lực này ?




Nghiệm của thánh Phaolô giúp tôi những gì trong nỗ lực này ?


 


 


.


114.864864865135.135135135250