22/01/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

503

 


Hát Lên Bài Ca Mới


CÔNG VIÊN KỶ JURA VÀ BỮA TIỆC LY


 


Bài nói chuyện trong ngày khai mạc hội học của tờ báo The Tablet tại Luân Đôn, tháng 6 năm 1994.


 Timothy Radcliffe, OP


 


Năm trước, tôi phải nói chuyện mười phút trước Hiệp hội các Bề trên Thượng cấp về những thách đố đối với sứ vụ của tu sĩ chúng ta ở Tây phương. Đây là một công việc hơi khó. Nói được gì trong mười phút đồng hồ ? Rồi tôi được xem cuốn phim Công viên Kỷ Jura [1] - rõ ràng đây là câu truyện cho chúng ta bức tranh kỳ thú về thế giới mà hiện nay chúng ta phải sống đức tin của mình. Đó là một trong những cuốn phim thành công nhất. Đã có lúc, cuốn phim được chiếu tại 1/3 số rạp ở Ý và ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp tuyên bố cuốn phim là một mối đe dọa cho quốc gia. Tại các tiệm cà phê trên đường phố, trẻ em có thể mua bánh bích quy hình khủng long. Tại sao cuốn phim lại thành công như thế ? Chắc chắn là vì mỗi một nền văn hóa đều sống nhờ có những truyền thuyết, những truyện kể định hình nhận thức của chúng ta về thế giới và về chính mình, những câu truyện ấy nói cho chúng ta biết là con người thì phải như thế nào ? Và đây là truyện kể mà trong đó hàng triệu người có lẽ một cách vô ý thức đã tìm thấy chính mình.


Nhưng là Ki-tô hữu, chúng ta phải sống bằng một truyện kể khác, truyện mà mỗi Chúa nhật chúng ta họp nhau để nhắc nhớ và để tái thể hiện, đó là câu truyện Bữa Tiệc ly, câu truyện về một người đã qui tụ bạn hữu chung quanh mình và chia sẻ bữa ăn với họ, một người đã trao ban chính mình, là thịt và máu mình cho họ. Câu truyện này phải định hình đời sống và nhận thức của chúng ta hơn tất cả mọi câu truyện khác. Vì thế, đối với chúng ta, thách đố trở thành một Ki-tô hữu không chỉ là cố gắng trở nên tốt lành. Nói chung, chẳng có chứng cứ nào cho thấy Ki-tô hữu tốt hơn người khác, và chắc chắn Chúa Giê-su đã không kêu gọi các vị thánh, mà kêu gọi những người tội lỗi. Đúng hơn, thách đố chính là sống nhờ và qua câu truyện mà nhiều người ở thời đại chúng ta cho là kỳ quặc, và câu truyện đó đưa đến một cái nhìn khác về thế giới và về con người. Chiều hôm nay, tôi chỉ muốn đề cập tới một vài khác biệt giữa hai câu truyện.


Tôi giả thiết là hầu hết các bạn đã xem cuốn phim Công viên Kỷ Jura. Có lẽ các bạn đã đem theo lũ trẻ, tưởng rằng chỉ có ý cho lũ trẻ được vui, nhưng rồi chính các bạn lại thấy cuốn phim thật hấp dẫn. Còn nếu các bạn chưa xem, thì tôi xin tóm tắt nội dung. Một nhà triệu phú (Richard Attenborough) sử dụng những thí nghiệm về phân tử DNA để làm cho những con khủng long sống lại. Ông xây dựng cánh đồng Longleat của thời cổ đại, nơi đó các chú khủng long được chạy nhảy tự do. Nhưng chẳng may bọn chúng thoát ra ngoài được, sát hại các du khách, và thế là con người bỏ hòn đảo và đi mất, để lại phía sau là cánh rừng. Đối với các bạn, truyện này có thể không giống lắm với cuộc sống ở các khu ngoại ô Luân Đôn, trừ khi đã có nhiều thay đổi từ khi tôi đi Rô-ma, nhưng tôi cho rằng truyện này đụng chạm tới những yếu tố quan trọng trong nền văn hóa đương đại của chúng ta.


BẠO LỰC


Điểm thứ nhất tôi muốn đề cập tới thực ra cũng bình thường. Công viên Kỷ Jura  nói với chúng ta về một thế giới bạo lực, về một bầy khủng long lang thang trong các cánh đồng, ăn ngấu nghiến những gì chúng gặp được. Đó là một thứ bạo lực mà con người chỉ có thể đáp lễ bằng một thứ bạo lực mạnh hơn. Còn câu truyện khác của chúng ta, câu truyện về Bữa Tiệc ly, cũng là câu truyện về bạo lực, thứ bạo lực giáng xuống trên Chúa Giê-su, và Người cam chịu thứ bạo lực đó "như con chiên bị dẫn tới lò sát sinh, không mở miệng kêu la" (Is 53:7).


Mới đây, khi tôi hỏi một nhóm nam nữ tu sĩ Đa Minh người Mỹ, về thách đố hàng đầu trong việc giảng thuyết, họ trả lời không do dự rằng, đó là bạo lực. Những tháng vừa qua, tôi đã đi thăm Rwanda, Burundi, Haiti, Angola, Croatia và New York, và tôi đã đối mặt với bạo lực thô thiển ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi nghĩ rằng phần lớn lịch sử loài người là bạo lực, và lịch sử chúng ta hôm nay còn tệ hơn, vì những điều khủng khiếp trong hai cuộc thế chiến. Nhiều xã hội trong quá khứ đã tôn vinh bạo lực. Tôi nghĩ rằng xã hội chúng ta cũng thế, với những cách thức hết sức tinh vi và khó phát hiện.


Công viên Kỷ Jura tái tạo khu rừng theo học thuyết Darwin, nơi đó loài vật cạnh tranh nhau để sinh tồn. Kẻ yếu thì thất bại và chết, rồi tuyệt chủng, tương tự như loài khủng long. Cuộc cạnh tranh tàn bạo để giành lương thực và đất sống là một phần trong quá trình sáng tạo nhờ đó mà chúng ta xuất hiện. Cuộc đấu tranh tàn bạo là nguyên do làm cho chúng ta hiện hữu. Đó là cái nôi của chúng ta. Sau hết, cuốn phim cho rằng bạo lực là có ích. Nhưng thuyết tiến hóa của Darwin - mà tôi chẳng bao giờ nói được là đã học, lại thú vị như một triệu chứng về sự thay đổi sâu xa trong cách chúng ta hiểu về ý nghĩa bản chất con người, một sự thay đổi xảy ra hơn kém đã 200 năm. Đó là sự xuất hiện của niềm xác tín cho rằng tất cả xã hội con người hoạt động và phát triển thông qua cuộc đấu tranh khốc liệt giữa các cá nhân, mỗi người theo đuổi lợi ích riêng của mình. Ý tưởng về sự tồn tại của cái thích hợp nhất, của sự sống như khu rừng của Darwin, đầy dẫy trong ngôn ngữ chúng ta. Ngay cả Sumner, một nhà kinh tế học đại học Yale, đã viết rằng "các nhà triệu phú là sản phẩm của luật đào thải tự nhiên… Họ dễ dàng bị coi như những tác nhân của luật đào thải trong xã hội để làm một công việc nào đó."


Một trong những biểu thị của sự thay đổi sâu xa trong nhận thức của chúng ta về xã hội loài người là một áng văn khôi hài ngắn có tựa đề là Dụ ngôn những con ong, do tác giả Mandeville viết vào thế kỷ XVIII. Ông cho rằng tính tham lam, ghen tỵ, kiêu ngạo, tất cả những nết xấu cố hữu, thực ra có thể rất hữu ích. Đó là tất cả những gì làm cho thế giới xoay vần và xã hội nhân loại phát triển. Đó có thể là những nết xấu cá nhân nhưng lại là những nhân đức cộng đồng. Những nền chính trị bao hàm sự cạnh tranh tham lam đã có một lịch sử lâu dài. Chính cách hiểu về ý nghĩa bản chất con người như vậy đã biến các thành thị của chúng ta thành những Công viên Kỷ Jura, những khu rừng tàn bạo ở nội thành, nơi đó kẻ yếu bị hủy diệt. Còn câu truyện Bữa Tiệc ly đem lại một sự biến đổi sâu xa, không phải chỉ vì đây là người đã chịu đựng bạo lực và không gây bạo lực cho người khác. Câu truyện này minh họa một hình ảnh hoàn toàn khác về bản chất con người. Chúa Giê-su ban mình Người cho chúng ta. Đây là giao ước mới, là căn nhà và là nơi cư ngụ của chúng ta. Ý nghĩa cuộc sống của chúng ta không phải ở chỗ theo đuổi lợi ích riêng tư, nhưng ở chỗ đón nhận quà tặng hiệp thông.


Dù đôi khi còn có tranh luận, nhưng tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng thách đố lúc này là phá vỡ sự mê hoặc của một hình ảnh tai hại và có tính hủy diệt vốn coi chúng ta như là những đơn thể cô độc cứ mãi mãi theo đuổi lợi ích cá nhân. Chúng ta là máu thịt của nhau, một sự hiệp thông chỉ hoàn hảo trong thịt máu mà Chúa Ki-tô đã trao ban, tức là thân thể Người. Điều chúng ta tìm kiếm là thiện ích chung theo nghĩa triệt để nhất. Vấn đề là làm thế nào phá vỡ sự ràng buộc của huyền thoại sai lầm về nhân tính của chúng ta. Chúng ta phải làm gì? David Marquand viết trong Xã hội phi nguyên tắc:


Làm thế nào để một xã hội vụn vỡ trở thành một toàn thể? Làm thế nào để một nền văn hóa đã thấm nhiễm chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu phục hồi được những mối dây cộng đồng? Cứ cho là nhận thức chung của gần 200 năm là trở ngại chính cho sự thành công trong việc điều chỉnh về kinh tế và chính trị, nhưng làm thế nào để tái định nghĩa nhận thức chung đó?[2]


Câu truyện Bữa Tiệc ly có thể giải phóng trí tưởng tượng của chúng ta. Đó là câu truyện về một cộng đồng đã bị phá vỡ triệt để, trong đó con người trung tâm của cộng đồng sắp bị phản bội và bị chối từ. Lát nữa đây, tất cả bạn hữu của Người sẽ tan tác. Đó là câu truyện về sự phát sinh một cộng đồng khác, cộng đồng này xóa bỏ mọi hình thức tha hóa, bội phản, kể cả cái chết. Cộng đồng này đem lại cho chúng ta niềm hy vọng.


NGÔN TỪ


Hành vi trọng tâm của Chúa Giê-su là phán một lời quyền uy và có sức biến đổi : "Đây là Mình Thầy, Thầy trao ban cho anh em." Chúa Giê-su nói một lời. Còn trong Công viên Kỷ Jura, ngôn từ không quan trọng lắm. Những tiếng gầm thét, tiếng xương gãy răng rắc, nhưng không ai trò chuyện với Vua khủng long. Người Nga hoặc người Trung quốc khi xem phim này bằng tiếng Anh có lẽ sẽ không phiền hà gì vì họ hiểu khá nhiều[3]. Sự khác biệt này rất có ý nghĩa. Tôi muốn nói rằng một trong những cách thức để xây dựng xã hội loài người, và vượt lên trên cái bẫy của chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu, đó là phục hồi sự kính trọng ngôn từ, kính trọng sức mạnh của ngôn từ có khả năng hình thành và duy trì cộng đồng.


Chúng ta là con người và chúng ta thuộc về nhau bởi vì chúng ta có thể nói chuyện với nhau. Một xã hội đang phân hủy là một xã hội trong đó ngôn từ bị coi thường. Trong thời gian ở San Salvador, tôi đến thăm căn phòng trong trường đại học nơi các tu sĩ Dòng Tên bị sát hại. Những tên sát nhân bắn cả vào sách vở. Cuốn Tự điển Thần học Tân ước của Kittel, đang mở ở trang viết về Chúa Thánh Thần, nguồn mạch mọi sự khôn ngoan, cũng đầy những vết đạn. Tôi nghĩ đến thư viện của một linh mục ở Haiti, sách vở đều bị phá hủy và xé rách. Tôi nghĩ đến một làng nhỏ ở biên giới Croatia và Serbia, bị đạn pháo xóa sổ, với những thi thể bị đào xới và quẳng chung quanh mộ, và sách lễ trong nhà thờ bị xé rách, viết đầy những lời tục tĩu. Tất cả những sự kiện này vừa nói lên sự căm ghét ngôn từ vừa nói lên ý nghĩa sức mạnh của ngôn từ.


Trong các cuộc du hành, khi dừng chân tại Anh quốc để lấy lại sức khỏe sau chuyến bay mệt mỏi và giặt giũ quần áo, tôi không đọc tin tức về việc các sĩ quan cảnh sát đột nhập vào phòng của nhau và xé nát thư viện của đối phương. Nhưng tôi có ấn tượng về một nền văn hóa trong đó chúng ta nói với nhau những lời mà không nghĩ đến hậu quả, giống như trẻ em chơi trò cao bồi và mọi da đỏ mà không ý thức rằng những khẩu súng mà chúng đang sử dụng là súng thật. Dường như chúng ta quên mất rằng nói năng là một hành vi luân lý, đòi hỏi một trách nhiệm cao nhất. Tôi không thể không ngạc nhiên về sự khác biệt giữa điều người ta nói về ông hàng xóm tốt lành nào đó trước và sau khi ông ta chết. Tất cả những lời đó có trung thực không ? Một phần sự khủng hoảng sâu sắc về phương diện xã hội là ở chỗ chúng ta đã mất đi niềm tin rằng ngôn từ thực sự biểu lộ bản chất của sự việc. Chúng ta đã mất ý thức sợ hãi mà thánh Âu Tinh nói đến, "Ngôn từ, đó là những cái ly quý báu chứa đựng ý nghĩa."


Sách Sáng thế kể lại rằng A-đam được ơn gọi đặt tên cho các vật. Thiên Chúa cho A-đam được cộng tác vào công cuộc tạo dựng. Người chỉ một con sư tử hoặc con thỏ rồi A-đam đặt tên cho nó; ông biết các con vật và như thế ông cộng tác với Thiên Chúa trong việc đưa một thế giới đầy ý nghĩa ra khỏi sự hỗn mang. Những cái tên ông đặt không phải là những nhãn hiệu tùy tiện dán vào các vật đến nỗi ông có thể gọi con thỏ là con dê cũng được; các vật chia sẻ sức mạnh từ lời của Chúa để hiện hữu. Nói năng, sử dụng ngôn từ, gần như một ơn gọi của Chúa. Giống như Thiên Chúa, ngôn từ cho chúng ta sức mạnh của sự sống và sự chết. Đó là một vấn đề tôn giáo.


Bạo lực trong xã hội lan tràn vào ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng. Ông Vaclav Havel, Tổng thống Công hòa Czech, đối chiếu những lời của nhà văn Salman Rusdhie với những lời của giáo chủ Khomeini. "Những lời tự do và chân thật làm phấn khích xã hội tương phản với những lời mê hoặc, lường gạt, khích động, làm con người phát cuồng, đánh lừa, những lời tai hại, thậm chí làm chết người. Ngôn từ là một mũi tên."[4] George Steiner đã viết:


Trong ngôn từ, giống như trong một phân tử vật lý, có vật thể và phản vật thể. Có xây dựng và hủy diệt. Cha mẹ và con cái, đàn ông và đàn bà, khi trao đổi ngôn từ với nhau, đều có sự rủi ro rất cao. Ngôn từ có thể làm tổn thương một mối tương quan nhân bản, có thể hủy diệt niềm hy vọng. Lưỡi dao ngôn từ là lưỡi dao bén nhất. Thế nhưng cũng những ngôn từ đó, cũng những câu đó, cũng những cấu trúc cú pháp đó, cũng những ý nghĩa đó lại là khí cụ của sự mặc khải, của trạng thái ngất ngây, của sự thông cảm kỳ diệu tức là sự hiệp thông.[5]


Một nữ tu Đa Minh người Đài Loan nói về một cô bé cõng đứa trẻ trên lưng. Có người nói với cô : "Này cô bé, em mang một gánh nặng đấy." Cô bé trả lời, "Em đâu có mang gánh nặng, em mang đứa em của em đấy chứ." Thật là một ngôn từ làm thay đổi ý nghĩa.


Có những người luôn luôn muốn nói điều đúng, nhưng khi làm thì lại sai. Họ thấy quả thực những lời tôi sử dụng hết sức quan trọng, vì ngôn từ của tôi có thể là lưỡi dao giết người. Nhưng không phải cứ cách ngăn cấm chúng ta dùng một số ngôn từ nào đó thì cộng đồng con người được chữa lành bằng. Như Robert Hughes viết trong Văn hóa về sự than phiền, "Chúng ta muốn tạo dựng một thứ Lộ Đức ngôn từ, ở đó sự dữ và nỗi bất hạnh bị trục xuất bằng cách dìm mình trong nước của ngôn từ hoa mỹ." Ông chỉ ra rằng người ta không phá tan nỗi sợ chết bằng những qui định này nọ, như ông đề nghị trong tờ báo New England Journal of Medicine rằng nên gọi xác chết là "một người không còn sống." Ông cho rằng một cái xác chết chình ình chỉ là một người không còn sống nữa, nhưng với kích cỡ khác mà thôi ! Các nhà quản trị đại học San Francisco ở Santa Cruz đã sai lầm khi tin rằng bạn có thể vượt thắng được chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bằng cách cấm những kiểu nói như "lạnh như cắt da" hay "điểm yếu trong lý sự"[6] vì trong một vài hoàn cảnh những kiểu nói ấy có thể có tính phân biệt chủng tộc !


Chúng ta xây dựng sự hiệp thông và thuyên chữa các thương tích không phải bằng cách ngăn cấm những lời độc ác, nhưng bằng cách dùng những lời kiến tạo sự hiệp thông, những lời đón nhận người lạ, những lời xóa bỏ khoảng cách. Trọng tâm câu truyện điển hình của chúng ta, tức là Bữa Tiệc ly, là người nói những lời làm cho một cộng đoàn xuất hiện: "Đây là thân mình mà Thầy trao ban cho anh em." Và nếu giáo lý về sự hiện diện của Chúa, giáo lý về những lời thực sự có sức biến đổi sâu xa này lại có vẻ điên rồ và phi lý đối với nhiều người trong thời đại chúng ta, thì chắc chắn đó là vì chúng ta đã quên mất rằng lời nói mạnh mẽ như thế nào. Emily Dickinson viết:


Nếu môi miệng người phàm

đoán được cái giá phải trả cho mỗi lời phát biểu

thì nó sẽ tan nát dưới sức nặng của cái giá ấy [7]


Những lời truyền phép của đức Ki-tô tiết lộ những gì mà tất cả ngôn ngữ nhân loại khao khát: đó là ân sủng kiện toàn tự nhiên.


Trong thời Trung cổ, khi các đan sĩ chạy trốn đến bờ biển phía Tây Ái Nhĩ Lan, họ đem theo các bản văn sách Tin mừng, những bản văn mà họ đã in đi in lại, trang trí đẹp đẽ và tôn kính. Họ thành lập những cộng đoàn để duy trì lòng tôn kính những lời thánh này. Có lẽ việc chúng ta được mời gọi thực hiện là hình thành những cộng đoàn có sự kính trọng ngôn từ, kính trọng những lời chân thật, và những lời xây dựng sự hiệp thông. Nếu muốn Hội thánh là nơi người ta có thể tái khám phá ý nghĩa sâu xa của bản chất con người, của những con người mà căn tính sâu xa là hiệp nhất với nhau, thì trước hết chúng ta phải là một cộng đoàn trong đó chúng ta sử dụng ngôn từ với lòng kính trọng và với tinh thần trách nhiệm.


Điều đó có nghĩa là chúng ta phải là một cộng đoàn những con người dám bàn bạc, dám tranh luận, dám đối thoại khi tìm kiếm chân lý mà chúng ta chẳng bao giờ quán triệt được. Trong Hội thánh yêu quý của chúng ta thường hay có tâm trạng sợ tranh luận. Tôi không có ý nói tới sự bất đồng ý kiến. Có nhiều trường hợp bất đồng ý kiến ồn ào chứ. Tôi có ý nói tới sự đấu tranh căng thẳng với nhau, trong đó cả đôi bên đều tìm cách làm sáng tỏ vấn đề, sự tranh cãi sôi nổi trong đó chúng ta đấu tranh với nhau chỉ vì chúng ta muốn học hỏi nơi người khác. Trong bộ Tổng luận Thần học, thánh Thomas Aquinas luôn luôn bắt đầu với phần phủ quyết, không phải để chứng tỏ các đối thủ là sai, nhưng để khám phá ra thực sự thì họ đúng theo nghĩa nào. Chúng ta vật lộn với đối thủ như ông Jacob vật lộn với thiên thần, nhờ đó chúng ta có thể xin được chúc lành.


Kính trọng ngôn từ bao hàm thái độ khiêm tốn đối với chân lý và đối với người khác. Ngôn từ của chúng ta, trong Hội thánh cũng như trong xã hội, thường nặng chất kiêu ngạo. Xin trích dẫn ông Havel lần chót:


Chúng ta nên cùng nhau chiến đấu chống lại những ngôn từ ngạo mạn và cảnh giác đối với bất kỳ mầm mống kiêu ngạo âm ỉ nào trong những ngôn từ có vẻ như khiêm nhường. Tất nhiên đây không chỉ là chuyện ngôn ngữ. Trách nhiệm đối với ngôn từ và việc sử dụng ngôn từ là chuyện luân lý nội tại. Và như vậy, chuyện đó nằm ở ngoài thế giới hữu hình, nơi có Lời là khởi nguyên và không phải là lời của con người.[8]


SỰ THA THỨ 


Khi qui tụ với nhau vào ngày Chúa nhật, chúng ta nghe đọc Tin mừng, những lời đầy sức mạnh mà chúng ta nghe là những lời tha thứ, những lời của máu đã đổ ra để tha thứ tội lỗi. Lời đó là lời chữa lành và xá tội. Thế nhưng trong nền văn hóa của chúng ta có sự phản kháng sâu xa đối với ý niệm tha thứ. Theo tôi, sự kiện đó một phần phát xuất từ sự nghi ngờ rằng những người cứ nói hoài về sự tha thứ, nhất là người Công giáo, có lẽ có một ám ảnh không lành mạnh về tội. Vì được hưởng nền giáo dục của các tu sĩ Biển Đức, là những người nhân đạo, tôi không phải là loại người Công giáo đó. Một cách căn bản hơn, tôi không biết thực sự nền văn hóa của chúng ta có tin vào sự tha thứ không,vì chúng ta ngờ rằng sự tha thứ có thể không phải là điều tốt. Trong nền văn hóa đương đại của chúng ta lại không tồn tại một xác tín cho rằng tha thứ là có hại và nguy hiểm, ngoại trừ trong ý nghĩa rất riêng tư và cá nhân đó sao? Nếu có, xã hội hẳn sẽ sụp đổ. Cũng như bơ, sôcôla và những thứ tốt khác, cần phải hạn chế nghiêm ngặt sự nghi ngờ này! Và đó là điều quan trọng đối với đức tin của chúng ta.


Chắc chắn, sau Dachau và Auswichz, sau Dresden và Hiroshima, có thể người ta sẽ do dự, không quá dễ dãi với ý niệm tha thứ. Người ta có thể quên những điều kinh hoàng ấy một cách đơn giản sao ? Nhưng sự do dự của chúng ta có lẽ còn sâu xa hơn, và chúng ta có thể thấy được đầu mối của vấn đề trong Công viên Kỷ Jura. Trong khu rừng của Darwin, không thể có sự tha thứ. Hậu quả tất yếu của sự yếu đuối và thất bại là sự tiêu diệt. Và may là điều này xảy ra; nếu không, có lẽ sẽ không có sự tiến hóa. Loài người chúng ta là kết quả của một tiến trình, tiến trình này không ngừng xóa đi vô số giống loại vì chúng không thể thích nghi, nhưng tiến trình đó lại đưa đến việc chúng ta xuất hiện. Sự  sáng tạo của nhân loại là một lịch sử không biết tha thứ.  Trong Công viên Kỷ Jura, những con khủng long được cứu khỏi chết, và chúng ta thấy ngay đó là một sai lầm lớn lao. Tốt hơn hết là cứ để những phân tử DNA của chúng trong những giọt máu khô.


Phải thú nhận rằng tôi không thông thạo về kinh tế. Nếu các bản báo cáo tài chánh của tu viện được viết bằng tiếng Anh, thì chỉ coi một lúc tôi đã thấy khó hiểu. Còn hiện tôi đang sống ở Santa Sabina, Rome, các tài liệu ấy viết bằng tiếng Ý, tôi còn thấy mù mờ hơn nữa. Nhưng tôi tin rằng hình ảnh về sự tồn tại của kẻ mạnh vẫn còn đang hoạt động không khoan nhượng nơi các nền kinh tế hay chính trị hiện nay, và công việc mà chính quyền phải làm chỉ là loại bỏ những gì che chở và bảo vệ những nền kỹ nghệ yếu kém và không có khả năng thích nghi. Không có sự tha thứ. Cái yếu sẽ phải chết, và lòng thương hại là một tình cảm nguy hiểm. Tôi biết rằng điều đó quá đơn giản, và biết rằng chúng ta tin vào những cái lưới an toàn, vào giấc mơ về một Thị trường Xã hội, vào chủ nghĩa tư bản khoan dung, nhưng nó lại đụng chạm đến những bản năng sâu xa của người thời đại chúng ta.


Sự nhẫn tâm này dường như thấm sâu vào nền văn hóa của chúng ta. Một trong những niềm vui trong những chuyến hành trình của tôi - 60 quốc gia kể từ tháng 7 năm 1992 - đó là ngoài tờ The Tablet, tôi còn được đọc một tờ báo tiếng Anh. Tờ báo có lẽ đã vài tuần rồi, nhưng tôi cứ đọc ngấu nghiến như người đói. Thật đáng buồn khi tờ báo thường hay nói đến chuyện lên án và tố cáo. Khuôn mẫu nổi trội để đạt tới chân lý là vạch trần, là để lộ ra tội lỗi của người khác. Dĩ nhiên người ta nói rằng làm thế là nhân danh luân lý, là trở về với nền tảng. Nhưng phải hỏi: thực sự thì người ta vạch trần cái gì? Người ta khám phá và bày tỏ cái gì? Chúng ta chỉ có thể biết được sự thật về những con người khác, với tất cả nhân đức và nết xấu của họ, cái tốt và cái xấu, bằng thái độ ân cần bền bỉ. Phải lắng nghe rất cẩn thận, và để cho người khác bộc lộ chính họ. Chân lý không được tỏ lộ bằng việc vạch trần, nhưng bằng việc mặc khải. Phải ân cần và không lên án. Đôi mắt chân thực là đôi mắt cảm thông, thậm chí là đôi mắt yêu thương, vì, như thánh Thomas Aquinas đã dạy, thiện và mỹ cũng là một. Ông nhà báo, người tung ra tin tức sớm hơn đối thủ, làm tôi nhớ đến tướng Pompey đập phá đền thờ Jerusalem, đòi được xem những thứ giấu đàng sau bức màn che Nơi Cực thánh. Nhưng khi xé toang bức màn, ông ta la lên, "Không có gì, không có gì hết." Ông ta không thể thấy được điều gì cả.


Sự tha thứ trong Bữa Tiệc ly chủ yếu không phải là quên đi. Sự tha thứ không bảo đảm cho chúng ta rằng Thiên Chúa sẵn sàng bỏ qua những lầm lỗi của chúng ta mà quay nhìn về phía khác. Đó là một hành vi chữa lành có tính sáng tạo sâu sắc. Trong truyền thống của chúng ta, sự tha thứ  là chính khoảnh khắc cực kỳ sáng tạo khi Chúa Giê-su chỗi dậy từ cõi chết. Sự tha thứ không phải là cái làm cho chúng ta quên. Nó làm cho ký ức hoạt động. Đó là mầu nhiệm của một vì Thiên Chúa mãi mãi phong phú, đấng mà trong hình ảnh xa xưa, làm cho cây gỗ chết chóc của Thánh giá trổ sinh bông hoa, và làm cho cuộc đời đã chết của chúng ta được triển nở. Hai câu truyện, Công viên Kỷ Jura và Bữa Tiệc ly, khác nhau một cách sâu sắc trong nhận thức về sự sáng tạo. Trong câu truyện thứ nhất, con người được tạo dựng từ một tiến trình tàn bạo hủy diệt kẻ yếu;  trong câu truyện thứ hai, đó là lời sáng tạo chữa lành, cứu chuộc và làm cho chúng ta được vẹn toàn.


Những anh hùng trong Công viên Kỷ Jura là những con khủng long. Tất nhiên chúng là nạn nhân, là những con vật bị kết án bởi quá trình tiến hóa. Và chúng đúng là những anh hùng trong nền văn hóa của chúng ta, vì  trong nền văn hoá này, nạn nhân lại thường được truy tặng danh hiệu anh hùng. Và sự tức giận, cay đắng của nạn nhân, của sự lạm dụng, quấy nhiễu hoặc bất công, chắc chắn phát sinh từ cảm tưởng cho rằng không thể chữa lành những hư hại, rằng chúng hoặc chúng ta mãi mãi bị kết án phải mang lấy những vết thương, mãi mãi là nạn nhân. Nguyên việc đề cập tới khả năng tha thứ cũng có thể giảm nhẹ nỗi đau lòng và làm tăng thêm sự giận dữ. Tất cả những gì có thể làm là đuổi tên tội phạm ra ngoài. Chắc chắn chỉ có niềm tin vào một Thiên Chúa hoàn toàn sung mãn, đấng làm ra mọi sự từ hư không và cho đức Giê-su phục sinh từ kẻ chết, mới có thể đem lại cho chúng ta lòng can đảm để nghĩ đến những người chúng ta đã làm tổn thương, hoặc những người đã làm tổn thương chúng ta, và để hy vọng một sự tha thứ.


Trong Bữa Tiệc ly, sự tha thứ không chỉ là sự xá giải riêng tư, nhưng làm phát sinh một cộng đoàn. Không phải chỉ là đem lại một sự bình an nội tâm cá nhân, nhưng là hòa bình để chung sống với nhau. Vì thế ở Âu châu, nơi mà bí tích Hòa giải - bí tích trong đó cộng đoàn được chữa lành - vẫn được xem như là một biến cố công khai cho tới sau công đồng Trent, là giai đoạn làm ra tòa giải tội.


Một trong những ví dụ cảm động mà tôi thấy về sự tha thứ được chia sẻ này đó là ở Burundi năm ngoái, khi đang diễn ra cuộc thảm sát. Cuộc xung đột giữa sắc tộc Tutsi và Hutu - năm nay làm mất đi một phần mười dân số Rwanda - đã khởi sự tại Burundi. Các anh em Đa Minh là những người thuộc cả hai sắc tộc, và mỗi người trong họ đều mất mát những người thân trong gia đình mình. Đó là thời gian đau đớn sâu sắc đối với anh em. Làm sao chúng ta có thể duy trì và xây dựng một cộng đoàn tu trì nơi đó những kẻ thù truyền kiếp sống chung với nhau? Đó là ưu tiên lớn nhất của chúng tôi. Tôi làm một chuyến đi đến đất nước này cùng với một vị trong ban Tổng cố vấn đặc trách châu Phi, là người Hutu, và vị bề trên sở tại là người Tutsi. Tôi thấy hầu như chẳng có ai, ngoại trừ thỉnh thoảng có nhóm người vũ trang đi lùng sục kẻ thù của mình. Chúng tôi viếng thăm các trại tỵ nạn và tìm thấy gia đình của anh chị em tu sĩ. Điều cực kỳ quan trọng là họ đón nhận những người anh em Tutsi và Hutu này như nhau. Đó là cử chỉ đầu tiên nói lên sự hòa giải và tha thứ cho nhau. Và rồi trước khi rời thủ đô Bujumburu, chúng tôi ngồi lại chuyện trò với nhau. Thay vì những lời lên án và tố cáo, mỗi người lắng nghe những gì mà người khác đã chịu đựng, để họ vẫn là anh em chứ không phải là người xa lạ. Có lẽ đó là những khoảnh khắc đặc biệt nhất của sự lắng nghe mà tôi đã từng thấy, những khoảnh khắc của đôi tai hiếu khách hướng về những người dường như đang nói từ một thế giới khác. Đó là giây phút thinh lặng sâu lắng, một thứ thinh lặng đi kèm theo những lời khó mà tìm thấy và khó mà nghe được. Ở đây, sự tha thứ không phải là quên đi kẻ thù truyền kiếp của mình, nhưng là nhìn nhận người ấy là anh em  - đó là quà tặng tuyệt vời của sự hiệp thông, một việc mà bình thường không thể nào thực hiện được.


THUYẾT ĐỊNH MỆNH


Sự tương phản cuối cùng mà tôi muốn nêu lên giữa Công viên Kỷ Jura và Bữa Tiệc ly có liên quan sâu xa đến khả năng tha thứ. Đó là cách hiểu khác nhau về tự do ở trong hai câu truyện. Công viên Kỷ Jura là một thứ dụ ngôn, tương tự như câu truyện Frankenstein trước đó[9], nói về sự thất bại của nền văn hóa khoa học muốn thực hiện những giấc mơ về quyền kiểm soát tuyệt đối của mình. Đó là câu truyện về sự mất quyền kiểm soát, thất bại trong tự do. Trong cuốn sách, điều này khá sáng tỏ khi căn phòng kiểm soát Công viên ngưng hoạt động và thế là các chú khủng long có thể chạy ra ngoài. Dừng một lúc suy tư vì sự hỗn độn sắp tràn ngập, người anh hùng nói, "Kể từ Newton và Descartes, rõ ràng khoa học đã cho chúng ta thấy quyền kiểm soát toàn bộ. Khoa học đã tuyên bố là cuối cùng nó có sức mạnh kiểm soát mọi sự, vì nó hiểu được các định luật thiên nhiên. Nhưng đến thế kỷ XX, lời tuyên bố ấy không còn hiệu lực gì."[10] Cuối cùng, sự tự do duy nhất còn lại cho các anh hùng của chúng ta là tự do chạy đi, là thoát khỏi tình trạng lộn xộn mà chúng đã gây ra. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể chờ đón Công viên Kỷ Jura, Phần 2. Đó là sự tự do để không bị chiếm hữu, đó là sự tự do cuối cùng của con người hiện đại, con người bị cô lập và đơn côi vẫn cho rằng bị chiếm hữu có nghĩa là bị nhốt lại.


Vào những năm cuối cùng này, nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra, những nền tự do bất ngờ đã được thực hiện. Chúng ta thấy bức tường Berlin sụp đổ, ông Nelson Mandela được bầu làm Tổng thống Nam Phi. Hòa bình ở Trung Đông cũng có thể đang tiến tới. Nhưng mặc dù vậy, đôi khi chúng ta bị cám dỗ bởi thuyết định mệnh buồn chán, một cảm tưởng cho rằng những gì chúng ta làm thực sự không đương đầu nổi và khắc phục được sự nghèo khó, độc ác và chết chóc đang gia tăng. Đó là điều mà ông Havel gọi là "sự bất lực chung của nhân loại hiện đại nhằm làm chủ hoàn cảnh của mình." Có thể cảm quan định mệnh ấy không chỉ do khoa học đã không trả lời được tất cả mọi câu hỏi. Trong cuốn Văn hóa của sự mãn nguyện, John Kenneth Galbraith, một kinh tế gia người Mỹ, chỉ rõ rằng trong thực tế thuyết định mệnh này đã ẩn tàng trong hệ thống kinh tế của chúng ta, hơn kém hai trăm năm qua, nền chính trị của chúng ta bị tác động sâu xa bởi triết lý laissez faire (mặc kệ nó). Điều này khẳng định rằng bất cứ sự can thiệp nào vào thị trường cũng sẽ phải chịu hậu quả tai hại. Chúng ta phải để cho thị trường vận hành theo các nguyên tắc của nó và rồi cuối cùng mọi việc sẽ tốt đẹp. "Đời sống kinh tế tự nó có khả năng giải quyết những khó khăn của nó và của tất cả để cuối cùng đạt kết quả tốt nhất."[11] Đó là một nền triết lý khuyến khích tất cả chúng ta chỉ nghĩ tới cái trước mắt, vì như Keynes nói, "Về lâu về dài, tất cả chúng ta sẽ chết."


Bữa Tiệc ly đem lại cho chúng ta sự tự do nhất là khi đối diện với cái chết, trong viễn tượng ngắn hạn hoặc dài hạn. Nó làm cho chúng ta nhớ đến con người mà số phận đã định phải chết. Điều cần thiết - một trong những đề tài trọng tâm của Tin mừng Mác-cô, là Con Người sẽ phải bị trao nộp để chịu đau khổ và chịu chết. Đó là định mệnh của Người. Thế nhưng khi đối diện với sự hủy diệt, đêm trước khi bị trao nộp, Người đã thực hiện một hành vi tự do đến điên rồ. Người đón nhận đau khổ và cái chết, Người nắm lấy định mệnh của mình, và làm cho định mệnh đó thành một quà tặng. "Đây là Mình Thầy, Thầy ban cho anh em." Định mệnh đã hóa thân thành tự do. Và hình thức của tự do này hoàn toàn đối nghịch với hình thức tự do trong Công viên Kỷ Jura. Đó chính là việc từ chối thoát khỏi các môn đệ, những kẻ sẽ phản bội và phủ nhận Người. Người tự đặt mình trong tay họ. Người để cho họ làm điều họ muốn đối với Người. Đây là một sự tự do rất khác với những anh hùng trong Công viên Kỷ Jura lên máy bay trốn thoát khỏi sự hỗn loạn do những con khủng long đang điên giận gây ra. Đó là thứ tự do được thuộc về cộng đoàn. Đó là thứ tự do sâu xa nhất mà chúng ta có, vì dù chúng ta bị cám dỗ nghĩ thế nào đi nữa, chúng ta vẫn là máu thịt của nhau và chúng ta không thể tồn tại một mình. Tự do chạy trốn tức là đào thoát khỏi bản chất sâu xa nhất của chúng ta.


Nếu các bạn hỏi tôi rằng đâu là điều quan trọng nhất mà tôi đã học được trong hai năm làm Bề trên Tổng quyền, đi từ sân bay này đến sân bay khác, tôi xin nói rằng tôi đã học được một chút để biết sự tự do được thuộc về một cộng đoàn bao hàm điều gì. Tôi thấy có khá nhiều người, nam cũng như nữ, đa số là các tu sĩ, nhưng cũng có cả giáo dân nữa, đã hiểu thấu sự tự do được thuộc về một cộng đoàn, để trao ban sự sống mình, để làm cho đời sống thành một quà tặng. Tôi cũng đã học được thêm một chút nữa về ý nghĩa của việc cử hành thánh lễ.


Hôm qua, tôi mới từ Algeria đến, nơi các anh em Đa Minh quyết định ở lại bất chấp cái chết đe dọa từ những người Hồi giáo cực đoan. Sự ở lại đó là một dấu chỉ của niềm hy vọng và sự hiệp thông tương lai. Đối với họ, mỗi thánh lễ đều được cử hành trong khi đối mặt với tử thần.


Tôi nghĩ đến cái ngày ở miền Bắc Rwanda, tại vùng chiến tranh, trước khi xảy ra những khó khăn hiện tại. Tôi đến thăm một trại tỵ nạn 30 ngàn người. Tôi thấy các phụ nữ đang cố cho những đứa trẻ ăn nhưng chúng không chịu ăn vì chúng không muốn sống. Tôi đến thăm một bệnh viện do các nữ tu coi sóc, và thấy hết phòng này đến phòng khác đầy những bệnh nhi và thanh thiếu niên tay chân đứt lìa. Tôi nhớ có một em, khoảng 8 hoặc 9 tuổi, đứt hai chân, một cánh tay và mất một mắt, còn người cha thì ngôi bên giường mà khóc. Rồi chúng tôi trở lại nhà các nữ tu, ở đó chúng tôi chẳng biết nói gì. Chúng tôi không tìm được một lời nào. Nhưng chúng tôi có thể cử hành thánh lễ, chúng tôi có thể nhắc nhớ Bữa Tiệc ly ấy. Đó là việc duy nhất để làm, và việc đó thêm lòng can đảm cho các nữ tu để ở lại, để thuộc về cộng đoàn.


Để kết luận, tôi xin hỏi làm thế nào để phá vỡ sự giam cầm, trạng thái mê hoặc về hình ảnh con người đang xiềng xích nền văn hóa của chúng ta? Làm thế nào để giải thoát chúng ta khỏi huyền thoại tân thời này, thứ huyền thoại vẫn đề cao chúng ta là những hữu thể cô độc, mỗi người theo đuổi cái lợi riêng của mình bằng sự tranh giành khốc liệt? Như Marquand đã nêu lên, làm thế nào để tái xác định nhận thức chung về hai trăm năm cuối cùng, để khám phá ra chúng ta là anh chị em, là con một Chúa, là bà con trong đức Ki-tô, là những người chia sẻ cùng một huyết nhục và không thể tìm được sự thỏa mãn riêng lẻ?


Sự thật thâm sâu nhất nơi bản tính loài người chúng ta, không phải ở chỗ chúng ta là những con người tham lam và ích kỷ, nhưng ở chỗ chúng ta đói khát Thiên Chúa và trong Thiên Chúa chúng ta tìm thấy nhau. Alasdair McIntyre đề nghị chúng ta nên theo gương các tổ tiên trong thời Trung cổ, và hình thành những cộng đồng địa phương "trong đó đời sống luân lý được duy trì để cả nền luân lý lẫn văn minh có thể tồn tại qua những thời đại man rợ và tăm tối sắp tới."[12] Chắc chắn một trong những cách mà chúng ta sẽ chứng minh cho thấy bản chất con người, đó là qui tụ lại thành những cộng đoàn địa phương nhỏ và tái thể hiện câu truyện Bữa Tiệc ly, qua mầu nhiệm tự do và tha thứ. Ở Anh quốc, chúng tôi gọi một số những cộng đoàn nhỏ đó là các giáo xứ. Trên thế giới có nhiều hình thức cộng đoàn. Đó phải là những cộng đoàn nơi chúng ta được nuôi dưỡng bằng cách hiểu rằng điều thiện mà chúng ta tìm kiếm không phải là sự thỏa mãn riêng tư, nhưng là điều thiện chung. Những cộng đoàn đó không được thu mình lại thành những nhóm nhỏ, chỉ biết vui vầy trong nội bộ khép kín. Cá nhân tôi không thể chịu đựng được cộng đoàn kiểu đó. Ở đây chúng ta phải cổ võ một ý nghĩa quan hệ rộng lớn hơn, nếm trải tình hiệp thông của chúng ta với những người khác, các thánh nhân cũng như những người tội lỗi, người sống cũng như kẻ chết.


 






[1] Kỷ Jura (jurassic): giai đoạn thứ hai của thời đại Mesozoic (khoảng giữa 225 triệu và 65 triệu năm trước; gồm có kỷ Triassic, Jurassci và Cretaceous), là thời kỳ có nhiều khủng long, các loài bò sát biết bay và chim chóc. (ND) 

[2] The Unprincipled Society: New Demands and Old Politics, Glasgow 1998, pp. 288.

[3] Lý do: trong phim chủ yếu là hành động, ít lời nói (ND).

[4] Trích dẫn trong The Independent, 9 December 1989, p. 29.

[5] Real Presence: Is There Anything in What We Say ?, London, 1989, p. 58

[6] Tác giả chơi chữ. "A nip in the air": Nip = cái lạnh cắt da; cũng có nghĩa là người Nhật; A chink in one's armour": Chink = điểm yếu trong lý sự; cũng có nghĩa là người Trung quốc. (ND)

[7] Nghĩa bóng: nếu người ta biết được lời nói có sức mạnh như thế nào, thì người ta phải rất thận trọng. (ND)

[8] ibid.

[9] Frankenstein : tên một nhân vật trong tiểu thuyết (1818) của Mary Wollstonecraft Shelley : anh ta là một sinh viên y khoa trẻ tuổi tạo ra một con quái vật từ thân xác của những người khác, cuối cùng nó đã hủy diệt anh. Truyện này, và những biến thể khác, đã là đề tài của nhiều cuốn phim. (ND)

[10] Michael Crichton, Jurassic Park, p. 313.

[11] The Culture of Contentment, London, 1992, p. 79.

[12] After Virtue, London, 1981, p. 244.

 

 

 

114.864864865135.135135135250