Đức Khó Nghèo Vì Nước Trời
Phần 2: Lời khấn khó nghèo Phúc âm
Sự khó nghèo của Đức Giêsu, của Đức Maria và của các Tông đồ đặt nền tảng và xác định cho kiểu khó nghèo của đời tu chúng ta. Ấy là kiểu khó nghèo họa lại sự khó nghèo của Đức Giêsu: sự khó nghèo-tự hủy, khó nghèo-truyền giáo. Và theo gương mẫu Đức Maria, nó cũng là sự khó nghèo – tinh thần.
1. Sự khó nghèo – tự hủy
Đó là sự khó nghèo của một chọn lựa cơ bản, khó nghèo-gốc. Kiểu nói thánh Phaolô đã áp dụng cho Đức Giêsu, cũng được áp dụng cho chúng ta: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có”. Trong thư này, thánh Phaolô cũng mô tả “những thợ lành nghề” và “những thừa tác viên của Thiên Chúa” với cùng nét Kitô học này: “Chúng tôi bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 6,10). Việc bắt chước Đức Kitô, trong viễn ảnh này, đòi hỏi việc cởi bỏ con người chúng ta, dốc cạn thân phận của chúng ta và mang lấy thân phận hạ cấp. Tình cảnh này giống như ta đi vào một thế giới xã hội đen, tuy thế không làm cho ta sợ hãi cho dù phải đối diện với nguy cơ cướp đoạt rình rập, dù phải đối diện với cái chết trên thập giá, kiểu chết được báo trước cho những kẻ bị coi là hạ cấp: “ bị coi là bịp bợm…, là vô danh tiểu tốt…, là sắp chết…, là bị trừng phạt…, là phải ưu phiền…” (2Cr 6,8-9).
Hình thái khó nghèo tận căn không hệ tại việc đưa chúng ta, về phương diện địa lý hay xã hội, đến một nơi nghèo nàn, mặc dù điều ấy có thể là một hệ quả thiết yếu. Đó là điều gì đó sâu xa hơn nhiều. Khó nghèo tận căn hệ tại sự từ bỏ chính mình, quên đi cái “tôi”, thôi sùng bái cái tôi, và thôi nuông chiều cái tôi.
Ý định và mục đích của sự tự từ bỏ tận căn như thế là một việc hết sức quan trọng. Đó không phải là một kiểu khổ chế vì khổ chế; đúng hơn, đó là một sự từ bỏ tính ích kỷ ngõ hầu chúng ta có thể phục vụ Thiên Chúa là Cha, để chúng ta có thể cộng tác vào việc xây dựng Nước Chúa, để làm cho tất cả những người khác nên giàu có. Đây là sự chọn lựa vĩ đại xác định cuộc đời của những ai đi theo Đức Giêsu: sự chọn lựa không chiếm hữu, nhưng trao ban hoàn toàn; không sống để khẳng định mình, nhưng sống cho người khác bất chấp hậu quả. Sự chọn lựa cả thể này phải đưa chúng ta đến chỗ quý mến những ý nghĩa về cái nghèo, một lối sống nghèo, không đề cao bản thân, tình trạng yếu đuối. Sự chọn lựa ấy phải đưa chúng ta đến chỗ trung tín và tuân thủ lề luật cứu độ, ấy là bằng sự khước từ những quyền lợi của chúng ta để làm giàu cho người khác. Khó nghèo tự nguyện là tình yêu thoát khỏi quyền lực xấu xa và của cải. Khó nghèo tự nguyện là sự tin tưởng vào Thiên Chúa, để Ngài đáp ứng cho mọi nhu cầu của chúng ta tùy theo mức độ giàu có của Ngài.
Khó nghèo tự nguyện là làm giàu cho kẻ khác bằng “của cải đích thực”, của cải thời cánh chung. Sự khó nghèo tự nguyện sẽ hoàn toàn là điều điên rồ khi đào thoát khỏi sự nghèo khó để bước vào sự nô dịch hóa và sự bạo ngược của tiền của bất chính.
2. Sự nghèo khó để rao giảng Tin mừng
Sự nghèo khó này cần thiết cho những ai, vì việc loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, phải đi từ thành này đến thành khác, từ làng này đến làng khác (Lc 8,1). Nếu chúng ta ước mong noi gương Đức Giêsu Rao giảng Tin mừng, chúng ta phải khước từ hết mọi phương tiện do thần tài đề xuất: tự khẳng định mình, phô trương sức mạnh, cám dỗ làm giàu; trái lại, chúng ta phải ôm lấy phương tiện lớn lao, ấy là lòng tin tưởng tuyệt đối và duy nhất vào sự yêu thương quan phòng của Chúa Cha. Như Đức Giêsu, chúng ta từ bỏ cái hang hoặc cái tổ của con người, đó là ngôi nhà và tổ ấm của chính chúng ta. Khi công bố Vương Quốc theo những điều kiện khước từ của cải và tiện nghi cuộc sống, như Đức Giêsu đã làm, chúng ta phải ưu tiên loan báo Tin mừng Nước Trời cho những người nghèo, và với những thành phần còn lại chúng ta phải kêu gọi họ hoán cải theo những đòi hỏi của Vương Quốc. Khó nghèo Phúc âm là hoàn toàn sẵn sàng phục vụ Vương Quốc: luôn để tâm đến việc thi hành sứ vụ chung quyết, luôn ở trong tình trạng đi lên Giêrusalem, trong tình trạng hoàn toàn từ bỏ chính mình. Việc khước từ của cải là hệ quả duy nhất của thái độ căn bản này. Đức khó nghèo của chúng ta không phải là sự khổ chế, mặc dù nó đòi hỏi việc khổ chế. Là nhà truyền giáo tức thị là người sống khó nghèo. Chúng ta không phải là kẻ thù của của cải trần gian vốn tốt lành. Trở nên nghèo trong việc sở hữu của cải, với mục đích là, để của cải không còn trở thành mối bận tâm ám ảnh chúng ta.
Như các tông đồ xưa, chúng ta được mời gọi từ bỏ mọi thứ (nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và gia sản) để bước theo Đức Giêsu. Làm theo lời mời gọi này chúng ta biết rằng, chúng ta đã có “một kho tàng ở trên trời”, thậm chí được lợi “gấp trăm lần trên trần gian” cùng với những sự ngược đãi. Tình trạng bấp bênh và sự thiếu an toàn này nhiều khi khiến chúng ta hoảng sợ và khó lòng hiểu được. Cái “từ bỏ mọi thứ” mà đức thanh bần Phúc Âm đòi hỏi chúng ta thì không thể nhân nhượng: nó đưa chúng ta vượt ra ngoài và vượt lên trên những sự bảo đảm thế gian cung cấp cho ta. Đức thanh bần phúc âm khiến cho chúng ta ra khỏi thành, ra khỏi lề thói thông thường của nhân loại. Chính vì thế, người đời không thể hiểu nỗi sự chọn lựa của chúng ta. Và quả thực, chúng ta chiếm được nơi không thể hiểu được.
Về phương diện này đức thanh bần Phúc âm biến đổi chúng ta thành một dấu chỉ, một lời nhắc nhớ, một sự khơi lên những điều tốt lành của thế giới đang đến. Qua sự nghèo khó chính chúng ta được biến đổi thành những dấu chỉ của thời cánh chung.
3. Nghèo khó như một linh đạo
Mẫu gương Đức Maria dẫn chúng ta nhập vào nhóm người khiêm nhường, liệt chúng ta vào số những người bị hạ nhục và người nghèo. Hơn thế nữa, mẫu gương ấy cũng có nghĩa là chúng ta trở thành, như Mẹ, những phát ngôn nhân loan báo về “sự lật đổ” do Đấng Thiên Sai của Vương Quốc thực hiện nhân danh người nghèo, trong niềm hy vọng đợi trông và đón nhận ơn cứu độ. Nếu thông dự vào sự nghèo khó của Đức Maria, chúng ta sẽ được Tin mừng hóa, sẽ nhận được Vương Quốc mà không phải e ngại.
Mẫu gương Đức Maria là một lời kêu gọi hầu đưa chúng ta nhập vào truyền thống tinh thần vĩ đại của nhóm người nghèo, những người nghèo của Giavê; để thông dự vào sự kiên trì, lòng tin tưởng sống động không suy suyển vào Thiên Chúa của nhóm người nghèo; để thông dự vào niềm khát khao Vương Quốc cách mãnh liệt và vào sự nghèo khó tinh thần của họ. Tinh thần nghèo khó làm cho chúng ta tránh gương của thần Prômêthê, vốn chỉ kỳ vọng vào sức mạnh con người, vào sự cách mạng hay sức mạnh bạo lực. Nhưng đúng hơn, tinh thần khó nghèo khiến chúng ta chỉ tin tưởng vào một mình Thiên Chúa, Đấng đã biểu dương sức mạnh với cánh tay Ngài. Bài Magnificat cũng phải là phản ảnh trung thực của tâm hồn chúng ta. Như Đức Maria chúng ta cũng phải làm cho cái tôi của mình ra không, đồng thời đặt tất cả lòng tin tưởng của chúng ta nơi lòng nhân từ của Chúa Cha.
Như những người con của Đức Maria, Evà mới và lòng dạ cưu mang nhân loại mới, được sinh ra bởi quyền năng của Thánh Thần, chúng ta phải chống lại ma quỷ và những ngẫu tượng của tiền bạc và của cải. Cùng với Mẹ, chúng ta phải công bố với tính cách ngôn sứ, cả bằng lời nói và việc làm, rằng Vương Quốc của Thiên Chúa hiện thể nơi dáng vẻ của người nhỏ bé, người nghèo nàn và người khiêm nhu.
Hoàng Thụy, OP.
(TSTH số 33)
Chuyển dịch từ POVERTY FOR THE KINGDOM
của José Cristo Rey García Paredes. cmf
[2] Những động từ được chọn để biểu thị sự tự hạ của Đức Kitô mặc lấy thân nô lệ (èkénôsen) (c.7) và hạ mình (ètapeínôsen) (c.8). Về sau chỉ về tiến trình phải chịu sự nhục nhã vì Đức Kitô đã nhập thể. Từ “địa vị Thiên Chúa” chuyển qua “thân phận người nô lệ” được diễn tả qua cách thức mặc lấy thân nô lệ (ékénôsen). Động từ này có nghĩa là Đức Kitô đã hoá mình ra không, đã trút bỏ đặc quyền thần linh của Ngài, đã nên trắng tay. Đó không phải là vấn đề hủy bỏ”. L. Cerfaux, Cristo nella teologia di san Paolo, ed.A.V.E., Rome 1969, p.142.
[3] Xin coi V. Casas, art. “Pobreza. Fundamentación Bíblica”, trong Từ điển Thần học về Đời Sống Thánh Hiến, Pclar , Madrid 1989, p.1329.
[4] xin coi S. Mª. González Silva, art. “Pobreza. Reflexión Teológica”, trong Từ điển Thần học về Đời Sống Thánh Hiến, Pclar, Madrid 1989, p. 1354.
[6] F. Hauck – W. Kasch, art. Ploutos, trong “Grande Lessico del Nuovo Testamento” , X, Paideia, Brescia 1975, p. 760-761.
[7] Ngài nói đến sự “vinh quang dồi dào của Người” (Rm 9,23) và “sự giàu có, không ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào” (Rm 11,33). Trong 1Cr 1,5 , thánh Phaolô nói rằng “trong Đức Kitô Giêsu , anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”.
[8] “Với cuộc thương khó của Đức Giêsu, sự từ chối của Giêrusalem đạt tới hồi quyết định của mình”. W. Grundmann, Das Evangelium nach Lukas (ThHK III), 4th ed., Berlin 1966, p. 201.
[10] x. Giải thích này trong A. Pardilla, El Cristo Biblico della Vita Religiosa, Rogate, Roma 1983, p. 43-44.
[11] O. Sa Spinelli, Matteo. Commento al “Vangelo della Chiesa”, 3rd ed., Citadella editrice, Assisi 1977, p. 226-227.
[13] x. J. Jeremias, Jerusalem en tiempos de Jesús, Cristiandad, Madrid 1977, p. 371-387, New Theology, Scribners, New York 1971, p. 233tt. Jeremias trích lời của Flavius Josephus: “Trong đền thờ nữ giới ít được tôn trọng hơn nam giới” ( Contra Apionem 2,201). Người nữ không được vào đền thờ mà phải ở lại sân dành cho phụ nữ. Người nữ chỉ có giá trị ngang bằng người nô lệ trong những bổn phận tôn giáo của mình. Ơ những vùng nông thôn người nữ hoàn toàn lệ thuộc người nam. Các Rabbi khinh thường phụ nữ trong giới của họ.
[14] Về suy tư này, xem J.C.R. Paredes, María en la Comunidad del Reino. Síntesis de Mariología, PClar, Madrid 1988, p. 54-57.
[16] R.E. Brown, The Birth of the Messiah, Doubleday, New York 1977, p. 361; x. P. Legrand, La Virginité dans la Bible, Cerf, Paris 1964, p. 44, 117-118, 145.
[17] “Designio de Dios sobre la Realidad de América Latina: María, Madrey Modelo de la Iglesia”, DP n.297.
- 24/08 - Ba Lời Khuyên Phúc Âm: Vâng Phục Vì Nước Trời (P2)
- 23/08 - Ba Lời Khuyên Phúc Âm: Vâng Phục Vì Nước Trời (P1)
- 16/08 - Hội Nhập Văn Hóa Xúc Tiến Thế Nào Trong Khung Cảnh Mục Vụ
- 12/08 - Học Thuyết Giáo Hội Về Xã Hội Trong Lãnh Vực Chính Trị
- 08/08 - Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Về Vấn Đề Kinh Tế