26/02/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

287

 


ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II – SỨ GIẢ HOÀ BÌNH


 


4. Những phương thế kiến tạo hoà bình


a. Cầu nguyện cho hoà bình


Ý thức được hoà bình là Hồng Ân của Thiên Chúa, nên chúng ta phải cầu xin với Đấng là chính sự Bình An Tuyệt Đối.


Cầu nguyện cho hoà bình không phải là một việc phụ thêm vào hoạt động cho hoà bình. Cầu nguyện cho hoà bình chính là cốt lõi của việc kiến tạo một hoà bình trong trật tự, công lý và tự do. Cầu nguyện cho hoà bình là mở rộng trái tim con người cho quyền năng Thiên Chúa xâm nhập vào để canh tân mọi sự. Với ân sủng ban sự sống, Thiên Chúa có thể mở những lối cho hoà bình, nơi mà con người chỉ thấy hiển nhiên toàn những bế tắc và đóng kín; Ngài có thể củng cố và mở rộng tình liên đới của gia đình nhân loại thay cho lịch sử bất tận những chia rẽ và tranh chấp của chúng ta. Cầu cho hoà bình là cầu cho công lý, cho một trật tự đúng đắn của những mối quan hệ bên trong và giữa các quốc gia và các dân tộc. Đó là cầu nguyện cho tự do, đặc biệt cho tự do tôn giáo là nhân quyền và quyền dân sự căn bản của mỗi cá nhân. Cầu nguyện cho hoà bình là tìm kiếm sự thứ tha của Chúa, và cầu xin sức mạnh để tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta.


b. Ăn chay vì hoà bình


Chính Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra sáng kiến “Ăn chay vì hoà bình” trong toàn Giáo Hội Công Giáo :



  • Năm 1986, ngài kêu gọi ăn chay để giải trừ vũ khí nguyên tử.

  • Ngày 10.01.1993 và 21.01.1994 kêu gọi ăn chay cho hoà bình tại Bosnia.

  • Ngày 14.12.2001, sau biến cố 11.09.2001 kêu gọi ăn chay cầu cho hoà bình thế giới.

  • Năm 2002 ngài tuyên bố chọn ngày mồng 5 tháng 3, tức thứ tư Lễ Tro, làm ngày ăn chay và cầu nguyện cho hoà bình thế giới.


c. Hoà giải


Hoà Giải với Thiên Chúa


Trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã ban huấn từ cho giới trẻ như sau:


Mỗi người chúng ta đều được gửi vào thế giới, để nhờ chứng tá đời sống và việc làm, chúng ta thông truyền sứ điệp Tin Mừng Hoà Giải và bình an: “ Nhân danh Chúa Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5, 20).


Trước hết, cuộc giao hoà này là sinh mệnh cá nhân của mọi Ki-tô hữu. Họ cần phải kín múc sức mạnh và không ngừng canh tân căn tính của mình là môn đệ của Con Thiên Chúa, nhờ cầu nguyện và tham dự vào các bí tích, đặc biệt là Bí tích Hoà Giải và Thánh Thể.


Nhưng đây cũng là định mệnh của toàn thể gia đình nhân loại…Ngoài việc trở nên những người nhiệt thành thông truyền Lời cứu rỗi và những nhân chứng của niềm vui Phục Sinh, các con còn là những người xây dựng hoà bình trong một thế giới tìm kiếm hoà bình như một điều không tưởng, vì thường quên mất nguồn gốc thâm sâu của nó. Như các con đã biết, nguồn gốc của hoà bình ở trong tâm hồn mỗi người, nếu ta mở rộng đón nhận lời chào chúc Phục Sinh “chúc anh em được bình an” (Ga 20, 19).


Ý thức tội lỗi của mình, hơn thế nữa là đi sâu vào bản ngã mình, nhìn nhận rằng mình là một tội nhân có khả năng phạm tội và có xu hướng phạm tội, là bước đầu thiết yếu trong việc quay về với Thiên Chúa… Chúa Giê-su đã đặt những lời này vào miệng và vào tâm hồn của người con hoang đàng: “Cha ơi, con đã phạm đến trời và đến cha!”.


Thật vậy, việc trở về hoà giải với Thiên Chúa ngụ ý và bao gồm ý thức tự mình tách rời, một cách ý thức và dứt khoát, ra khỏi tội lỗi mà mình đã rơi vào. Trong những hoàn cảnh cụ thể của con người tội lỗi, trong đó không thể có hoán cải, nếu không có việc nhìn nhận tội lỗi của mình…, đến chỗ loại bỏ tội lỗi, tái lập tình thân hữu đối với Chúa, đến một trật tự nội tâm mới, đến một cuộc hoán cải mới với Giáo Hội.


Chúng ta cần hoán cải mỗi ngày. Đây là một đòi hỏi căn bản mà Phúc Âm đã nhắn nhủ mọi người (x. Mt 4, 17), và hơn ai hết chúng ta phải coi như nhắn nhủ chính mình. Nếu chúng ta có nhiệm vụ giúp kẻ khác hoán cải, thì càng phải làm như vậy đối với đời sống riêng của mình, nghĩa là hoán cải không ngừng.


Chính Chúa nói với anh chị em: “ Hãy chỗi dậy! Hãy chỗi dậy!”, Ngài yêu cầu anh chị em từ bỏ các ngẫu tượng của thế gian và chọn Ngài là tình yêu, thứ tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, và kêu mời anh chị em hướng về tuổi xuân và mùa xuân, vui vẻ sống mùa xuân trong việc trao tặng: trao tặng chính mình, trao tặng Chúa Ki-tô, trao tặng Ngài cho mỗi người, trao tặng chúng ta cho Ngài, trao tặng chúng ta cho tha nhân. Đó là viễn ảnh xây dựng một nền văn minh khác, một nền văn minh mới: nền văn minh tình thương. Đó là nền văn minh của Chúa Giê-su, nền văn minh của Giáo hội, nền văn minh Ki-tô đích thực, nền văn minh của anh chị em (diễn văn tại Agritante, 09.05.1993).


Mặc dù thánh thiện nhờ hiệp nhất với Chúa Ki-tô, Giáo hội không ngừng thống hối. Giáo Hội luôn đón nhận những con cái tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhân loại. Như Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân”, số 8, đã xác nhận: “ Giáo Hội vì ôm ấp những kẻ tội lỗi trong lòng, nên vừa thánh thiện, vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân”.


Giáo hội không thể nào bước qua ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới mà không khuyến khích con cái mình tẩy sạch, trong tinh thần sám hối, những sai lầm, những bất trung, những bất hợp lý, những trì trệ (Tiến tới ngàn năm thứ ba, số 33).


Lịch sử cứu độ, cho dù là của toàn thể nhân loại hay của từng cá nhân, đều là lịch sử tuyệt vời về sự hoà giải, sự hòa giải trong đó Thiên Chúa là Cha, qua Bửu Huyết và Thập Giá của Con Ngài đã giao hoà thế gian với chính Ngài, và như thế Ngài thiết lập một gia đình mới gồm những ai đã được giải hoà.


Việc hoà giải đó đã trở nên cần thiết, bởi vì đã có những đổ vỡ do tội, từ đó phát sinh mọi hình thức đổ vỡ khác trong con người và xung quanh con người. Chính vì thế, để sự hoà giải được hoàn toàn, thì cần phải có sự giải phóng khỏi tội lỗi, tội lỗi cần phải nhổ tận rễ. Như vậy, có một mối liên kết chặt chẽ nội tại giữa sự hoán cải với việc hoà giải, không thể nào tách rời hai thực thể đó, hoặc nói về cái này mà không nói về cái kia.


Không thể có sự hiệp nhất giữa con người nếu không có sự thay đổi nội tâm của từng cá nhân. Sự hoán cải bản thân là con đường cần thiết dẫn tới sự hoà hợp giữa các cá nhân. Khi công bố Tin Mừng về sự hoà giải hoặc đề nghị thực hiện việc hoà giải nhờ các bí tích, Giáo hội thi hành vai trò đích thực của mình là Ngôn Sứ, lên án những sự dữ nơi con người trong cội nguồn nhiễm độc của chúng, phơi bày cội rễ của những phân rẽ và mang lại hy vọng để vươn đến tình huynh đệ thuận hảo và an bình ở mọi cấp độ, mọi tầng lớp xã hội (Sám Hối và hoà giải, số 4).


Trong thư gửi các linh mục ngày 08.04.1979, ngài viết “Đối với chúng ta, hoán cải có nghĩa là trở lại với ân sủng Chúa đã ban cho ta khi Ngài gọi ta, suy gẫm lòng nhân hậu và tình thương vô biên của Chúa Ki-tô, đã ngỏ lời với từng người bằng cách gọi đích danh chúng ta: “Hãy theo Thầy !”.


Chúng ta hoán cải nghĩa là trả lẽ về việc phục vụ, về lòng nhiệt thành, về sự trung tín đối với Thiên Chúa, vì chúng ta là “tôi tớ của Chúa Ki-tô và có phận sự quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4, 1).


Chúng ta hoán cải nghĩa là trả lẽ về những sơ xuất, những tội lỗi, những hèn nhát, sự yếu đức tin, đức cậy, những suy tưởng hoàn toàn theo thế tục, mà không theo Thiên Chúa.


Chúng ta hoán cải nghĩa là đi tìm lại ơn tha thứ và sức mạnh bởi Thiên Chúa trong Bí tích Hoà Giải, cũng là bắt đầu lại để tiến lên mỗi ngày.


Chúng ta hoán cải nghĩa là làm chủ mình, thực hiện những chinh phục thiêng liêng, và cho đi cách vui vẻ, vì”Thiên Chúa yêu thương người cho đi cách vui lòng (2Cr 9, 7).


Chúng ta hoán cải nghĩa là cầu nguyện liên lỉ, không biết mệt mỏi (Lc 18, 1). Một cách nào đó, cầu nguyện là điều kiện thứ nhất và cuối cùng của sự hoán cải, của sự tiến đức, của sự thánh thiện.


Các con hãy tiến bước như những người đã được hoà giải, đồng thời mang lại sự hoà giải. Các con đừng chỉ gạt qua một bên những vết nhơ do thất bại, lầm lỗi…, bằng không, những vết nhơ đó sẽ làm ô nhiễm bầu khí thiêng liêng, hoặc sẽ khiến các con đổ những sai lầm cho “một vật hy sinh”. Chẳng ai có thể tự xoá bỏ quá khứ được. Ngay cả một nhà tâm lý học lành nghề nhất cũng không thể giải phóng con người khỏi gánh nặng quá khứ của họ. Chỉ có Thiên Chúa Toàn Năng mới có thể dùng tình thương sáng tạo của Ngài xây dựng với chúng ta một khởi đầu mới. Đó là sự cao cả của bí tích tha thứ: chúng ta được đối diện với Thiên Chúa, và mọi người được tiếp đón như một người đã được Thiên Chúa đổi mới.


Bí tích này thanh luyện tâm hồn bị ô nhiễm của ta nhờ ơn tha thứ và do đó cũng cho chúng ta sức mạnh đạt tới sự hoà giải chân thành ... Chúa Ki-tô đã khẳng định điều ấy: sự hoán cải của kẻ tội lỗi là một trong những hành vi nhân linh sâu xa và quý giá nhất. Ngay bước đầu tiên đi đến sự hoán cải này cũng đã diễn ra dưới ánh sáng tình thương của Ngài. Nếu Thiên Chúa sẵn sàng lành mạnh hoá chúng ta từ gốc rễ, thì ta phải tìm ra sức mạnh để hiến tặng sự tha thứ cho anh em, cho dù ta thấy họ đã gây thiệt hại cho ta (Nói với giới trẻ, Salzbourg 26.06.1988).


Hoà Giải với anh em :


Tình liên đới giúp ta nhìn “người khác” như kẻ “giống mình”, một trợ lực mà người ta phải làm cho được cùng tham dự bữa tiệc cuộc đời, bữa tiệc mà mọi người đều được Chúa mời tới dự.


Theo ánh sáng đức tin, tình liên đới cố gắng vượt khỏi chính mình, mặc lấy chiều kích đặc thù Ki-tô giáo của lòng khoan dung , tha thứ và giao hoà. Khi đó, người anh em không những là một con người với mọi quyền và sự bình đẳng với mọi người, mà còn trở nên hình ảnh sống động của Chúa Cha, hình ảnh được cứu chuộc nhờ Máu Chúa Ki-tô và là đối tượng của tác động thường hằng của Chúa Thánh Thần. Vì thế, cho dù là thù địch, người ấy cũng phải được yêu bằng tình yêu Chúa đã yêu, và ta phải sẵn sàng hy sinh cho họ, kể cả “thí mạng sống cho anh em”.


Lúc ấy, ý thức về tình Cha của Thiên Chúa và tình anh em giữa mọi người trong Chúa Ki-tô, ý thức về sự hiện diện và tác động ban sự sống của Chúa Thánh Thần, ý thức ấy sẽ cho cái nhìn của ta về thế giới như một tiêu chuẩn mới. Ngoài mối dây nhân loại và tự nhiên, vốn đã mạnh mẽ và bền chặt, lại còn xuất hiện ánh sáng đức tin một mẫu thống nhất mới của nhân loại, mà cuối cùng tình liên đới vẫn phải lấy cảm hứng từ đó (Quan tâm tới vấn đề xã hội, số 39-40).


Trong viễn tượng năm 2000, có lẽ đây là công việc lớn nhất: chúng ta không thể trình diện trước mặt Chúa Ki-tô, chủ tể lịch sử, mà vẫn còn chia rẽ như trong đệ nhị thiên niên kỷ. Những chia rẽ này phải nhường bước cho việc xích lại gần nhau và sống hoà hợp. Những vết thương trên con đường hiệp nhất các Ki-tô hữu phải được hàn gắn lại.


Chỉ việc can đảm nhìn nhận các lỗi lầm và thiếu sót mà một cách nào đó, các Ki-tô hữu đã mang trách nhiệm, cũng như ý định quảng đại sửa chữa nhờ ơn Chúa giúp, mới có thể cống hiến cho việc tái Phúc Âm hoá một đà tiến hữu hiệu và làm cho con đường hướng về hiệp nhất được dễ dàng hơn. Quả thật, chính nơi đây là hạt nhân chính yếu của sứ vụ chúng ta, theo lời nói tỏ tường của Thầy Chí Thánh trước khi giáp mặt với biến cố bi đát của cuộc tử nạn: “Xin cho chúng nên một”.


Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho chúng nên một như chúng ta là một, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 21), (Hội Nghị Hồng Y đặc biệt ngày 13.06.1994).


Thế giới loài người sẽ chỉ có thể trở thành “càng ngày càng nhân đạo hơn” khi chúng ta đưa sự tha thứ, rất thiết yếu với Tin Mừng, vào trong tất cả những mối tương quan tương hỗ làm nên gương mặt tinh thần của thế giới. Sự tha thứ chứng thực rằng tình yêu mạnh hơn tội lỗi đang hiện diện trong thế giới. Hơn nữa, sự tha thứ là điều kiện thứ nhất của việc hoà giải, không những trong những mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng cũng trong mối tương quan giữa người với người nữa.


Một thế giới mà người ta loại trừ sự tha thứ sẽ chỉ là một thế giới công bằng lạnh lẽo và thiếu tôn trọng, nhân danh sự công bằng mỗi người sẽ đòi những quyền lợi cho riêng mình. Như vậy những sự ích kỷ đủ loại đang ngủ trong con người có thể biến đổi cuộc sống và xã hội loài người thành một hệ thống áp bức, những kẻ yếu nhất bị áp bức bởi những kẻ mạnh nhất, hoặc thành một sân đấu dành cho cuộc đấu tranh triền miên giữa người với người.


Vì vậy, nên Giáo hội phải xem như một trong những bổn phận chính yếu của mình, trong mỗi giai đoạn của lịch sử và đặc biệt là ở thời đại hiện nay, là tuyên bố và đưa vào trong cuộc sống mầu nhiệm của lòng nhân từ được mạc khải cao độ nhất nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Không những chỉ đối với Giáo hội trong tư cách là cộng đồng những kẻ tin mà thôi, nhưng theo một nghĩa nào đó, còn đối với tất cả mọi người, mầu nhiệm này là nguồn mạch của cuộc sống khác với cuộc sống có khả năng xây dựng con người bị đe doạ bởi những sức lực rất nghiệt ngã của 3 thứ dục vọng hoành hành nơi họ. Và chính nhân danh mầu nhiệm này mà Chúa Ki-tô dạy chúng ta phải luôn luôn tha thứ.


Biết bao nhiêu lần chúng ta lặp lại những lời của bản kinh mà chính Ngài đã dạy chúng ta: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những kẻ có lỗi với chúng con”, nghĩa là những kẻ đã xúc phạm đến chúng ta! Thật khó mà diễn tả được giá trị sâu xa của thái độ mà những lời kinh ấy dạy chúng ta phải thực hiện. Có điều gì mà những lời kinh này không mạc khải cho mọi người, về đồng loại và về chính mình! Ý thức mình mắc nợ đối với nhau đi đôi với lời mời gọi liên đới huynh đệ mà Thánh Phaolô đã diễn tả một cách cô đọng khi mời gọi chúng ta chịu đựng lẫn nhau “trong tình bác ái”.


Thật là một bài học khiêm nhường lớn lao được chứa đựng nơi đây đối với con người, đối với đồng loại, đồng thời đối với chính chúng ta nữa! Trường học thiện chí tốt đẹp thay cho cuộc sống chung mỗi ngày, trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời chúng ta! Nếu chúng ta lơ là với một bài học như thế, thì còn gì nữa cho những chương trình “nhân bản về cuộc sống và giáo dục”? (Giàu lòng nhân từ, số 14).


Với con người thời đại vốn rất nhạy cảm với những chứng từ sống động cụ thể, Giáo hội được kêu mời đưa ra một gương mẫu cho việc hoà giải trước tiên trong nội bộ của mình. Vì mục đích này tất cả chúng ta phải làm việc để đem lại bình an cho tâm trí con người, để giảm bớt những căng thẳng, để vượt qua những chia rẽ, và để chữa lành những thương tích mà anh em đã gây cho nhau khi đối chọi trong lập trường trong vấn đề tư kiến.


Chúng ta phải cố gắng hiệp nhất trong những gì trọng yếu cho đức tin và đời sống Ki-tô giáo, theo phương châm của người xưa: “Trong những điểm hồ nghi thì để tự do, trong những điểm thiết yếu thì thống nhất, và trong mọi sự cần có bác ái”.


Dựa theo chuẩn mực đó, Giáo hội cần tiến hành hoạt động đại kết của mình. Để được hoàn toàn hoà giải, Giáo hội biết rằng mình phải tiếp tục mưu cầu sự hiệp nhất giữa những người hiên ngang xưng mình là Ki-tô hữu, nhưng lại phân rẽ nhau, ngay cả phân rẽ thành các giáo hội và các giáo đoàn và phân ly khỏi Giáo hội Roma.


Giáo Hội Roma tìm kiếm sự hiệp nhất được coi như hoa trái và diễn tả sự hoà giải thực sự. Sự hiệp nhất được đặt nền không phải trên sự che dấu những điểm gây chia rẽ, hay trên những thoả hiệp dễ dãi có tính cách nông cạn và dòn mỏng. Sự hiệp nhất phải là thành quả của việc hoán cải thực sự nơi mỗi người, là thành quả của sự tha thứ cho nhau, của việc đối thoại thần học và tương giao huynh đệ, của cầu nguyện và ngoan ngoãn đối với tác động của Thánh Thần, Đấng cũng là “Thần Khí của sự hoà giải” (Sám Hối và hoà giải, số 9).


Các tín hữu là một với nhau, bởi vì trong Chúa Thánh Thần, họ ở trong sự hiệp thông của Chúa Con và nơi Ngài, trong sự hiệp thông với Chúa Cha: “Sự hiệp nhất của chúng ta là hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Ngài” (1Ga 1, 3). Đối với Giáo hội Công giáo, sự hiệp thông giữa các Ki-tô hữu không phải là gì khác ngoài việc biểu lộ nơi họ ân sủng, mà nhờ đó Thiên Chúa đã cho họ tham dự vào chính sự hiệp thông của Ngài, tức là cuộc sống vĩnh cửu của Ngài.


Tình yêu tạo nên sự hiệp thông giữa con người và giữa những cộng đồng. Nếu chúng ta yêu nhau, thì chúng ta có khuynh hướng đào sâu mối hiệp thông giữa chúng ta, đưa nó đến mức trọn hảo. Tình yêu hướng về Thiên Chúa là nguồn mạch trọn hảo của sự hiệp thông, sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để kín múc nơi Ngài sức mạnh hầu khơi dậy sự hiệp thông giữa những cá nhân và những cộng đồng hoặc tái lập nó giữa các Ki-tô hữu còn đang chia rẽ. Tình yêu là dòng chảy rất sâu xa ban sự sống và sức mạnh để tiến tới hiệp nhất.


Ta hãy nghe lại những lời Chúa Giê-su: “Thầy là cây nho thật và cha Thầy là người trồng nho…Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con” (xc.Ga 15,1-4). Những lời đơn sơ này mạc khải cho chúng ta sự hiệp thông bí nhiệm liên kết với Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài, Chúa Ki-tô và những người đã chịu phép rửa trong sự hiệp nhất hoàn toàn. Đó là sự hiệp thông sống động và làm cho sống, nhờ sự hiệp thông ấy các Ki-tô hữu không còn thuộc về mình nữa, nhưng là sở hữu của Chúa Ki-tô như những cành nho kết hợp với cây nho vậy.


Sự hiệp thông của Ki-tô hữu với Chúa Giê-su rập theo khuôn mẫu, có nguồn gốc và cùng đích nơi chính sự hiệp thông của Chúa Con với Chúa Cha trong việc thông ban Thánh thần. Kết hợp với Chúa Con trong mối giây tình yêu của Thánh Thần, các Ki-tô hữu được kết hợp với Chúa Cha. Trong sự hiệp nhất huynh đệ này Chúa Giê-su cho thấy phản ánh tuyệt vời và sự tham gia bí nhiệm vào đời sống tình yêu thâm sâu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su cầu nguyện cho sự hiệp thông này: “ Xin cho tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng nên một trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng cha đã sai Con” (Ga 17, 21), (Ki-tô hữu giáo dân, 18).


Sứ điệp cứu rỗi mà chúng ta là những kẻ loan báo sẽ chỉ được những người đương thời đón nhận, nếu nó đi kèm theo với một chứng tá chặt chẽ. Công đồng Vatican II khẳng định:” Không có đại kết nếu không có sự hoán cải nội tâm. Quả vậy, ước muốn hiệp nhất nảy sinh và chín mùi từ việc đổi mới tâm hồn, sự bỏ mình và thực thi bác ái”. Dưới ánh sáng của nguyên tắc này, ta nên tự hỏi về tính đạo đức của cuộc đối thoại theo các đòi hỏi của Tin Mừng.


Đó là những đòi hỏi của sự thật và tình thương. Những đòi hỏi này giả thiết phải thẳng thắn nhìn nhận sự kiện, với lòng sẵn sàng tha thứ và đền bù lỗi lầm. Những đòi hỏi này không cho phép khép kín trong các tư tưởng tiên nghiệm, thường là nguồn gốc gây ra chua cay và đả kích vô bổ. Những đòi hỏi đó sẽ giúp ta tránh đưa ra những tố cáo thiếu cơ sở chống lại anh em mình, bằng cách gán cho họ các ý định hoặc dự tính mà họ không có. Như vậy, khi người ta muốn thực sự hiểu lập trường của kẻ khác, thì những mâu thuẫn sẽ được san bằng nhờ cuộc đối thoại kiên nhẫn và chân thành, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Đấng An Ủi (Cuộc cử hành Đại Kết tại Đền thờ Thánh Phê-rô, Vatican ngày 07 tháng 12 năm 1991).


Thế nên, thái độ đầu tiên của các Ki-tô hữu theo đuổi sự hiệp nhất, và nhận thấy rõ khoảng cách giữa sự hiệp nhất mà Chúa Ki-tô muốn và sự hiệp nhất đã được thực hiện, chỉ có thể là ngước mắt lên trời để nài xin Chúa luôn thúc đẩy hướng về hiệp nhất dưới sự linh hứng của Thánh Thần.


Muốn được chân chính và hiệu quả, đại kết còn đòi hỏi nơi các tín hữu Công giáo một số thái độ. Trước tiên là bác ái, với cái nhìn đầy thiện cảm và một ước muốn tha thiết cộng tác, mỗi khi có thể, với anh em các giáo hội hoặc cộng đồng giáo hội khác. Thứ đến là trung thành với Giáo hội Công giáo, mà vẫn không làm ngơ hoặc phủ nhận những thiếu sót trong lối xử sự của một số thành viên của giáo hội. Kế nữa là tinh thần nhận định để đánh giá cao những gì là tốt lành và đáng khen. Cuối cùng một ý muốn chân thành thanh tẩy và đổi mới cho đến khi Chúa Ki-tô tự giới thiệu cho mình một Giáo hội vinh hiển, vô tì tích (x Ep. 5, 27), (Tiếp kiến chung 26.07.1995).


Trong lịch sử Giáo hội, Đức Gioan Phaolô II là người đầu tiên đã lên tiếng xin lỗi thế giới. Năm Thánh 2000, ngài đã thay mặt toàn thể Giáo hội Công giáo để xin lỗi về những điều mà Giáo hội đã phạm qua nhiều thế kỷ. Không chỉ xin lỗi bằng lời nói, vào tháng 3 năm 2000, trong chuyến hành hương Đất Thánh, ngài đã đến bức tường than khóc và đặt vào bức tường đó lá thư xin lỗi của Giáo hội.


Đại Kết và vấn đề Liên Tôn


Những quan hệ đại kết và liên tôn đã được Đức Giáo Hoàng hết sức chú ý. Ngài có hai tư liệu phát hành trong năm 1995 đã liên quan đến các vấn đề trên. Đó là Thông Điệp “Xin cho họ nên một” (Ut Unum Sint) và Tông Thư “Ánh Sáng Đông Phương” (Orientale Lumen).


Vấn đề đại kết còn đòi hỏi nơi các tín hữu Công giáo một số thái độ. Trước tiên là bác ái, với cái nhìn đầy thiện cảm và một ước muốn thiết tha cộng tác, mỗi khi có thể, với anh em các giáo hội hoặc cộng đồng giáo hội khác. Thứ đến là trung thành với giáo hội công giáo, mà vẫn không làm ngơ hoặc phủ nhận những thiếu sót trong lối xử sự của một số thành viên của Giáo hội. Kế nữa là tinh thần nhận định để đánh giá cao những gì tốt lành và đáng khen.


Giáo hội Công giáo muốn tìm sự hiệp nhất này bằng cách theo đuổi không ngừng việc dấn thân đại kết. Với ơn Chúa trợ giúp, Giáo hội sẽ không lùi bước trước những khó khăn và thất bại, Giáo hội ý thức phải đáp lại lời mời gọi “xin cho tất cả nên một” (Ga 17, 20) mà Chúa Giê-su đã để lại cho các tín hữu như lời dặn dò cuối cùng trước khi chịu tử nạn trên thập giá (Cuộc cử hành Đại Kết tại Đền thờ Thánh Phê-rô, Vatican ngày 07 tháng 12 năm 1991).


Ngài đã có sáng kiến và chủ trì các cuộc gặp gỡ vì hoà bình tại Assisi:


Ngày 27.10.1986, lần đầu tiên 150 đại diện cho 12 tôn giáo chính trên thế giới đã đáp lời mời của ngài. Sứ điệp nhân dịp này ngài đã nhấn mạnh:


“Tất cả chúng ta đều coi lương tâm và việc vâng phục lương tâm như yếu tố thiết yếu trên con đường hướng về một thế giới hoà bình và tốt đẹp hơn”.


Kinh nghiệm này được lặp lại năm 1993 và 2002. Ngài đã thường nói về nhu cầu hiệp nhất và kêu gọi người công giáo cũng như những người khác cầu nguyện và hành động theo mục đích đó. Đối với Ngài, bước đường đối thoại liên tôn được coi là cách “đẩy mạnh những căn cớ cho hoà bình, hiểu biết và phẩm giá của con người”.


Trong sứ điệp hoà bình ngày 1-1-2002, Đức Gioan Phaolô II đã lập lại nhiều lần: “Không có hòa bình nếu không có công lý, không có công lý nếu không có sự thứ tha”.


Đấu tranh cho hoà bình


Đức Gioan Phaolô II không ngừng tranh đấu phẩm giá và quyền lợi của giới thợ thuyền.


Tuy đề cao công lý, nhưng ngài không dừng lại ở điểm này, mà còn mời gọi con người can đảm đi xa hơn công lý, để vươn tới suối nguồn đích thực của nó là yêu thương, lòng nhân ái, từ bi và tha thứ.


Trong sứ điệp “Ngày Hoà Bình Thế Giới” năm 1988, một lần nữa ngài nhắc lại mối tương quan đặc biệt này: “ Công lý vừa là một nhân đức luân lý, vừa là một khái niệm pháp lý. Đôi khi nó được diễn tả như một người mắt bịt kín; thật ra, nhiệm vụ riêng của công lý là sáng suốt và tỉnh táo để bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, khuyến khích sự chia sẻ đồng đều các trách nhiệm và phúc lợi. Công lý phục hồi chứ không phá huỷ, đưa tới hoà giải thay vì phục thù. Xét cho kỹ, ở trong chiều sâu của nó, công lý bén rễ trong tình yêu, mà lòng thương xót là một biểu hiện có ý nghĩa nhất. Vì thế, công lý tách khỏi tính khoan dung sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác”.


Trong suốt hơn hai thập niên vừa qua, Đức Gioan Phaolô II là một chiến sĩ không mệt mỏi của nền hoà bình thế giới.


Bất chấp những hồi trống trận làm rung động thế giới do Mỹ và Anh cổ động, Đức Thánh Cha vẫn thẳng thắn kết án chiến tranh. Ngài không ngần ngại gửi đặc sứ sang Bagdad để đề nghị một giải pháp hoà bình, đồng thời kêu gọi Iraq thi hành nghiêm chỉnh Nghị Quyết 1441 của Liên Hiệp Quốc. Vỏn vẹn trong vòng 3 tuần lễ, Ngài đã tiếp Bộ Trưởng Ngoại Giao Fischer (Đức), Phó Thủ Tướng Aziz (Iraq), Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Koffi Annan, Thủ Tướng Tony Blair (Anh), Thủ tướng J.M. Aznar (Tây Ban Nha), Phó Chủ tịch Quốc Hội Iran, Thủ Tướng Berlusconi (Ý) và cử Hồng y Piô Laghi đi Washington D.c. để trao một sứ điệp cho Tổng Thống Giorge. W. Bush.


Năm 1991 trong chiến tranh vùng Vịnh, Ngài đã phải đơn thương độc mã lên án chiến tranh, nhưng hôm nay, ngược lại, đại đa số thành viên Hội Đồng Bảo An nói riêng và nhân loại nói chung, đã chọn giải pháp hoà bình như Ngài và với Ngài.


Cho mãi đến khi lâm trọng bệnh, ngài vẫn quyết liệt chống lại giải pháp chiến tranh và yêu cầu Mỹ đừng lạm dụng danh Chúa trong cuộc chiến này. Theo Ngài, nên cẩn trọng đừng để Chúa phải liên luỵ với những sai lầm của nhân loại.


Tương lai của thế giới xem ra u tối. Nạn thất nghiệp, đói kém, bạo động, những đe doạ từ kho vũ khí có khả năng huỷ diệt ghê gớm đang đè nặng trên nhân loại, những mất thăng bằng về kinh tế, sự nghèo nàn thiêng liêng đi kèm theo trong nhiều quốc gia và xã hội tiêu thụ, là bấy nhiêu lý do để lo lắng.


Những tiến bộ lạ lùng của khoa học và kỹ thuật đều có hai mặt. Chúng có thể dùng cho cái tốt nhất và cho cái xấu nhất. Chúng có thể cứu mạng sống con người hoặc huỷ diệt nó. Chúng có thể giúp phân phối của cải trong một thế giới tốt hơn và công bằng hơn, hoặc ngược lại, làm gia tăng việc tích trữ của cải trong các nhóm nhỏ bằng cách chồng chất thêm nỗi khốn khổ lên đại đa số nhân dân. Chúng có thể tạo điều kiện cho hoà bình, hoặc ngược lại, đè nặng trên nhân loại sự đe doạ của những huỷ diệt khủng khiếp (Gặp gỡ giới trẻ, Fribourg, 13.06.1984).


Sự tách biệt giữa phạm vi khoa học và phạm vi luân lý là một thảm kịch của thời đại chúng ta. Con người tìm cách thống trị thế giới, nhưng nó chưa làm chủ được mình. Chính những giá trị đạo đức mới là con đường để bảo đảm sự cứu rỗi cho xã hội đương thời.


Tất cả tuỳ thuộc việc sử dụng những tiến bộ của khoa học hoặc của kỹ thuật. Cuối cùng thì tất cả tuỳ thuộc trái tim con người. Chính trái tim con người cần phải được thay đổi. Có lẽ phải thay đổi một số cơ cấu gây ra bất công, lầm than, nhưng đồng thời phải thay đổi trái tim của con người (Gặp gỡ giới trẻ, Fribourg, 13.06.1984).


Tạm Kết


Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng sâu đậm về con người của ngài, nhất là những sứ điệp về hoà bình của ngài, chúng ta không thể nào gói gọn trong bài viết này. Với 84 năm tuổi đời, 58 năm linh mục, 26 năm kế vị Thánh Phê-rô, Đức Gioan Phaolô II đã đấu tranh không mệt mỏi cho hoà bình thế giới bằng nhiều phương thế mà chúng tôi vừa trình bày ở trên. Tuy nhiên, Đối với Ki-tô hữu, hoà bình trên trái đất luôn luôn là một thách đố, vì có sự hiện hữu của tội lỗi nơi lòng trí con người. Được đức tin và đức cậy thúc bách người Ki-tô hữu kiên tâm cổ võ cho một xã hội sống công bằng hơn ; họ chống lại cơn đói kém, sự trần trụi, bệnh tật ; họ chú ý đến đời sống của anh em di dân, tù đày hay đang sống ngoài lề xã hội (x Mt 25, 35-36).


Nhưng họ cũng ý thức rằng mọi sáng kiến trên của họ có diễn tả phần nào đó về lòng thương xót và sự thiện hảo của Thiên Chúa (x Lc 6, 36 ; Mt 5, 48), thì chúng lại luôn hạn chế về tầm vóc, với kết quả giới hạn do sự mỏng dòn của con người.


Bởi vậy, khi hăng say hoạt động không mỏi mệt để ngăn ngừa mọi hình thái chiến tranh, con người chỉ còn biết trông cậy và phó thác cho Đấng đã có thể ban bình an cho nhân loại khi đến thời viên mãn của từng tình huống.ª

114.864864865135.135135135250