24/02/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

1087

 




ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II – SỨ GIẢ HOÀ BÌNH


 


Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết nhiều văn kiện về các đề tài khác nhau, đến nỗi có người đã nói đùa rằng ngài không còn để chỗ nào trống cho các nhà thần học nữa. Ngài đã ban hành 70.000 trang giáo huấn. Trong số các văn kiện quan trọng, chúng ta có thể liệt kê gồm: 14 Thông Điệp, 15 Tông Huấn, và 14 Tông Thư . Ngài là người ký công bố Bộ Giáo Luật 1983 và Giáo lý của Giáo hội Công giáo vào ngày 11-10-1992. Ngài cũng cho xuất bản hai cuốn sách Bước Vào Hy Vọng (tháng 10-1994), Ân Huệ và Mầu Nhiệm: kỷ niệm 50 năm ngày tôi được thụ phong Linh Mục (tháng 11-1996) và cuốn Đứng Dậy, Chúng Ta Đi (2004).


Trong những bài giảng, phát biểu, trước tác của ngài, người ta đọc ra 7 điểm nhấn Ngài thường dùng, đó là:


1. Đức Ki-tô Đấng Cứu Độ Duy Nhất.


2. Vai trò duy nhất của Hội Thánh Công Giáo.


3. Phẩm Giá con người.


4. Công cuộc Phúc Âm Hoá mới.


5. Bảo vệ chân lý.


6. Rao giảng niềm hy vọng.


7. Đấu tranh cho hoà bình.


Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin điểm nhấn thứ bảy của ngài đó là việc đấu tranh cho hoà bình. Và trong lãnh vực này, người ta thường gọi Đức Gioan Phaolô II là sứ giả hoà bình vì nhiều lý do :


Thứ nhất, qua Sứ Điệp Hoà Bình đọc vào ngày đầu năm dương lịch hằng năm, của nhiều giới chức có uy tín trên thế giới như Đức Hồng y Thuận- Chủ tịch hội đồng Toà Thánh Công lý và hoà bình, hay của Tiến sĩ Georgio Filiback viên chức của Hội Đồng toà Thánh…, nhận định rằng ngài đã có nhiều tư tưởng sâu sắc thúc đẩy mọi người, bất cứ thuộc tôn giáo, khuynh hướng chính trị nào, hãy suy tư nghiêm chỉnh về những đòi buộc của việc xây dựng hoà bình ; Sứ điệp cũng giúp mọi người thành tâm thiện chí công nhận rằng : trên thế giới ngày nay còn biết bao vi phạm nhân quyền mà không bị trừng phạt. Có thể cũng vì những lời mạnh mẽ của các sứ điệp hoà bình, mà các phương tiện truyền thông xã hội (giới báo chí, truyền thanh, truyền hình…) đã lưu ý nhiều đến ngài.


Thứ đến, từ lúc làm giáo hoàng, trong những chuyến công du, đi đến đâu Ngài cũng lên tiếng đấu tranh cho hoà bình không mệt mỏi. Ngài liên kết với các vị lãnh đạo thế giới, các vị đứng đầu các Giáo hội Ki-tô giáo và các tôn giáo khác để cổ động cho nền hoà bình thế giới.


Tiếp theo, trong số 24 sứ điệp hoà bình của ngài, các chính khách và các giới chức đánh giá cao 2 sứ điệp năm 1999 (trước khi bước vào ngàn năm thứ ba) và năm 2002 (sau biến cố 09.11. 2001 tại New York).


Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu sứ điệp của Ngài qua 2 văn kiện tiêu biểu trên và một số văn kiện khác cũng như khi giảng lễ hay những lời phát biểu khác trong các dịp ban huấn từ trong các dịp Đại Hội Giới trẻ, gặp hàng Giám Mục, Linh Mục, thăm bệnh viện, các buổi tiếp kiến…


1. Hoà Bình–Ân Huệ của Thiên Chúa được trao cho con người


a. Hoà Bình : Ân huệ của Thiên Chúa


Sứ điệp ngày 01.01.1999 với chủ đề : Trong việc tôn trọng các quyền con người, bí quyết của nền hoà bình thật sự” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bản Tuyên Ngôn chung về Nhân Quyền ra đời (10.12.1948) Đức Gioan Phaolô II nêu lên những quyền bị đe doạ cách riêng.


Trước hết là quyền sống. Quyền này gồm 2 khía cạnh : Tiêu cực là loại bỏ việc phá thai (ở một số nước cho phép phá thai, ngay cả Ba Lan) ; Tích cực tức bảo vệ các trẻ em chưa sinh ra và tất cả các trẻ em đã sinh ra khỏi tội ác ghê tởm là sát hại các trẻ em (ở Trung quốc).


Sau quyền sống, sứ điệp nói đến quyền tự do tôn giáo. Ngài gọi quyền này làtrung tâm của mọi quyền con người”. Quyền tự do tôn giáo là quyền bất khả vi phạm.


Trong phần cuối, sứ điệp đề cao “quyền sống hoà bình”.


Sứ điệp cho ngày Hoà Bình Thế Giới ngày 01.01.1982 đã lấy chủ đề “Hoà Bình : Ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người”.


Đối với Ngài, hoà bình không phải là thế quân bình hời hợt giữa các mối lợi vật chất khác nhau, tức là trên bình diện lượng, sự vật ; nhưng tự bản chất sâu sắc, hoà bình là cái vốn quý thực sự nhân bản, thuộc về con người, và như thế có tính cách lý trí và đạo đức ; sự thật và nhân đức sản sinh ra hoà bình


Nó là kết quả của biết bao thiện chí hăng say, được lý trí hướng dẫn trong cố gắng đạt tới công ích bằng chân lý, công bằng và bác ái. Cái trật tự lý trí và tinh thần này rõ rệt dựa trên sự quyết định của lương tâm con người trong việc tìm kiếm sự hài hoà trong những mối giao hảo hỗ tương, trong việc tôn trọng công bằng cho mọi người, và như vậy tôn trọng những quyền cơ bản làm người cố hữu nơi mỗi cá nhân. Người ta không thể thấy được làm thế nào cái trật tự luân lý này lại có thể loại trừ Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn sự hiện hữu, là Chân Lý căn bản và là Sự Thiện tối hảo.


Vậy theo chiều hướng này, hoà bình đến từ Thiên Chúa như cơ sở để hoà bình phát xuất : Hoà bình là ân huệ của Thiên Chúa. Khi chiếm hữu của cải và tài nguyên vũ trụ do lao công của tài trí loài, và thường đây là nguyên nhân khiến chiến tranh và tranh chấp xảy ra, “con người gặp một sự kiện này là :họ nhận được tất cả do nơi thiên nhiên, nói kiểu khác, xét cho cùng là do nơi Đấng Tạo Hoá” (Thông Điệp Lao Động con người, số 12). Và Thiên Chúa không những giao phó thế giới tạo vật cho con người cai quản trong tình liên đới để phục vụ tất cả mọi người không phân biệt kỳ thị ai, nhưng ngài còn là Đấng ghi khắc nơi lương tâm con người những luật lệ buộc họ phải tôn trọng dưới nhiều hình thức khác nhau, cuộc sống và toàn vẹn nhân phảm của cận nhân mình cũng được tạo thành giống như mình theo hình ảnh và hoạ ảnh của Thiên Chúa, cho đến độ chính Thiên Chúa đứng ra bảo chứng cho tất cả mọi quyền cơ bản của con người. Vâng, Thiên Chúa thực sự là cội nguồn của hoà bình, Ngài bảo đảm cho hoà bình, Ngài kêu gọi người ta sống hoà bình, ngài bảo đảm cho hoà bình, ngài ban tặng hoà bình hoà bình như quả phúc của “sự công chính”.


Hơn nữa ngài thôi thúc con người thực hiện hoà bình hay cố gắng tìm lại nó. Thực vậy con người trong cuộc sống hạn hẹp lại không ngừng hướng về điều lầm lạc và gian tà, phải mò mẫm đi tìm hoà bình với nhiều khó nhọc. Trí năng của họ bị lu mờ vì những thứ “nguỵ chân lý”, bị lôi cuốn bởi của cải giả trá và trệch hướng đi do những bản năng phi lý và ích kỷ gây nên. Bởi thế con người cần thiết phải để ánh sáng siêu việt của Thiên Chúa chiếu dọi vào đời sống họ, để ngài thanh luyện khỏi sự lầm lạc và giải phóng họ khỏi những đam mê gây chiến. Thiên Chúa không xa cách với người cầu khẩn ngài và đang nỗ lực thực hiện công bằng ; trong cuộc đối thoại liên lỉ tự do với ngài, ngài sẽ giới thiệu cho người ấy quả phúc của hoà bình như một cuộc sống thông hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa và anh em. Trong Kinh Thánh, ý nghĩa chữ “hoà bình” luôn được liên kết với hạnh phúc, hoà hợp, an lạc, an toàn, nhất trí, cứu độ, công bằng, như là sự thiện tối hảo mà Thiên Chúa, “vị Chúa của bình an” (xc. 2Tx 3, 16), đã ban và hứa ban cách dư dật : “Ta sẽ làm tuôn chảy hoà bình như sông lớn” (xc. Is 66, 12).


b. Hoà Bình được trao cho con người


Nếu hòa bình là một ân huệ, con người không bao giờ được miễn trừ cái trọng trách phải tìm kiếm và nỗ lực xây dựng hoà bình trải dài suốt lịch sử bằng những cố gắng cá nhân và tập thể. Ân huệ hoà bình do Thiên Chúa ban, vì vậy luôn luôn là cuộc chinh phục do con người thực hiện, bởi vì ân huệ đó được đề nghị với con người để được đón nhận cách tự do và thực hiện dần dà nhờ ý chí sáng tạo của mình. Đàng khác trong tình yêu đối với con người, Thiên Chúa quan phòng không bao giờ bỏ rơi họ, nhưng vẫn thúc đẩy họ hay dẫn đưa họ cách kỳ diệu về lại nẻo chính bình an trong những giờ phút đen tối nhất của lịch sử. Những nỗi khó khăn, những cơn thất vọng và những thảm hoạ quá khứ cũng như hiện nay phải được chúng ta nghiền ngẫm như những bài học rõ ràng trước mắt đòi hỏi con người cần thiết rút tỉa những bài học khôn ngoan để mở rộng những hướng đi mới, hợp lý và can đảm hơn, hầu xây dựng hoà bình. Sự quy chiếu về chân lý của Chúa ban tặng cho con người cái lý tưởng và những năng lực cần thiết để vượt qua những tình thế bất công, để thoát khỏi cái tâm thức cường bạo và thống trị, hầu hướng đến được tình huynh đệ đại đồng chân thật.


Vậy từ những cơ sở tự nhiên này, cần thiết chú ý đến cái nhìn tràn đầy hy vọng của loài người hướng về hoà bình và nhấn mạnh đến trách nhiệm tinh thần trong việc đáp trả lại ân huệ của Thiên Chúa, điều này hướng dẫn và khuyến khích con người hoạt động trên 3 bình diện thông tin, nghiên cứu học tập và những cuộc dấn thân vì hoà bình.


2. Hoà bình trên bình diện xã hội


a. Công Lý và hoà bình trên bình diện quốc gia


Nếu hoà bình phải là mối bận tâm của mọi người, thì việc kiến tạo hoà bình phải là một công tác trực tiếp và chủ yếu của các nhà lãnh đạo chính trị. Từ quan điểm này, nơi chủ yếu để xây dựng hoà bình luôn luôn là chính mỗi quốc gia, xét như là tổ chức, xã hội, chính trị. Nếu một tổ chức chính trị được thành lập có mục đích kiến tạo công bằng, cổ võ công ích và mọi người đều tham gia, thì khi ấy hoà bình nơi xã hội này chỉ được thực hiện trong mức độ mà mục tiêu trên được tôn trọng. Bình an chỉ có thể triển nở ở nơi nào những đòi hỏi cơ bản về công bằng được bảo tồn.


Việc tôn trọng vô điều kiện và rõ rệt những quyền lợi muôn thuở và bất khả nhượng ấy của mỗi người là điều kiện tất yếu để hoà bình ngự trị trong một xã hội. Đặt trong tương quan với những quyền lợi căn bản này thì mọi thứ quyền khác hầu như từ đó sẽ phát sinh, phụ thuộc… Trong một xã hội mà những thứ quyền đó không được bảo vệ, thì chính ý tưởng về sự nhất trí đại đồng đã chết... Vậy một xã hội như thế không thể có hoà bình ; nó đã cưu mang một nguyên lý phân hoá sẽ đi đến nổ tung. Vì lẽ trên, một xã hội chính trị chỉ có thể cộng tác kiến tạo hiệu quả nền hoà bình quốc tế, nếu như chính xã hội ấy đã được an định, nghĩa là nếu xã hội ấy cổ võ nghiêm túc những quyền con người (TĐ. Hoà bình trên thế giới, số 11).


b. Công Lý và hoà bình trên bình diện thế giới


Nhưng nếu hoà bình trong mỗi quốc gia là điều kiện tất yếu để nền hoà bình đích thực có thể phát sinh, dẫu vậy vẫn chưa là điều kiện ắt đủ được. Thực ra việc xây dựng hoà bình ở tầm mức thế giới không thể phát sinh từ những ý muốn rải rác, thường thường mơ hồ và đôi khi trái nghịch nhau của các quốc gia. Phải chăng vì muốn chữa trị những yếu kém này, các quốc gia đã thành lập những tổ chức quốc tế thích hợp với một trong những mục tiêu chính là hoà hợp, hài hoà những ý muốn riêng biệt và quy hướng chúng về việc bảo vệ hoà bình và sống công bằng hơn giữa các quốc gia?


Qua thành quả đã đạt, qua những công trình, những tổ chức quốc tế lớn đã có một sự nghiệp vẻ vang vì hoà bình. Có thể đã có những thất bại như những tổ chức này không thể ngăn ngừa cũng như giải quyết nhanh chóng mọi cuộc tranh chấp, tuy vậy đã góp phần chứng tỏ trước mặt mọi người rằng chiến tranh, máu đổ và lệ rơi không thể làm dịu những mối căng thẳng. Chúng đã chứng tỏ, dẫu mới như là trong thời gian thử nghiệm, rằng ở mức độ toàn cầu, mọi người đều có khả năng nối kết những nỗ lực và cùng nhau tìm kiếm hoà bình (Sứ Điệp Hoà bình 01.01.1982).


Sứ điệp năm 1998, ngài nói: “Chúng tôi vui mừng vì tiến trình đã được khởi sự giữa các giáo hội và cộng đoàn Ki-tô nhằm cổ võ sự tiếp nhận, tôn trọng và cộng tác với nhau trong nỗ lực thăng tiến hoà bình. Tôi cầu mong cho tiến trình này được đẩy mạnh hơn và mở rộng tới tín đồ của mọi tôn giáo trên thế giới, để đương đầu với thách đố lớn lao của hoà bình thế giới. Trong tư cách chủ chăn giáo hội hoàn vũ, tôi sẽ lỗi bổn phận của mình, nếu không lên tiếng bênh vực quyền loan truyền Tin Mừng cho mọi tạo vật, và nếu tôi không nhắc nhở rằng Thiên Chúa đã đặt định xã hội dân sự để phục vụ cho con người là chủ thể có quyền tự do tìm kiếm và tuân theo sự thật. Dấn thân bênh vực sự thật, tự do, công lý và hoà bình, đó là những hoạt động nổi bật nhất của các môn đệ Chúa Ki-tô.


Chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trở thành một dân tộc mới, gồm những con người được sống trong tự do, một dân tộc có quy luật là giới răn yêu thương. Với tinh thần trách nhiệm, chúng ta phải sống trọn quyền tự do mà chúng ta đã lãnh nhận với tư cách là con cái Thiên Chúa. Chúng ta phải dấn thân sống giới răn mới bằng cách để cho hoà bình Chúa ban soi sáng chúng ta và chiếu toả hoà bình đó xung quanh chúng ta… Những cám dỗ của bạo lực không ngừng rình rập chúng ta, tính ích kỷ, xu hướng duy vật, kiêu ngạo, làm cho con người càng thiếu tự do và làm cho xã hội ít cởi mở đối với đòi hỏi của tình huynh đệ, nhưng chúng ta không được nản chí, bởi vì Chúa Giê-su là Thầy và là Chúa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.


Sứ điệp năm 2002 mang một ý nghĩa đặc biệt. Giữa hoàn cảnh đau thương, căm thù và uất hận bừng bừng dâng cao ở nhiều nơi, đặc biệt ở Hoa Kỳ, vì biến cố 11 tháng 9, Đức Gioan Phaolô II khẳng khái nói lên tiếng nói của niềm tin: “Không có hoà bình nếu thiếu công lý, cũng chẳng có công lý nếu vắng bóng thứ tha: đó là điều chúng tôi muốn nhắc nhở tất cả những ai đang nắm vận mệnh cộng đồng nhân loại, để làm sao trong những quyết định trọng đại và khó khăn luôn để cho ánh sáng chân lý hướng dẫn, hầu mang lại lợi ích cho con người”.


Không có hoà bình, nếu không tha thiết yêu chuộng hoà bình. Không có hoà bình, nếu không mãnh liệt muốn thực hiện hoà bình.


Hoà bình đang chờ đợi những vị ngôn sứ của nó. Cùng với nhau, chúng ta hãy làm cho mắt chúng ta đầy tràn những viễn ảnh hoà bình; những hình ảnh này giải phóng các năng lực để có một ngôn ngữ hoà bình mới, cử chỉ hoà bình chặt đứt dây xích nguy hại của chia rẽ do lịch sử để lại hoăc do thức hệ hiện tại gây nên.


Hoà bình đang chờ đợi những người xây dựng nó. Chúng ta hãy đưa tay cho anh chị em chúng ta để khuyến khích họ xây dựng hoà bình trên 4 cột trụ là sự thật, công lý, tình thương và tự do (Đức Gioan XXIII).


Hoà bình là một công trường mở rộng cho mọi người, chứ không chỉ những chuyên gia, bác học và các nhà chiến lược. Hoà bình là trách nhiệm của mọi người: nó đến từ hàng ngàn hành động nhỏ nhặt của đời sống hằng ngày. Bởi lẽ khi sống mỗi ngày với người khác, con người lựa chọn ủng hộ hoặc chống lại hoà bình.


Nếu hoà bình phải ngự trị trong lòng các bạn, thì các bạn phải từ bỏ mọi hình thức bạo động và hận thù. Bạo động chỉ gây nên một bạo động khác mà thôi. Ta không thể ngăn chặn bạo động gia tăng trên thế giới, nếu ta đáp trả bằng một bạo động còn lớn hơn nữa. Bạo động chỉ có thể vô hiệu hoá bởi lời đáp trả của tình yêu, không phải thứ tình yêu đa cảm của cảm xúc, mà là một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, một tình yêu giống như tình yêu của Chúa Ki-tô, một tình yêu không bạo động.


Người ta có thể nói với bạn rằng lựa chọn bất bạo động thực ra chỉ là thụ động chấp nhận tình trạng bất công. Người ta có thể chủ trương rằng có thể chủ trương rằng không dùng bạo động chống lại những gì bất công là hèn nhát, hoặc rằng không gì có thể xa sự thật hơn thế. Không có gì thụ động trong bất bạo động, khi nó là sự chọn lựa của tình yêu. Nó không liên quan gì đến sự thờ ơ cả.


Mục tiêu của bất bạo động là tích cực tìm kiếm “không để cho sự ác thắng được mình, nhưng lấy thiện mà thắng ác” (xc. Rm 12, 21). Chọn lựa bất bạo động có nghĩa là làm một chọn lựa tình yêu cách can đảm, một chọn lựa đòi hỏi phải bảo vệ nhân quyền và phải cương quyết dấn thân cho công lý và cho sự phát triển hài hoà (Gặp giới trẻ, Maseru, Lesotho 15.09.1998).


Và trước hết chúng ta biết rõ rằng Chúa Giê-su Ki-tô không bao giờ lên tiếng bằng vũ khí. Chúa là Đấng đã chết trên thập giá vì những kẻ hành hình Ngài, đã làm cho kẻ thù trở thành anh em của tôi, đáng được tôi yêu thương, dù tôi phải tự vệ chống lại sự tấn công của họ (Giờ kinh chiều, Vienna. 10.09.1983).


c. Hoà Bình – công trình của công lý và yêu thương


Theo Đức Gioan Phaolô II, hoà bình đích thực là“công trình của công lý” (xc. Is 32, 17). Công đồng chung Vatican II đã định nghĩa: Hoà Bình là “quả của một trật tự đúng đắn giữa các sự vật mà Thiên Chúa, Đấng sáng lập đã ghi khắc vào xã hội loài người, và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động” (Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, số 78).


Hơn 1500 năm qua, Giáo hội Công giáo luôn lặp lại giáo huấn của Thánh Augustino về điểm này. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng hoà bình mà ta có thể và phải xây dựng trên thế giới này là hoà bình của trật tự đúng đắn, trạng thái an hoà của trật tự.


Suốt 25 năm trên ngôi Giáo Hoàng, mặc dù bận rộn bao nhiêu công việc, Đức Gioan Phaolô II luôn quan tâm đến những chuyến công du mục vụ để rao giảng Tin Mừng và làm sứ giả hoà bình ở những “điểm nóng” trên thế giới.


3. Năng lực Ki-tô giáo về Hoà Bình


Ngỏ lời một cách đặc biệt hơn với anh chị em trong Giáo hội, Giáo hội luôn luôn ủng hộ và cổ võ mọi cố gắng xây dựng hoà bình. Giáo hội không do dự công bố liệt kê vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô hành động của tất cả những ai cống hiến phần năng lực tốt nhất của họ cho hoà bình. Nhưng đối với những Ki-tô hữu, Giáo hội nhắc nhở họ có nhiều lý do chính yếu phải tích cực làm chứng cho hoà bình, ân sủng thiên linh.


Trước tiên, Chúa Ki-tô bằng lời nói và gương lành đã gợi lên nhiều động thái mới về hoà bình.


Trước ngưỡng cửa tác vụ của Ngài, Chúa Giê-su công bố : “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9).


Ngài sai các môn đệ mang hoà bình đến từng nhà, từng đô thị (xc. Mt 10, 11-13). Ngài mời gọi họ quý chuộng hoà bình hơn mọi oán thù…


Ngài còn muốn giật phăng khỏi lòng con người căn cứ mọi hiềm khích hận thù (xc. Mt 5, 38-42).


Ngài đòi phải yêu thương những người mà bao nhiêu hàng rào ngăn cách đủ loại đã biến họ thành thù nghịch (xc. Mt 5, 43-48).


Ngài nêu ra những khách ngoại kiều mà người ta quen khinh bỉ, như những dân cư xứ Samaria (xc. Lc 10,33 ; 17,16).


Ngài mời gọi phải luôn luôn ăn ở khiêm nhường và tha thứ không ngừng ( xc. Mt 18, 21-22).


Thái độ chia sẻ với những người trần trụi đối với Ngài là chìa khoá của cuộc chung thẩm (xc. Mt 25, 31-46). Thái độ ấy phải tận căn đóng góp thiết lập những tương quan huynh đệ.


Hai nghìn năm lịch sử đã minh chứng rằng những lời mời gọi và gương lành của Chúa Giê-su đã vang dội sâu xa trong thái độ các môn đệ của Ngài. Nhưng công trình của Đức Ki-tô nằm ở mức độ hết sức thẳm sâu, thuộc bình diện một cuộc biến cải mầu nhiệm quả tim con người. Ngài thực sự đã mang hoà bình đến trần gian cho những người Chúa thương đúng như lời loan báo trong đêm Giáng sinh (xc. Lc 2, 14), nhưng không phải chỉ đơn sơ bằng cách mạc khải tình yêu Cha cho họ, mà nhất là hoà giải họ với Thiên Chúa bằng hy lễ của Ngài…


Tội và hận thù làm chướng ngại cho hoà bình với Thiên Chúa và tha nhân : Ngài đã đập chúng vỡ tan bằng hiến lễ mạng sống Ngài trên thập giá ; Ngài đã hoà giải tất cả những ai là thù nghịch trong cùng một thân xác (xc. Ep 2, 16 ; Rm 12, 5). Bởi đó lời đầu tiên của Đấng Phục Sinh gửi đến các tông đồ là: “Bình an cho các con» (xc. Ga 20, 19).


Những ai đón nhận đức tin tạo thành một cộng đoàn tiên tri trong giáo hội : sau khi được sát nhập vào Thân Thể Đức Ki-tô nhờ Bí tích Rửa Tội, họ có kinh nghiệm về sự hoà bình được Thiên Chúa ban cho trong Bí tích Hoà Giải và khi hiệp lễ; họ loan báo “Tin mừng hoà bình” (xc. Ep 6, 15) ; họ cố gắng sống Tin Mừng đó từng ngày trong thực tế; và họ khao khát trông chờ thời điểm của cuộc hoà giải toàn vẹn nhờ sự can thiệp mới của Thiên Chúa hằng sống để phục sinh những người chết, con người sẽ được hoàn toàn trong suốt trước Nhan Thiên Chúa và anh em mình. Đó là cái nhìn đức tin nâng đỡ hành động của người Ki-tô hữu hoạt động cho hoà bình.


Vì thế bằng chính sự hiện hữu của mình, Giáo hội hiện diện giữa lòng thế giới như một xã hội gồm những người đã được hoà giải và bình an nhờ ơn thánh hoá của Đức Ki-tô, trong thông hiệp tình yêu và sự sống với Thiên Chúa và tất cả các anh em, vượt lên trên mọi hàng rào nhân loại ; Giáo Hội tự mình đã là một ân huệ và men hoà bình của Thiên Chúa ban tặng cho toàn thể nhân loại, và Giáo Hội không ngừng nỗ lực, để mỗi ngày càng trở thành men hoà bình trong thực tế. Giáo Hội mong muốn con cái mình dấn thân bằng chứng tá và sáng kiến, đi tiên phong trong số những người đang chuẩn bị và kiến tạo hoà bình. Trong lãnh vực này, Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã đưa ra nhiều gợi ý để mọi người có thể bắt chước thực hành.


(còn tiếp)


Kim Hằng

114.864864865135.135135135250