Chức Giám Mục
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ Vựng
Người ta tính được 5 lần Tân Ước dùng từ επίσκοπος (episcopos). Episkopos là người có tầm nhìn (skopos) ở bên trên (epi) và bao quát trên đám đông, chủ toạ cuộc hội họp và là trung tâm điểm của cuộc hội họp, tiếng Anh dịch sát nghĩa là “overseer”. Đây là tước hiệu của Đức Kitô trong 1 Pr 2, 25 khi ngài được gọi là “mục tử và là Đấng chăm sóc (episcopos)”. Trong Cv 20, 28 Phaolô nói với các trưởng lão (presbyteros) của Êphêsô đang hội họp ở Miletus rằng: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc (episcopos), hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình”. Ở đây, có nhiều người coi sóc trong một cộng đoàn cho nên ý niệm về một chức giám mục theo thể chế quân chủ (épiscopat monarchique: một giám quản duy nhất chăm sóc cho một cộng đoàn) chưa có ở đây và không có sự phân biệt nào giữa những người coi sóc này với các trưởng lão. Trong Pl 1,1, Phaolô chào các tín hữu ở Philippi “cùng với các giám quản và phó tế”. Trong các thư mục vụ 1 Tm 3,2[1] và Tt 1,7[2] chỉ ra những đặc tính cần phải có của các vị giám quản nhưng không nói đến nhiệm vụ của họ. Ở Êphêsô, họ là những trưởng lão đã được Thánh Thần chỉ định làm chủ chăn của Giáo Hội Chúa (Cv 20,28). Từ vựng này được vay mượn trong tiếng Hy Lạp thế tục và không loại trừ ảnh hưởng của Hội Đường Do Thái giáo, trong đó arkhisunagôgos được huperetès phụ giúp cũng như giám mục được các phó tế phụ giúp. Trong thế giới Hy Lạp ngoại giáo, từ episcopos được dùng để chỉ những người nắm giữ những nhiệm vụ khác nhau, như quan chức của thành phố, người quản gia, người quản trị các hiệp hội phượng tự.
Tân Ước
Sau khi Nhóm Mười Hai mất đi, trách nhiệm được chuyển giao cho các nhóm “trưởng lão”, presbuteros, mà người ta cũng gọi là “giám quản”, episcopos. Ngay từ đầu, hai chức danh này được dùng lẫn lộn với nhau: giám quản, giám mục cũng là linh mục, hay trưởng lão. Thánh Phêrô nói với các trưởng lão rằng: «Cùng các bậc trưởng lão trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng trưởng lão» (1 Pr 5,1). Vào cuối thế kỷ thứ I, Thánh Clêmentê thành Roma, vị giáo hoàng thứ ba cũng chỉ xem mình như một trưởng lão presbuteros, dầu cho ngài có vị trí đứng đầu linh mục đoàn ở Roma. Chính vào thế kỷ thứ II mới phân biệt sự trỗi vượt của một người duy nhất và chỉ người này từ nay trở đi được gọi là episcopos, là giám mục giữa linh mục đoàn gồm những presbuteros.
Tài liệu đầu tiên nói đến vai trò của những người đứng đầu tương đương với các giám mục giáo phận được tìm thấy trong các thư của Thánh Inhaxiô Antiokia mà các học giả cho là được viết vào khoảng năm 115. Trong các thư này, Thánh Inhaxiô Antiokia, Pôlycarpô Smyrna, Onesiô thành Êphêsô, Damas thành Magnesia, Polybius thành Tralles, và một giám mục thành Philadelphia, họ được mô tả như là những giám mục có nhiệm vụ chăm sóc mục vụ cho toàn thể kitô hữu của thành phố, được hội đồng trưởng lão và các phó tế trợ giúp. Các tín hữu và trưởng lão quy phục thẩm quyền của vị giám mục. Trong thư, ngài không đề cập gì đến ý niệm kế vị truyền thống các tông đồ trong chức giám mục, ngài cũng không nói về ngài hoặc các giám mục khác được chọn và giao nhiệm vụ như thế nào. Trong một bức thư, ngài nhận xét rằng các trưởng lão của giáo hội tại Magnesia đã không lợi dụng được sức trẻ nơi vị giám mục của mình, điều này cho thấy rằng một người trẻ cũng có thể được chọn làm giám mục, và sự lựa chọn có thể chỉ dựa trên ơn đoàn sủng của ứng viên. Trong một vài nơi, ngài nói về yếu tố đoàn thể chặt chẽ giữa các trưởng lão và giám mục trong việc điều hành giáo hội địa phương. Theo các học giả thì hệ thống mà cộng đoàn kitô hữu được cai quản bởi một vị giám mục có sau hệ thống lãnh đạo tập thể do một nhóm người mà đôi lúc được gọi là episcopos nhưng thường được gọi là presbyteros. Đây là điều mà chúng ta thường thấy trong Tân Ước và các bản văn của giáo hội sơ thời.
Thần học về chức giám mục[3]
Hoàn tất công trình dang dỡ của Vatican I, Vatican II trình bày chức giám mục trong bối cảnh các giáo hội địa phương, dựa trên tính bí tích và tương quan của chức giám mục với quyền tối thượng ở Roma.
1. Người kế vị các tông đồ. Việc thiết lập chức giám mục chỉ được hiểu trong tương quan với việc Đức Kitô thành lập tông đồ đoàn. Xem các văn bản Tân Ước, chúng ta có những nhận xét sau:
a) Các tông đồ được kêu gọi để phục vụ toàn thể Giáo Hội, một sự phục vụ (diakonia) chỉ tìm thấy mẫu gương hoàn hảo nhất trong Đức Kitô là đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mc 10, 42-45; Mt 20, 25-28).
b) Theo Mt 28, 19-20, nhiệm vụ của họ là dạy dỗ mọi người, thánh hoá họ bằng các bí tích và giúp người tín hữu tuân theo giới răn của Chúa.
c) Khi thi hành nhiệm vụ này, các tông đồ nhận lãnh ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần (Ga 20, 21-23; Cv 1,8; 2,2-5).
d) Mỗi tông đồ nhận lãnh nhiệm vụ và ơn huệ này khi kết hợp với các tông đồ khác. Cùng với nhau, họ tạo thành một đoàn thể mà Tân Ước thường dùng lối nói Nhóm Mười Hai (Mc 3, 14-16). Đây chính là nhóm mà khi bị giảm thiểu xuống còn mười một người vì mất Giuđa thì Matthias được thâu nhận vào để làm chứng cho sự phục sinh (Cv 1, 26).
e) Sự đồng nhất của nhóm này rất rõ ràng nhưng không phải mọi thành viên đều ngang nhau. Phêrô có một vị trí đặc biệt và một thẩm quyền lớn lao hơn nhưng không ai phản đối điều này vì dựa vào chính lời của Đức Kitô (Mt 16, 16 tt; Lc 22,31 tt).
Nhưng nhiệm vụ của các tông đồ không kết thúc khi họ mất đi. Nhờ sách Công Vụ và các thư mà chúng ta biết được rằng họ đã chọn ra những người để giúp đỡ trong việc giảng dạy và điều hành cộng đoàn (Pl 2,25; Cl 4,11). Những cộng sự này chia sẻ thẩm quyền của các tông đồ: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình” (Cv 20,28). Các tín hữu nhìn nhận họ là người cai quản mình (Dt 13,7.13.24) và không phải lúc nào cũng có thể phân biệt dễ dàng giữa “trưởng lão” (Cv 11,30; 14,23) và “giám quản” (Pl 1,1; Cv 20,28). Những cộng sự của các tông đồ này được cảnh báo là đừng tỏ quyền thống trị trên các tín hữu (1 Pr 5,3). Nhiệm vụ của họ, cũng giống như các tông đồ, là phục vụ lợi ích của cộng đoàn.
Theo Thánh Clêmentê thành Roma, các tông đồ “đã tiên liệu và chỉ định các giám quản cũng như phó tế, rồi sau đó lập nên luật lệ mà theo đó những người đã được thử thách sẽ kế vị sứ vụ của họ sau khi họ mất đi” (1 Clem 44). Thuật ngữ “những người kế vị các tông đồ” có từ thời Thánh Irênêô là cách nói chung để chỉ các giám quản.
Chương III của hiến chế Lumen Gentium đặt mối liên hệ giữa các giám mục với các tông đồ dựa trên Kinh Thánh. Sự hiện hữu của chức giám mục được giải thích là do tính chất của sứ điệp Tin Mừng: “… bởi lẽ Tin Mừng mà các ngài có nhiệm vụ phải rao truyền là nguyên lý của cả đời sống Giáo Hội qua mọi thời đại. Vì thế, các tông đồ đã quan tâm đặt người kế vị trong xã hội có phẩm trật này” (LG 20). Nói cách chính xác hơn, Công Đồng khẳng định rằng tông đồ đoàn với và dưới quyền của Phêrô tương hợp với giám mục đoàn với và dưới quyền của Giáo Hoàng Roma, người nắm giữ nhiệm vụ của Phêrô. “Thánh Phêrô và các Tông Đồ khác tạo thành một cộng đoàn duy nhất theo như Chúa đã ấn định; tương tự như thế (pari ratione), Giáo Hoàng Roma, Đấng kế vị Phêrô, cùng với các giám mục là những người kế vị các Tông Đồ đều liên kết với nhau. (LG 22).
2. Tính bí tích của chức giám mục. Để giúp họ chu toàn trách nhiệm, các tông đồ nhận lãnh ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, ngay từ đầu, khi chỉ định những người cộng tác, các ngài thường dùng một nghi thức phụng vụ bao gồm lời cầu nguyện và đặt tay, có ý nói lên việc thông ban một ân huệ đặc biệt để hoàn thành nhiệm vụ. Nghi thức tương tự cũng được dùng để chỉ định các phó tế đầu tiên (Cv 6,6) và các trưởng lão trong các chuyến đi truyền giáo của Phaolô (Cv 14,28). Trong trường hợp Timôthê (2 Tm 1,6-7), việc đặt tay chuyển giao ân huệ thiêng liêng đặc biệt là “sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” như chính Thánh Phaolô đã ý thức mình đã được lãnh nhận.
Truyền thống Kitô giáo hiểu việc thánh hiến giám mục là sự tiếp nối nghi thức này. Đây là nghi thức bí tích, bao gồm những dấu hiệu bề ngoài và những lời phụng vụ, chuyển giao một ân huệ. Khi nghiên cứu các bản văn phụng vụ, ta thấy rằng Giáo Hội luôn xem nghi thức này là một bí tích chuyển giao “sự toàn vẹn” của chức linh mục và ban ân sủng để vị giám mục chu toàn những bổn phận đặc biệt của riêng mình.
Theo công đồng Trentô (D 964), chức giám mục làm cho người nhận lãnh có một dấu tích thiêng liêng để thực thi quyền bính trong Giáo Hội đến nổi với tư cách là giám mục, Đức Kitô vinh hiển tiếp tục giảng dạy, thánh hoá và cai quản đoàn chiên cách hữu hình. Vatican II phát triển thêm thần học của Trentô. Chính Đức Kitô hiện diện và hoạt động trong giám mục. “Qua các giám mục … Chúa Giêsu Kitô, linh mục thượng phẩm, hiện diện giữa các tín hữu” (LG 21). Thẩm quyền và phẩm tước của nhiệm vụ được chuyển giao qua bí tích tấn phong giám mục. “Thánh Công Đồng này dạy rằng, khi được tấn phong, các giám mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích truyền chức thánh” (ibid). Như vậy các giám mục “nhận lãnh thực tại toàn vẹn của tác vụ thánh” (ibid), tác vụ của chức linh mục thừa tác hay phẩm trật, bao hàm chức linh mục chung của các tín hữu (LG 10).
3. Ordo Episcoporum. Như Phêrô và các tông đồ khác tạo nên một đoàn thể, một nhóm người thì những người kế vị của Phêrô cùng với các giám mục khác cũng lập thành một giám mục đoàn (ordo episcoporum) mà trong đó có sự đồng nhất và đoàn kết giữa các thành viên. Tuy nhiên, các từ ngữ được dùng ở đây như ordo (Tertullien), corpus (Cyprien), collegium (Cyprien, Optatus thành Milevis) không nên khiến cho người ta nghĩ rằng đây là một nhóm người mà trong đó mọi người đều bình đẳng và thẩm quyền duy nhất chỉ có được khi mọi thành viên đều đồng ý (hay ít nhất là đa số). Trong giám mục đoàn thì chỉ có một thẩm quyền tối cao của Giám mục Roma, tức là Đức Giáo Hoàng, mà quyền của ngài đã được Vatican I định nghĩa. Không có ngài, giám mục đoàn mất đi tính thống nhất và sự ổn định.
Việc tấn phong giám mục thâu nhận một thành viên mới vào giám mục đoàn. Những lời nguyện cổ xưa nhất (trong Apostolic Tradition, Canones Hippolyti, Apostolic Constitutions) cầu xin ban cho giám mục mới quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Đức Kitô đã ban cho các tông đồ của ngài. Những lời cầu này xin cho ngài có đủ ân huệ cần thiết để dẫn dắt Giáo Hội của Chúa. Đây không chỉ là thẩm quyền trên một miền đất đặc thù nào đó trong Giáo Hội (vì có những giám mục không cai quản giáo phận), nhưng “ad regem ecclesiam tuam et plebem universam (để cai quản giáo hội của mình và mọi người)” (Sacramentarium Leonianum). Nói cách khác, ngài góp một phần nào đó vào việc cai quản giáo hội hoàn vũ: nghi thức tấn phong hội nhập ngài vào giám mục đoàn. Một nghi thức cổ xưa đòi hỏi tất cả các giám mục hiện diện, hoặc ít nhất là ba giám mục, để đặt tay trên giám mục mới được tuyển chọn: sự hiến thánh một thành viên mới có liên quan đến toàn thể giám mục đoàn mà một vài vị này đại diện.
Giáo lý của “Ordo Episcoporum” đã được Vatican II công thức hoá, nhấn mạnh trên tính đoàn thể. Đoàn thể này không chỉ là tổng hợp các thành viên. Có một điều gì đó ở bên trên các cá thể khác và điều này là do ý muốn của Chúa khi thiết lập đoàn thể này. “Người lãnh nhận bí tích truyền chức và hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh cùng các phần tử trong cộng đoàn trở thành phần tử của giám mục đoàn” (LG 22). Trong đoàn thể này, các thành viên liên kết với thủ lãnh của mình là Giáo Hoàng Roma và với các thành viên khác của phẩm trật. Như vậy cấu trúc của Giáo Hội gồm có hai mặt. Một đàng, các giám mục của toàn thể thế giới vẫn “hiệp thông với nhau và với Giám mục Roma bằng mối dây hiệp nhất, bác ái và bình an” (ibid). Đàng khác, “Giáo Hoàng Roma, Đấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự nhiệp nhất trong Giáo Hội địa phương. Các Giáo Hội này được thành lập theo Giáo Hội phổ quát: chính nhờ và trong các Giáo Hội ấy mà có một Giáo Hội công giáo, duy nhất” (LG 23), nguyên tắc quân chủ kết hợp với công hội.
4. Bổn phận và năng quyền. Như các tông đồ, ta có thể phân biệt ba sứ vụ của giám mục.
a) Nhiệm vụ giáo huấn. Nhiệm vụ đầu tiên của các tông đồ là giảng dạy muôn dân (Mt 28,19). Nhiệm vụ này được chuyển giao cho những người thừa kế các tông đồ. Vì vậy, ngay từ khi gia nhập giám mục đoàn, mỗi giám mục có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, không chỉ cho giáo phận của mình mà cho cả nhân loại. Mỗi tín hữu đều có bổn phận phổ biến Lời Chúa, nhưng nhiệm vụ của các giám mục là một nhiệm vụ đặc biệt. Việc tấn phong trao ban “một ơn sủng chân lý đặc biệt” (Irenaeus, Adv. Haer., IV, 26,2), một sự khai tâm khai trí và sức mạnh thường được sánh với ơn mà các tông đồ nhận lãnh vào ngày Hiện Xuống. Như vậy trong đoàn thể các giám mục, sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần làm cho huấn quyền này vô ngộ. Một giám mục đơn độc thì không vô ngộ nhưng giám mục đoàn thì vô ngộ. Tính đoàn thể của giám mục đoàn thể hiện ở đây. Ơn vô ngộ thuộc về đoàn thể các giám mục với và dưới quyền giám mục Roma.
Nhưng sẽ sai lầm khi cứ giảm thiểu huấn quyền giám mục vào ơn vô ngộ, đây là một ý niệm tiêu cực. Quyền năng Chúa Thánh Thần sẽ tích cực giúp đỡ họ giảng dạy chân lý đức tin cho thích hợp với tình hình mới của các tín hữu. Các giám mục có trách nhiệm học hỏi Lời Chúa và phải cảnh giác để tránh mọi lỗi lầm. “Hãy cẩn thận, các con nhận lãnh Thần Khí không bao giờ biết ngũ” (Ignatius, Ad Polycarp., I, 3).
b) Nhiệm vụ tư tế. Qua việc tấn phong, giám mục nhận lãnh sự trọn vẹn của chức linh mục. Toàn thể Dân Chúa là dân tư tế và vương đế qua phép rửa, nhưng Đức Giêsu đã thánh hiến cách đặc biệt những người mà ngài đã chọn lên chức giám mục để phục vụ ngài, để họ trở thành những đại diện hữu hình cho chức linh mục tối thượng của ngài (Cyprien, Epistolae, 63, 14). Chính bởi vì qua các bí tích mà hành động tư tế của Đức Giêsu đến được với chúng ta, thì các giám mục là những thừa tác viên chính của các bí tích. Nếu khi thi hành sứ vụ, họ cần đến những người trợ giúp là những người thông phần vào chức linh mục của mình, thì trật tự bí tích vẫn thuộc thẩm quyền và tuỳ thuộc vào họ. Thánh Ignatiô Antiokia nói rằng không có bí tích Thánh Thể hợp pháp ngoài Thánh Thể được cử hành dưới sự chủ toạ của giám mục hoặc những người mà giám mục uỷ thác” (Smyrn., 8,1). Cũng giống như Thánh Tôma dạy rằng: “Ban cho các linh mục những gì cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ riêng của mình thì đó là điều tuỳ thuộc vào giám mục. Bởi thế cho nên việc làm phép dầu thánh, dầu dự tòng, thánh hiến bàn thờ, thánh đường, lễ phục, chén dĩa thánh … được dành riêng cho giám mục như là đầu của toàn thể ordo ecclesiae” (Summa Theologica). Bên cạnh đó, giám mục là thừa tác viên thông thường của một số bí tích như Thêm Sức hay Truyền Chức Thánh.
c) Nhiệm vụ mục vụ. Việc thánh hiến giám mục trao ban ơn đoàn sủng để giám mục quản trị Dân Chúa, nhiệm vụ mục vụ của họ là dành cho toàn thể Giáo Hội. Tuy nhiên vì lý do tiện lợi, việc thi hành năng quyền của giám mục có thể được giới hạn, chỉ thi hành (với quyền tài phán thích hợp) trên một phần giới hạn của Giáo Hội. Song giám mục vẫn có trách nhiệm với thiện ích chung của toàn Giáo Hội mà họ phải cổ vũ cho sự thống nhất và phát triển, không chỉ bằng việc tuân phục thủ lãnh của mình những còn phải cộng tác tích cực với Giáo Hoàng và với nhau. Khi Giáo Hội địa phương trọn vẹn là một Giáo Hội của Dân chúa thì toàn thể Giáo Hội được lành mạnh. Như là người đại diện và giải thích luật của Đức Kitô, luật bác ái, các giám mục xứng đáng với tước hiệu mà Thánh Augustinô gán cho các giám mục: “Tôi tớ của các tôi tớ Chúa” (Ep., 217; PL, XXXIII, col. 978).
Về thẩm quyền được trao ban do việc thánh hiến, Vatican II dạy rằng chỉ một quyền năng bí tích được phân chia ra làm ba nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là rao giảng Tin Mừng. “Trong số những nhiệm vụ chính yếu của giám mục, việc rao giảng Tin Mừng chiếm vị trí ưu tiên” (LG 25). Rồi đến nhiệm vụ làm trung gian cho ơn cứu rỗi qua các bí tích. Giám mục là “người quản lý ơn sủng của chức tư tế tối cao”, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể do chính ngài dâng hoặc bảo đảm cho việc hiến dâng (LG 26). “Các ngài thánh hoá giáo hữu bằng các bí tích mà với quyền giám mục, các ngài lo ban phát cách đều đặn và phong phú” (ibid). Cuối cùng, giám mục là chủ chăn Giáo Hội, cai quản Giáo Hội địa phương được uỷ thác cho ngài làm người “đại diện” và “sứ giả” của Đức Kitô (LG 27).
“Sự toàn vẹn” của Chức Thánh[4]
Giáo huấn về tính bí tích của việc tấn phong giám mục đã làm nổi lên vấn đề khác biệt giữa việc truyền chức linh mục và giám mục. Sự toàn vẹn này nằm ở đâu? Vì Vatican II không xác định được cho nên những giải thích dưới đây chỉ là những suy tư thần học chứ không phải là giáo huấn của giáo hội.
Một cách giải thích cho rằng các giám mục có thêm được những năng quyền bí tích nào đó mà linh mục không có. Công Đồng Trentô khẳng định rằng việc hiến thánh giám mục chuyển giao năng quyền trên bí tích Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. Lịch sử của thần học bí tích cho thấy rằng các giám mục là những thừa tác viên nguyên thuỷ của bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể và Hoà Giải. Họ uỷ quyền cho các linh mục như là những thừa tác viên của các bí tích này vào từng thời điểm và những hoàn cảnh khác nhau. Chỉ có năng quyền thánh hiến giám mục là không được uỷ thác cho các linh mục. Lịch sử này cũng làm cho khó xác định được điểm khác nhau chính yếu giữa giám mục và linh mục trong các năng quyền của mỗi bên.
Theo truyền thống, hiệu quả bí tích của việc truyền chức là làm cho người thụ phong đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, trao ban cho họ quyền giáo huấn, quản trị và hành động nhân danh Đức Kitô trong việc thi hành các bí tích. Vì vậy, cả linh mục lẫn giám mục đều biểu hiện Đức Kitô. Người thụ phong là đại diện Đức Kitô (vicarius Christi) và là người thay mặt Đức Kitô (in persona Christi). Vatican II kế tục giáo huấn cho rằng: “Qua bí tích này, các linh mục được Chúa Thánh Thần xức dầu và như thế các ngài trở nên giống Chúa Kitô linh mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động” (PO 2). Nên giống Chúa Kitô để hành động nhân danh ngài trong các bí tích thì không giải thích được sự khác nhau giữa giám mục và linh mục vì các giám mục không hành động nhiều hơn hoặc đại diện Chúa Kitô đầy đủ hơn trong các bí tích.
Tuy nhiên sự khác nhau có thể được xác định ở ý nghĩa giáo hội học của việc tấn phong, đặc biệt trong nhiệm vụ đại diện của giám mục. Điều này có liên hệ đến sự đồng hình đồng dạng một cách chính xác với Đức Kitô là đầu của thân thể mình là Giáo Hội. Bí tích truyền chức tạo nên một mối ràng buộc giữa vị giám mục và cộng đoàn thánh thể đặc thù. Một giám mục không bao giờ được tấn phong cách vô điều kiện, nhưng là trong một giáo hội, cho dù đây là một giáo hội trong lịch sử mà nay đã mất như trường hợp các giám mục hiệu toà. Ngài đại diện cho Giáo Hội trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, và như vậy là hành động thay mặt giáo hội in persona ecclesia. Theo lối giải thích này, người thụ phong được “truyền chức” trong tương quan với giáo hội. Người thụ phong đại diện Đức Kitô trong tương quan thủ lãnh trong khi những người được rửa tội thì đồng hình đồng dạng với Đức Kitô như là chi thể trong thân thể của ngài. Quan trọng là mối liên hệ với Đức Kitô bởi vì chính Đức Kitô hành động trong các bí tích. Liên hệ của người thụ phong với Đức Kitô vì thế không tách rời khỏi mối liên hệ của ngài với Giáo Hội.
Bí tích truyền chức cũng tạo nên mối ràng buộc hiệp thông giữa một giám mục với những giám mục khác, bao gồm giám mục Roma và giám mục đoàn. Các giám mục là cội nguồn hữu hình và là nền tảng của sự thống nhất trong các giáo hội đặc thù của riêng mình. Như một đoàn thể, họ biểu hiện sự thống nhất trong các giáo hội đặc thù. Giám mục đại diện cho giáo hội này trong sự hiệp thông với các giáo hội đặc thù khác. Như một đoàn thể, tất cả giám mục trong tương quan của họ với nhau biểu hiện cho mối liên hệ giữa các giáo hội đặc thù, hay còn gọi là sự hiệp thông của mọi sự hiệp thông. “Sự trọn vẹn” biểu hiện trong chức giám mục không nằm đâu khác ngoài sự hiệp thông này trong giám mục đoàn.
Một giám mục khác với linh mục chủ yếu ở nhiệm vụ đại diện. Một giám mục đại diện cho giáo hội đặc thù của mình trong sự hiệp thông với các giáo hội khác trong khi linh mục thì không. Linh mục không thể đại diện cho một giáo hội đặc thù và cũng không là thành viên của giám mục đoàn. Nhiệm vụ đại diện này cũng bất khả phân ly với việc điều hành, nhưng điều hành ở đây được nhìn dưới lăng kính bí tích hơn là quyền pháp lý. Quyền thủ lãnh mục vụ, chủ toạ phụng vụ và giáo huấn có thẩm quyền – các vai trò ngôn sứ, tư tế, vương giả của giám mục – đó là những nhiệm vụ của chức giám mục trong cộng đoàn. Mối tương quan giáo hội này được biểu hiện và cấu thành do bí tích truyền chức. Như vậy, trong dấu hiệu của bí tích truyền chức bao gồm cả ý nghĩa Kitô học và giáo hội học, và “sự trọn vẹn” của bí tích truyền chức nằm ở khả năng của vị giám mục đại diện cho một giáo hội đặc thù trong sự hiệp thông với các giáo hội đặc thù khác.
Có mối liên lạc cơ hữu nối kết giám mục với Giáo Hội: giám mục cho Giáo Hội và Giáo Hội qua giám mục. “Nơi nào giám mục hiện diện, Giáo Hội ở đó” (St Ignace, Lettre aux Smyrniotes, VIII ,2). Chắc chắn rằng trong thân thể giáo hội, giám mục là một Kitô hữu như mọi Kitô hữu khác nhưng người ta luôn nhớ câu nói nổi tiếng của Thánh Augustinô: «Với anh em tôi là Kitô hữu, cho anh em tôi là giám mục”.
[1] Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy
[2] Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn
[3] Karl Rahner, Encyclopedia of theology, A Concise Sacramentum Mundi, St. Paul, 1975
[4] Mục “Bishop” trong New Catholic Encyclopedia, Thomson Gale, 2003
nguồn : http://www.liendoanconggiao.net/