28/02/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

133

 


Bài Học Từ Một Chuyến Đi


xeTrong những ngày này, tiết trời se lạnh cùng mang theo những cơn mưa nhẹ  nhưbáo hiệu một mùa xuânđang về. Không khí tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm lại càng gợi nhớ cho những ai xa nhà đang thèm mong từng ngày trở về trong sự sum họp ấm áp của gia đình. Đối với anh em Học viện, đặc biệt những anh em có quê xa thì tâm trạng lại càng xôn xao hơn: đã chuẩn bị vé…để về chưa ? khi nào về ?... Đối với bản thân tôi, những ngày cuối năm lại nhắc cho tôi một kỷ niệm mà không bao giờ có thể quên được về “ bài học từ một chuyến đi” của một vị giáo sư đã từng dạy tôi trên giảng đường Đại học.
Vào năm 1997, tôi trở về quê để ăn Tết cùng gia đình, cùng đi với tôi là một giáo sư cùng quê cũng trở về thăm và ăn Tết với người mẹ già. Chuyến tàu ngày Tết thật đông hành khách, đủ mọi thành phần. Ngồi cùng toa tàu với tôi và vị giáo sư phần lớn là những người lao động có mức sống trung bình, nghèo, (vì tôi và giáo sư có nói chuyện với những người ngồi gần nên biết được cuộc sống của họ). Khi chuyến tàu đi đến địa phận tỉnh Quảng Ngãi thì cũng là lúc các nhân viên phục vụ hành khách bữa cơm trưa. Đang khi ăn cơm, tôi chợt nhớ ra có mấy lon bia mà người bạn làm trong hãng bia có gửi cho, tôi liền lấy ra và mời thầy cùng uống, nhưng thầy từ chối và biểu lộ một vẻ mặt buồn. Ngay lúc đó, tôi thấy thầy quay mặt ra bên ngoài như muốn giấu tâm trạng buồn, và thầy nhìn ra bên ngoài thật chăm chú. Không gian bên ngoài là một vùng đất khô cháy, chỉ có những cây Xương rồng mới có thể sống sót trước cái nóng đến “cháy da rát thịt” và cằn cỗi này. Đây là vùng đất khắc nghiệt mà nhiều người vẫn từng nói: “vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi”, như vậy, cuộc sống của người dân ở đây chắc chắn là nghèo. Chợt tôi thấy thầy lấy ra trong túi một chiếc khăn và lau nước mắt, lúc đó tôi mới biết thầy đang khóc. Một bầu khí buồn bao trùm lên chúng tôi, thế là cả thầy và trò cũng hết ăn luôn. Sau đó, tôi ngỏ lời với thầy, “hình như Thầy đang buồn phải không ?” Thầy giáo nói với tôi: “Đúng, Thầy cảm thấy buồn vì còn nhiều người nghèo và khổ quá, trong khi đó lại có quá nhiều người lại giàu có và ăn uống một cách dư thừa, hoang phí…. Còn em, em không cảm thấy đau, buồn khi phải chứng kiến cảnh nghèo khổ của những người xung quanh mình sao ? sao em lại uống bia một cách hiên ngang trước mặt những người nghèo, thậm chí họ không có ngay cả miếng ăn như vậy chứ ? em hãy nhìn lại những người đang ở bên cạnh mình đi, em có học mà lại không có thực hành, em có kiến thức văn hoá mà lại không biết sống là người có văn hoá, em có tri thức lý thuyết khoa học mà lại không có nhận thức thực tế về con người, phải chăng đó chỉ là một mới lý thuyết suông ? nếu như vậy em chẳng giúp gì được cho ai đâu.” Qua hàng loạt những lời nhận xét và những lời khuyên của vi giáo sư tôi mới sực tỉnh ra điều mà bấy lâu nay tôi vẫn cứ cho rằng cuộc sống xã hội bao giờ chẳng có người giàu kẻ nghèo, người có nhiều tiền của thì họ cũng có quyền tự do sử dụng tiền của họ theo ý mình, còn người nghèo họ cũng có hoàn cảnh riêng của họ, phù hợp với mức sống của họ chứ. Trong hoàn cảnh này có uống một lon bia thì cũng đâu ảnh hưởng gì đến ai.
xe1Qua những lời dạy của vịgiáo sư, tôi nhận ra người không chỉ dạy tôi những kiến thức lý thuyết trên giảng đường, nhưng còn dạy cho tôi một bài học về giá trị của cuộc sống, cuộc sống của con người là sống tương quan, mà tương quan chỉ có ý nghĩa khi ta biết sống đồng cảm với những niềm vui, nỗi buồn của tha nhân. Qua đó, cũng cho thấy rằng mỗi cử chỉ lời nói, việc làm của ta đều có liên hệ đến người khác, cũng như mỗi lời nói, việc làm của ta phải nghĩ đến người khác. Đặc biệt trong những ngày anh em về ăn Tết với gia đình, chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến được nhiều hoàn cảnh sống của những người chúng ta gặp gỡ, hy vọng chúng ta sẽ chia sẻ với họ bằng một tấm lòng trân trọngvề tinh thần và vật chất: cùng vui với niềm vui của họ, cùng cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của họ, để từ đó mỗi người chúng ta lại càng ý thức hơn trong việc sử dụng tiền của cho những công việc chi tiêu những ngày Tết, ngõ hầu đón một cái Tết thật vui và ý nghĩa.

Thông Tin Nhà Học
114.864864865135.135135135250