10/06/2016 -

Suy Niệm

1942

Thánh tâm Chúa Giêsu không bao giờ thôi tuôn đổ lòng thương xót xuống trên chúng ta. Dù rằng có những lúc ta không thấy, không biết, nhưng chắc chắn rằng Chúa vẫn luôn ban phát lòng thương của Người cho chúng ta. Nhìn vào chặng đường lịch sử Chúa Giêsu đã hiện diện với loài người, chúng ta cùng cảm nghiệm lòng thương xót bao la nơi Thánh tâm Chúa.

Đến với nhân loại

Đức Giêsu Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế. (Pl 2,6-7)

Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng được hay có thể hiểu được chút ít việc làm lạ lùng đến là dường vậy. Một vì Thiên Chúa làm người. Bỏ đi tất cả những đặc ân vốn có để khoác vào mình kiếp sống của một phàm nhân. Như Đức Maria hỏi sứ thần Chúa: “Chuyện ấy xảy ra thế nào được?” (x. Lc 1, 34) Chúng ta cũng tự hỏi: làm sao được? Nhưng Chúa Giêsu nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” ( Mc 10, 27) Con người chúng ta không dám hy sinh quên mình để thực hiện điều gì đó chỉ mang lại ích lợi cho người khác. Giả như nó còn mang đến thiệt thòi cho bản thân nữa thì càng không thể xảy ra. Chỉ nghĩ phải hy sinh thôi đã là khó rồi huống chi thực hiện. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta gặp bế tắc. Câu xác tín của Đức Giêsu cho ta biết: Nơi Thiên Chúa, trong tình yêu Người, lòng thương xót vô bờ bến được tỏ lộ ra và tuôn trào xuống cho loài người dưới thế. Không có một động lực nào mạnh mẽ hơn ngoại trừ tình yêu có thể làm được điều đó. Chỉ có tình yêu mới có sự hy sinh, chỉ có lòng thương xót đem lại sự sống. Nơi nào không có lòng thương xót nơi đó không có ơn cứu độ.

Hoà cùng nhân loại

Cuộc đời của Đức Giêsu nơi trần thế minh chứng về lòng thương xót Chúa luôn luôn hiện diện cùng nhân loại. Người đến với tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Dù sang dù hèn, dù thánh thiện dù tội lỗi, có là hạng đĩ điếm, quân thu thuế, có là bậc khôn ngoan thông thái hay là những kẻ ngu si thất học, là người bất hạnh hay kẻ ưu sầu, là người bệnh tật bị xã hội loại trừ hay là hạng nào đi nữa, Đức Giêsu vẫn không chút ngần ngại mà đến với họ. Hơn nữa, Người còn khuyến khích họ đến với mình. Kinh thánh nói lên điều đó khi trưng dẫn nhóm Pharisiêu làm ví dụ. Người Pharisiêu đã có lần hỏi các môn đệ Đức Giêsu rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” (Mt 9,11) Hay như lời Đức Giêsu nói: “Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’”(Mt 11,19) Ngài không chỉ hiện diện mà còn sống với họ, cùng ăn, cùng uống, cùng chịu những thương tổn thể xác, tinh thần, cùng trải qua những khó khăn nơi cuộc sống trần thế. Tất cả những phép lạ Đức Giêsu làm thể hiện tinh thần đó. Nếu Thiên Chúa không đồng cảm với con người, không thương yêu con người, không xót thương con người có lẽ con người chẳng bao giờ biết thế nào là lòng thương xót.

Hy sinh tính mạng cho nhân loại

Trong bảy lời sau cùng của Đức Giêsu có đến bốn câu biểu thị lòng thương xót: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23, 34); Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng (La 23,43); Thưa bà, đây là con của Bà (Ga 19, 26-27); Thế là đã hoàn tất (Ga 19,30). Một câu nói đến đến sự cô đơn cùng cực: Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài đành bỏ con? (Mc 17,34) Một câu diễn tả sự khao khát tình yêu của con người: Tôi khát (Ga,19,28). Câu cuối cùng nói lên sự phó thác toàn vẹn nơi Thiên Chúa Cha: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha (Lc 23,46).

Bốn câu biểu thị lòng thương xót có một câu nói lên sự tột cùng của tình yêu thương “ xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Chúa Giêsu nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13) Hy sinh vì bạn hữu của mình mà đã là tình thương cao cả thì hy sinh mà còn tha thứ cho kẻ thù mình, cho những người đã giết mình, đóng đinh mình vào thập giá thì tình thương đó còn cao cả đến đâu. Chúng ta không thể đong đếm được bởi lẽ chính “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Thế nhưng, chúng ta không dừng lại ở đó mà bi quan. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy “yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Nhờ tình yêu, chúng ta mới có thể mở lòng mà đón nhận anh chị em của mình, đón nhận cuộc sống đầy bất công ngày hôm nay.

Tuôn tràn lòng thương xót cho nhân loại.

Phải chăng Thiên Chúa chết thì lòng thương xót ấy cũng vì thế mà mất đi? Không, không những mất đi mà còn bùng nổ và lan toả mạnh mẽ hơn. Sự phục sinh của Đức Giêsu cho thấy tình yêu của Chúa Cha yêu thương Chúa Giêsu đã cho Người sống lại từ cõi chết và còn cho Người lên trời ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Và sứ vụ tình yêu nơi Đức Kitô được toàn vẹn nhờ cái chết và sự phục sinh của Người đã tuôn tràn lòng thương xót xuống trên loài người dưới thế. Nhơ Chúa Giêsu xuống thế làm người, chúng ta được làm con của Chúa. Nhờ ơn cứu độ, con người cảm nếm được tình yêu Chúa. Nhờ tình yêu mà cánh cửa thiên đàng được mở ra sau khi bị đóng lại do nguyên tổ phạm tội, con người xa ngã được cứu vớt. Nhờ những bí tích Đức Giêsu thiết lập cho Giáo hội và trao năng quyền cho Hội thánh, con người được sống trong ân sủng Chúa. Nhờ Chúa Giêsu về trời và sai Chúa Thánh Thần xuống, con người mới được thánh hoá để trở nên thánh. Và nhờ Lòng thương xót Chúa mà con người hiểu và biết được lòng thương xót Chúa vô biên biết dường nào.

                                                                        Jos. Thái Nguyễn

114.864864865135.135135135250