17/05/2024 -

Suy Niệm

1198

 
_Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P._

Nhập Đề

Ngày ấy, trong cuộc hành trình truyền giáo lần III, thánh Phaolô đến Ephêsô và gặp một ít môn đồ của Gioan, ngài hỏi họ: Khi tin đạo, các ông có chịu lấy Thánh Thần không? Họ đáp: ngay việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng không nghe nói (Cv 19,3).

Ngày nay, chắc chúng ta không đến nỗi ngỡ ngàng như các môn đồ ở Êphêsô khi nghe đến hai tiếng “Thánh Thần”, ai cũng đã chịu phép Thêm Sức, và do đấy cũng đã được nghe nói đến tên Thánh Thần.

Nhưng có lẽ từ đó trở đi, sau cái ngày được vị Giám Mục vỗ nhẹ vào má một cái, và xức dầu trên trán, ta rất ít nghe đến tên Thánh Thần. Để rồi, do tuổi trẻ mau quên, và cũng do không được học kỹ, dần dần ta đã quên Chúa Thánh Thần.  Thực  vậy,  chắc  chẳng  có  ai  trong  chúng  ta  khi  chịu phép Thêm Sức đã nhìn thấy Chúa Thánh Thần, hay nhận ra rõ rệt ơn Chúa Thánh Thần (x.Ga 3,8); và sau đó ít được nghe nhắc đến, chúng ta đã bỏ quên Chúa Thánh Thần, coi như Người chẳng can dự gì đến cuộc sống của ta vậy.

Lâu dần, chúng ta đi đến tình trạng không đến nỗi chối bỏ sự hiện diện của Thánh Thần, nhưng rất ít cầu nguyện, tâm sự với Người, có lẽ ta “chỉ cầu nguyện Thiên Chúa vì lòng kính sợ và Ngôi Hai vì lòng yêu mến, còn Ngôi Ba bỏ quên”. (Frank Duff) Như vậy là một thái độ biết, nhưng đã biết để đấy, đúng như Đức Pio XI đã cảnh cáo: Nhiều người dường như không biết Chúa Thánh Thần, họ nhắc đến Người trong các việc đạo đức, nhưng với lòng tin rất ít sáng suốt (Divinum Illud Munus).

Vì thế, sự tìm hiểu về Thánh Linh, về Ngôi Ba Thiên Chúa, cũng như hoạt động của Người nơi mỗi cá nhân cũng như trong toàn thể cộng đồng là một điều cần thiết, và khấn cấp hơn bao giờ hết. Sự tìm hiểu này được đặt nền tảng trên sách Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca, là cuốn sách đã được mệnh danh là Tin Mừng của Thánh Linh. Hy vọng rằng, nhờ sự tìm hiểu về Chúa Thánh Linh cũng như các hoạt động của Người trên các Tông Đồ và Hội Thánh sơ khai sẽ giúp ta, những người đã quên Chúa Thánh Thần, có một lòng tôn kính và tin tưởng hơn ở Đấng đã được Chúa Kitô sai đến để tiếp nối công cuộc của Người.

I. Chúa Thánh Linh là ai ?

Sau khi được tôn vinh trong cuộc Thương khó và Phục sinh, trước khi về trời, Chúa Kitô đã căn dặn các Tông Đồ đừng rời xa Giêrusalem, trước khi đón nhận Thánh Linh, là ân sủng tuyệt vời Chúa Cha đã hứa ban (Cv 1,5).
Vì thế, sau khi Chúa về trời, tất cả các hành động hình như đều được sửa soạn, đều quy về việc đón tiếp Chúa Thánh Thần hầu thực hiện những công nghiệp của Chúa Cứu Thế cho nhân trần. Các Tông Đồ luôn ghi nhớ những lời trăn trối của Chúa Kitô trước khi về trời và vẫn ở lại Giêrusalem (Cv 1,12), họp nhau tại nhà tiệc ly để tĩnh tâm và cầu nguyện với Đức Maria (1,13-14).

Việc chuẩn bị đã xong – ngày phải đến đã đến. Khi các ông đang cầu nguyện, thì từ trời cao một tiếng ào ào như cuồng phong thổi đến, vang dậy cả nhà, và những lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi người, và hết thảy họ được tràn đầy Thánh Thần (2,1-4).

Lời hứa, lời bảo đảm của Chúa Kitô đã được thực hiện, ân sủng đặc biệt của thời truyền giáo đã được ban xuống, hầu các Tông Đồ có đủ sức mạnh để bắt đầu và hoàn thành sứ mạng chứng nhân của mình như Đức Kitô đã truyền (Cv 1,5-8).

Thực thế, qua cơn gió dữ dội, như Ruah của Cựu Ước, tượng trưng cho một sự thay đổi toàn diện, và lưỡi lửa biểu tượng cho ân sủng nhất là ơn đi rao giảng, Chúa Thánh Linh đã biến đổi hoàn toàn con người các Tông Đồ như chúng ta sẽ thấy ở phần sau.

II. Hoạt động của Chúa Thánh Thần trên cá nhân

a) Hẳn chúng ta còn nhớ trước đây các Tông Đồ yếu ớt, nhút nhát, chậm hiểu đến nỗi Chúa Giêsu, khi còn sống, đã phải lấy hết uy tín để giữ các ông lại. Bây giờ, sau khi nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần, các ông hăng hái, bạo dạn rao giảng danh Chúa Kitô cho mọi người theo như ơn Thánh Thần đã ban (2,4). Dân chúng phải lấy làm ngạc nhiên vì   họ thấy những người vô học lại ăn nói lưu loát, lý lẽ đàng hoàng (4,13). Và họ càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy các ông ăn ở dạn dĩ, chẳng sợ gì đòn vọt, đe dọa (5,40). Các ông hân hoan trong sức mạnh Thánh Linh, như Phêrô đã làm trước đám đông người Dothái và các tân tòng (2,5-6) ; cũng như sau này sẽ còn can đảm trước công nghị Dothái. Các thù địch của ông Têphanô không thể nào đối đầu lại với sự khôn ngoan và Thánh Thần làm cho ông nói (6,10). Cũng nhờ Thánh Linh, mà thánh Phaolô, sau khi trở lại, đã mạnh dạn giảng danh Chúa đến nỗi các người Dothái đã âm mưu hại  ngài  (Cv  9).  Tuy  vậy,  vị  Tông  Đồ  của  Chúa  vẫn  không ngại ngùng, không lo sợ gì cả. Vì đã có Thánh Linh phù hộ, ngài lớn tiếng tố cáo tên tiên tri giả, dám cướp quyền của Thánh Linh (13,9-12) và luôn tỏ ra mình là con người hào hùng vì đã theo thánh ý Chúa (13,46).

Các lời giảng, các hoạt động của Tông Đồ còn được phù trợ bởi các phép lạ Thánh Linh đã làm (5,12). Các tín hữu bệnh tật chờ đón các ngài mong được chữa lành (5,15), điển hình nhất là việc người cùi được chữa khỏi (3,7).
Tất cả những ơn ấy như rao giảng, mạnh bạo…đều do Thánh Linh ban xuống, như xưa Người cũng đã dùng miệng các ngôn sứ mà loan báo (4,25) và (28,25) để ngày nay cũng có các ngôn sứ báo những việc sẽ đến như Agabô (11,28) – 21,(11-12) ở Antiôkia (13,1) ở Giêrusalem (15,32) và ở Xêsarê (28,9).

Ơn ban của Thánh Linh thật nhiều, các Tông Đồ vẫn luôn tâm niệm như thế nên các ngài vẫn luôn quay về với Thánh Linh hầu tìm nguồn trợ lực, như ông Têphanô, trước khi chết (7,55) vì Thánh Linh chính là nguồn hoan lạc và vui mừng (13,52).

b) Đó là hoạt động của Thánh Thần trên các Tông Đồ Chúa, còn với các tín hữu sơ khai thì sao ?

Không phải ơn Thánh Thần chỉ ban trong ngày hiện xuống, nhưng còn ban trong nhiều dịp khác nữa, chẳng hạn như Corneliô (10,46). Nói chung, không phải chỉ ban cho kẻ này mà thôi, nhưng còn ban cho tất cả những kẻ được Thiên Chúa kêu mời (Cv 2,38-39).

Tác giả Luca luôn cho ta cái cảm tưởng rằng: sự thanh tẩy bằng nước chưa đủ, còn phải thanh tẩy bằng Thánh Thần nữa. Thiếu Thánh Thần, cuộc sống tín hữu không thể nào hoàn bị được. Vì thế, khi chọn 7 tá viên để lo giúp việc các Tông Đồ, những người được chọn là những người đầy Thánh Thần tức là những người có óc khôn ngoan, dũng mạnh, sáng suốt và hăng hái nhiệt thành…Bình thường Thánh Linh chỉ ngự xuống khi chịu phép rửa, nhưng Chúa Thánh Linh còn đi trước, Người mở lòng dân ngoại để họ đón nhận Tin Mừng (trường hợp Corneliô 10,44 ; 11,15)

Vậy ơn Thánh Thần là ơn thiết yếu cho mọi tín hữu.

III. Thánh Linh và Giáo Hội

Đi xuyên qua những sự kiện lẻ tẻ trên các cá nhân ấy, ta sẽ thấy Chúa Thánh Thần luôn hoạt động cho việc mở rộng nước Chúa mà Hội Thánh phải tiếp tục. Nói thế, vì Thánh Thần là một sức mạnh hiệp nhất mọi chi thể thành một thân thể duy nhất, một cộng đồng duy nhất. Có thể vì mỗi người là một viên đá, vì Giáo Hội là ngôi nhà, còn Thánh Thần như xi măng liên kết các viên đá lại với nhau. Do vậy, Thánh Thần luôn hoạt động cho công ích, Người có ban cho người này ơn rao giảng, người kia ơn tiên tri… cũng chỉ là để mưu cầu cho danh Chúa.

Với sách Công vụ Tông đồ, ngày lễ Hiện xuống được coi như ngày của sự tái thiết, của sự hợp nhất của dân Chúa đã mất tại tháp Babel, hầu mọi người đều được nghe Phúc Âm theo tiếng nước mình, là Giao ước Sinai được nhắc lại, để mọi dân biết và tin vào sự sống lại (Cv 2).

Sau đó, Công vụ Tông đồ cho ta vài hình ảnh của cộng đồng đầu tiên dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của Thánh Linh. Họ cùng nhau hội họp cầu nguyện, chung sống, một lòng một trí với nhau (4,32). Họ lại đặt hết mọi của cải dưới chân các Tông Đồ. Chỉ có lòng tin, lòng mến đã được Thánh Linh  ban,  mới  có  thể  làm  cho  họ  sống  như  vậy  được.  Họ càng tin tưởng hơn nữa sau khi thấy vợ chồng Khanania gian dối, chống lại Thánh Linh bị phạt (Cv 5).
Chỉ với một đoạn ngắn, thánh Luca đã cho thấy sự hoạt động mạnh mẽ của Thánh Thần vì bản tính của Người là động, là sống, hay đúng hơn, theo như truyền thống sau này của Giáo Hội, gọi Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Vì cũng như linh hồn của xác, Người điều khiển, tác động và hợp nhất Giáo Hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban các  phẩm  trật  và  các  ơn  đặc  sủng  khác  nhau  để  Giáo  Hội thành một thân thể sống động và tăng trưởng (CĐ Vat II Hiến chế về Giáo Hội số 4).

Ngoài việc củng cố Giáo Hội đầu tiên ở Giêrusalem, Chúa Thánh Thần còn hoạt động truyền giáo luôn dùng những phương thế khai nhãn để theo sát và hướng dẫn công cuộc này (Ad Gentes 4). Thánh Thần đã hướng dẫn Philipphê đến cắt nghĩa Kinh Thánh cho viên hoạn quan (8,29), cũng như trước đó ông đã được sai đến Samari để chứng thực Đấng Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng đã chết và Phục sinh (8,12). Cũng vì lợi ích cho các linh hồn, mà Phêrô đã được thúc đẩy để đi đến với gia đình Corneliô ở Xêsarê để thanh tẩy cho họ (10,19) ; (11-12).

Phúc Âm không chỉ được rao truyền trong nước Dothái hay vài xứ lân cận, nhưng còn phải được rao truyền trên mái nhà, đến tận cùng trái đất, vì vậy mà Phaolô và Barnaba đã được Thánh Linh chọn riêng (13,2-4) để đến với các anh em dân ngoại. Tuy thế, cũng có người cần được rao giảng trước, nên trong cuộc hành trình truyền giáo lần 2. Phaolô đã được Thánh Linh linh ứng được đến giảng đạo ở Tiểu Á (16A) mà hãy đến Macedônia.
Những trường hợp khó khăn cũng luôn có sự hiện diện của Thánh Linh. Thánh Phêrô cũng như các Tông Đồ đâu có khi nào nghĩ đến việc nhận người ngoại vào Giáo Hội, thế mà nhờ Thánh Linh họ đã làm việc đó cho Corneliô (10,19; 11,12). Sau này, nhờ Thánh Linh khai mở một con đường rộng rãi, các Tông Đồ trong Công đồng Giêrusalem đã quyết định nhận các người ngoại mà họ không phải giữ luật Môsê (15,25) hầu việc giảng dậy được dễ dàng hơn.

Một vài sự kiện trên cho ta thấy, nếu như trong Tin Mừng, thánh Luca đã nhấn mạnh đến sự tác động của Thánh Linh trong cuộc đời thơ ấu và công khai của Chúa Giêsu thế nào, thì trong Tông đồ Công vụ, tác giả cũng cho thấy tất cả việc bành trướng mau lẹ của Giáo Hội sơ khai cũng là do sức Chúa Thánh Thần. Và ta có thể cùng với Công đồng Vatican II xác nhận rằng : Chúa Thánh Thần là linh hồn làm sống động các tổ chức, và đổ vào lòng tín hữu tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy Chúa Kitô (Đến với muôn dân).

IV. Điều kiện để đón nhận Chúa Thánh Thần

Trong bài diễn văn đọc sau khi lãnh nhận Thánh Linh, thánh  Phêrô  giải  thích  lời  ngôn  sứ  Gioen,  và  xác  nhận  lời tiên tri này đã ứng nghiệm (2,16-21). Theo đó, Thánh Thần được ban cho tất cả mọi người, dù Người chỉ hiện xuống hữu hình trên các Tông Đồ, nhưng không vì thế mà ân sủng chỉ giới hạn trong số người sơ khai này, nhưng còn thông ban cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô. Vị thủ lãnh cũng đưa ra điều kiện: muốn nhận Thánh Linh, phải tin, sám hối và chịu thanh tẩy (2,38). Sau khi họ đã tin và chịu thanh tẩy, các Tông Đồ đặt tay và họ được tràn đầy Thánh Thần.

Một vấn đề nho nhỏ được đặt ra ở đây là : phải chăng ơn Thánh Linh chỉ đi liền theo nghi thức đặt tay ?

Tông đồ Công vụ rất ít nói đến trường hợp được ban Thánh Thần mà không được đặt tay. Trường hợp hiện xuống tại nhà Corneliô chỉ là một trường họp ngoại lệ. Bình thường cũng chỉ nói trống : họ chịu thanh tẩy nhân danh Chúa Kitô và được Thánh Linh. Các người Samari được viên phó tế Philipphê thanh tẩy, đã nhận Thánh Linh khi hai Tông Đồ Phêrô và Gioan đặt tay trên họ (8,15-16). Cũng thế, thánh Phaolô đặt tay trên các môn đệ của Gioan ở Êphêsô và họ được ơn Thánh Thần (19,6).

Trường hợp thánh Phaolô, hình như trong khi thanh tẩy ngài đã nhận được Thánh Linh (9,17-18). Thật khó mà tin rằng những người chịu phép rửa phải đợi trông các Tông Đồ đến đặt tay để ban ơn Thánh Thần. Ơn mà sự đặt tay đưa lại, là Thánh Thần của ân sủng, do đó chỉ có các Tông Đồ có thể thông dự vào các tác động thêm sức này của Thánh Linh. Chính vì thế mà khi phù thủy Simon dâng tiền để xin ban quyền đặt tay, thánh Phêrô đã cảnh cáo : không thể lấy tiền bạc mà mua tậu ơn của Chúa (8,18…) chỉ có các Tông Đồ là những người đã đón nhận Thánh Linh trong ngày Phục Sinh (Ga 20,12) và trong ngày hiện xuống  được ban  thêm để các ngài có thể hoàn tất sứ mạng chứng nhân của mình. Như vậy, ơn sủng của Thánh Linh tạo thành một biến cố để đi đến với toàn thể nhân loại, mở rộng đời sống Giáo Hội và dẫn đưa nhân loại đến với Thánh Linh.

Kết Luận

Giáo Hội hôm nay vẫn đang tiến triển, vẫn đang tiến bước dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Lời hứa của Chúa Kitô « Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế » vẫn vang lên giữa lòng Giáo Hội qua sự hiện diện của Thánh Linh vì Chúa Thánh Thần đã đến và Người không về trời. Hơn lúc nào hết, hôm nay đây, Thánh Thần đang hướng dẫn Giáo Hội : điển hình là công cuộc canh tân trong Giáo Hội. Tương tự như Giáo Hội sơ khai, Giáo Hội của thời hậu Công Đồng đang nỗ lực thực hiện sự hiệp nhất, đang cố gắng mở rộng vòng tay đón nhận những giáo hữu ly khai, những kẻ vô tín lẫn vô thần. Giáo Hội đang tiếp tục sứ mạng đập phá tháp Baben của thời cũ hầu tạo nên một cộng đồng duy nhất qua việc sẵn sàng duy trì và mở rộng những mối liên lạc vẫn có, hầu thực hiện trọn vẹn sứ mạng của mình.

Công cuộc truyền giáo công khai của Giáo Hội đã được bắt đầu trong ngày lễ Hiện xuống, ngày nay vẫn còn tiếp tục, Hội Thánh hôm nay đang cố gắng đến với muôn dân bằng hành động, lời nói hầu rao giảng danh Thánh Đức Kitô cho thế gian.

Cũng tương tự như các giáo hữu của thời đầu, các tín hữu của thế kỷ XX vẫn cầu xin Chúa Thánh Thần và hôm nay đây, họ vẫn hoạt động dưới sự trợ lực của Thánh Linh, cũng cầu nguyện cho sự hợp nhất của nước Chúa.

Để kết thúc bài này, chúng ta có thể trích lại đây một đoạn văn của thần học gia nổi tiếng Karl Rahner trong cuốn sách Te rencontrer chaque jour, tiêu biểu cho các hoạt động của Thánh Thần.

“Có Thánh Thần là dấu chứng đặc biệt của người tín hữu.
Người lấp đầy những vực sâu thăm thẳm của đời sống, Người là sức sống trong ta, giúp ta thắng vượt tử thần.
Người là nguồn hạnh phúc vô biên làm khô cạn lệ sầu.
Người là Thiên Chúa trong ta, là sự thánh thiện của con tim, là nguồn hoan hỷ nội tâm, là sức mạnh diệu kỳ luôn bền vững trong khi tâm trí và sức lực ta hao mòn.
Người ngự trong ta, nâng đỡ đức tin và dạy dỗ ta trong lúc bé bỏng và mù tối.
Người là hy vọng nâng đỡ ta trong cơn tuyệt vọng – là nguồn tình yêu đã yêu thương ta và cho ta biết yêu kẻ khác.
Người biến cả trái tim hẹp hòi, khô cằn của ta thành một trái tim quảng đại và vui tươi.
Người là tuổi xuân vĩnh cửu trong khi tuổi già vẫn đè nặng trên thời đại.
Người là niềm cậy trông, là nụ cười, là tự do và hạnh phúc của hồn ta.
Nhờ Thánh Thần, chúng ta trở thành những người mà chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ tới”.

 
Sách tham khảo: Dictionnaire Biblique, Nouvelle introduction à la Bible.
114.864864865135.135135135250