Kinh mừng Maria đầy ơn phúc… Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…
Lời kinh đơn sơ giản dị nhưng đẹp đẽ, những lời kinh ngắn gọn nhưng súc tích, thâm trầm, như những hạt kim cương Được tạo nên từ từ do sự nhẫn nại của nhân loại và cả địa cầu…
* Một điệp khúc cho Mẹ
Đức Maria, con người thầm lặng. Vâng, hình như Mẹ thích vậy. Mẹ nghe nhiều, nói ít. Hồi Mẹ nói nhiều nhất, là hồi mà mấy đoạn đầu của Tin Mừng Luca ghi lại. Hôm thiên sứ đến truyền tin, Mẹ thật bỡ ngỡ xao xuyến cả cõi lòng, đến nỗi thoạt đầu cứ ngẩn ngơ chẳng còn biết nói sao, chẳng biết190 Một Thời Mục Vụ phải có phản ứng gì? Đến khi thiên sứ nói rõ hơn, thì như một nữ trinh vừa giỏi lại vừa ngoan, Mẹ đưa tay thắc mắc một vài điều ngắn gọn và cốt yếu. Được giải đáp rồi thì liền xin vâng”, “Này tôi là tôi tá Chúa. Điều Người phán dạy, nguyện xin cho được thành sự nơi tôi”. (Lc 1,38) Sau đó, là bài ca Magnificat. Tất cả niềm vui trong lòng người thiếu nữ trào ra như suối nguồn, như thác dữ, một thoáng ấy để cho ta thoáng hiểu cả chiều cao ngút ngàn của tâm hồn nép mình trong thân phận khiêm nhu người nữ tì của Thiên Chúa.
Rồi từ bài ca đó trở đi, yên lặng là phần của Mẹ. Nói gì được với Giêsu về những điều lạ lùng xảy ra đó? Mẹ mang trong lòng một huyền nhiệm không thể “chia sẻ” được, ngay cả với người thân thiết nhất trần gian này, trừ khi chính Thiên Chúa ban cho sự hiểu biết trong Thánh Thần. Và Thiên Chúa đã chờ cho hoàn cảnh éo le kéo dài, chín mùi, tới mức sắp gây nên sự đổ vỡ tan hoang giữa 2 con người tốt nhất trong nhân loại rồi mới mở đường, mới giải phóng. Mẹ đã yên lặng đi qua suốt cuộc khủng hoảng não nuột ấy. Như thế, vì đó là cơn đau để sinh ra con người mới, nhân loại mới, thế giới mới, được xây dựng trên lòng tin yêu phó thác vào Thiên Chúa.
Mẹ đã vẫn yên lặng trong phận hèn của kẻ nghèo, mà một mệnh lệnh của ông hoàng đế ở Roma có thể làm cho biến thành vất vưởng, tất bật trên đường trở về một chốn quê hương đã trở nên xa lạ. Mẹ đã bơ vơ, bị hất hủi màn trời chiếu đất trong đêm sinh con. Và “bà đã sinh con đầu lòng, và lấy tã vấn con mà đặt nằm trong máng cỏ, bởi vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ.” (Lc 2,7)
Luca có một điệp khúc mỗi khi nói về Đức Mẹ: “Maria giữ kỹ các điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19-51) Suy đi nghĩ lại về những điều giữ kỹ trong lòng chứ không phải là tuyên bố điều gì chấn động thế gian. Mẹ đã như thế trong đêm giáng sinh nghèo xác xơ theo tiêu chuẩn người đời, mà giàu sang huy hoàng theo lối nhìn của các thiên thần và lũ mục đồng khốn khổ.
Mẹ lại cũng như thế sau những ngày hớt hải vì lạc con Này con, tại sao con làm thế? Này cha mẹ phải đau khổ tìm con.”
- Tìm con làm gì? Không biết là con phải ở nơi nhà cha con sao?
Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói… Và rồi lại điệp khúc “Mẹ Người giữ kỹ hết các điều ấy trong lòng” (Lc 2,4-51). Trời ơi, thế thì suy nghĩ biết bao nhiêu cho vừa, biết bao giờ mới xong. Vì Mẹ đã sinh ra một người con là “đường, là sự thật và sự sống” (Ga 14,6). Đường thì dài lắm, sự thật thì vô tận và sự sống mãi mãi mới lạ diệu kỳ.
Cứ như thế, Đức Mẹ đã đi con đường của mình. Một bóng dáng thầm lặng, ít điều, ít lời. Nhưng sự yên lặng ấy không trống rỗng, mà là sự yên lặng của một cõi thâm sâu đón nhận rất nhiều trầm tư và yêu mến rất nhiều. Trong cái yên lặng ấy hoàn thành một sự sống vĩ đại của tâm hồn.
- Họ hết rượu rồi.
- Này bà, giữa tôi và bà, có việc gì đâu. Giờ tôi chưa đến.
- Người có bảo gì, thì hãy làm theo. (Ga 2,3-5)
Những kẻ thân thuộc của Đức Giêsu ra đi để bắt Người, vì họ bảo Người mất trí…Mẹ Người và anh em Người đến đứng ở vòng ngoài…
- Thưa Thầy! có mẹ Thầy và anh em Thầy đang tìm Thầy ở ngoài kia!
- Ai là mẹ Tôi và là anh em Tôi? Ai làm theo ý Thiên Chúa, người ấy là anh chị em và là Mẹ Tôi. (Mc 3,21-31-35)
Thêm những lần bỡ ngỡ không hiểu, nhưng lại thêm những lần ghi nhớ trong lòng và suy nghĩ.
Và cứ như thế, tình nghĩa ruột thịt dần dần vươn lên để trở nên chính mình hơn nữa, trở nên tình nghĩa trong Thiên Chúa, như đã có từ thuở ban đầu xin vâng trong ngày truyền tin. Con đường ấy sẽ đi qua sự đau khổ cực kỳ không tránh khỏi. Thế gian sẽ ca tụng con của mẹ vì được ăn bánh, vì được xem phép lạ, vì được nghe lời nói ngọt, vì những tham vọng phàm tục. Suốt thời gian ấy Mẹ chỉ “đứng vòng ngoài”.
- Rồi một ngày đen tối, thiên hạ phủi tay, la lối dữ tợn “đóng đinh nó đi”. Lúc ấy chẳng còn vòng ngoài, vòng trong đã bỏ đi mất, còn một vòng duy nhất, với vài người hiếm hoi: “Đứng bên khổ giá Chúa Giêsu, có Mẹ Người và người chị em của mẹ Người…”. Hỡi bà, này là con bà – Này là mẹ con… (Ga 19,25-27).
Nỗi đau gieo vào lòng người mẹ bơ vơ từ đêm giáng sinh nay đã mọc, đã lớn, đã lên đến cực độ. Từ nỗi đau trong đêm sinh đứa con đầu lòng ấy, nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc (Rm 8,22). Mẹ đã đóng góp phần máu thịt của mình vào công việc lạ lùng của Thiên Chúa, gây dựng một nhân loại mới, một nhân loại được cứu độ, nơi Đức Giêsu Kitô” – “Người là Đầu của thân mình, tức là Hội Thánh – Người là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân… (Cl 1,18). Cho nên Mẹ đã phải có mặt trên núi Sọ: đau đớn để rồi vui mừng (Ga 16,21-22).
Có một ngày Thánh Thần đã xuống trần gian, để làm cho con người Giêsu thành hình trong lòng một trinh nữ. Rồi lại có một ngày, chính từ nơi thân mình của người con của trình nữ, nay đã phục sinh từ cõi chết, Thánh Thần đã được đổ chan hòa trên thế gian để thành hình Hội Thánh, đích thật là thân mình mà Đức Kitô là Đầu (Ep.1,22-23) và trong những ngày Thánh Thần đang cưu mang thân mình ấy, ta lại gặp một bài lần cuối cùng trong Kinh Thánh, người trinh nữ của ngày truyền tin năm xưa đang cầu nguyện. “Hết thảy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và Maria, mẹ Đức Giêsu.” (Cv 1,14)
Chặng đường Đức Maria đã đi qua thật dài và thật lạ lùng, vượt qua mọi điều người ta có thể hình dung. Thật sự đó là một cuộc “vượt qua” thần kỳ, từ những ngỡ ngàng ban đầu đến những cùng cực khủng khiếp. Và xuyên qua cái tận cùng đen tối của thập giá, đến niềm vui, đến ánh sáng và bình an của phục sinh, của Thánh Thần. Nếu ta muốn biết tâm trạng của Mẹ ra sao từ thập giá đến phục sinh đau khổ thế nào, bàng hoàng tan vỡ thế nào, chết đi sống lại thế nào, bình an chan hòa thế nào, ta sẽ thất vọng. Bởi vì Mẹ đã yên lặng mà đi vào tận cùng của mầu nhiệm thập giá, đã yên lặng mà hội ngộ với mầu nhiệm phục sinh rạng rỡ. Ta gặp Mẹ lần đầu khi Đức Giêsu là con người mới giáng sinh. Ta gặp Mẹ lần cuối khi Hội Thánh, là nhân loại mới, được tái sinh. Từ lần cầu nguyện này đến lần cầu nguyện kia, tất cả mầu nhiệm cứu độ đã được diễn ra, trong đó ta gặp mẹ như một bóng dáng lặng lẽ âm thầm. Đức Giêsu, từ lời nói, việc làm, sự chết đến sự sống lại, luôn luôn là một tiếng nói cao vút kỳ diệu, là lời tạo nên sự sống. Đức Maria luôn là một sự đón nhận trong cõi thầm lặng thẳm sâu của tâm hồn. “Ai làm theo ý Thiên Chúa, người ấy là mẹ Tôi” (Mc 3,35). Phúc cho người, kẻ đã tin mọi điều Chúa truyền phán cho người sẽ được viên thành (Lc, 1,45).
* Và điệp khúc của tôi
Maria đơn giản quá!
Maria thầm lặng quá!Và Maria cũng cao cả quá!
Mọi lời nói với Mẹ đều thiếu sót, đều không đủ ý nghĩa!
Trong sự yên lặng tuyệt vời ấy, chắc hẳn mẹ cũng mong muốn mỗi người chúng ta đến với Mẹ bằng sự yên lặng, thứ yên lặng của tâm hồn trần đầy yêu mến.
Trong sự đơn giản ấy, Mẹ cũng mong muốn mỗi người chúng ta đến với Mẹ bằng lời kinh ngắn gọn, được đọc lên với tâm tình phó thác tin yêu.
Kính mừng Maria,
Hãy đọc lên, đọc mãi, như điệp khúc của mỗi người dâng kính Mẹ, và cùng với Mẹ, yên lặng bước đi trên hành trình cứu độ.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô